Ngày xưa có một con bò
4. BÒ CŨNG CÓ BA, BẢY LOẠI
Cuốn sách này đã hoàn toàn thay đổi cái nhìn của tôi đối với thế giới. Sau một thời gian dài nhìn lại những gì mình đã làm, tôi nhận thấy lẽ ra mình đã có thể đạt được nhiều hơn nếu không sở hữu những con bò khiến tôi hài lòng với những mục tiêu nhỏ nhoi trong cuộc sống. Mặc dù có nhiều khả năng, tôi lại phí phạm phần lớn đời mình vào những lý giải như “Bố mẹ đã không cung cấp tài chính và ủng hộ tôi đầy đủ, cho nên phải vất vả lắm tôi mới tốt nghiệp”. Khi ra nước ngoài, tôi lại trốn sau những con bò khác: “Thăng tiến ở xứ lạ quê người đâu phải chuyện dễ dàng” hay “ở đây họ không thích người nước ngoài”. Lúc nào tôi cũng cho mình là nạn nhân. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng tôi mới chính là người có thể thay đổi cuộc đời mình. Bài học quan trọng nhất mà tôi đã học được là không có trở ngại nào lớn hơn các giới hạn mình tự đặt ra cho bản thân.
Lillan, Mexico City, Mexico
Ít lâu trước đây, một người bạn lớn lên từ một nông trại ở Pennsylvania đã cho tôi một cái nhìn sinh động và chính xác về việc vì sao một số người không nhận thức được những niềm tin tiêu cực của mình.
Bạn tôi nói: “Ừ, Camilo này, sự thật là những con heo không hề biết rằng tụi nó hôi rình!” (Tôi cho rằng bò cũng thế.) Không cần phải giải thích thêm gì nữa.
Đôi khi, giữa những buổi thuyết giảng của tôi, có người tiến đến chỗ tôi, cười tươi rói và rất tự tin nói với tôi: “Thưa tiến sĩ Cruz, tôi đã suy nghĩ về những điều ông vừa nói, và tôi nghĩ rằng mình không hề có con bò nào cả”. Khi nào nghe những lời như vậy, tôi đều nghĩ đến câu nói buồn cười của bạn tôi, và tôi cho người ấy vài ý kiến để bảo là họ không vô ý bỏ qua điều chính yếu.
Đây chính là điều tôi muốn diễn giải trong chương này. Tôi muốn cho các bạn xem một số trong những con bò mà nhiều người thường có, với hy vọng bạn nhận ra và tránh xa chúng. Hãy nhớ: không phải tôi chỉ cho các bạn các bạn thấy những con bò này để rồi bạn bỏ chúng vào hành trang của mình đâu nhé! Tôi bảo đảm là bạn có rất nhiều bò kiểu này. Mục đích của tôi là làm cho bạn hiểu rằng có rất nhiều loại bò.
Con bò mang tên “Tôi có sao đâu”
– Tôi có sao đâu. Thiếu gì người còn không được như tôi.
– Tôi ghét công việc tôi dang làm. Nhưng tôi không thể phàn nàn gì… Ít ra thì tôi còn có việc để làm.
– Có thể tôi không phải là người hạnh phúc nhất trong hôn nhân… Nhưng ít ra thì chúng tôi cũng không gấu ó nhau suốt ngày.
– Có lẽ chúng tôi không giàu, nhưng chúng tôi luôn đủ ăn.
– Tôi chỉ đậu sít sao, nhưng ít ra thì cũng không rớt. Có lẽ cũng nên thừa nhận rằng tôi không thông minh như những người khác.
Mối nguy hiểm lớn nhất của những con bò “Tôi có sao đâu” là người ta nghĩ rằng họ KHÔNG SAO và hài lòng với cuộc sống mà không thấy lý do gì phải cải thiện. Hãy nhớ lại sự thông thái trong lời nói của vị huấn luyện viên nọ. Kẻ thù của Vĩ đại là Tốt.
Việc tìm một lý do để bào chữa cho sự tầm thường của mình đã khiến chúng ta chấp nhận những hoàn cảnh và tình huống mà đúng ra khó lòng được chấp nhận. Đối với Laura, một phụ nữ trong độ tuổi ba mươi, con bò của cô ấy là: “Mặc dù tôi thù ghét công việc của mình, tôi không bỏ được và không dám liều bắt đầu lại từ đầu hoặc tìm việc gì đó tốt hơn.”
Nỗi sợ này giữ cô ở lại với cái công việc tầm thường vốn đe dọa đến sức khoẻ tinh thần và cảm xúc của cô. Sau mười năm làm công việc đó, Laura cảm thấy chán ngấy với nó. “Ý nghĩ rằng phải tiếp tục làm công việc đó đến mãn đời khiến tôi khiếp hãi, nhưng tôi chẳng biết làm gì khác”.
“Khi nhận ra rằng nỗi sợ chính là con bò của mình,” Laura kể, “tôi tin hơn bao giờ hết rằng chính cái công việc này đã trói buộc tôi vào một cuộc sống mà ở đó tôi không sao có thể khám phá những chân trời mới. Tôi cần phải hành động ngay, nếu không tôi có nguy cơ bị kẹt vĩnh viễn vào công việc không có lối thoát này. Thật không dễ quyết định. Tôi ảm thấy bất an, nhưng tôi vẫn quyết định xin nghỉ việc.
“Bây giờ, tôi sống khỏe khoắn hơn hẳn, bình an hơn với chính mình, và tôi đã lấy lại sự tự tin. Những căng thẳng mà tôi phải chịu đựng hầu như đã tan biến.
“Nhưng điều thú vị là tôi đã nhận ra rằng nỗi sợ của mình không có căn cứ. Tôi đã từng được đề nghị những công việc tốt hơn, và đã thu xếp để nghỉ ngơi một thời gian, một điều mà trước đó tôi đã không dám làm vì sợ túi tiền không kham nổi.”
Câu chuyện của Laura chỉ là một trong những ví dụ cho thấy rằng chỉ một con bò đơn lẻ cũng có thể làm nảy sinh một chuỗi những cảm xúc tiêu cực có thể hủy hoại nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, cái hay là chỉ cần giết một con bò, cô ấy đã có thể mở ra không chỉ một cánh cửa.
Con bò mang tên “Đâu phải tại tôi”
– Suy cho cùng, cũng vì tôi không được học đại học nên tôi mới long đong như thế. Điều tệ hại là bố mẹ tôi đã không nhìn xa trông rộng nên đã không đầu tư cho việc học của tôi.
– Tôi không thành công vì chồng/vợ tôi chả bao giờ ủng hộ bất cứ điều gì tôi làm.
– Nếu mẹ tôi không ly hôn, có lẽ cuộc đời tôi không lao đao đến vậy.
– Nền kinh tế trì trệ là nguyên nhân khiến công ty của tôi không phát triển nổi. Giá như chính phủ có thể hỗ trợ các chủ doanh nghiệp nhiều hơn.
– Tôi chẳng bao giờ gặp được thầy giỏi. Chẳng bao giờ tôi cảm thấy mình được động viên đầy đủ hoặc được khuyến khích để làm bất cứ điều gì trong đời.
Con bò ngáng đường Louis là cái ý tưởng cho rằng anh ta cần sự ủng hộ vô điều kiện của gia đình để phát triển. “Tôi cảm thấy như mình đã dùng cả cuộc đời để làm vừa lòng gia đình và bạn bè,” Louis kể. “Lần nào sắp tiến hành một công việc mới, tôi đều phải luôn sẵn sàng lắng nghe những lời chỉ trích, những lời tư vấn mà tôi chẳng yêu cầu, và hằng hà sa số những lời khuyên về những gì nên làm.
“Đừng ngốc vậy chứ. Làm sao cậu có thể từ bỏ công việc như vậy để dấn thân vào một cuộc mạo hiểm mới. Đừng vô ơn như vậy chứ. Hãy nghĩ đến những người thất nghiệp ngoài kia. Cậu biết gì về kinh doanh nào? Một công việc tẻ ngắt còn tốt chán so với không có việc làm.
“Tôi luôn muốn lập một công ty riêng, thế nhưng ngoài những lời chỉ trích kia, tôi lại còn luôn ở trong một tình thế có thể trở thành trở ngại lớn nhất đối với tôi. Tôi có một công việc cũng tạm được – con bò chính yếu – mang lại sự ổn định, mức lương-cao-hơn-mức-trung-bình, và một ông sếp tốt. Nhưng khát vọng của tôi là quá cao mà công việc đó không thể nào đáp ứng cho tôi được.
“Công việc tàm tạm của tôi cũng chính là con bò lớn nhất, và tôi đã sẵn sàng vất bỏ nó. Tôi lấy hết can đảm và thành lập công ty riêng của mình. Tôi bỏ ngoài tai tất cả những lời chỉ trích nhắm vào tôi.
“Giờ đây, sau sáu tháng, mọi việc đã trở nên tốt đẹp hơn cả sự mong đợi, và khiến cho những người bạn đã từng ngăn cản tôi bắt tay vào cuộc phiêu lưu này nay quay sang khuyên tôi nên tiếp tục. Tôi nghĩ rằng có một số điều mà bạn không bao giờ nhận thấy nếu bạn không sẵn lòng thay đổi.”
Tôi cũng giống như Louis; tôi đã có “một công việc tốt” trước khi gây dựng công ty riêng hơn mười lăm năm trước Bất cứ công việc nào tôi đã làm trước đó cũng đủ là lý do để tôi không phải lao vào bất cứ cuộc phiêu lưu đầy hiểm nguy nào như việc khởi đầu một công ty riêng, đặc biệt trong lĩnh vực mà vào lúc đó chính tôi cũng không biết rõ. Nhưng trước đó rất lâu, tôi đã hiểu rằng, cũng như con bò trong câu chuyện của chúng ta, một “công việc tốt” đôi khi có thể kiềm hãm chúng ta nếm trải những thành tựu lớn.
Annette, một giáo viên, cũng gặp con bò “đâu phải tại tôi”.
“Thông thường, khi một giáo viên làm những điều gì đó mới mẻ, hoặc muốn cải thiện bản thân, cái cỗ máy “miệng lằn lưỡi mối” bắt đầu khởi động. Bạn sẽ nghe những lời nhận xét từ đồng nghiệp như ‘Bả tưởng bả là ai? Bả muốn lấy le với ai vậy?” Ngay cả khi chỉ có hai người khởi động cỗ máy lời ra tiếng vào này cũng đã đủ làm cho bạn nản lòng không nhấc bước lên nổi. Bạn cũng sẽ xuôi theo chiều gió và tiếp tục với đường xưa lối cũ. Suốt một thời gian dài, tôi nói với mọi người là ở cái trường đó chẳng thể đi đến đâu cả. Tôi trách các đồng nghiệp của mình vì tôi chẳng đạt được gì cả. Rồi một ngày, tôi cảm thấy rất rầu rĩ, không phải vì thái độ của họ, mà vì chính tôi, vì tôi đã để người khác chi phối suy nghĩ và hành động của mình. Tôi tự bảo mình: “Annette, đừng biện minh nữa. Hãy hành động đi!”
Lý do lớn nhất để tiêu diệt con bò “đâu phải tại tôi” là hầu hết những gì xảy ra cho bạn đều do chính bạn tạo ra, nếu bạn thật sự nghiêm túc với vấn đề đó và thành thật với chính mình. Không phải do bố mẹ bạn, hay sếp của bạn, hay nền kinh tế, hay bất cứ ai hoặc thứ gì khác. Chính bạn. Ngay cả những cảm xúc tiêu cực mà chúng ta có thể nếm trải – và thường đổ lỗi cho người khác đã gây ra những cảm xúc ấy – cũng do chính chúng ta tạo ra. Có lẽ, lời nói sau, được cho là của Eleanor Rooservelt, thể hiện điều này rõ nhất: “Không ai có thể làm cho bạn cảm thấy mình thua kém mà không có sự đồng ý của bạn”.
Cũng giống như vậy, không thể trách rằng lời phê bình của bạn bè là nguyên nhân làm bạn thất bại, chỉ trừ khi bạn đồng ý cho lời phê bình của họ có giá trị cao hơn ý kiến hoặc hình ảnh của chính mình. Trời mưa không thể là nguyên nhân làm hỏng kế hoạch của bạn hoặc làm bạn thấy khó chịu – như người ta thường nghĩ vậy – chỉ trừ khi bạn cho rằng thời tiết là nhân tố quyết định ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn trong ngày hôm đó. Vậy nên, như bạn thấy đấy, luôn luôn là lỗi của chúng ta.
Con bò mang tên “Niềm tin sai lầm”
– Bố tôi nghiện rượu, có lẽ tôi sẽ giống ổng thôi.
– Tôi không muốn làm nhiều tiền, vì tiền nhiều chỉ tố làm hư thân.
– Vì tôi không được đi học, có lẽ tôi chẳng làm nên trò trống gì.
– Tôi sẽ không bao giờ mở công ty riêng. Không tưởng tượng nổi những thứ nhức đầu mà sếp tôi phải gánh hàng ngày.
Một lần nữa, những điều trên giống như những con bò nguy hiểm vì một lý do đơn giản: những niềm tin sai lầm là những tuyên bố sai sự thật nhưng vì một lý do nào đó, chúng lại được tin như thật.
Ngay sau sự thành công của bộ phim bom tấn Rocky, Sylvester Stallone được phỏng vấn về một cảnh độc trong phim. Trong cảnh đó, nhân vật Rocky kể:
“Ông già tôi, vốn không phải là người sâu sắc, nói rằng vì tôi không có đầu óc, tôi nên làm việc tay chân.”
Stallone, người viết kịch bản, thú nhận rằng ông cũng thường xuyên nghe những điều tương tự từ cha mình. Ông thường nghe những điều đó từ lúc còn nhỏ và cuối cùng ông bắt đầu tin rằng mình chính là người không có đầu óc và chỉ nên làm việc chân tay. Niềm tin sai lầm này khiến ông không thể nhận ra năng lực thật sự của mình. Cuộc đời của ông bắt đầu thay đổi kể từ khi ông không còn tin vào những điều như vậy nữa và bắt đầu tin vào bản thân.
Điều thú vị là suy nghĩ mới của ông được tiếp sức bằng ảnh hưởng từ người vợ tương lai của ông, bà Adrian. “Mẹ thường nói với tôi điều ngược lại. Mẹ nói vì tôi không to cao, tốt hơn tôi nên sử dụng đầu óc của mình nhiều hơn,” bà kể.
Tin vào bản thân chính là khả năng nhận thấy thế mạnh và tài năng của mình, để rồi xác nhận, thừa nhận và bắt đầu sử dụng những thế mạnh và tài năng đó.
Niềm tin sai lầm có thể khiến chúng ta sống hoài cuộc đời tầm thường nếu không cố gắng vượt lên chính mình. Hiệu ứng của việc giải phóng bản thân ra khỏi những con bò này cũng đủ để bạn nhìn thấy được một thế giới với những cơ hội mới mà bạn không ngờ đến.
Con bò mang tên “Thật mà, đây đâu phải biện bạch”
– Tôi muốn tập thể dục nhiều hơn, nhưng gần nơi tôi ở chẳng có phòng tập nào.
– Ước gì tôi đạt được chỉ tiêu doanh số bán hàng, nhưng tôi nghĩ kế hoạch của công ty chẳng thực tế tí nào. Chúng tôi nên mừng vì ít ra công ty cũng còn làm ăn lây lất.
– Tôi chưa muốn làm chuyện gì mới cho đến khi tôi sẵn sàng một trăm phần trăm.
– Tôi muốn đọc thêm sách nhưng chẳng có thời gian.
– Tôi muốn thử yêu lần nữa, nhưng chỉ khi nào mọi thứ khác trong cuộc sống được giải quyết ổn thỏa đã.
Hãy nhớ rằng bất cứ khi nào bạn thốt ra câu nói “tôi muốn… nhưng…” thì bất cứ thứ gì theo sau chữ nhưng đều có thể là những con bò.
Jonathan tự cho mình là người cầu toàn. Theo quan điểm của riêng tôi, sự cầu toàn là một trong những con bò tệ hại nhất. Một lần nữa, lý do chỉ đơn giản thế này: Đó chính là một con bò, nhưng được ngụy trang dưới lớp vỏ “chất lượng thỏa đáng”. Và khi đó, nó trông có vẻ như một đức tính chứ không thể là một thói xấu.
“Nếu chuyện đó đáng làm, thì phải làm cho đến nơi đến chốn, còn không thì thà đừng làm. Tôi là vậy đó.”
Bạn đã nghe người nào nói như vậy chưa? Làm sao có thể không đồng ý được? Vì điều đó mang đầy tính trách nhiệm, sự tận tụy, và sự cống hiến cao độ để đạt được cái tốt nhất. Vấn đề ở đây là đối với nhiều người trong chúng ta, nó trở thành một lời biện bạch như bất cứ một lời biện bạch nào khác. Nó làm chúng ta tê liệt vì chúng ta cảm thấy như thể mình chưa bao giờ hoàn toàn sẵn sàng. Thật ra cách duy nhất để làm điều gì đó thật tốt là phải thực hành nhiều và nắm bắt mọi cơ hội để tiến hành việc đó ngay lập tức.
Nói cách khác, lời phát biểu đúng nên là “nếu chuyện đó đáng làm, thì ta nên làm từ bây giờ, dẫu không được tốt, nhưng ta nên làm cho đến lúc thành thục mới thôi.” Cho nên ta phải khởi động càng sớm càng tốt. Và tiến hành với khả năng sẵn có.
Sự cầu toàn của Jonathan nghe giống như sau: “Tôi yêu càu mọi thứ phải đạt chất lượng, đối với hàng hóa tôi mua, với dịch vụ tôi cần, với thái độ và sự thực hiện công việc của những người khác cũng vậy. Và tôi đặc biệt đòi hỏi chính bản thân mình. Tôi luôn đòi hỏi mình đạt đến một tiêu chuẩn cao hơn những người khác.”
“Dĩ nhiên,” anh ta nói với tôi, “tôi mở rộng những đòi hỏi này sang cả vợ con mình. Đã có lúc tôi ép con trai làm bất cứ việc gì cũng phải thật hoàn hảo, đến nỗi tất cả những lời nhận xét của tôi đều là những lời la mắng và chỉ trích. Tôi nhận thấy mình luôn luôn vạch ra những sai sót và khuyết điểm. Dần dần, mối quan hệ của chúng tôi trở nên xấu đi. Con trai tôi đã phải chịu áp lực liên tục. Vô tình, tôi truyền cả con bò tệ hại này sang cho nó khiến nó bắt đầu phát cáu.
“Cuối cùng tôi nhận ra rằng mình không cần đòi hỏi sự cầu toàn từ con cái vì muốn chúng hiểu được tầm quan trọng của sự tuyệt hảo. Và bạn biết không? Giờ đây tôi không đòi hỏi hay chỉ trích nữa, con trai tôi bắt đầu tự mình hiểu rằng nó không bao giờ nên thỏa hiệp với sự tầm thường, và đó chính là bài học tôi muốn dạy con.”
Jim, giám đốc điều hành của một công ty y tế lớn, cũng tự nhận mình là người cầu toàn. Anh ta đã ngạc nhiên phát hiện ra rằng chính con bò – sự cầu toàn đã hủy hoại sự nghiệp của mình. Với kiến thức căn bản trong kinh doanh, anh ta không hề giao những việc quan trọng cho ai hết, mà tự mình làm tất cả. Anh ta từng nói: “Nếu bạn muốn được việc, hãy tự mình làm lấy”. Thậm chí ngay cả khi giao việc, anh ta cũng quản lý và kiểm soát chặt chẽ đối với mọi quyết định được đưa ra.
Anh ta mang trên mình một con bò khổng lồ của sự cầu toàn, và cảm thấy rất tự hào. Anh ta nhìn nhận nó như huy hiệu của sức mạnh và sự tự lập. Nhân viên của anh ta lại nghĩ khác. Họ gán cho anh ta cái nhãn “ác ôn”, “có cách lãnh đạo kinh khủng,” và không thể gần gũi với người khác”, cũng vì sự thiếu tin tưởng vào khả năng của nhân viên. Vấn đề của anh ta cũng không xa lạ gì trong giới các nhà quản lý và chủ doanh nghiệp. Con bò cầu toàn dần dà làm tê liệt bất cứ một tập thể nào và cuối cùng hủy hoại toàn bộ doanh nghiệp.
Con bò mang tên “Tôi cảm thấy bất lực”
– Tôi không giỏi những việc như vậy.
– Tôi nghĩ rằng không phải ai cũng có thể thành công.
– Tôi mập là do gene di truyền rồi. Còn có thể làm gì được nữa. – Khó mà bỏ được thói quen xấu từ hồi nhỏ đến giờ.
– Cũng tại tôi hay mắc cỡ. Mà nhà tôi ai cũng vậy.
Hầu hết những hạn chế chúng ta có đều là do những ý tưởng phi lý về khả năng của chính mình.
Lần đầu tiên tôi xuất bản cuốn sách này bằng tiếng Tây Ban Nha, tôi mang đến độc giả của tôi cơ hội chia sẻ với tôi những con bò mà họ đã xóa bỏ được nhờ đọc cuốn sách này. Tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn câu chuyện của Rodrigo, một anh bạn trẻ ở Argentina đã kể về chiến thắng của cá nhân mình. Có lẽ câu chuyện của anh cũng chẳng lấy gì làm to tát đối với những ai muốn từ bỏ một đam mê hoặc kết thúc một mối quan hệ tủi hổ, nhưng tôi nghĩ rằng đây là hiện tượng chung của nhiều người vẫn hay cho phép con bò “Tôi cảm thấy bất lực” chi phối cuộc đời họ.
Con bò của Rodrigo có tên “Tôi khiêu vũ dở tệ,” anh ấy viết. “Sau khi đọc cuốn sách của ông, tôi nhận ra khả năng khiêu vũ của mình sẽ không bao giờ khá hơn nếu cứ ngồi yên mà không làm gì khác. Tôi quyết định đăng ký một lớp học khiêu vũ. Tôi chọn học điệu salsa, một nhịp điệu hoàn toàn xa lạ với tôi. Lúc đầu, tôi nhảy thật chẳng giống ai. Một thời gian sau tôi mới có thể thả lỏng cơ thể, nhưng khi làm được vậy, cảm giác thật thoải mái. Bây giờ tôi tự nhận thấy mình khiêu vũ khá tốt.”
Đừng thừa nhận bất cứ hạn chế nào mà không tìm hiểu chúng. Có lần, trong khi đang nói chuyện với một nhóm sinh viên về đề tài này, và để kết luận, tôi hỏi một sinh viên có phải anh ta là một cầu thủ ném phạt giỏi không. Cậu ấy trả lời không chút đắn đo: “Dạ không đâu, không phải em. Em không giỏi môn bóng rổ.”
“Em thử chưa?” tôi hỏi.
“Dạ chưa. Chưa bao giờ.”
“Vậy làm sao em biết được em không giỏi? Có khi em lại có năng khiếu với nó nữa. Nhiều khi nó còn dễ hơn em tưởng nhiều.”
Và tất cả bọn họ hiểu ra vấn đề. Bạn không thể giả định là bạn không giỏi thứ gì đó chỉ vì bạn chưa thử qua. Chúng ta chỉ có thể học hỏi và rút tỉa kinh nghiệm bằng hành động thực tế. Vậy nên nếu bạn muốn loại trừ con bò này, bạn phải hành động.
Khi tôi đang viết về phần này và liên tưởng đến Rodrigo cùng khả năng khiêu vũ của anh ta, và về anh bạn trẻ không giỏi môn bóng rổ, tôi nhìn thấy một thành ngữ, hoàn toàn tình cờ, mà tôi nghĩ rằng nó là gốc rễ của những kỳ vọng thấp như vậy. Câu thành ngữ đó, mặc dù sống sượng, lại cho ta một cái nhìn thấu đáo về tính cách của những người không bao giờ sẵn sàng nắm bắt bất cứ cơ hội nào, mà chỉ để cho con bò “Tôi cảm thấy bất lực” bịt mắt không cho mình nhìn thấy những năng lực thật sự của bản thân. Câu thành ngữ đó là: “Thà im lặng để họ tưởng mình ngu còn hơn nói ra để họ biết mình ngu thật”.
Bi kịch ở đây, dĩ nhiên, là sự giả định ngầm rằng chúng ta chẳng có tài cán gì, rằng có thử thì cũng chẳng được gì, và rằng nếu có làm thử thì cũng chỉ chuốc sự bẽ bàng vào thân. Đó cũng chính là thứ đã khiến Rodrigo bỏ qua nhiều cơ hội cho đến khi anh tự hỏi “Tại sao không thử xem?”
Con bò mang tên “Triết gia”
– Vấn đề không phải thắng hay thua; mà là bạn đã thi đấu như thế nào.
– Nếu Thượng Đế muốn tôi thành công, Người sẽ chỉ cách cho tôi. Vấn đề của tôi là kiên nhẫn đợi.
– Thật không may là tôi không được sinh ra trong bọc điều.
– Thành công không phải do bạn biết cái gì, mà là do bạn quen biết những ai, mà tôi thì chẳng quen ai cả.
– Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa.
Tôi gọi đây là những con bò “triết gia” vì chúng minh họa mức độ chúng ta sẽ đạt tới trong quá trình tìm kiếm những diễn giải đầy vẻ uyên thâm để bảo đảm cho những lời biện bạch của bạn không mang vẻ… biện bạch.
Tôi có một người quen thường hay nói những câu cửa miệng như “Vấn đề không phải bạn biết cái gì, mà là bạn quen biết những ai” để giải thích vì sao trong sự nghiệp, anh ta cứ giậm chân tại chỗ hoài. Không phải vì anh ta không học thêm để bắt kịp xu thế phát triển, cũng không phải vì anh ta không bao giờ tự giác làm bất cứ thứ gì ngoài phạm vi công việc được giao. Đối với anh ta, không được thăng tiến là bởi vì anh ta không phải con ông cháu cha trong công ty.
Đối với Carla, con bò của cô ấy là “Vấn đề không phải thắng hay thua, mà là bạn đã thi đấu như thế nào”, vốn không có vẻ gì là một cách sống tồi. Nếu bạn không xem xét con bò này kỹ lưỡng, bạn sẽ chỉ nhìn thấy ở nó những phẩm chất cao quý. Tuy nhiên, hãy thử phân tích các hậu quả của việc sở hữu con bò này. Làm sao bạn có thẻ chơi hết sức mình nếu bạn cho rằng thắng hay thua cũng chỉ như nhau? Tôi phải nói rằng trong nhiều buổi hội thảo của tôi, nhiều khán thính giả tỏ ra rất khó chịu với đề tài này. Đối với một số người, cái châm ngôn này đã ăn sâu vào tiềm thức của họ đến nỗi họ tỏ ra khó chịu vì tôi đã quá xem trọng chuyện thắng thua. Thậm chí một số người còn cho rằng chuyện thắng thua đã bị thổi phồng.
Tôi không có ý tỏ ra giáo điều với các bạn về vấn đề này. Điều quan tâm duy nhất của tôi là chúng ta tìm hiểu xem liệu khư khư với những suy nghĩ như vậy là có lợi hay có hại.
Trong một buổi hội thảo đặc biệt, tôi nhớ đã từng hỏi các thính giả lúc đó: “Nếu chuyện thắng thua thực sự không quan trọng với bạn, thì có bao nhiêu người trong số các bạn ở đây không thấy buồn vì mình thua thiệt trong cuộc sống?” Không có một cánh tay nào giơ lên.
Bạn thấy đó, nếu những mất mát của bạn chỉ là thua một ván cờ, thì có lẽ cũng chẳng đáng bận tâm. Nhưng chúng ta không dễ dàng chấp nhận viễn cảnh thất bại khi mục tiêu, mơ ước và hạnh phúc của mình đang bị đe dọa.
Vấn đề lớn nhất của lối suy nghĩ này là một khi bạn bằng lòng với nó trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống, bạn cũng sẽ chấp nhận chúng như những nguyên tắc hướng đạo trong những lĩnh vực khác.
Ngoài ra, trước khi bạn quá nhanh nhẩu quyết định chấp nhận một chỉ dẫn mới mẻ nào đó, hãy cân nhắc nguồn gốc của nó. Hãy nghĩ xem ai đã thốt ra câu nói như vậy? Tôi nghĩ người nói điều đó với bạn không phải người đã chiến thắng. Thật sự mà nói, con bò này là tượng đài siêu lớn tượng trưng cho sự tầm thường. Mặc dù không cố ý, Carla lại trở thành nạn nhân của lối suy nghĩ xoa dịu nỗi đau khi nghĩ đến thắng lợi đạt được chính là ở chỗ bạn đã làm hết sức mình.
“Ý tưởng phi lý này đã cản trở khả năng và ý chí chiến đấu của tôi,” cô ấy nhớ lại. May thay, cô ấy đã có thể xua đuổi con bò đó đi. Bây giờ, nếu chưa đạt được kết quả mong muốn, cô ấy sẽ tìm chỗ sai, thay đổi chiến thuật, tìm sự hỗ trợ, và thử lại lần nữa. Chiến thuật mới của cô ấy là làm bất cứ thứ gì có thẻ cho đến khi đạt được nhiều mục tiêu, tất nhiên là nằm trong khuôn khổ quy tắc và các giá trị đã đề ra. Hoan hô!
Con bò mang tên “Tự huyễn hoặc mình”
– Tôi bỏ thuốc lúc nào mà chẳng được. Chỉ là tôi chưa quyết định bỏ đó thôi.
– Tôi không phải là người để nước đến chân mới nhảy; chỉ là vì khi có áp lực tôi làm việc mới có hiệu quả.
– Tôi chẳng ngại vì mình quá béo. Vả lại tôi có nhiều cái khác để người ta yêu.
– Không phải tôi hay chửi mắng con cái. Chẳng qua thương thì cho roi cho vọt thôi.
– Đâu phải tôi khoái nhậu. Anh đã nghe người ta nói đến việc ăn nhậu để duy trì mối quan hệ xã hội chưa?
Bạn thấy có một mẫu số chung trong tất cả những phát biểu này chứ? Tất cả chúng đều ru ngủ chúng ta để chúng ta tin rằng mình thật sự chẳng có vấn đề gì cần phải thay đổi, có chăng thì cũng chỉ là chuyện nhỏ, hoặc chuyện ngoài tầm tay. Thường chúng ta đưa ra những lời biện bạch này khi không muốn loại bỏ một thói quen xấu, chẳng hạn như tính hay trì hoãn, nghiện thuốc, nhậu nhẹt hoặc tính háu ăn.
Trước đây, tôi từng nhận được một email của Cathy, một phụ nữ trẻ, kể với tôi cách cô ấy chiến thắng tình trạng béo phì của mình. Để tránh phải giải quyết vấn đề tăng cân, cô ấy bịa ra cả một bầy bò để khỏi cảm thấy xấu hổ về chuyện mập ù của mình. “Mình đâu có mập, chỉ hơi mũm mĩm một chút”, “Đó là do di truyền mà”, “Chỉ tại mình to xương”, “Có phải lỗi của mình đâu, trong gia đình mình ai chẳng to con?”.
Bất hạnh thay, không có lời lẽ nào trong số này là thỏa đáng, và cô vẫn cảm thấy khổ sở. Cathy hiểu rằng khi nào còn có người nào hoặc thứ gì đó để cô đổ lỗi cho vấn đề béo phì của mình, cô sẽ không bao giờ có thể giảm cân và lấy lại sự tự tin với vóc dáng thon gọn được. Cuối cùng, cô quyết định hành động.
“Tôi quyết định loại bỏ vĩnh viễn những con bò đó; tôi đi bơi và tập aerobics dưới nước. Tôi ăn uống điều độ hơn, và tôi tin rằng mình sẽ thành công. Tôi cảm thấy khỏe hơn về mặt thể chất và tin sẽ sớm đạt được vóc dáng mình mong muốn”.
Tuyệt vời!
Hãy nhớ rằng tất cả những con bò mà tôi đã nêu ra đều có một điểm chung, đó là chúng trói buộc bạn vào một cuộc sống tầm thường. Việc thủ tiêu những con bò bằng với sự loại bỏ tất cả những câu nói đó ra khỏi vốn từ ngữ của bản thân, và điều này trong tầm tay bạn. Đây là lựa chọn của chính bạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.