Ngày xưa có một con bò
3. BÒ NÀO CŨNG TỪNG LÀ BÊ
Ngay từ trước khi chọn nghề phi công, tôi đã rất muốn thử sức trong lĩnh vực mua bán trái phiếu và cổ phiếu. Điều này luôn hấp dẫn tôi. Nhưng rồi hết gia đình lại đến bạn bè cứ nói làm vậy là quá liều và tôi phải khung tới nơi mới tính chuyện từ bỏ công việc và lương bổng ổn định như vậy. Có lẽ tôi đã nghe lời người khác quá lâu rồi, cho nên vào năm ba mươi sáu tuổi, tôi quyết định không sống trong sự sợ hãi của người khác nữa, tôi lấy hết cảm đảm và chuyển nghề.
Giờ đây, tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết và tin rằng đây mới chính là cuộc đời đã định sẵn của mình. Tôi tự mình làm chủ. Lịch làm việc của tôi linh động và tôi là động lực của chính bản thân. Điều này có nghĩa là tôi tự lèo lái để vượt ra khỏi những điều mà người khác nói tôi có thể đạt được. Cảm giác này rất nhẹ nhõm và tôi thấy hào hứng với tương lai hơn bất cứ khi nào.
William, Hallandale Beach, Foridal
Trong chương trước, tôi đã nói là các thái độ hạn chế – dù rất ngớ ngẩn và phi lý – lại đều mang vẻ thực tế quá mức đối với chúng ta. Vậy thì chúng thực tế đến đâu?
Hãy lấy nỗi sợ làm ví dụ. Sợ hãi là một trong những thái độ hạn chế mạnh mẽ nhất. SỢ HÃI – đôi khi được hiểu như từ viết tắt của Bằng Chứng Giả Xuất Hiện Như Thật . Bất cứ điều gì làm chúng ta sợ đều có vẻ như rất thật, và nỗi sợ làm tê liệt chúng ta, khiến chúng ta không thể làm gì hơn là đứng bất động khi thấy nó.
Ví dụ như phát biểu trước đám đông. Sự sợ hãi khi phát biểu trước đám đông đối với một số người là thật đến mức độ nào? Nó thật đến nỗi trong danh sách những nỗi sợ, sợ nói trước đám đông xếp thứ hạng cao hơn hẳn so với sợ chết. Nghe có vẻ kì quặc, nhưng đối với một số người, việc phát biểu trước đám đông tạo ra sự lo âu và sợ hãi nhiều hơn cả viễn cảnh của cái chết.
Bạn cho là tôi phóng đại lên chăng? Cứ thử đây những người này ra trước một đám đông và bắt họ phát biểu vài lời, rồi xem chuyện gì xảy ra nào. Tình trạng tinh thần và thể chất của họ sẽ lập tức biến đổi. Họ bắt đầu vã mồ hôi, tim đập thình thịch, và hai chân nhũn ra cơ hồ muốn sụn. Đó là điều mà một số người cảm thấy khi nghĩ đến chuyện phải phát biểu trước đám đông. Bạn thử nới với họ rằng cái sự sợ hãi đó rất vô lý, và rằng sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra với họ, khi đó bạn sẽ biết được nỗi sợ đó là thật đến mức độ nào.
Không còn nghi ngờ gì nữa, sợ hãi là một trong những con bò tệ hại nhát. Sợ hãi sẽ kiểm soát thân trí ta, làm tê liệt đầu óc và thân xác chúng ta theo đúng nghĩa của nó. Giải pháp duy nhất là hãy học cách hành động bất chấp nỗi sợ hãi, bất chấp cảm giác rằng mình chưa đủ giỏi, hoặc sự lo lắng bồn chồn mà mình có thể cảm nhận. Hành động là cách chữa trị duy nhất.
Những sự hợp lý hóa – một hình thức khác của thái độ hạn chế – thường được sử dụng một cách tiêu biểu trong nỗ lực thuyết phục người khác và thuyết phục chính mình rằng chuyện không qua tệ như vậy, mặc dù trong thâm tâm, bạn biết rất rõ điều đó tệ hại như thế nào. Rắc rối lớn nhất của sự hợp lý hóa là, nếu đủ thời gian, chúng ta sẽ dần dần tin rằng nó thật sự đúng, và chúng ta sẽ không có hành động nào để cải thiện tình huống của mình.
Thường thì chúng ta mất quá nhiều thời gian tự vấn vì sao mình lại cứ phải sống trong tình trạng mà mình chẳng hề muốn, chẳng hạn như phải mất cái công việc chán phèo. Thay vì làm điều hiển nhiên – đi tìm việc khác – chúng ta mất thời giờ cố gắng giải thích vì sao ở lại là lựa chọn tốt nhất.
Khi nghĩ đến hậu quả tàn khốc của cái sự hợp lý hóa, tôi nhớ đến một người phụ nữ đã gặp tôi trong một buổi ký tặng sách vì cô ấy muốn tôi giúp cải thiện thái độ của bản thân đối với công việc. “Hãy cho tôi biết vài điều về công việc của chị,” tôi nói.
“Tôi ghét việc mình làm”, đó là những lời đầu tiên cô ấy thốt ra. “Sếp của tôi là người bất cần đạo lý, ông ta không thừa nhận năng lực của tôi và ông ta thẳng như ruột ngựa. Tôi cũng không được làm việc theo chuyên môn của mình.
Tôi đã cố nghĩ theo chiều hướng tích cực nhưng đi làm đã trở nên nặng nề đối với tôi”. Và cô ấy tiếp tục nói một thôi một hồi về những lý do mình không thể bỏ công việc đó.
Cuối cùng, cô ta hỏi tôi có cách nào tích cực hơn trong tình cảnh của mình không. “Nghỉ đi! Tìm việc khác mà làm. Làm cái gì chị cảm thấy thích thì làm”, tôi đáp. Cô ấy sốc nặng. tôi nghĩ đó không phải là câu trả lời mà cô chờ đợi. Thật ra tôi cũng không cho đó là lựa chọn mà cô ta đã từng nghĩ đến. Tôi tiếp tục giải thích cho cô hiểu rằng chúng ta không đặt mục tiêu học cách thích nghi với một công việc chúng ta ghét mà là tìm kiếm và làm những gì chúng ta thích. Cuộc sống quá ngắn ngủi, chúng ta không có đủ thời gian để làm điều mình ghét. Bạn tôi, Brian Tracy, đã rất đúng khi nói rằng: “Bất cứ khoảng thời gian nào bạn dành cho công việc bạn ghét đều là khoảng thời gian bị lãng phí”.
Thái độ hạn chế cũng thể hiện dưới dạng các niềm tin sai lầm về năng lực của chính mình, về người khác, hoặc về thế giới mà chúng ta sống. Trong phần lớn thời gian, những niềm tin này ngăn cản chúng ta đạt được hoặc nhận ra tiềm năng thật sự của mình.
Isabel, người gần đây từng tham dự một trong các buổi nói chuyện của tôi, đã hơn sáu mươi tuổi. Bà ấy mới di cư sang đây và đang cố tìm việc, nhưng lại có một bộ sưu tập những niềm tin vì sao mình khó kiếm được việc phù hợp chuyên môn của bản thân. “Tôi không có kỹ năng giao tiếp tốt.” “Tôi quá lớn tuổi, và chẳng có công ty nào chịu thuê tôi.” “Chẳng ai muốn thuê một bà lão sáu mươi tuổi nói giọng quê rặt.” Isabel cứ tiếp tục nói và nói mãi về những lý do bà ấy chẳng bao giờ tìm được công việc nào phù hợp, đặc biệt là do tuổi tác. Khi tôi hỏi bà đã xin việc ở đâu thì mới biết được rằng thật ra bà ta chỉ mới nộp có một bộ hồ sơ cho một công ty và bị từ chối.
“Tôi phải làm sao đây, tiến sĩ Cruz?”, bà ta cầu xin một cách khẩn thiết. Linh tính cho tôi biết rằng đây không phải lần đầu tiên Isabel kể câu chuyện này. Thật sự thì bà ta đã kể đi kể lại câu chuyện đó hàng trăm lần rồi, nên tôi bảo: “Trước hết, bà hãy thôi kể lể về những điều như vừa rồi, và sau đó hãy đi nộp đơn và nhận thêm một trăm lần bị từ chối nữa trước khi chúng ta xếp bà vào nhóm hoàn toàn thất bại khi xin việc. Khi nào đạt đủ con số đó, bà hãy trở lại đây và chúng ta sẽ đề ra phương án khác.” Ba tháng sau tôi tình cờ tổ chức một buổi hội thảo cũng tại thành phố đó, và cũng không để ý là Isabel đã đến tham dự. Vào giờ giải lao, bà ấy đến chỗ tôi và kể: “Hai lần. Tôi chỉ bị từ chối thêm hai lần nữa và rồi tôi đã được nhận công việc tuyệt vời. Tôi làm việc được hai tháng rưỡi và rất hài lòng.” Và quả thật, trông bà ấy thật rạng ngời; tôi có thể nhận thấy bà ấy đã trở thành một con người khác. Dĩ nhiên, đó là điều tất yếu một khi bạn đã giải phóng mình ra khỏi gánh nặng của quá nhiều những con bò trên vai.
Hiển nhiên, như bạn thấy, các con bò có những hình dạng và cách ngụy trang khác nhau khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc tìm thấy và nhận ra bộ mặt thật của chúng. Một số người thích thừa nhận những con bò này như những nghiệp chướng mà số phận đã gán cho họ, những gánh nặng ngoài khả năng kiểm soát của bản thân.
Nhìn chung, mọi ý tưởng nào hạn chế năng lực của bạn và kiểm soát sự việc hoặc dọn đường cho bạn thoái thác trách nhiệm thực hiện công việc thì đó rất có thể là một con bò. Nhưng những con bò này hình thành như thế nào? Cũng giống như những lời nói dối nghiêm trọng thường bắt đầu bằng những lời nói dối vô hại, những con bò trưởng thành và to lớn cũng khởi đầu từ những chú bê con ngây thơ hiền lành.
Một ngày trong cuộc đời của một người bi quan
Sau đây là một ví dụ cho thấy các con bò đã thành hình như thế nào. Một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của thành công là sự bi quan. Những kì vọng thấp và thái độ tiêu cực luôn luôn mang lại thất bại và thất vọng.
Người bi quan sống trong một thế giới tiêu cực và đáng chán, trong khi thế giới lạc quan tràn đầy những điều tích cực và cơ hội. Dĩ nhiên trong thực tế, cả hai loại người này đều sống trong một thế giới chung. Những trải nghiệm khác biệt của họ đơn thuần chỉ là kết quả của những tư tưởng chính trong đầu họ.
Trong một buổi hội thảo của tôi, khi đang nói chuyện với một người cực kỳ tiêu cực, tôi nhận ra một điều và tôi tin đó là điểm xuất phát cho những thái độ tiêu cực của những người bi quan. Đối với những nhận xét tôi đưa ra về cái nhìn ảm đạm của anh ta trong cuộc sống, người bi quan lập tức trả lời hầu như lúc nào cũng với một câu: “Chỉ vì tôi là người thực tế.”
Chắc hẳn bạn cũng đã tình cờ gặp những người sẵn sàng lải nhải cố bào chữa cho các thái độ tiêu cực của họ bằng cách gọi đó là “những kỳ vọng thực tế”. Sự thật là nếu bạn hỏi một người tích cực liệu anh ta có phải là người lạc quan không, chắc chắn câu trả lời bạn nhận được sẽ là “có”. Mặt khác, nếu bạn hỏi người có tính tiêu cực xem anh ta có phải là người bi quan không, thường thì bạn sẽ nghe những câu trả lời đại khái như “tôi không phải người bi quan, mà tôi là người thực tế”.
Làm thế nào mà tính cách “thực tế” lại gây hại cho chúng ta? Điều này thật dễ hiểu. Nếu bạn có thể thừa nhận rằng mình đang trở nên tiêu cực và cay nghiệt thì trong chừng mực nào đó, bạn có thể quyết định thay đổi thái độ của mình. Thậm chí bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ để thay đổi quan điểm của mình về cuộc sống. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ rằng mình thật ra chỉ đang trở nên thực tế, và thực dụng, thì có thể chẳng bao giờ bạn cảm thấy cần phải thay đổi nhãn quang của mình. Xét cho cùng, bạn đã từng nghe người ta nói rằng để làm người thực tế thì bạn phải có lập luận rõ ràng và nhìn nhận mọi việc đúng bản chất của nó – hoặc ít ra thì đây cũng là quan điểm của người thực tế. Thế nhưng, nếu quan sát kỹ, bạn có thể nhận thấy hầu hết những “người thực tế” có xu hướng là những người bi quan và có những kỳ vọng tiêu cực. Thật ra tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy điều này ngay sau đây!
Đã bao nhiêu lần bạn nói với ai đó là hãy đạt được một mục tiêu nhất định – chẳng hạn như bạn nói với người đó là hãy cố gắng đạt điểm B trong bài thi kế tiếp – và người đó trả lời bạn “Cái gì? Thực tế đi chứ! Tôi tin mình sẽ đạt điểm A cơ.”? Không khi nào có chuyện như thế! Thông thường thì những gì bạn nghe được sẽ giống thế này hơn: “Bạn nghĩ tôi sẽ được điểm B sao? Thực tế đi nào!
Điểm C đã là may lắm rồi.” Điều tôi muốn nói ở đây là kinh nghiệm đã cho tôi biết “những người bi quan” thường có kỳ vọng thấp.
Con bò mang tên “Tôi là người thực tế” không chỉ ngăn cản bạn nhìn thấy sự bi quan của chính mình mà còn tác động như một lăng kính, qua đó bạn nhìn thấy và diễn dịch thế giới xung quanh. Điều này cũng dễ hiểu: Nếu đeo kính đen, mọi thứ bạn nhìn thấy đều tối hơn. Thái độ bi quan cũng giống như cái lăng kính mà qua đó bạn đánh giá thế giới.
Những người bi quan không phải được sinh ra để thành người bi quan. Bi quan được hình thành qua sự ghi nhận hay còn gọi là thái độ có điều kiện mang tính xã hội. Điều này không di truyền mà chúng ta cũng không thể ép nó vào tiềm thức nếu chúng ta không đồng ý và trực tiếp tham dự. Chúng ta tiếp thu sự bi quan và các cảm xúc tiêu cực khác, và tự động lập trình nó vào trong não bộ của mình.
Những tư tưởng, suy nghĩ bi quan không những ngăn cản bạn theo đuổi ước mơ mà còn từ từ huỷ diệt cuộc sống của bạn. Nó sẽ làm phát sinh những cảm xúc tiêu cực trong lòng bạn, được ghi nhận là hết sức tai hại trong những trạng thái cảm xúc cũng như trong các bệnh tật về thể chất.
Ai cũng biết những căn bệnh như cao huyết áp, rối loạn tiêu hoá, đau nửa đầu, và những căn bệnh khác thường bị xem là do sự căng thẳng và lo âu, thực chất là do những thái độ tiêu cực mà ra. Chẳng hạn như sự thù hận và giận dữ được cho là nguyên nhân làm tăng huyết áp, trong khi sự oán giận và phiền muộn lại làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Rõ ràng sự bi quan có tác động tàn phá to lớn đối với sự mạnh khoẻ về thể xác và tinh thần của bạn.
Bạn có nhận thấy rằng những người nào hay phàn nàn hết việc này đến việc khác thường là những người thường xuyên bị bệnh không? Martin Seligman, giáo sư của trường đại học Pennsylvania, nói rằng những người bi quan có khuynh hướng bị các bệnh truyền nhiễm và bệnh mãn tính nhiều hơn người khác, và hệ thống miễn dịch của họ không hoạt động tốt như của những người tích cực và lạc quan khác. Kết quả nghiên cứu của trường đại học Harvard cho thấy rằng những người trước khi bước sang tuổi 25 đã trở nên bi quan thì khi đến tuổi từ 40 đến 50, họ mắc nhiều bệnh hơn người khác.
Bạn sẽ đạt được những hiệu quả tích cực gì nếu bạn triệt tiêu chủ nghĩa bi quan trong đời mình? Có lẽ bạn sẽ tìm thấy câu trả lời từ một khảo sát của những nhà nghiên cứu của King’s College Hospital, London. Họ tình cờ phát hiện ra những kết quả đáng kinh ngạc từ một nhóm 57 phụ nữ bị ung thư vú và đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ vú. Cuộc nghiên cứu cho thấy rằng cứ 7 trong số 10 người có điều mà các bác sỹ gọi là “tinh thần đấu tranh” thì sống một cuộc sống bình thường trong 10 năm sau đó. Mặt khác, cứ 4 trong 5 bệnh nhân mà bác sĩ cho rằng đã “tuyệt vọng và chấp nhận điều tồi tệ nhất” thì qua đời chẳng bao lâu sau khi được chẩn đoán.
Vì vậy, bạn có thể nhận thấy rằng sự bi quan không chỉ ảnh hưởng xấu đến trạng thái cảm xúc lành mạnh của chúng ta và ngăn cản ta tạo nên những thay đổi quan trọng, mà nó còn có tiềm năng cướp đi của ta cuộc sống lâu dài và khoẻ mạnh.
Điều đáng mừng là cho dù trong quá khứ, chúng ta đã để cho môi trường và một số người xung quanh gây tác động khiến ta chấp nhận sự tầm thường, giờ đây ta vẫn luôn luôn có thể thay đổi thái độ và xây dựng lại tinh thần để đạt được những thành công trong cuộc sống.
Ngục tù của những niềm tin sai lầm
Không còn nghi ngờ gì nữa, hầu hết những niềm tin làm tê liệt ý chí mà ta chứa trong đầu mình đều đang kiềm hãm khả năng của chúng ta. Những niềm tin này giam hãm chúng ta trong một thế giới mà ở đó chúng ta không thể nhìn thấy tài năng và năng lực của mình. Những niềm tin sai lầm về những gì mà chúng ta làm được hoặc không làm được trong cuộc sống có thể tước đi của chúng ta một trong những quyền tự do lớn nhất: quyền tự do đạt đến toàn bộ năng lực của mình và sử dụng hết năng lực đó.
Nếu bạn bám một cách mù quáng vào suy nghĩ là bạn sẽ không thành công trong cuộc sống vì bạn đã không may mắn được học hành đến nơi đến chốn thì suy nghĩ này chắc chắn sẽ cai quản cuộc đời, hoài bão, quyết định, mục đích và thái độ chung của bạn. Niềm tin này sẽ đóng vai trò như một kịch bản vô thức và dẫn dắt tất cả hành vi của bạn, sẽ đưa ra những kỳ vọng thấp, và phá hoại các kết quả mà bạn đạt được trong cuộc sống. Làm thế nào mà một ý tưởng như vậy lại có thể trở thành một niềm tin sai lầm bám rễ trong tư tưởng của ta? Nó đã hình thành và kiểm soát cuộc sống của ta như thế nào?
Tất cả điều bắt đầu khi ta đưa ra những kết luận sai lầm dựa trên những tiền đề sai lầm mà ta chấp nhận như chân lý. Hãy xem những tiền đề này có ảnh hưởng như thế nào:
Tiền đề thứ nhất: Cha mẹ tôi chưa từng được đi học
Tiền đề thứ hai: Cha mẹ tôi chẳng mấy thành công trong cuộc sống
Kết luận: Vì tôi cũng không được đi học, nên có thể tôi cũng sẽ không thành công trong cuộc sống.
Bạn đã nhận thấy những âm hưởng tai hại của kết luận này chưa? Người ta có thể tạo ra những vòng luẩn quẩn có tính phá hoại bằng trí tưởng tượng thông qua những đoạn “tự thoại”.
Nếu ai đó tự nhận thấy rằng họ là người không có năng lực, thế giới xung quanh cũng sẽ đánh giá họ như vậy. Khi họ phản chiếu ra ngoài sự bất tài hiển nhiên của mình cho người khác thấy thì họ cũng sẽ được đối xử như những người bất tài, điều này xác nhận cái mà họ đã biết. Và họ thất vọng.
Thật ra, cái sự kiện cha mẹ bạn không mấy thành công trong cuộc sống chẳng mấy liên quan đến chuyện học vấn của họ. Hãy nhớ là học có thể cũng có những con bò mà bạn không biết đấy thôi. Và thậm chí nếu như sự thiếu thành công của cha mẹ bạn là kết quả của việc ít được học hành, điều đó cũng chẳng hề có nghĩa là bạn cũng sẽ có cùng kết cuộc. Vậy nên hãy cẩn thận với những đoạn “tự thoại” của mình.
Khi Joseph đến Úc để khởi đầu một cuộc sống mới, mặc dù ở đây nhu cầu tuyển dụng đối với chuyên môn của anh ta không nhiều, cứ nghĩ đến viễn cảnh phải làm bất cứ công việc nào khác với chuyên môn mà mình đã được đào tạo là anh thấy hoảng sợ. Dù sao, anh ta đã phải bỏ ra nhiều năm để học ngành chuyên môn đã chọn cơ mà!
Về mặt chuyên môn, sau một thời gian dài, nỗi sợ đó làm anh ta nhụt chí không muốn kiếm bất cứ ngành nghề nào khác. Hẳn nhiên là anh ta có thích những công việc khác, nhưng gia đình và bạn bè sẽ nghĩ gì khi biết anh ta phải từ bỏ nghề nghiệp của mình?
Mối lo âu của anh ta càng tăng thêm khi nghĩ rằng nếu chuyển sang ngành nghề khác thì công ăn học bao lâu nay chẳng phải phí hoài sao? Nếu chuyển ngành không thành công thì sao? Trong nhiều năm, niềm tin rằng mọi người nên theo đuổi chuyên môn của mình làm tê liệt Joseph, làm cho anh ta không thể quyết định chuyện gì cả. Mãi cho đến khi nhận ra những ảnh hưởng tai hại của thái độ này – dựa trên một tiền đề sai lầm khác – anh ta mới có quyết định dấn tới tạo lập cuộc sống theo hướng khác.
Vào kỷ nguyên của kinh tế thị trường, suy thoái và lực lượng lao động có tính di động cao mang tính toàn cầu như hiện nay, đây là một sự chọn lựa mà ngày càng có nhiều người phải đối mặt. Nhiều người, cũng như Joseph, cảm thấy hoảng sợ khi nghĩ đến việc mình phải chuyển sang làm bất cứ một công việc gì khác với chuyên môn mà mình đã được đào tạo. Sự sợ hãi này là đặc biệt nguy hiểm, mặc dù một số nghiên cứu đã cho thấy rằng nhiều người trong lực lượng lao động sẽ phải chuyển đổi công việc bình quân 7 lần trong đời mình.
May thay, Joseph quyết định chiến thắng nỗi sợ – tiêu diệt con bò của anh ta – và dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Kết quả là không những anh ta tìm thấy đam mê trong nghề nghiệp mới mà còn gặt hái được thành công to lớn trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, và giờ đây anh ta đang tận hưởng cuộc sống với nghề nghiệp mới này hơn bao giờ hết.
Nhiều người sợ những gì mới mẻ hoặc những thứ họ không biết. Đôi khi nỗi sợ những điều còn xa lạ này ngăn cản họ tìm thấy những niềm vui mới thậm chí trong những điều nhỏ nhặt nhất. Chúng ta thường không nếm thử món ăn lạ, hoặc tìm hiểu những nền văn hoá khác, hoặc thử những sở thích khác. “An toàn là trên hết” đã trở thành một lối sống và thu hẹp khả năng tiến bộ của chúng ta, đồng thời tạo ra những nỗi lo sợ phi lý.
“Tốt hơn là chỉ nên bám vào những gì mình biết”, “Coi chừng chữa lợn lành thành lợn què”, hay như câu mà tôi đã đề cập ở trên, “Ma quen hơn quỉ lạ”. Tất cả đều làm chúng ta nản lòng không còn muốn bước ra khỏi khu vực an toàn nhàn hạ của mình nữa. Nhưng sự thật là tính an toàn và bảo đảm hiển nhiên của những điều đã biết sẽ có thể ngăn cản chúng ta tạo những thay đổi quan trọng trong sự nghiệp, vốn đã quá chậm trễ, hoặc ngăn cản ta rời bỏ những mối quan hệ lừa lọc vì sợ lâm vào những hoàn cảnh còn bi đát hơn thế nữa.
Charles Dubois, Hannes, một giám đốc doanh nghiệp quốc tế, đã viết cho tôi: “Hẳn vậy… điều quan trọng là bất cứ lúc nào cái hiện tại cũng có thể hy sinh để đạt được cái bạn mong muốn. Nghe có vẻ dễ dàng và hiển nhiên, tuy nhiên việc thực hiện điều này trong những tình huống nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống của chúng ta lại thường rất khó khăn. Trong thế giới làm ăn, chúng ta cần phải biết thích nghi với những thử thách mới trong công việc hàng ngày. Cũng như những nhà quản lý khác, tôi nhận thấy những người trong đội ngũ của tôi thường khó chấp nhận sự thay đổi. Ta vẫn nghe họ nói ‘Chúng ta vẫn thường làm vậy mà. Việc gì bây giờ lại thay đổi?”, “Nếu nó không hư thì khỏi sửa”. Nhưng sự thật là nếu chúng ta không chấp nhận thay đổi như một phần của đẳng thức, nếu chúng ta không tiến lên và thích nghi, chúng ta có nguy cơ bị lỗi thời. Khi sẵn sàng loại bỏ những con bò trong tổ chức của mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng hầu hết các nỗi lo sợ đó đều là chuyện dở hơi”.
Bài học là gì? Chúng ta cần đặt ra câu hỏi liệu những nỗi sợ, những âu lo, và những bấp bênh mà chúng ta gặp có phải là kết quả của những niềm tin sai lầm mà chúng ta tạo ra trong cuộc sống. Bạn không nên chấp nhận những hạn chế trước khi tự hỏi liệu đó có thật là hạn chế hay không. Hãy nhớ rằng bạn luôn luôn là những gì bạn tự gán cho mình. Nếu tin mình sẽ thành công, bạn rất có thể sẽ thành công. Nếu tin mình sẽ thất bại, thật sự bạn đã thất bại rồi. Tất cả tuỳ thuộc vào quyết định của bạn.
Khi bạn nhất định thoả hiệp
Thông thường, nếu chúng ta có thể bênh vực hay bào chữa cho một thói quen xấu hoặc một thái độ kém cỏi của mình, có lẽ chúng ta chẳng cần phải thay đổi nó làm gì.
Lý do cũng thật đơn giản. Nếu ta có thể xem chúng là “chuyện đương nhiên” hoặc “ngoài tầm kiểm soát”, thì chẳng cần thiết phải sửa chữa. Chung quy cũng giống như nói “Nếu nó không hư,…”
Người ta viện nhiều lời bào chữa để lý giải cho tình hình sức khoẻ kém của mình, cho các mối quan hệ tệ hại, hoặc cho các kỹ năng nuôi nấng con cái quá sơ sài. Chúng ta khó chịu, nhưng lại chẳng hề làm gì để cải thiện tình hình. Thay vào đó, chúng ta lại đi tìm kiếm lời biện bạch để giải thích vì sao mình không thể làm gì.
“Ước gì tôi có thể chăm chút cho bản thân mình hơn, nhưng tôi bận quá.” “Đi bệnh viện quá tốn tiền.” “Tôi chẳng tin vào các ông bác sĩ.” Có vẻ những lời này đủ trở thành lý do cho những ai muốn khoả lấp tình trạng sức khoẻ èo uột của mình.
Chuyện ai cũng thấy được là chẳng có lời biện bạch nào trong số đó có thể làm tiêu tan hay thuyên giảm bệnh tật cho họ cả.
Những chuyện tương tự như vậy cũng thường xảy ra trong những khía cạnh khác của cuộc sống. Chẳng hạn như lý lẽ sau đây thường được các ông bố, bà mẹ sử dụng để hợp lý hoá vấn đề họ không thể ở bên con cái nhiều hơn: “Tôi mệt lả khi về đến nhà. Ước gì tôi có thể ở bên con nhiều hơn, nhưng tôi làm việc nhiều cũng chỉ để cho con cái có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hy vọng là tụi nhỏ có thể nhận thấy tôi yêu thương chúng nhiều như thế nào”. Nghe cũng hợp lý đấy chứ?
Vấn đề với hầu hết những con bò là đây. Lý lẽ nghe qua rất đáng tin và hợp lý, đến nỗi chúng ta chẳng cần phải đặt dấu hỏi làm gì.
Đôi khi, trong lúc tôi cố gắng giúp các vị phụ huynh nhìn ra sự sai lầm nằm sau ý tưởng này, họ thường đáp lại tôi với một con bò thậm chí còn to hơn: “Vấn đề không phải là số lượng, mà là chất lượng thời gian tôi ở bên chúng”. Với con bò này thì sao? Hợp lý đến nỗi chúng ta chẳng cần phải ở bên lũ con cái mình thêm lâu làm gì. Dù sao, nếu bạn thật sự chấp nhận điều này, có lẽ bạn dễ dàng tin rằng năm phút mà bạn dành cho con mỗi ngày là một khoảng “thời gian có chất lượng”. Bạn có nhận ra mối nguy hiểm tiềm ẩn ở đây chưa? Sự thật là khoảng thời gian chúng ta dành cho con cái cũng quan trọng như chất lượng của nó. Hơn nữa, nếu phải chọn giữa chất lượng và số lượng, tôi sẽ chọn cái thứ hai.
Có những lĩnh vực mà chất lượng không thôi thì không đủ. Nếu nghi ngờ về điều này, hãy tưởng tượng cảnh bạn đến nhà hàng với một người bạn. Cả hai đều gọi beefsteak. Người phục vụ mang ra cho người kia một miếng thịt rõ to, dày và mềm mại. Còn trên đĩa của bạn thì chỉ bằng khẩu phần của một đứa trẻ. Và khi bạn phàn nàn về sự khác biệt này với người phục vụ – mà chắc chắn là bạn sẽ phàn nàn, anh ta trả lời: “Ồ, thưa ông, lý do rất đơn giản: Miếng thịt dành cho ông có chất lượng cao hơn hẳn”. Có lẽ trong tình huống như vậy, bạn sẽ là người giải thích cho anh bồi bàn biết là số lượng cũng quan trọng như chất lượng vậy.
Là cha của ba đứa trẻ, và sau khi chia sẻ với những bậc cha mẹ khác, tôi nhận ra rằng bọn trẻ luôn luôn tận dụng mọi khoảng thời gian mà chúng ta sẵn sàng chơi với chúng. Nếu chúng ta vắng mặt, chúng sẽ tìm người chơi khác, hoặc tìm trò khác để giải khuây.
Nếu chúng ta không rảnh giúp con làm bài tập, chúng sẽ tự mày mò. Nếu chúng gặp khó khăn mà chúng ta lại vắng mặt, chúng sẽ tìm đến bất cứ người nào chịu lắng nghe chúng.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: thái độ, lòng tự trọng, và tính cách của bọn trẻ sẽ được định hình theo số lượng và chất lượng thời gian chúng ta dành cho chúng. Bạn có thể lưu lại ảnh hưởng tích cực cho con bạn suốt cuộc đời, hay bạn có thể giữ lại con bò “Tôi không có thì giờ”. Tuỳ bạn.
Hãy sáng tạo và sử dụng nhiều cách khác nhau để tham gia vào các hoạt động của bọn trẻ và giúp bọn trẻ tham gia vào các hoạt động của bạn. Hãy yêu thích những sở thích của chúng. Hãy hỏi han chúng nhiều hơn vào lúc ăn tối cùng nhau. Chơi với chúng một lát trước giờ đi ngủ. Giúp chúng làm bài tập và những việc được trường giao về nhà. Hãy tổ chức các hoạt động cuối tuần để tạo điều kiện gần gũi chúng. Đừng chỉ đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của bọn trẻ. Những thứ cao hơn và bên ngoài các nhu cầu tối thiểu mà bạn làm cho chúng sẽ giúp hình thành nhân cách, phát triển các giá trị và những nguyên tắc hướng dẫn chúng đi suốt cuộc đời.
Qua chương này, bạn đã thấy rằng trong cuộc sống chúng ta rất dễ có những con bò. Rất dễ rơi vào cái bẫy biện bạch. Nếu chúng ta “cài đặt” bộ não của mình với những niềm tin sai lầm thì hết cả cuộc đời chúng ta cũng không biết được khả năng của mình. Chúng ta có thể vuột mất những cơ hội thành công khi thừa nhận những tư tưởng hạn hẹp như thế.
Tôi thường tự hỏi bởi cớ gì mà người ta chịu gánh cả gánh nặng trĩu những niềm tin sai lầm như thế suốt đời, thậm chí ngay cả khi mang lên người những gánh nặng đó có nghĩa là từ chối một cuộc sống đầy đủ và vui vẻ. Bám riết vào những thứ làm phương hại đến hạnh phúc của mình thì vô lý quá. Phải, thật là phi lý khi nhiều người vẫn quyết định để những niềm tin sai lầm huỷ hoại sự thành công của họ một cách có ý thức.
Kẻ thù mang tên “trung bình”
Có lần tôi nghe một huấn luyện viên dõng dạc giáo huấn các cầu thủ của mình: “Kẻ thù của Vĩ Đại là Tốt”. Tôi suy nghĩ một lúc và lấy làm kinh ngạc trước sự minh triết ẩn trong lời nói ngắn gọn này. Khi nào chúng ta còn cảm thấy hài lòng với cái Tốt, chúng ta sẽ không bao giờ đạt đến sự Vĩ Đại. Somerset
Maugham, một nhà văn người Anh, đã từng cho rằng: “Ở đời có cái khôi hài là nếu bạn nhất định chỉ chọn cái tốt nhất, thì rất nhiều khả năng bạn sẽ được như ý”. Điều ngược lại cũng đúng. Nếu bạn quyết định sống một cuộc đời trung bình hay tầm thường, bạn cũng sẽ đạt được như vậy.
Trong khi một số người sống ngày này qua tháng nọ mà không hề biết rằng trên lưng mình gắn chặt những con bò đó nhưng lại tiếp tục chăm sóc và nuôi dưỡng chúng. Vì sao ư? Vì chúng mang lại cho họ khu vực an toàn mà trong đó, thật không may, sự tầm thường lại rất được hoan nghênh. Cho nên họ sẵn lòng nuôi dương đàn bò của mình vì điều đó cho phép họ giũ bỏ trách nhiệm đối với thành công của chính bản thân và đổ thừa cho số phận không may do một nơi nào khác. Họ có thể biện bạch cho mọi vấn đề, ở mọi nơi và mọi ngày trong tuần.
Nếu thình lình chúng ta chẳng tìm được lời biện bạch hay phân trần nào cho sự tầm thường của mình, chúng ta chỉ còn hai lựa chọn: Thừa nhận 100 phần trăm trách nhiệm về phần mình và bắt đầu thay đổi (thành công!), hoặc thừa nhận rằng chúng ta không thể điều khiển được cuộc đời mình và bỏ cuộc (thất bại!).
Con đường để đi tiếp thế nào đã rõ.
Rủi thay, những con bò lại đưa ra một lựa chọn thứ ba, mà ảnh hưởng của nó lại có sức tàn phá to lớn hơn sức tàn phá của thất bại: đó là sự tầm thường. Nó biến chúng ta thành những người có quyết tâm cao nhưng lại là nạn nhân của số phận nghiệt ngã. Chúng ta muốn trở nên vĩ đại, nhưng lại không thể. Chúng ta muốn đạt được những thành tựu to lớn nhưng cũng không thể. Vì chúng ta không có khả năng đột phá, tài năng, hay may mắn; cho nên chúng ta phải bằng lòng với bất cứ thứ gì mà mình có thể đạt được.
Lựa chọn thứ ba này – sự tầm thường – còn tệ hơn sự thất bại hoàn toàn. Chìm sâu tận đáy của sự thất bại khiến bạn phải nhìn lại các hoàn cảnh của mình và xem xét lại các lựa chọn. Khi bạn đã xuống đến đáy và nhận ra rằng mình đang ở dưới đáy của vực thẳm cuộc đời, bạn chỉ còn một cách duy nhất: leo lên. Đau khổ cùng cực, thất bại não nề, hay sự suy sụp trầm trọng tạo nên những tình huống hoặc-sống-hoặc-chết buộc chúng ta phải hành động. Nhưng sự tầm thường thì không. Mối nguy hiểm lớn nhất của sự tầm thường là chúng ta vẫn còn chịu được tình trạng đó. Chúng ta có thể sống trong sự lưng chừng và thích nghi với nó.
Tôi muốn chia sẻ với bạn một câu chuyện tôi đã được nghe trước đây, minh hoạ rất tốt quan điểm này.
Một người nọ đến thăm một nông dân già từng là một thợ săn có tiếng. Khi đến nông trại người khách nhìn thấy một trong những con chó săn của người nông dân đang nằm dài ngoài hiên nhà. Con chó có vẻ rất bức bối. Dường như nó đang khó chịu với chuyện gì đó, vì nó cứ sủa và rên rỉ không thôi. Sau vài phút nhìn thấy cảnh tượng này, người khách hỏi người nông dân con vật tội nghiệp đó bị làm sao vậy.
“Cứ mặc con chó già đó đi”, người nông dân trả lời. “Nó cứ như vậy cả mấy năm nay.”
“Vậy anh đã đưa nó đến một bác sĩ thú y hay đã tìm hiểu xem vì sao nó lại như vậy chưa?”, người khách hỏi.
“Việc gì phải thế? Tôi biết thừa nó bị làm sao. Nó làm biếng như khỉ ấy.”
“Nhưng chuyện đó thì mắc mớ gì nó phải rên rỉ?”
“Anh biết không”, người nông dân trả lời, “tình cờ cái chỗ nó nằm có một cây đinh trồi lên. Cây đinh đâm vào chân làm nó ngứa, cho nên lần nào ngồi đó, nó đều sủa váng lên và rên rỉ như vậy đấy.”
Người khách trợn mắt kinh ngạc. “Vậy sao nó không kiếm chỗ khác mà nằm?”
“Ừ,” người nông dân nói, “tôi đoán là cái cây đinh đó đâm nó không đau lắm.”
Thế đấy, chúng ta đã đi vào trọng tâm vấn đề của sự tầm thường: nó có vẻ khó chịu và cũng có lúc gây đau đớn, nhưng nó chưa bao giờ đủ làm cho ta bực mình để khiến chúng ta phải thay đổi.
Bạn có biết người nào đang trong hoàn cảnh đó không? Bạn thì sao? Bạn có cái dằm nào trong chân đã ngăn trở bạn đến một cuộc đời xứng đáng? Nếu có, hãy quyết định ngay và loại bỏ những con bò đã cướp đi của bạn khả năng sống một cuộc đời thật trọng vẹn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.