Những Bố Già Châu Á

7. MÀN CUỐI: ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ, THẬT BUỒN TẺ



“Nếu chúng tôi đã làm điều gì sai trái, hãy gửi người của Ngài đến với người của tôi, để họ có thể làm lại việc này.”

J. PIERPONT MORGANT Trả lời Tổng thống TEDDY ROOSEVELT, sau khi

nghe tin về một vụ kiện gây mất lòng tin của chính phủ.

“Có thể tôi đã phạm nhiều tội lỗi trong đời, nhưng tôi có thể nói với các bạn rằng, tôi không hề ăn cắp.”

FERDINAND MARCOS Trả lời phỏng vấn của TED KOPPEL,

phóng viên chương trình ABC Nightline, trong khi lưu vong,

ngày 4 tháng 4 năm 1986.

Từ quan điểm kinh tế vĩ mô, sự phục hồi kinh tế của Đông Nam Á những năm gần đây có thể được tóm tắt trong hai vấn đề: hàng xuất khẩu và sự bùng nổ ở Trung Quốc, bắt đầu vào năm 2003. Hàng xuất khẩu sản xuất ở Đông Nam Á được các công ty đa quốc gia đưa sang cho các nhà thầu địa phương có khả năng nhưng có quy mô nhỏ và có những người công nhân cần cù chăm chỉ. Các bố già có tham gia nhưng không đáng kể. Nhưng luận điểm cho rằng hàng xuất khẩu, ở một mức độ nào đó, đã giúp Đông Nam Á thoát ra cơn khủng hoảng tài chính được ít người thừa nhận. Độc giả của các báo có thể suy nghĩ rằng, tất cả các hoạt động chế biến, gia công xuất khẩu của thế giới đã chuyển sang Trung Quốc, và sự thay đổi về nhận thức là một yếu tố quan trọng đối với cuộc khủng hoảng ở châu Á. Thực tế, hàng xuất khẩu của Đông Nam Á từ năm 1997 sau một cuộc suy thoái ngắn trước và trong khủng hoảng – đã làm tỷ lệ tăng trưởng thấp đi một chút so với tỷ lệ tăng trưởng trung bình dài hạn trong

30 năm qua. Vì phải cạnh tranh toàn cầu, các nhà sản xuất hàng xuất khẩu phải bỏ vốn từ dòng tiền mặt lưu động để có được sự tăng trưởng sau khủng hoảng hoặc trong trường hợp các công ty đa quốc gia thông qua đầu tư trực tiếp từ các công ty mẹ. Công việc gia công có giá trị thấp hơn được chuyển vào Trung Quốc (và Việt Nam, Bangladesh) với tốc độ nhanh chóng. Nhưng việc làm này đã bắt đầu trước khi có khủng hoảng và vẫn còn tiếp tục. Các công việc có chuyên môn cao hơn, hoặc yêu cầu được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không thể thực hiện tại Trung Quốc, tiếp tục mở rộng sang Đông Nam Á. Ví dụ, hàng bán dẫn xuất khẩu từ Malaysia và Philippines đã tăng vọt trong thập kỷ qua. Đồng thời, các công ty đa quốc gia đã có phản ứng với việc Mỹ và châu Âu hạn chế nhập hàng xuất khẩu của Trung Quốc vì thặng dư thương mại của nước này đang tăng cao và giá trị đồng tiền tương đối rẻ bằng cách xác định, và đôi khi sử dụng, các nhà cung ứng khác nhau trong khu vực. Đây là cuộc chơi giống như hồi đầu thập niên 1990, khi chính quyền Clinton đe dọa trừng phạt Trung Quốc vì đã xâm phạm quyền con người. Ví dụ, hãng Nike đã sản xuất một nửa sản lượng giày đế mềm tại Trung Quốc và một nửa tại Indonesia. Hàng xuất khẩu là trụ cột của Đông Nam Á, và đã không bị đổ vỡ do khủng hoảng. Một trong những điều nó đã làm được là đầu tư vào sản xuất trong nước, phần lớn xuất phát từ các công ty thống trị nền kinh tế địa phương của các bố già (trái ngược với những nền kinh tế bên ngoài). Khi khủng hoảng nổ ra, các ngân hàng trong khu vực đa số do các bố già kiểm soát và thao túng đã bị phá sản và không thể cho vay được nữa. Các đại gia, đắm chìm trong bất động sản không bán được và các tài sản không sinh lời nên không thể vay vốn, cho đến khi các nhà chính trị giải cứu họ hoặc các nền kinh tế hồi phục đến mức đủ để làm dịu cơn bội thực của họ. Sau cơn khủng hoảng, đầu tư của toàn Đông Nam Á giảm hơn 10%. Kết quả là, tỉ lệ đóng góp của xuất khẩu ròng vào GDP tăng vọt. Xuất khẩu trên danh nghĩa, với tư cách là là tỷ trọng GDP, tại các lãnh thổ mà chúng ta đang khảo sát tăng từ 45% năm 1997 lên 65% năm 2006. Các chính phủ biết rõ về những gì sắp xảy ra đối với việc giải cứu các doanh nghiệp nên mua vét hết các nguồn vốn ngoại tệ để giữ giá cho đồng tiền của họ (và vì thế hàng xuất khẩu rẻ), lại tiếp tục quy đổi ra đồng đôla đối với ngân sách dự trữ.

Nhiều bố già, mặc dù không hoạt động trong khu vực sản xuất nhưng vẫn được

hưởng lợi lớn từ làn sóng xuất khẩu thứ hai sau cuộc khủng hoảng đó là xuất khẩu hàng hoá. Hiện tượng này là do nhu cầu từ Trung Quốc, một đất nước bắt đầu có sự bùng nổ do đầu tư mạnh mẽ vào năm 2003, tốc độ tăng trưởng lên đến hơn 10% một năm, điều chưa từng có ở nước này. Đối với hàng xuất khẩu đến người tiêu dùng cuối cùng chủ yếu ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, chương trình công nghiệp hóa có chỉ huy của Trung Quốc đã thúc đẩy thêm nhu cầu về hàng hóa cứng và mềm cho Đông Nam

Á khí ga Malaysia, cao su Thái Lan, gỗ tấm của Indonesia, v.v… Không giống như sản xuất, đây là những lĩnh vực mà các bố già tham gia rất tích cực, bởi họ có được sự nhượng bộ kinh doanh từ giới chính trị. Các đại gia Đông Nam Á đã từng bị mất những khoản tiền lớn tại Trung Quốc trong những năm 1990 do sự bùng nổ và đổ bể bất động sản lại kiếm được những khoản tiền lớn hơn do hàng hóa đến từ Trung Quốc. Những người hưởng lợi tiêu biểu là Robert Quách và Eka Tjipta Widjaya với dầu cọ và sản phẩm đồn điền; và Ananda Krishnan, người có được nhượng bộ về dầu khí tư nhân. Trung Quốc cũng gây nên sự bùng nổ về kinh doanh sòng bạc ở châu Á, vì tại nước này, sòng bạc và hầu hết các hình thức cá cược là bất hợp pháp, nhưng việc qua lại biên giới của công dân thì đã được giải phóng. Tổ hợp sòng bạc Genting Highlands to lớn của gia đình nhà Lâm ở gần Kuala Lumpur bắt đầu giảm giá cho các con bạc người Trung Quốc, nhưng kẻ thụ hưởng lớn nhất là Ma Cao, từ năm 1999 là một đặc khu hành chính của Trung Quốc. Cựu thuộc địa Bồ Đào Nha này đã trở thành cái máy thu tiền khổng lồ, tạo ra trò tiêu khiển để nhiều quan chức chính phủ và Giám đốc doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc rửa sạch những của cải bất chính mà họ dễ dàng kiếm được. Độc quyền về kinh doanh sòng bạc của Stanley Hà, Henry Hoắc và Trịnh Dụ Đồng đã hết hạn vào năm 2001 do sự xuất hiện và cạnh tranh của các sòng bạc Mỹ thành ra ít quan trọng hơn đối với việc thu hút dòng tiền mới từ Trung Quốc chảy vào Ma Cao. Năm 2006, Ma Cao đã vượt qua Las Vegas để trở thành thành phố có thu nhập về vui chơi giải trí lớn nhất thế giới. Bố già Stanley Hà có thể hơi mệt mỏi trong những ngày này, nhưng ông ta vẫn mỉm cười và trở nên giàu có hơn bao giờ hết. May mắn là Chiến tranh thế giới thứ hai đã khiến ông ta từ Hồng Kông vượt qua cửa sông Châu Giang để đến Macao.

NHỮNG NGƯỜI PHẢI TRẢ GIÁ

Nếu các bố già hạng trung không trả giá cho cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, việc GDP của Đông Nam Á quay ngược lại năm 1995 có phải là một căn bệnh trầm trọng không? Để trả lời câu hỏi này, phải tìm hiểu đời sống của những người dân bình thường. Về lý thuyết, có thể đo lường sự thay đổi về mức độ giàu có trong những xã hội khác nhau bằng các tính toán dựa trên dữ liệu kinh tế vĩ mô: các nhà kinh tế cố gắng đong đo cả của cải về tài chính bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu và đầu tư ở nước ngoài và của cải vật chất gồm bất động sản, nhà máy và trang thiết bị, hàng tồn kho, v.v… Bằng cả hai phép đo, và nếu quy đổi sang đồng đôla Mỹ, người dân Đông Nam Á hồi đầu năm 2007 đã nghèo đi so với năm 1995, bất chấp kinh tế đã tăng trưởng vững chắc trở lại. Tuy nhiên, cách đo sự giàu có của kinh tế vĩ mô mắc phải nhiều nhược điểm về phương pháp luận. Có lẽ sẽ thiết thực hơn khi xem xét ai đã phải chịu khổ nhiều nhất do cuộc khủng hoảng này bằng cách nhìn vào các chỉ số đơn giản hơn, như tiền lương thực tế và sự nghèo đói.

Hãy bắt đầu với Singapore và Hồng Kông. Rất khó tránh được kết luận rằng, những người phải trả giá cho cuộc khủng hoảng này không phải là những người tạo ra nó, và họ có khả năng chi trả thấp nhất. Hậu quả này, một phần là do áp lực kiềm chế lạm phát đưa ra sau năm 1997 và một phần là do các chính sách có cân nhắc cẩn thận của chính phủ. Ở Singapore, theo dữ liệu riêng của chính phủ, thu nhập thực tế của những người nghèo nhất chiếm 40% dân số giảm xuống trong thời gian từ 2000 đến 2005, thậm chí cả khi nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh trở lại. Người thua thiệt nhiều nhất là những người trên 50 tuổi – những lao động dư thừa do không còn những việc làm có mức lương thấp, và với tất cả sự giàu có của nó, nhà nước Singapore lại hầu như không có trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, chính phủ lại tiếp tục ban hành một chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân đối với phần dân số giàu nhất từ 28% năm 2000 xuống chỉ còn 20%; tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp cũng được hạ thấp. Ngược lại với những động thái đó, các loại thuế gián tiếp mọi người đều phải trả đã tăng lên vào năm 2007 thuế VAT từ 5% tăng lên đến 7%. Thật kỳ quái, các Bộ trưởng lại nói rằng việc tăng thuế này là cần thiết để hỗ trợ thêm cho người nghèo. Harry Lý Quang Diệu, người đã từng học ở Học viện Raffles và Đại học Cambridge, khi thanh minh cho chính sách thuế này, đã nói với các nhà báo: “Đây là một thế giới khắc nghiệt đầy

cạnh tranh.” Cư dân địa phương đành phải ngậm ngùi vì hai lý do thông thường: người dân ở các quốc gia lân bang còn nghèo hơn và bị ngược đãi nhiều hơn, và dân Singapore rất sợ những cơn giận dữ của Harry. Những người đi chào mời kinh doanh, bị hạn chế trong địa hạt kinh doanh ở cấp trung ương, không thể tưởng tượng nổi sự nghèo đói và một tầng lớp dưới đáy lại tồn tại ở Singapore; nhưng chỉ cần đi vào các khu chung cư là thấy rõ điều đó.

Tại Hồng Kông, những người ít có khả năng chi trả cũng phải trả giá đắt cho cuộc khủng hoảng châu Á. Mặc dù phúc lợi có tăng một chút dưới thời Thống đốc cuối cùng là Chris Patten, đói nghèo đã tăng dần ở khu vực thành thị trong thập niên 1990, và cuộc khủng hoảng đã làm cho điều này trầm trọng hơn, lại thêm nhiều người có mức lương thực tế giảm xuống. Dấu hiệu của đói nghèo ở Hồng Kông thể hiện ở tỷ lệ các hộ gia đình sống dưới mức một nửa thu nhập hàng tháng của các hộ gia đình hạng trung, chỉ 1.290 đôla. Với xu hướng này, tỷ lệ người nghèo tăng từ 11,2% vào năm 1991 lên 15% năm 1996 và 18,3% vào năm 2000. Đa số người giàu ở Hồng Kông cho con em họ đi học ở trường tư ở nước ngoài, trong khi một phần tư trẻ em đang đi học

ở Hồng Kông hiện nay đều là con em các gia đình nghèo khó, tiếp tục gây thêm áp lực cho hệ thống giáo dục công lập thường được cấp kinh phí rất eo hẹp. Cuộc khủng hoảng cũng ảnh hưởng đến thu nhập của những người tự cho mình thuộc tầng lớp trên trung lưu. Năm 2001, tỉ lệ thu nhập của người nghèo chỉ chiếm 15,6%. Sự khác biệt về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng giữa Hồng Kông và Singapore là, Hồng Kông giữ được đồng tiền của mình ổn định hơn nên áp lực hạn chế lạm phát tại Hồng Kông là do thị trường chứng khoán và bất động sản, chứ không phải do tỷ giá hối đoái. Đa số tiền vốn của người giàu, chiếm một nửa dân số, đã được sử dụng để đầu tư vào bất động sản và nhà ở một cách tiêu cực, suốt một thập kỷ cho đến khi giá nhà ở trung bình bắt đầu đạt mức năm 1997 vào cuối năm 2006. Cơn sốc này đối với các tầng lớp có nghề nghiệp có thể đã góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy đời sống chính trị của Hồng Kông trong những năm gần đây.

Tại Thái Lan, Malaysia và Indonesia, tầng lớp trung lưu ở thành thị cũng bị ảnh hưởng, nhưng đau khổ thực sự rơi xuống đầu hàng chục triệu người dân nghèo vì tiền

lương thực tế giảm đi, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng, và chi phí cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày tăng nhanh. Mức độ giàu có của tầng lớp trung lưu ở thành thị bị ảnh hưởng đầu tiên, trong hai năm 19971978, khi chứng khoán và bất động sản tụt dốc, tiền lương thực tế ở thành thị giảm xuống. Tác động đến người nghèo có chậm hơn, nhưng 5 năm sau cuộc khủng hoảng thì trở nên nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng có một đặc điểm chung về địa lý, đầu tiên nó tác động đến các thành phố đặc biệt là các thành phố lớn và sau đó bắt đầu lây lan, những vùng nông thôn cũng không thể tránh khỏi. Tại Thái Lan, hầu hết các ước tính cho thấy khoảng một triệu người trong số 60 triệu dân đã bị tái nghèo. Tại Malaysia, một nước có rất ít các công trình nghiên cứu về đói nghèo sau cuộc khủng hoảng, tỉ lệ bị tác động cũng tương tự. Tại Indonesia, lạm phát làm giảm tiền lương thực tế của khoảng 40% dân số, tỷ lệ đói nghèo sau cuộc khủng hoảng tăng gấp đôi, lên đến 27% dân số, khoảng 54 triệu người. Sau đó, đói nghèo tuyệt đối có giảm đi phần nào, rồi lại có xu hướng tăng lên vào năm 2005. Năm 2006, một số nhóm công tác xã hội đã ước tính có khoảng 80 triệu người Indonesia đang sống trong cảnh nghèo đói. Di sản thảm hại mà cuộc khủng hoảng để lại như nhau, đối với số người Đông Nam Á đang sống ở trên mức nghèo đói một chút. Báo cáo Phát triển năm 2006 với chủ đề “công bằng và phát triển” của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tỷ lệ dân số sống trên hơn ngưỡng nghèo 1 đôla mỗi ngày, nhưng ít hơn 2 đôla mỗi ngày, là 52% ở Indonesia, 32% ở Thái Lan. Tỷ lệ so sánh ở Argentina là 14% và ở Brazil là 22%.

Có một chút hy vọng là ở Philippines, việc tháo gỡ những khó khăn về kinh tế của nó được bắt đầu vào những năm cuối thời Marcos, là nước còn lại của khu vực mà tỉ lệ đói nghèo không tăng và vẫn có đủ việc làm. Theo Báo cáo Phát triển năm 2006, 15% dân số Philippines đang sống trong cảnh nghèo đói tuyệt đối, và 47% đang sống với thu nhập 12 đôla một ngày. Một nửa trong số 12 triệu dân của thủ đô Manila phải sống trong các khu phố tồi tàn dọc theo đường cao tốc, đường sắt và đường thuỷ. Sau 25 năm lại có khủng hoảng kinh tế, nền kinh tế Philippines giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào thu nhập ở nước ngoài của khoảng 10 triệu người, chủ yếu là lao động nữ trên tổng dân số 80 triệu làm những công việc như chăm sóc trẻ em, y tá ở nhiều nước giàu hơn trên thế giới. Số lao động này tiếp tục làm việc ở nước ngoài và chẳng có quốc gia

nào lại phụ thuộc vào nguồn kiều hối đến như vậy: 12 tỷ đôla được gửi về năm 2006, chiếm 15% GDP của Philippines.

ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ

Rõ ràng, tình trạng kinh tế của các bố già là tác nhân làm tăng nghèo đói và bất bình đẳng ở Đông Nam Á. Hàng chục tỷ đôla tài sản của ngân hàng bị xóa sổ do việc giải cứu các doanh nghiệp đã sinh ra lạm phát, chi tiêu cho phúc lợi giảm, thuế má thì tăng mà tiền lương thực tế của nhiều người lại giảm. Các bố già rất nhiều người trong số họ đã khôi phục được tài sản là tác nhân duy nhất của tai họa này. Trách nhiệm thực sự thuộc về các chính trị gia, những người đã cho phép tình trạng kinh tế của các bố già tồn tại ở ngôi đầu. Phần giới thiệu của cuốn sách này đã tuyên bố rằng, sau cuộc khủng hoảng, Đông Nam Á tự thấy mình đang ở một ngã ba đường, và nó phải thực hiện một lựa chọn mang tính chính trị: một con đường xuống dốc nghiêng về phía bất bình đẳng và xa lánh xã hội, cùng với những cuộc khủng hoảng kinh tế lặp đi lặp lại như ở khu vực Mỹ Latinh; hoặc một con đường đốc lên dẫn đến tăng trưởng bền vững và công bằng xã hội. Đây không phải là những lời nói khoa trương được đưa ra để gây sốc đối với người đọc. Sau cuộc khủng hoảng, nghèo đói tuyệt đối ở Philippines còn tồi tệ hơn, và ở Indonesia cũng xấu như vậy, cũng như ở Nam Mỹ, trong khi tỷ lệ người dân ở Philippinnes, Indonesia và Thái Lan đang sống dưới mức 2 đôla một ngày tăng lên đáng kể. Một hình bóng của nghèo đói khi so với đất nước Venezuela lao đao của Hugo Chavez. Bất bình đẳng – đi kèm với đói nghèo ở bốn quốc gia chính của Đông Nam Á mà chúng ta đang nói đến, như hệ số Gini tiêu chuẩn đã xác định, vẫn còn ít nghiêm trọng hơn so với Mỹ Latinh, nhưng nó đang trở nên tồi tệ hơn. Tại Hồng Kông và Singapore, sự bất bình đẳng đã tăng đến mức độ như trong thập kỷ trước. Hệ số Gini của hai lãnh thổ này hiện giống như ở các đô thị của Argentina. Đời sống chính trị đặt ra rất nhiều câu hỏi cho Đông Nam Á, và đó là một chuyến du lịch vào nền chính trị đương thời mà chúng ta phải rút ra kết luận. Nếu không có thay đổi về chính trị, khu vực này chắc sẽ tự nhận thấy mình đang bị mắc kẹt trên xa lộ Mỹ Latinh.

Đó là Philippines, đi tiên phong về thất bại chính trị thời hậu thuộc địa ở Đông Nam Á, và những diễn tiến ở đó kể từ khi có khủng hoảng đã làm những người lạc quan phải tỉnh ngộ. Tầng lớp tinh hoa chính trị cũ, được Corazon Aquino thuộc dòng dõi bố già khôi phục sau khi Marcos bắt đầu nắm quyền năm 1986, có vẻ cực đoan chưa từng thấy. Tổng thống hiện nay, Gloria MacapagalArroyo con gái của một cựu Tổng thống đã dành nhiều thời gian để chống đỡ những lời buộc tội của Quốc hội đối với bà vì những cách thức, có thể là trái với Hiến pháp, mà bà đã dùng để lật đổ người tiền nhiệm của mìnhJoseph Estrada năm 2001, và những luận điệu tranh cử của bà năm 2004. Trong một diễn tiến tương tự ở Mỹ Latinh, đã có sự gia tăng khủng khiếp trong các vụ tử hình các nhà báo, học giả và các nhà hoạt động xã hội mà không qua xét xử trong nhiệm kỳ của bà MacapagalArroyo, mặc dù cá nhân bà ta không dính líu gì. Cảnh sát Philippines nói rằng đã có 110 vụ tử hình không qua xét xử mang tính chính trị kể từ năm 2001. Tổ chức Ân xá quốc tế đã lập hồ sơn 240 trường hợp; Kerapatan, một nhóm nhân quyền ở địa phương, tuyên bố hơn 700 trường hợp; Kerapatan cho rằng có khoảng 3.000 người mất mạng trong hai thập kỷ Marcos nắm quyền. Philip Alston, người chuẩn bị báo cáo đặc biệt cho Liên Hiệp Quốc về tử hình không qua xét xử được phái đến Manila vào đầu năm 2007, đã mô tả lực lượng vũ trang của Philippines – mà ngay cả các quan chức chính phủ cũng thừa nhận là các đơn vị của nó có liên quan đến nhiều vụ giết người ở trong “một tình trạng hoàn toàn lộng quyền”. Bà MacapagalArroyo, trong tháng 2 năm 2006 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cho phép bắt giữ không cần giấy phép đối với những kẻ thù của nhà nước đã đổ lỗi cho Hiến pháp vì sự bất ổn về chính trị. Bà nói Philippines cần chuyển đổi sang chế độ Quốc hội một nghị viện. Nhưng trong khi những lập luận của bà MacapagalArroyo không được khen ngợi, những nỗ lực của bà nhằm đảm bảo cho sự thay đổi Hiến pháp đã cho thấy có chút sự tôn trọng đối với những quy tắc dân chủ. Tháng 12 năm 2006, bà sử dụng đa số phiếu của mình tại Quốc hội để bác bỏ quyền phủ quyết của Thượng nghị viện; việc này dẫn đến các cuộc biểu tình lan rộng của dân chúng nên bà vội vã rút lui. Niềm tin trong tiến trình chính trị đã mất đi, sự nổi dậy của những người cộng sản diễn ra ở hầu hết các tỉnh, tầng lớp tinh hoa ở địa phương vẫn là tầng lớp ích kỷ và tư lợi nhất trong khu vực. Tác giả nổi tiếng của

Philippines, Sionil Francisco José, than thở trên tạp chí Kinh tế Viễn Đông tháng 12 năm 2004: “Chúng ta nghèo vì tầng lớp tinh hoa của chúng ta không hiểu về dân tộc mình. Họ hợp với những ai có quyền hành người Tây Ban Nha, người Nhật, người Mỹ, và trong thời gian gần đây, với Marcos. Các tầng lớp tinh hoa của chúng ta hấp thụ những giá trị của các nhà thực dân.” Tóm lại, Philippines chưa bao giờ thoát khỏi kỷ nguyên thuộc địa và những hình mẫu thống trị vô luân lý của tầng lớp tinh hoa mà nó tạo ra.

Thái Lan từ lâu đã lặp lại hình thức cai trị của Philippines và hiện nay những điểm tương đồng này rõ ràng hơn bao giờ hết. Từ những năm 1980, tầng lớp tinh hoa kinh tế Thái thông qua việc ứng cử và ngày càng chiếm được nhiều ghế trong Quốc hội bắt đầu tràn sang lĩnh vực chính trị và sáp nhập các quyền được hưởng thụ về kinh tế và chính trị vào một chính thể đầu sỏ thống nhất. Sau khủng hoảng, sự phát triển này đã đạt đến giai đoạn cực thịnh, với sự nổi lên của Thaksin Shinawatra, trước khi có sự ghen tị trong tầng lớp tinh hoa do chính sách cai trị của ông sinh ra, mở cánh dẫn đến một cuộc đảo chính quân sự khác. Cuộc sống sau đảo chính, diễn ra vào tháng 9 năm 2006, cho thấy đời sống chính trị ở quốc gia Đông Nam Á có ít nhất di sản thực dân này tiếp tục thất bại thảm hại, cũng như ở Philippines. Nói vậy không phải để đổ lỗi cho người lãnh đạo cao nhất vì những gì sai trái xảy ra trong khu vực. Trong vài tháng sau khi nhậm chức, vị Thủ tướng “dân sự” mới của giới quân sự, tướng Surayud Chulanont, đã có bất đồng với người đứng đầu hội đồng tư vấn là tướng Sonthi Boonyaratglin. Đường lối hành động thật rối rắm, chính quyền cam kết về một “nền kinh tế toàn diện” mập mờ do nhà vua Bhumibol tưởng tượng ra. Đường lối hành động này hình như muốn dựa vào chủ nghĩa dân tộc và sự bảo hộ, dẫn đến những động thái vội vàng là áp đặt quyền quản lý ngoại hối có giới hạn và sửa đổi các luật liên quan đến doanh nghiệp có sở hữu nước ngoài. Thị trường chứng khoán và đầu tư nước ngoài quay cuồng, chính phủ bế tắc, và Bộ trưởng Tài chính một thành viên của gia đình Hoàng gia Thái đã từ chức vào tháng 2 năm 2007. Tại miền Nam, chính phủ vẫn tiếp tục chiến dịch tàn bạo của Thaksin chống lại cuộc nổi dậy của những người theo đạo Hồi nên tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Trong khi đó, Thaksin tuy vẫn lưu vong nhưng nhiều tỉ đôla của ông ta vẫn còn nguyên vẹn. Ông đã đi khắp thế giới, trả

lời các cuộc phỏng vấn, tự giới thiệu mình như là một vị cứu tinh khiêm tốn của nhân dân đã bị các vị tướng quân đội tàn nhẫn làm dang dở sự nghiệp. Tại Bangkok, chứng cớ rõ ràng về thói đạo đức giả của các chính trị gia Thái là những vết nứt lớn xuất hiện trên đường băng của sân bay mới, dự án cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của Thaksin. Đó là một vở hài kịch chính trị với những câu chuyện đùa, như thường lệ, nói về những người dân Thái Lan. Quân đội lại hứa hẹn về một hiến pháp mới, một cuộc trưng cầu dân ý và những cuộc bầu cử vào cuối năm 2007, nhưng điều này còn lâu mới rõ ràng nếu các ông tướng chưa cúi chào để hạ màn hài kịch đó.

Philippinnes, ở mức độ thấp hơn Thái Lan, là điểm tham chiếu cho các chính trị gia như Lý Quang Diệu, người cho rằng quá dân chủ là không tốt cho sự phát triển. Nhưng tất cả những gì mà các quốc gia này thực sự chứng minh được là nền dân chủ đến bằng nhiều cách, và một chính thể tự do trong việc thực hiện chức năng đòi hỏi một bộ máy tư pháp, một lực lượng cảnh sát, một đội ngũ quan chức và một ngân hàng trung ương độc lập và hiệu quả. Do thiếu vắng các thể chế sau cùng, các tầng lớp tinh hoa của Philippines và Thái Lan kết hợp các đơn vị bầu cử của người lao động ở nông thôn và thành thị lại, rồi xây dựng các liên minh ít sản sinh ra những lợi lộc về quyền lực chính trị, và làm việc thoải mái mà không sợ rằng cảnh sát, thẩm phán hoặc ngân hàng trung ương sẽ thất hứa. Đông Nam Á đưa ra những bài học về sự thất bại của nền dân chủ: có quá nhiều khó khăn đối với việc làm cho nên dân chủ hoạt động có hiệu quả.

BIẾN THỂ MALAYSIA – INDONESIA

Tại Malaysia, sự xuyên tạc có chủ tâm về nguồn gốc dân tộc của nền dân chủ trên danh nghĩa phô bày một hình ảnh xấu khi đất nước này tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ năm mươi ngày Quốc khánh vào năm 2007. Tầng lớp quý tộc Mã Lai – và người kế nhiệm mới nổi của nó là Mahathir nắm chặt quyền lực hàng nửa thế kỷ bằng cách kết hợp quyền bầu cử của người Mã Lai – chính thống với sự hỗ trợ của người Trung Quốc và Ấn Độ rất sợ phe đối lập theo đạo Hồi. Một mạng lưới bảo trợ rộng lớn, chủ yếu được chi trả bởi những đóng góp của các bố già Malaysia, đã được phát triển xung

quanh liên minh Mặt trận dân tộc cầm quyền mà cốt lõi là Tổ chức dân tộc thống nhất Mã Lai (UMNO). Năm 2004, các cử tri đã ủng hộ để người kế nhiệm của Mahathir là Abdullah Badawi có một chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử chiếm 198 trong số 218 ghế quốc hội khi ông ta hứa hẹn một khởi đầu mới cùng với bãi bỏ quy định về kinh tế, cải cách lực lượng cảnh sát hung bạo và đấu tranh chống tham nhũng triệt để. Nhưng đã có rất ít thay đổi; các chiến dịch chống tham nhũng và cải cách lực lượng cảnh sát nói riêng diễn ra yên tĩnh một cách kỳ quái sau khi chiến thắng đã ở trong tay ông ta. Badawi đã từng nói về việc xóa bỏ chương trình hành động chống phân biệt đối xử tốn kém của Malaysia, trong đó tạo ra một thế hệ các nhà tư bản bản xứ sống bằng tiền lợi tức và làm cho đói nghèo lan rộng trong người gốc Ấn, nhưng tình hình hoàn toàn ngược lại. Ông lo sợ một cuộc nổi loạn của UMNO nếu ông thách thức chương trình hành động chống phân biệt đối xử; và trong năm 2006 đã công bố một khoản chi 2 tỉ ringgit mới giúp người Mã Lai mua bất động sản. Điều này là không đủ đối với một thế hệ các nhà lãnh đạo UMNO mới nhiều người là con cái các nhà cựu lãnh đạo những người đã bắt đầu chán ngấy các khoản trao tay và muốn nhiều hơn thế. Tại hội nghị thường niên của UMNO tháng 11 năm 2006, các đại biểu đã phát biểu những lời lẽ gây kích động nhất về chủng tộc. Họ hứa sẽ “tắm trong máu” để bảo vệ quyền lợi của đa số người Hồi giáo chống lại thiểu số người Trung Quốc và Ấn Độ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã huơ một thanh đoản kiếm Keris truyền thống để biểu thị sức mạnh và niềm đam mê của mình, và kêu gọi hãy sử dụng nó. Nhiều người Malaysia nói rằng, hiện nay ở nước này có ít sự tương tác giữa các nhóm chủng tộc so với hơn ba mươi năm trước đây. Những người hy vọng có sự đảo ngược xu hướng này, và hy vọng chủ nghĩa bạn bè giảm đi, đã cảm thấy có nhiệt tâm khi người cấp phó của Mahathir là Anwar Ibrahim thoát khỏi chốn ngục tù năm 2004. Anwar tìm cách thống nhất các chính đảng đối lập dựa trên một cương lĩnh chung. Đảng của chính ông, Keadilan, là một đảng đa sắc tộc. Nhưng căn cứ vào cách làm việc của UMNO, nếu Anwar trở thành một mối đe dọa chính trị nghiêm trọng, có khả năng là UMNO sẽ chào đón ông ta trở lại với vị trí lãnh đạo cao cấp của chính phủ; và hoàn toàn có thể là Anwar sẽ chấp nhận, dựa trên những việc làm trước đây. Thật khó tưởng tượng điều gì sẽ thay đổi quỹ đạo chính trị của Malaysia. Nếu không có thay đổi, sự lãng phí và

không hiệu quả về kinh tế sẽ vẫn cao, và mức tăng trưởng sẽ giảm đi.

Indonesia là một nước “hợp thức” như chúng ta đã xem xét, là nơi đã từng có một thước đo của sự tiến bộ chính trị kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính. Điều này ngược lại với sự kiện Suharto sụp đổ năm 1998. Các chính phủ của Abdurrahman Wahid và Megawati Sukarnoputri, trong thời gian 1999-2004, đặc trưng bởi việc thâu tóm quyền lực đến điên cuồng, tham nhũng ngang bằng hoặc tồi tệ hơn thời Suharto và xảy ra xung đột phe phái ở các vùng khác nhau của quần đảo này. Susilo Bambang Yudhoyono, người đầu tiên trở thành Tổng thống được bầu trực tiếp sau cuộc khủng hoảng, năm 2004, đã làm việc khá tốt để ổn định tình hình. Không giống như các chính phủ ở Philippines và Thái Lan, ông giải quyết các vụ bạo loạn bắt nguồn từ đói nghèo và bất công, nhất là bất đồng về ý thức hệ, bằng cách đàm phán, cũng như bằng “cuộc chiến chống khủng bố”. Một vụ tấn công phiến quân ở Aceh, bắc Sumatra, nơi có hơn 10.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột với lực lượng an ninh kể từ cuối những năm 1980, đã dẫn đến giải giáp vũ khí và hòa bình trong năm 2005. Xung đột giáo phái ở các tỉnh miền Đông Maluku và Sulawesi, từ năm 1999 đến 2001, gây tổn thất hàng nghìn sinh mạng, cũng được giải quyết. SBY, như dân chúng thường gọi vị Tổng thống này, không đại diện cho sự phân chia về chính trị; ông là một tướng lĩnh cấp cao thời Suharto và có khuynh hướng lập lờ nước đôi điển hình cho văn hóa chính trị Java. Tuy nhiên, bất chấp đói nghèo tăng cao, đa số người Indonesia cho rằng ông ta thành thật và đại diện cho lợi ích của cộng đồng rộng lớn. Trong cuộc thăm dò ý kiến vào đầu năm 2007, điểm đánh giá tán thành cho SBY là 70%, đa số là của những cử tri đã đưa ông lên nắm quyền. Tăng trưởng kinh tế đã trở lại mức 6%, lạm phát được kiểm soát và đồng tiền đã lên giá. Trong khi đó, Tổng thống đã có một số nỗ lực cải cách thể chế. Ông đã thành lập một đội ngũ quản lý theo mô hình Bộ tham mưu của Tổng thống Hoa Kỳ cánh Tây của Nhà Trắng với một nỗ lực buộc thay đổi bộ máy quan liêu khổng lồ của Indonesia. Phần lớn các khoản thu thuế đã được phân phối cho chính quyền địa phương với hy vọng rằng việc phân quyền sẽ làm cho chính phủ hoạt động hiệu quả hơn. Trợ giá nhiên liệu đã được cắt giảm để cân bằng ngân sách và các bước thăm dò được thực hiện để giảm số lượng các doanh nghiệp do quân đội kiểm soát và đưa các thành viên của nó ra các tòa án dân

sự. Sẽ lạc quan quá mức khi nói rằng tiến bộ về cải cách rất ấn tượng nhiều chủ trương còn dở dang hoặc bị trì hoãn nhưng những thay đổi đó đủ để cho các nhà lãnh đạo quân sự đã nghỉ hưu là Try Sutrisno và Tyasno Sudarto bắt đầu công khai rêu rao rằng sự dàn xếp dân chủ mới gây nên “sự hỗn loạn”. Tại Indonesia, những khúc ai ca như vậy có lẽ là dấu hiệu của sự tiến bộ. Bất chấp sự chỉ trích về dân chủ của các vị tướng này, trong cuộc đấu tranh lâu dài để cải cách chế độ tư pháp chuyên ăn hối lộ của Indonesia và các doanh nghiệp hùng mạnh của giới quân sự, SBY ít phải đối mặt với rủi ro về một cuộc đảo chính như ở Philippines hay Thái Lan. Quân đội Indonesia, mặc dù tham nhũng và tham lam, nhưng thường đáp ứng ý kiến của công chúng, và sự nổi tiếng của SBY là không thể phủ nhận. Thêm một mối đe dọa nữa là thách thức từ Phó Tổng thống Jusuf Kalla trong cuộc tổng tuyển cử năm 2009. Kalla, xuất thân từ một gia đình bố già người Mã Lai bản xứ giàu lên nhờ dược nhượng bộ kinh doanh của nhà nước những năm 1950, và đôi khi là một phụ tá hữu ích và chắc chắn có sức lôi cuốn cho chính quyền của SBY. Nhưng viễn cảnh về một gia đình đại gia địa phương nắm giữ ghế Tổng thống không phải là một viễn cảnh có sức thu hút; nó dẫn Indonesia đến cái đầm lầy chính trị như Philippines và Thái Lan. May mắn là, các cử tri Indonesia đã nhận ra điều này.

SINGAPORE CÓ THỂ DỰ ĐOÁN

Trong những năm gần đây, có rất ít điều để nói về đời sống chính trị của Singapore nơi nương náu yêu thích của những kẻ vô lại người Indonesia. Năm 2006, Đảng hành động nhân dân cầm quyền (PAP) đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lần thứ mười, với 67% số phiếu. PAP đã sử dụng bộ máy chính trị to lớn của nó, và được sự hỗ trợ đáng tin cậy của các phương tiện truyền thông của nhà nước. Họ thường hứa về các quỹ nhà ở bổ sung cho các đơn vị bầu cử có đông công nhân đã ủng hộ họ, và cảnh báo trước là sẽ từ chối tài trợ cho những ai không ủng hộ họ. Các luật sư của PAP tung ra những vụ kiện phỉ báng truyền thống để chống lại các chính trị gia đối lập, và hầu hết bọn họ đều nhanh chóng khom lưng uốn gối chứ không dám đối mặt. Lãnh tụ của phe đối lập chính bị tống giam một thời gian ngắn trước cuộc thăm dò ý kiến để thẩm vấn về sự độc lập của bộ máy tư pháp và một lần nữa sau cuộc thăm dò, vì nói trước

công chúng mà không được cho phép. Đó là chiến thắng đầu tiên trong bầu cử đối với Lý Hiển Long, con trai của Lý Quang Diệu; và ông già này vẫn giữ chiếc ghế ở Nội các của mình với cái danh hiệu lố bịch là Bộ trưởng cố vấn. Giống như UMNO, phần lớn thành công của PAP là hình như nó không thể bị công kích, và do đó có thể thu nạp thêm những người có tham vọng về chính trị. Trong những cuộc bầu cử gần đây, hơn một phần năm ứng cử viên của nó là người ứng cử lần đầu. Tuy thế, sự ủng hộ của 75% cử tri trong cuộc tổng tuyển cử trước đó đối với PAP đã mất đi vào năm 2006. Và sau khủng hoảng, chính phủ khuyến khích chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài thông qua giảm thuế, trong khi lại cân đối ngân sách nhà nước bằng cách tăng các loại thuế gián tiếp, dẫn đến tình trạng căng thẳng trong xã hội. Tăng trưởng GDP trở lại mức 8% năm 2006, nhưng tăng trưởng tiêu dùng cá nhân chỉ là 3%. Điều này phần nào phản ánh sự mở rộng nhanh hơn nhiều của các doanh nghiệp có sở hữu nước ngoài, và trái lại, sự thu hẹp dần các doanh nghiệp địa phương. Tương tự, có sự bùng nổ về các doanh nghiệp nước ngoài chi phối thị trường bất động sản sang trọng, trong khi tăng trưởng trong đầu tư vào bất động sản của người địa phương chỉ trên 2%. Với hầu hết các tiêu chuẩn đánh giá, Singapore và Hồng Kông là hai nơi giàu có nhưng bất bình đẳng nhất thế giới; và sự bất bình đẳng này ngày càng tăng một cách đáng lo ngại. Tuy nhiên, ở Singapore, những người muốn khiếu nại phải thận trọng vì mới đây chính phủ tăng mức thuế quan đối với 19 mức thuế hiện hành và ban hành những hình phạt mới đối với những vi phạm trật tự công cộng, từ các cuộc tụ họp đông người cho đến việc đăng tin trên Internet. Cũng hữu ích khi nhớ lại rằng, xứ sở Singapore yên bình vẫn duy trì hình phạt cao nhất thế giới là xử tử, cũng như Trung Quốc hay Ảrập Xêút. Thay đổi chính trị không thể xảy ra nếu Harry Lý không bước xuống vũ đài chính trị.

HỒNG KÔNG: MỘT LOẠI LÃNH ĐẠO TỪ BÊN NGOÀI KHÁC?

Ở Đông Nam Á, phần lớn các vấn đề chính trị là những nước này thường bỏ qua (và làm lạc hướng sự chú ý như “bình thường”) những bài học xấu như nhau. Những bài học đó là các chính trị gia thao túng nền dân chủ, không có thị trường tự do trong những nền kinh tế dựa trên nhượng bộ kinh doanh nên không có cạnh tranh thực sự,

và do đó tốc độ tăng trưởng không cao để có thể phát triển bền vững. Ở góc độ này, hy vọng chính trị thực sự cho Đông Nam Á trong những năm tới có thể là Hồng Kông, một thành phố có vị trí địa lý ở lề khu vực. Đây là nơi có thể tạo ra sự lãnh đạo cần thiết. Cái mà các nhà xã hội học gọi là “hiệu ứng biểu tình” cực kỳ quan trọng đối với các nước đang phát triển: mô hình do Nhật Bản thiết lập, như sẽ phác họa dưới đây, có tính quyết định trong việc gây ảnh hưởng đối với các thuộc địa cũ là Hàn Quốc và Đài Loan, và đã giúp họ trở nên giàu hơn nhiều so với các quốc gia Đông Nam Á, bất chấp xuất phát điểm sau chiến tranh của họ khá thấp. Ở châu Âu, “hiệu ứng biểu tình”

ở Liên minh châu Âu đã dẫn hướng cho tiến bộ kinh tế và chính trị của các quốc gia Đông Âu kể từ năm 1989. Mặc dù Hồng Kông ở bên lề khu vực nhưng cộng đồng doanh nghiệp Đông Nam Á đã coi nó là thành phố dẫn đầu về các ý tưởng kinh tế và kinh doanh. Hồng Kông có thị trường vốn chi phối khu vực, một nền kinh tế lớn gấp đôi Singapore, và quan trọng nhất là có các nhà tư bản công nghiệp bản địa trong một thế giới phụ thuộc vào việc đầu tư cho các công ty sản xuất đa quốc gia. Trong tương lai, Hồng Kông có thể tạo ra một loại hiệu ứng biểu tình mà Đông Nam Á đang cần.

Quá trình chính trị hóa của cư dân Hồng Kông trong những năm gần đây đã khiến hầu hết mọi người ngạc nhiên. Ở thời thực dân, sự phát triển của đời sống chính trị bị kiềm chế bởi hai lực lượng: một là, cho đến những năm 1990, hầu hết cư dân là những người nhập cư thế hệ thứ nhất có khả năng nhận thức hạn chế về bản sắc của Hồng Kông; và hai là các Thống đốc do Bộ ngoại giao Anh phái đến quyết tâm ngăn chặn sự nổi dậy trong đời sống chính trị của dân chúng, một chính sách đã được khoác lên cái ý niệm huyền ảo rằng những người Trung Quốc vốn “phi chính trị”. Việc hình thành một bản sắc chính trị rõ ràng của Hồng Kông tiếp tục bị trì hoãn trong những năm 1980, khi phần lớn dân địa phương giàu có đã không đóng bảo hiểm, bằng cách sử dụng tư cách công dân nước ngoài, để phản đối việc khôi phục chủ quyền của Trung Quốc. Các cuộc thăm dò ý kiến đã luôn cho thấy những người giữ hộ chiếu nước ngoài ít quan tâm đến chính trị, hoặc bầu cử. Không những thế, mong muốn thay đổi đã được ấp ủ thầm kín trong những năm 1990, và nó bắt đầu sôi sục dưới thời Thống đốc cuối cùng là Chris Patten. Vào thời gian Patten được Thủ tướng Anh John Major bổ nhiệm năm 1992, sau khi Major mất kiên nhẫn với việc hành xử quá dễ dãi

và không thích hợp của Bộ ngoại giao Anh trong mối quan hệ với Trung Quốc, đa số người dân Hồng Kông đều sinh tại địa phương nên có những hiểu biết rõ ràng về vùng lãnh thổ này. Patten là một nhà chính trị chuyên nghiệp nhưng không có nhiều kiến thức về Trung Quốc, sau đó đã có một quyết tâm không mạnh mẽ lắm nhằm tạo ra lối thoát cho thuộc địa lớn cuối cùng của nước Anh trên cơ sở các nguyên tắc chính trị. Ông đưa ra những thay đổi đáng kể đối với việc chuẩn bị bầu cử ở Hồng Kông – thể hiện trong các văn bản thỏa thuận bàn giao chính thức với Trung Quốc, mặc dù trái với những cam đoan trước đây mà các quan chức Anh và các quan chức Trung Quốc đã bàn kín với nhau và đặt ra mưu kế cho nhiều điều sắp xảy ra đối với cuộc bầu cử hoàn toàn dân chủ năm 1995. Các chính trị gia ủng hộ dân chủ đã giành chiến thắng và có được sự ủng hộ của công chúng. Patten không nhượng bộ khi Bắc Kinh muốn đảo ngược những thay đổi về bầu cử khi họ đã khôi phục được chủ quyền vào năm 1997. Đây là điều đã thực sự xảy ra, nhưng vị thần đa nguyên chính trị ở Hồng Kông đã chui ra khỏi chiếc lọ thần và chưa bao giờ bị buộc phải quay lại đó. Hành động ôm hôn trẻ nhỏ, các cuộc vi hành trong dân gian và sự sẵn lòng tự mình làm việc cũng như tranh luận với cơ quan lập pháp của Patten giúp Hồng Kông có được một cái gì đó mới mẻ. Ông đã, và vẫn còn, rất nổi tiếng ở thành phố này, mặc dù thực tế ông không nói được tiếng Hoa và không có những kiến thức tối thiểu về lịch sử châu Á.

Ảnh hưởng của Patten không thể đến được các lực lượng khác sự trỗi dậy của bản sắc chính trị khác biệt của Hồng Kông, sự trưởng thành của các chính trị gia địa phương, sự thừa nhận rộng rãi rằng nhiều thập kỷ tăng trưởng đã không làm cho đa số người dân giàu lên nhưng nó là đáng kể. Ngày 1 tháng 7 năm 2003, sáu năm sau khi Patten đến, tất cả các xu hướng dẫn đến chính trị hóa mạnh hơn ở Hồng Kông đã trở nên cực kỳ rõ ràng trong một sự kiện duy nhất. Sau khi đặc khu trưởng đầu tiên, Đổng Kiến Hoa đề xuất pháp chế chống lật đổ được Bắc Kinh mong đợi, hơn nửa triệu người 10% dân số xuống đường phản đối cuộc tấn công vào quyền tự do cơ bản của công dân và sự lãnh đạo của các đại gia. Đối với bất kỳ ai, như tác giả, những người đã sống ở Hồng Kông tẻ nhạt về chính trị những năm 1990, cảnh tượng này thật tuyệt vời. Nền chính trị từ dưới lên, tự phát và không có tính cách mạng của những người dân bình thường trái ngược với sự quản lý từ trên xuống của tầng lớp tinh hoa đã đến được

Hồng Kông, và do sự kết giao với Đông Nam Á.

Dù ít dù nhiều, người dân đã bàn tán về các bộ luật chống lật đổ. Thay vào đó, chương trình nghị sự về chính trị đã chuyển sang vấn đề cải cách việc bầu cử của Hồng Kông. Chế độ thực dân trước thời Patten được Bắc Kinh phục hồi năm 1997 có nghĩa là độc quyền kinh doanh nhỏ, các đơn vị bầu cử chức năng phân chia theo doanh nghiệp và được các nhà bảo thủ và lợi ích của các bố già kiểm soát – trước kia chịu ơn nước Anh và bây giờ là Trung Quốc giữ sự cân bằng cho quyền lực của Hội đồng Lập pháp. Ở góc độ này, cải cách chính trị hoàn toàn là một cuộc đấu tranh giữa quần chúng và tầng lớp tinh hoa kinh tế. Nói riêng, câu hỏi về bầu chọn đặc khu trưởng, người hiện được chọn bởi một Ủy ban Bầu cử 800 thành viên đa số ủng hộ Bắc Kinh sẽ như thế nào. Cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Hồng Kông đã sinh ra cuộc đấu thú vị nhất trên bàn cờ chính trị Đông Nam Á. Một bên là các doanh nghiệp lớn, liên quan đến quyền lợi được thụ hưởng và Trung Quốc, và bên kia là những cử tri khác của Hồng Kông khi được phép tham gia bầu cử ở các đơn vị bầu cử phân theo khu vực địa lý – cho thấy sự hỗ trợ đắc lực cho các ứng cử viên có xu hướng dân chủ và bãi bỏ quy định về kinh tế.

Quân cờ quan trọng nhất trên bàn cờ là Donald Tằng, một cựu công chức thuộc địa cao cấp và là người thay thế cho đại gia lãnh đạo đã thất bại Đổng Kiến Hoa đã được Bắc Kinh chấp nhận. Tằng là một người thuộc tầng lớp tinh hoa, vốn dĩ coi trọng quyền lực theo thể thức Trung Hoa, nhưng khi ông ta lên nhậm chức lại theo thể thức của Bộ ngoại giao Anh (ông ta vẫn ngại thắt nơ con bướm). Nhưng ông cũng đủ thông minh để hiểu khái niệm công luận. Động thái đầu tiên của ông, năm 2005, là đề xuất sửa đổi một chút việc chuẩn bị bầu cử cho vị trí của mình năm 2007, và các cuộc bầu Hội đồng Lập pháp năm 2008. Không may, ông không thể hiểu được Hồng Kông đã thay đổi nhiều thế nào hoặc dân chúng đang cần một chính phủ thích ứng hơn nữa. Mọi phương cách đều không thể bảo đảm có được đa số hai phần ba cần thiết trong Hội đồng Lập pháp, vì họ hầu như không có sự hỗ trợ chính thống. Sau đó, Tằng nói sẽ không có thay đổi nào trong năm 2007 và 2008. Tuy nhiên, điều này chỉ làm suy yếu khả năng chia rẽ đối thủ của ông. Các chính đảng lớn, và các cựu công chức cao

cấp như thư ký trưởng Anson Trần của Patten, tập hợp lại xung quanh các kiến nghị chuyển tiếp sang nền dân chủ có phân chia giai đoạn ở cả cơ quan lập pháp và bầu cử đặc khu trưởng giữa năm 2008 và năm 2016.

Tháng 3 năm 2007, Tằng được chính thức được Ủy ban bầu cử không có cải cách và bị Bắc Kinh chi phối “bầu chọn”. Thắng lợi của ông là một quyết định đã được dự tính trước, nhưng cách vận động bầu cử của Tằng đã đẩy ông vào một ngã rẽ giống như Đổng Kiến Hoa. Ông đã không thể xây dựng được một hình ảnh chính trị phù hợp với nguyện vọng của dân chúng để thay thế cho việc phải dựa vào sự hỗ trợ truyền thống của tầng lớp các bố già. Chủ trì chiến dịch tranh cử của ông là David Lý của Ngân hàng Đông Á, cũng là người cung cấp các văn phòng hiện đại để làm tổng hành dinh cho cuộc vận động. Các nhà tài trợ chính của Tằng gồm một loạt các đại gia. Hầu hết mỗi bố già ở Hồng Kông, và trong nhiều trường hợp là con cái của các bố già cũng như các Giám đốc điều hành cao cấp đều đóng góp 100.000 đôla Hồng Kông theo gợi

ý của phe Tằng. Ba gia đình lớn K.S. Lý, Peter Ngô và Stanley Hà – mỗi nhà đóng góp 900.000 đôla Hồng Kông. Những nhà tài phiệt hậu thuẫn cho Tằng đã chi số tiền nhiều hơn bảy lần mà ông đã dành cho bầu cử; nhiều hơn số tiền đã đóng góp cho các quỹ từ thiện. Vì những tin tức ban đầu nói rằng Tằng sẽ nhận bàn giao từ Đổng Kiến Hoa vào tháng 3 năm 2005 đã trở nên công khai do bố già ngành cờ bạc Stanley Hà nói chuyện với các nhà báo, nên cuộc bầu cử 2007 củng cố ý niệm rằng các đại gia là trái tim của hệ thống chính trị ở Hồng Kông. Tằng đã thắng cử, nhưng cách chiến thắng của ông đã không tạo ra bất kỳ tính hợp pháp phổ biến nghiêm túc nào. Cuộc vận động cải cách chính trị có lẽ được củng cố bởi một thực tế là, Tằng không thể tạo ra diện mạo của một cơ sở ủng hộ chính trị rộng lớn hơn dưới việc chuẩn bị bầu cử hiện hành. Nếu không thừa nhận tính cấp thiết phải có những cải cách lớn, Tằng có nguy cơ không được quần chúng tín nhiệm cũng như Đổng Kiến Hoa. Rủi ro của ông cao hơn nhưng bất chấp công luận – nên chiến lược là phải lặng lẽ và chắc chắn đến Bắc Kinh rồi nói rằng nếu không có kế hoạch cải cách chính trị, Hồng Kông có khả năng sẽ trở nên không thể quản lý được. Điều này sẽ dẫn đến mối đe dọa tiềm ẩn là từ chức. Ở Trung Quốc, thỉnh cầu hoặc đối đầu mạnh mẽ cũng chẳng mang lại điều gì; chỉ một tuyên bố giản đơn về các sự kiện là khả năng thay đổi đặc khu trưởng có thể

xảy ra.

Tất nhiên, có nhiều khả năng, Tằng sẽ chơi canh bạc là có thể phải từ chức mà chẳng làm được điều gì nghiêm túc trong cải cách chính trị, tăng trưởng kinh tế sẽ củng cố lợi ích chính trị, và Trung Quốc sẽ không ngốc nghếch tạo ra một điểm bùng phát khác nữa như pháp chế chống lật đổ khiến dân chúng phải biểu tình trên đường phố. Ông có thể đúng, nhưng Hồng Kông luôn là câu chuyện chính trị thú vị nhất ở Đông Nam Á, vì có thể ông cũng sai. Dân chúng đã hiểu rõ ách kìm kẹp của giới tinh hoa chính trị và muốn họ phải nới lỏng ra. Hiện luôn luôn có sự bàn tán xôn xao về chính trị, xung quanh việc cần phải có luật cạnh tranh và bãi bỏ quy định đối với nền kinh tế trong nước. Các bố già đang bị vây hãm chứ không thoải mái như trước nữa. Báo chí bằng tiếng Trung Quốc bạo dạn hơn thập kỷ trước rất nhiều. Và những mánh lới cũ nhằm biện minh cho các hoạt động thực tiễn về chính trị và kinh tế dựa trên những khác biệt về xã hội và văn hóa đã lỗi thời hơn bao giờ hết. Như Edmund Terence Gomez, học giả hàng đầu thế giới về quyền lực và các mối quan hệ giữa chính trị và kinh doanh ở Đông Nam Á, đã nhận xét: “Cuộc khủng hoảng châu Á đã phá vỡ huyền thoại về quyền lực.” Ở góc độ này, có một sự tương tự về lịch sử với nước Anh. Hồng Kông đã rời xa thời đại Victoria, nơi chỉ mặc những bộ lễ phục sang trọng cũng đủ để có được sự tôn kính đối với quyền lực chính trị và kinh tế, để chuyển sang thời Edward, nơi những mong đợi của tầng lớp tinh hoa khác xa với những mong đợi của công chúng. Các bố già và một số công chức không muốn có gì thay đổi nhiều, họ khăng khăng rằng những phương thức cũ vẫn là tốt nhất; và bất cứ ai không đồng ý với họ đều bị cho là kẻ gây rối. Trong khi đó, nguyện vọng cá nhân và nguyện vọng chính trị của phần lớn cư dân đã tăng lên, và các chính trị gia đã được bầu chọn đang bắt đầu thích ứng với những điều này. Nhưng ý chí chính trị mà Winston Churchill đã đề cập đến trong thập niên 1910 là “quần chúng bị bỏ quên” sẽ được giúp đỡ, còn lâu mới rõ ràng. Kết cục là một cảnh tượng gây tò mò, trong đó Hồng Kông trở nên phức tạp và có tính quốc tế hơn nhiều so với năm 1997, đồng thời rất nhiều tỷ phú và các vị lãnh đạo chính phủ tỏ ra khó hiểu một cách vô lý; và những quan điểm chính trị trịch thượng của họ thậm chí chẳng hữu ích chút nào.

Cần nhấn mạnh rằng, khi cải cách chính trị tại Hồng Kông chắc chắn sẽ dẫn đến việc bãi bỏ những quy định kinh tế, thì không có nghĩa là có sự chấm dứt thời đại của các bố già đã thích nghi. Họ đã có quá nhiều tiền, và như các cháu trai của một trong những người giàu nhất Đông Nam Á đã nói: “Nói chung, tiền lại làm ra tiền.” Tuy nhiên, việc bãi bỏ quy định là hết sức quan trọng, nếu không nó sẽ gây nên tình trạng những doanh nghiệp trẻ, sáng tạo hơn, và các doanh nghiệp sản xuất đang muốn đổi mới công nghệ không được quan tâm đúng mức. Hiện nay, các công ty này đang tiến vào một lĩnh vực mới với những hoạt động sản xuất vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc. Không có gì để họ làm ở Hồng Kông, vì tất cả không gian kinh tế của nền kinh tế trong nước đã bị giới tinh hoa cực đoan chiếm giữ. Các doanh nhân công nghiệp hàng đầu ở Hồng Kông như Michael của doanh nghiệp may mặc Esprit và Patrick Vương của nhà sản xuất động cơ điện cực nhỏ Johnson Electrics đã gia nhập hàng ngũ tỷ phú của thế giới những năm gần đây. Nhưng trái ngược với các đại gia trong lĩnh vực dịch vụ, họ chẳng được hưởng gì từ những ảnh hưởng chính trị và chính sách ở Hồng Kông. Điều đó cũng cho thấy, ở một nơi dễ kiếm tiền như Hồng Kông, những nhà tư bản công nghiệp đang có xu hướng bán bớt vốn sở hữu của mình khi các doanh nghiệp sản xuất đã đạt đến một quy mô nhất định, nhưng không bỏ tiền vào các dự án đầu tư thụ động như bất động sản.

Ở mức tối thiểu, cải cách chính trị và kinh tế tại Hồng Kông sẽ làm cho nơi này công bằng hơn, và đây có thể là lập luận tốt nhất cho nhu cầu cần thay đổi. Hồng Kông được coi như phần còn lại của Đông Nam Á là một nơi rất không công bằng. Các doanh nhân giàu nhất ngày càng giàu có hơn vì có những cartel và công ty độc quyền, trong khi những người khác phải gượng gạo trả giá cao nhưng lại chỉ nhận được những dịch vụ chất lượng thấp và không phải là dịch vụ thiết yếu, vì những chính sách hạn chế như nhau. Tầng lớp các đại gia giàu có đến khó tin chẳng phải trả một thứ thuế nào vì họ có thu nhập từ cổ tức miễn thuế, hoàn toàn tương phản với cư dân lao động, mức lương tối thiểu cứ giảm dần trong khi phải trả giá cao (vì lạm phát) cho thức ăn, điện, khí đốt, dịch vụ ngân hàng, bất động sản và nhiều thứ khác nữa. Ở một mức độ nào đó, nếu dân chúng được tham gia vào tiến trình chính trị thì cuộc sống của người nghèo ở các thành phố còn có thể chịu được. Nhưng điều này lại thiếu vắng

ở Hồng Kông. Hầu như không có đất cho công viên đô thị (các dự án phát triển đã choán hết không gian), không có sự quan tâm tối thiểu đến chất lượng môi trường (ô nhiễm môi trường đang nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn, và các đại gia lại thường xuyên ở nước ngoài, nên hình như họ không mấy quan tâm) và việc liên tục xây dựng đường bộ (được một thiểu số giàu có, sở hữu những chiếc xe hơi sang trọng phê duyệt) tiếp tục làm xuống cấp các khu vực mà đa số người dân sinh sống. Hồng Kông là một bài toán: Công việc khó khăn thì cùng làm chung, nhưng phân phối lợi nhuận có được từ công việc đó lại cực kỳ bất công. Tính thích ứng của chính trị và bãi bỏ quy định kinh tế là hợp lý, cần thiết và có thể. Về khía cạnh này, Hồng Kông là một nơi có thể chỉ cho người dân ở khắp Đông Nam Á thấy rằng, một cuộc sống tốt đẹp hơn so với cuộc sống hiện tại, mà hầu hết người dân đã phải cam chịu từ lâu, là hoàn toàn khả thi.

MỘT MÔ HÌNH HIỆU QUẢ HƠN

Nếu phân tích trên đây về tiềm năng chính trị của Hồng Kông có vẻ hơi mơ tưởng thì cần nhớ là châu Á không có một mô hình phát triển khác, đã được kiểm chứng, để làm cho xã hội giàu có hơn, bình đẳng và tự do hơn những xã hội ở Đông Nam Á. Mô hình này còn lâu mới hoàn hảo, nhưng nó chỉ ra sự yếu kém có tính biện chứng của những người đang lập luận rằng, tỷ lệ đói nghèo ở một quốc gia như Thái Lan giảm từ hai phần ba trong những năm 1960 xuống dưới 10% hiện nay, Đông Nam Á có thể được nhận xét là đã làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Dòng suy nghĩ như thế chỉ hợp lý nếu hạn chế khắt khe những mong đợi của của người dân. Thay vào đó, nếu so sánh với Đông Bắc Á thì thấy rõ đời sống chính trị quan trọng như thế nào đối với phát triển kinh tế. Mô hình Đông Bắc Á do Nhật Bản phát triển hơn một thế kỷ trước đây đã trực tiếp dựa trên những lựa chọn chính trị, nó vẫn là mô hình duy nhất để đưa một nước không phải của người da trắng thoát khỏi đói nghèo và trở thành một nước phát triển. Thực tế là có một quốc gia đã theo hiệu ứng biểu tình của Nhật Bản; đó là Đài Loan một xã hội Trung Hoa. Nó cho thấy rằng văn hóa và chủng tộc thực sự không quá quan trọng đối với phát triển kinh tế, mặc dù các nhà lãnh đạo Đông Nam Á quyết tâm chứng minh điều ngược lại. Đài Loan cũng có tính Trung Quốc như

Hồng Kông hoặc Singapore – hai quốc gia hoàn toàn thuộc về Đông Nam Á nhưng về khía cạnh kinh tế, nó giống Nhật Bản nhiều hơn.

Có ba điều làm cho mô hình Đông Bắc Á khác với mô hình của Đông Nam Á, và tất cả đều liên quan đến đời sống chính trị. Thứ nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã thực hiện cải cách ruộng đất, và do đó đảm bảo rằng họ sẽ được hưởng một quá trình phát triển từ dưới lên, trong đó gần như tất cả mọi người đều có một chút vốn liếng để xây dựng một cuộc sống tốt hơn. Ở Đông Nam Á, tầng lớp tinh hoa chính trị lẩn tránh cải cách ruộng đất. Trường hợp rõ nhất là Philippines, như đã lưu ý, có tầng lớp chính trị ích kỷ nhất và chỉ biết chăm chút lợi ích của mình, chủ yếu dựa vào sự giàu có về đất đai. Các chính phủ Đông Bắc Á thực hiện cải cách ruộng đất vì họ có một cam kết chính trị rộng mở hơn đối với mục tiêu công bằng xã hội. Hệ số Gini của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan lần lượt là 0,25, 0,32 và 0,24. Ở Đông Nam Á, chỉ số này là 0,34 ở Indonesia, và nhanh chóng tăng lên 0,5 ở Hồng Kông và Singapore. Tính hòa nhập về chính trị tại Đông Bắc Á cũng được phản ánh thông qua sự khoan dung của nhà nước đối với người lao động và các tổ chức của họ dưới hình thức nghiệp đoàn. Các chính trị gia có thể không thích nghiệp đoàn, nhưng không như ở Đông Nam Á, họ không đè nén hoặc làm dân chúng suy nhược, hoặc lý luận rằng các tổ chức đại diện cho công nhân nếu hoạt động độc lập thì sẽ cản trở sự phát triển.

Đặc điểm thứ hai của mô hình Đông Bắc Á là, khi các chính phủ cố gắng chọn người được hưởng lợi về kinh tế như tất cả các quốc gia đang phát triển đã quen làm việc này họ đã hậu thuẫn cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp có khả năng phát minh ra công nghệ mới. Hầu như tất cả các công ty được ưu tiên ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là các công ty gia đình, và họ cũng hối lộ các chính trị gia, nhưng không phải là các công ty có hoạt động bị giới hạn trong thương mại và dịch vụ. Vì có được các khoản cho thuê kinh tế trong dịch vụ tài chính công cộng, và được tiếp cận nguồn vốn nên những dòng tiền mặt có giá trị này ít bị giới tinh hoa kinh tế không tham gia sản xuất kiềm giữ, vì họ không thể cạnh tranh toàn cầu. Samsung hoặc Hyundai là những tập đoàn khổng lồ của gia đình, nhưng nó cũng là một doanh nghiệp mà một số công ty con của nó sản xuất ra những loại hàng hóa được bán trên phạm vi toàn

cầu. Ngược lại, các tập đoàn ở Đông Nam Á không quen với thị trường toàn cầu, và khi được cấp nhượng bộ kinh doanh thì chỉ đơn giản là đưa ra các yêu cầu về công nghệ và tạo thêm việc làm cho các công ty đa quốc gia. Sự sa lầy đã lâu vào “công nghiệp hoá không có công nghệ” này như Yoshihara đặt tên cho nó hai thập kỷ trước đây – thường được che giấu bằng tỉ lệ tăng trưởng cao và những tòa nhà chọc trời sáng bóng chốn thị thành. Và thực tế là, năng lực xuất khẩu quy mô lớn của Đông Nam Á là do các nhà đầu tư nước ngoài tạo ra. Nói như vậy có thể gây tranh cãi, nhưng có một minh chứng mạnh mẽ là bản chất của công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu thực sự làm giảm khả năng cạnh tranh quốc tế của Đông Nam Á, bởi vì nó không tạo ra áp lực để có chính sách kinh tế trong nước hiệu quả hơn. Hiện nay, Hàn Quốc và Đài Loan đang có GDP bình quân đầu người cao gấp 312 lần so với bốn nước chính ở Đông Nam Á. Đầu thập niên 1950, sự khác biệt là không đáng kể. Hàn Quốc và Đài Loan giống như Nhật Bản đã thành công trên trường quốc tế, có những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh; còn Đông Nam Á hầu như không có doanh nghiệp nào.

Điểm khác biệt thứ ba ở mô hình Đông Bắc Á là, hệ thống chính trị luôn luôn hoạt động nghiêm túc hơn ở Đông Nam Á, và là động lực phát triển. Cuối thế kỷ XIX, khi Nhật Bản bắt đầu hiện đại hóa, đã có một cuộc tranh luận khá cởi mở về loại thể chế chính trị nào là tốt nhất và phù hợp nhất với đất nước. Sau nhiều cuộc khảo sát, Nhật Bản đã sao chép hiến pháp của Đức nhiều nhất, và đã vượt lên sự nghèo nàn của chính mình và từ lâu đã gây nên một cuộc tranh luận về chủ nghĩa ngoại lệ trong văn hóa đang lan tràn ở châu Á. Trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh thế giới thứ hai, khi Nhật Bản lặp đi lặp lại thủ thuật phát triển nhanh theo một Hiến pháp được người Mỹ sửa đổi, thì Hàn Quốc và Đài Loan đều đang trải qua một thời kỳ dài của chế độ độc tài quân sự. Tuy nhiên, khi những hạn chế của chế độ lãnh đạo độc tài trở nên rõ ràng hơn vào những năm 1980, các quốc gia này đã tăng cường năng lực một cách đáng kể để thực hiện những điều chỉnh về chính trị và thể chế. Hàn Quốc và Đài Loan đã tiến hành cuộc chuyển tiếp sang dân chủ đầy đau thương nhưng cũng đầy quyết tâm. Khi Hàn Quốc là quốc gia ở Đông Bắc Á bị ảnh hưởng nhiều nhất do cuộc khủng hoảng tài chính, độ thuần thục về chính trị lại càng rõ ràng hơn. Kim Daejung (Kim Đại Trung), một nhà hoạt động lâu năm trong phong trào dân chủ và nhân quyền, được

bầu làm Tổng thống năm 1997 và bắt đầu quá trình cải cách đạt hiệu quả cao nhất so với các quốc gia chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng. Một trong những thước đo của sự thành công tương đối của Hàn Quốc trong việc giải quyết sự đổ vỡ về tài chính là, vào đầu năm 2007,họ đã đưa tỉ giá trao đổi tiền tệ của họ so với đồng đôla Mỹ trở lại tỉ giá năm 1996, trong khi tỷ giá trao đổi với đồng đôla Mỹ của các quốc gia Đông Nam Á khác không hồi phục được như vậy. Hàn Quốc có những vấn đề riêng của nó, nhưng thành tích chính trị, thể chế và kinh tế của nó từ năm 1997 đã làm cho hình ảnh các nước Đông Nam Á lu mờ.

NÓI “KHÔNG” VỚI BỮA ĂN TRƯA MIỄN PHÍ

Người dân Đông Nam Á đã thất bại là vì các chính trị gia của họ. Điều này không chỉ là thất bại có tính lịch sử của tầng lớp chính trị gia sau thời độc lập, mà đó còn là sự bất lực của họ trong việc nắm bắt các cơ hội phát triển sẵn có hiện nay. Rõ ràng nhất là các lợi ích bắt nguồn từ một thị trường tích hợp chung của ASEAN.

Một Cộng đồng Kinh tế ASEAN trên lý thuyết, trong đó các cuộc thảo luận vòng vo xung quanh việc bãi bỏ quy định kinh tế, là sự lặp lại chính xác cái tên Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC), được thiết lập bởi sáu quốc gia khác nhau vào năm 1957. Nhưng những nét tương đồng đã không còn nữa. Năm mươi năm trước đây, Liên minh châu Âu, như tên gọi ngày nay, được đặc trưng bởi sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ. Các thành viên sáng lập của EEC Pháp, Tây Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg trong nhiều năm qua, đã rất nghiêm túc trong việc phân chia thị trường, và ở một số khía cạnh nào đó, đã điều tiết nguyện vọng của mình để bãi bỏ thỏa thuận năm 1957. Ngược lại, ASEAN có một truyền thống là thảo luận quá nhiều mà hành động lại quá ít. Hiện nay, nhóm này có mười quốc gia, có một Ban thư ký trung ương nhỏ đóng trụ sở tại Jakarta. Mỗi quốc gia thành viên có một Ban thư ký địa phương, phản ánh một truyền thống chính trị “không can thiệp vào công việc của các nước thành viên khác”. Trên thực tế, ASEAN chỉ là một câu lạc bộ vui vẻ của các chính trị gia trong khu vực, không có thay đổi gì từ khi ra đời vào những năm 1960 như là một liên minh chống cộng dưới dự lãnh đạo của Mỹ. Cuộc thảo luận về một thị trường chung và bãi bỏ quy

định đã được bàn tán từ khi có cuộc khủng hoảng châu Á, nhưng thực tế vẫn tụt hậu. Năm 2003, các nước ASEAN cam kết với nhau về một hiệp định thương mại tự do trong buôn bán hàng hoá, dịch vụ và đầu tư vào năm 2020. Đầu năm 2007, hạn chót được xác định lại là năm 2015. Tuy nhiên, không có thời gian biểu chi tiết, không có cơ chế tuân thủ và không có các nhà lãnh đạo cấp khu vực đủ uy tín để thúc đẩy quá trình này. Một trong những thước đo của tình trạng thương mại là sự kiện năm 2007, một nhóm các nhà chính trị lão thành (Eminent Persons Group), do cựu trợ lý của Marcos là Fidel Ramos đứng đầu, đã kêu gọi các chính phủ hiện nay của ASEAN tăng cường thực thi các mục tiêu đã đặt ra.

Việc thiếu sự lãnh đạo thiết thực và khả năng nắm bắt tình trạng trì trệ của sự tiến bộ là rất đáng thất vọng. Tại châu Âu, việc hội nhập thị trường đã làm nên ba thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng ở các nước nhỏ có sự khác biệt, và họ đã giàu lên nhiều hơn so với các nước Đông Nam Á. Người Pháp gọi đó là “ba mươi năm vẻ vang” (les trentes glorieuses). Tất nhiên, phần lớn các động lực để hội nhập tại châu Âu là do Chiến tranh thế giới thứ hai tạo ra. Đó là một biến động lớn mà so với nó, cuộc khủng hoảng châu Á chỉ là sự mô phỏng mờ nhạt. Không những thế, nhu cầu kinh tế của Đông Nam Á ít nhất là cũng cấp thiết hơn của châu Âu. Dân số của ASEAN nhanh chóng tăng đến 560 triệu người, so với dân số 300 triệu người của 27 nước thành viên thuộc Liên Minh Châu Âu. ASEAN phải cạnh tranh về vốn và sức hút của thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, nơi ECC đã buộc phải phải dè chừng với Mỹ. Khi làm điều đó, ASEAN phải đối mặt với một thách thức rõ ràng: làm cho chi phí thực tế của chế biến xuất khẩu thấp, phù hợp với lời hứa về một thị trường trong nước rộng lớn. Điều này không quá khó khăn, mặc dù thu nhập bình quân đầu người trung bình cũng là vấn đề đặt ra với cả Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, với mười nước nhỏ, việc chào hàng của ASEAN sẽ không bao giờ có hiệu quả. Khu vực này hiện vẫn là một nơi nghỉ dưỡng cho các nhà quản lý cấp trung chẳng có gì xuất sắc của các công ty đa quốc gia. Không có một thị trường chung, ASEAN chẳng bao giờ có thể được xuất hiện trên trang nhất của các tạp chí kinh tế toàn cầu.

Không thể biết đến bao giờ thì Đông Nam Á mới có thể chống lại được lực hấp dẫn

của logic kinh tế. Trong thời kỳ sau khủng hoảng, Malaysia, một đất nước nhỏ với 27 triệu dân, là công cụ ngăn chặn những toan tính tự do thương mại trong một khu vực có dân số cao gấp 20 lần dân số của nó; động lực dẫn dắt nó là mong muốn bảo vệ ngành công nghiệp ô tô bé nhỏ, kém hiệu quả và những lợi ích về dầu cọ. Trong toàn khu vực, chi phí cho những lợi ích thứ yếu như vậy cho thấy một thực tế là, sau cuộc khủng hoảng, đa số các toan tính thương mại thuần túy trong nội bộ khu vực đều thất bại. Năng lực xuất khẩu trên danh nghĩa có tăng nhưng khi một số doanh nghiệp phụ tùng và linh kiện phát triển sang đất Trung Quốc bị xé lẻ, rõ ràng là Đông Nam Á phải lệ thuộc vào châu Âu và Mỹ hơn bao giờ hết. Không thể mở rộng thương mại trong nội bộ khu vực hiện tại là 20% so với 50% trong Liên minh châu Âu vì ASEAN không tự điều chỉnh chính mình. Nếu thực tiễn chính trị không thay đổi điều này, thì cuối cùng hoàn cảnh bên ngoài sẽ thay đổi nó. Trong một thập kỷ, của từ trên trời rơi xuống ở Đông Nam Á sau chiến tranh là dầu cọ, khí ga và gỗ sẽ bắt đầu cạn kiệt. Nhưng thay đổi trong những điều kiện như thế này sẽ rất tồi tệ, khi những điểm yếu của nền kinh tế thực sự đã bộc lộ, cũng như khi giới chính trị bắt đầu đổ lỗi cho nhau.

VÀ CUỐI CÙNG, NHỮNG TIN TỐT LÀNH

Sau cuộc khủng hoảng tài chính, nếu có những tin tốt lành ở Đông Nam Á, thì sẽ là thế này: một kinh nghiệm đau thương cuối cùng đã xua tan lời tự dối mình, rằng nền kinh tế của khu vực Đông Nam Á là câu chuyện về chủng tộc chứ không phải về giai cấp, hoặc nói một cách đơn giản, là câu chuyện về những người nhập cư chứ không phải về các tầng lớp tinh hoa. Những nỗ lực mà các nhà chính trị Thái Lan đã thực hiện vào mùa hè năm 1997 để đổ lỗi rằng, cuộc khủng hoảng về lợi ích của các doanh nghiệp của người “Trung Quốc” khiến công chúng phải khổ sở. Sau đó, phe đối lập với chính quyền của Thaksin Shinawatra, sau năm 2001, đã không để ý đến tính cách sắc tộc Trung Hoa của ông ta, hoặc của nhiều bộ trưởng trong Nội các của ông. Tại Indonesia, mọi người đều tin rằng dù không được chứng minh một cách thuyết phục quân đội đứng đằng sau những vụ tấn công đầy bạo lực vào cộng đồng người Indonesia gốc Trung Quốc vào mùa xuân năm 1998. Nhưng những cố gắng châm ngòi

cho sự căng thẳng về chủng tộc này không gây ra các vụ nổ bom giết người phổ biến như đất nước này đã chứng kiến trong những thập niên 1960 và 1970. Ngược lại, các chính phủ sau thời Suharto đã dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng ngôn ngữ Trung Quốc và lễ đón năm mới của người Trung Quốc với một số bất đồng nho nhỏ. Ý niệm cho rằng, trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng có thể được đặt lên những người gốc Hoa hoàn toàn không bị phản đối.

Dù sao đi nữa, “tính Trung Quốc” được bàn đến khá nhiều ở Đông Nam Á trong những ngày này, đôi khi thật kỳ quái. Với kịch bản Phố Tàu khi xưa đang phát đạt ở Bangkok, hầu hết diễn viên hiện nay lại là người Lào, người Trung Quốc đã chuyển đi khỏi đó để làm các công việc được trả lương tốt hơn. Dưới thời Thaksin, hầu hết ứng cử viên của đảng Thai Rak Thai (người Thái yêu người Thái), trong khi vận động tranh cử đã viết tên của họ bằng chữ Trung Quốc trên áp phích. Tất cả điều này liên quan rất nhiều đến sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc, với một mong muốn được thừa nhận là đang hiệu chỉnh “tương lai”, nhưng cũng phản ánh một thời kỳ suy giảm về năng lực của các tầng lớp tinh hoa bản địa để chia và trị các đối tượng của họ. Thời gian kể từ khi kết thúc làn sóng nhập cư quy mô lớn trước Chiến tranh thế giới thứ hai vừa là một người chữa bệnh vừa là một nhà giáo dục. Ở Philippines, chủng tộc không là vấn đề lớn. Hồng Kông đã trở thành một xã hội cởi mở hơn về văn hóa, thuần thục và hòa nhập sau khi chế độ thực dân kết thúc vào năm 1997. Các trường hợp ngoại lệ là Singapore, với người Trung Quốc chiếm đa số, và Harry Lý Quang Diệu sẽ tiễn đưa lý thuyết ưu sinh ảm đạm của ông ta xuống nấm mồ; và Malaysia, nơi vẫn còn sự cân bằng tương đối về số dân người gốc Hoa và người Mã Lai bản địa, cho phép tầng lớp tinh hoa chính trị bản xứ (nếu thuật ngữ này vẫn còn có ý nghĩa) kiềm hãm đất nước này dưới danh nghĩa phân biệt đối xử tích cực. Không những thế, ở khắp khu vực, câu chuyện về quan hệ chủng tộc là một câu chuyện rất tích cực.

Sự phát triển của Trung Quốc không phải là vấn đề thảo luận của cuốn sách, nhưng trong những trải nghiệm gần đây, có nhiều bài học sâu sắc cho gã khổng lồ châu Á này – nơi khởi nguồn của rất nhiều cuộc nhập cư vào Đông Nam Á. Hơn nữa, bất cứ điều gì liên quan đến Trung Quốc có tác động nhất định đến phần còn lại của khu

vực. Hiện nay, Trung Quốc đang lớn mạnh, với tỉ lệ tăng trưởng hàng năm mà cách đây không lâu các nước Đông Nam Á đã từng đạt được, với niềm đam mê riêng về các lý thuyết phát triển mang tính văn hóa. Nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của chính phủ Trung Quốc, và nhiều nhà quan sát từ bên ngoài, đã cả quyết là đất nước này sẽ được hưởng một số quyền văn hóa để tiến bộ. Một trường hợp tương tự thường thấy là Nhật Bản, một nước lớn, đông dân, có nền văn hóa được định hình chặt chẽ. Nhật Bản cũng sớm tiếp thu những luân lý đạo đức từ Trung Quốc, vậy họ đã làm thế nào mà họ đi sau nhung lại tốt hơn? Lập luận này không vững chắc nếu chúng ta nhớ lại những thảo luận trước đây về các hệ thống kinh tế và chính trị đương thời ba điều xác định Nhật Bản và Đông Bắc Á là cải cách ruộng đất, sự phát triển của các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh bắt nguồn từ công nghệ và cạnh tranh toàn cầu, và khả năng điều chỉnh cấu trúc chính trị. Trung Quốc thực sự nhìn nhận, dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng, không mấy dễ chịu về Đông Nam Á. Cải cách ruộng đất đã diễn ra sau năm 1979, cho phép các hộ gia đình ở nông thôn canh tác trên đất của gia đình mình với tư cách là người thuê đất của nhà nước, nhưng quyền sở hữu đất đai không bao giờ được chuyển giao, nghĩa là người nông dân không thể bán, cho thuê hay thế chấp đồng ruộng của họ. Đây là những điều cốt lõi của một cuộc cải cách ruộng đất thực sự. Vẫn chưa thể kết luận được về sự tăng trưởng của các công ty toàn cầu có năng lực công nghệ. Trung Quốc là một nước có diện tích cỡ một châu lục, với thị trường trong nước to lớn đảm bảo cho các nhà sản xuất trong nước có được quy mô phát triển to lớn hơn các nước Đông Nam Á. Thế nhưng 60% và con số này vẫn đang tăng lên hàng xuất khẩu của cả nước đang được các công ty nước ngoài sản xuất, chủ yếu dựa trên mô hình chế biến xuất khẩu tương tự như Thái Lan hoặc Malaysia. Số lượng các doanh nghiệp Trung Quốc có thể cạnh tranh về thương hiệu và phát triển sản phẩm chứ không phải các nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia – còn khá nhỏ. Về mong muốn tham gia phát triển chính trị và đa nguyên về thể chế môi trường chính trị, tự do báo chí, tư pháp độc lập… Trung Quốc lại đang đứng sau Đông Nam Á. Dựa vào các số liệu thống kê trên, nguy cơ tan rã của một Đông Nam Á có thể lớn hơn của một Đông Bắc Á đang trên đường đi đến thịnh vượng và tự do. Nhưng những điều đó cũng có thể thay đổi.

Trong khi đó, Đông Nam Á, giống như Mỹ Latinh, cung cấp một bài học trực quan về cách thức phát triển trong những điều kiện khó khăn. Con đường dẫn đến một vài thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh, trong một thế giới toàn cầu hoá, không phải là khó tìm. Tuy nhiên, những thách thức mà các tầng lớp tinh hoa chính trị và kinh tế đang kìm hãm sự phát triển có tính giai cấp và lịch sử lớn hơn nhiều. Và đây có lẽ là thách thức lớn nhất đối với phát triển bền vững. Thực sự đáng chú ý rằng, như đã nêu, Nhật Bản đã giải quyết hiệu quả các nhiệm vụ chính trị cũng như thể chế từ hơn một thế kỷ trước và không có nhiều phiền phức cho đến khi có sự nổi lên của chủ nghĩa phát xít Nhật trong thập niên 1930. Nguồn gốc của căn bệnh ung thư tiềm ẩn này là rất phức tạp và gây nhiều tranh cãi, nhưng không nghi ngờ rằng nó đã làm mờ đi sự sáng chói của chương trình hiện đại hóa của Nhật Bản lúc đầu. Sau đó, toàn thế giới đã thấy khó có thể cải thiện tình trạng này. Đối với tất cả các tổ chức toàn cầu hiện nay của chúng ta Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, các chuyên gia toàn cầu và các trường dạy kinh doanh chúng ta đang phấn đấu hết sức để hiểu về cách thức làm cho các nước nghèo trở nên giàu có.

ĐÃ ĐẾN LÚC NÓI LỜI CHIA TAY

Chắc bạn đọc sẽ nhận thấy rằng, các bố già gần như hoàn toàn vắng mặt trong chương cuối cùng này. Đó là một hệ quả tất yếu của cái mẹo về cấu trúc của cuốn sách sử dụng những người giàu có, nhiều màu sắc và thú vị để kể một câu chuyện dài về lịch sử, về các nền kinh tế và sự phát triển. Các bố già chỉ đơn thuần là sản phẩm của môi trường chính trị Đông Nam Á, và cuối cùng, tự thân môi trường mới chính là vấn đề lớn của khu vực.

Tuy nhiên, chúng ta đành phải chia tay với những đại gia này. Cho dù bạn sống ở Đông Nam Á, hoặc chỉ đến thăm nó, hoặc chẳng nghĩ đến những đại gia những kẻ phú hào làm mê hoặc lòng người này thì Lý Gia Thành và Lý Triệu Cơ vẫn cứ đang chơi một hiệp đấu chỉ có hai người tại Câu lạc bộ gôn Hồng Kông nằm kề bên Vịnh nước sâu. Stanley Hà, đang chỉnh lại khuy áo smocking với sự chăm chút của nửa tá vệ sĩ, rồi đi khai trương một sòng bạc mới nữa. Madame Quắc đang kiểm tra tòa nhà

cao nhất Hồng Kông Trung tâm tài chính quốc tế cùng với ba người con trai trung tuổi của bà là Walter, Raymond và Thomas đang ngoan ngoãn tháp tùng mẹ. (Các bà vợ của họ đang bận rộn đặt một phòng tắm 5.000 đôla khác cho một điền trang mới ở Cửu Long.) Ở khu bờ sông, một Simon Keswick tính khí khá thất thường đang dự một cuộc họp Hội đồng quản trị ở Tòa tháp có “một nghìn cái lỗ hậu môn” – như lời nguyền rủa của những cổ đông ngờ nghệch. Trong khi đó, Sir Adrian Swire và Sir William Purves đang nghỉ hưu “parttime” khá thoải mái ở Lodon, hoặc ngồi tựa lưng trên ghế sofa đâu đó ở văn phòng công ty trong thành phố và ngẫm nghĩ về việc chuẩn bị tiếp đãi Cheltenham và Ascot như thế nào; (không hiểu sao mà người châu Á lại yêu đua ngựa đến vậy). Ở Singapore, Hoàng Đình Phương nhấc điện thoại và gọi cho chàng Robert trẻ tuổi, bảo bắt chuyến bay buổi chiều từ Hồng Kông sang ăn tối với Harry Lý Quang Diệu. Trên một con đường của thủ đô Kuala Lumpur, Ananda Krishnan đang đi dạo tại khu tam giác vàng của thành phố cùng với Tiến sĩ Mahathir hay ba hoa. Quách Lệnh Xán có thể đang nhìn họ từ văn phòng đầy đủ tiện nghi trên tầng áp mái của ông, miệng cười toe toét trong khi vẫn bập một điếu xì gà lớn. Tại Bangkok, Dhanin Chearavanont không ở nhà, ông đã đến Thượng Hải để kiểm tra trường đua ngựa và các siêu thị của công ty Lotus. Tại Jakarta, Anthony Salim đang nghỉ ngơi một chút chẳng có ai bắt ông ta phải nghiêm nghị nữa, Budi Bloody Hartono đã mua lại ngân hàng của ông, và vẫn còn nhiều dự án của người Trung Quốc. Tại Manila, ở câu lạc bộ chơi gôn, Lucio Trần đang đọc một bài báo về các chính trị gia đang dọa đưa ông ra tòa vì một vụ trốn thuế khác; những kẻ xuẩn ngốc này sao chẳng biết điều vậy nhỉ?

Đó là tất cả những gì xảy ra trong vương quốc của các bố già. Dù ý kiến của họ là gì, các đại gia đã dẫn dắt cuộc sống ít hơn bình thường điều chỉnh để thích nghi với chế độ thực dân, chiến tranh, độc lập và bây giờ, như một vài người trong số họ đã đề cập, là Internet. Thật không phải dễ dàng tìm hiểu lý do tại sao những người nhập cư, gia đình những người nước ngoài với khát khao thành công và được thừa nhận lại là phần cơ bản của câu chuyện kể về Đông Nam Á. Tuy nhiên, thật xấu hổ khi những ý niệm ngây thơ về sự ưu việt của chủng tộc và giai cấp đã được đặt lên trên câu chuyện cổ tích rất hay về tính linh hoạt của con người và việc kinh doanh. Một số bố già, và đa

số các nhà lãnh đạo chính trị chủ chốt ở khu vực trong thời hậu chiến, thực sự tin rằng họ hơn người là vì hoàn cảnh xuất thân và giáo dục. Không những thế, như đã nêu trong phần giới thiệu của cuốn sách này, cũng có những bố già hoàn toàn biết rõ luồng gió kinh tế đã từ đâu thổi đến Đông Nam Á. Họ nhận ra rằng, sự tiến bộ sau chiến tranh là một nỗ lực tập thể của những người nhập cư và người bản xứ, cùng với những lỗi lầm và thành công của cả hai bên. Họ cũng biết rằng sự đóng góp của những người nhập cư sẽ là rất ít ỏi nếu không có những nỗ lực phi thường (tuy thường không được thừa nhận) của người gốc Hoa, Ấn Độ, Sri Lanka và các chủ cửa hiệu khác, các chuyên gia và các nhà sản xuất nhỏ mà nghị lực của họ thêm vào đó là của người dân ở địa phương là nguồn lực thực sự của sức mạnh kinh tế của khu vực. Một vài lời đàm luận của một trong những bố già cực kỳ giàu có về thực tiễn của khu vực Đông Nam Á sẽ làm nên giai thoại cuối cùng như sau:

Thời trai trẻ, đại gia này có một thú giải trí ưa thích là đi câu cá dài ngày ở biển Đông. Ông và gia đình cùng các nhà quản lý cấp cao trong các doanh nghiệp của mình thường cùng nhau đi nghỉ một vài ngày. Trong các chuyến đi đó, bố già này thường kết giao với một chủ hiệu nhỏ trên một hòn đảo, mà ông và đoàn tùy tùng của ông thường dừng lại ở đó để mua thực phẩm dự trữ. Đó là một người gốc Hoa, làm việc tất cả các giờ trong ngày và thường xuyên bị ngư dân địa phương đánh thức vào lúc nửa đêm để mua dầu diésel và các đồ dùng thiết yếu khác trước khi họ đi đánh cá lúc trời vừa rạng sáng. Thường thì ngư dân không có tiền ngay và họ phải ký vào sổ nợ, lần nào cũng vậy. Ông chủ hiệu là một người luôn tỏ ra hào phóng. Ông kết hôn với một phụ nữ người Hải Nam độc thân đã có một đứa con gái (một việc khó thực hiện), và nhận trách nhiệm chăm lo cho cả hai mẹ con cô. Qua nhiều năm, bố già và người chủ hiệu này trở thành đôi bạn thân. Sự khác biệt duy nhất giữa họ, như đại gia này nhận xét, là do hoàn cảnh xuất thân và được giáo dục tốt nên ông trở nên giàu có, trở thành một tỷ phú lớn, trong khi người chủ hiệu kia phải làm việc không bao giờ ngừng nghỉ và đã phải bỏ mất cả tuổi thanh xuân. Và bố già này kết luận, một cách rất chân thành: “Đó là câu chuyện thực sự về Đông Nam Á”. Nói xong, ông tỏ vẻ mãn nguyện vì đã được tận hưởng những kỷ niệm hết sức ngọt ngào, rồi mời tác giả cuốn sách này một ly rượu vang Pháp tuyệt ngon.

8. TIỂU SỬ TÓM TẮT CÁC NHÂN VẬT DOANH NHÂN BỐ GIÀ VÀ CÁC CHÍNH TRỊ GIA

I) CÁC DOANH NHÂN / BỐ GIÀ

THÁI LAN:

Dòng họ Bunnag

Điều quan trọng nhất của các gia đình Ba Tư theo đạo Hồi là phụng sự với tư cách là những người quản lý cao cấp ở Xiêm (tên của Thái Lan từ năm 1939 trở về trước) trong thế kỷ XIX và sau đó. Chuang Bunnag (18081883), với tước hiệu chính thức là Somdet Chao Phraya Borom Maha Si Suriyawongse, là một tấm gương. Ông nguyên là Bộ trưởng Bộ nội vụ một trong bốn bộ quan trọng của Xiêm và sau này trở thành quan nhiếp chính. Gia đình Bunnag điều hành vùng Bangkok rộng lớn với tư cách là những người phân bổ các trang trại chịu thuế. Họ đã cấp đất cho rất nhiều người họ hàng của mình; họ kiểm soát những lợi ích vận tải biển lớn và rất nhiều doanh nghiệp khác. Gia đình này cho con cái kết hôn với dòng dõi hoàng tộc Thái và những gia đình người Thái gốc Trung Quốc danh tiếng. Hai Thủ tướng thế kỷ thứ XX đều có dòng dõi Hoàng gia, Seni Pramoj và em trai cùng mẹ khác cha của ông ta là Kukrit.

Dòng họ Chearavanont

Bố già thời hiện đại Dhanin Chearavanont, vào năm 1983, đã thừa kế doanh nghiệp nông nghiệp do cha ông là Chia Ek Chaw – một người Thái gốc Trung Quốc và một người chú xây dựng. Gia đình Chearavanont hồi đó (cũng như hiện nay) có một doanh nghiệp buôn hạt giống rất thành công ở Trung Quốc trước năm 1949. Dhanin, sinh năm 1939, đã đưa Tập đoàn CP (Charoen Pokphand) trở thành doanh nghiệp nông nghiệp lớn nhất, và trước cơn khủng hoảng tài chính, nó là tập đoàn liên kết nhiều khu vực lớn nhất ở Thái Lan. Sắc sảo về chính trị, ông lợi dụng chính sách công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu của chính phủ để sản xuất, và là một trong số những

người được Ngân hàng Bangkok của Chin Sophonpanich, cũng như ngân hàng nhà nước cấp vốn. Vào những năm 1980 và 1990, CP đã đa dạng hóa cả về ngành hàng cũng như về lãnh thổ và trở thành một đế chế thống trị từ nuôi gà đến viễn thông, và có lẽ là nhà đầu tư ngước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc. Sau cơn khủng hoảng tài chính châu Á, CP bị ép bán nhiều tài sản của nó ở Trung Quốc và Thái Lan. Dhanin được một người anh trai và ba con trai của mình trợ giúp. Vào những năm 1990, ông là Thượng nghị sĩ và cố vấn của chính phủ Thái Lan, nhưng phải lựa theo thế lực của Thaksin Shinawatra từ 1998, đưa một con rể vào Nội các của Thủ tướng mới. Nhưng những quan hệ giữa Chearavanont và gia đình Thaksin trở nên căng thẳng bởi cuộc chạy đua giành giật vị trí bố già hàng đầu. Dhanin thích nhân giống gà chọi và chim bồ câu nuôi tại nhà; bồ câu hiện được nuôi trên mái nhà của một tòa nhà ở Thượng Hải, và được một người con trai trông nom.

Dòng họ Khaw (họ Hứa)

Khaw Soo Cheang (Hứa Tứ Chương) là một ông trùm Trung Quốc nhập cư từ rất sớm, sinh năm 1797, người có đất đai ở Penang và gặp vận may trong canh tác trang trại chịu thuế cũng như khai thác mỏ thiếc ở miền Nam Thái Lan. Ông cũng xây dựng nên một doanh nghiệp hàng hải ở Penang. Các thế hệ tiếp theo của dòng họ Hứa, do Hứa Tâm Mỹ lãnh đạo, thực hiện thành công một liên doanh khai thác mỏ thiếc với các nhà đầu tư Australia, nhưng hoạt động ở Penang của họ thất bại và sau đó gia đình này bị sa sút.

Dòng họ Sophonpanich

Sinh ở Bangkok năm 1910, tộc trưởng Chin Sophonpanich được gửi về Sán Đẩu (Quảng Đông, Trung Quốc) để đi học và trở lại Thái Lan lúc 17 tuổi, khi cha chết. Ông đã từng làm giáo viên rồi trở thành một thương gia buôn gỗ tấm thành công. Bước đột phá lớn của ông xảy ra năm 1952, khi ông được cử làm Tổng Giám đốc Ngân hàng Bangkok đang suy nhược. Người bảo trợ chính trị chủ yếu của ông là tướng Phao Chung Siryanon, tổng giám đốc cảnh sát. Ông kết giao với tầng lớp tinh hoa người Trung Quốc gốc Thái như Prasit Kanchanawat và Boonchu Rojasthanien,

để vận hành ngân hàng một cách rất chuyên nghiệp. Khi Phao là nạn nhân của cuộc đảo chính do tướng Sarit Thanarat cầm đầu năm 1957, Chin giao quyền cho cấp dưới và rời về Hồng Kông cho đến khi Sarit chết năm 1963. Trong thời gian ở đây, Chin tập trung vào xây dựng mạng lưới ở nước ngoài và cấp vốn cho một thế hệ các ông trùm trong toàn khu vực. Khoảng cuối những năm 1980, Ngân hàng Bangkok là ngân hàng nằm ngoài Hồng Kông lớn nhất Đông Nam Á, và tập đoàn kinh doanh liên khu vực của nó có tầm cỡ lớn nhất ở Thái Lan. Vì thuyết phục được các nhà tài trợ chính phủ cấp vốn để phát triển Ngân hàng Bangkok, Chin đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp bằng cách nắm quyền kiểm soát ngân hàng này. Ông chết năm 1988. Con trai cả của Chin là Robin thừa kế các lợi ích tại Hồng Kông của gia đình, con trai thứ là Chatri nắm giữ các tài sản chủ yếu ở Thái Lan. Ngân hàng Bangkok bị đổ bể bởi cơn khủng hoảng tài chính châu Á, với lỗ lũy kế gần 3 tỉ đô la từ năm 1998 đến 1999, nhưng gia đình họ vẫn giữ quyền kiểm soát, mặc dù yếu hơn, nhờ 1 tỉ đô la cổ phiếu phát triển mới. Hiện đa số cổ phần là của các nhà đầu tư lớn, khoảng 50%, đều là các nhà đầu tư nước ngoài. Con trai của Chatri, Chartsiri hiện đang là Chủ tịch ngân hàng.

Thaksin Shinawatra

Sinh năm 1949 trong một gia đình người Thái gốc Trung Quốc giàu có ở Chiềng Mai (cố nội của Thaksin là một chủ trang trại chịu thuế, cha của ông là một doanh nhân và là nghị viên), nhưng Thaksin đã đau đớn từ chối cái gốc gác bí mật về pháp lý của mình. Ông học đại học ở Hoa Kỳ và đi theo một nghề nghiệp đặc trưng bởi sự thăng tiến nhanh – đó là lực lượng cảnh sát Thái Lan; và kết hôn với con gái của một vị tướng cảnh sát. Khi làm việc trong ngành cảnh sát, và về sau này nữa, Thaksin đã có nhiều cuộc thử sức không thành công trong kinh doanh trước khi kiếm được một số tiền lớn do cho ngành cảnh sát thuê máy tính và các thiết bị khác, cũng như có một công ty nhắn tin di động. Năm 1986, ông được trao một hợp đồng không qua đấu thầu về hoạt động điện thoại di động trong 20 năm, và vào năm 1990 được cấp phép để vận hành dịch vụ vệ tinh nội địa. Sau khi niêm yết Công ty Shinawatra của mình (về sau đổi tên là Shin) năm 1990, Thaksin mở rộng các dịch vụ phát thanh truyền hình và viễn thông khác.

Vào giữa những năm 1990, khi viễn thông là lĩnh vực được chính trị hóa nhiều nhất ở Thái Lan, Thaksin bước vào lĩnh vực chính trị ở cấp quốc gia. Ông được chọn làm Bộ trưởng Ngoại giao vào năm 19941995, Phó Thủ tướng dưới thời “cái máy rút tiền ATM di động” Teochiu Banharn Silpaarcha vào năm 19951966, và lại được chọn làm Phó thủ tướng vào những ngày cuối cùng của chính phủ Chung Chavalit Yongchaiydh năm 1997. Trong thời gian này, ông bị buộc tội là kiếm lợi từ việc biết trước sự mất giá của đồng bạt vào tháng 7 năm 1997. Tháng 7 năm 1998, trong vòng xoáy của cơn khủng hoảng tài chính châu Á và do doanh nghiệp của ông nợ nần chồng chất, Thaksin thành lập đảng Thai Rak Thai (người Thái yêu người Thái) và thực hiện chiến dịch về một chương trình dân túy chú trọng đến chăm sóc sức khỏe toàn dân, hoãn nợ cho nông dân và lập quỹ phát triển ở mỗi làng xã. Ông bị cuốn vào quyền lực năm 2001. Nhiều chính sách được thực hiện, tỉ lệ nghèo giảm mạnh, mặc dù những người chỉ trích cho rằng nhiều khoản chi trả cho việc cấp vốn và xóa nợ không thể chứng minh được. Thaksin cũng theo đuổi cuộc đấu tranh chống ma túy và trận chiến chống lại những người bạo loạn Hồi giáo ở miền Nam, gây ra tổn thất hàng nghìn sinh mạng. Năm 2005, ông tái đắc cử với một chiến thắng long trời lở đất. Tuy nhiên, Thaksin không được ưa chuộng ở Bangkok và bị chỉ trích vì có sự khác nhau về quyền lợi giữa hai nhóm quân sự và nhân quyền. Khi gia đình ông bán hết các quyền lợi đang kiểm soát ở Công ty Shin cho Công ty Temasek của Singapore với một khoản miễn thuế 1,9 tỉ đô la hồi tháng Giêng năm 2006, các cuộc biểu tình của công chúng bùng lên. Thaksin kêu gọi những cuộc bầu cử mới, nhưng bị phe đối lập tẩy chay. Sau một mùa hè vật lộn về chính trị, một cuộc đảo chính quân sự đã xảy ra trong tháng 9, khi Thaksin đang ở New York, và quân đội chỉ định Surayud Chulanont lên làm Thủ tướng.

MALAYSIA:

Chang Ming Thien (Trương Minh Thiên)

Sinh tại Penang năm 1917, Trương đã kiếm được rất nhiều tiền trong và sau Chiến tranh Thế giới thứ hai nhờ buôn lậu cao su ra khỏi Malaysia. Sau đó ông ta thiết lập

các ngân hàng ở Hồng Kông và Malaysia, và một công ty tài chính ở Thái Lan, cũng như đầu tư dàn trải vào nhiều doanh nghiệp khác. Vào những năm 1970, Trương Minh Thiên có khuynh hướng trở thành một bố già lớn trong khu vực, nhưng cuộc sống dâm dục và tràn ngập rượu cồn đã bủa vây ông ta. Ông ta chết năm 1982, sau một trận sốc đến nôn mửa khi ra khỏi một căn phòng ở khách sạn Merlin tại Kuala Lumpur. Năm 1985, Ngân hàng Thương tín Hải ngoại (OTB) ở Hồng Kông của Trương sụp đổ, do mắc phải sự lừa gạt một cách có hệ thống của những Giám đốc trong nhiều năm. Chính phủ Hồng Kông đã phải giải thoát những khách hàng gửi tiền bằng cách tiếp quản nó với số tiền 256 triệu đôla.

Daim Zainuddin

Sinh cùng một làng ở Kedah với Thủ tướng Malysia Mahathir Mohamad, Daim tốt nghiệp Đại học Luật ở Luân Đôn và có sự đột phá đầu tiên trong kinh doanh bất động sản ở Kuala Lumpur. Ông ta bắt đầu được trao quyền quản lý các công ty của chính phủ vào cuối những năm 1970 khi Mahathir là Phó Thủ tướng. Ông ta tiếp quản bộ phận đầu tư của Tổ chức quốc gia liên hiệp Mã Lai (UMNO), tập đoàn Fleet sau khi Mahathir trở thành Thủ tướng vào năm 1981, và cũng là người giữ quỹ của UMNO. Được chỉ định làm Bộ trưởng Tài chính vào năm 19841991, Daim nuôi dưỡng một nhóm những doanh nhân người gốc Mã Lai – “những chú nhóc của Daim”, gồm Halim Saad, Tajudin Ramli và Wan Azmi Wan Hamzah – bằng chính sách tư nhân hóa không phải đấu thầu và nguồn vốn tín dụng của nhà nước. Daim được Mahathir gọi lại vào chính phủ tại thời điểm có cơn khủng hoảng tài chính châu Á để tổ chức giải thoát cho những công ty có đặc ân khác nhau. Ông ta chấm dứt quan hệ với Mahathir vào năm 2001 có lẽ vì xung đột lợi ích kinh doanh với con cái Mahathir và từ chức. Từ lâu, ông được các phóng viên châu Á phong tặng “nhà tiểu tư sản” vì có thể móc ra bất cứ cái gì ông muốn. Nói chung, Daim được coi là bố già người gốc Mã Lai giàu nhất.

Eu Tongsen (Dư Đông Tuyền)

Sinh trưởng trong một gia đình người Trung Hoa nhập cư đã mở cửa hiệu trước khi đi

vào khai thác mỏ thiếc, Dư (18771941) được giáo dục theo chủ nghĩa toàn thế giới trong cả các trường đại học dạy bằng tiếng Trung lẫn tiếng Anh. Ông đã mở mang doanh nghiệp của gia đình, trở thành đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Lục Hữu, và đầu tư đa dạng vào những đồn điền, ngành ngân hàng, bất động sản và buôn bán. Gần cuối đời, Dư chuyển về Hồng Kông. Ở đó, ông ta cho xây dựng ba tòa lâu đài theo kiểu gôtích và chất đầy trong đó những pho tượng các nàng tiên xinh đẹp.

Halim Saad

Sinh năm 1953 trong một gia đình gốc Mã Lai giàu có, được Daim Zainuddin che chở. Halim Saad đã từng lãnh đạo Tập đoàn Renong, một cái kho chôn giấu tài sản của Tổ chức Quốc gia Liên hiệp Malaysia (UMNO) cầm quyền, phát đạt nhờ những hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng lớn của nhà nước, bao gồm con đường cao tốc Bắc – Nam huyết mạch của Malaysia. Mặc dù vậy, Renong đã được chính phủ giải thoát khỏi nhiều vụ việc, gần đây nhất là trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Trước cuộc khủng hoảng, Renong có 11 công ty liên doanh đã niêm yết, nhưng sau đó bị bắt buộc phải bỏ bớt một số tài sản. Halim Saad bị loại bỏ khỏi ban lãnh đạo Renong sau khi cơn khủng hoảng xảy ra.

Rashid Hussain

Sinh ở Singapore năm 1946, có cha là người Ấn Độ và mẹ là người Mã Lai (cũng có sự pha trộn chủng tộc như Mahathir Mohamad), Hussain lớn lên trong một gia đình đã Anh hóa giàu có. Sau khi làm môi giới chứng khoán ở London, cựu Phó Thủ tướng Ghafar Baba giúp anh ta có được quyền công dân Malaysia, đưa Hussain vào một đường dây cấp giấy phép buôn bán chứng khoán theo chính sách của một chương trình hành động của chính phủ. Trong 15 năm tiếp theo, ông ta đã xây dựng nên tập đoàn dịch vụ tài chính hàng đầu của Malaysia là Rashid Hussain Berhad (RHB). Tuy nhiên, vào những năm 1990, Hussain liên minh quá chặt chẽ với Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim; khi Mahathir Anwar thất thế vào năm 1998, Hussain thấy mình thiếu một sự che đỡ về chính trị giữa cơn khủng hoảng tài chính. Ông ta cũng bị cáo buộc làm mất giá và “bán ngắn” đồng ringgit trong cơn khủng hoảng, do đó cùng với

Mahathir đóng góp vào cái gọi là “một âm mưu quốc tế” làm cho Malaysia đổ nát. Hussain mất quyền điều khiển doanh nghiệp của mình trong ngành ngân hàng bất chấp sự tài trợ của chính phủ. Ông ta kết hôn với một cô con gái của Robert Quách, tên là Sue.

Khoo Kay Peng (Khâu Gia Bành)

Sinh tại Johore năm 1938, Khâu khởi nghiệp trong ngành ngân hàng tại Công ty Ngân hàng Hải ngoại Trung Hoa (OCBC) và Ngân hàng Malayan trước khi chuyển sang Ngân hàng Bumiputra, thành lập năm 1965 để cung cấp vốn tín dụng cho những doanh nhân bản xứ, dưới thời Chủ tịch ngân hàng Tengku Razaleigh Hamzah. Giữa họ hình thành một mối quan hệ gần gũi. Khi Razaleigh trở thành Bộ trưởng Tài chính vào giữa những năm 1970, Khâu chuyển một công ty nhỏ, Liên hiệp công nghiệp Malayan hợp nhất (MUI), thành một doanh nghiệp niêm yết lớn nhất nước, đưa công ty tham gia vào ngành đường mía, ximăng, tài chính, bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng, kinh doanh khách sạn, bất động sản và sản xuất. Khâu cũng gần gũi những chính khách của đảng cầm quyền UMNO hùng mạnh, bao gồm Bộ trưởng Nội vụ và người phát ngôn của Quốc hội cũng như chính quyền Johore là Tan Sri Mahamad Noah bin Omar. Tuy nhiên, khi Razaleigh thách thức Mahathir để nắm quyền lãnh đạo UMNO vào năm 1987 và bị thua, Khâu nhận ra rằng ông ta đã thắng cỗ xe ngựa của mình vào chỉ một con ngựa. Do đó, tập đoàn của ông ta có quá ít thành công. Khâu kết giao thân thiết với Robert Quách, một người đồng hương ở Johore. Ông là một tín đồ Cơ đốc giáo Phúc âm và đã có một số dự án đầu tư với nhà truyền giáo Mỹ là Pat Robertson. Vào năm 1998, Khâu nắm quyền điều khiển một doanh nghiệp bán lẻ theo kiểu Anh là Laura Ashley.

Ananda Krishnan

Là con trai của một công chức người Tamil Sri Lanka, sinh vào thời buổi Chiến tranh thế giới thứ hai, Krishnan có được tấm bằng MBA từ đại học Harvard và kiếm được tiền triệu đầu tiên nhờ buôn bán dầu mỏ, củng cố tình bạn cùng học trường kinh doanh Harvard với gia đình hoàng tộc Saudi cũng như với chính khách Roberto

Ongpin người Philippines, đồng thời liên kết kinh doanh với nhà Suharto và Ferdinand Marcos. Đầu tiên, Krishnan làm tư vấn quốc tế về cấu trúc công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của Malaysia và thu xếp để hun đúc tình bạn lâu bền với cả Tengku Razaleigh Hamzah lẫn địch thủ tinh quái là Mahathir Mohamad. Dưới thời Mahathir, Krishnan có được nhiều nhân nhượng của chính phủ cho việc tổ chức cá cược về đua ngựa và xổ số, điện thoại di động, phát thanh truyền hình và vệ tinh, và các dự án phát triển khu vực trung tâm thành phố, trong đó có tòa tháp đôi ở giữa thủ đô Kuala Lumpur rộng lớn với sự cung cấp tài chính của Petronas, một công ty dầu lửa của nhà nước. Khi Krishnan cần tiền mặt trong thời gian khủng hoảng tài chính, Petronas đã bơm cho ông rất nhiều tiền. Krishnan được quảng bá rất nhiều khi ông ta hỗ trợ tài chính cho các buổi hòa nhạc gây quỹ tài trợ được truyền hình trực tiếp. Con cái của ông ta chẳng tỏ ra quan tâm đến công việc kinh doanh của bố. Người con trai trở thành một nhà sư ở Thái Lan, người con gái làm bác sĩ ở Anh.

Dòng họ Quách

Tộc trưởng Robert Kuok Hock Nian (Robert Quách, hay Quách Hạc Niên), cậu em út trong ba anh em trai sinh tại Johore năm 1923, thành công với tư cách là một thương gia buôn bán lúa gạo, bột mì và đường. Được học hành tại những trường học thực dân dành cho tầng lớp tinh hoa ở Johore, và trường cao đẳng Raffles (một trong những trường là tiền thân của Đại học quốc gia Singapore), Quách đã xây dựng nên sản nghiệp của mình thông qua buôn bán hàng nhẹ và sản xuất hàng thay thế nhập khẩu sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Vào những năm 1970, ông ta bắt đầu nổi tiếng là một “ông vua đường mía” với các thương vụ buôn bán đường cực lớn và các thủ đoạn tinh ranh trên những thị trường tương lai ở London. Ông cũng đa dạng hóa đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh hàng hóa có điều tiết khác như bột và dầu cọ, cũng như hàng hải, bất động sản, khách sạn, dịch vụ tài chính và nhiều thứ khác nữa. So với những doanh nhân khác, Quách cũng liên tục di chuyển cơ sở của mình từ Malaysia đến Singapore, Hồng Kông và các lãnh thổ khác ở Đông Nam Á. Ông đã kinh doanh ở Trung Quốc từ thời Chiến tranh Triều Tiên, đầu những năm 1950.

Người anh trai thứ hai của Quách, một “con mọt sách”, lại chọn một hướng đi rất khác. Không theo con đường kinh doanh của gia đình, William gia nhập Đảng Cộng sản Malayan của giai cấp công nhân để đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Anh và bị lính Anh bắn chết ở Pahang hồi tháng 9 năm 1953. Anh ta được nhiều bạn bè biết đến nhờ khả năng đọc thuộc lòng các câu thơ của Shakespeare. Người anh cả Philip trợ giúp việc kinh doanh của gia đình trước khi theo đuổi sự nghiệp ngoại giao và là đại sứ của Malaysia.

Robert Quách có tám người con trong hai lần kết hôn. Con trai Beau và Chye, kết quả của từ lần kết hôn đầu tiên của ông với một phụ nữ Trung Quốc lai Anh tên là Joyce Cheah, giữ những vị trí cao trong doanh nghiệp của ông. Các cháu trai Chye và Edward, cháu gái Kaye (con của Philip) cũng vậy. Chưa rõ sự nghiệp của Robert Quách sẽ được kế tục như thế nào.

Lee Loy Seng (Lý Lợi Thành)

Lý sinh năm 1921 trong một gia đình khai thác mỏ thiếc rất thành đạt ở Hakka (Quảng Đông). Ông ta tiếp tục khai mỏ thiếc một vài năm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai trước khi chuyển sang làm đồn điền. Lý có được các khu đồn điền với giá rất thấp, trước hết vì người Anh công bố “tình trạng khẩn cấp” sau các cuộc bạo loạn của phe cộng sản vào những năm 19481960, và sau này khi những công ty đồn điền châu Âu tìm cách xử lý những tài sản sau độc lập và bắt đầu các chính sách kinh tế hướng tới những người gốc Mã Lai. Công ty KL Kepong của Lý trở thành đồn điền tư nhân và là doanh nghiệp bơ thực vật lớn nhất ở nước này; nó cũng sở hữu chuỗi siêu thị bán lẻ Crabtree & Evelyn ở ngoài Malaysia. Lý chết năm 1993, và những con trai của ông hiện đang điều hành doanh nghiệp.

Dòng họ Lâm (Lim)

Lâm Ngô Đồng (Lim Goh Tong) sinh tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc vào năm 1918 và chuyển đến Kuala Lumpur vào cuối những năm 1930 để làm việc trong một doanh nghiệp xây dựng của người chú, phụ thuộc chủ yếu vào các hợp đồng của chính phủ.

Lâm kiếm được tiền từ buôn bán thiết bị xây dựng quân sự dư thừa sau Chiến tranh Thế giới thứ hai – ông ta rất thành thạo các thủ đoạn đấu thầu và thiết lập công ty xây dựng riêng của mình, thắng thầu trong nhiều hợp đồng xây dựng công trình công cộng. Ông ta cũng đi vào lĩnh vực khai mỏ. Sau độc lập năm 1957, Lâm có được giấy phép mở sòng bạc duy nhất ở Malaysia và xây dựng khu nghỉ dưỡng Genting Highlands rộng lớn, với 4.000 phòng ở ngoại ô Kuala Lumpur. Rất nhiều thành viên của tầng lớp tinh hoa chính trị được tin tưởng mời làm cổ đông thông qua những người được chỉ định. Những tài sản khác của Lâm nằm trong những đồn điền, bất động sản và ngành điện lực.

Con trai thứ Lâm Quốc Thái (Lim Kok Thay), được cha rất yêu quý so với người anh, hiện đang điều hành doanh nghiệp của gia đình. Quốc Thái đã dùng nguồn tiền mặt thu được do tổ chức đánh bạc để mở rộng đầu tư sang những tuyến du lịch trên biển (Star Cruisers), tiếp quản tuyến du lịch trên biển của Na Uy (NCL) vào năm 1999, và mới đây đã thắng một gói thầu trị giá 3,4 tỉ đôla để xây dựng một khu nghỉ dưỡng và vui chơi trên đảo Sentosa của Singapore.

Loke Yew (Lục Hữu)

Sinh năm 1845 tại Quảng Đông, Lục làm nên sự nghiệp của mình ở Larut, Malaysia; hợp tác với Hội Tam hoàng Nghĩa Hưng (Ghee Hin) để nhập khẩu và quản lý công nhân khai mỏ người Trung Quốc. Ông cũng nhận được các trang trại có lợi tức của chính phủ thuộc địa, học tiếng Anh, phong cách của người Anh và gia nhập liên doanh với người nước ngoài. Lục Hữu chết năm 1917, và người con trai tao nhã của ông là Lục Vận Đào (Loke Wan Tho) đã điều hành doanh nghiệp của gia đình cho đến khi bị chết trong một tai nạn máy bay năm 1964.

Quek Leng Chan (Quách Lệnh Xán)

Xem trong mục Singapore, Gia đình Quách.

Tajudin Ramli

Doanh nhân người gốc Mã Lai, và là cựu chủ ngân hàng đầu tư Tajudin, sinh năm 1946 tại Kedah, có những mối liên kết chặt chẽ với Daim Zainuddin và đảng cầm quyền UMNO. Ông ta làm việc cho Daim vào những năm 1980 và sau này nhận được giấy phép không cần đấu thầu về vận hành mạng điện thoại di động Celcom. Vào năm 1994, tập đoàn của ông nắm quyền kiểm soát Hệ thống Hàng không Malaysian (MAS), hãng vận tải quốc gia. Cả hai doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong cơn khủng hoảng tài chính châu Á. Công ty nắm cổ phần khống chế của Tajudin là Technology Resources Industry (TRI), chuyên về thanh toán trái phiếu. Sau khi Daim rời chính phủ vào năm 2001, Tajudin mất quyền kiểm soát các công ty và bị truy tố là lừa gạt thông qua các hợp đồng dịch vụ với các doanh nghiệp tư nhân mà trong đó ông ta giữ những khoản tiền đặt cọc không tuyên bố công khai.

Tan Koon Swan

Tan là một công chức bậc thấp và nhân viên của Công ty dầu lửa đa quốc gia Esso trước khi trở thành Tổng Giám đốc khu nghỉ dưỡng có sòng bạc Genting Highlands của Lâm Ngô Đồng vào đầu những năm 1970. Sau đó, ông xây dựng nên tập đoàn riêng của mình trước khi khởi tạo MultiPurpose Holdings (MPH) như một phương tiện đầu tư cho những nhà đầu tư Mã Lai gốc Trung Quốc. Sau đó, Tan trở thành Chủ tịch Hội người Mã Lai gốc Trung Quốc (MCA). Ông ta sáp nhập doanh nghiệp của mình, một cách tùy hứng, với những doanh nghiệp của MCA, vì thế năm 1986 đã bị bắt ở Singapore vì tội lừa đảo. Robert Quách vội vàng bảo lãnh và đáp lời mời gọi của MCA để đến “dọn dẹp” MultiPurpose đã bị khuynh đảo bởi tham nhũng và kiểm tra sổ sách kế toán về sự thua lỗ của tập đoàn này. Tan Koon Swan bị kết án hai năm tù giam. Dưới quyền sở hữu mới, MultiPurpose đã phục hồi trở lại sau cơn khủng hoảng tài chính.

Vincent Tan Chee Yioun (Trần Chí Viễn)

Sinh năm 1952, Trần đại diện cho một nhóm ông trùm mới nổi vượt lên phía trước thông qua việc tư nhân hóa không cần đấu thầu vào những năm 1980 và đầu những năm 1990. Sự bứt phá mà ông ta có là do được nhận trung tâm xổ số Sport Toto từ

chính phủ Malaysia năm 1985. Với luồng tiền mặt chủ yếu này, và những vụ tư nhân hóa khác, ông đầu tư đa dạng vào mọi thứ, từ cơ sở hạ tầng cho đến báo chí, khách sạn. Tan có mối quan hệ thân thiết với Mahathir.

K. Thamboosamy Pillay

Sinh trưởng trong một gia đình Ấn Độ Tamil giàu có ở Singapore, Pillay được đào tạo tại Học viện Raffles của tầng lớp tinh hoa và làm cả kinh doanh lẫn làm việc cho cơ quan chính phủ, đầu tiên với Cơ quan cư trú Anh tại Malaysia, và sau đó là James Guthrie Davidson. Ông tổ chức nhập khẩu lao động dưới sự che chở của chính phủ trước khi bước vào các lĩnh vực kinh doanh khác như cho vay tiền, là nhà thầu của chính phủ và người khai mỏ. Ông và Lục Hữu là những đối tác trong Công ty Khai thác mỏ thiếc mới ở Rawang. Giống như Lục Hữu, Pillay là một trong những người sáng lập trường đại học Victoria dành cho tầng lớp tinh hoa ở Kuala Lumpur. Ông chết năm 1902.

Dòng họ Yeoh (Dương)

Bố già thời hiện đại Francis Dương Túc Bân xuất thân từ một gia đình gốc Trung Hoa đã Anh hóa ba thế hệ, tham gia ngành xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Doanh nghiệp của gia đình, YTL, được đặt tên theo tên cha của Francis là Dương Trung Lễ, người mở rộng nó nhờ các hợp đồng xây dựng các công trình công cộng ngay từ đầu thời hậu độc lập những năm 1950 và 1960. Dưới thời Mahathir, từ 1981, YTL đã giành được những hợp đồng lớn trong các khu vực nhà nước và phát điện, trở thành nhà sản xuất điện độc lập đầu tiên ở nước này. Trong số những tài sản ở hải ngoại, YTL sở hữu dịch vụ cấp nước ở Wessex, nước Anh. Dòng tiền mặt chủ yếu của doanh nghiệp cứ tuôn chảy như thế trong suốt thời gian có cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Nhờ đó, Dương có thể mua hết các khách sạn cao cấp và bất động sản ở Kuala Lumpur khi giá cả sụt giảm. Francis Dương và sáu anh chị em của ông ta là những tín đồ Cơ đốc Phúc âm; lâu đài ở Kuala Lumpur của gia đình Yeoh được gọi là “Sáng thế”.

INDONESIA

Dòng họ Bakrie

Người cha Achmad Bakrie đã xây dựng và phát triển doanh nghiệp Bakrie & Brothers từ một hãng buôn ở miền Nam Sumatra thành một trong số ít những tập đoàn sản xuất bản xứ lớn. Achmad được hưởng lợi từ Chương trình Benteng, được triển khai để hỗ trợ các doanh nhân bản xứ sau khi nền độc lập được tuyên bố vào năm 1945, và được tiếp quản những nguồn lợi về sắt thép được quốc hữu hóa từ người Hà Lan. Con trai Aburizal đang điều hành tập đoàn bản xứ lớn nhất từ viễn thông đến đồn điền – vào thời gian có cuộc khủng hoảng tài chính, và tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh cùng với một số thành viên của gia đình Suharto. Suýt bị phá sản vào cuối những năm 1990, ông ta buộc phải vay 1 tỉ đô la để cấu trúc lại doanh nghiệp năm 2001. Sau khi Suharto sụp đổ, Aburizal tự bộc lộ là một chính khách dân chủ và đảm nhận một số vai trò trong nội các chính phủ. Giá trị của các lợi ích khai mỏ của gia đình đã căng phồng lên trong sự bùng nổ hàng hóa toàn cầu gần đây. Vào năm 2006, Bakrie bán doanh nghiệp khai thác than Borneo của họ với giá 1,2 tỉ đô la, đánh dấu một sự trở lại tuyệt vời. Vào thời gian này, Aburizal là Bộ trưởng công tác xã hội.

Gia đình Hartono

Hiện là một ông chủ lớn, R. “Budi” Hartono xuất thân từ một gia đình Trung Hoa đã sống lâu đời ở Kudus, Java, nắm quyền kiểm soát P.T. Djarum Kudus, một trong số ba công ty sản xuất thuốc lá điếu lớn nhất ở Indonesia. Budi Hartono, được cha quý hơn người anh trai Michael Bambang Hartono, đang điều hành doanh nghiệp, nhưng họ vẫn tiếp tục làm việc cùng nhau. Budi học ở trường Hà Lan và không nói được tiếng Trung Quốc. Từ những năm 1970, ông đa dạng hóa đầu tư vào lắp ráp hàng điện tử, hàng dệt, chế biến thực phẩm và ngân hàng. Con trai Victor Rahmat Hartono của ông chắc chắn sẽ là người thừa kế doanh nghiệp của gia đình. Sau khủng hoảng tài chính, Hartono mua một số cổ phần của Ngân hàng Trung tâm Châu Á cũ của Lâm Thiệu Lương.

Mohammad ‘Bob’ Hasan (Tập đoàn Kian Seng – Kiến Thành)

Sinh ở Semarang năm 1931 trong một gia đình buôn bán thuốc lá người Trung Quốc, Hasan trở thành con nuôi của tướng Gatot Subroto, người phụ trách việc bảo vệ Suharto. Anh ta được đại tá quân đội Nasution ủng hộ và che chở cho các hoạt động buôn lậu vào cuối những năm 1950. Hasan người hợp tác với bọn buôn lậu dần dần trở thành người thân tín gần gũi nhất của Suharto. Họ cùng nhau phát triển kinh doanh sau khi Suharto nhận bàn giao từ Subroto với tư cách người chỉ huy trung đoàn Diponegoro của quân đội vào giữa những năm 1950. Và khi Suharto trở thành Tổng thống, Bob Hasan đã tích lũy đủ những điều kiện khai thác gỗ, liên kết với các công ty nước ngoài như Georgia Pacific của Mỹ. Khi Indonesia cấm xuất khẩu nguyên liệu thô năm 1981, Hasan đã dẫn dắt Hiệp hội gỗ dán Indonesia, Apkindo, thu được những khoản tiền kếch xù từ công nghiệp nghiền gỗ ở địa phương. Ông ta còn đầu tư vào hàng hải, bất động sản, ngân hàng và nhiều ngành khác, và nắm giữ nhiều công ty cùng với những thành viên của gia đình Suharto. Sau khi Suharto đổ vào năm 1998, Hasan bị cáo buộc dính líu đến một vụ gian lận nhỏ về bản đồ rừng ở Java đầu những năm 1990, và bị bỏ tù hồi tháng 2 năm 2001. Trong thời gian ngồi tù, ông ta được đối xử tương đối đặc biệt rồi được thả vào tháng 2 năm 2004.

Hashim Djojohadikusumo

Anh trai của tướng Prabowo Subianto, kết hôn với con gái thứ hai của Suharto là Siti Hedijanti Harijadi, thường gọi là Titiek. Hashim gia nhập vài doanh nghiệp cùng với em dâu của mình, và năm 1998, tiếp quản nhà sản xuất xi măng lớn thứ hai của Indonesia. Nhà máy xi măng Tirtamas của ông ta chồng chất nợ nần, doanh nghiệp khai mỏ và vận tải biển gần như kiệt sức trong cơn khủng hoảng tài chính.

Dòng họ Kalla

Hadji Kalla, cha của tộc trưởng Jusuf Kalla hiện thời, khởi nghiệp với một công ty thương mại bản xứ ở Sulawesi, hưởng lợi đáng kể từ Chương trình Benteng những năm 1950 (xem mục Dòng họ Bakrie). Dưới thời Suharto, Hadji đầu tư đa dạng vào xây dựng, phân phối xe hơi, chế biến nông sản… Con trai Jusuf kế nghiệp năm 1967 và lập thêm những doanh nghiệp mới, bao gồm cả viễn thông. Sau khi Suharto đổ,

Jusuf trao quyền lãnh đạo cho em trai Achmad để làm chính trị. Ông ta ủng hộ Habibie, sau đó có được một vị trí trong Nội các dưới thời Abdurrahman Wahid, nhưng bị giải tán do những cáo buộc tham nhũng không có đủ bằng chứng. Ông ta quay lại với chính phủ của Susilo Bambang Yudhoyono, làm Phó Chủ tịch và lãnh đạo của đảng Golkar do Suharto lập nên.

Dòng họ Liem (Lâm)

Sinh tại Phúc Kiến, Trung Quốc, năm 1916, Lâm Thiệu Lương (tên Indonesia là Sudono Salim) đến Java từ đầu thế kỷ XX để làm việc cho một ông chú. Lâm xây dựng mối quan hệ với Suharto khi ông ta còn ở trung đoàn Diponegoro ở miền Trung Java, và tham gia vào các hoạt động buôn lậu. Khi Suharto nắm chính quyền, Lâm nhận được nhiều quyền lợi độc quyền giúp ông ta từ một thương gia nhỏ ở địa phương trở thành bố già lớn nhất Indonesia. Vào những năm 1990, tài sản của ông ta chiếm khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội. Các lĩnh vực kinh doanh của ông ta bao gồm ngân hàng (với sự hỗ trợ về quản lý của Mochtar Riady), những mặt hàng nhẹ (nơi Lâm có quan hệ đối tác với Robert Quách), chế biến thực phẩm, xi măng, sắt thép và bất động sản. Lâm đưa người nhà của Suharto như con cái, hoặc người em họ của Tổng thống là Sudwikatmono vào những công ty như công ty độc quyền về bột Bogosari, công ty Indocement và Ngân hàng Trung tâm Á châu (BCA), với tư cách là những cổ đông. Phương tiện đầu tư chính ở hải ngoại của Lâm là công ty niêm yết First Pacific ở Hồng Kông. Trong cơn khủng hoảng tài chính châu Á, BCA bị sụp đổ dưới đống tro tàn cho vay liên quan đến đảng phái bất hợp pháp, và Lâm phải bàn giao nhiều tài sản của mình cho nhà nước để trả số tiền trợ giúp 7 tỉ đô la.

Con trai thứ ba, Anthony Salim (được người trong gia đình gọi là Anton) hiện đang điều hành những doanh nghiệp còn lại, nhưng còn chưa rõ ràng là gia đình họ thực sự có bao nhiêu tiền mặt và cổ phần trong các công ty khác nhau. Gia đình này vẫn còn kiểm soát First Pacific và một số tài sản lớn ở Singapore.

Gia đình Nursalim

Sinh năm 1942, Sjamsul Nursalim là người gốc Trung Hoa (cũng được gọi là Liem Tjoen Ho – Lâm Điền Hà, và có một vài bí danh tiếng Trung Hoa khác) mở rộng một số doanh nghiệp sản xuất của gia đình, như săm lốp và sơn, sử dụng những đối tác Nhật Bản để cung cấp công nghệ. Năm 1980, ông ta trở thành người sở hữu 50% Ngân hàng Dagang Nasional Indonesia (BDNI), ngân hàng tư nhân lâu đời nhất nước, trước đó do nhà vua Yogyakarta kiểm soát. Với sự tham gia của Nursalim, BDNI bắt đầu dính líu đến sự cho vay liên quan đến đảng phái và là một trong những khách hàng lớn nhất về tín dụng tiền mặt của Ngân hàng trung ương trong cơn khủng hoảng tài chính châu Á. Nursalim thường là người đầu tư cùng với gia đình Suharto mang tiếng xấu vì các trang trại nuôi tôm trị giá 1,8 tỉ đô la mà ông ta giao cho nhà nước để chi trả một phần những món nợ của mình; sau này những nhà kiểm toán của chính phủ đánh giá nó chỉ đáng 100 triệu đô la. Do có khủng hoảng tài chính, ông ta đã sang Singapore, từ đó tiếp tục điều hành một doanh nghiệp địa phương lớn.

Gia đình Oei (Hoàng)

Là con trai một nhà buôn đã đồng hóa tại Semarang, Java, Oei Tiong Ham (Hoàng Trọng Hàm) sinh năm 1866 và xây dựng doanh nghiệp địa phương lớn nhất ở Đông Nam Á trước Chiến tranh Thế giới thứ hai. Hoạt động thương mại của ông ta có chi nhánh khắp khu vực, cũng như ở Ấn Độ, Trung Quốc và Anh. Những lĩnh vực kinh doanh chính bao gồm buôn bán, sản xuất đường, vận tải biển và bất động sản. Phần lớn luồng tiền mặt để mở rộng kinh doanh đến từ thuốc phiện và các trang trại có đóng thuế lợi tức khác. Đầu những năm 1920, Hoàng Trọng Hàm chuyển đến Singapore, và chết ở đó năm 1924. Một số con trai của gia đình Hoàng kế tục quản lý doanh nghiệp, nhưng vào năm 1961, những doanh nghiệp tại Indonesia của gia đình họ bị quốc hữu hóa. Những hoạt động ở hải ngoại, phần lớn ở Singapore, Malaysia và Thái Lan vẫn giữ được. Người con trai là Oei Tjong Ie, cũng hợp tác với Khâu Đức Bạt trong việc thiết lập Ngân hàng Malayan trong những năm 1960, đã trở thành chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng này.

Prajogo Pangestu

Là con trai một người gốc Hoa làm nghề cạo mủ cao su, sinh sống ở miền Tây Kalimantan. Prajogo có được những điều kiện thuận lợi về khai thác gỗ dưới thời Suharto và nổi lên là một nhà sản xuất gỗ dán từ gỗ cứng nhiệt đới lớn nhất thế giới vào những năm 1990. Ông ta cũng liên kết với con trai thứ hai của Suharto là Bambang Trihatmodjo, trong một tổ hợp hóa dầu ở miền Tây Java rộng lớn. Công ty khai thác gỗ Barito Pacific của Prajogo và những doanh nghiệp quan trọng khác bị ảnh hưởng nặng của cơn khủng hoảng tài chính, nhưng ông ta vẫn trụ lại được.

Probosutedjo

Là anh em cùng cha khác mẹ của Suharto. Probosutedjo được cấp một trong hai giấp phép nhập khẩu cây đinh hương (giấy phép kia thuộc về Lâm Thiệu Lương) vào cuối những năm 1960, cũng như những điều kiện ưu đãi về khai thác gỗ và những hợp đồng khác của chính phủ. Probosutedjo đã mở rộng đầu tư vào lắp ráp xe hơi, đồn điền, bất động sản và nhiều ngành khác. Ông ta bị cho là phạm tội hối lộ và lạm dụng những chương trình tái tạo rừng vào năm 2003, rồi bị bắt vì cố gắng đút lót tòa án tối cao để tránh bị phạt tù. Thế nhưng, năm 2005, ông ta vẫn bị kéo ra khỏi phòng điều hành của một bệnh viện tư nhân ở Jakarta và bị bỏ tù với thời hạn 4 năm.

Dòng họ Riady

Tộc trưởng Mochtar Riady sinh tại Malang ở Đông Java năm 1929. Ông theo nghề ngân hàng và làm việc cho Ngân hàng Pan Indonesia (Panin) mới thành lập – do gia đình nhà vợ kiểm soát vào đầu những năm 1970 trước khi chấp nhận lời đề nghị của Lâm Thiệu Lương để trở thành quản lý và một đối tác có 20% cổ phần trong Ngân hàng Trung tâm Á Châu (BCA). Mochtar Riady làm cho BCA trở thành ngân hàng tư nhân lớn nhất ở nước này, và về sau xây dựng nên một ngân hàng nhỏ hơn của chính mình, Ngân hàng Perniagaan Indonesia, được sáp nhập với một ngân hàng khác để hình thành Ngân hàng Lippo. Tập đoàn ngân hàng Lippo sau này đã đa dạng hóa đầu tư vào việc sản xuất, lắp ráp cho công ty Mitsubishi của Nhật, bất động sản và những dịch vụ tài chính khác. Mochtar Riady đánh mất quyền kiểm soát ngân hàng của mình vào tay chính phủ Indonesia trong thời gian khủng hoảng tài chính châu Á. Nhưng có

tin đồn rộng rãi là ông đã lấy lại quyền kiểm soát với sự giúp đỡ của một số người tay trong khi nó được Cơ quan tái cấu trúc ngân hàng Indonesia (IBRA) bán đấu giá. James, con trai Mochtar, hiện đang điều hành doanh nghiệp gia đình ở Indonesia, trong khi người con trai khác là Stephen trông nom một số công ty ở Hồng Kông. Gia đình họ là những tín đồ Cơ đốc Phúc âm. Cái tên Riady thường có mặt trên báo chí Hoa Kỳ năm 1996 bởi vì sự liên kết lâu dài với Tổng thống Bill Clinton – họ mua quyền kiểm soát Ngân hàng Worthen ở cơ sở chính trị Little Rock của Clinton là Arkansas và vì viện dẫn rằng họ đã có những đóng góp bất hợp pháp cho đảng Dân chủ thông qua một cựu nhân viên của Riady đang làm việc cho chính quyền Clinton.

Sudarpo Sastrosatomo

Là con trai của một công chức thuộc địa người bản xứ, Sastrosatomo tham gia cuộc cách mạng của những người cộng hòa. Sau độc lập, ông ta làm việc tại Liên hiệp quốc và tại Đại sứ quán Indonesia ở Washington. Em trai của ông ta điều hành Đảng Xã hội chủ nghĩa Indonesia. Sudarpo Sastrosatomo bắt đầu kinh doanh vào những năm 1950, tận dụng lợi thế của Chương trình Benteng. Sau đó, ông ta mua một công ty hàng hải Hà Lan và dần dần xây dựng nên Sumudera, tập đoàn hàng hải lớn nhất của Indonesia, đã niêm yết ở Singapore. Gia đình này cũng tham gia vào ngành ngân hàng và các lĩnh vực kinh doanh khác.

Marimutu Sinivasan

Bố già người gốc Tamil. Là trợ lý của Suharto, Sinivasan đã có được với sự ủy quyền của Tổng thống gần 1 tỉ đôla ngoại tệ của Cục dự trữ ngoại tệ Indonesia trong thời gian khủng hoảng tài chính. Ông ta đứng đầu tập đoàn Texmaco nhưng hiện thời đang trốn tránh cảnh sát Indonesia. Họ cho rằng ông ta định theo đuổi “những điều không đúng luật tài chính”, và đang bị tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol) truy nã.

Gia đình Soeryadjaya

William Soeryadjaya (Tjia Kian Liong), sinh năm 1923 ở Tây Java, đã cùng các anh

em của mình xây dựng nên tập đoàn Astra, tập đoàn lớn thứ hai ở Indonesia đầu những năm 1990. Doanh nghiệp cốt lõi của Astra chính là đối tác địa phương của Toyota, cũng như Honda và Komatsu, ở Indonesia; và làm cho tập đoàn này trở thành hãng xe hơi lớn nhất. Từ những năm 1970, Soeryadjaya đa dạng hóa đầu tư vào dịch vụ tài chính, đồn điền, bất động sản, v.v… Tuy nhiên, vào năm 1993, gia đình họ phải bán cổ phần khống chế ở Astra để cứu vãn Ngân hàng Summa, đã được người con trai út là Edward tiếp quản và mở rộng với tốc độ cực nhanh. Người anh trai, Edwin, là một nhân viên cao cấp của Astra, sau này đã tạo dựng nên một đế chế kinh doanh hùng mạnh tập trung vào khai mỏ. Gia đình Soeryadjaya là những tín đồ Cơ đốc Phúc âm.

Ibnu Sutowo

Sutowo, con trai của một viên chức thuộc dòng dõi quý tộc Java, tham gia cách mạng và năm 1957 được bầu làm người đứng đầu một cơ quan, sau này trở thành công ty dầu lửa quốc gia Pertamina. Ở đó, ông trở thành một người bảo trợ chính, liên kết với nhiều bố già người bản xứ để đưa gia đình mình vào kinh doanh từ khách sạn cho đến ngân hàng, hàng hải và bất động sản. Sutowo ủy quyền đầu tư rất nhiều tại Pertamina, đặc biệt khi giá dầu tăng cao vào những năm 19731974. Ông ta rời bỏ công ty vào năm 1976, để lại món nợ 10,5 tỉ đôla, tương đương 30% tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia thời bấy giờ. Gia đình ông ta vẫn hùng mạnh như trước.

Harry Tanoesoedibjo

Cũng thường gọi là Harry Tanoe, là một ông trùm đang lên. Trong đêm trước của cơn khủng hoảng tài chính, ông ta đã mua quyền kiểm soát công ty Bimantara của Bambang Trihatmodjo. Có tin đồn và sự suy đoán bất tận về việc đó là tiền của người khác, còn Harry Tanos chỉ đứng tên thôi.

Sukanto Tanoto

Có tên trong danh sách của tạp chí Forbes là người giàu nhất Indonesia năm 2006 với

ước tính sở hữu tài sản có giá trị ròng là 2,8 tỉ đôla. Tanoto trước đấy được biết đến như một ông trùm buôn gỗ thời Suharto, có những tài sản ngày càng mở rộng qua cơn khủng hoảng tài chính. Ông ta có hàng triệu đôla tiền vay trả không đúng kỳ hạn ở ngân hàng nhà nước Mandiri, đang bị điều tra về sự gian lận tại ngân hàng mà ông ta từng kiểm soát; nhưng không điều gì có vẻ liên quan đến sự giàu có của ông ta. Công ty cổ phần quốc tế tài chính châu Á Thái Bình Dương (APRIL) của Tanoto được đặt ở Singapore.

Gia đình Thio

Sinh năm 1840, Thio Thiau Siat (tên Trung Quốc là Trương Bật Sĩ) là một bố già vô cùng linh hoạt và thành công hồi thế kỷ XIX. Ông ta phát triển những doanh nghiệp đầu tiên của mình ở Java và sau đó đi theo quân đội Hà Lan khi họ chuyển đến Sumatra, hoạt động như người cung cấp chính cho quân đội để chiến đấu ở vùng Aceh. Thio có được những trang trại chịu thuế ở cả Indonesia và Malaysia, đầu tư vào đồn điền, hàng hải và bất động sản. Đế chế doanh nghiệp của ông ta trải rộng ở Indonesia, Penang và Singapore. Cuối đời, ông ta trở thành một nhà đầu tư tích cực ở Trung Quốc. Ông chết năm 1916. Những người anh em họ của Thio là Tjong A Fie và Tjong Yong Hian, cũng là những ông trùm thành công, đặt cơ sở ở Medan, Sumatra. Họ sở hữu những đồn điền rộng lớn và thành lập nên Ngân hàng Trung Hoa đầu tiên ở Indonesia, và ngân hàng Deli.

Gia đình Widjaya

Eka Tjipta Widjaya (Oei Ek Tjhong) sinh năm 1922 tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, là con trai một thương gia ở Sulawesi, và dựng nên tập đoàn Sinar Mas, hoạt động về đồn điền, bột giấy và giấy, hàng hải, bất động sản… Eka Tjipta Widjaya khởi nghiệp là một thương gia trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ hai, chuyển sang ngành dầu cọ và phát đạt vào những năm 1960. Sau đó, ông ta nhận được những điều kiện thuận lợi trong khai thác gỗ dưới thời Suharto vào những năm 1970.

Những năm 1980, Eka Tjipta Widjaya đã đủ mạnh để móc nối với giới tinh hoa chính

trị và kinh tế để nắm giữ công ty Bimoli, một nhà cung cấp hàng đầu của Indonesia, trong một liên doanh với Lâm Thiệu Lương. Vào những năm 1990, ông ta niêm yết hai doanh nghiệp bột giấy và giấy ở Jakarta, cũng như công ty bột giấy và giấy Asia ở New York vào năm 1995. Ông ta có được quyền kiểm soát Ngân hàng quốc tế Indonesia, và mở rộng đầu tư sang lĩnh vực đồn điền, bất động sản, khách sạn và dịch vụ tài chính ở Indonesia và những nơi khác ở châu Á. Sinar Mas cũng kiểm soát công ty chế biến thực phẩm lớn nhất của Singapore là Công ty thực phẩm và bất động sản Asia. Trong thời gian khủng hoảng tài chính châu Á, Sinar Mas mất ngân hàng và một số tài sản khác, trong khi Công ty bột giấy và giấy phải quản lý một món nợ không trả được gần 14 tỉ đôla vào năm 2001. Mặc dù vậy, gia đình Widjaya tháo vát vẫn giữ được quyền kiểm soát các doanh nghiệp của họ. Eka Tjipta Widjaya có rất nhiều vợ (người ta đồn ông ta có 7 bà vợ nhưng gia đình không cung cấp thông tin) và khoảng 40 đứa con. Bốn người con trai của vợ cả Trini Dewi Lasuki là Teguh, Indra, Muktar và Franky là những Giám đốc chính của doanh nghiệp gia đình hiện nay. Một người con trai khác, Oei Hong Leong (Hoàng Hồng Long), trước đây tham gia vào doanh nghiệp cùng với em trai của Lý Quang Diệu là Lý Kim Diệu và được sự trợ giúp của Lý Gia Thành ở Hồng Kông.

Tommy Winata

Là doanh nhân liên kết với quân đội, Winata đã làm cho công ty Artha Graha của ông lớn mạnh từ cơn khủng hoảng tài chính. Một số người coi ông ta là bố già thế hệ mới hàng đầu của đất nước.

Gia đình Wonowidjojo

Wonowidjojo là một gia đình gốc Trung Quốc đứng đằng sau Gudang Garam, một doanh nghiệp thuốc lá lớn nhất ở Indonesia. Người sáng lập ra nó là Tjoa Jien Hwie (Thái Vân Huy) đã xây dựng doanh nghiệp này dưới thời Suharto và chết năm 1985. Con trai cả của ông ta, Rachman Halim (Tjoa To Hing, hay Thái Đạo Hành) kế nghiệp và mở rộng đầu tư vào những năm 1990. Ông ta được tạp chí Forbes bình là người đàn ông giàu nhất ở Indonesia trước khủng hoảng tài chính, trước khi có nhiều món

nợ bị đòi sau cơn khủng hoảng. Tuy nhiên, luồng tiền mặt chủ yếu từ thuốc lá điếu đã bảo đảm địa vị tỉ phú của gia đình này.

PHILIPPINES

Dòng họ Aboitiz

Là người Tây Ban Nha có nguồn gốc từ vùng Basque, gia đình Aboitiz nhập cư vào Philippines cuối thế kỷ XIX và bắt đầu kinh doanh gai dầu, chuối sợi và cùi dừa khô. Các hoạt động này đã dẫn đến một liên doanh vận chuyển liên đảo và sau đó tiếp tục đa dạng hóa đầu tư, dưới chính sách công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu, vào xay bột, ngân hàng, bất động sản… Tài sản của gia đình tập trung trên địa bàn tỉnh Cebu. Tộc trưởng của dòng họ hiện nay là thế hệ thứ ba của Luis M. Aboitiz.

Roberto Benedicto

Vốn là sinh viên luật học cùng trường đại học với Ferdinand Marcos, từ giữa thập niên 1960 Benedicto là một người bạn thân thiết của Marcos. Ông được bổ nhiệm vào rất nhiều vị trí trong chính phủ, bao gồm lãnh đạo Ủy ban Mía đường Philippine, trong đó có việc nắm giữ độc quyền về thương mại đường.

Gia đình Cojuangco

Gia đình bố già hàng đầu của vùng Tarlac. Họ tham gia vào hoạt động chính trị và chia thành nhiều phe phái. Gia đình này là người Trung Quốc nhập cư vào thập niên 1860, và bây giờ đã pha trộn hai dòng máu Philippines và Trung Quốc.

Một dòng của gia đình có quan hệ gần gũi với Marcos, và Eduardo “Danding” Cojuangco Jr được hoạt động độc quyền trong sản xuất dầu dừa và đứng đầu hãng thực phẩm và bia San Miguel khổng lồ. Ông đã bỏ chạy với Marcos vào năm 1986, chỉ trở lại trong năm 1989 và giúp cho cuộc tranh cử chiếc ghế Tổng thống của ngôi sao điện ảnh Joseph “Estrada Erap” năm 1998. Hai ngày sau khi Estrada đảm nhận chức Tổng thống, Danding lấy lại chức Chủ tịch San Miguel. Tuy nhiên, ông đã không

thể lấy lại quyền kiểm soát vốn cổ phần áp đảo kể từ khi tòa án Philippines xác định rằng rất nhiều cổ phiếu ông đã mua tại San Miguel dưới thời Marcos là “của cải phi nghĩa”. Danding có những lợi ích khác nhau trong vận chuyển, khai thác, kinh doanh nông nghiệp và phân phối nước giải khát.

Nhóm thứ hai của gia đình do Antonio “Tony Boy” Cojuangco cầm đầu, người đã từng là Giám đốc điều hành và Chủ tịch của Philippines Long Distance Telephone (PLDT) cho đến cuối những năm 1990, và cũng là người hợp tác với Lucio Tan (Lucio Trần hay Trần Vĩnh Tài) để tư nhân hóa hãng hàng không Philippines Airlines (PAL).

Nhóm thứ ba bao gồm Corazon “Cory” Aquino, người đã góp phần lật đổ Marcos trong phong trào dân quyền năm 1986, và người em trai của bà là Pedro “Pete” Cojuangco, người đã lãnh đạo gia đình mua các đồn điền trồng mía rộng lớn và nhà máy tinh chế đường tại Tarlac trong những năm 1950. Người em trai khác, Jose “Peping” Cojuangco, là một Nghị sĩ.

Rodolfo Cuenca

Là bạn thân của Marcos và người đóng góp cho chính trị, Cuenca có một tập đoàn xây dựng dựa trên hợp đồng của chính phủ và đã gây dựng nó thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất của Philippines. Thế nhưng, tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp sớm trở nên tồi tệ, ngay cả khi Marcos vẫn nắm chính quyền.

Dewey Dee

Một người Philippines gốc Trung Quốc, người thừa kế một doanh nghiệp sản xuất của gia đình. Dee là một nhà đầu cơ lớn, cả cổ phiếu và bất động sản, và sòng bạc. Ông đã phát hành tín phiếu thương mại để trang trải thua lỗ của mình trước khi bị buộc phải chạy trốn ra nước ngoài hồi tháng 1 năm 1981, với số tiền 80 triệu đôla nợ nần. Đây là ngòi nổ kích hoạt cho cuộc khủng hoảng lớn tại thị trường tài chính Philippines.

Herminio Disini

Là bạn thân của Marcos và là người đóng góp cho chính trị, Disini là một người gốc Ý, kết hôn với một người em họ của Imelda Marcos. Từ giữa những năm 1970, ông ta giữ độc quyền về thị trường đầu lọc thuốc lá, vì ông được phép trả 10% thuế nhập khẩu nguyên liệu thô, trong khi đối thủ cạnh tranh của ông phải trả 100%. Disini đã từng phát đạt, nhưng cũng sớm đổ bể, thậm chí trước cả khi Marcos trốn ra nước ngoài.

Dòng họ Gokongwei

Tộc trưởng John Gokongwei sinh trong một gia đình giàu có, thuần Trung Quốc, làm nghề vận tải biển và định cư ở Cebu vào năm 1927. Ông bắt đầu sự nghiệp bằng việc kinh doanh quần áo cũ, kim loại phế liệu và gạo trong Chiến tranh Thế giới thứ hai; sau đó mở rộng sang chế biến thực phẩm và khai thác mỏ. Gokongwei có được các khoản vay lớn từ chính phủ dưới thời thiết quân luật của Marcos. Doanh nghiệp gia đình của ông là tập đoàn JG Summit, có quyền lợi trong chế biến thực phẩm, bán lẻ, viễn thông, hóa dầu, bất động sản, vận chuyển và hãng hàng không Cebu Pacific Airways. Trong những năm gần đây, JG Summit đã bán hết quyền kiểm soát trong ngân hàng của nó. Con trai John Jr, thường gọi là Lance, hiện đang điều hành việc kinh doanh hàng ngày. Gokongwei bị mất một người con rể trong vụ giải cứu bắt cóc không thành năm 1997.

Dòng họ Lopeze

Ông trùm đường mía một thời gian dài của Negros, là hậu duệ của dòng dõi quý tộc Tây Ban Nha, nhà Lopeze đa dạng hóa đầu tư vào phát điện, truyền thông và nhiều lĩnh vực khác để trở thành gia đình kinh doanh lớn nhất đầu thập niên 1960. Tham gia sâu vào chính trị, gia đình này khốn đốn cùng với Marcos hồi đầu thập niên 1970 và đã bị tước quyền sở hữu tài sản. Một số tài sản của công ty đã được chính phủ Aquino trả lại sau năm 1986 khi Eugenio “Geny” Lopez Jr trở lại Philippines từ nơi lưu vong. Ông qua đời năm 1999 và con trai ông là Eugenio “Gabby” Lopez III tiếp tục xây dựng lại tập đoàn Benpres của gia đình. Tài sản chủ yếu của gia đình là doanh nghiệp truyền thông ABSCBN Broadcasting dịch vụ truyền hình chính của đất nước, và

Manila Electric (Meralco) – có cơ sở vật chất lớn nhất Philippines.

Gia đình Palanca

Carlos Palanca Chen Qianshan (Trần Thiên Sơn) là bố già nhập cư từ Trung Quốc nổi tiếng nhất thế kỷ XIX ở Philippines. Sinh tại Phúc Kiến năm 1869, Palanca tự coi mình sống giữa triều đình phong kiến Trung Quốc và đất nước Philippines thuộc địa, kinh doanh từ hoạt động buôn bán nhân công đến sản xuất rượu. Ông mất năm 1901. Các doanh nghiệp của ông đã được người con trai là Carlos Palanca Jr tiếp quản và sau đó thừa kế, nhưng quyền lực và sự giàu có của gia đình dần dần bị tiêu tán. Quỹ Carlos Palanca hiện vẫn còn hoạt động.

Gia đình Romualdez

Nhà Romualdez là một gia đình bố già bình thường, từ lâu đã hăng hái tham gia hoạt động chính trị, đã sản sinh ra Imelda Marcos. Benjamin, em trai của bà, đã được sự hỗ trợ của Ferdinand Marcos và trở thành Thống đốc tỉnh Leyte và đại sứ tại Hoa Kỳ, được trao quyền kiểm soát nhiều doanh nghiệp lớn, bao gồm cả những doanh nghiệp bị tịch thu từ gia đình Lopez. Một em trai khác là Alfredo, hoạt động độc quyền sòng bạc ở các thành phố lớn. Một chị gái là Alita làm việc tại ngân hàng trung ương trong khi vẫn cùng chồng điều hành một tập đoàn.

Gia đình Tan (Tập đoàn Lucio Trần)

Lucio Tan (hay Tan Ing Chai – Trần Vĩnh Tài) sinh năm 1934 ở Hạ Môn (Phúc Kiến), thuộc thế hệ người Trung Quốc nhập cư đầu tiên, đã phất lên dưới thời Ferdinand Marcos. Ông sớm chiếm ưu thế trong ngành công nghiệp thuốc lá, được giao quyền kiểm soát một ngân hàng lớn và được phép mở hãng bia Asia Brewery Inc. để cạnh tranh với hãng bia độc quyền San Miguel. Có một số người em cùng làm việc với ông. Chính quyền thời hậu Marcos đã mất hai thập kỷ nỗ lực chống lại các vụ đút lót, trốn thuế của Trần, nhưng không thành. Năm 1992, Trần câu kết với Antonio “Tony Boy” Cojuangco, em họ của Cory Aquino người thay thế Marcos, trong một thương vụ tư

nhân hóa hãng hàng không quốc gia Philippines Airlines (PAL). PAL đã được chính phủ giải cứu sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Chỉ có một trong số nhiều công ty của Trần là buôn bán công khai khiến người ta xếp ông vào nhóm hoạt động bí mật như Henry Hoắc. Nhân viên và các bên đối lập đều biết Tan có tước vị là “Đại úy”. Các công ty lớn của ông bao gồm Công ty Thuốc lá Fortune, Hãng bia Asia Brewery Inc., Hãng hàng không PAL và Ngân hàng Liên Minh. Năm 2000, ông trở thành cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Quốc gia Philippines (PNB)

– không biết bao nhiêu lần đã ở trong tình trạng cực kỳ khó khăn – dưới thời ông bạn thân thiết là Joseph Estrada cầm quyền. Những năm 1990, Trần mở rộng đầu tư sang Trung Quốc, Hồng Kông và các nước khác trong khu vực. Cherry, con gái của ông kết hôn với con trai của George Ty, một ông trùm ngân hàng (Tập đoàn Metrobank) người Philippines nhưng sinh ở Trung Quốc.

Dòng họ Tan (Tập đoàn Asiaworld)

Tộc trưởng đã quá cố Tan Yu (Trần Vũ) sinh trong một gia đình người Trung Quốc buôn bán cùi dừa khô tại Luzon vào năm 1935. Cùng với người anh trai là Jesus, ông mở rộng kinh doanh và xây dựng nên một doanh nghiệp sản xuất hàng dệt sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trước khi thiết lập một công ty tài chính, AIC Development, hậu thuẫn cho một công ty tài chính địa phương khác là Bancom, và đầu tư vào bất động sản ở khắp khu vực, đặc biệt là Đài Loan. Trần Vũ đã tạo được mối quan hệ thân thiết với giới quyền lực ở Đài Loan, và doanh nghiệp địa phương của ông được chính phủ Đài Loan giải cứu năm 1982. Doanh nghiệp bất động sản chủ yếu của ông ở Philippines được mua sau khi Marcos bỏ trốn, gồm 200 hécta đất đẹp xung quanh vịnh Manila, ở đỉnh cao của thị trường những năm 1990 nó trị giá 7 tỉ đôla. Ông cũng đầu tư vào các bất động sản lớn tại Vancouver và Texas. Không có công ty nào của Trần Vũ được niêm yết. Tan qua đời vào năm 2002, để lại 14 người con. Con gái Emilia “Bienbien” Roxas Yang được yêu mến hơn con trai cả Elton, hiện đang điều hành tập đoàn Asiaworld.

Gia đình Yuchengco

Enrique Yuchengco là một thương gia buôn gỗ xẻ giàu có, là người Trung Quốc nhập cư thuộc thế hệ thứ hai, đã thành lập nên công ty bảo hiểm China Insurance and Surety năm 1930, sau này đổi tên thành Công ty Bảo hiểm Mã Lai (Malayan Insurance Co.) Con trai Alfonso, sinh năm 1923 và tốt nghiệp một trường Đại học Columbia, chuyển sang ngành ngân hàng, góp phần làm cho Ngân hàng thương mại Rizal trở thành một ngân hàng lớn. Ông cũng đã trở thành cổ đông chính và đến giữa những năm 1990 trở thành Chủ tịch – của Công ty điện thoại đường dài Philippines Long Distance Telephone (PLDT), đầu tư mở rộng ra nhiều lĩnh vực, từ cơ sở hạ tầng cho đến dược phẩm. Alfonso là một người cực kỳ nhã nhặn, đã hợp tác với các công ty Nhật Bản trong nhiều liên doanh. Dưới thời Cory Aquino, ông là đại sứ tại Trung Quốc và là đại sứ tại Nhật Bản từ năm 1995. Một số người con của ông làm việc trong các doanh nghiệp gia đình. Alfonso “Tito” Yuchengco III, là con út, nhưng là người nổi bật nhất.

Dòng họ Zobel Ayala

Triều đại bố già lớn này một triều đại lâu đời nhất về quy mô tại Philippines bắt nguồn từ sự phối hợp của hai gia đình: Zobel người Tây Ban Nha và Ayala – một gia đình người Đức gốc Do Thái. Gia đình này cũng liên quan đến Roxases và Sorianos. Nhà Ayala khởi đầu bằng làm nông nghiệp điền trang và bất động sản trong nửa đầu thế kỷ XIX; còn nhà Zobel nổi bật lên trong lĩnh vực bảo hiểm đầu thế kỷ XX. Gia đình Zobel de Ayalas điều hành cả Công ty Ayala, được sáp nhập từ năm 1914.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhà Zobel de Ayala có cơ hội chuyển điền trang Makati vào khu tài chính của Manila, và đa dạng hóa đầu tư vào ngân hàng, khách sạn, viễn thông, sản xuất và nhiều lĩnh vực khác. Gia đình này kiểm soát hãng bia San Miguel trước khi bán nó cho Cojuangco năm 1983. Ngân hàng Quần đảo Philippines của họ là một trong những ngân hàng lớn nhất nước (gồm nhiều ngân hàng nhỏ).

Nhà Zobel de Ayala theo chủ nghĩa quốc tế điển hình, cũng như nhiều thế hệ các gia đình các bố già khác. Đó là người con rể có quốc tịch Scotland, Joseph McMicking, người đã thúc đẩy sự phát triển của điền trang Makati. Một con rể người Mỹ Latin là

Antonio Melian đã đưa gia đình Zobel tham gia vào ngành bảo hiểm.

Jaime Zobel de Ayala, sinh năm 1934, hiện là tộc trưởng của dòng họ, mặc dù việc kinh doanh hàng ngày do con trai ông là Jaime Augusto và Fernando cai quản.

HỒNG KÔNG

Ronnie Chan (Ronnie Trần, hay Trần Tử Thông)

Sinh năm 1950. Ông được thừa hưởng những tài sản đầu tư đáng kể ở Hồng Kông. Những doanh nghiệp được niêm yết hàng đầu của ông là Hang Lung Development (Hồng Long) và Amoy Properties, nhưng Ronnie Trần dành phần lớn thời gian cho công ty tư nhân của mình là Morningside Springfield. Ông cũng là Giám đốc Ủy ban Chứng khoán Hồng Kông (cũng như Enron) và nổi tiếng vì rất nhiệt tâm với chính phủ Trung Quốc như nô lệ. Trần là người nhỏ nhắn – chỉ cao khoảng 1,65 mét và là một tín đồ Cơ đốc Phúc âm.

Dòng họ Cheng (Trịnh)

Sinh tại Quảng Đông năm 1925, tộc trưởng Cheng Yutung (Trịnh Dụ Đồng) chuyển đến Ma Cao hồi đầu Thế chiến thứ hai, khi còn là một thiếu niên và bắt đầu làm một nhân viên bán hàng tại công ty kinh doanh đồ trang sức Chow Tai Fook (Chu Đại Phúc), của người sau này là bố vợ mình là Chow Chiyuan (Chu Chí Nguyên), cũng là một người bạn của cha Trịnh. Trịnh kết hôn với con gái của Chu năm 1943, và sau khi kết thúc chiến tranh, chuyển đến Hồng Kông để giúp mở rộng việc kinh doanh của Chu Đại Phúc, lúc đầu là nữ trang bằng vàng và sau này là kim cương. Sau cái chết của bố vợ, Chu Đại Phúc trở thành công ty trọng điểm của Trịnh và ông đã đa dạng hóa đầu tư nhiều hơn vào nữ trang. Trong thập niên 1960, Cheng đã mua lại một công ty độc quyền về tổ chức đánh bạc nhỏ nhưng sinh lợi ở Ma Cao của Stanley Hà và Henry Hoắc, và tỏ ra là một nhà đầu cơ bất động sản hiểu biết tại Hồng Kông. Công ty bất động sản Thế giới mới của ông đã trở thành một đấu thủ lớn trong thị trường bất động sản thuộc địa của Anh. Tuy nhiên, từ cuối những năm 1980, Trịnh Dụ Đồng dần

dần trao quyền quản lý doanh nghiệp cho con trai là Henry Trịnh. Điều này là không tốt cho việc kinh doanh của công ty, và họ đã phải vật lộn để phục hồi nó sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Tuy nhiên, những tài sản lớn nhất của gia đình được lưu giữ trong các công ty tư nhân của họ.

Gia đình Fok (Hoắc)

Sinh năm 1922 tại Hồng Kông, là con trai của một công nhân bốc vác, Henry Hoắc (Hoắc Anh Đông) giành được một học bổng vào một trường học thuộc địa dành cho giới tinh hoa. Đến cuối Thế chiến thứ hai, ông đã hoạt động trong kinh doanh, mua lại hàng hóa quân sự dư thừa tại các phiên đấu giá. Trong và sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên 19501953, ông tham gia buôn lậu thuốc men, các sản phẩm dầu mỏ và vũ khí vào Trung Quốc bất chấp lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, tạo ra được mối quan hệ tốt đẹp và vô giá với giới quân sự và Đảng cộng sản Trung Quốc mà ông sẽ phục vụ trong quãng đời còn lại của mình. Trong những năm 1950, ông được ban thưởng bằng độc quyền nhập khẩu cát từ Trung Quốc vào Hồng Kông, và chuyển sang phát triển các dự án bất động sản khi dân số tại thuộc địa này tăng nhanh.

Năm 1962, Hoắc là nhà cung cấp tài chính chủ yếu cho cuộc đấu giá thành công của Stanley Hà để dành được độc quyền kinh doanh giải trí ở Ma Cao, và là cổ đông lớn nhất trong công ty của họ. Những năm sau đó, giữa Hoắc và Hà có cãi cọ quanh việc phân chia lợi lộc ở Ma Cao vì Hà một mình quản lý công việc kinh doanh hàng ngày. Sau khi cải cách ở Trung Quốc bắt đầu vào năm 1979, Hoắc tiến hành một số dự án xây dựng nổi tiếng ở lục địa, bao gồm khách sạn Thiên nga trắng tại Quảng Châu và khách sạn Bắc Kinh tại thủ đô. Năm 1985, Hoắc tổ chức một cuộc giải cứu trị giá 120 triệu đôla cho doanh nghiệp vận tải biển của gia đình Đổng, trong đó có một khoản vay từ Ngân hàng Trung Quốc, và sau đó hậu thuẫn cho Đổng Kiến Hoa trở thành Đặc khu trưởng đầu tiên của Hồng Kông.

Hoắc đã được mời làm Phó Chủ tịch Hội nghị tư vấn chính trị nhân dân Trung Quốc vào năm 1993. Ông có hai bà vợ chính thức và một vài người con trai. Con cả Timothy, đã được chọn quản lý việc kinh doanh của Hoắc khi ông qua đời vào năm

2006. Thomas Hoắc, từ lâu được cho là con trai do người vợ thứ hai của Henry Hoắc sinh ra, bị bắt giam năm tháng tại Mỹ vào năm 1991 vì đồng lõa trong vụ vận chuyển trái phép 15.000 khẩu súng vào Croatia. Khi biết về vụ bê bối này, Henry Hoắc đã nói Thomas trên thực tế không phải là con trai của ông.

Kai Hokai (Khai Hà Khải)

Khai Hà Khải sinh năm 1859, là cháu trai của một viên chức chính quyền Singapore thời đầu thực dân, và con trai của Hà Phúc (người đã thành công trong việc đầu cơ bất động sản ở Hồng Kông). Khai đã trở thành một ông trùm lớn và là một trong những người Trung Quốc đầu tiên được bổ nhiệm vào Hội đồng Lập pháp Hồng Kông năm 1890. (Anh rể của ông, Ng Choy – Hoàng Ngũ Tài, là người đầu tiên.) Ông là một đối tác trong khai khẩn đất đai để làm đường băng cho sân bay đầu tiên của Hồng Kông là sân bay Kai Tak – Khải Đức (một phần mang tên ông). Khai Hà Khải học y khoa và luật tại một trường đại học của Anh và là người lãnh đạo chủ chốt của cộng đồng người Trung Quốc tại Anh, mặc dù kỹ năng tiếng Anh của ông kém xa những người khác. Ông mất năm 1914.

Gia đình họ Hà / Ho Tung (Hà Khải Đông)

Ông trùm sòng bạc Stanley Hà Hồng Tân là cháu gọi bằng bác của bố già người ÁÂu gốc Hồng Kông, Robert Hà Dông (Hà Khải Đông, có cha là người Hà Lan theo đạo Do Thái, mẹ là người Trung Quốc). Stanley Hà sinh tại Hồng Kông năm 1921 và theo học trường Cao đẳng Nữ hoàng dành cho giới tinh hoa. Cha của Stanley bị mất phần lớn số tiền vào chứng khoán khi ông còn đang đi học và ông đã phải rất tích cực mới giành được một học bổng vào học tại Trường Đại học Hồng Kông. Giống như ông bác Robert, Stanley sang Ma Cao trung lập trong suốt Thế chiến thứ hai và thử vận may của mình bằng buôn lậu hàng tiêu dùng và hàng xa xỉ qua biên giới Trung Quốc đồng thời điều hành một nhà máy sản xuất dầu hỏa. Ông đã tiến hành buôn bán qua biên giới trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, mở rộng sang bất động sản và các lĩnh vực kinh doanh khác, và vào năm 1962 đã gộp vào một consortium (tập đoàn tài chính quốc tế), gồm cả Henry Hoắc, bất ngờ thắng thầu giành được độc quyền tổ chức các

trò cờ bạc, giải trí ở Ma Cao.

Sau đó, ông hiện đại hóa và mở rộng kinh doanh sòng bạc và xây dựng một tập đoàn theo chiều dọc bao gồm kinh doanh khách sạn, vận tải biển và hàng không thống trị nền kinh tế Ma Cao, đóng góp vào một phần ba đến một nửa số thu ngân sách của chính quyền địa phương. Năm 2001, Hà và doanh nghiệp Sociedade de Turismo e Diversões de Ma Cao (STDM) của Hoắc bị mất độc quyền vì giấy phép kinh doanh sòng bạc được cấp lại trên cơ sở cạnh tranh. Tuy nhiên, sự bùng nổ trong nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2003 trở đi làm cho Ma Cao vượt mặt Las Vegas để trở thành trung tâm cờ bạc lớn nhất thế giới vào năm 2006.

Người vợ đầu tiên của Hà là Clementina Leitao (Lê Uyển Hoa), đã qua đời, là con gái của một doanh nhân Bồ Đào Nha giàu có, người đã tạo ra đầu vào về chính trị để Hà gia nhập vào giới tinh hoa thực dân Bồ Đào Nha ở xứ thuộc địa Ma Cao đầy rẫy tham nhũng. Sau đó ông đã lấy ba người vợ nữa, và cho ra đời ít nhất là 17 người con. Stanley Hà tham gia vào việc kiện tụng kéo dài với một trong các chị em của mình là Winnie, người đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của STDM và tuyên bố rằng bà đã bị lừa lấy mất cổ phần kiểm soát doanh nghiệp này.

Ngân hàng Hồng Kông / HSBC

Ngân hàng Hồng Kông, hay Tổng công ty Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải, là chi nhánh ở Hồng Kông và thành viên sáng lập của Tập đoàn HSBC, hiện là một trong những doanh nghiệp ngân hàng lớn nhất thế giới. Được các thương gia người Anh tại Hồng Kông thành lập năm 1865, “ngân hàng” này như người dân địa phương thường gọi đã luôn luôn được sở hữu rộng rãi. Nó được hưởng nhiều đặc quyền đặc biệt tại Hồng Kông, làm cho nó gần như là một ngân hàng trung ương, cũng như ngân hàng thương mại, và đã thống trị đời sống tài chính của thuộc địa Anh trước đây. Những nhà quản lý chủ chốt trong quá trình mở rộng của Ngân hàng Hồng Kông sau Chiến tranh thế giới thứ hai là: Arthur Morse, người đã tạo dựng sự nghiệp kinh doanh tại Hồng Kông sau khi Trung Quốc giành được độc lập vào năm 1949; Jake Saunders, người đã phát triển mối quan hệ sớm với các ông trùm người gốc Hoa như Bao Ngọc

Cương và tiếp quản Ngân hàng Hang Seng (Hằng Sinh); Michael Sandberg, một nhân vật gây nhiều tranh cãi với đám bạn bè cũng gây tranh cãi, và William Purves, người đã chuyển trụ sở chính của ngân hàng từ Hồng Kông đến London vào năm 1993 sau khi tiếp quản Ngân hàng Midland của Vương quốc Anh. Giống như người tiền nhiệm của ông, Purves có những quyền lực chính trị đáng kể tại Hồng Kông, và có chân trong Hội đồng điều hành từ năm 19871993.

Dòng họ Kadoorie

Gia đình Kadoorie là người Iraq theo đạo Do Thái, định cư tại Thượng Hải trong thập niên 1880 và đã phát triển quan hệ gần gũi với chính quyền thuộc địa Anh. Tộc trưởng đầu tiên là Elly Kadoorie (được phong tước hiệp sĩ năm 1926), tiếp theo là con trai ông là Lawrence và Horace Kadoorie, và tộc trưởng hiện nay là Michael Kadoorie. Gia đình đã tham gia rất mạnh vào ngành dệt may, thành lập công ty phát điện ở Hồng Kông là Chian Light & Power vào năm 1901; có một tập đoàn khách sạn, nổi tiếng nhất là khách sạn Peninsula trên bờ sông Cửu Long của Hồng Kông.

Dòng họ Keswick

Là người bà con xa và kế vị bác sĩ William Jardine (17841843), từ bác sĩ phẫu thuật trên tàu trở thành kẻ buôn lậu thuốc phiện, người đã cùng với James Matheson thành lập Jardine, Matheson trong thập niên 1820. William Jardine, một cử nhân, được một vài người cháu kế vị, một người trong số đó là William Keswick (18341912). Gia đình Keswick đã mua hết quyền lợi của gia đình Matheson trong doanh nghiệp này năm 1912, nhưng cái tên Jardine, Matheson vẫn được giữ lại. Gia đình Keswick, và những người họ hàng khác, đã quản lý doanh nghiệp từ đó.

Jardine, Matheson đã được đại chúng hóa năm 1961, nhưng sau hơn 40 năm, các nhà đầu tư thiểu số vẫn chỉ nhận được những lợi tức cực kỳ bèo bọt. Mặc dù công ty có nhiều cartel hấp dẫn tại Hồng Kông, gia đình Keswick, vẫn có thể kiểm soát việc quản lý với dưới 10% cổ phần, tiến hành rất ít các hoạt động để tối đa hóa lợi nhuận. Các ông trùm gốc Trung Quốc đang nổi, trong đó có Lý Gia Thành, lập kế hoạch tiếp

quản doanh nghiệp này vào những năm 1980, nhưng không thành. Sau đó, nhà Keswick thiết lập một hệ thống cổ phần chéo trong các công ty niêm yết khác nhau để bảo vệ quyền kiểm soát của họ đó là một nghệ thuật quản trị bậc thầy của các bố già. Anh em Henry và Simon Keswick, không được những người anh em, họ hàng khác thích lắm, nhưng hiện vẫn là những người đứng đầu của dòng họ.

Gia đình Quách

Kwok Takseng (Quách Đắc Thắng) là một trong những đối tác đầu tiên của liên doanh bất động sản Tân Hồng Cơ những năm 1960, cùng với Lý Triệu Cơ và Fung Kinghey (Phùng Cảnh Hải), được gọi là “ba người lính ngự lâm”. Sau khi ba người đã đi đường riêng của họ, Quách giữ lại công ty kinh doanh bất động sản Tân Hồng Cơ. Ông qua đời năm 1990. Sau đó, Tân Hồng Cơ được điều hành bởi người con trai cả là Walter được giáo dục ở Anh, và Raymond và Thomas, mặc dù mẹ của họ, Quảng Triệu Hưng (giới kinh doanh thường gọi là Madam Quách), vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ. Năm 1997 Walter bị “Big Spender” của nhóm Trương Tử Cường bắt cóc (chính là băng đảng đã tổ chức bắt cóc con trai của Lý Gia Thành là Victor), và được chuộc với số tiền 77 triệu đôla sau khi bị giam giữ vài ngày; những gia đình này không bao giờ thừa nhận vụ bắt cóc. Raymond và Thomas là tín đồ Thiên chúa Phúc âm.

Dòng họ Lý (của Henderson)

Tộc trưởng Lý Triệu Cơ (Lee Shaukee) sinh năm 1928 tại tỉnh Quảng Đông Trung Quốc, là con trai của một chủ ngân hàng giàu có và cũng là một thương nhân chuyên buôn bán vàng. Gia đình này đã thu xếp để đưa ra nước ngoài một số tiền trước khi những người cộng sản Trung Quốc tiếp quản chính quyền năm 1949. Năm 1963, Lý Triệu Cơ lập nên công ty bất động sản Tân Hồng Cơ cùng với Quách Đắc Thắng và Phùng Cảnh Hải. Năm 1976, ông đã tách riêng, lập nên Henderson Land, và hiện nắm giữ 68% cổ phần. Ông kiểm soát các công ty bất động sản nhỏ hơn và được niêm yết, cũng như công ty cung cấp khí đốt chính của Hồng Kông và khách sạn Miramar, và vẫn có cổ phần quan trọng trong công ty Tân Hồng Cơ. Con trai của Quách Đắc Thắng đã quá cố thường gọi ông là “chú”. Lý có năm người con.

Dòng họ Lý (của Hysan Development)

Dòng họ Lý là một gia đình ông trùm bốn thế hệ, có mối quan hệ gần gũi với chính quyền Anh thành lập cuối thời thuộc địa, và sự giàu có của họ dựa vào bất động sản. Tộc trưởng hiện nay là Lee Honchiu (Lý Hán Chiêu), sinh năm 1929 và đã tốt nghiệp hai trường đại học là Học viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Stanford. Người Hồng Kông đồn rằng gia đình này chuyên buôn lậu trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai Lý Hy Thận nguyên là thư ký ngân hàng Hồng Kông, đã trở thành kẻ buôn lậu thuốc phiện và bị ám sát tại miền Trung năm 1928 – nhưng những tài liệu về sự thành lập ngân hàng này những năm 1990 đều ghi ông ta đảm nhận chức Giám đốc tại các ngân hàng Hang Seng (Hằng Sinh) và Hồng Kông, tại Ủy ban Chứng khoán Hồng Kông, cũng như trong rất nhiều liên doanh với tập đoàn Swire trong những năm qua.

Lý Gia Thành (Li Kashing hay K. S. Li)

Sinh năm 1928, Lý bắt đầu làm việc cho người bố vợ giàu có của mình và xây dựng một doanh nghiệp nhựa thành công trước khi đa dạng hoá đầu tư vào bất động sản với công ty riêng của mình, công ty Cheung Kong (Trường Giang). Lý đã phất lên thành ông trùm đầu bảng của Hồng Kông sau khi mua lại Ngân hàng Hồng Kông mà không cần qua đấu thầu, với cổ phần kiểm soát mà nó chiếm giữ trước đây trong hãng buôn Hutchison Whampoa của Anh. Lý Gia Thành vẫn còn gắn bó với Ngân hàng Hồng Kông và trở thành Phó Chủ tịch của nó.

Trong những năm 1980 và 1990, Lý gây dựng vị trí thống trị của Hutchison trong việc nắm giữ các cảng ở địa phương và những cartel bán lẻ, và có được Hongkong Electric, một nửa độc quyền song mại trong cung cấp điện. Năm 1999, Lý đạt được 15 tỷ đôla lợi nhuận khi bán doanh nghiệp điện thoại di động của mình cho Mannesmann của Đức gần thời kỳ đỉnh điểm của cơn bùng nổ công nghệ của thập kỷ. Tuy nhiên, sau đó ông đã đầu tư rất nhiều tiền cho mạng thông tin di động thế hệ thứ ba (3G), một động thái khiến ông đến nay vẫn chưa trả hết nợ nần. Ông tự hào về bản thân chỉ nhận lương danh nghĩa từ các doanh nghiệp của mình, nhưng theo luật Hồng Kông, thu được hàng trăm triệu đôla cổ tức mỗi năm mà không phải đóng thuế.

Đế chế của Lý Gia Thành sẽ được thừa kế theo ba phần, ông và hai người con trai là Victor và Richard. Quan hệ với người con thứ hai khá căng thẳng. Richard điều hành tập đoàn Pacific Century, được trao cho dự án phát triển cổng Internet ở Hồng Kông mà không qua đấu thầu vào năm 1999 nên gây tranh cãi; và các cổ đông phải hứng chịu thua lỗ rất lớn khi thị trường chứng khoán sụp đổ năm 2001. Victor là nạn nhân của vụ bắt cóc do băng nhóm Trương Tử Cường của Trung Quốc thực hiện vào năm 1996. Nhưng gia đình này không bao giờ thừa nhận có vụ bắt cóc, và Victor đã được thả sau khi gia đình phải trả 1 tỷ đôla Hồng Kông tiền chuộc.

Dòng họ Lý (của Ngân hàng Đông Á)

Có lẽ đây là “triều đại” người gốc Hoa ở Hồng Kông dám đối địch với gia đình Swire và Keswick của Anh một thời gian dài mà vẫn giàu có. Gia đình nhà Lý, vốn đã phát đạt, rời tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc để sang Hồng Kông trong thập niên 1850. Gia đình đã xây dựng được các doanh nghiệp vận chuyển và thương mại, trở thành nhà tư sản mại bản cho các công ty châu Âu. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, họ thiết lập Ngân hàng Đông Á. Trong thế kỷ XX, gia đình Lý đã sản sinh ra các quan chức chính phủ và công chức dân sự hàng đầu – bao gồm Ủy viên chấp hành F.S. Li, Aubrey Lý và Phó Chủ tịch của Tòa án cấp phúc thẩm Simon Lý cũng như các ông trùm. Gia đình họ có những “con chiên ghẻ”, bao gồm cả cựu tỷ phú chứng khoán Ronald Lý, người đã bị tù bốn năm vì tham nhũng trong năm 1990. Dickson Poon, chủ sở hữu của Harvey Nichols ở Anh bị chỉ trích là lạm dụng các cổ đông thiểu số, con rể của tộc trưởng hiện nay là David Lý. Gia đình Lý là một gia đình đã Anh hóa. Mặc dù vậy, những ưu đãi của chính phủ dành cho Ngân hàng Hồng Kông do người Anh điều hành từ lâu đã làm họ bực mình.

Gia đình Lo (họ La)

Lo Yingshek (La Ứng Thạch) từ Quảng Đông đến Hồng Kông trong những năm 1930 và khởi tạo đế chế bất động sản của gia đình mang tên Great Eagle. Con trai cả của ông là Lo Kashui (thường được gọi là K. S. Lo, hay La Gia Thủy), sinh năm 1947, được đào tạo thành một bác sĩ tim mạch ở Canada và Hoa Kỳ, nhưng lại trở về quản lý

doanh nghiệp vào năm 1980. Công ty mở rộng đầu tư sang khách sạn, cơ sở hạ tầng, và mua bất động sản ở nước ngoài. Những bằng cấp về kinh tế của K. S. Lo đã được chứng minh, giống như Bao Ngọc Cương, Lý Gia Thành và các ông trùm cấp cao khác, ông đã được đưa vào Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Hồng Kông. Em trai của ông là Vincent La đã xây dựng thành công doanh nghiệp bất động sản Shui On (Thụy An) của riêng mình tại Trung Quốc đại lục.

Gia đình Pao (họ Bao)

Pao Yuekong (Bao Ngọc Cương), cũng được gọi là Y. K. Pao, sinh trong một gia đình thịnh vượng tại Ninh Ba (Chiết Giang) năm 1918. Cùng với những lợi ích khác, cha ông đã có một doanh nghiệp sản xuất giày dép. Bao vào ngành bảo hiểm và ngân hàng tại Trung Quốc trước khi chuyển đến Hồng Kông với gia đình vào năm 1949, thu xếp để chuyển phần lớn tài sản của mình ra khỏi Trung Quốc. Ở Hồng Kông, Bao Ngọc Cương bắt đầu một công ty kinh doanh nhỏ, đã tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Năm 1955, ông mua con tàu chở hàng đầu tiên, và ngay sau đó, những người quản lý người Anh mà ông chơi thân tại Ngân hàng Hồng Kông đã đồng ý hỗ trợ tài chính để ông mua chiếc thứ hai. Trong thập niên 1960, Bao áp dụng tư duy của một ông chủ ngân hàng khi đặt mua một xưởng đóng tàu ở Nhật Bản, phát triển một hệ thống gần như không có rủi ro, theo đó nguồn vốn tín dụng cần thiết được đảm bảo với những điều kiện dài hạn được các ngân hàng Nhật Bản bảo lãnh. Ngân hàng Hồng Kông trở thành nhà đồng đầu tư của ông, và năm 1979, Bao Ngọc Cương là chủ sở hữu đội tàu lớn nhất thế giới. Trong những năm 1980, ông đã mua lại quyền kiểm soát hai công ty của ngoại kiều người Anh (hai công ty thương mại) là công ty cầu tàu và kho bãi Hồng Kông và Cửu Long, nay được gọi là Wharf, và công ty Wheelock Marden (nay gọi là Wheelock). Bao Ngọc Cương qua đời năm 1991, để lại bốn con gái; các con rể của ông đã tiếp quản các phần khác nhau trong đế chế của ông.

Gia đình Shaw (Thiệu)

Runme Shaw (tên Trung Quốc là Thiệu Nhân Mai,) sinh năm 1901), em trai của ông

là Run Run (sinh năm 1907) và năm người em khác sinh ra trong một gia đình làm nghề dệt may giàu có ở tỉnh Chiết Giang, gần Thượng Hải, được giáo dục ở nước ngoài. Họ xây dựng một đế chế giải trí châu Á, bắt đầu ở Singapore vào cuối thập niên 1920 với một loạt các rạp chiếu phim và chuyển sang sản xuất phim tiếng Trung Quốc. Họ đã tạo lập mối quan hệ gần gũi với người Anh ở Singapore, và sau đó với Harry Lý Quang Diệu, cũng như chính quyền thực dân tại Hồng Kông, nơi họ mở rộng sang cuối những năm 1950. Tại Hồng Kông, gia đình Thiệu được phép phát triển đài truyền hình chính của địa phương là TVB từ năm 1972 và vẫn là cổ đông kiểm soát của nó. Run Run quen thân với giới quan chức Anh và đã được phong tước hiệp sĩ năm 1977. Từ điện ảnh và giải trí, anh em họ đa dạng hóa đầu tư vào ngân hàng, khách sạn và bất động sản. Runme qua đời năm 1985; do đó doanh nghiệp của ông tại Singapore và Malaysia được người em là Meng Vee Shaw (Thiệu Minh Vỹ) điều hành.

Helmut Sohmen

Sinh năm 1939, Sohmen là một luật sư người Áo làm việc với tư cách là một ông chủ ngân hàng ở Bắc Mỹ khi ông gặp con gái cả của Bao Ngọc Cương là Anna. Họ lấy nhau, và thực tế là lúc đầu việc này khiến cho cả hai gia đình lúng túng. Tuy nhiên, Bao đã khích lệ Sohmen, và vào năm 1970 thuyết phục ông bỏ ngân hàng và tham gia vào doanh nghiệp của gia đình. Ông làm việc tại doanh nghiệp vận tải World Wide Shipping của Bao, trở thành chủ tịch tập đoàn này năm 1988 và tham gia quản lý kinh doanh sau khi bố vợ chết. Trong những năm 1990, World Wide Shipping mua doanh nghiệp vận tải biển Bergesen của Na Uy, và ngày nay đã trở thành doanh nghiệp vận tải tư nhân lớn nhất thế giới. Trong những năm 1990, Sohmen lên án các động thái dân chủ hóa Hồng Kông, nhưng kể từ đó chấp nhận cải cách chính trị. Ông vẫn tâm sự với bạn bè rằng không bao giờ ông có thể đứng đầu gia đình Bao được vì ông không phải là người Trung Quốc.

Gia đình Swire

John Swire (17931847) là một thương nhân ở Liverpool, nước Anh, và những người

kế vị của ông khởi đầu một liên doanh, Butterfield và Swire, để buôn bán với người Trung Quốc trong thập niên 1860. Tập đoàn này, lấy lại tên là John Swire & Sons năm 1974, luôn do người trong gia đình Swire điều hành. Lợi ích của nó bao gồm các doanh nghiệp bất động sản lớn tại Hồng Kông, các hãng hàng không Cathay Pacific và DragonAir, doanh nghiệp vận chuyển và dịch vụ hàng hải, các nhà máy đóng chai tại Hồng Kông và Trung Quốc. Cũng giống như gia đình Keswick tại Jardines, gia đình Swire quan hệ chặt chẽ với chính quyền thuộc địa Hồng Kông và có thể dựa vào sự bảo vệ quyền lợi độc quyền của họ, đặc biệt là Cathay Pacific. Không chỉ vậy, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, gia đình Swire đã điều hành doanh nghiệp của mình với mối quan tâm lớn hơn dành cho các nhà đầu tư của mình chứ không như Jardine, Matheson. Tộc trưởng hiện nay là Adrian Swire, sinh năm 1932.

Dòng họ Đổng

Tộc trưởng Cheng Yutung (C. Y. Tung, Trịnh Dụ Đồng) xuất thân từ một gia đình giàu có ở Ninh Ba, gần Thượng Hải, và kết hôn với con gái dòng họ Khâu còn khá giả hơn. Từ những năm 1940, ông củng cố những lợi ích của doanh nghiệp vận chuyển đằng nhà vợ, xây dựng nên một hạm đội vận tải biển đóng ở Thượng Hải và Hồng Kông, và sau 1949 đóng cả ở Đài Loan. Trịnh Dụ Đồng nghỉ hưu vào năm 1979 để lại doanh nghiệp lớn cho con cái kế tục. Và giữa thập niên 1980, con trai cả là Đổng Kiến Hoa đã đưa doanh nghiệp Orient Overseas của gia đình vào nợ nần, một phần do chuyển các khoản vay lớn từ những doanh nghiệp được niêm yết chủ chốt sang các công ty riêng của gia đình. Henry Hoắc đã tổ chức một cuộc giải cứu bằng cách rót tiền mặt từ các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc. Trong những năm 1990, Hoắc và Lý Gia Thành hậu thuẫn cho Đổng Kiến Hoa trở thành Đặc khu trưởng đầu tiên của Hồng Kông, được Bắc Kinh chấp thuận. Tuy nhiên, Đổng nhanh chóng trở nên xa lạ với công chúng, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, và đã từ chức sớm

ở nhiệm kỳ thứ hai của mình, trong năm 2005. Patrick Wang (Patrick Vương)

Sinh năm 1951, Vương là nhà công nghiệp giàu nhất Hồng Kông. Công ty của ông,

Johnson Electric Holdings, là do cha ông thành lập năm 1959 chuyên sản xuất động cơ siêu nhỏ được sử dụng trong tất cả mọi thứ, từ xe hơi đến máy ảnh. Tạp chí Forbes cho biết tài sản của ông là 2,1 tỉ đôla vào năm 2006, không cách xa giá trị tài sản của các bố già không tham gia sản xuất là bao.

Peter Woo (Peter Ngô, hay Ngô Quang Chánh)

Sinh năm 1946 trong một gia đình giàu có ở Thượng Hải, Ngô kết hôn với con gái thứ hai của Bao Ngọc Cương là Bessie. Trước khi kết hôn, ông là Giám đốc ngân hàng của mình ở Hoa Kỳ. Sau cái chết của Bao Ngọc Cương, ông đã tiếp nhận công ty bất động sản Wheelock & Co, và do đó điều hành cả công ty Wharf chuyên kinh doanh bất động sản, và các công ty khác trong lĩnh vực viễn thông, cơ sở hạ tầng và các cảng container. Ngô đã cố gắng dùng nhiều thủ đoạn công khai để đưa Wharf vào các lĩnh vực kinh doanh mới, bao gồm truyền thông và một loạt dự án ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nhưng hầu hết không thành công. Năm 1996, ông vận động chống lại Đổng Kiến Hoa trong cuộc bầu cử Đặc khu trưởng Hồng Kông do Trung Quốc dàn xếp và đã bị đánh bại hoàn toàn.

MA CAO

Dòng họ Hà / Hà Khải Đông

Xem phần: Hồng Kông.

Ho Yin (Chung Hạo Hiền)

Hạo Hiền là một ông trùm gốc Quảng Đông nổi bật trong số các bố già thời hậu chiến hướng về Trung Quốc tại Ma Cao, được xưng tụng là một “nhà tài phiệt kếch xù”. Ông cũng nổi tiếng vì ăn nói tục tĩu đến mức không kiểm soát được. Hạo Hiền thiết lập Ngân hàng Thái Phong vào năm 1941, ngân hàng hợp nhất đầu tiên ở Ma Cao. (Một người anh của ông tham gia vào việc thành lập Ngân hàng Hằng Sinh ở Hồng Kông.) Dòng tiền mặt chủ yếu của ông đến từ độc quyền kinh doanh vàng, được Pedro Lobo điều hành dưới sự bảo trợ của chính quyền thuộc địa Bồ Đào Nha tham nhũng. Trong

thập niên 1960, khi Hạo Hiền thay thế Pedro Lobo với tư cách là doanh nhân hàng đầu của Ma Cao, Stanley Hà đã cố gắng để có được độc quyền kinh doanh vàng bằng cách cắt cho người Bồ Đào Nha các khoản lợi lộc lớn hơn, nhưng họ đã gắn như keo với Hạo Hiền, lúc này đã trở thành người chắp mối chính trị cho cuộc đối thoại giữa thực dân Bồ Đào Nha và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đại lục. Bồ Đào Nha cũng dựa vào Hạo Hiền để giữ cho hội Tam hoàng khỏi quấy nhiễu trên đường phố. Hạo Hiền đã liên kết kinh doanh với các bố già ở Hồng Kông là Henry Hoắc và Trịnh Dụ Đồng. Ông qua đời năm 1983. Sự nghiệp kinh doanh của ông đã được người con trai thứ năm là Edmund Ho Hauwah kế tục. Khi Ma Cao được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1999, không bất ngờ gì khi Edmund Ho được bầu làm Đặc khu trưởng đầu tiên của vùng lãnh thổ này.

Gia đình Lobo

Pedro Jose Lobo có dòng dõi pha trộn Trung Quốc Bồ Đào Nha Hà Lan Mã Lai, sinh trong thập niên 1890, tại xứ Đông Timor thuộc Bồ, từ đó gia đình ông chuyển sang Ma Cao. Ông là bố già nổi bật thời Thế chiến thứ hai và Chiến tranh Triều Tiên. Là một chú “tắc kè hoa về văn hóa” tuyệt vời, ông đã có hai nhiệm kỳ làm Bộ trưởng Kinh tế của Ma Cao. Nhiều của cải mà Lobo có được là do vị trí hàng đầu của ông trong độc quyền kinh doanh vàng tại địa phương. Điều này đặc biệt có giá trị vì Ma Cao không tham gia Hiệp ước Bretton Woods năm 1944 cố định tỷ giá hối đoái trong buôn bán vàng ở phạm vi quốc tế. Bằng cách nào đó, vùng lãnh thổ này đã không có tên trong danh sách các vùng lãnh thổ thuộc chính phủ Bồ Đào Nha. Do đó, Ma Cao đã trở thành trung tâm kinh doanh vàng của châu Á, và là địa điểm mà từ đó các thứ kim loại quý này được nhập lậu vào Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông và các nước Đông Nam Á khác. Vàng chủ yếu được nhập khẩu từ các nước Châu Âu tàn tạ sau chiến tranh. Cho đến khi các điều chỉnh bất thường được thực hiện dưới áp lực quốc tế trong những năm 1970, ngành cờ bạc, giải trí làm lu mờ vai trò kinh doanh vàng hàng đầu của Ma Cao. Trong số các đối tác kinh doanh vàng của Pedro Lobo, có Hạo Hiền, người đã kế vị ông trong những năm 1960 với tư cách là bố già đầu bảng của Ma Cao. Con trai Rogerio của Lobo tiếp quản đế chế doanh nghiệp gia đình, nhưng vận may

của anh ta dần dần mất đi do không duy trì được các mối quan hệ của Pedro.

SINGAPORE

Gia đình nhà Aw (Hồ)

Hồ Văn Hổ sinh năm 1882 tại Rangoon, Miến Điện, là con trai của một dược sĩ người Hakka (Quảng Đông). Hồ cùng với em trai của ông là Hồ Văn Báo xây dựng nên các doanh nghiệp gia đình ở Miến Điện và trở nên nổi tiếng với thương hiệu “Dầu cao Con hổ”, một loại hàng bán chạy nhất trên toàn châu Á. Giữa những năm 1920, họ di dời đến Singapore và bắt đầu đầu tư vào ngành báo chí ở Trung Quốc và Đông Nam

Á. Hồ Văn Hổ cũng thành lập ngân hàng đầu tiên của người Hakka là Ngân hàng Chung Khiaw vào năm 1950. Ông qua đời năm 1954. Hầu hết việc kinh doanh lớn đều không thành công ở các thế hệ sau. Công ty Haw Par International đã được bán cho Công ty đầu tư Slater, Walker của Anh, sau này đã bị lôi kéo vào một vụ gian lận nổi tiếng ở Singapore.

Dòng họ Khâu

Khâu Đức Bạt (Khoo Teck Puat), sinh năm 1917, là con trai của một gia đình Singapore giàu có, kinh doanh gạo và ngân hàng. Khâu khởi nghiệp tại OCBC, nơi gia đình ông là một cổ đông lớn, rồi trở thành Phó Tổng Giám đốc. Năm 1960, ông quyết định thành lập ngân hàng của riêng mình, Ngân hàng Mã Lai, ở Malaysia. Nó đã tăng trưởng rất nhanh, cho đến năm 1966, khi một tin đồn lan truyền rằng Khâu đã tuồn tiền từ ngân hàng này vào các công ty riêng của mình, vì vậy ông đã bị mất quyền kiểm soát ngân hàng. Sau đó, Khâu thành lập Ngân hàng Quốc gia Brunei với sự tham gia của gia đình hoàng gia, và được sử dụng ngân hàng này để cấp vốn cho các doanh nghiệp của mình, chủ yếu về bất động sản. Năm 1986, một vị vua mới phát hiện ra các vụ cho vay có tay trong lớn tại ngân hàng, vì thế chiếm quyền kiểm soát nó. Khâu chết năm 2004, khi vẫn rất giàu. Ông đã thực hiện một số dự án đầu tư lớn, một trong những dự án lớn nhất là chiếm được 13,5% cổ phần của Ngân hàng Standard Chartered của nước Anh.

Gia đình nhà Kwek (Quách)

Kwek Hong Png, một người có nguồn gốc Hakka, sinh tại Trung Quốc vào đầu những năm 1910, mất năm 1994. Ông đã gây dựng nên tài sản của gia đình thông qua buôn bán vật liệu xây dựng từ đầu Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ông và anh em của ông cũng đã tham gia buôn lậu hàng hóa như cao su từ Indonesia và làm ăn với người Nhật. Gia đình Quách thành lập được một ngân hàng địa ốc đáng nể ở Singapore trong thời kỳ chiến tranh và chuyển sang kinh doanh bất động sản trước khi mở rộng sang các dịch vụ tài chính vào những năm 1960. Các doanh nghiệp ở Singapore của gia đình hiện do người con trai của Kwek Hong Png là Quách Lệnh Minh (Quek Leng Beng) điều hành, trong khi các doanh nghiệp ở Malaysia được cháu trai của Kwek Hong Png là Quách Lệnh Xán (Quek Leng Chan, và hai người anh em họ của ông) quản lý. Hai người anh em họ đều là luật sư được đào tạo ở London. Các công ty nổi tiếng nhất của gia đình là: Công ty Phát triển đô thị và Xi măng Singapore ở Singapore, hệ thống các khách sạn Millennium & Copthorne có tài sản ở London, New York, Hồng Kông và nhiều nơi khác; và Tập đoàn Hồng Long và Hume Industries ở Malaysia. Các chi nhánh ở Singapore và Kuala Lumpur của gia đình không phải luôn luôn suôn sẻ, nhưng họ quản lý nhiều doanh nghiệp khác nhau.

Dòng họ Lý (Lee)

Tộc trưởng Lee Kong Chian (Lý Quang Tiền), một người Phúc Kiến sinh tại Trung Quốc vào năm 1894 trong một gia đình giàu có, được đào tạo thành một kỹ sư xây dựng. Ông trở thành một trong những cấp phó có năng lực của Trần Gia Canh (Tan Kah Kee), kết hôn với con gái của Trần rồi làm thủ quỹ cho bố vợ mình. Lý đã xây dựng được một doanh nghiệp cao su cực kỳ thành công của riêng mình, mua được nhiều đồn điền trong suốt thập niên 1930 với giá rẻ, và sau này làm cho công ty Lee Rubber trở thành công ty cao su lớn nhất Đông Nam Á. Lý đã giúp đàm phán việc sáp nhập để thành lập Ngân hàng OCBC và trở thành Phó Chủ tịch đầu tiên, sau đó là chủ tịch. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ông trở thành cổ đông lớn nhất của OCBC. Lý Quang Tiền qua đời năm 1967, người kế vị là con trai út của ông, Lý Thành Vỹ (Lee

Seng Wee). Em trai Lý là chủ tịch hiện thời của OCBC (ngân hàng đứng thứ hai ở Singapore, chỉ sau Ngân hàng nhà nước DBS mà gia đình Lý nắm giữ khoảng 15% cổ phần) và cũng quản lý các doanh nghiệp của gia đình trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, đồn điền, bảo hiểm, sản xuất bia…. Công ty Lee Rubber có mối quan hệ thân thiết với Lý Quang Diệu.

Dòng họ Ng (Hoàng)

Tộc trưởng Ng Teng Fong (Hoàng Đình Phương), sinh năm 1928, là chủ sở hữu tư nhân lớn nhất về bất động sản ở Singapore. Những tài sản lớn của ông được nhiều người biết đến gồm có các khách sạn Fullerton và Orchard Parade. Con trai Robert Ng CheeSiong (Hoàng Chí Tường), sinh năm 1953, lập nên doanh nghiệp bất động sản ở Hồng Kông dưới sự định hướng của cha. Hoàng Chí Tường thường là người trả giá cao nhất trong các phiên đấu giá đất tại Hồng Kông trong những năm 1990. Năm 1987, ông đã thoát khỏi bị truy tố sau khi thanh toán đầy đủ các khoản nợ do mắc những sai lầm lớn và đặt cược bừa bãi tại thị trường bất động sản Hồng Kông mà cảnh sát nghi ngờ là được tổ chức bất hợp pháp. Con trai thứ hai của Hoàng Đình Phương là Philip, làm việc với cha mình tại Singapore. Các doanh nghiệp đầu tầu được niêm yết của gia đình là Orchard Parade Holdings và Dương Hiệp Thành (một doanh nghiệp thực phẩm và nước giải khát) ở Singapore, và Sino Land ở Hồng Kông. Gia đình Ng có mối quan hệ rất gần gũi với Harry Lý Quang Diệu.

George Tan (George Trần)

Không có gì rõ ràng về nguồn gốc xuất thân của Trần. Ông sinh tại Malaysia, có thể là tỉnh Sarawak, khoảng năm 1933, và chuyển đến Singapore ở tuổi 20. Đầu thập niên 1970, ông chuyển đến Hồng Kông, và với ủng hộ của các ông trùm Đông Nam Á, trong đó có Trương Minh Thiên, ông tham gia vào ngành bất động sản. Cuối những năm 1970, ông có được nguồn tín dụng lớn từ chi nhánh tại Hồng Kông của Ngân hàng Bumiputra của Malaysia, sử dụng nó để bơm vốn cho một loạt các dự án bất động sản lớn. Những ngân hàng cho vay quốc tế như Ngân hàng Hồng Kông, dưới thời chủ tịch Michael Sandberg, cũng bắt đầu cho ông vay vốn. Năm 1982, thị trường

bất động sản Hồng Kông đi vào suy thoái do các cuộc đàm phán căng thẳng trong việc trao trả Hồng Kông về Trung Quốc vào năm 1997. Tập đoàn Carrian của George Trần phá sản vào năm 1983, và sự sụp đổ của nó làm lộ ra một đường dây tham nhũng và hối lộ lớn.

Tan Kah Kee (Trần Gia Canh)

Một người Phúc Kiến, sinh năm 1874. Trần đã xây dựng nên doanh nghiệp địa phương lớn nhất ở Malaysia và Singapore trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Cha ông là một thương nhân đã đồng hóa, kinh doanh trong lĩnh vực chế biến lúa gạo và dứa. Ông đã được cấp quốc tịch Anh, và người con trai chuyển sang kinh doanh cao su một cách tình cờ. Trần Gia Canh là người không bình thường trong một vài khía cạnh. Ông đã tìm cách xây dựng một doanh nghiệp sản xuất lốp xe, giày dép và đồ chơi trẻ em. Và sau việc kinh doanh hàng hóa, ông cũng tìm cách cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Tuy không phải nộp thuế tại các thị trường địa phương, nhưng đây là một thách thức lớn khiến Trần có thể gặp nguy hiểm trong cơn suy thoái kinh tế toàn cầu đầu thập niên 1930. Hầu hết các doanh nghiệp của ông đã được thanh lý vào năm 1934.

Trần giữ được một số tài sản cá nhân đáng kể. Một lần nữa lại rất bất thường, ông trở thành một người duy tâm về chính trị cũng như một ông trùm (mặc dù sinh trưởng trong một gia đình ủng hộ chính quyền). Sau năm 1949, ông chấp nhận lời đề nghị hồi hương về Trung Quốc và qua đời ở đó năm 1961. Những nhân viên quan trọng của Trần Gia Canh, những người cũng đã trở thành ông trùm theo cách của riêng họ, gồm có Lý Quang Tiền (người đã kết hôn với con gái của Trần) và Trần Lục Sử (Tan Lark Sye).

Dòng họ Wee (Hoàng)

Tộc trưởng Wee Cho Yaw (Hoàng Tổ Diệu), sinh năm 1929, được đào tạo tại Singapore và Anh Quốc. Cha của Wee, Wee Kheng Chiang, buôn bán hạt tiêu và cao su từ Sarawak đến Singapore và cũng điều hành một ngân hàng không chính thức tại

Kuching. Năm 1935, Wee Kheng Chiang lập Ngân hàng Trung Hoa ở Singapore, ông đã đưa con trai của mình vào ban quản lý trong thập niên 1950. Và Hoàng Tổ Diệu nhanh chóng chiếm được vị trí cao nhất trong việc điều hành hoạt động hàng ngày. Ngân hàng phát triển nhanh chóng trong những năm 1960 và 1970, và đổi tên thành United Overseas Bank (UOB) vào năm 1965. Hoàng Tổ Diệu còn mở rộng sang ngành bảo hiểm, bất động sản và khách sạn, và chiếm được Ngân hàng Chung Khiaw, vốn do Hồ Văn Hổ thiết lập, cũng như Ngân hàng Công thương. Gia đình Hoàng hiện đang sở hữu khoảng 20% cổ phần của UOB, và có mối quan hệ thân mật với Lý Quang Diệu, và Hoàng Tổ Diệu cũng phục vụ trong các ban khác nhau của chính phủ. UOB là ngân hàng lớn thứ ba ở Singapore và mua được một ngân hàng của Thái Lan trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

II) CÁC CHÍNH TRỊ GIA THÁI LAN

Giữa năm 1932, một cuộc cách mạng đã lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế; và đến năm 2007, Thái Lan đã có 33 đời thủ tướng. Chỉ một vài người trong số này, và một vài người khác ít tỏ ra là nhà chính trị, là thực sự quan trọng. Danh sách sau đây nêu bật những nhân vật chính.

Tướng Phraya Phahol Pholphayuhasena (1933-8)

Đã lật đổ người tiền nhiệm của ông là Phraya Manopakorn Nititada, nhưng đời Thủ tướng của ông cũng chỉ kéo dài được 7 tháng.

Thống chế Plaek Phibunsongkhram (1938-44 và 1948-57)

Thuộc phái quân sự của đảng Nhân dân, đảng đã kết thúc chế độ quân chủ chuyên chế vào năm 1932. Là Thủ tướng, ông theo đuổi các chính sách dân tộc chủ nghĩa và tạo ra một nhà nước nửa phátxít, lập pháp chống lại người Thái gốc Hoa và trở thành đồng minh của Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông đổi tên nước từ Xiêm thành Thái Lan năm 1939. Sau chiến tranh, Phibunsongkhram thoát khỏi truy tố về tội

ác chiến tranh, và sau cuộc đảo chính 1947, trong đó ông rất nổi tiếng, trở lại vị trí Thủ tướng năm 1948. Việc dính líu với chủ nghĩa phát xít của Phibunsongkhram đã nhanh chóng được quên đi khi ông đưa Thái Lan vào cuộc Chiến tranh Triều Tiên, đứng về phía Mỹ, và tiền viện trợ của Mỹ bắt đầu đổ vào quốc gia này như là một bức tường chống cộng ở khu vực; và ông tiếp tục các chính sách chống người Trung Quốc của mình.

Năm 1951, Phibunsongkhram là nạn nhân của một trong những nỗ lực đảo chính ở Thái Lan, do Thống chế Phin Choonhavan cầm đầu. Khi đang tham dự một buổi lễ trên chiến hạm Sri Ayutthaya, ông đã bị một nhóm sĩ quan hải quân bắt làm con tin để đưa ra yêu sách với chính phủ ở Bangkok. Tuy nhiên, việc đàm phán đổ bể, và không quân Thái Lan, cùng với với phe quân đội cầm quyền, đã ném bom đánh chìm chiến hạm. Ông sống sót do bơi được vào bờ và tiếp tục nhiệm kỳ thủ tướng của mình. Cuối cùng, vào năm 1957, Phibunsongkhram bị lật đổ trong một cuộc đảo chính do cấp phó “trung thành nhất” của mình là Thống chế Sarit Thanarat lãnh đạo. Ông sống lưu vong tại Nhật Bản và chết ở đó năm 1964.

Thống chế Sarit Thanarat (1958-63)

Tổ chức cuộc đảo chính năm 1957, nhưng không chiếm ghế Thủ tướng cho mình, cho đến cuối năm 1958, sau hai đời Thủ tướng ngắn ngủi, tạm thời. Sarit tăng cường vai trò của chế độ quân chủ Thái sau cuộc trấn áp năm 1932 và ông đề cao sự kỹ trị trong kinh tế, hoan nghênh đầu tư nước ngoài, đầu tư vào phát triển nông thôn và chấm dứt việc đàn áp những người Thái gốc Hoa. Sarit chết trong văn phòng năm 1963, nhưng các chính sách của ông đã được cộng sự của ông là Tướng Thanom Kittikachorn (Thủ tướng, 196373) và Praphas Charusathian (Phó Thủ tướng của Thanom) duy trì. Thanom bị lật đổ bởi một cuộc nổi dậy chống quân đội của dân chúng hồi tháng 10 năm 1973. Ba năm sau, quân đội (chính thức) xử tử 46 người trong vụ thảm sát ở Đại học Thammasat tháng 10 năm 1976, và chính quyền quân sự quay trở lại.

Tướng Prem Tinsulanonda (1980-88)

Là một nhân vật quan trọng trong số các nhà lãnh đạo quân sự cuối thập niên 1970 và 1980, Prem đã lên đến vị trí Cố vấn trưởng cho Nhà vua Thái Lan và nổi lên trong cuộc đảo chính lật đổ Thaksin Shinawatra hồi tháng 9 năm 2006. Prem là người đã dựng cựu sĩ quan cấp dưới của ông là Surayud Chulanont lên thay thế Thaksin. Là Thủ tướng trong những năm 1980, Prem đã kế vị Tướng Kriangsak Chomanan, người lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính và cai trị đất nước trong ba năm, từ 1977. Prem thắng cử 3 lần, điển hình là cuộc bầu cử của người Thái với rất nhiều phiếu mua và ép buộc – với tư cách là thành viên của liên minh cải cách chính trị. Ông được Chatichai Choonhavan, con trai duy nhất của Nguyên soái Phin Choonhavan, thay thế vào năm 1988. Thương hiệu Chatichai của chính quyền tài tử này đã không bị giảm sút lắm trong giới quân sự, và ông đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính tháng 2 năm 1991 do Tướng Sunthorn Kongsompong và Suchinda Kraprayoon cầm đầu. Suchinda Kraprayoon làm Thủ tướng một thời gian ngắn, và tháng 5 năm 1992, khi quân đội giết khoảng 250 người biểu tình tại Bangkok, ông này đã từ chức.

Chuan Leekpai, (1992-1995 và 1997-2001)

Lên nắm quyền sau cuộc đảo chính chết yểu của Tướng Suchinda Kraprayoon tháng 5 năm 1992, và là Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan không xuất thân từ giới quý tộc hoặc phái quân sự. Được một số người ca ngợi là một người công minh, Chuan có một người em trai đã bỏ chạy khỏi đất nước vì bị cáo buộc tham ô tại Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan, nơi anh ta làm việc, và chính phủ đầu tiên của Chuan bị đổ trong một vụ bê bối liên quan đến việc phân phối đất đai ở Phuket. Chuan bị thay thế bởi các chế độ khác tham nhũng hơn nhiều của Banharn SilpaArcha và Tướng Chavalit Yongchaiyudh từ 1995 đến 1997, trước khi quay trở lại ghế Thủ tướng giữa cuộc khủng hoảng tài chính, tháng 11 năm 1997. Ông giám sát một chương trình tiết kiệm về kinh tế; nhưng chính phủ thứ hai của ông mắc bệnh dịch qua một vụ tham nhũng trước khi nó sụp đổ vào năm 2001, do có sự ra đời của đảng Thai Rak Thai của Thaksin Shinawatra.

Thaksin Shinawatra, (2001-2006)

Xem mục: Các doanh nhân / bố già.

Surayud Chulanont (2006 )

Được quân đội bổ nhiệm làm Thủ tướng sau cuộc đảo chính lật đổ Thaksin Shinawatra.

NHỮNG NGƯỜI KHÁC

Thống chế Phin Choonhavan

Một nhà lãnh đạo quân sự chủ chốt, đứng đằng sau một số cuộc đảo chính, bao gồm cả một cuộc đảo chính đã đánh chìm chiến hạm cùng với Thủ tướng Phibunsongkhram năm 1951 (các cuộc đảo chính đã đặt con trai của Phin vào một vị trí trong nội các). Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông làm chỉ huy trưởng quân sự của tiểu bang Shan mà Thái Lan (một đồng minh của Nhật Bản) đã chiếm đóng trong cuộc chiến với Miến Điện. Sự kiện này đã khởi đầu một hiệp hội có lợi ích gắn với sản xuất ma túy. Chatichai Choonhavan, con trai của ông. là Thủ tướng Thái Lan cuối những năm 1980 cho đến khi chính ông ta cũng bị lật đổ trong một cuộc đảo chính.

Phao Sriyanonda

Kết hôn với Khun Ying Udomlak, con gái của Thống chế Phin Choonhavan. Phao trở thành Phó Tổng Giám đốc cảnh sát sau cuộc đảo chính quân sự năm 1947, và là Tổng Giám đốc vào năm 1951. Ông đã sử dụng các thiết bị quân sự do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cung cấp để thành lập một lực lượng không quân và hải quân của cảnh sát và các đơn vị thiết giáp trong những năm 1950, và trở thành nhóm buôn lậu thuốc phiện lớn nhất trong nước. Phao và Phin có mối quan hệ rất mật thiết với Chin Sophonpanich, người sáng lập Ngân hàng Bangkok

MALAYSIA

Các Thủ tướng sau độc lập năm 1957 (tất cả đều xuất phát từ Tổ chức Quốc gia Thống

nhất Mã Lai UMNO)

Tunku Abdul Rahman, thường gọi là “Hoàng tử Tunku” (1957-1970)

Abdul Rahman sinh năm 1903, là con trai của Sultan Kedah, học tại Đại học Cambridge trước khi theo học luật tại Inner Temple ở London. Năm 1951 ông kế nhiệm Datuk Onn Jaafar, người sáng lập UMNO, làm Chủ tịch; năm 1955 trở thành Thủ tướng đầu tiên của chính phủ Malaya thuộc Anh. Tunku có ít nhất bốn lần kết hôn hai lần với phụ nữ Mã Lai gốc Trung Hoa, một lần với một phụ nữ nguyên là người Anh. Trong thời gian nghỉ hưu, ông đã không có quan hệ tốt với Mahathir; và qua đời năm 1990.

Tun Abdul Razak (1970-6)

Sinh năm 1922, Abdul Razak là một quý tộc người Mã Lai, trở thành Phó Thủ tướng cho Tunku Abdul Rahman, người mà ông kế vị sau này. Razak là bạn học với Harry Lý Quang Diệu và Robert Quách tại Trường Cao đẳng Raffles ở Singapore, trước khi đủ điểm đi học luật ở Inn Lincoln tại London. Ông đã buộc Tunku rời khỏi vị trí Thủ tướng sau cuộc bạo động xung đột chủng tộc năm 1969 và đưa ra chương trình hành động kiên quyết được gọi là “chính sách kinh tế mới”. Tun Razak chết vì ung thư năm 1976. Người kế nhiệm ông là Tun Hussein Onn, cũng là anh rể của ông. Gia đình Razak là hậu duệ của Bugis. Con trai cả của ông là Najib Razak hiện đang theo Phó Thủ tướng của Abdullah Badawi. Con trai thứ hai, Nazir Razak, đang điều hành ngân hàng đầu tư hàng đầu của Malaysia là CIMB.

Tun Hussein Onn (1976-81)

Sinh năm 1922, là con trai của một trong những người sáng lập UMNO, thuộc dòng họ quý tộc ở Johore, Dato Onn Jaafar, Hussein Onn, người mang một phần tư dòng máu Thổ Nhĩ Kỳ, học luật tại Lincoln Inn. Ông là một công chức dân sự của Malaya trước khi đi vào con đường chính trị, và kế nhiệm Abdul Razak khi ông này qua đời. Hussein Onn tự từ chức vào năm 1981, viện dẫn lý do sức khỏe, và sau này bất hòa

với người kế nhiệm mình là Mahathir. Con trai ông, Hishammuddin Bin Tun Hussein, hiện đang là Bộ trưởng Giáo dục dưới chế độ Abdullah Badawi. Hussein Onn qua đời năm 1990.

Tun Dr Mahathir Mohamad (1981-2003)

Một nửa dòng máu Ấn Độ (xét về phía cha), Mahathir sinh ở Kedah năm 1925, và được đào tạo thành bác sĩ ở Singapore. Ông gia nhập UMNO ngay sau khi đảng này ra đời năm 1946 và lần đầu tiên được bầu vào Quốc hội năm 1964. Tuy nhiên, ông bị khai trừ khỏi đảng năm 1969 sau khi phê phán Tunku Abdul Rahman trong một bức thư mở và đã viết tác phẩm Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Malaysia (Maly Dilemma) vào năm 1970, đưa ra những quan điểm khá bảo thủ về chủng tộc; cuốn sách đã bị cấm ở Malaysia. Sau khi Tunku bị trục xuất, ông tái gia nhập UMNO năm 1972, trở thành Bộ trưởng Giáo dục năm 1974, rồi Phó Thủ tướng năm 1978. Mahathir đã kế vị Hussein Onn làm Thủ tướng vào năm 1981 và duy trì được vị trí này cho đến tháng 10 năm 2003.

Nhiệm kỳ Thủ tướng của Mahathir gắn liền với tăng trưởng cao, mở rộng các chính sách hành động kiên quyết, các dự án cơ sở hạ tầng hoành tráng và tình huynh đệ phổ biến rộng rãi. Mahathir là một ông chủ tàn tàn nhẫn trong cuộc đấu tranh chính trị của UMNO. Ông ta đã dập tắt những nỗ lực của Tengku Razaleigh Hamzah trong việc tranh giành quyền lãnh đạo tổ chức này vào năm 1987, và tống khứ cấp phó có khả năng kế vị mình là Anwar Ibrahim vào tù. Mahathir cãi cọ với thủ tướng tiền nhiệm, với các đồng liêu chính trị của ông, và bây giờ đang xỉ vả người kế nhiệm mà ông đã lựa chọn là Abdullah Badawi vì ông này phê bình ông đã biến Malaysia thành một “nhà nước cảnh sát”, cắt bớt quyền tự do ngôn luận.

Trong nhiệm kỳ Mahathir làm Thủ tướng, con cái nhà ông cũng đi vào kinh doanh. Con trai cả Mirzan thành lập một tập đoàn, đã nợ nần chồng chất trong thời gian có cuộc khủng hoảng tài chính. Việc Anwar Ibrahim phản đối gói giải cứu của nhà nước cho một trong những công ty của Mirzan đã châm ngòi nổ cho mối bất hòa với Thủ tướng. Con trai thứ hai Mokhzani lập ra tập đoàn Tongkah Holdings, với các doanh

nghiệp bất động sản, cao su, môi giới chứng khoán và sản xuất; có được những nhượng bộ của nhà nước như hợp đồng xử lý chất thải chính và giặt ủi cho các bệnh viện. Mukhriz, con trai thứ ba cũng có những lợi ích kinh doanh đáng kể.

Dato Seri Abdullah Ahmad Badawi (2003)

Sinh năm 1939 trong một gia đình hoạt động chính trị rất tích cực của UMNO ở Penang, Badawi đã được Mahathir lựa chọn để thay thế Anwar Ibrahim làm Phó Thủ tướng vào năm 1998, và người kế nhiệm ông ta năm 2003. Ban đầu, Badawi tiến hành những cuộc điều tra công khai về chống tham nhũng, và ông đã đặt Mahathir ra ngoài, nhưng khi giành được chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2004, ông ta lại hết sức nhẹ nhàng trên mặt trận chống tham nhũng. Trong khi đó, Mahathir đã tấn công ông ta một cách công khai là đã làm quá ít để bảo vệ các dự án yêu thích của mình chẳng hạn như chương trình xe hơi Proton – khỏi cạnh tranh quốc tế.

NHỮNG NGƯỜI KHÁC

Tan Sri Tengku Razaleigh Hamzah

Sinh năm 1937 trong gia đình hoàng gia ở Kelantan, Razaleigh leo lên đến nấc thang quyền lực cao trong UMNO và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính trong nhiệm kỳ Thủ tướng của của Hussein Onn. Ông được giữ ở dưới Mahathir từ năm 1981 và tiếp tục bảo trợ cho một lũ các ông trùm đang lên không phải người bản xứ như Khâu Gia Bành. Tuy vậy, năm 1987, Razaleigh thách thức vị trí lãnh đạo của Mahathir trong UMNO, châm ngòi nổ cho cuộc bầu cử sắp tới, một cuộc bầu cử bẩn thỉu nhất trong lịch sử của đảng này. UMNO phân rã sau khi Mahathir suýt không giữ được địa vị của mình. Razaleigh từ chức, rời khỏi chính phủ và doanh nghiệp của mình, và những đảng viên đã bị thanh lọc.

Tun Tan Siew Sin (Trần Tu Tín)

Sinh năm 1916 trong một gia đình từ Trung Quốc nhập cư vào Malacca cuối thế kỷ XVIII, đã có nhiều thế hệ mang quốc tịch Malaysia và tham gia chính trị cũng như

kinh doanh. Trần là con trai của ông trùm đầu thế kỷ XX Trần Trinh Lộc, và là cháu nội của bố già thế kỷ XIX là Tan Choon Bock. Ông là Bộ trưởng Tài chính thời kỳ 19591969 và đứng đầu Hiệp hội Malaysia Trung Quốc (MCA) thời kỳ 19611974. Lợi ích kinh doanh của gia đình bao gồm vận tải biển và bất động sản nông nghiệp. Trần Tu Tín qua đời năm 1988.

INDONESIA

CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO THỜI KỲ ĐỘC LẬP

Sukarno (1945-67)

Sinh năm 1901, là con trai của một giáo viên ở Surabaya, Sukarno được đào tạo tại trường Hà Lan dành cho giới tinh hoa. Ông trở thành đảng viên của Nasional Partai Indonesia (PNI) khi nó được thành lập năm 1927, bị thực dân Hà Lan bắt và bỏ tù nhiều lần. Sukarno hợp tác với quân Nhật trong Thế chiến thứ hai như là một phương tiện để lật đổ Hà Lan, và Indonesia tuyên bố độc lập ngày 17 tháng 8 năm 1945. Sau đó là một cuộc xung đột với quân đội Hà Lan đang cố gắng tái chiếm Indonesia, kéo dài cho đến năm 1950. Sukarno là một nhà dân tộc chủ nghĩa rất thạo học thuyết Marx trong việc điều hành một nhà nước lớn, vừa giành được độc lập và vốn không ổn định. Ông ngày càng trở nên độc đoán, đứng giữa quân đội và Đảng Cộng sản Indonesia (PKI).

Năm 1957 Sukarno quốc hữu hóa 246 công ty Hà Lan và ngay sau đó thông qua đạo luật chống phân biệt đối xử với những người gốc Hoa. CIA thực hiện một số nỗ lực để lật đổ Sukarno, và ông là nạn nhân của rất nhiều vụ ám sát hụt. Sự sụp đổ chính trị của ông xảy ra vào năm 1965, trong những hoàn cảnh chưa bao giờ được giải thích. Ngày 30 tháng 9, sáu vị tướng chống cộng bị tử hình. Một số người đổ lỗi cho PKI và một số người khác đổ lỗi rằng Sukarno đã ủng hộ việc này. Kết quả là một cuộc hành quyết những người chống PKI, trong đó 500.000 người đã thiệt mạng (có sự giúp đỡ của Đại sứ quán Mỹ để xác định một số mục tiêu), và quyền lực của Suharto càng tăng lên. Sukarno qua đời năm 1970. Ông có những sở thích tốn kém và chín bà vợ.

Suharto (1967-98)

Xuất thân và thời thơ ấu của Suharto vẫn chìm trong bí ẩn, một hoàn cảnh mà vị cựu Tổng thống này chẳng muốn công khai. Chỉ biết rằng Suharto sinh năm 1921, là con của một người nông dân không có ruộng đất, nhưng có nhiều khả năng gia đình ông từng là quý tộc Java nhưng sa sút do gặp khó khăn. Tuy nhiên, không nghi ngờ gì là gia đình Suharto có sự bất thường (cha mẹ đã ly dị ngay sau khi ông ra đời), là ông đã được nhiều người họ hàng thay nhau nuôi dưỡng, và rằng nền giáo dục ban đầu mà ông được hưởng chỉ quanh quẩn ở địa phương này.

Năm 1940, Suharto gia nhập quân đội thuộc địa Hà Lan rồi được đào tạo ở học viện quân sự. Khi kết thúc chiến tranh, ông đã có đóng góp không đáng kể trong kháng chiến chống quân Nhật và quân Hà Lan ở Indonesia và đã có được vị trí chỉ huy một trung đoàn của Sư đoàn Diponegoro đóng ở Yogyakarta, khu vực gần quê ông. Năm 1946, lần đầu tiên ông bị tố cáo là tham gia vào các hoạt động buôn lậu để hỗ trợ cho đồng lương quân đội của mình, đặc biệt là cấu kết với những kẻ buôn lậu thuốc phiện. Ông kết hôn với Siti Hartinah, xuất thân từ một gia đình quý tộc nhưng có sự sa sút về tài chính trong thời gian này, và họ có với nhau sáu đứa con.

Vào thời gian sự thù địch với người Hà Lan kết thúc vào năm 1949, Suharto đã chứng tỏ được khả năng quân sự của mình và trở thành chỉ huy Sư đoàn Diponegoro, đóng tại Semarang, án ngữ miền Trung Java. Trong thời kỳ này, việc kinh doanh độc quyền và các hoạt động buôn lậu của ông, có sự liên minh với các bố già tương lai như Bob Hasan và Lâm Thiệu Lương, được mở rộng. Suharto phải đối mặt với một phiên tòa vì tội buôn lậu vào năm 1959, nhưng thay vào đó với sự hỗ trợ của người cha nuôi của Bob Hasan, Tướng Gatot Subroto – được chuyển về trường Cao đẳng Quân sự ở Bandung, miền Tây Java. Ông được xác định là thuộc phe chống cộng trong quân đội và giữa các năm 1965 và 1967, leo lên đến vị trí thống trị trong nhóm giành lại quyền lực từ Sukarno. Trong ba thập kỷ tiếp đó, ông điều hành một nhà nước độc tài thân phương Tây, tạo ra mức tăng trưởng cao và cũng tạo ra nhiều khoản nợ nần và tham nhũng.

Buộc phải từ rời khỏi vị trí cao nhất vào tháng 5 năm 1998, Suharto đã khai với cơ quan tư pháp hồi tháng 12 là tài sản của ông có khoảng 3 triệu đôla tiền mặt trong ngân hàng, nhà riêng của ông ở Jakarta, một bất động sản thứ hai cũng ở Jakarta, một trang trại 750 hécta và “vài trăm nghìn” hécta đất tại Kalimantan. Michael Backman, một chuyên gia Indonesia, đã xuất bản một nghiên cứu cho thấy gia đình Suharto có cổ phần trong ít nhất 1.247 công ty ở Indonesia, và có lẽ cả những tài sản kếch xù ở nước ngoài. Nhiều tiền mặt trong gia đình Suharto được thu thập thông qua bảy cơ sở từ thiện, hay yayasan, mà các cán bộ, công chức và các doanh nghiệp đã đóng góp. Chính phủ thời sau Suharto đã tiếp quản các cơ sở này vào tháng 11 năm 1998. Một điều tra của tạp chí Time năm 1999 đã xác định tài sản của gia đình Suharto ở Mỹ có giá trị 15 tỷ đôla. Suharto bị quản thúc tại gia một thời gian ngắn vào năm 2000, nhưng tất cả nỗ lực để truy tố ông về tội tham nhũng đã bị chặn lại với tuyên bố rằng ông có vấn đề về sức khỏe nên không thích hợp để xét xử. Mọi thủ tục tố tụng chống lại ông đã được chính thức xóa bỏ tháng 5 năm 2006.

Bacharudin Jusuf Habibie, còn gọi là Rudy hoặc ‘BJ’ (5/1998–10/1999)

Gia đình Habibie là bạn bè của Suharto kể từ khi con trai của họ còn nhỏ tuổi. Từ năm 1953, gia đình này đã sang Đức, nơi Habibie (sinh năm 1936) đang học ngành kỹ thuật và làm việc cho Messerschmitt. Năm 1974, Suharto đưa Habibie về Indonesia để làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, phụ trách những dự án đầu tư để có những bước nhảy vọt về công nghệ cao. Giữa cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Suharto đã phong Habibie là Phó Tổng thống và ông ta đã tiếp nhận chức Tổng thống khi Suharto đã bị lật đổ tháng 5 năm 1998. Ông hy vọng giữ được vị trí Tổng thống này, nhưng phải rời khỏi chính trường năm 1999 vì không được đảng Golkar ủng hộ.

Abdurrahman Wahid, còn gọi là Gus Dur (1999–2001)

Cháu nội của người sáng lập tổ chức Hồi giáo lớn nhất Java, Nahdlatul Ulama (NU), và con trai của Bộ trưởng Nội vụ. Wahid sinh năm 1940, trở thành Chủ tịch của NU giữa thập niên 1980. Ông đã tăng cường liên kết với những nhà chính trị Hồi giáo và tạo lập mối quan hệ với Suharto. Trong những năm 1990, Wahid xây dựng một liên

minh với con gái của Sukarno là Megawati Sukarnoputri trước khi tiến đến mối quan hệ với Suharto. Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra, một lần nữa ông nghiêng về phía Megawati, sau đó giành được hỗ trợ từ đảng Golkar của Suharto để tranh cử Tổng thống thành công. Tóm lại, Wahid là người suy nghĩ thấu đáo, nhưng theo chủ nghĩa cơ hội và luôn thèm khát quyền lực; ông đã chọn Megawati làm Phó Tổng thống. Nhiệm kỳ Tổng thống ngắn ngủi của ông đặc đánh dấu bằng các chuyến ra nước ngoài và nhiều vụ bê bối gợi trí tò mò.

Megawati Sukarnoputri (July 2001–2004)

Con gái cả của Sukarno, người kế nhiệm Abdurrahman Wahid để làm Tổng thống mà không phải trải qua một cuộc bầu cử nào. Megawati được Suharto cho phép bước vào chính trị trong những năm 1980 như một phần của thử nghiệm nền dân chủ đa đảng. Bà không phải là trí thức nên giữa những năm 1990 đã trở thành tâm điểm cho sự chỉ trích của phe đối lập với Suharto. Là Tổng thống, bà trực tiếp giám sát việc sửa đổi Hiến pháp cho phép các cuộc bầu cử Tổng thống trực tiếp, nếu không thì sẽ thất bại trong việc ngăn chặn nạn tham nhũng hoặc cung cấp định hướng cho chính sách kinh tế. Người chồng (thứ ba) của bà, doanh nhân Taufik Kiemas, luôn bị cáo buộc hưởng nhiều lợi lộc từ vị trí của vợ. Megawati thất bại trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2004.

Susilo Bambang Yudhoyono, còn gọi là SBY (2004– )

Sinh năm 1949, vị Tổng thống được bầu trực tiếp đầu tiên của Indonesia là một người lính đã thăng tiến đến cấp tướng dưới thời Suharto. Do trước đây gần gũi chỉ huy quân đội Wiranto; Yudhoyono đã phục vụ một số tour du lịch tại Đông Timor và, cũng như Wiranto, đã bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, mặc dù ở quy mô nhỏ. Ông bước vào chính trường năm 2000 với tư cách là một Bộ trưởng dưới thời Wahid. Dưới thời Megawati, ông tổ chức các danh mục đầu tư chứng khoán và làm hài lòng chính phủ Hoa Kỳ với lập trường cứng rắn của ông về “cuộc chiến chống khủng bố”. Năm 2004, Yudhoyono chạy đua giành ghế cho Tổng thống. Trội hơn rất nhiều so với Megawati, ông đã đề xuất các chính sách rõ ràng và do đó giành chiến thắng một cách dễ dàng.

Nền kinh tế có tăng trưởng kể từ nhiệm kỳ tổng thống của Yudhoyono, và ông vẫn còn được mến mộ, nhưng ông không thể hiện được một sự đột phá căn bản cho thể chế chính trị ở Indonesia.

NHỮNG NGƯỜI KHÁC

CON CÁI CỦA SUHARTO

Sigit Harjojudanto

Sigit là con trai cả, sinh năm 1951. Ông ta ham cờ bạc đến mức nghiêm trọng và chẳng hề để mắt đến việc kinh doanh và thường xuyên cãi lộn với Suharto. Ông thường khởi tạo doanh nghiệp dựa trên các giấy phép độc quyền cùng với đám bạn nối khố của Suharto như Lâm Thiệu Lương và Bob Hasan (ví dụ, với hai người này, ông đã có độc quyền về việc nhập khẩu thiếc tấm). Sigit cũng có cổ phần trong Tập đoàn Humpuss của Tommy Suharto và có 17,5% cổ phần tại Ngân hàng Trung Á do Lâm Thiệu Lương điều hành cho đến khi nó sụp đổ vào năm 1998. Năm 1996, Sigit được thuê làm tư vấn cho Công ty khai thác mỏ Canada BreX, trong khi người chị Siti Hardijanti Rukmana (còn được gọi là “Tutut”) hợp tác với Barrick Gold trong vụ lừa đảo khét tiếng về mỏ vàng ở Busang.

Bambang Trihatmodjo

Con trai giữa Bambang sinh năm 1953, thành lập Tập đoàn Bimantara năm 1981 cùng với anh rể của mình là Indra Rukmana (chồng của Tutut) và các bạn bè khác. Bimantara đi vào kinh doanh vận tải (bao gồm cả độc quyền về hóa dầu, (với phân bổ từ công ty dầu Pertamina của nhà nước), phát thanh truyền hình, viễn thông và vệ tinh, ô tô (lắp ráp xe ôtô Hyundai), điện và nhiều thứ nữa. Bambang bị mất một số tài sản trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và bán được quyền lợi của mình ở Bimantara cho Harry Tanoesoedibjo. Ông được cho là có tài sản trị giá hàng trăm triệu đô la.

Hutomo Mandala Putra, thường gọi là Tommy

Con trai út Tommy, sinh năm 1962, chỉ mới bước vào kinh doanh từ giữa thập niên 1980 với Tập đoàn Humpus của mình, trong đó có độc quyền về phân phối axit terephthalic (được sử dụng để làm sợi polyester) và methanol do Pertamina sản xuất. Sau đó anh ta thu thập các hợp đồng lớn khác từ Pertamina và đa dạng hóa đầu tư vào bất cứ cái gì mà anh ta thích (bao gồm cả một đường đua Công thức 1 ở ngoại ô Jakarta và tiếp quản hãng sản xuất xe hơi Lamborghini của Ý). Anh ta đã thành lập một liên doanh với hãng KIA của Hàn Quốc để lắp ráp xe hơi (nhãn hiệu “Timor”). Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Cơ quan Tái cấu trúc ngân hàng của Indonesia cho biết các công ty của Tommy còn nợ họ 1 tỷ đôla. Anh ta là thành viên duy nhất của gia đình Suharto bị kết án vì tham nhũng, lúc đầu bị kết án 18 tháng tù hồi tháng 9 năm 2000 vì có liên quan đến gian lận, và sau đó là 15 năm tù đối với hành vi phạm tội, bao gồm cả tổ chức ám sát các thẩm phán, những người đã kết án anh ta trong phiên tòa trước đó. Tuy nhiên, tội danh giết người đã được giảm do Tommy kháng cáo, và anh ta được ra tù tháng 10 năm 2006.

Siti Hardijanti Rukmana, được gọi là Tutut

Con gái cả của Suharto, và cũng là con lớn nhất trong gia đình, sinh năm 1949. Bà kết hôn với Indra Rukmana và cùng chồng gây dựng nhiều doanh nghiệp khác nhau, bao gồm quản lý đường bộ có thu lệ phí, dầu, hóa dầu, dịch vụ tài chính, nông nghiệp và truyền hình, dựa trên các nhượng bộ nhà nước. Bố chồng của bà, Eddi Kowara, cũng phát triển PT Teknik Umum thành một trong những công ty lớn nhất ở Indonesia dưới thời Suharto, tham gia vào xây dựng, kỹ thuật và kinh doanh nói chung. Tutut mua 17,5% cổ phần trong Ngân hàng Trung Á của Lâm Thiệu Lương. Bà đã có một vị trí trong Hội đồng Quản trị của công ty taxi Steady Safe năm 1998, khi nó không trả được một khoản vay ngắn hạn của Ngân hàng đầu tư Peregrine ở Hồng Kông, dẫn đến sự sụp đổ của nó sau này. Tutut là Bộ trưởng công tác xã hội trong Nội các lần cuối cùng của cha mình, từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1998. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, bà và chồng thu xếp để giữ tài sản trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ, bao gồm cả các doanh nghiệp ở nước ngoài. Hai người em gái là Titiek và Mamie đều có cổ phần ở các doanh nghiệp của Tutuk.

Siti Hedijanti Harijadi, thường gọi là Titiek

Con gái thứ hai của Suharto là Titiek, sinh năm 1959, kết hôn với Prabowo Subianto, cựu chỉ huy lực lượng đặc biệt và dự trữ chiến lược, bị miễn nhiệm sau khi Suharto sụp đổ vì đã bắt cóc và tra tấn các nhà hoạt động chính trị. Titiek hợp tác với Tutut trong các doanh nghiệp khác nhau vào những năm 1990, cũng như hợp tác với anh trai của Prabowo là Hashim Djojohadikusumo.

Siti Hutami Endang Adiningsih, còn được gọi là Mamie hoặc Mimiek

Mamie, con gái út, sinh năm 1964, có nhiều công ty khác nhau trong các lĩnh vực đồn điền, vận tải, v.v…

PHILIPPINES

Lịch sử chính thức của Philippines ghi nhận 14 đời Tổng thống tính đến năm 2007, Tổng thống đầu tiên là Emilio Aguinaldo, người đã lãnh đạo cuộc nổi loạn chống lại Tây Ban Nha trước khi chấp nhận sự cai trị của người Mỹ vào năm 1901. Ông không bao giờ được các chính phủ nước ngoài công nhận. Các đời Tổng thống khác gồm:

Manuel L. Quezon (1935-44)

Huyết thống pha trộn : Philippines Tây Ban Nha Trung Quốc. Tổng thống trong giai đoạn cai trị cuối cùng của người Mỹ. Ông qua đời tại Hoa Kỳ năm 1944, trong khi đang điều hành một chính phủ lưu vong. Đã tốt nghiệp đại học luật, đủ điều kiện là một luật sư.

Jose Laurel (1943-5)

Được Tổng thống Quezon chỉ định để giữ Manila trong suốt Thế chiến thứ hai, Laurel trở thành Tổng thống trong thời gian rất ngắn của nước Cộng hòa Philippines do Nhật Bản bảo trợ cho đến năm 1945. Sau đó ông tham gia tranh cử tổng thống năm 1949 trong đó thiết lập một tiêu chuẩn mới để đánh giá sự hối lộ nhưng không thành. Đủ

điều kiện là một luật sư.

Sergio Osmeña (1944-6)

Phó Tổng thống của chính phủ Quezo lưu vong, là Tổng thống một thời gian ngắn khi trở về Philippines trước khi thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1946. Là người Philippines gốc Hoa, ông sinh ra trong một gia đình bố già cực kỳ hùng mạnh ở Cebu. Con trai và cháu trai của ông đã trở thành Thượng nghị sĩ và Thống đốc, và gia đình này hiện có ảnh hưởng đến họ hàng và láng giềng tại quê nhà hơn bao giờ hết. Đủ điều kiện là một luật sư.

Manuel Roxas (1946-8)

Tổng thống đầu tiên của nước cộng hòa thời độc lập, chết khi đang làm việc ở văn phòng. Đủ điều kiện là một luật sư.

Elpidio Quirino (1948-53)

Là Phó Tổng thống và người kế vị Roxas, chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 1949. Nhiệm kỳ Tổng thống của ông đặc trưng bằng sự tăng trưởng kinh tế, tham nhũng và các cuộc nổi dậy của những người cộng sản. Đủ điều kiện là một luật sư.

Ramon Magsaysay (1953-7)

Tổng thống Philippines đầu tiên có nguồn gốc bình dân, và cũng là Tổng thống đầu tiên không đủ điều kiện là một luật sư (mặc dù ông cũng đã học luật). Ông đã tiến hành một chiến dịch thành công chống lại sự nổi dậy của những người cộng sản, và qua đời trong một tai nạn máy bay.

Carlos P. Garcia (1957-61)

Phó Tổng thống của Magsaysay, kế vị Magsaysay khi ông qua đời. Garcia điều hành một chương trình nghị sự về dân tộc và tôn giáo, rút ngắn thời hạn cho Mỹ thuê căn cứ quân sự, và lập pháp để buộc những người Philippines gốc Hoa không có quốc tịch

phải ra khỏi thương mại bán lẻ. Đủ điều kiện là một luật sư.

Diosdado Macapagal (1961-5)

Phó Tổng thống của Garcia, Macapagal đã được bầu vào ủy ban phòng chống tham nhũng. Năm 1961, ông đã cho phép đồng peso được giao dịch tự do đối với các loại tiền tệ khác, dẫn đến sự mất giá lớn và thúc đẩy xuất khẩu. Hầu hết các biện pháp cải cách kinh tế của ông đã bị quốc hội ngăn cản. Ông là cha của tổng thống Philippines hiện nay, Gloria Macapagal Arroyo. Đủ điều kiện là một luật sư.

Ferdinand Marcos (1965-86)

Sinh năm 1917 trong một gia đình chính trị tại Ilocos Norte, có nguồn gốc tổ tiên pha trộn giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Philippines. Ông từng bị kết tội trong vụ sát hại một trong những đối thủ chính trị của cha mình vào năm 1939, nhưng kháng cáo thành công trước tòa án tối cao và đã được tha bổng. Năm 1954, ông kết hôn với Imelda Marcos Romualdez, xuất thân từ một gia đình bố già tầm trung. Họ sinh được ba con và nhận một con nuôi. Marcos có liên quan với ít nhất mười bảy trẻ em bị cáo buộc là con bất hợp pháp.

Ông tuyên bố đã từng là một người lãnh đạo kháng chiến chống Nhật chủ chốt và liên minh với Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cá nhân đã giết được nhiều quân Nhật và đã từng bị tra tấn một thời gian dài. Các tài liệu mật của Mỹ sau đó đã chỉ ra rằng hầu hết các tuyên bố của ông là tưởng tượng. Marcos luôn khoe khoang thành tích trong chiến tranh của mình trong suốt cuộc tranh cử Tổng thống thành công năm 1965. Lúc tại vị, ông đề cao tăng trưởng nhờ đầu tư, hứa sẽ trừng trị những kẻ đầu sỏ chính trị trong khu vực, và trở thành một đồng minh trung thành của Hoa Kỳ (bằng cách gửi quân sang Việt Nam); và ông tái đắc cử năm 1969. Tuy nhiên, vào đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình, các cuộc nổi dậy của những người cộng sản bùng lên và nền kinh tế suy yếu. Tháng 9 năm 1972, Marcos tuyên bố thiết quân luật và ép mọi người từ bỏ cái mà ông gọi là “một phong trào xã hội mới” (nó đã trở thành tên đảng của ông). Điều này làm người ta nhớ lại chế độ “Trật tự mới” của Suharto ở Indonesia (và

phong trào “xã hội mới” của Trương Khải Siêu ở Trung Quốc trước năm 1949). Trong thực tế, Marcos đã tước quyền sở hữu của một số đầu sỏ chính trị mà ông không ưa và phân phối lại tài sản của họ cho các bạn nối khố của mình.

Năm 1981, Marcos dỡ bỏ lệnh thiết quân luật, chạy đua trong cuộc bầu cử, trong đó không có chính đảng nào trừ đảng của ông là ứng cử viên, và tái đắc cử với 91% số phiếu. Tuy nhiên, nền kinh tế đã bắt đầu suy sụp. Nợ nước ngoài tăng gần ba mươi lần dưới thời Marcos, và đất nước lâm vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng năm 1984. Các nhà đầu tư nước ngoài đã hoãn lại các dự án bởi vụ ám sát đối thủ chính trị của Marcos là Benigno Aquino. Chính phủ Mỹ bắt đầu rút hỗ trợ cho Marcos và quân đội chống lại ông. Năm 1986, ông đã chạy trốn sang Mỹ và sống lưu vong. Di sản mà Marcos để lại là hàng trăm vụ giết người ngoài vòng pháp luật, hàng tỷ đôla bị cướp đoạt khỏi công quỹ, và nhiều bố già đã làm nên vận may từ sự nhượng bộ ông trao cho họ. Marcos đủ điều kiện là một luật sư.

Maria CojuangcoCorazon Aquino (1986-92)

Cũng được gọi là Cory Aquino, là vợ của nhà lãnh đạo đối lập Benigno “Ninoy Aquino”, người bị ám sát tại sân bay Manila vào năm 1983 khi ông trở về từ cuộc sống lưu vong tại Hoa Kỳ. Cory Aquino xuất thân từ gia đình Cojuangco lai Trung Quốc ở Tarlac, có một phái liên minh với Marcos. Nhiệm kỳ Tổng thống của bà phải đối mặt với bảy âm mưu đảo chính và bà đã quyết định không chạy đua để được tái đắc cử năm 1992. Aquino có học luật nhưng bỏ dở nên không đủ điều kiện là một luật sư.

Fidel V. Ramos (199-28)

Người phụ trách công tác nhân sự của Marcos và là người đã tuyên bố thiết quân luật năm 1972. Việc ly khai khỏi đảng của ông rất quan trọng đối với việc lật đổ chế độ độc tài. Ramos từng làm Bộ trưởng Quốc phòng cho Cory Aquino và được bà ủng hộ tranh cử tổng thống. Vợ ông xuất thân từ gia đình bố già ở Cebu là Emilio Mario Osmeña, thất bại trong cuộc bầu cử của Joseph Estrada, người trở thành Phó Tổng

thống của Ramos. Không phải luật sư cũng không phải là người công giáo, Ramos đã theo đuổi binh nghiệp trước khi bước vào chính trị và nhiệm kỳ tổng thống của ông đã phục hồi được sự mất ổn định ở Philippines. Được gọi là “Eddie kiên định”, ông đã thực hiện một số bãi bỏ quy định và biện pháp chống độc quyền mà Cory Aquino đã lẩn tránh.

Joseph Estrada (1998-2001)

Là con trai của một nhà thầu của chính phủ và đồng thời là chính trị gia ở địa phương. Estrada đã từng bị đuổi khỏi trường đại học và trở thành một diễn viên điện ảnh hạng B thành công. Năm 1992, ông là ứng cử viên phụ cho người bạn thân của Marcos (và liên quan với Cory Aquino) là Eduardo ‘Danding’ Cojuangco trong cuộc đua giành vị trí Tổng thống với Fidel Ramos; Danding bị thua, nhưng Estrada thắng cử. Nhiệm kỳ Phó tổng thống này tạo tiền đề cho ông đạt tới đỉnh cao quyền lực vào năm 1998, khi ông thực hiện một chiến dịch truyền hình phổ biến kiến thức dựa trên những câu chuyện hư cấu của mình, là một cậu bé nghèo trở thành người thành công. Những người hậu thuẫn cho ông bao gồm các bố già kỳ cựu như Lucio Trần và Danding Cojuangco. Cuộc tranh cử của Estrada đã thất bại và Gloria Macapagal Arroyo giành được ghế phó tổng thống. Estrada thường bị cáo buộc tham nhũng chủ yếu liên quan đến cáo buộc tham gia vào các doanh nghiệp cờ bạc bất hợp pháp từ ngày đầu tiên của mình trong văn phòng, và trở thành tổng thống đầu tiên đối mặt với thủ tục tố tụng năm 2000. Phiên tòa xử một tổng thống không bao giờ được mở nhưng ông cũng buộc phải rời văn phòng bởi có sự kết hợp giữa huy động các lực lượng chính trị và các cuộc biểu tình trên đường phố.

Gloria Macapagal Arroyo (2001)

Là con gái của Tổng thống những năm 1960 là Diosdado Macapagal, Macapagal Arroyo đã kế nhiệm Joseph Estrada vào năm 2001, và tái đắc cử năm 2004. Bà được đào tạo thành một nhà kinh tế và làm giảng viên đại học trước khi bước vào vào chính trường trong thập niên 1990. Macapagal Arroyo đã có một số thành công trong việc tăng doanh thu thuế, nhưng các phong trào nổi dậy và các vụ giết người ngoài vòng

pháp luật của các lực lượng nhà nước đã tăng lên trong thời gian bà nắm quyền (cá nhân bà không có liên quan đến những vụ việc này).

HỒNG KÔNG

Từ 18431997, phần lớn thời gian Hồng Kông được cai trị bởi 28 Thống đốc người Anh kế tiếp nhau. Hầu hết các Thống đốc gần đây là các nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Bộ ngoại giao Anh, và các quan điểm của đảng Bảo thủ được vận dụng để thiết lập cơ sở chính trị và kinh tế cho Hồng Kông. Thống đốc gần đây nhất, chính trị gia Chris Patten, có hơi khác. Đến Hồng Kông năm 1992, Patten đưa ra những cải cách chính cho Hội đồng Lập pháp thông qua mở rộng nhượng quyền kinh doanh ở các đơn vị bầu cử “chức năng” trong đó doanh nghiệp chiếm ưu thế. Kết quả là, những cuộc bầu cử trong năm 1995 đã tạo điều kiện cho các thành viên Hội đồng Lập pháp đại diện cho nguyện vọng của dân chúng Hồng Kông tốt hơn trước. Patten cũng đã tạo ra một số thay đổi về chính sách xã hội quan trọng và bãi bỏ quy định trong viễn thông. Năm 1997, Trung Quốc đã ngay lập tức đảo ngược những cải cách dân chủ của Patten, nhưng không thể đảo ngược được việc chính trị hóa Hồng Kông nói chung.

Đổng Kiến Hoa (Tung Chihwa)

Người được Trung Quốc chọn làm Đặc khu trưởng đầu tiên của Hồng Kông, nhưng Đổng Kiến Hoa, có nguồn gốc xuất thân từ một gia đình ông trùm, hình như ngày càng không được công chúng ưa chuộng. Ông bị cáo buộc tạo điều kiện thuận lợi cho tầng lớp bố già với các dự án công trình công cộng lớn. Năm 2003, một sự kiện chưa từng có đã xảy ra, nửa triệu người đã xuống đường biểu tình khi chính phủ của Đổng đang cố gắng thông qua một dự luật chống lật đổ theo yêu cầu của Bắc Kinh. Đổng đã từ chức năm 2005, lấy lý do sức khỏe.

Donald Tsang (Tằng Ấm Quyền)

Là người kế nhiệm bố già Đặc khu trưởng Đổng Kiến Hoa đầy tai tiếng. Tằng là một công chức dân sự được chính quyền Anh nuôi dưỡng. Ông được Ủy ban bầu cử do

Bắc Kinh kiểm soát “bầu ra” hồi tháng 3 năm 2007. Tằng hứa sẽ đối đầu với hai vấn đề chính trị chủ yếu của Hồng Kông là dân chủ hóa và bãi bỏ quy định đối với nền kinh tế trong nước. Nhưng người ta vẫn còn chờ xem liệu ông có đủ bản lĩnh chính trị để đáp ứng nguyện vọng của người dân hay không.

MA CAO

Sau khi được trao trả chủ quyền cho Trung Quốc vào năm 1999, Đặc khu trưởng đầu tiên của Ma Cao là Edmund Ho Hauwah (Hà Hậu Hòa), con trai của Hà Hạo Hiền.

SINGAPORE

Gia đình Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew)

Harry Lý Quang Diệu là người Singapore thế hệ thứ tư, sinh năm 1923, đã được gia đình giáo dục cẩn thận theo tiêu chuẩn Anh. Ông đã học ở trường Raffles (phổ thông), Trường cao đẳng Raffles và cũng tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Cambridge. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông bắt đầu học tiếng Trung và tiếng Nhật, làm phiên dịch cho quân đội Nhật Bản. Kinh nghiệm chính trị sớm có của Lý là làm cố vấn pháp lý cho sinh viên và các nghiệp đoàn. Năm 1954, Lý và bạn bè lập ra Đảng Nhân dân hành động (PAP) một cuộc hôn phối giữa lợi ích và các nghiệp đoàn ủng hộ phong trào cộng sản. Lý là Tổng thư ký, được bầu vào uốc hội năm 1955. Ông được ban thưởng khi Thống đốc thuộc địa cuối cùng là Lâm Hữu Phúc bắt giữ được nhiều lãnh tụ cộng sản trong đảng của ông.

Đảng Nhân dân hành động thắng lợi trong các cuộc bầu cử năm 1959 và Lý trở thành Thủ tướng. Ông đã vận động liên minh với Malaya, đàn áp phe đối lập ủng hộ cộng sản, và đưa Singapore gia nhập Liên bang Malaysia vào tháng 9 năm 1963. Mong muốn của ông là trở thành một bộ phận của một tổng thể chính trị lớn hơn, có lẽ phản ánh việc ông đã không am hiểu nền kinh tế đặc biệt của Singapore, cũng như Hồng Kông, sẽ luôn luôn tự trở nên giàu có nhờ buôn bán trong khu vực và các dòng tiền hợp pháp cũng như bất hợp pháp. Cái tôi bản ngã và lợi ích của PAP và Tổ chức Quốc

gia Malay thống nhất không bao giờ có thể dung hòa, và sau các cuộc bạo loạn chủng tộc đẫm máu vào năm 1964, Singapore đã ra khỏi liên bang vào năm 1965.

Với tư cách là Thủ tướng, nhưng Lý được cho là người quản lý quá chi tiết, cả về kinh tế và dân số. Ông đã phát động các chiến dịch học tiếng Anh, tiếng Quan Thoại, kế hoạch hóa gia đình để có con ít hơn. Sau đó là rất nhiều văn bản dưới luật về xịt rửa nhà vệ sinh, buông rèm cửa; và thành lập Cơ quan phát triển xã hội để giúp các trí thức tìm bạn đời. Quan điểm về chủng tộc của Lý tương tự như của một bộ phận tầng lớp trên ở nước Anh cuối thời Victoria và Edward, những người đã gia nhập các tổ chức như League Primrose (Hội Hoan lạc) và Eugenics Society (Hội ưu sinh). Logo của đảng Nhân dân hành động có nét hao hao kỳ lạ như của Liên đoàn phátxít Anh của Oswald Mosley, và có lẽ chịu ảnh hưởng của tổ chức này. Năm 1990, sau bảy lần thắng cử, Lý đã rời khỏi chiếc ghế Thủ tướng và được mời làm “Bộ trưởng cao cấp”.

Tháng 8 năm 2004, Lý Hiển Long, người con trai lớn của Lý Quang Diệu, trở thành thủ tướng thứ ba của Singapore, và Harry Lý được tôn lên là Bộ trưởng Cố vấn. Hành động đáng chú ý nhất của Lý Hiển Long là hợp pháp hóa ngành cờ bạc – từ lâu đã bị những người Singapore có lương tri phản đối và cấp giấy phép cho hai khu nghỉ dưỡng kiêm sòng bạc rất lớn. Ông ta nói rằng, nhà nước cần tiền.

Vợ của Hiển Long là Hà Tinh, một nữ kỹ sư điện đã tốt nghiệp Đại học Quốc gia và Đại học Stanford. Đầu tiên, bà làm việc tại Bộ Quốc phòng Singapore, và sau đó là Tập đoàn Singapore Technologies do nhà nước sở hữu, trở thành Giám đốc điều hành năm 1995; và hiện đang đứng đầu Cơ quan đầu tư của nhà nước là Temasek. Hà Tinh đã phục vụ trong nhiều ban, ngành của chính phủ, bao gồm Ủy ban Phát triển kinh tế, Hội đồng sản xuất và Hội đồng khoa học và công nghệ của Singapore.

Lý Hiển Dương, con trai thứ của Lý Quang Diệu là một kỹ sư đã tốt nghiệp Đại học kỹ thuật Cambridge, tham gia doanh nghiệp nhà nước là Singapore Telecom (SingTel) vào năm 1994, và nhanh chóng trở thành Giám đốc điều hành ở độ tuổi khoảng 30. Giữa những năm 1990, SingTel chiếm khoảng một nửa vốn chứng khoán của Singapore. Lý bắt đầu một chương trình mua các doanh nghiệp ở phạm vi quốc tế,

gần đây nhất là doanh nghiệp viễn thông của bố già Thái Lan đã bị lật đổ Thaksin Shinawatra, một doanh nghiệp được cho là thua lỗ rất lớn trên giấy tờ vào cuối năm 2006.

Con gái của Lý Quang Diệu là Lý Vi Linh hiện đang điều hành Viện Khoa học thần kinh quốc gia Singapore. Gia đình Lý giữ gìn danh tiếng của họ rất cẩn thận, và họ không bao giờ thua trong bất kỳ phiên tòa xét xử về tội phỉ báng nào ở các tòa án Singapore.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.