Ngày xưa có một con bò

2. ĐỪNG CHO RẰNG MỌI CON BÒ ĐỀU KÊU ỤM…BÒ… Ò…



Sau vài ngày trì hoãn, tôi quyết định đọc cuốn sách này và cười suốt, vì tôi nhận thấy rằng hâu như mình đã sử dụng tất cả những lời biện bạch được đề cập trong mỗi chương. Ngay tại thời điểm được thốt ra, những lời lẽ đó không có vẻ gì là những định kiến, nhưng đọc thấy nó trên giấy trắng mực đen quả thật đã làm tôi xấu hổ quá chừng. Tôi đã dùng một số những lời biện hộ đó với người khác như là những lời khuyên đáng giá. Đối với tôi, việc trì hoãn luôn luôn là vấn đề lớn. Để che giấu nó, tôi dùng những con bò như “Cẩn tắc vô ưu”, “Đừng mua trâu vẽ bóng”, hay như “Để từ từ tính”. Vấn đề lớn là tôi liên tục trì hoãn những việc nên làm cho đến khi quá muộn. Giờ đây tôi nhận ra rằng chúng ta rất dễ trở thành nô lệ cho những lời biện bạch và những định kiến âm thầm xảy ra trong cuộc đời chúng ta. Và, những điều này trông không có vẻ gì đáng phải bận tâm, nhưng bây giờ tôi mới nhận ra rằng bọn chúng đều gây ra hậu quả. Tôi phải viết ra giấy ngay lập tức những con bò của mình và quẳng chúng đi không thương tiếc.

Charles, Los Angeles, California

Cũng như những thói quen xấu khác, những con bò có vẻ giống những người bạn đồng hành lặng lẽ. Đó là lý do chúng ít bị nhận dạng và chúng có thể tồn tại mà không bị ai “chiếu tướng”, để rồi mang lại những ảnh hưởng xấu trong suốt cuộc đời chúng ta. Thật ra, ít ai trong chúng ta thừa nhận mình đã kiếm cớ này cớ nọ. Thay vào đó, chúng ta vẫn xem chúng như những sự giải thích đúng đắn, hợp lý cho những tình huống thường là – và thật tiện lợi làm sao – vượt quá tầm kiểm soát của chúng ta.

Không phải chúng ta “lề mề” mà chúng ta chỉ “trễ một cách đúng điệu”, hoặc hay hơn, chúng ta là nạn nhân của “sự bất ổn khó lường của giao thông”. Bạn đã nhận ra rằng chúng ta dễ dàng lệ thuộc một cách vô thức vào những thói quen xấu này như thế nào chưa?

Những sự biện minh của chúng ta đã trở thành “sự gạn lọc hợp logic”, nỗi lo sợ vô lý trở thành “biện pháp phòng ngừa hợp lý”, và kỳ vọng thấp kém trở thành “một cái nhìn thực tế trong cuộc sống”. Chúng ta phủ nhận việc mình hài lòng ở vị trí thứ hai; chúng ta chỉ cố tỏ ra mình là người thực tế để né tránh sự thất vọng. Chúng ta không bao giờ thừa nhận rằng mình đã cố gắng hợp lý hóa sự tầm thường của bản thân, mà thích xem chúng như việc thiết lập các mức độ khả thi cho những kết quả có thể chấp nhận được.

Đó là lý do nhiều người trong chúng ta khó tin được rằng mình có bất cứ con bò nào trong cuộc sống. Đối với chúng ta, những lời bào chữa của bản thân không có vẻ gì giống như đang tìm cớ chối bỏ trách nhiệm; trái lại chúng chẳng qua chỉ là những lý lẽ tốt. Bạn thấy chưa? Không phải mọi con bò đều rống lên inh ỏi để ta nhận biết chúng, và nhiều con trong số đó cứ âm thầm có mặt mà không ai hay.

Sau khi chia sẻ hình tượng này với bạn đọc khắp nơi trên thế giới và lắng nghe những lời biện minh và những “sự giải bày hợp lý” của họ, tôi đi đến kết luận rằng nhiều người trong chúng ta không sẵn sàng từ bỏ những con bò của mình.

Tất cả những lời giải bày mà chúng ta thường viện ra để khỏi phải thay đổi đều nghe rất lọt tai. Những lời ấy có vẻ bùi tai và tạo cảm giác chẳng tội tình gì cho lắm. Đó là lý do mà chúng ta phải gạt bỏ chúng đi nếu muốn thành công.

Tôi biết điều này có vẻ khó nghe. Có lẽ bạn sẽ thấy dễ nghe hơn nếu tôi bảo các bạn “thay đổi thái độ”, “chỉnh sửa hành vi” hoặc “điều chỉnh các thói quen xấu” thay vì đòi bạn giết những con bò của mình. Nhưng tôi nhận thấy rằng nếu thật sự muốn thành công trong cuộc sống và thể hiện hết khả năng của bản thân, chúng ta cần phải thành thật một cách tàn nhẫn với chính mình. Và điều này bắt đầu bằng việc gọi tên chính xác các sự việc chứ không phải những cái tên đã được “nói giảm nói tránh” hoặc nghe cho có vẻ êm ái dễ chịu.

Vì vậy, mỗi “con bò” đại diện cho một lời biện minh, một cái cớ, một sự bào chữa, một lời nói dối, sự hợp lý hóa, nỗi sợ, và niềm tin sai lầm đã trói buộc chúng ta vào cuộc sống tầm thường và ngăn cản chúng ta sống thật sự xứng đáng.

Buồn thay, chúng ta thường xuyên có nhiều “bò” hơn số lượng chúng ta muốn nhìn nhận.

Nhìn chung, những con bò của chúng ta thuộc hai nhóm: nhóm các lời biện bạch và nhóm các thái độ hạn chế. Nhóm biện bạch bao gồm những lời bào chữa, những cái cớ, và những lời nói dối đơn thuần. Trong khi đó, nhóm thái độ hạn chế có xu hướng biểu trưng cho những nỗi lo sợ, những sự hợp lý hóa, và các niềm tin sai làm. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ thảo luận về các thái độ hạn chế, còn bây giờ thì hãy ngó qua những kiểu viện cớ của mình xem sao.

Những sự biện bạch thường được sử dụng để giải thích vì sao chúng ta không làm những gì phải làm hay đáng ra nên làm. Sự khác biệt chính giữa những lời biện giải và các thái độ hạn chế là trong hầu hết trường hợp, thậm chí chúng ta không tin vào những lời biện giải của chính mình. Chúng ta thừa biết những chuyện đó không đúng sự thật tí nào cả. Chẳng qua đó chỉ là một cách dễ dàng để biện bạch cho sự tầm thường của chính mình để giữ “thể diện” cho mình mà thôi.

“Xin lỗi vì tôi đến trễ. Bạn biết không, đường với sá! Đến là kinh!”

Tuy nhiên, điều khiến chúng ta trễ không phải chuyện giao thông mà là chúng ta đã không cố gắng đến đúng giờ; và để che đậy sự khó chịu hoặc tội lỗi, chúng ta đưa ra lời biện bạch. Rõ ràng việc sử dụng những lời biện bạch đã làm cho bạn không thành thật với chính mình và thường không thành thật với người khác.

Những lời biện bạch như vừa rồi đã trở nên dễ được chấp nhận hơn sự thật. Chúng ta đổ lỗi cho giao thông vì chúng ta không muốn thừa nhận rằng đã không thể dứt ra được mười lăm phút cuối cùng của chương trình Tivi ở nhà. Cái đó đâu có hay ho gì, đúng không? Chúng ta cũng không gọi điện thoại lên công ty để nói rằng “Hôm nay tôi xin nghỉ vì tôi đã hứa đưa con bé nhà tôi đi chơi dã ngoại với nhà trường.” Thay vào đó chúng ta xin nghỉ phép “bệnh”.

Nhưng cũng với tất cả những con bò, chúng ta đang phải trả giá cho những lời biện bạch dễ nghe này. Cái giá đó là chúng ta biết mình không có can đảm đối mặt với hậu quả của việc nói ra sự thật.

Tôi Mà Biện Bạch Ư? Đâu Có!

Biện bạch là những con bò phổ biến nhất. Và đó là cách dễ dàng để bào chữa cho sự tầm thường thông qua việc đổ thừa cho một vật thế thần, và nhờ đó lách được trách nhiệm cho những sự việc mà đáng ra thuộc về chúng ta.

Biện bạch là một cách nói “Tôi sai, nhưng đó không thật sự là lỗi của tôi.”

1. “Tôi không thăng tiến trong công việc vì tôi gặp toàn những ông chủ không đếm xỉa đến năng lực của tôi.”

2. “Tôi thi rớt vì giáo viên chẳng cho chúng tôi đủ thời gian ôn bài.”

3. “Cuộc hôn nhân của tôi thất bại vì vợ/chồng tôi chẳng màng đến chuyện hiểu tôi.”

4. “Công ty thất bại không phải lỗi của tôi. Trong bối cảnh kinh tế như thế thì ngay cả công ty lớn cũng còn lao đao.”

Đổ trách nhiệm về một tình huống cho người khác có lẽ dễ hơn là phải đối mặt với nó và tự mình gánh trách nhiệm. Những lời biện bạch như trên cho phép chúng ta chuyền quả bóng trách nhiệm cho người khác. Những tình huống chúng ta tránh né có thể là bị điểm kém, bị từ chối, gặp xung đột, trở nên đơn độc, hoặc bị chỉ trích. Và chẳng có gì sai nếu bạn không muốn lâm vào những tình huống chẳng có gì thú vị như thế. Tuy nhiên, lẩn lút hoặc né tránh thường khiến chúng ta mất cơ hội sửa chữa những khó khăn thực sự mà chúng ta cần giải quyết.

Những lời biện bạch này chỉ giúp chúng ta thoát khỏi trách nhiệm, đặt chúng ta vào vai trò nạn nhân, và trút lỗi sang người khác. Khi nào còn cho rằng đây là lỗi của người khác thì bạn chẳng việc gì phải ra tay cải thiện tình hình. Dù sao, đó đâu phải lỗi của bạn – bạn chỉ là nạn nhân.

Chỉ có ba thứ chúng ta biết chắc về những lời biện bạch.

Thứ nhất nếu bạn thật sự muốn tìm một lời biện bạch, đương nhiên bạn sẽ tìm được. Và một khi đã tìm được, bạn sẽ bám víu vào nó đến cùng. Khi biết rõ là anh cần phải tập thể dục nhiều hơn nữa, và thay đổi chế độ ăn để giải quyết bệnh tiểu đường của mình, Samuel đã tìm ra vô số lời biện bạch. “Nhưng thật không may là tôi không có thời gian.” “Tôi vẫn thường ăn như vậy mà.” “Tôi làm việc khuya nên không thể dậy sớm để đến phòng tập được.” “Nếu chỉ ăn những gì tốt cho sức khỏe, ắt mình chết đói mất thôi.” Anh ta thậm chí tệ đến mức dám nói ra lời biện bạch đáng xấu hổ này: “Chúng ta ai rồi cũng phải chết vì một lý do nào đó, đúng không?” Vấn đề duy nhất của anh ta là không lời biện bạch nào trong số đó giúp kiểm soát được căn bệnh. Tôi hi vọng rằng Samuel sẽ kịp nhận ra vấn đề trước khi quá muộn.

Điều đáng tiếc là nhiều người không nhận ra nó, Tôi nhớ một chủ doanh nghiệp tôi đã từng cộng tác cách đây vài năm. Ông ta hút thuốc như ống khói bễ lò và đã phải chấp nhận thói quen xấu đó như một trong những thứ mà ông ta không thể kiểm soát. Trong lúc hấp hối, ông nói với gia đình: “Ta không thể tin nổi rằng ta đã để cho thói quen tệ hại đó giết mình.”

Điều thứ hai bạn hoàn toàn có thể đoan chắc là một khi bắt đầu dùng đến bất cứ lời biện bạch nào, bạn sẽ tìm được đồng minh. Bạn có thể yên chí như thế. Bất kể những lời biện bạch của bạn vô lý hay giả tạo thế nào, vẫn luôn luôn có ai đó tin bạn và chia sẻ với bạn. Họ sẽ nói: “Tôi hoàn toàn thông cảm với cô, vì tôi đã từng bị y như vậy”.

Cuối cùng, sự thật hai năm rõ mười phía sau những lời biện bạch là chúng chẳng thay đổi được gì cả. Chúng chẳng giải quyết được những vấn đề khó khăn mà chúng ta đang cố tránh né bằng cách vẽ nên những cái cớ êm tai. Cuộc sống vẫn như cũ. Nếu trước đó cuộc sống chỉ ở mức bình bình, thì nó vẫn tiếp tục giữ mức bình bình ấy. Như vậy, sự biện bạch chẳng khác gì chuẩn bị cho sự thất bại. Tệ hơn nữa, cứ mỗi lần viện đến nó là chúng ta tiến thêm một bước tới việc khiến cho nó trở thành một phần trong cuộc sống thực tế của mình.

Shakespeare đã hiểu điều này hơn ai hết và đưa ra nguyên do thực sự để tránh không dùng đến những lời bào chữa, ông nói: “Thường xuyên biện bạch cho một lỗi lẫm chỉ làm cho lỗi lẫm đó thêm trầm trọng hơn”.

Ví dụ nếu bạn thường xuyên dùng đi dùng lại lời biện bạch cũ xì “Tôi chẳng rảnh được chút nào cả” để bào chữa cho việc bạn đã không làm điều cần phải làm, rồi cũng đến lúc bạn sẽ nhận ra rằng mình đã mất quyền làm chủ thời gian và cuộc sống của chính mình. Bạn bắt đầu một cuộc sống đối phó thụ động, nhảy chồm chồm từ chuyện khẩn cấp này sang chuyện vội vã khác, chẳng còn chút thời gian rảnh nào dành cho những việc thật sự có ý nghĩa trong cuộc đời mình. Mỗi lần bạn đưa ra lời biện bạch, hiệu lực của nó sẽ lớn hơn, và quen thuộc hơn. Cuối cùng đến một lúc nào đó, nó sẽ trở thành hiện thực của bạn. Thật ra những lời biện bạch là con đường dễ nhất để không phải đối mặt với kẻ thù tồi tệ nhất của thành công: sự tầm thường.

Cũng như vậy, lặp đi lặp lại và tái đi tái lại việc xác nhận một số niềm tin và ý kiến nhất định sẽ cản trở chúng ta hành động, và rồi chúng ta sẽ trở nên ù lì lâu dài. Một cách vô thức, chúng ta lặp lại những ý kiến mang những tác động tiêu cực vào cuộc sống của chính mình mà không quan tâm xem trong đó có chút sự thật nào chăng.

Khi có cơ hội nhìn lại và đặt câu hỏi với những tư tưởng, ý kiến này, chúng ta nhận thấy trong số đó có những điều hoàn toàn sai lầm mà vẫn không bị phản đối. Và những ý tưởng khác thì chẳng qua cũng chỉ là những lời bình phẩm thiếu chính xác mà chúng ta đã nghe được từ người khác. Rất nhiều ý tưởng đã trở thành những lời quen thuộc do truyền miệng từ người này đến người kia, nhưng chẳng hơn gì những lời nó dối trá được ngụy trang dưới những lớp sự kiện nào đó tưởng như là thật.

Vì vậy, hãy quên những lời thanh minh thanh nga đi!

Bạn bè của bạn chẳng cần đến chúng đâu, còn kẻ thù cũng chẳng tin.

Người Ta Nói Rằng…

Khi được nhiều người chia sẻ và được lặp đi lặp lại đủ nhiều, những lời biện bạch trở thành thứ được chấp nhận một cách bình thường, như một dạng lời khuyên uyên bác. Theo thời gian, nó được tạo thành khuôn mẫu và chuyển dạng thành những câu cách ngôn có vẻ sắc sảo và thâm thúy, được cho là đúng và được nhìn nhận như những công thức không thể sai của sự khôn khéo. Tuy nhiên, trong thực tế, rất nhiều những cách ngôn như thế chẳng qua chỉ là những ý kiến sai lầm kiềm hãm chúng ta tiến lên.

Những câu nói như “Tre già khó uốn” hay như “Ngựa quen đường cũ” đã truyền bá hai ý kiến sai lầm và ngớ ngẩn. Câu thứ nhất hàm nghĩa, và có lẽ muốn chúng ta tin rằng, khi đạt đến một độ tuổi nhất định nào đó, chúng ta không thể học thêm được gì nữa – rõ ràng đây chính là một con bò cho bạn! Câu thứ hai hàm nghĩa có những thói quen hay hành vi mà chúng ta không bao giờ thay đổi được.

Những tư tưởng như vậy không chỉ khiến chúng ta cảm thấy bất lực mà còn bịt mắt chúng ta trước khả năng chúng ta có thể thay đổi, học hỏi và chấp nhận theo hướng tích cực. Chúng ta ngây ngô cho rằng nếu những học giả, những nhà truyền giáp, hay bố mẹ chúng ta thường xuyên lặp lãi những châm ngôn này, ắt hẳn chúng phải đúng, hoặc ít ra chúng cũng phải chưa đựng một khuôn vàng thước ngọc nào đó như một lời khuyên tốt. Thế nhưng, lý do thông thường mà những lời nó này trở nên phổ biến lại nằm ở chỗ chúng chính là những con bò được nhiều người đồng chấp nhận.

Chẳng hạn, hãy đọc qua những thành ngữ nổi tiếng sau đây xem chúng thật sự có giá trị hay chẳng qua chúng cũng chỉ là những lời bao biện phải lúc.

1. Làm ơn mắc oán

2. Ma quen hơn quỉ lạ

3. Có tiền mới đẻ ra tiền

4. Trèo cao té đau

5. Tốt mã rã đám

6. Cẩn tắc vô ưu

Hãy suy nghĩ kỹ hơn về một vài câu thành ngữ trên để đánh giá ý nghĩa thực sự của nó và những gì bạn phải trả giá nếu bạn làm theo. Ví dụ như hãy nghĩ đến sự ngớ ngẩn nếu bạn tin rằng làm việc tốt chẳng những không được thưởng mà còn mang họa vào thân. Đúng thật là triết lý hoài nghi của cuộc sống!

Hay bạn hãy nghĩ xem điều sau đây nghịch lý như thế nào nếu bạn từ chối cơ hội việc làm mới để ở lại với cái công việc mà bạn đã ngán đến tận cổ và bạn cũng chẳng gặt hái được gì chỉ vì bạn nghĩ rằng “Ma quen hơn quỉ lạ”. Ấy vậy mà nhiều người lại chọn làm theo câu châm ngôn này chỉ vì giá trị bề mặt của nó mà không hề biết rằng thông qua sự lựa chọn đó, họ đã chấp nhận thiệt thời hơn rất nhiều so với những gì họ đáng được nhận.

Câu này thì sao: “Có tiền mới đẻ ra tiền”? Hãy đánh giá xem câu châm ngôn này thật sự chính xác đến đâu. Tôi chắc chắn đã nhận thấy điều này từ những “doanh nhân trong tư tưởng”, những người muốn trở thành doanh nhân nhưng lại không làm gì cả mà chỉ biện hộ cho bản thân qua sự trợ giúp của “lời khuyên khôn ngoan” này. Một doanh nhân thật sự sẽ cho bạn biết tư tưởng này hoàn toàn sau lầm. Hết lần này rồi lần khác, sự thành công của những người có chí lớn đã cho chúng ta thấy rằng cần có tầm nhìn, tâm huyết, và sự kiên trì – chứ không phải tiền bạc – để biến một ý tưởng thành vàng.

Vậy nên trước khi tiếp tục sử dụng những “kinh nghiệm dân gian” này theo quán tính, hãy chắc chắn rằng bạn không ôm riệt lấy những con bò như thế và các con khác nữa vốn không có mục đích nào hơn là khiến bạn chấp nhận và chịu đựng một cuộc sống tầm thường.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.