Thế Giới Như Tôi Thấy

Bài phát biểu nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của Arnold Berliner



Hôm nay tôi muốn nói với ông bạn Arnold Berliner và độc giả tạp chí “Die Naturwissens-chaften” (Các khoa học tự nhiên) của ông về việc tại sao tôi lại đánh giá cao ông và sự nghiệp của ông. Cần phải làm điều đó ngay tại đây vì nếu không, người ta sẽ chẳng có dịp nào để nói ra một điều như vậy.

Chính nền giáo dục hướng tới tính khách quan của chúng ta đã làm cho tất cả những gì riêng tư trở nên một thứ “cấm kỵ”, mà để chống lại điều đó, con người trần thế [chúng ta] chỉ cho phép mình được phạm tội vào những dịp hết sức đặc biệt, như dịp này chẳng hạn.

Sau hồi mào đầu cho thoải mái, bây giờ xin quay lại với tính khách quan! Nhờ sự mở rộng mạnh mẽ phạm vi của lĩnh vực những sự thật được tổng kết một cách khoa học mà nhận thức lý thuyết ở tất cả các lĩnh vực của các khoa học đã được đào sâu một cách bất ngờ. Nhưng năng lực thâu tóm [tri thức] của con người vẫn đang, và sẽ còn tiếp tục bị gắn vào những phạm vi hạn hẹp. Do vậy, có một điều đã không thể tránh khỏi là hoạt động của nhà nghiên cứu riêng lẻ phải thu về một nhánh ngày càng hẹp hơn của tòa nhà tri thức. Nhưng còn tệ hơn nữa: cùng với sự chuyên biệt hóa này, thậm chí sự hiểu biết chung đơn thuần về cái tổng thể của khoa học ngày càng khó theo kịp với sự phát triển đó, mà nếu thiếu sự hiểu biết chung ấy thì tinh thần nghiên cứu đích thực sẽ bị tê liệt một cách tất yếu. Sẽ xuất hiện một tình thế tương tự như tình thế được khắc họa một cách tượng trưng qua câu chuyện xây dựng tháp Babel trong Kinh Thánh. Mỗi nhà nghiên cứu nghiêm túc đều biết đến cái cảm nhận đau đớn về sự giới hạn miễn cưỡng vào một phạm vi hiểu biết ngày càng hẹp hơn; điều đó đe dọa cướp đi cái viễn tượng rộng lớn ở nhà nghiên cứu và làm anh ta suy thoái thành một gã trợ thủ đơn thuần.

Tất cả chúng ta đều chịu cảnh đau đớn đó, nhưng lại chẳng làm gì để xoa dịu nó. Song Arnold Berliner đã giải cứu cho khu vực Đức ngữ một cách mẫu mực. Ông nhận ra rằng, các tạp chí [khoa học] dành cho đại chúng như [số lượng] hiện có hẳn đã thừa đủ để dạy dỗ và kích thích đám độc giả không chuyên. Ông còn thấy rằng, nhất thiết cần phải có một cơ quan được điều hành một cách đặc biệt cẩn trọng và có hệ thống để phục vụ cho việc định hướng khoa học của các nhà nghiên cứu, những người muốn được chỉ dẫn về sự phát triển của những vấn đề, những phương pháp và những kết quả khoa học, để tự bản thân họ có thể đưa ra một đánh giá. Mục đích ấy đã được ông theo đuổi trong nhiều năm ròng lao động với sự hiểu biết lớn lao và với sự dẻo dai cũng lớn lao không kém. Ông đã làm một nghĩa cử cho tất cả chúng ta cũng như cho khoa học mà vì lẽ đó, chúng ta chẳng thể nào mang ơn ông cho đủ được.

Ông đã đặt ra yêu cầu là phải thu hút được sự cộng tác của các tác giả khoa học thành đạt, và thuyết phục họ trình bày chủ đề của mình bằng một hình thức sao cho những người không phải là chuyên gia cũng có thể tiếp cận được. Ông thường kể cho tôi nghe về những cuộc đấu tranh mà ông đã phải vượt qua trong nỗ lực ấy. Một lần, trước mặt tôi, ông đã khắc họa những khó khăn bằng một câu hỏi vui như sau: “Một tác giả khoa học là gì?” Trả lời: “Là sự giao nhau giữa một bông hoa mimôsa với một con bọ trích.” Thành tựu của Berliner chỉ có thể có được là nhờ ở ông đã luôn đặc biệt sống động niềm khao khát vươn tới một sự tổng quan sáng sủa về một lĩnh vực rộng lớn đến mức tối đa. Chính quan niệm này đã dẫn ông tới việc miệt mài hết mình gắng sức để hoàn thành một cuốn sách giáo khoa về vật lý học, cuốn sách mà mới đây một sinh viên y khoa có nói với tôi: “Nếu không có cuốn sách đó thì em thật không biết phải làm thế nào để trong khoảng thời gian [ngắn], có thể nắm bắt được một cách rõ ràng về các nguyên tắc của vật lý học hiện nay.”

Cuộc đấu tranh của Berliner cho sự sáng sủa và sự tổng quan đã đóng góp lớn lao biết bao để các vấn đề, các phương pháp và các kết quả của khoa học được trở nên sống động trong trí não của nhiều người. Trong đời sống khoa học của thời đại chúng ta, chẳng thể nghĩ rằng có thể thiếu được tờ tạp chí của ông nữa. Việc làm cho nhận thức ấy được sống động và giữ cho nó luôn sống động cũng quan trọng như việc giải quyết các vấn đề đơn lẻ vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.