Lời Ngỏ Từ Cõi Tâm Linh

Chương mười lăm. Thượng đế và tôn giáo



Họ nói với tôi có rất nhiều Thượng đế, vì Thượng đế luôn ở trong mỗi người chúng ta.

Chỉ có một tôn giáo duy nhất và đó là tình yêu.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng đấng Tối cao là nguyên cớ, là đấng cha lành, là đấng tạo hóa của vũ trụ. Rằng Người phủ đầy vạn vật, không chỉ với tư tưởng của Người mà còn với bản chất của Người.

Bản chất của Người không hề cạn kiệt. Người ở trên cao và khỏi tầm tay với.

Chúng ta có thể nói rằng duy chỉ sức mạnh của Người nằm trong vũ trụ. Nhưng ngay khi Người ở trên mọi sức mạnh, Người vẫn bao phủ chúng.

Những gì sức mạnh của Người thực hiện, là do chính Người thực hiện.

Thỉnh thoảng, trong những lá thư, tại các buổi hội thảo, hoặc những cuộc gọi trực tiếp trên đài trong những buổi trình chiếu, người ta thường hỏi tôi Thượng đế ở nơi nào trong bài viết của tôi. Tôi lấy làm ngạc nhiên, bởi vì Thượng đế ở khắp mọi nơi trong các bài viết, không chỉ được nhận dạng bằng tên Thượng đế, nhưng theo nhiều cách khác nhau. Mỗi lần bạn tìm thấy chữ tình yêu, có nghĩa là tôi đang nói đến Thượng đế. Chúng ta đều có Thượng đế nằm trong trái tim mình.

Dường như rất lạ khi nghe nhà tâm thần học nói về Thượng đế và tình yêu. Tuy vậy, tôi vẫn phải nói, bởi vì nền tảng của tâm lý liệu pháp về mặt tâm linh đòi hỏi sự nhận dạng tính thánh thiện của chúng ta, bản chất thật của linh hồn chúng ta, và mục đích đúng đắn của sự tồn tại trong hình thái con người nằm ở đây. Chỉ trong cách này, chúng ta mới nhìn thấy một hình ảnh lớn hơn.

Không có tình yêu thương và không có Thượng đế thì chẳng có gì tồn tại.

Thượng đế không yêu cầu chúng ta tôn sùng Người. Chúng ta cứ khăng khăng nhân cách hóa Thượng đế cho dù chúng ta biết Người ở rất xa, thậm chí vượt khỏi những khái niệm của chúng ta.

Thượng đế không có giới tính. Một hiện thân khác.

Thượng đế không có tôn giáo. Trong trái tim, tất cả chúng ta đều biết rõ như vậy.

Thượng đế không có giai cấp, dòng dõi.

Thượng đế là tất cả, năng lực yêu thương, trí tuệ vượt trội, quyền năng và phẩm chất không thể biết được. Chúng ta do Thượng đế cấu thành, bởi vì Thượng đế hiện hữu trong mỗi chúng ta, thực chất trong sự tồn tại của chúng ta.

Thượng đế nằm ngoài hơi nước, một loại bao gồm tiềm lực của nước, một loại bao gồm cả nước đá.

Thượng đế không thể nhìn thấy được, không thể nhận ra được còn bao hàm cả tiềm lực của mọi thứ.

Có một câu chuyện khôi hài về người đàn ông mộ đạo, cuộc sống của anh ta đang bị đe dọa trong trận lụt. Nước luôn dâng cao rất nhanh, anh ta phải trốn tránh trên mái nhà.

Nước vẫn cứ dâng cao.

Cuối cùng thì thuyền cứu hộ cũng đến cứu anh ta khỏi mái nhà. Cảnh sát cứu hộ la lớn:

– Nhảy lên thuyền nhanh lên.

– Không. Cả đời tôi sống là người nhân đức, mộ đạo. Thượng đế sẽ bảo vệ tôi. Viên cảnh sát nói:

– Đừng có ngớ ngẩn nữa. Nhảy lên thuyền nhanh lên. Nước đang dâng cao kìa, ông sẽ gặp nguy hiểm đó.

Người đàn ông cứ từ chối, rồi thuyền rời đi.

Nước tiếp tục dâng. Lần thứ hai thuyền cứu hộ lại đến, lần thứ hai người mộ đạo từ chối. Anh ta khăng khăng, nói rất tự tin:

– Thượng đế sẽ bảo vệ tôi.

Thuyền thứ ba cũng lại phải bỏ đi, lo cứu người khác.

Rất nhanh sau đó, nước lũ nhấn chìm toàn bộ ngôi nhà, và dĩ nhiên cả mái nhà. Người mộ đạo chết chìm.

Trên thiên đường anh ta đối diện với Thượng đế.

Thắc mắc tại sao Thượng đế không cứu mình, anh ta lớn tiếng than trách:

– Cả cuộc đời con luôn tôn thờ, sùng bái. Con luôn làm theo mọi điều răn. Con đã dâng cúng rất nhiều. Và chỉ một lần duy nhất con yêu cầu, sao Người lại bỏ rơi con!

Thượng đế giải thích:

– Nhưng ta đã gởi ba chiếc thuyền cứu hộ đến, tại sao con không chịu lên thuyền?

Hàng thiên niên kỷ qua, Thượng đế và tôn giáo luôn bị loài người hiểu lầm, xuyên tạc, và nhào nặn có chủ ý. Tên của Thượng đế có lẽ là biểu tượng tối thượng của hòa bình, yêu thương, từ bi đã bị kêu gọi cho các cuộc chiến vô tận, những cuộc tàn sát khủng bố, diệt chủng. Thậm chí giờ đây, một thế kỷ hai mươi mốt đã mở ra, những cuộc “thánh” chiến vẫn còn làm nhiễm độc hành tinh của chúng ta như bệnh dịch thời Trung cổ. Làm sao mà chiến tranh lại có thể gọi là thánh chiến? Đây là một từ ngữ nghịch lý, một phép nghịch hợp ghê rợn, một tội lỗi thuần chất, được che đậy ngụy tạo bởi một sự hợp lý hóa hấp dẫn.

Thượng đế là hòa bình, là lòng nhân ái. Chúng ta quên đi điều đó, bởi vì chúng ta được tạo ra trong một hình ảnh thánh thiện, Thượng đến nằm trong tim ta, và vì vậy, chúng ta cũng là những sinh vật của hòa bình, của yêu thương, và của sự thánh thiện. Chỉ có một tôn giáo duy nhất, vì chỉ có một Thượng đế duy nhất, Thượng đế trong tất cả chúng ta. Chúng ta phải biết yêu thương lẫn nhau, vì tình yêu là con đường trở về nhà. Nếu không, giống như những đứa học trò ngỗ nghịch, chúng ta sẽ phải ở lại lớp, cho đến khi nào chúng ta thuộc lòng bài học yêu thương.

Chỉ bằng cách loại bỏ nỗi sợ, bằng cách nhìn con người khác tôn giáo bình đẳng như chúng ta, như những linh hồn đồng hành trên con đường đến thiên đàng, thì lúc đó chúng ta mới có thể yêu thương thật lòng với một tình yêu vô điều kiện. Chúng ta đều giống nhau, đều cùng ngồi trên một con thuyền. Trong nhiều kiếp đầu thai trở lại, bản thân chúng ta luôn tôn thờ mọi tôn giáo, luôn được sinh ra trong tất cả mọi tầng lớp, dòng dõi. Linh hồn không có tôn giáo, dòng dõi. Linh hồn chỉ biết có tình yêu và lòng từ bi.

Khi chúng ta biết rằng con người đều như nhau, rằng chỉ có sự khác biệt bên ngoài không đáng kể giữa chúng ta, nhưng không có sự khác biệt nào thật sự quan trọng, thì chúng ta sẽ quay lại giúp đỡ mọi người dọc theo con đường phát triển tâm linh, bất kể họ có giống chúng ta hay không.

Nếu bạn đào sâu dưới bề mặt trong các nghi thức lễ bái của nhiều tôn giáo khác nhau, bạn sẽ phát hiện ra điều tương tự đáng ngạc nhiên về tư tưởng, khái niệm, lời khuyên răn. Thậm chí ngay cả từ ngữ cũng giống nhau đến khó tin. Chúng ta giết lẫn nhau do cái tên gọi của tôn giáo, trong khi mà, tại những mức độ sâu hơn, nhiều người mộ đạo nhất thật sự tin rằng tất cả đều giống nhau.

Tất cả các tôn giáo lớn đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của người lãnh đạo tinh thần, của việc hiểu biết về sự hiện hữu của thần thánh trong và ngoài tất cả mọi sinh vật và vạn vật, của việc làm tốt và giúp ích, của tình yêu thương và lòng nhân ái, của niềm tin và hy vọng. Những điều này miêu tả một cuộc sống sau khi chết và sự bất tử của linh hồn. Tất cả những điều này nhấn mạnh vào lòng nhân từ, tha thứ, và an bình.

Khi nói đến tôn giáo, tôi muốn nói đến những truyền thống và trí tuệ tâm linh tuyệt vời, chứ không phải nói đến sắc lệnh, quy luật do con người tạo ra. Những điều được truyền bá vì mục đích chính trị, và những điều có lợi cho việc chia rẽ con người, hơn là hợp nhất lại với nhau. Chúng ta nên cẩn thận phân biệt bản chất sự thật của tâm linh với những quy luật có động cơ chính trị. Những quy luật như vậy là rào cản, nắm giữ chúng ta trong nỗi sợ hãi và chia cách.

Giờ đây, chúng ta bắt đầu chấp nhận khái niệm về sự hiện hữu của thần thánh khắp mọi nơi, khái niệm về sự bất diệt của linh hồn, khái niệm về sự tái sinh, về sự tồn tại sau khi chết, dựa theo số liệu, dữ kiện, chứ không dựa theo đức tin.

Tại sao chúng ta lại quá ngây thơ, không biết gì về bản chất tôn giáo của chính mình, với những truyền thống giàu tính tâm linh, nói gì đến tôn giáo của bạn bè, hàng xóm? Tại sao chúng ta cứ khăng khăng chỉ nhìn thấy sự khác biệt, trong khi sự tương tự tràn ngập? Tại sao chúng ta lại lờ đi lời giảng dạy, những điều răn, những giới luật, và những nguyên tắc chỉ đạo quá rực rỡ và đáng yêu mà các bậc đại sư chỉ dạy?

Tôi cho rằng chúng ta quên đi những gì chúng ta biết. Lăng xăng đuổi bắt những chuyện vẩn vơ hàng ngày, chúng ta bị tiêu hao quá nhiều với những sự quấy rầy, lo âu, quá quan tâm đến địa vị, dáng vẻ bên ngoài, đến người khác sẽ nghĩ gì về chúng ta, mà lại quên đi bản chất tâm linh của mình. Chúng ta sợ chết vì quên đi bản chất chân thật. Chúng ta quá lo lắng về danh tiếng và địa vị, sợ bị người khác thao túng vì sự được mất trong cuộc đời, chúng ta quá kinh hãi nếu bị coi là ngu ngốc, vì vậy mà chúng ta mất hết can đảm sống theo bản chất tâm linh.

Tuy nhiên, khoa học và tâm linh sẽ tiến lại với nhau, sau một thời gian dài suy xét đối nghịch nhau. Các nhà vật lý và bác sĩ tâm thần trở nên nhà huyền bí trong thời đại tiên tiến. Chúng ta đang xác định điều gì mà các nhà thần bí xa xưa biết theo trực giác. Tất cả chúng ta đều là con người thánh thiện. Chúng ta đã biết điều này từ hàng ngàn năm trước nhưng chúng ta quên lãng. Và khi trở về nhà, chúng ta phải nhớ lại đường đi.

Nếu chỉ có duy nhất một Thượng đế, duy nhất một tôn giáo, đó là tình yêu, thì tại sao chúng ta phải tích cực hành lễ theo tôn giáo riêng của chúng ta, hoặc chọn bất cứ niềm tin riêng lẻ nào khác?

Cuối cùng rồi cũng chẳng có gì quan trọng cả nếu chúng ta dự lễ tại nhà thờ hay đền chùa. Giống như những cây căm xe đạp, mọi con đường do những tôn giáo lớn kêu gọi đều dẫn đến cùng một trung tâm: đạo đức và giác ngộ. Con đường này không tốt hoặc xấu hơn con đường kia. Tất cả đều ngang bằng.

Tuy nhiên, bị thấm sâu vào tri thức và chân lý của tôn giáo riêng từ khi bạn còn rất nhỏ không chỉ là một sự khởi đầu quan trọng đáng kể, mà còn là sự thân thiết dễ chịu, do bạn đã tích lũy quá nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong tôn giáo riêng của bạn. Sự quen thuộc mang đến một cảm giác an lành. Tâm trí bạn thư thái, và hầu như không cần cố gắng nhiều, bạn cũng dễ dàng đi sâu vào thiền định. Thân thuộc và thoải mái làm giảm bớt sự quẩn trí, giúp tâm trí bạn tập trung và lướt nhanh hơn vào thiền định, cầu nguyện và quán tưởng. Trong trạng thái sâu thẳm này, bạn có thể trải qua những mức độ siêu việt trong tỉnh thức.

Có những chân lý, vẻ đẹp, và trí tuệ trong các truyền thống tôn giáo lớn. Bạn có thể thử thực hành tất cả, như một người học trò, bởi vì sự sáng suốt tối ưu có thể làm tăng nhanh quá trình tâm linh của bạn. Sự sáng suốt này cũng có thể thay đổi trong viễn cảnh tâm linh. Xét cho cùng, người này thích hoa hồng, người nọ thích hoa lan, người kia thích hoa huệ hoặc hoa dại hoặc hoa hướng dương. Nhưng tất cả các loài hoa đều có nét đẹp theo cách riêng của từng loài, và Thượng đế tạo ra cùng một mặt trời chiếu sáng lên tất cả, tạo ra mưa để tưới cho tất cả. Các loài hoa khác nhau nhưng đều đặc biệt.

Để diễn giải một lời dạy dựa theo tất cả những nguyên tắc tâm linh, như những trận mưa đổ xuống cánh đồng cỏ dại cũng như đổ xuống những vườn hoa, và mặt trời chiếu sáng lên ngục tối cũng chiếu sáng lên nhà thờ.

Ánh sáng của Thượng đế không hề phân biệt, và ánh sáng của chúng ta cũng vậy.

Không phải chỉ có một con đường, một phương pháp, một nhà thờ, một hệ tư tưởng.

Nhưng chỉ có một nguồn ánh sáng duy nhất.

Khi hàng rào đổ sụp, tất cả các loài hoa sẽ cùng nhau đua nở trong một khu vườn đẹp lộng lẫy không gì sánh bằng, một cõi cực lạc trên thế gian.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.