Thế Giới Như Tôi Thấy

Sự cần thiết của văn hóa đạo đức



Lời chúc mừng của Einstein gửi tới “Ethical Cultural Society” (Hội văn hóa đạo đức) tại New York nhân ngày sinh nhật thứ 75 của Hội: 6.1.1876 – 6.1.1951. Nhân dịp kỷ niệm này, tôi thấy nhất thiết phải gửi tới “Hội văn hóa đạo đức” của Ngài lời chúc mừng an lành và thành công.
Hẳn nhiên đây không phải dịp để chúng ta có thể thỏa mãn nhìn lại những gì đã đạt được trong những nỗ lực chân thành ở lĩnh vực đạo đức suốt 75 năm qua. Bởi chúng ta không thể nói rằng, vị trí của đạo đức trong cuộc sống con người hôm nay về cơ bản đã khá hơn hẳn so với năm 1876.

Ngày đó ngự trị quan niệm cho rằng, ta có thể đặt tất cả hy vọng vào sự khai sáng những sự thật có thể được xác minh một cách khoa học , cũng như hy vọng vào sự đấu tranh chống lại các định kiến và mê tín. Tất cả những điều đó trên thực tế là quan trọng và xứng đáng với nỗ lực của những con người xuất sắc nhất. Theo hướng này, 75 năm qua, nhiều thành tựu đã đạt được và được truyền bá rộng rãi nhờ văn học và sân khấu.

Nhưng nếu chỉ dẹp bỏ các chướng ngại không thôi thì chưa thể dẫn tới việc nâng cao phẩm giá con người trong đời sống xã hội và đời sống cá thể. Bên cạnh tác động tiêu cực (có tính phủ định – ND) này, nỗ lực tích cực (có tính khẳng định – ND) hướng tới việc xây dựng một cộng đồng với các nguyên tắc đạo đức – luân lý vẫn có ý nghĩa cực kỳ to lớn. Trong lĩnh vực này, không có môn khoa học nào có thể “giải thoát” cho chúng ta được. Tôi thậm chí còn tin rằng, việc quá đề cao quan điểm “trí thức thuần túy” – quan điểm thường chú trọng vào các khía cạnh cụ thể và thực tiễn trong nền giáo dục của chúng ta – đã trực tiếp dẫn tới việc làm nguy hại các giá trị đạo đức. Ở đây tôi không nghĩ nhiều về các mối hiểm họa mà tiến bộ kỹ thuật đã trực tiếp mang đến nhân loại cho bằng sự xơ cứng hóa trong giao tiếp bởi lối nghĩ “thực dụng” , lối nghĩ đã như một màn băng giá phủ lên các quan hệ giữa người với người.

Hoàn thiện nhân cách về đạo đức và thẩm mỹ là mục đích gần gũi với những nỗ lực của nghệ thuật hơn là của khoa học. Hiểu được người khác có thể là quan trọng, nhưng sự hiểu này chỉ có ích khi nó được hậu thuẫn bằng lòng cảm thông, bằng sự sẻ chia sướng khổ. Việc chăm sóc những động lực quan trọng nhất này của lối sống đạo đức chính là những gì còn lại của tôn giáo – sau khi nó đã được gột sạch bởi những trò mê tín. Theo nghĩa này, tôn giáo tạo thành một phần quan trọng trong giáo dục, phần đang được quan tâm quá ít, và đặc biệt, quá ít được chú trọng một cách có hệ thống.

Sự nan giải đáng lo ngại trong tình hình chính trị thế giới hiện nay có liên quan mật thiết tới các lỗi lầm vì đã không chịu làm những gì đáng lẽ phải làm của nền văn minh chúng ta. Không có “văn hóa đạo đức” thì không thể có sự cứu vãn cho nhân loại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.