Thế Giới Như Tôi Thấy

Hướng đến việc loại bỏ nguy cơ chiến tranh



Bài này được Einstein viết xong ngày 20.9.1952 và được đăng trên tạp chí Keizo, Nhật Bản, số mùa thu năm đó.Sự tham gia của tôi vào việc sản xuất bom nguyên tử là chỉ ở một hành động duy nhất: tôi đã ký vào bức thư gửi tổng thống Roosevelt trong đó đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành các thí nghiệm ở quy mô lớn để nghiên cứu khả năng chế tạo một quả bom nguyên tử.

Tôi đã thực sự ý thức được mối nguy hiểm khủng khiếp cho nhân loại một khi việc này thành công. Chính sự phỏng đoán rằng, trong vấn đề này, người Đức có thể nghiên cứu với triển vọng thành công đã buộc tôi phải thực hiện bước đi này. Tôi đã không còn lựa chọn nào khác, dù tôi luôn là một người theo chủ nghĩa hòa bình một cách đầy tin tưởng. Tàn sát trong chiến tranh theo quan niệm của tôi chẳng có gì tốt đẹp hơn so với việc giết người thông thường.

Tuy vậy, chừng nào các quốc gia chưa kiên quyết loại bỏ chiến tranh thông qua các hành động chung và giải quyết các cuộc xung đột và bảo vệ những lợi ích của mình bằng các quyết định hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp, thì họ sẽ cảm thấy cần phải chuẩn bị một cuộc chiến tranh. Rồi họ lại cảm thấy cần phải chuẩn bị tất cả các phương tiện, kể cả các phương tiện đáng kinh tởm nhất để không bị qua mặt trong cuộc chạy đua vũ trang nói chung. Con đường đó tất yếu dẫn đến chiến tranh. Trong các mối tương quan hiện nay, chiến tranh có nghĩa là sự hủy diệt tất cả.

Trong tình hình đó, việc dùng phương tiện để chống lại phương tiện không có triển vọng thành công. Chỉ có việc dẹp bỏ triệt để các cuộc chiến tranh và nguy cơ chiến tranh mới có thể giúp giải quyết vấn đề. Muốn vậy, cần phải hành động và quyết tâm không để cho mình bị ép buộc phải hành động đi ngược lại với mục tiêu này. Đây là một đòi hỏi khắt khe đối với cá nhân ý thức được tình trạng phụ thuộc xã hội của mình. Nhưng tuyệt nhiên đó không phải là một đòi hỏi không thể thực hiện được.

Gandhi, bậc thiên tài chính trị vĩ đại nhất của thời đại chúng ta đã vạch ra con đường và cho thấy: con người sẽ có khả năng hy sinh lớn đến thế nào một khi họ đã nhận ra con đường đúng. Sự nghiệp giải phóng Ấn Độ của ông là một bằng chứng sinh động cho thấy: ý chí được xác tín một cách vững chắc còn mạnh hơn cả thế lực vật chất tưởng chừng như không thể vượt qua được.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.