Những Bố Già Châu Á

5. HỌ ĐÃ TRỞ THÀNH BỐ GIÀ NHƯ THẾ NÀO # 4: NGÂN HÀNG, NHỮNG CON LỢN BỎ ỐNG, VÀ SỰ SÔI ĐỘNG CỦA THỊ TRƯỜNG VỐN



“Tôi tin rằng các ngân hàng gây nhiều nguy hiểm đối với quyền tự do của chúng ta hơn là những đội quân thường trực.”

THOMAS JEFFERSON, Thư gửi Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ, 1802

Ngoài giấy phép cho thị trường hàng hóa chủ yếu và nhượng bộ kinh doanh, còn có một nguồn lực thứ hai mà các bố già Đông Nam Á không thể làm được gì nếu không có nó, đó là tiếp cận nguồn vốn. Trong kỷ nguyên hậu thuộc địa, nguồn vốn trở nên sẵn có cho các doanh nghiệp địa phương mới thành lập vì có ba sự tiến triển. Thứ nhất là những thay đổi trong hoạt động cho vay của các ngân hàng hiện có. Thứ hai, các đại gia có mối quan hệ tốt với những người có thế lực đều có được giấy phép mở ngân hàng tư nhân, thường na ná như những con lợn đất để bỏ tiền tiết kiệm, nhưng tiền bỏ ống lại hoàn toàn là tiền của người khác. Tiến triển thứ ba là sự tăng trưởng của thị trường vốn trong khu vực. Dưới thời thực dân, có một số điều hạn chế đối với doanh nghiệp địa phương như khó vay được vốn với lãi suất hợp lý. Các ngân hàng châu Âu và Mỹ có chút quan tâm tới việc cho các doanh nghiệp châu Á vay vốn hoạt động ưa thích của họ là cấp vốn thương mại quốc tế qua thư tín dụng và những hỗ trợ khác và khi họ cho người địa phương vay thì những nhà tư sản mại bản lại rất tham lam nên thường đòi tiền lót tay trước. Trong khu vực, có một số ngân hàng do người Thái và người Trung Quốc kiểm soát, nhưng họ cực kỳ bảo thủ trong hoạt động cho vay. Hầu hết các ngân hàng địa phương đã trở thành người cho vay tiền theo truyền thống Ấn Độ với mức lãi suất cắt cổ. Tuy nhiên, bắt đầu từ những năm 1950, việc quản lý kinh doanh gắt gao tại hai ngân hàng ở châu Á bắt đầu thay đổi tình trạng này. Đó là Ngân hàng Bangkok có trụ sở chính ở Thái Lan và Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải đóng ở Hồng Kông.

Luôn nổi bật là Ngân hàng Bangkok, do Chin Sophonpanich lãnh đạo. Cha ông là người Thiều Châu và mẹ ông là người Thái. Là một thương nhân có kinh nghiệm hoạt động chợ đen hồi cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, Chin đã được đưa vào một cơ sở từ thiện được thành lập dưới sự bảo trợ của hoàng gia Thái Lan. Đầu tiên, ông ta được sử dụng với tư cách là nhà tư sản mại bản rồi sau đó trở thành tổng giám đốc. Trong những năm tiếp theo, Chin đã dựng nên một doanh nghiệp có quan hệ tốt với giới chính trị hùng mạnh nhất Thái Lan thời hậu chiến, mà trái tim là Ngân hàng Bangkok. Sau cuộc đảo chính quân sự năm 1947, ông đã liên kết với gia đình các vị lãnh đạo, Thống chế Phin Choonhavan và Tổng Giám đốc cảnh sát Phao Siriyanon với tư cách là các cổ đông và Giám đốc của các công ty, đã tái cơ cấu ngân hàng này để chính phủ trở thành cổ đông lớn nhất của nó. Đổi lại, ông được nhà nước cung cấp những khoản vốn lớn, gần như độc quyền buôn bán vàng và ngoại tệ, và xử lý việc chuyển tiền về nước của người lao động Trung Quốc, đồng thời được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh và có những khách hàng tiềm năng không ai sánh được. Giống như mọi bố già thành công nhất, Chin cũng khắc phục sự khác biệt về phương ngữ của cộng đồng người Trung Quốc, tuyển dụng được những sinh viên người Thái lai Trung Quốc tốt nghiệp Đại học Thammasat Elite loại xuất sắc (người Thái thuần khiết hầu như luôn luôn thích các vị trí công chức hơn kinh doanh). Một trong những người quan trọng nhất là Boonchu Rojanasathien, một người gốc ở Hải Nam , người đã cứu nguy cho Chin sau khi Nguyên soái Sarit Thanarat tiến hành cuộc đảo chính năm 1957. Chin nhanh chóng mời Sarit làm cố vấn và ông này đã bổ nhiệm Bộ trưởng Nội vụ của mình là Nguyên soái Prapass Charusathiara làm chủ tịch Ngân hàng Bangkok. Nhưng mối quan hệ của ông ta với Phin và Phao, lúc đó đã bị lật đổ, làm ông ta quá lo lắng về việc giữ mình ở Bangkok. Ông đã lưu vong sang Hồng Kông cho đến khi Sarit qua đời năm 1963. Khi ông vắng mặt, Boonchu điều hành ngân hàng, được đội ngũ quản lý thuộc loại giỏi nhất chọn lựa ở Thái Lan hậu thuẫn. Một ví dụ về việc đội ngũ Giám đốc này điều hành giới kinh doanh và chính trị hiệu quả như thế nào là, tính đến năm 1980, ban lãnh đạo Ngân hàng Bangkok đã dựng nên ba Phó Thủ tướng và hai phát ngôn viên của Quốc hội Thái Lan. Tuy nhiên, các Giám đốc điều hành này cũng là những nhà kinh doanh; họ đã đưa tiết kiệm dài hạn và tín dụng nông thôn vào Thái

Lan.

Chin Sophonpanich đã giúp ngân hàng lớn nhất ở Đông Nam Á mang lại lợi nhuận cực cao. Một báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế năm 1973 cho rằng, vị trí đặc quyền của Ngân hàng Bangkok cho phép nó tạo ra thu nhập hơn 100% một năm dựa trên nguồn vốn của mình (một tuyên bố của cấp phó của Chin). Điều không cần tranh cãi là nguồn tiền gửi ngân hàng đang tăng lên ở Thái Lan lại không được cho vay với lãi suất tối ưu. Đây là nơi Chin cách mạng hóa môi trường ngân hàng ở Đông Nam Á. Ông đi lại giữa Hồng Kông, Singapore, Kuala Lumpur và Jakarta để tranh thủ thế hệ mới của các đại gia thời hậu thuộc địa. Một triệu phú nhớ lại việc kiếm tiền cuối những năm 1950 để cấp vốn cho một thương vụ thay thế nhập khẩu mà ông được cấp phép. Nghe nói về Chin, ông ta đã đề nghị được gặp Chin. Câu trả lời của Chin là không cần phải thế tự thân ông ta sẽ đến gặp khách hàng. “Các doanh nhân Trung Quốc ở Đông Nam Á đã có một thời gian dài vay tiền của Chin Sophonpanich,” đại gia này nói. “Ông ta đã phá vỡ những gì được coi là rất bảo thủ của hệ thống ngân hàng thực dân.”

Chin đã cho các bố già ở ngoài Hồng Kông Robert Quách ở Malaysia, Lâm Thiệu Lương ở Indonesia, Chearavanonts ở Thái Lan cũng như những người khác ở Singapore và Hồng Kông vay tiền. Giữa những năm 1970, hai phần năm các khoản thu nhập của ngân hàng đến từ hơn một chục chi nhánh ở bên ngoài Thái Lan. Chin được nhóm các đại gia nhớ đến một cách trìu mến. “Chin trông rất quyến rũ – ông ta có khoảng sáu tình nhân,” một tỷ phú quen biết Chin hồi tưởng lại thời gian tá túc tại Hồng Kông của mình. Một đại gia khác gọi Chin là “một phiến đá hoa cương”. Chin cũng là một đại gia không để ý đến luân lý điển hình. Ông đã dính líu đến đường dây buôn bán heroin tại Thái Lan thông qua việc cho vay cá nhân với nhân vật buôn bán ma túy là Phao Siriyanon, và cùng với các chính trị gia khác tham gia vào việc điều hành các hoạt động buôn bán ma túy. Các khoản đầu tư cá nhân của ông ta, theo một người bạn, bao gồm cả các quán bar với dàn tiếp viên ăn mặc cực kì khêu gợi.

Các đại gia là những cái máy in tiền, và không ai tìm được cách vượt qua ý kiến của

Chin. Tuy nhiên, từ đầu những năm 1980, ngôi sao bản mệnh của ông ta và của Ngân hàng Bangkok bắt đầu mờ dần. Chin bị một căn bệnh rất lâu khỏi (trước khi ông qua đời năm 1988), bệnh lại trầm trọng hơn bởi chứng nghiện rượu (đặt biệt là rượu manh) và phụ nữ. Đồng thời, ông đã thất bại trong việc đưa Ngân hàng Bangkok vượt lên với tư cách là người cấp vốn cho các đại gia tương lai người gốc Hoa. Trong hai thập niên 1950 và 1960, đây là một cuộc cách mạng, nhưng điều đó không đủ để duy trì sự đi lên của Ngân hàng Bangkok. Chin là người theo chủ nghĩa quốc tế, đủ để là nhà kinh doanh ngân hàng đối với mọi người Trung Quốc, nhưng không đủ để tạo ra một ngân hàng toàn châu Á, và sau đó là một ngân hàng toàn cầu thực thụ. Sau khi ông chết, việc quản lý Ngân hàng Bangkok thuộc về con cái ông chứ không phải là các nhà quản lý mà ông đã gây dựng. Chin rời bỏ thế giới này như một con tắc kè hoa xã hội xuất sắc. Sự đồng hóa và “tính chất Thái” của ông thể hiện qua việc ông đã được hỏa táng theo kiểu Thái (truyền thống của Trung Quốc là chôn cất) và giàn thiêu đã được đích thân nhà vua Thái châm lửa. Tuy vậy, lúc ở đỉnh cao, ông đã hứa hẹn hơn thế rất nhiều.

HSBC ĐƯỢC SINH RA TỪ ĐÂU?

Đó là phần còn lại để một công ty thuộc địa tiếp tục cuộc cách mạng về tài chính. Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (HSBC) đã từ bỏ hoạt động chủ chốt của mình tại Thượng Hải và rút sang Hồng Kông năm 1949, sau chiến thắng của những người cộng sản trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc. Những người ở địa phương biết là Ngân hàng Hồng Kông đã cấp vốn cho nhiều nhà sản xuất ở Thượng Hải, những người đã bỏ chạy khỏi đại lục để bắt đầu lại công việc kinh doanh của họ tại Hồng Kông. Dù sao đi chăng nữa, nó vẫn là một tổ chức thuộc địa như nó vốn vậy. Cho đến những năm 1960, ngân hàng này vẫn sử dụng một nhà tư sản mại bản, người bảo lãnh việc vay vốn cho các doanh nghiệp địa phương. Hàng trăm nhà quản lý nước ngoài điều hành doanh nghiệp này hiếm khi gặp gỡ các doanh nhân Trung Quốc và không trực tiếp đánh giá về tiêu chuẩn được vay vốn tín dụng của họ. Những người quản lý nước ngoài thường phụ trách việc cho vay đối với những người nước ngoài khác.

Tuy nhiên, không giống như các doanh nghiệp do gia đình kiểm soát của người Anh, quyền sở hữu Ngân hàng Hồng Kông được phát tán rộng rãi không cá nhân nào được phép sở hữu hơn 1% cổ phần và những người quản lý có thể dùng mọi cách để được đứng vào tốp đầu trong doanh nghiệp. Có lẽ điều này đã làm cho các Giám đốc điều hành chủ chốt trong thời hậu chiến quan tâm chặt chẽ hơn đến một thế hệ mới các đại gia người Trung Quốc, vì rõ ràng là sự giàu có của họ ngày càng tăng, và hậu thuẫn cho họ để họ tiếp quản các doanh nghiệp thuộc địa đã suy yếu. Sự kỳ thị chủng tộc đã mất đi khi các bố già địa phương đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển ngân hàng này với tư cách là doanh nghiệp lớn nhất Hồng Kông. Như Leo Goodstadt, người đứng đầu Cơ quan chính sách của chính phủ Hồng Kông trong những năm 1990 đã viết: “Chính nó [ngân hàng] đã chủ trì sự chuyển giao quyền kiểm soát kinh tế có trật tự và có lợi nhuận cao từ các công ty của Anh sang các công ty của Trung Quốc.” Điều này không có nghĩa là Ngân hàng Hồng Kông có cam kết với một thị trường tự do. Mối quan hệ của nó với các chính quyền thuộc địa là vô địch, cho phép nó bảo vệ địa vị đặc quyền duy nhất. Cho đến giữa những năm 1990, với việc thành lập Cơ quan tiền tệ Hồng Kông, trong thực tế, nó đã là một ngân hàng trung ương, phát hành giấy bạc, hoạt động như một ngân hàng hối đoái, được sử dụng chính sách tự do lãi suất đối với số thặng dư của hệ thống ngân hàng, hoạt động như một ngân hàng của chính phủ và biết nhiều thông tin về những ngân hàng khác. Được bảo vệ bằng lệnh cấm cấp phép ngân hàng từ giữa những năm 1960 đến năm 1978, sự thỏa thuận về lãi suất được giữ nguyên cho đến những năm 1990. Tiếp quản một ngân hàng địa phương lớn là Hang Seng vào năm 1965 với sự hỗ trợ của chính phủ, HSBC chiếm khoảng 50% tổng số tiền gửi của toàn bộ các ngân hàng ở Hồng Kông. Thậm chí, nó còn lớn xuất sắc nhiều so với Ngân hàng Bangkok ở Thái Lan của Chin Sophonpanich. Và giống như Chin, nó đã sử dụng vốn của mình để đầu tư vào các doanh nghiệp của khách hàng cũng như cho vay dựa trên những khoản tiền gửi cực lớn của mình. Bằng cách này, nó đã chi phối việc bổ nhiệm những chức vụ quan trọng trong chính phủ Hồng Kông.

Hai đại gia có ảnh hưởng chi phối ở Hồng Kông thời hậu chiến là Bao Ngọc Cương, chết năm 1991, và Lý Gia Thành đều đã được HSBC tôn lên đẳng cấp cao nhất so với

các đại gia đồng lứa với họ. Người thứ nhất, Bao Ngọc Cương đã thúc đẩy ngân hàng quyết định đầu tư vào các dự án vận tải biển và cấp vốn cho chúng; điều đó cho phép ông trở thành người sở hữu tàu biển tư nhân hàng đầu thế giới. Bao xuất thân từ một gia đình giàu có ở đại lục, đã có kinh nghiệm đáng kể trong sản xuất, bảo hiểm và ngân hàng trước khi đến với gia đình tại Hồng Kông năm 1949. Gia đình Bao tham gia quản lý các ngân hàng và phần lớn sự giàu có của họ tăng lên cùng với chúng. Đầu thập niên 1950, Bao Ngọc Cương đã xây dựng thành công một doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong thời thuộc địa được phù trợ do cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ trước khi ông mua con tàu chở hàng đầu tiên của mình vào năm 1955. Việc thâm nhập vào vận tải biển dần dần làm cho ông hiểu rằng sự đầu tư đó tốt đến mức khác thường. Chính phủ Nhật Bản đang hỗ trợ ngành công nghiệp đóng tàu bằng việc phát hành các khoản tín dụng xuất khẩu như là một khoản vay cho khách hàng nước ngoài để trang trải đến 80% chi phí đóng tàu với lãi suất cố định trong thời hạn khoảng 8 năm. Đồng thời, sự bùng nổ sau chiến tranh cho thấy các công ty thương mại lớn của Nhật Bản, sogo shosha, đã sẵn sàng đăng ký thuê các con tàu này dài hạn, thường trên 10 năm, để đảm bảo thu nhập cho các con tàu mà người nước ngoài sở hữu và thường sử dụng đội ngũ thủy thủ người nước ngoài với giá rẻ mạt. Điều này có thể khiến cho các ngân hàng của các công ty thương mại phải phát hành thư bảo đảm về hiệu suất hoạt động của các con tàu thuê này, làm cho tiền thuê trở nên cố định. Khi mọi thứ đã được ráp nối với nhau, họ cộng dồn thành một thương vụ khá bất thường. Bao có thể đóng tàu ở Nhật Bản, trả tiền cho hầu hết các con tàu đó bằng tiền của chính phủ Nhật Bản và sau đó cho các công ty Nhật thuê dài hạn, số tiền mà họ phải trả được các ngân hàng Nhật bảo lãnh. Sau một thời gian cho thuê, con tàu sẽ hoàn toàn thuộc về ông ta về mặt pháp lý. Như chàng rể người Áo của ông là Helmut Sohmen, người điều hành Tập đoàn Vận tải biển Bergesen WorldWide, nhận xét: “Đó là tư duy của một ông chủ ngân hàng luôn nhìn thấy khả năng khai thác lòng hảo tâm của chính phủ.”

Vấn đề của Bao là ông không có một ngân hàng. Ông có thể trích 20% số vốn để làm thêm vài con tàu, nhưng để nắm bắt cơ hội thực sự, ông cần có nhiều tiền hơn nữa. Quyết định của HSBC trợ giúp ông là rất quan trọng. Nó được thúc đẩy bởi Jake Saunders và Guy Sayer, hai người trở thành Chủ tịch của ngân hàng trong những năm

tiếp theo, và đã quen biết Y. K Pao qua công việc của họ tại bộ phận tài chính thương mại của ngân hàng. Thật khác thường khi các nhà quản lý người nước ngoài trực tiếp giao dịch với các doanh nhân người Trung Quốc “Vẫn còn một dải ngăn cách,” Sohmen nói nhưng thực tế là Bao đã tự học tiếng Anh, đã có một kiến thức nền tảng về ngân hàng và đã làm nên sự giàu có bằng cách khác biệt. Bản chất chắc ăn của các khoản đầu tư từ Nhật Bản là như vậy. HSBC tiếp tục cấp vốn cho Bao Ngọc Cương để ông mua thêm tàu và trở thành một đối tác bình đẳng trong các công ty liên doanh đầu tư vào vận tải biển. Vào năm 1979, Bao kiểm soát 202 con tàu với trọng tải hơn 20 triệu tấn. Đó là hạm đội lớn nhất thế giới, lớn hơn nhiều so với hai hạm đội Onassis và Niarchos của Hy Lạp hợp lại. HSBC được hưởng lợi lớn từ mối quan hệ của nó với Bao. Năm 1971, ngân hàng này đưa ông vào Hội đồng Quản trị, và sau đó trở thành Phó Chủ tịch ngân hàng. Bao là Giám đốc người Trung Quốc đầu tiên của ngân hàng, và việc bổ nhiệm ông báo hiệu sự khởi đầu của xu hướng các đại gia đang nổi người Trung Quốc ngồi chật kín phòng họp Hội đồng Quản trị của nó.

Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi Ngân hàng này hỗ trợ Bao tấn công vào các doanh nghiệp do người Anh kiểm soát, và nó thực sự làm rung chuyển giới có quyền uy ở Hồng Kông. Cuối thập niên 1970, Bao bán đi phần lớn hạm đội của mình để tích lũy tiền mặt cho những vụ đầu tư khác. Một số vụ đầu tư đó làm cổ phần của ông tăng dần tại Công ty hàng hải Wharf Hồng Kông và Cửu Long, và Công ty kho bãi Godown, một công ty liên kết với Jardine, Matheson. Khi Jardine quyết định tiễn đưa Pao bằng một giá đấu thầu tiếp quản vào năm 1980, ông đã ra đòn quyết định với đề nghị của họ bằng vốn tín dụng vay từ Ngân hàng HSBC và đã được Giám đốc bộ phận đầu tư của ngân hàng là Wardley tư vấn. Một vài năm trước đó, không ai có thể thể tưởng tượng rằng một doanh nhân Trung Quốc có thể lấy đi bất cứ thứ gì từ Jardine. Nhưng với sự hỗ trợ của HSBC, Bao đã làm được điều đó. Việc cơ quan quản lý giao dịch chứng khoán miễn trừ cho Bao khỏi phải đưa ra giá chung cho các cổ phần của Wharf, mà ông không có, chứng tỏ Pao bây giờ đã thực sự là người trong cuộc. Năm 1985, ông tiếp tục nắm quyền kiểm soát một công ty khác của người Anh là Wheelock Marden. Jardine, Matheson – đã có một thời không thể chạm tới – giờ trở nên khiếp sợ sự liên minh của HSBC với các đại gia Trung Quốc, và đã mất rất nhiều thời gian

trong thập niên 1980 để cơ cấu lại tổ chức một cách rất tốn kém nhằm chống lại các cuộc tấn công liên tục vào lợi ích của nó.

Cái gọi là doanh nghiệp của một ông hoàng thật đáng sợ, vì HSBC đã bước vào giai đoạn đỉnh cao trong sự phát triển của nó. Giữa những năm 1970, ngân hàng này đã sử dụng vốn riêng của mình để trở thành một nhân tố quan trọng trong doanh nghiệp vận tải biển của Bao, cũng như sở hữu một phần tư tài sản chính của doanh nghiệp Swire, hãng hàng không Cathay Pacific, và một phần năm tài sản của một doanh nghiệp đang lao đao của Anh là Hutchison Whampoa. Trong giao dịch với dự án đầu tư cuối cùng này, ngân hàng đã bịa ra mối quan hệ với một bố già, thậm chí quan trọng hơn mối quan hệ với Bao Ngọc Cương.

Nó xảy ra với sự chứng kiến của một Tổng Giám đốc điều hành thời hậu chiến có tiếng tăm và gây nhiều tranh cãi nhất của Ngân hàng HSBC Michael Sandberg, Chủ tịch Ngân hàng trong thời kỳ 19771986. Là một người lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm buôn bán và thực hiện các thương vụ so với người tiền nhiệm, Sandberg đã tỏa sáng như một hình tượng trang nghiêm của HSBC. Nhiều người nói ông ta luôn thèm khát cạnh tranh, đấu đá. Ông để lại dấu ấn rõ ràng của mình trong ngân hàng với việc xây dựng trụ sở chính tại Hồng Kông, một thiết kế không ngại tốn kém do kiến trúc sư nổi tiếng người Anh là Norman Foster thực hiện, và chi phí của nó cao hơn bốn lần so với tòa nhà lớn hơn ở ngay bên cạnh là Ngân hàng China. Sandberg còn xa hoa hơn nhiều trong việc trang trí ngôi nhà riêng do ngân hàng chu cấp cho mình, Sky High, nằm trên điểm cao nhất của Hồng Kông. Ở cấp độ chiến lược, ông bắt đầu toàn cầu hoá HSBC bằng việc mua lại Marine Midland ở Bắc New York năm 1980. Ông cũng đã mua lại hai ngân hàng thương mại ở London và cố gắng mua Ngân hàng Hoàng Gia Scotland ở Anh, nhưng không thành. Tuy nhiên, do mối quan hệ với Lý Gia Thành mà Sandberg được mọi người ở Hồng Kông nhớ đến. Sandberg khẳng định Lý là người kế tục Bao Ngọc Cương “với tư cách là bố già đầu đàn” khi ông ta đặt vào tay ông một cổ phần kiểm soát trong Hutchison Whampoa bằng cách bán không qua đấu thầu.

Ngân hàng đã sở hữu phần vốn này qua cuộc thoát hiểm của Hutchison và công ty con của nó trước đây là Công ty vũng tàu Hồng Kông và Whampoa hồi đầu thập niên 1970. Giống như Peregrine, 25 năm sau đó, Hutchison chìm đắm vì kinh doanh mạo hiểm ở Indonesia, trong hoạt động cho thuê theo từng vụ việc của nó. Ngân hàng Hồng Kông tái cấp vốn, và Hutchison Whampoa đã phải bán 22% vốn sở hữu của nó cho một nhà quản lý người Úc là Bill Wyllie để làm cho nó mạnh trở lại. Hai năm sau khi Sandberg trở thành chủ tịch HSBC, ông đã quyết định bán doanh nghiệp chết đi sống lại này. Tuy nhiên, ông đã làm như vậy mà không tuyên bố rộng rãi với những người mua tiềm năng hai doanh nghiệp do người Anh thống trị, Jardine và Swire, hoặc Bao Ngọc Cương, hiện là đối tác người Trung Quốc của Ngân hàng. Thay vào đó, thương vụ này được giải quyết trực tiếp với Lý Gia Thành, với những điều khoản cực kỳ hào phóng. Bill Wyllie tính toán rằng, cái giá đã thỏa thuận là 639 triệu đôla Hồng Kông, thấp hơn một nửa giá trị tài sản ròng của các doanh nghiệp hợp thành Hutchison. Và ông nói rằng, có nhiều người mua xếp hàng để trả giá cao hơn nhiều. “Đối với Lý, đó là một thương vụ thành công rực rỡ,” hơn hai thập kỷ sau đó, Wyllie nhớ lại. “Giá trị khi giải thể của công ty này lớn gấp đôi số tiền ông ta đã trả.” Hơn nữa, Lý được thanh toán chậm, lại được giảm giá thực sự. Một vụ mua bán không qua đấu thầu với giá rất thấp thường đặt ra rất nhiều dấu hỏi. Tuy nhiên, ở cấp độ chiến lược, quyết định bán cho Lý không phải là một cú đặt cược ngây ngô. Năm 1979, khi thương vụ Hutchison đã xong xuôi, Công ty Cheung Kong của Lý Gia Thành là công ty bất động sản lớn thứ hai ở Hồng Kông, chỉ đứng sau Hồng Kông Land của Jardine. Sau đó, các tài sản chủ yếu của Hutchison đã đảm bảo cho Lý bước lên địa vị cao nhất trong số các đại gia. Ông có được vị trí dẫn đầu trong cartel hải cảng và container, một phần độc quyền song mại trong hệ thống bán lẻ, siêu thị, các hiệu thuốc tây với PARKnSHOP và Watsons (người sở hữu khác là Jardine), và nhiều mảnh đất có giá trị trên đảo Hồng Kông. Tóm lại, Lý đã tham gia lắp ghép các mảnh ghép thương mại dễ chịu thời thuộc địa thành nền kinh tế trong nước của Hồng Kông. Ông đã làm việc với Ngân hàng Hồng Kông, để đến những năm 1980 và năm 1990, nó sẽ đưa phần lớn các doanh nghiệp đi đúng con đường của chúng. Một Giám đốc cao cấp của Lý đã nhận xét: “Cái xương sống hiện tại của Lý là, các doanh nghiệp mà ông có được đều thông

qua các ngân hàng.” Ông là một Phó Chủ tịch không tham gia điều hành của Ngân hàng Hồng Kông, kế tục xuất sắc Bao Ngọc Cương, vì ngân hàng đang có xu thế lấp đầy các vị trí không điều hành trong Hội đồng Quản trị bằng các đại gia người Trung Quốc. Điều này cũng đưa ra thông điệp cho các bố già khác rằng Ngân hàng sẵn sàng cấp vốn cho họ.

Sandberg đã phát triển mối quan hệ gần gũi với những tay chơi lớn khác, như Trịnh Dụ Đồng của New World. Tất cả mọi người (trừ gia đình Keswick tại Jardine, Matheson) đều vui vẻ. Ngân hàng Hồng Kông củng cố vị thế là nhà cung cấp vốn thống trị tại trung tâm tài chính dẫn đầu của Đông Nam Á. Các đại gia người Trung Quốc được phép phát huy tiềm năng và can thiệp vào các doanh nghiệp của thực dân, và cấu trúc cartel cơ bản của nền kinh tế địa phương vẫn còn nguyên vẹn. Khi Sandberg về hưu vào năm 1986, K. S Li đã chứng tỏ mối quan hệ thân tình của họ bằng cách tặng ông ta một món quà là bản sao tổng hành dinh mới của Ngân hàng Hồng Kông, cao khoảng một mét bằng vàng ròng. Một nhóm khách mời có chọn lọc tại một bữa tiệc tối được tổ chức tại khách sạn Hilton của Lý đã kinh hoàng khi nhìn thấy vật kỷ niệm thể hiện lòng sự trìu mến không hề khiêm tốn ấy được mở ra.

Với vai trò chi phối việc bổ nhiệm những chức vụ quan trọng trong chính phủ trước các đại gia, HSBC mới giữ được vị trí nổi bật nhất mình tại đặc khu hành chính này suốt thời hậu chiến. Tất cả các bạn bè tri kỷ thậm chí một người như Henry Hoắc, người có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong lý thuyết, đã kết thúc mối quan hệ của mình với chính quyền Anh đều có mối quan hệ lớn với cái mà ở Hồng Kông chỉ được gọi đơn giản là “ngân hàng”. Tất nhiên, chọn ra những người chiến thắng cũng không phải hoàn toàn dễ dàng.̣Dưới thời Sandberg, đã có cảnh tượng Chủ tịch ngân hàng thất bại dưới tay một nghệ sĩ xuất sắc nhất về lừa bịp của mọi thời đại, George Trần. Trần đã bị phá sản ở Singapore, ông ta đến Hồng Kông năm 1972 và ở đó quá thời hạn thị thực khoảng 11 năm. Với số tiền vay mượn được và bằng rất nhiều vụ hối lộ cùng sự cả gan, trơ tráo, ông ta đã tạo dáng cho công ty đầu tư “nóng nhất” Hồng Kông đầu những năm 1980 là tập đoàn Carrian. Các hoạt động của Trần được diễn ra trong một văn phòng ốp gỗ sang trọng với các tác phẩm nghệ thuật đắt tiền và

các tấm thảm phương Đông quý phái. Ông ta thuê một đội gweilo, “các chú chó Tây theo đuôi ông chủ” làm cho ông ta phần nào trông giống một bố già. Đường dây cấp vốn lớn nhất của ông ta đến từ chi nhánh tại Hồng Kông của Ngân hàng Bumiputra thuộc chính phủ Malaysia. Nhưng người đỡ lưng chủ yếu ở địa phương của Trần là một người mà ông ta thường gọi là “Bác Mike”. Sandberg đã mất cả chì lẫn chài với George Trần. Ông ta đã cùng Trần giải trí trong lô riêng của mình tại trường đua ngựa

ở Hồng Kông và giới thiệu Trần với các doanh nhân chủ chốt ở xứ thuộc địa này. Ngân hàng Hồng Kông đã cho Trần vay một số tiền đáng kể. Khi trả lời phỏng vấn của các nhà báo, Sandberg cho biết tổng số tiền Trần vay là gần 200 triệu đôla Mỹ. Điều quan trọng hơn, chứng thực của Sandberg và của ngân hàng cho Trần đã khuyến khích các ngân hàng châu Âu và Mỹ cùng hỗ trợ ông ta. Khi Carrian sụp đổ, giữa lúc thị trường bất động sản Hồng Kông đang rớt giá, các khoản nợ lên tới 1,3 tỉ đôla Mỹ của nó là một vụ phá sản lớn nhất chưa từng có ở Hồng Kông. Vụ này là bằng chứng mạnh mẽ đối với sức mạnh của HSBC, cả trực tiếp và gián tiếp, trong việc phân bổ vốn ở xứ thuộc địa này.

Sandberg về hưu vào năm 1986 với tư cách là một quý tộc người Anh, sống ở một điền trang vùng Hampshire, bị các cuộc điều tra hình sự xung quanh George Trần động đến một vài lần. Tuy nhiên, danh tiếng của ngân hàng “cũng chịu ảnh hưởng một chút vào cuối thời của ông”, như một cựu đồng nghiệp cấp cao thừa nhận. Sandberg cắt đứt mối quan hệ với George Trần, và một người Úc tên là Alan Bond người sẽ là đại gia châu Á trong tương lai. Ông đã phải vào tù, cũng như việc ông nhận quà của các doanh nghiệp đã bắt đầu làm cho một số bạn bè của ông cảm thấy xấu hổ. “Ông ta sưu tầm những chiếc đồng hồ ngộ nghĩnh. Ngày này qua ngày khác, ai cũng tặng ông ta đồng hồ,” một đồng nghiệp nhớ lại, ám chỉ bộ sưu tập đồng hồ vĩ đại của Sandberg. Sandberg đã bán đấu giá bộ sưu tập này năm 2001 với giá chỉ hơn 13 triệu đôla, chỉ tặc lưỡi thêm một lần. Tuy nhiên, dù có những điểm yếu mang tính cá nhân, và mặc dù đã bán Hutchison trong một thương vụ không gọi thầu cho Lý Gia Thành, Sandberg đã hoàn thành công cuộc chuyển đổi nền kinh tế Hồng Kông, bắt đầu từ khi ngân hàng hỗ trợ Bao Ngọc Cương. Từ đó, hai doanh nghiệp của người Anh còn sống sót Swire và Jardine suy yếu hơn nhiều sẽ chia sẻ quyền lực trong nền

kinh tế quốc nội với một nhóm các đại gia người Trung Quốc. Đó là kết quả của những quyết định do người nắm giữ cao nhất việc phân bổ nguồn vốn ở Hồng Kông Ngân hàng Hồng Kông đưa ra.

CÁC NGÂN HÀNG LUÔN LUÔN NÓI “CÓ”

Singapore đã nghe được tiếng vang về một số kinh nghiệm của Hồng Kông, với bốn ngân hàng lớn nhất quyết định sự tiếp cận nguồn vốn. Sự khác biệt là, đằng sau bốn ngân hàng này, trực tiếp và gián tiếp, đều thuộc một gia đình, những người trong dòng tộc nhà Lý. Chính phủ đã ngừng toàn bộ việc cấp phép hoạt động ngân hàng vào năm 1973, giới hạn hoạt động của các ngân hàng thương mại nước ngoài và giúp đỡ các ngân hàng địa phương bằng cách cho phép nhập vào các dòng sản phẩm mới và khởi động việc tiếp quản. Lớn nhất trong số các ngân hàng địa phương là Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) do nhà nước sở hữu. Các đấu thủ lớn khác trong cuộc chơi Ngân hàng Trung Quốc hải ngoại (OCBC) và Liên hiệp các ngân hàng hải ngoại (UOB, đã tiếp quản một ngân hàng tư nhân lớn thứ ba là Ngân hàng Liên doanh hải ngoại OUB vào năm 2002) được điều hành bởi các gia đình đã Anh hóa, người đứng đầu gia đình thường xuất thân từ tầng lớp tinh hoa, và là chỗ thân tình của Lý Quang Diệu. Kết quả là, các bố già địa phương không hoạt động ngân hàng sau đó đã có ý thức rõ ràng về sự cần thiết đứng ở phía bên phải gia đình Lý để giữ cho đường dây tín dụng của họ luôn luôn mở. Khi một gia đình như thế, gia đình Hoàng Đình Phương chẳng hạn, được mời đến một cuộc tụ tập do nhà Lý tổ chức, cha, con trai Philip (đóng trụ sở tại Singapore) và con trai Robert (đóng trụ sở tại Hồng Kông) sẽ nói về bất cứ việc gì họ đang làm và nhiệt tình mời mọi người tham dự. Lý Quang Diệu hiểu rất rõ giá trị của việc kiểm soát hầu bao của Singapore sau khi độc lập, cũng như những vấn đề chính trị của nó.

Ở những nơi khác trong khu vực, cuộc chiến để tiếp cận nguồn vốn xảy ra theo những cách khác nhau. Thay vì làm con tin cho một tổ chức ngân hàng của bên thứ ba đang thống trị như ở Hồng Kông, hoặc một hệ thống ngân hàng nằm dưới ngón tay trỏ của một triều đại đang cầm quyền như ở Singapore, các đại gia hàng đầu chiếm ưu thế

vì họ có những người bảo trợ về chính trị để có thể điều hành ngân hàng của riêng mình. Đây là một đóng góp cho cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng chẳng chính phủ nào dám thừa nhận. Một phần lý do là hiệu quả hoạt động của các ngân hàng nhà nước từ lâu đã rất kém, chúng hình như luôn là nạn nhân của nạn tham nhũng. Nghĩ hơi tò mò một chút thì các nhà hoạch định chính sách nghĩ rằng, ngân hàng của các bố già có thể còn tốt hơn so với nhiều ngân hàng thuộc sở hữu tư nhân. Tất nhiên, việc cấp giấy phép hoạt động ngân hàng là nguồn gốc của nhiều vụ hối lộ béo bở nhất trong khu vực. Nước khởi đầu cho việc quản lý ngân hàng một cách tồi tệ là Philippines.

Việc lạm dụng nghiên cứu về hệ thống ngân hàng của các đại gia người Philippines lần đầu tiên được thực hiện dưới thời Mỹ cai trị. Người Mỹ đã tình cờ trở thành thực dân ở một mức độ nào đấy sau chiến thắng của họ trong cuộc chiến tranh Mỹ Tây Ban Nha năm 1898 đã chuyển giao một phần quyền lực đáng kể cho tầng lớp tinh hoa địa phương trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Từ năm 1916, người Philippines kiểm soát cả hai viện của Quốc hội và điều khiển nền hành chính quốc gia rất nhiều, dưới sự giám sát hạn chế của một thống tướng Mỹ. Đồng thời, Mỹ cũng thiết lập Ngân hàng Quốc gia Philippines (PNB) với tư cách là một ngân hàng phát triển của nhà nước, được cấp vốn đầy đủ để hỗ trợ công cuộc hiện đại hóa. Nó giữ tiền gửi của chính phủ, phát hành giấy bạc và giao dịch ngoại hối. Thật không may, sự kết hợp của quyền lực chính trị đã được chuyển giao và bộ máy hành chính quan liêu yếu kém đã không thể kiềm chế được các doanh nhân chuyển thành chính trị gia, và cái ngân hàng lớn nhét đầy tiền này đã chứng tỏ đó là một sự kết hợp tồi tệ. Ngay từ đầu, việc đăng ký vay của PNB đã tăng lên trên cơ sở ưu tiên chính trị được các gia đình làm nông nghiệp có thế lực đề xuất. Ban Giám đốc ngân hàng và các cộng sự của họ cũng ở trong số những người vay lớn nhất. Khi tiền gửi của chính quyền địa phương và ngân hàng dự trữ nước ngoài tại New York được tuôn ra như một nguồn vốn vay, PNB gần như một ngân hàng trung ương đã có thể in tiền để tiếp tục cho vay. Vào năm 1921, chỉ 5 năm sau khi chuyển giao quyền lực, các bố già địa phương đã không chỉ làm cho Ngân hàng Quốc gia Philippines vỡ nợ, mà họ còn làm tiền tệ mất giá và làm cho chính phủ trung ương ở bên lề của sự phá sản.

Đó là sự khởi đầu ấn tượng của các đại gia và sự báo hiệu cho những gì sẽ đến sau khi độc lập vào năm 1946. Trong thời kỳ này, việc chú trọng vào ngành tài chính đã chuyển sang việc tạo ra các ngân hàng tư nhân mới, cùng với đó là các ràng buộc pháp lý về hoạt động của các tổ chức nước ngoài. Số lượng các ngân hàng thương mại tư nhân tăng từ 1 vào cuối năm 1940 lên đến 33 vào năm 1965. Paul Hutchcroft, chuyên gia hàng đầu về hệ thống tài chính ở Philippines đã nhận xét: “Gần như các gia đình lớn đều đầu tư vào ngân hàng.” Chính phủ, lúc này đã trở thành đồ chơi của các doanh nghiệp đầu sỏ, hỗ trợ các ngân hàng mới này với các yêu cầu về vốn thấp, tiền gửi của nhà nước, ngân hàng trung ương cho vay lại và bảo lãnh việc giao dịch ngoại hối. Trong khi đó, các gia đình đứng sau các ngân hàng đã lấy tiền trong ngân hàng để cho các công ty của riêng mình và của bạn bè vay. Cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Gregorio Licaros đã trả lời phỏng vấn của Tạp chí Kinh tế Viễn Đông năm 1978: “Một doanh nhân người Philippines thuộc hạng trung cũng lập ngân hàng, không phải vì lợi nhuận do ngân hàng mang lại mà để sử dụng ngân hàng của mình cho các doanh nghiệp trong liên minh”.

Không ai ở Philippines bị truy tố vì cho vay bất hợp pháp, do đó mọi ngân hàng ở Philippines đều liên quan đến cuộc khủng hoảng. Khủng hoảng bắt đầu vào giữa thập niên 1960 và không bao giờ ngừng lại. Năm 1964, người ta đổ xô đến Ngân hàng Public, một ngân hàng tư nhân lớn thứ ba. Danh mục cho vay của các ngân hàng có mối quan hệ mật thiết với giới chính trị có thể tăng lên rất nhanh vì một nửa số tiền gửi được nói là tiền nhà nước. Các khoản vay lớn được gia hạn với người chưa vay đủ hoặc không có tài sản thế chấp, và khoảng một nửa số tiền này đã đến với các thành viên của Hội đồng Quản trị ngân hàng. Khi người ta đổ xô đến ngân hàng này và đe dọa đẩy nó đến bờ vực phá sản, ngân hàng trung ương đã ra lệnh cho PNB tiếp quản nó. Nhưng một cổ đông giữ quyền kiểm soát Ngân hàng Republic, đại gia rượu và gỗ Pablo R. Roman, lại có ý tưởng khác. Ông được bầu vào một ghế trong Quốc hội tại cuộc bầu cử năm 1965, đã trở thành Chủ tịch của Ủy ban Ngân hàng, tiền tệ và các tổng công ty. Ông đã kiện ngân hàng trung ương về việc đã xử lý Ngân hàng Republic. Ông đã thắng một loạt vụ kiện dựa trên lập luận rằng ngân hàng trung ương đã “tuỳ tiện” trong hành xử, và ông đã được khôi phục vị trí chủ tịch ngân hàng của mình vào

năm 1968. Tương tự như vậy, tòa án tối cao bãi bỏ các lệnh thanh lý Ngân hàng hải ngoại Manila do đại gia Emerito Ramos điều hành, sau khi nó được ngân hàng trung ương tiếp quản vào năm 1967 vì cho vay nội bộ hàng loạt và vi phạm nhiều quy định khác.

Trong thời thiết quân luật của Marcos, sự lạm dụng các ngân hàng trở nên tồi tệ hơn. Sau khi hứa giải thoát đất nước khỏi “một chính thể đầu sỏ hợp lý hóa cho bản thân mọi quyền lực và lợi ích”, ông và đám bố già thân cận đã nắm quyền kiểm soát hàng chục ngân hàng. Lucio Trần, một bố già đầu bảng người Philippines, cho đến nay vẫn sống sót, đã kiểm soát được Ngân hàng Liên minh từ đống tro tàn của General Bank và and Trust Co. (GenBank), đã khốn khổ vì cuộc đổ xô năm 1976 sau khi cho các cổ đông chính của mình vay quá nhiều tiền. Tân, người thường xuyên hợp tác đầu tư với Marcos, và các cộng sự đã “mua” GenBank trong một phiên đấu giá năm 1977 được tổ chức sau khi thông báo chỉ có ba ngày. Năm 1990, Ủy ban Vì một chính phủ tốt đẹp của Philippines cáo buộc ông đã trả một khoản tiền, nhưng ít hơn 1% so với giá trị ước tính của GenBank tại thời điểm đó. Sau đó, Tân được cấp giấy phép thành lập ngân hàng mới hoàn toàn và GenBank trở thành Ngân hàng Liên minh, tiếp tục duy trì lợi ích từ một dòng vốn vay từ ngân hàng trung ương và ngân hàng trung ương lại bảo lãnh cho nó vay vốn của ngân hàng nước ngoài. Chỉ trong hai năm, nó trở thành ngân hàng lớn thứ ba trong cả nước.

Ít nhất, Trần đã chứng minh được bản lĩnh của mình trong kinh doanh, không giống như hầu hết những ông bạn nối khố của Marcos. Roberto S. Benedicto, bạn học của Marcos tại trường luật ở Philippines, bạn chơi gôn yêu thích và đối tác kinh doanh thường xuyên, lần đầu tiên được giao làm Chủ tịch Ngân hàng quốc gia Philippines, và sau đó được phép tiếp quản hai ngân hàng tư nhân. Ông và bạn bè của mình đã cướp đoạt mọi ngân hàng, một trong số đó là Ngân hàng Republic Planter, có thể cho vay một nửa số quỹ với sự cấp vốn của ngân hàng trung ương. Herminio Disini, người đã kết hôn với Imelda, cô em họ thứ nhất của Marcos, cũng được giao quyền kiểm soát hai ngân hàng. Tiền trong các ngân hàng đó giúp anh ta thành lập một văn phòng ban đầu chỉ có một thư ký và một người đưa tin vào năm 1969, nhưng đã phát triển

lên thành một tập đoàn có 50 công ty, từ hóa dầu cho đến năng lượng hạt nhân, vào giữa những năm 1970.

Những trò hề như thế đã phổ biến ở Philipines đầu những năm 1980, khi cái chế độ nợ nần chồng chất đã hoàn toàn lệ thuộc vào các khoản vay nước ngoài và một số ngân hàng đang có nguy cơ đổ vỡ. Tuy nhiên, sau sự ra đi của Marcos năm 1986, chính phủ của Cory Aquino đã giải cứu hệ thống ngân hàng bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất cao và cung cấp thêm những khoản tiền gửi của chính phủ với lãi suất thấp. Hành động này đã phải trả giá vào năm 1993, khi ngân hàng trung ương cũ bị đóng cửa với một khoản kết sổ trị giá 12 tỷ đôla của kho bạc nhà nước và những người nộp thuế. Chi phí dịch vụ hàng năm của khoản nợ này, giữa những năm 1990, là lớn hơn ngân sách chi cho y tế của Philippines. Các đại gia này, những người không mất gì, như Benedicto và Disini, trốn chạy cùng với Marcos, và Ủy ban vì một chính phủ Philippines tốt đẹp, may mà còn sống sót, nhận thấy các ngân hàng của họ hồi sinh bằng tiền công và có thể củng cố việc định giá những cartel vào cuối thập kỷ 1990 đã cho họ những lợi nhuận tốt nhất ở châu Á. Mặc dù mọi cartel thương mại, sản xuất và doanh nghiệp độc quyền được Marcos và những người khác ở Philippines phê chuẩn, Paul Hutchcroft vẫn kết luận rằng ngành ngân hàng luôn luôn là “thành trì vững chắc nhất của các đặc quyền và lợi nhuận”.

DẢI THIÊN HÀ CÁC NGÂN HÀNG

Biến thể về chủ đề lợi nhuận ngân hàng của Indonesia vượt trội về số lượng tuyệt đối của các ngân hàng được phép hoạt động trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á không ít hơn 240. Giữa những năm 1990, tất cả các doanh nghiệp lớn trong nước, và nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn, đã đổ xô đến một ngân hàng đang cho vay điên cuồng, dẫn đến sự sụp đổ của cả hệ thống tài chính năm 19971998. Không chỉ các bố già bình thường có ngân hàng, con cái Suharto cũng có ngân hàng, các tổ chức thu gom đồ hối lộ của Suharto có ngân hàng và các phe phái khác nhau của quân đội cũng có ngân hàng.

Với nhiều ý tưởng xấu, dải thiên hà các ngân hàng của Indonesia bắt nguồn từ một nỗ

lực có thiện ý để giải quyết một vấn đề đã tồn tại nhiều năm. Giống như Philippines và Malaysia, Indonesia sau độc lập đã mắc phải một vấn đề tồn tại từ lâu với các ngân hàng nhà nước được tạo dựng bởi các bố già và các chính trị gia tham nhũng để tài trợ các dự án đầu tư không xứng đáng cho vay. Cuối những năm 1980, tỷ lệ các ngân hàng nhà nước có lãi suất hoặc tiền vốn hoặc cả hai không được hoàn trả chiếm khoảng một phần năm, và tình trạng này tiếp tục xấu đi hơn nữa trong những năm 1990. Tiến về phía trước, những người ủng hộ chế độ kỹ trị trong chính phủ quyết định bãi bỏ hệ thống tài chính này và tăng cường thêm các ngân hàng tư nhân theo định hướng lợi nhuận. Không may, việc bãi bỏ quy định đã được thực hiện nhưng không có một khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ, và quan trọng hơn, các nguyên tắc thường được soạn thảo ra rất nhanh lại thường được thi hành kém hiệu quả. Số tiền trả vốn cho ngân hàng mới chỉ được 12 triệu đôla. Hầu hết các ngân hàng nhanh chóng cắt bớt đầu tư và tăng thêm vốn bằng việc niêm yết các mức lãi suất tối thiểu trên thị trường chứng khoán Jakarta. Từ năm 1988 tới giữa những năm 1990, có khoảng 120 ngân hàng mới mở. Tuy nhiên, thay vì tìm cách tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông của mình, chúng đã trở thành nguồn cung cấp vốn giá rẻ cho các bố già đang kiểm soát chúng. Giới hạn cho vay đối với các bên liên quan chưa bao giờ được ngân hàng trung ương thi hành, và nó cũng không điều chỉnh có hiệu quả các khoản vay từ nước ngoài. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, các nhà điều tra phát hiện ra mức độ nguy hiểm về tài chính bất thường của các công ty anh chị em trong số các ngân hàng của những bố già lớn. Tại Ngân hàng Trung Á của Lâm Thiệu Lương, các khoản vay của các chi nhánh chiếm đến 60%, so với ngưỡng cho vay tối đa theo quy định của luật pháp là 20%. Tại một ngân hàng tư nhân lớn khác, Ngân hàng Dagang Negara Indonesia (BDNI) của Sjamsul Nursalim, các chi nhánh chiếm hơn 90% số tiền vay. Chính vợ Nursalim, người đã lấy mẫu tòa nhà chọc trời của Ngân hàng China do I. M. Pei sở hữu ở Hồng Kông, rồi yêu cầu các kiến trúc sư người Mỹ gốc Trung Quốc xây hai tòa nhà như thế, ở cạnh nhau, tại Jakarta cho BDNI. Phần cao nhất của siêu cấu trúc này là một đôi cột bằng bêtông dựng đứng lên như hai điếu thuốc lá khổng lồ.

Không thiếu những thông tin về ngành ngân hàng Indonesia được dẫn dắt như thế nào trong những năm 1990. Điều đó giúp Edward, con trai cả của đại gia giàu thứ hai

nước này, William Soeryadjaya, chỉ cần ba năm để tạo ra một trong mười ngân hàng lớn nhất Indonesia, tự cho mình vay tiền nhiều nhất để bỏ vào các dự án ở khắp Đông Nam Á. Sự sụp đổ của Ngân hàng Summa vào đầu năm 1993, với khoản nợ phải trả gần 700 triệu đôla cần được coi là lời cảnh báo mạnh mẽ. Edward Soeryadjaya đã ra giá cho việc gia đình ông kiểm soát công ty ôtô Astra của Indonesia, và vượt lên cha mình trong bảng xếp hạng các đại gia. Nhưng các bố già khác mua lại tài sản của Soeryadjaya, ngân hàng trung ương nhận một khoản nợ khác trên sổ sách của mình và cuộc sống cứ thế tiếp diễn. Năm 1994, một trong bảy ngân hàng nhà nước lớn là Bapindo sụp đổ do sức nặng của việc cho vay có sự điều khiển của các chính trị gia. Năm 1995, Ngân hàng Pacific, một ngân hàng tư nhân cỡ trung do gia đình đại gia dầu lửa Ibnu Sutowo kiểm soát bị vỡ nợ sau khi bảo lãnh 1 tỷ đôla chi phiếu thương nghiệp lãi suất cao cho nước ngoài, chủ yếu cấp vốn đầu tư cho các doanh nghiệp gia đình khác. Ngân hàng trung ương đã giải thoát Ngân hàng Pacific bằng tiền của những người đóng thuế.

Với sự nhận thức muộn mằn, chẳng ngạc nhiên gì khi năm 1997, hệ thống tài chính của Indonesia đã rơi vào khủng hoảng. Greg Sirois, người đã điều hành một doanh nghiệp cho thuê tài chính đối với Ngân hàng Summa trước khi nó đổ bể, nói về tình huynh đệ của các đại gia: “Mọi người đều có một hay hai ngân hàng, và họ dược phóng lên vị trí mà họ không được đào tạo để làm việc với nó”. Kevin O’Rourke, một nhà cựu kinh doanh chứng khoán ở Jakarta và là tác giả của một tác phẩm lớn về cuộc khủng hoảng tài chính, đã có một cái nhìn xa hơn: “Với thực trạng rõ ràng của hệ thống ngân hàng ở Indonesia, cuộc khủng hoảng đã được kích hoạt, có hiệu lực như sự thanh toán một lần cho nhiều thập kỷ làm ăn sai trái.” Tuy vậy, ở Philippines, với các bố già có ngân hàng, đặc biệt là những bố già lớn, chính phủ không dám để họ thất bại. Khi cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn ở Indonesia từ tháng 11 năm 1997, các ngân hàng của những đại gia lớn đề nghị được nhận các khoản vay từ ngân hàng trung ương để trang trải cho các nhu cầu rút tiền. Có ít nhất hai phần ba các khoản vay đã đến với các ngân hàng của bốn bố già: Lâm Thiệu Lương, Sjamsul Nursalim, Mohamad “Bob” Hasan và Usman Atmadjaya. Sau đó, các kiểm toán viên phát hiện ra rằng các khoản vay từ ngân hàng trung ương với tổng trị giá 14 tỉ đôla, bằng khoảng ba lần số tiền

được rút từ các ngân hàng trong thời gian chúng được giải ngân. Có thể các bố già sử dụng các khoản tín dụng vay từ ngân hàng trung ương để mua ngoại tệ (giúp bình ổn tỉ giá hối đoái của đồng rupi trong lúc cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm) để chuyển tài sản của họ ra nước ngoài, đặc biệt là sang Singapore. Không nghi ngờ gì nữa, các bố già thích cuộc khủng hoảng không bao giờ xảy ra, vì việc mở ngân hàng của họ được hưởng chính sách bảo hiểm lãi suất. Khi cơn lốc bụi đã lắng xuống, Cơ quan tái cấu trúc ngân hàng của Indonesia (IBRA) cố gắng trừ bớt tiền của chính phủ và ngân hàng trung ương bằng cách chấp nhận tài sản của các đại gia mà giá trị của nó đáng phải nghi ngờ. Một trong những vụ nổi tiếng nhất là khi Nursalim bàn giao một trang trại nuôi tôm rộng lớn, cùng nhà máy chế biến, ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers đã định giá 1,8 tỉ đôla. Hai năm sau đó những người thẩm định của IBRA đã xác định giá trị thực của nó chỉ là 100 triệu đôla. Tổng số tiền kết sổ của IBRA khi nó đã chấm dứt nỗ lực giải phóng cái mặt bằng đổ nát của cuộc khủng hoảng tài chính trong năm 2004 là 56 tỉ đôla. Ngành tòa án không chấp nhận gần như tất cả các viện dẫn mà nó đưa ra để chống lại các con nợ.

ĐÓ LÀ NƠI ĐỂ TIỀN

Câu nói này được quy cho một tên cướp nhà băng khét tiếng ở Mỹ tên là Willy Sutton “Tôi cướp ngân hàng vì đó là nơi để tiền” sẽ không phải là một bản mô tả công việc không chính xác đối với nhiều bố già châu Á. Sự tàn phá mà các đại gia tạo ra do quá lạm dụng các ngân hàng tư nhân và nhà nước được nhấn mạnh bởi sự phụ thuộc nặng nề đến bất thường của khu vực vào ngành tài chính ngân hàng. Trước cuộc khủng hoảng tài chính, việc cho vay của ngân hàng chiếm khoảng một nửa đến bốn phần năm tất cả các tài sản tài chính ở các nước Đông Nam Á, so với một phần năm tại Mỹ. Việc cho vay tại các nước này trong thập kỷ trước khi có cuộc khủng hoảng đã được thúc đẩy bởi sự gia tăng lượng tiền gửi ngân hàng trong nước trung bình hàng năm là hơn 20%, vì tỉ lệ tiết kiệm trong các hộ gia đình cũng tăng lên. Các số liệu đã được đơn giản hóa: những người bình thường gửi tiền vào ngân hàng và các bố già dùng nó để cấp vốn cho các dự án đầu tư của họ, dẫn dắt sự tăng trưởng bằng cách cho vay ở khắp Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines từ năm 1986 tới năm 1996.

Hệ thống tài chính sẽ an toàn hơn nhiều nếu nó được đa dạng hóa qua ngân hàng, cổ phiếu, trái phiếu, cho thuê tài chính và các công cụ khác theo cách thức tương tự như
ở châu Âu và Mỹ. Thị trường chứng khoán trong khu vực đã được mở rộng nhanh chóng từ những năm 1980, nhưng vẫn còn tương đối nhỏ và bị người trong nội bộ các công ty chứng khoán tác oai tác phúc. Thị trường trái phiếu đã được dự định chiếm khoảng một phần mười, được coi là quan trọng, trong điều kiện tương đối giống như
ở các nước phát triển. Có nhiều lý do cho vấn đề này, nhưng lý do đơn giản nhất là: chỉ có giới quý tộc kinh tế ở Đông Nam Á mới vay được tiền của ngân hàng một cách dễ dàng. Ở khắp mọi nơi trên thế giới, các ngân hàng thương mại đều có vấn đề nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel là Merton Miller gọi hoạt động ngân hàng là “một công nghệ thiên về thảm họa của thế kỷ XIX” nhưng trong bối cảnh Đông Nam Á, các ngân hàng là một thảm họa được bảo lãnh để xảy ra.

Có lẽ, kẻ cướp đoạt ngân hàng tinh tế nhất và tương đối tiêu biểu là bố già được tôn kính ở Singapore, Khâu Đức Bạt, người đã qua đời vào năm 2004. Ông ta là một đại gia điển hình được tôn trọng nhất, sinh ra trong một gia đình giàu có, là con trai của Khoo Yang Thin, một nhà đầu tư vào Ngân hàng Phúc Kiến ở Singapore, được sáp nhập vào Tập đoàn Ngân hàng Trung Quốc hải ngoại (OCBC) năm 1933. Ông thường cố gắng chứng minh thị hiếu đơn giản của mình mặc quần áo rẻ tiền và mua bữa ăn trưa từ một gian hàng ở chợ trong khi nắm giữ nhiều phi đội xe RollsRoyces, Mercedes và BMW. Khoo bắt đầu làm việc tại OCBC và thăng tiến đến vị trí Phó Tổng Giám đốc. Tuy nhiên, ông không bao giờ có quyền kiểm soát doanh nghiệp này. Năm 1959, ông bỏ ra ngoài và bắt đầu thành lập Tập đoàn Ngân hàng Mã Lai tại Kuala Lumpur, mở rộng nó rất nhanh chóng với 100 chi nhánh ở khắp Malaysia và Singapore chỉ trong vòng sáu năm. Phần lớn các khoản tiền đã được chính Khâu vay cho các dự án đầu tư, đặc biệt là bất động sản, bao gồm cả đầu tư vào khách sạn lớn của mình tại Singapore. Tuy nhiên, tin đồn về quy mô các khoản vay cho chính mình của Khâu dẫn đến sự đổ xô về ngân hàng này năm 1966, và chính phủ Malaysia buộc ông phải từ bỏ quyền kiểm soát.

Cuộc phiêu lưu về ngân hàng tiếp theo của Khâu là ở Brunei. Ông đã thuyết phục

quốc vương Hồi giáo Omar Ali Saifuddien III (cha của quốc vương hiện hành) cho thành lập Ngân hàng Quốc gia Brunei vào năm 1965. Các thành viên khác nhau của gia đình hoàng gia đã tham gia làm cổ đông thiểu số của ngân hàng này. Đó là ngân hàng duy nhất ở quốc gia nhỏ bé này và chịu sự giám sát thận trọng tối thiểu. Khâu đã sớm thực hiện các khoản vay lớn cho chính mình để mở rộng các công ty bất động sản tại Singapore, Úc và các nơi khác. Sự sắp xếp như vậy kéo dài hai thập kỷ cho đến khi quốc vương Omar qua đời năm 1986, và con trai ông đã thuê các nhà điều tra người Mỹ kiểm tra sổ sách của Ngân hàng. Việc cho vay vốn thực hiện đối với các công ty của Khâu là chủ yếu, vì vậy vị quốc vương mới đã đóng cửa ngân hàng này. Khâu thu xếp để tránh bị bắt, có lẽ ông đã luồn lọt để bán hết tài sản và quyết toán với kho bạc Brunei. Con trai của ông là Khoo Ban Hock, nguyên là Chủ tịch ngân hàng, bị hai năm tù giam. Điều trớ trêu nhất trong cuộc phiêu lưu ngân hàng của Khâu là cùng năm đó, Ngân hàng quốc gia Brunei đã hạ thấp giá trị số tiền ông từng đầu tư vào Standard Chartered của Anh là 300 triệu đôla. Khoản đầu tư theo đúng quy định đó có giá trị 2,7 tỉ đôla khi Khâu chết, đó là tài sản chủ yếu của ông. Ông cũng giữ lại được hầu hết lợi tức về bất động sản ở Singapore của mình, bao gồm các khách sạn Goodwood, York, Omni Marco Polo, Orchard Parade và Holiday Inn.

VÀ SAU NÓ LÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Tỉ lệ tiết kiệm cao của Đông Nam Á, hầu hết mọi người đều gửi tiền vào ngân hàng, cho chính mình vay, đã làm cho hệ thống ngân hàng ngày càng phình thêm quá cỡ. Chính điều này đã cho các bố già cơ hội để lạm dụng. Có một dòng tiền trực tiếp được rút ra từ các ngân hàng trong khu vực bằng các mánh khóe nội bộ dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Bản chất “quá nhiều ngân hàng” của Đông Nam Á cũng giúp giải thích một câu hỏi hóc búa đã khiến một số nhà đầu tư vốn cổ phần của khu vực phải tự hỏi: Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế đang lên nhưng tại sao lợi nhuận từ thị trường chứng khoán dài hạn ở Đông Nam Á lại vẫn rất tồi tệ? Từ năm 1993, khi cơn mưa tiền từ nước ngoài làm cho vốn tư bản tại thị trường khu vực tăng lên khoảng 2,5 lần trong một năm, lợi nhuận thanh toán bằng đồng đôla cho cổ tức được tái đầu tư (các nhà đầu tư thường gọi là “tổng lợi nhuận”) vào tất cả các thị

trường trong khu vực thấp hơn so với thị trường New York và London, và chỉ bằng một phần so với các thị trường khác đang nổi lên ở Đông Âu và Mỹ Latinh. Giữa năm 1993 và cuối năm 2006, lợi nhuận tính theo đồng đôla tại Thái Lan và Philippines thực sự rất thấp, thị trường chứng khoán ở hai nước đó đã phá hủy các nguồn vốn. Lợi nhuận tại Malaysia và Indonesia còn tồi tệ hơn nên tiền để lại trong tài khoản ngân hàng cao, trong một thời kỳ lãi suất thấp đến bất thường. Singapore sản sinh ra lợi nhuận ít hơn một nửa lợi nhuận thu được ở London hay New York. Chỉ có Hồng Kông đạt được lợi nhuận từ những thị trường đã phát triển, nhưng chỉ quản lý được bằng một nửa Mỹ Latinh và một phần ba Đông Âu. Thị trường chứng khoán khá hơn lên vào cuối những năm 1980, nhưng đây là kết quả nhỏ nhoi đối với phần lớn các nhà đầu tư, vì giao dịch ở Đông Nam Á lúc đó quá ít và họ hầu như không mua bán tài sản từ các nhà quản lý tiền quốc tế. Thậm chí nếu quay lại thời điểm cuối năm 1987, khi các chỉ số được sử dụng phổ biến nhất là Morgan Stanley Capital International (chỉ số MSCI) đối với thị trường đang nổi châu Á đã được áp dụng, thị trường chứng khoán Đông Nam Á, ngoại trừ Hồng Kông đã hoạt động kém hiệu quả so với thị trường chứng khoán Mỹ và Anh.

Lợi nhuận đáng thất vọng của thị trường chứng khoán Đông Nam Á gần như chắc chắn là tác động phụ của sự thừa thãi tiền tiết kiệm được giữ trong các ngân hàng của khu vực. Điều này đẩy chi phí vay giảm xuống đặc biệt là khi bên vay kiểm soát ngân hàng và làm giảm lợi nhuận chung của vốn đầu tư. Cả châu Á phải khổ vì cái tai ương dai dẳng là tỉ lệ tiết kiệm cao và các ngân hàng thì cứ tiếp tục phình lên, làm giảm sút lợi nhuận đầu tư chứng khoán trên toàn khu vực. Lợi nhuận dài hạn trên cổ phần ở các nước đang phát triển vùng Đông Bắc Á là Đài Loan và Hàn Quốc cũng thấp, nhưng ở Đông Nam Á còn thấp hơn. Đã có tác động của tỉ lệ tiết kiệm tư nhân cao tập trung ở các ngân hàng, lại kèm theo sự giám sát kém thận trọng nhất của các ngân hàng để tạo áp lực tối thiểu với thị trường vốn nên lợi nhuận tạo ra chẳng khá hơn. Nhìn theo cách khác, tại sao phải làm việc chăm chỉ để tăng giá cổ phiếu của công ty và trả cổ tức khi tất cả các nguồn vốn bạn cần luôn có sẵn với lãi suất gần như bằng không, ở một ngân hàng mà hội đồng quản trị của nó do bạn kiểm soát? Không có gì đáng ngạc nhiên là lợi nhuận tốt nhất của thị trường chứng khoán Đông Nam Á đến từ

Hồng Kông ngay cả Bao Ngọc Cương và Lý Gia Thành cũng phải chịu ơn Ngân hàng Hồng Kông đã bảo hộ chặt chẽ cho những thành công của họ nơi có hệ thống ngân hàng vận hành đúng nhất theo cơ chế thương mại. Như đã đề cập ở trên, không cổ đông nào được phép sở hữu quá 1% vốn cổ phần của Ngân hàng HSBC, điều đó có thể giải thích lý do tại sao HSBC là ngân hàng toàn cầu duy nhất có thể phát triển vượt ra ngoài phạm vi Đông Nam Á.

Khi phản ánh về sự tăng trưởng cao của khu vực và lợi nhuận từ thị trường chứng khoán thấp, cũng hữu ích nếu nhớ rằng thế giới của của các công ty được niêm yết không phản ánh nền kinh tế thực sự. Điều này là không bình thường. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan không đề cập đến London và New York có những công ty xuất khẩu có thương hiệu mạnh và công nghệ đang phát triển được giao dịch mua bán trên thị trường chứng khoán của mình bên cạnh các ngân hàng, các công ty bảo hiểm, các nhà bán lẻ, v.v… Nhưng ngành xuất khẩu nhằm đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á bị chi phối bởi các công ty đa quốc gia không niêm yết ở nước sở tại, và cũng không để các nhà bán lẻ toàn cầu hưởng lợi một cách hào phóng từ khả năng cắt giảm chi phí sản xuất của khu vực. Thay vào đó, thị trường Đông Nam Á bị chi phối bởi một vài nhân vật lớn trong dịch vụ và xây dựng nghĩa là các bố già của chúng ta. Ngay cả ở Hồng Kông, cũng chỉ có thể tự hào vì có một vài doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh toàn cầu (như HSBC). Nếu 10 doanh nghiệp của Trung Quốc đại lục được tách ra khỏi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông thì có 8 công ty trong số 24 công ty còn lại là công ty bất động sản của các đại gia, trong đó 4 công ty là công ty dịch vụ công cộng do các đại gia kiểm soát. Một số công ty khác là doanh nghiệp của các bố già một mình gia đình Lý Gia Thành kiểm soát năm cổ phiếu có quyền bầu cử của Hang Seng. Nói cách khác, mua cổ phần ở Đông Nam Á chủ yếu là mua mô hình doanh nghiệp của các bố già; nó không cho phép nhà đầu tư tiếp cận đến ngoại thương, và câu chuyện toàn cầu hoá sẽ định hướng nền kinh tế của khu vực. Một lý do khác là thị trường chứng khoán Đông Nam Á luôn luôn có nguy cơ hoạt động kém hiệu quả so với mong đợi.

Cuối cùng, các bố già Đông Nam Á không e ngại khi chiếm đoạt cổ phần của các cổ

đông thiểu số. Thị trường chứng khoán tạo ra một giai đoạn tuyệt vời cho tài năng của các đại gia kỹ thuật và tài chính phức hợp, tác động tương hỗ mờ nhạt giữa các công ty đại chúng và công ty tư nhân – cho họ khả năng vùng lên đánh bại chứng khoán tư nhân bằng việc kịp thời móc ra những thông tin nội bộ. Kể từ khi những nhà môi giới đầu tiên từ London đến Hồng Kông đầu thập niên 1970 để kích hoạt cái bong bóng đầu cơ lớn đầu tiên trong khu vực, rõ ràng là sự kết hợp của một công chúng luôn thiếu thông tin, các bố già và sự tư vấn của những người nước ngoài nói giọng khó nghe là một điều xấu đối với các nhà đầu tư thiểu số. Sở dĩ có sự thất vọng về thị trường chứng khoán của khu vực là vì hình tượng Hồng Kông thời xưa đã sụp đổ. Năm 1973, chỉ số Hang Seng đã lên dần và đạt mức đỉnh hồi tháng Ba là 1.775 điểm, trước khi nó tụt dốc xuống 150. Simon Murray, khi đó là một quản lý người nước ngoài háu ăn mới vào nghề, làm việc cho Jardine, Matheson, nhớ lại rằng ông đã đặt 60.000 bảng Anh vào thị trường này phần lớn là tiền vay tại thời điểm lương của ông là 2.000 bảng Anh. Ông đang đi trượt tuyết thì thị trường đạt đến đỉnh của nó. Một ngày, trên sườn dốc của khu trượt tuyết, ông bỗng nhận được, một bức điện báo khó hiểu “BS156” nói cổ phiếu của ông ở Butterfield và Swire, đã tăng giá chín lần. Ông bỏ dở buổi trượt tuyết, cảm thấy như người bị say rượu vì chỉ suy nghĩ về tiền bạc. Thật không may, chỉ số chứng khoán giảm xuống còn 820 trước khi ông kết thúc kỳ nghỉ của mình, rồi giảm đến 420 trước khi máy bay của ông hạ cánh tại Hồng Kông. “Đó cũng là chuyến viếng thăm cuối cùng của tôi đến thị trường chứng khoán mà tôi đã tham gia khá lâu,” ông hồi tưởng lại.

Sir William Purves, người không giống như Michael Sandberg, không phải là loại làm việc có tính võ đoán, nhớ lại thời kỳ có hàng loạt cáo bạch lần đầu tiên gọi vốn công chúng (IPO) và công việc giấy tờ có liên quan thường cản trở chức năng hoạt động bình thường của Ngân hàng Hồng Kông. ”Nó thật là lộn xộn,” ông nói. “Có rất nhiều giấy tờ và mọi người không thể chen vào được vào ngân hàng trong ngày IPO.” Purves đã cố gắng thuê nhà thờ Cathedral Hall của Hồng Kông để làm trung tâm xử lý IPO nhằm giữ cho các nhà đầu tư khỏi tức giận ngân hàng của mình, nhưng nhà thờ Anh giáo này đã từ chối vì đã nguyện xây dựng nó không phải để lấy tiền. Thay vào đó, ông đã được sử dụng nhà ga St. John Ambulance trên đường Garden của đảo

Hồng Kông “với hy vọng sẽ hạn chế được sự leo trèo của mọi người”.

Tuy nhiên, đằng sau những giai thoại khôi hài đó là câu chuyện cổ tích về sự hành xử của một bố già Đông Nam Á điển hình, của đám thường dân mất sạch cơ nghiệp và hành vi không biết xấu hổ của “những chú chó Tây theo đuôi ông chủ”. Đặc tính rõ nét của sự bùng nổ năm 1973, theo lời Purves là, “Sự bùng nổ này được các công ty môi giới London đẩy lên một mức độ cao.” Sau khi sụp đổ, giá của nhiều cổ phiếu có tiếng đã niêm yết đầu năm 1973 như Cheung Kong và New World giảm xuống một phần mười hoặc ít hơn mức IPO của chúng. Trong số các công ty môi giới London, đầu tiên và trên hết là Vickers da Costa. Có thể nói chắc chắn rằng ba Giám đốc Điều hành cấp cao tại trung tâm chứng khoán London đã dẫn dắt thị trường, làm cho các hoạt động tại Hồng Kông vào thời gian này kết thúc bằng sai lầm của các vụ án thương mại. Philip Tose “Tosey” là tên gọi thời học sinh cuối cùng đã bị cấm làm Giám đốc ở Hồng Kông do đã góp phần làm sụp đổ Peregrine (mà ở nhiều khía cạnh, là sự đầu thai mới của Vickers da Costa vào những năm 1990, sử dụng rất nhiều nhân viên trước đây của nó). Người thứ hai là Ewan Launder, một Giám đốc của Vickers, người đã tiếp tục làm Giám đốc điều hành của Ngân hàng đầu tư HSBC, Wardley, bắt đầu cuộc đời của nó như là một liên doanh với Vickers, và Michael Sandberg chịu trách nhiệm thiết lập và phê duyệt ban quản lý cấp cao của nó. Ewan Launder chạy trốn đến Hồng Kông khi ông ta bị truy tố vì nhận các khoản thanh toán lớn từ ông bạn George Tan của Sandberg, sau sự sụp đổ của tập đoàn Carrian năm 1983. Launder đã điều hành một thập kỷ trước khi bị bắt giữ tại Anh. Cuối cùng, ông bị kết tội nhận 4,5 triệu đôla Hồng Kông tiền lại quả vì đã cho Tan vay và bị kết án 5 năm tù, không được kháng cáo vì toà phúc thẩm Hồng Kông đã phát hiện ra các lỗi cú pháp trong các điều khoản nói về nghĩa vụ. Người thứ ba là Geoffrey Collier, một trong những nhà phân tích của Philip Tose tại Vickers ở Hồng Kông, người đã thăng tiến nhanh chóng qua mọi cấp bậc và đã tiếp tục làm việc cho Morgan Grenfell ở London, công ty đứng đầu liên doanh toàn cầu về cổ phiếu. Đó là một sai lầm. Nếu ngành tư pháp Vương quốc Anh nghiêm ngặt hơn, Collier sẽ trở thành người đầu tiên ở Anh bị kết án vì hành vi phạm tội mới là kinh doanh có nội gián vào năm 1987. Ông ta đã thực hiện các giao dịch nội gián, do đó đã bị bạn bè cũ tại Vickers lên án. Chủ đề về các vụ bê

bối ở Vickers không dừng lại ở đó. Trong suốt những năm 1990, số Giám đốc bị khiển trách hoặc bị kết án giao dịch có nội gián và các tội danh khác tăng lên nhiều so với những năm 1980. Rõ ràng là, trước khi chúng ta tìm hiểu các doanh nghiệp được niêm yết của các bố già đã chèn ép các nhà đầu tư thiểu số như thế nào, điều quan trọng cần nhớ là: các công ty môi giới nước ngoài và các ngân hàng đầu tư thường được chế tác từ cùng một tảng đá đạo đức như nhau.

CHÀO MỪNG BẠN ĐÃ GIA NHẬP MẠNG LƯỚI

Cơ chế cơ bản để cướp đoạt các cổ phần thiểu số ở Đông Nam Á là một mạng lưới tập đoàn, mà thông qua đó, một bố già vận hành một công ty rất lớn, đầu tàu, nhưng vẫn có quyền hành mờ ám đối với rất nhiều công ty khác nhau. Các doanh nghiệp bình thường một General Electric, một Tesco, ngay cả một HSBC đều có duy nhất một công ty được niêm yết. Tuy nhiên, doanh nghiệp của một bố già lại có đến 15 hoặc thậm chí 20 công ty được niêm yết. Có thể dễ dàng khẳng định điều này, nhưng các cổ phần thiểu số tại nhiều công ty được niêm yết khác thì khó có thể xác định. Một ví dụ điển hình là Quách Lệnh Xán, cháu của tỷ phú ở Kuala Lumpur là Kwek Hong Png đã quá cố, anh em họ của tỷ phú Quách Lệnh Minh ở Singapore, có 19 công ty được niêm yết có thể nhận biết rõ ràng. Những công ty này tham gia các hoạt động khác nhau, từ ngân hàng cho đến sản xuất máy điều hòa nhiệt độ, hay bất động sản. Sau đó, Quách cũng hiện diện như một nhà đầu tư nhỏ nhưng quan trọng trong các công ty niêm yết khác, ở đó quyền sở hữu của ông thật khó phát hiện, và ông ta còn sở hữu riêng tới hàng trăm công ty tư nhân. Đó là quan hệ tương hỗ giữa các công ty đại chúng được tuyên bố, các công ty niêm yết không được công bố, trong đó các bố già có lợi ích, và các công ty tư nhân mà hầu hết các hồ sơ về quyền tài phán ở châu Á không ghi chép công khai xác định hoạt động của nhiều đại gia. Một bố già tỉ phú khác, người được cho là kiểm soát khoảng 300400 công ty, bao gồm rất nhiều công ty được thừa nhận công khai, đã cho biết: “Thỉnh thoảng, chúng tôi thành lập 15 công ty trong một tháng.”

Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Ngân hàng Thế giới cử một nhóm các nhà

kinh tế và các nhà nghiên cứu của Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông để xem xét các dữ liệu về quyền sở hữu của hơn 2.500 công ty đại chúng ở châu Á bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như Đông Nam Á (trừ Trung Quốc) để hiểu rõ hơn về mạng lưới doanh nghiệp của khu vực. Các kết quả, nếu có thể tin được, thật đáng kinh ngạc. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng 8 tập đoàn lớn nhất trong khu vực thực hiện kiểm soát hiệu quả một phần tư các công ty niêm yết, trong khi 22 tập đoàn hạng vừa kiểm soát một phần ba các công ty niêm yết. Danh tính của tám tập đoàn hàng đầu đã không được công bố vào thời điểm đó, nhưng có thể được tiết lộ ở đây: 6 trong số đó là tập đoàn công nghiệp lớn của Nhật Bản (keiretsu) được tổ chức theo truyền thống công nghiệp của Nhật Bản và 2 tập đoàn là của Đông Nam Á. Hai tập đoàn này là của Lý Gia Thành và Sime Darby của Malaysia. Tập đoàn thứ hai liên kết với một số gia đình người Trung Quốc ở hải ngoại có thế lực cũng như chính phủ Malaysia. Mỗi một tập đoàn trong 8 tập đoàn đó được các nhà nghiên cứu xác định là có hơn 20 công ty niêm yết ở mức 1020% quyền sở hữu, ngoài ra còn có nhiều công ty được thừa nhận công khai. Mục đích chính của các nhà nghiên cứu là phân tích cấu trúc các mối quan hệ trong mạng lưới tập đoàn để hiểu được cách thức làm việc của chúng. Những gì họ phát hiện ra, hết lần này đến lần khác, là sự kiểm soát được thực hiện thông qua cấu trúc hình tháp, tạo ra mức độ kiểm soát không cân xứng với quyền sở hữu cổ phần. Ví dụ, một công ty ở đỉnh hình tháp của một tập đoàn (có thể có một số hình tháp khác nhau trong mạng lưới tổng thể của tập đoàn) có thể sở hữu 50% của công ty niêm yết X, đến lượt công ty X lại sở hữu 40% của công ty niêm yết Y, đến lượt nó lại sở hữu 30% của công ty được niêm yết Z. Kết quả là, tập đoàn này có 6% quyền sở hữu công ty Z, nhưng nó vẫn có được 30% quyền biểu quyết, đủ để chi phối. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phân tích tiền chi trả cổ tức, cần phải chi trả ngang bằng cho tất cả các nhà đầu tư, để chứng minh rằng các nhà đầu tư thiểu số bị chiếm dụng vốn một cách có hệ thống vì họ luôn ở dưới đáy hình tháp. Điều này thường xảy ra ở mức 1020% quyền sở hữu; việc nắm giữ cổ phiếu của một tập đoàn không được ghi nhận rộng rãi nhưng nó vẫn có thể chi phối. Những người đứng đầu dự án nghiên cứu này đã viết một bài cho Tạp chí Kinh tế Mỹ, trong đó họ nhấn mạnh theo các tiêu chuẩn khoa học: “Chúng tôi đã lập được tài liệu, rằng các vấn đề quản trị doanh

nghiệp ở Đông Á, nếu có bất cứ vấn đề gì, đều nghiêm trọng hơn và không chữa trị được so với những gì các nhà bình luận đã nêu khi cuộc khủng hoảng tài chính lên đến đỉnh điểm.” Và các tác giả đã kết luận: “Sự tập trung chiếm dụng trong một số tập đoàn đủ lớn để thao túng hệ thống chính trị của một quốc gia có nghĩa là: vấn đề quan trọng ở đây là ý chí chính trị để thực thi luật pháp và các quy định về sổ sách kế toán.”

Điểm cuối cùng này là quan trọng. Một nghiên cứu chi tiết về những gì tiếp tục diễn ra trong các tập đoàn lớn cho thấy, về mặt lịch sử, sự thất bại của các chính trị gia trong việc thi hành các chuẩn mực ít nhất cũng quan trọng như thiếu các bộ luật nên các bố già mới trốn tránh được các nghĩa vụ của họ. Ở một đất nước như Malaysia, nơi sự miễn trừ các quy định của thị trường chứng khoán được ban bố nhưng không có sự phản biện, và thông tin của các phương tiện truyền thông đại chúng về tư nhân hóa không qua đấu thầu là chủ đề thảo luận cho việc soạn thảo các đạo luật bí mật chính thức. Điều này thật đáng ngạc nhiên. Những nhận xét này cũng được áp dụng trong một thị trường như ở Hồng Kông. Kể từ khi móc nối với Ngân hàng Hồng Kông năm 1979 và trở thành một phần của việc thiết lập kinh tế, sự nghiệp của Lý Gia Thành, một mẫu mực của các bố già, là một chuỗi dài của các miễn trừ thường không thể giải thích nổi đối với các quy định của thị trường chứng khoán. Khi Hutchison tiếp quản Hongkong Electric vào năm 1985, Lý đã được miễn trừ báo giá công khai dù vượt quá 35% quyền sở hữu. Khi Hutchison tăng cổ phần của mình tại một công ty khác trong mạng lưới của Lý là Cavendish, từ 23% lên 52% năm 1987, ông ta cũng được miễn trừ báo giá công khai. Cùng năm đó, quyền miễn trừ tương tự cũng được cấp cho Lý khi ông tăng cổ phần cá nhân của mình ở Cheung Kong lên trên 35% và Cheung Kong tăng cổ phần của nó ở trong Hutchison lên trên 35%. Trong những trường hợp này, Bộ trưởng Tài chính Hồng Kông đã phủ nhận và bác bỏ ý kiến của Ủy ban tiếp quản thị trường chứng khoán. Trong những năm 1990, Lý làm cho mọi người phải há hốc mồm kinh ngạc khi thấy ông ta có được hàng loạt miễn trừ không bình thường cho công ty Internet của mình là tom.com. Các quyền miễn trừ đó cho phép công ty này phát hành cổ phiếu mới chỉ sáu tháng sau lần đầu tiên gọi vốn công chúng (IPO), để cho đội ngũ nhân viên chiếm tới 50% giá trị vốn cổ phần của công ty

(luật quy định chỉ 10%), và cho phép các cổ đông lớn bán cổ phần của họ chỉ sau sáu tháng chứ không phải hai năm như luật định. Kinh nghiệm của Tom.com làm cho người được coi là tình nhân của Lý, Solina Chau Hoishuen, chỉ sau một đêm đã trở thành tỷ phú đôla Mỹ ít nhất là trên giấy tờ. Điểm lớn khác là các quy định của thị trường chứng khoán ra đời không phải để áp dụng cho các bố già lớn, ngay cả ở Hồng Kông.

Tình trạng này chứng tỏ các công ty niêm yết của Lý Gia Thành trong suốt những năm qua đã thu hút sự chú ý của một số mối quan hệ làm việc chủ yếu của ông ta. Mối liên kết với Ngân hàng HSBC, mà chủ tịch của nó trong thời thuộc địa đã luôn luôn được coi là mạnh hơn cả Thống đốc, đã được thiết lập. Cũng rất quan trọng là mối quan hệ với Charles Lý Nghiệp Quảng, một trong những yếu nhân của công ty luật Woo, Kwan, Lee & Lo, Cả hai đều là luật sư và cố vấn chủ chốt của Lý. Cũng giống như công việc pháp luật về các thương vụ đầu tư, Woo, Kwan, Lee & Lo không phải thực hiện nhiều thủ tục chuyển nhượng đối với tài sản của Cheung Kong và Hutchison. “Hãy tưởng tượng 2% của số đó,” một Giám đốc cao cấp của Lý nói. Đồng thời Charles Lý, người hao hao giống Toad của Toad Hall, là Chủ tịch của công ty Chứng khoán và Thanh toán Hồng Kông, người điều hành thị trường chứng khoán Hồng Kông và các thị trường khác trong những năm 19921994 và 20042006; ông vẫn là một ủy viên Hội đồng chấp hành. Ronald Arculli, một cộng sự lâu năm khác của Lý, nhà thầu và Giám đốc công ty của Lý, nguyên là nhân viên lập pháp về bất động sản và xây dựng rồi trở thành ủy viên Hội đồng điều hành, đã tiếp quản vị trí chủ tịch Ủy ban chứng khoán hồi tháng Tư năm 2006. Cùng năm đó, ông được bầu làm Chủ tịch một nhóm nghiên cứu về cải tổ các dịch vụ tài chính của chính phủ Hồng Kông với mục tiêu về lý thuyết là cải thiện việc thực hiện chức năng của thị trường vì lợi ích của các nhà đầu tư nói chung. Ở những nơi khác, sự xung đột lợi ích mãnh liệt này sẽ gây ra một cơn bão chính trị; nhưng ở Hồng Kông thì hiếm khi xảy ra.

ĐỪNG LẮC CON THUYỀN

Sự che đỡ của giới chính trị cho các bố già khắp khu vực có cả tính chủ động và phản

ứng lại. Loại đầu xảy ra khi các thương vụ và đặc ân được được trao cho các đại gia. Còn loại thứ hai, khi các chính trị gia can thiệp để bảo vệ mối quan hệ giữa tầng lớp tinh hoa chính trị và tầng lớp tinh hoa kinh tế đã tồn tại nhiều thế hệ, cũng quan trọng không kém. Một lần nữa, nó cũng được áp dụng tại Hồng Kông.

Một ví dụ điển hình xảy ra năm 1987, khi một thanh niên là Robert Hoàng, con trai tỉ phú Singapore Hoàng Đình Phương, đang hăng hái đầu cơ ở thị trường kỳ hạn của Hồng Kông đúng lúc thị trường này đổ vỡ vào tháng Mười năm đó. Anh ta đã có 12.000 hợp đồng kỳ hạn lâu dài, để lại cho anh ta một trách nhiệm pháp lý trên giấy tờ hơn 1 tỷ đôla Hồng Kông. Robert đã thúc đẩy thị trường thông qua hai công ty đăng ký ở Panama và tìm cách từ chối trách nhiệm về các khoản nợ trên cơ sở trách nhiệm pháp lý hữu hạn. Tuy nhiên, Văn phòng tội phạm kinh tế của Hồng Kông (CCB) đã phát hiện ra bằng chứng sơ bộ là có sự thông đồng giữa anh ta và một trong những công ty môi giới các hợp đồng có kỳ hạn, cho phép anh ta tránh phải trả lãi khi thị trường xuống dốc. Đây là điều bất hợp pháp.

CCB tìm được một người cung cấp thông tin chất lượng cao và tự trang bị cho mình giấy phép để tìm kiếm hơn hai mươi địa chỉ. Các công chức cao cấp đã được thuyết phục rằng, lần đầu tiên, họ đã định tóm cổ một bố già lớn. Nhưng điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Tại một loạt các cuộc họp gồm các quan chức cấp bộ của chính phủ, mà đỉnh cao là cuộc chạm trán tại dinh thự của Thống đốc ở Fanling, người ta đã thấy rằng nếu bắt Robert Hoàng sẽ có nguy cơ đối với sự ổn định của thị trường chung; điều này không bao giờ được giải thích, công khai hoặc riêng tư. Cảnh sát đã bị đánh bại. Một trong những công chức cao cấp nhớ lại: “[Người đứng đầu CCB] Russ Mason quay lại và nói: “Thế đấy, các chàng trai ạ. Không có chỗ cho các lợi ích chung”. Thay vì bị điều tra, Robert Hoàng đã có được một thỏa thuận cho phép anh ta trả khoảng 60% những gì anh ta còn nợ trong tám năm (tương đương với việc hoàn trả ngay lập tức khoảng một nửa). Phần còn lại của hóa đơn đã được các công ty môi giới nước ngoài gánh vác, bằng tiền của chính phủ Hồng Kông và những người đóng thuế ở địa phương.

Điều thú vị là, cảnh sát được phép theo dõi Ronald Lý, người đã điều hành thị trường chứng khoán tại thời điểm có vụ đổ bể năm 1987. Lý đã làm nên sự nghiệp của mình bằng cách yêu cầu phân cho cá nhân mình cổ phiếu khi phê duyệt IPO và đã điều hành việc giao dịch chứng khoán như điều hành một thái ấp của riêng mình. Nhưng quyết định đóng cửa thị trường chứng khoán trong một tuần lễ vào năm 1987 của ông ta đã làm giảm trầm trọng uy tín quốc tế của Hồng Kông với tư cách là một thị trường tiền tệ, cũng như phá hoại các hợp đồng kỳ hạn, cho thấy quyền lực thực dân ở trong tay ông ta mạnh như thế nào. Lý đã bị xét xử về vụ phân bổ cổ phần niêm yết của hãng hàng không Cathay Pacific và Novel Enterprises mặc dù điều đó có nghĩa là chỉ ra công khai sự thông đồng của chi nhánh Ngân hàng Hồng Kông Wardley trong việc phân bổ cổ phần và bị kết án bốn năm tù. Ông ta làm nên một ví dụ hiếm hoi. Người cảnh sát nói trên nhận xét: “[Cựu thủ trưởng cơ quan tư pháp New York] Eliot Spitzer sẽ có một ngày nghiên cứu thực địa ở đây. Tất cả bọn họ đều sắp vào tù. Lần lượt, từng người một.”

Rất may cho các bố già, Đông Nam Á không phải là New York, và cách hành xử ghê gớm của các nhà đầu tư thiểu số và công chúng nói chung đã qua đi đối với một doanh nghiệp bình thường. Điều đáng chú ý là sau khi Đổng Kiến Hoa trở thành Thống đốc đầu tiên của Hồng Kông sau thời thuộc địa, câu chuyện riêng của ông ta về các phương thức và quy trình quản lý doanh nghiệp gây sốc đó chỉ như một lời thì thầm nho nhỏ. Các phương tiện truyền thông đã quan tâm đến một thực tế là, Henry Hoắc đã thiết kế một vụ giải cứu cho công ty chính của Đổng vào những năm 1980 bởi vì công ty này cung cấp những bằng chứng tường tận là Đổng chịu ơn Bắc Kinh, vì các ngân hàng nhà nước của chính phủ Trung Quốc đã cung cấp phần lớn số vốn cho ông. Nhưng câu chuyện sâu sắc hơn là, Đổng, cậu con trai kém tài của tỷ phú vận tải biển đã quá cố Trịnh Dụ Đồng, đã gặp rắc rối đầu tiên vì ông đã tham gia vào việc lạm dụng các công ty niêm yết mà các bố già khác cũng tham gia. Đầu những năm 1980, sau khi Đổng Kiến Hoa tiếp quản đế chế doanh nghiệp của gia đình, ông được ủy quyền duy trì hàng trăm triệu đôla Mỹ các khoản vay từ công ty đã niêm yết chính của mình là Orient Overseas (Holdings) Ltd (OOHL), công ty mà ông gọi là Tập đoàn tư nhân nhà họ Đổng, một uyển ngữ dùng cho hơn 200 công ty tư nhân mà ông kiểm

soát. Những khoản vay này, vì không có nhà đầu tư thiểu số minh mẫn nào ở OOHL muốn vay nên bị phung phí hoặc được đầu tư vào những chỗ mà lợi nhuận của nó, nếu có, chỉ đổ dồn về một mình nhà họ Đổng. Khi OOHL được tái cơ cấu vào cuối năm 1986, công ty đại chúng này đã xóa nợ 156 triệu đôla cho các khoản vay đã của doanh nghiệp tư nhân nhà họ Đổng. Bố già có mái tóc húi cua này đã gửi một bức thư riêng cho các nhà đầu tư vào ngày 10 tháng 11, nói rằng: “Trong năm 1985, vị thế tài chính của Tập đoàn OOHL xấu đi nhiều do sự suy giảm nhanh chóng về vị thế tài chính của Tập đoàn tư nhân dòng họ Đổng, vốn có mối liên kết chặt chẽ với OOHL, và vì một số tiền lớn còn bị nợ”. Không cần phải nói rằng, chẳng có lời xin lỗi nào về việc lạm dụng vốn của các cổ đông.

NGHỆ THUẬT GIẾT NGƯỜI

Người con trai họ Đổng, trong thực tế không đủ thông minh để giết chết các cổ đông thiểu số với sự tự tin của một bố già ngay cả khi họ là những con bò được giết mổ theo một nghi thức đặc biệt trên lễ đài Tây Ban Nha. Các đấu sĩ bò tót thực thụ có thể lạm dụng các nhà đầu tư khác trong một công ty đại chúng bằng hàng trăm cách trước khi họ thông báo, và sau đó, với một khuôn mặt lạnh như tiền, thực hiện một kết cục hoàn hảo đề nghị đưa một doanh nghiệp đại chúng đã rách nát vào bàn tay tư nhân để đổi lấy một phần giá trị tài sản của nó. Khi tuân thủ đúng luật chơi, không hề có một vụ giải thoát hoặc tái cấu trúc lúng túng và bắt buộc nào. Đó là một bộ môn nghệ thuật mà các bố già luôn thành thạo. Robert Quách, người có những doanh nghiệp niêm yết có hồ sơ theo dõi dài hạn về hoạt động kém hiệu quả dựa theo các chỉ số chính của thị trường mà chúng đang hoạt động, là một bậc thầy. Trong nhiều năm, ông đã có một công ty vận tải biển lớn được niêm yết ở Singapore là Pacific Carriers Ltd (PCL), mà giá cả và cổ tức gây nỗi kinh hoàng đến nỗi “cái quầy thu ngân” này trở nên nổi tiếng đối với giới thương gia là “Xinhãycắtlỗ”. Năm 2001, Quách đã tư nhân hóa PCL với sự cắt giảm rất lớn về giá trị tài sản ròng của nó (NAV hay giá trị tài sản trên sổ sách của công ty). Hầu như không vết thương nào của các nhà đầu tư thiểu số tại thị trường Singapore được chữa lành khi tháng 10 năm 2003, đại gia này công bố, ông ta đã tiến hành gọi vốn công chúng lần đầu (IPO) cho một công ty con của

PCL là Malaysia Bulk Carriers (MBC) ở thị trường chứng khoán Kuala Lumpur. Quách đã bán 30% của MBC cho chính phủ Malaysia với giá phải chăng, và ngân hàng đầu tư địa phương của ông, do người em trai của Phó Thủ tướng điều hành, đảm bảo IPO là một thành công rất đáng trân trọng. Sau đó, Quách tìm cách “cứu trợ” các nhà đầu tư đã khổ sở một thời gian dài ở Hồng Kông bằng công ty bất động sản Kerry Properties, với đề nghị tư nhân hóa vào tháng 4 năm 2003, giảm giá 53% so với giá trị tài sản ròng. Ông ta đã la mắng người quản lý tài chính của mình khi các nhà đầu tư thiểu số không cắn câu. Những năm gần đây, Lý Triệu Cơ đã nỗ lực thực hiện ba vụ tư nhân hóa với sự giảm giá 40% giá trị tài sản ròng; con rể của Bao Ngọc Cương là Peter Ngô đề nghị một công ty bán lẻ được niêm yết rằng một nhà phân tích ước tính giảm giá 100% và sau khi đề nghị một mức tăng khiêm tốn, ông ta đã thành công; Trịnh Dụ Đồng tìm cách mua lại New World TMT của mình với một chút giảm giá; và con trai của K.S. là Richard Li đã có một nỗ lực cực kỳ láu cá để tư nhân hóa doanh nghiệp điện thoại di động Sunday với giá rẻ. Như Peter Churchouse, cựu Giám đốc điều hành của Morgan Stanley ở châu Á, đã nói về các doanh nhân này: “Họ đã làm cho các ông chủ ngân hàng đầu tư trông giống như một cậu học trò.” Tất nhiên, một doanh nghiệp niêm yết đã được làm suy yếu đi trước khi nó có thể được mua lại với giá rẻ. Công ty bách hóa Lane Crawford của Peter Ngô, tổ chức các công ty được niêm yết của mình theo hình tháp thông qua công ty ở đỉnh là Wheelock, công bố lỗ 72 triệu đôla trong 5 năm trước khi bị tư nhân hóa vào năm 1999. Công ty này thậm chí không chia lợi nhuận trong cuộc bùng nổ bao quanh sự kiện Hồng Kông được trao trả cho chính phủ Trung Quốc năm 1997, cho phép nó được mua lại với giá thấp hơn so với giá trị trong danh mục đầu tư cổ phiếu và bất động sản của nó. Mạng lưới Wheelock của các công ty, trên thực tế, đã được sử dụng như một nghiên cứu trường hợp về việc thực hành không thân thiện với nhà đầu tư của các nhà nghiên cứu tại Đại học Trung Quốc của Hồng Kông (CUHK) được Ngân hàng Thế giới tài trợ. Họ đã chỉ ra làm thế nào mà các doanh nghiệp nhỏ ở dưới đáy của hình tháp quyền sở hữu của Wheelock bị lạm dụng để cung cấp tiền mặt cho chủ sở hữu là các công ty lớn của họ, để họ đương đầu với rủi ro không đáng có trong các dự án đầu tư liên doanh.

Một ví dụ tiêu biểu về dự án của một công ty được niêm yết ở Đông Nam Á xảy ra

vào năm 1997 khi Wheelock công ty con được niêm yết hàng đầu của nó là Wharf, hai công ty được niêm yết hàng thứ hai là New Asia và Harbour Center, và một công ty đứng hàng thứ ba là Realty Development, mỗi công ty chiếm 20% lợi nhuận trong một dự án xây dựng một nhà ga xe lửa công cộng có tên là MTRC Kowloon Station Package Two. Các nhà nghiên cứu đã cho thấy việc cấp vốn cho dự án này đến từ các công ty con của Wheelock ra sao, và trong nhiều trường hợp, các khoản vay đều được miễn lãi suất. Chính bản thân Wheelock là người chỉ vay trong mạng lưới các công ty liên doanh; với nguồn tài chính rẻ và rủi ro tối thiểu, nhưng được chia sẻ bình đẳng nếu có rủi ro; công ty này gần nhất với Peter Ngô nên khó có thể bị lỗ. Năm 1999, ba công ty con có sở hữu ít nhất trong hình tháp Wheelock đã cho dự án liên doanh vay khoảng 60160% vốn đầu tư của mình. Giáo sư tài chính của CUHK là Larry Lang mô tả chúng như là “máy rút tiền tự động” được kiểm soát bởi Wheelock. Đồng thời, vì các dự án bất động sản là một dự án liên doanh, nó không được yêu cầu phải báo cáo thường xuyên. Nguyên tắc niêm yết ở Hồng Kông chỉ áp dụng cho các công ty được niêm yết và các công ty con của chúng; có rất nhiều thứ khác không được kiểm soát. Không có gì ngạc nhiên là hiệu quả hoạt động trên thị trường chứng khoán của New Asia, Harbour Center và Realty Development thực sự tồi tệ. Tháng 2 năm 2003, Peter Ngô tư nhân hóa Reality Development trở lại New Asia với sự giảm giá hào phóng đến mức không bình thường là 19% giá trị tài sản ròng.

Mưu đồ liên doanh các công ty niêm yết là một sở thích cũ ở châu Á, đặc biệt là ở Hồng Kông. Lý do mà công ty mẹ Cheung Kong của Lý Gia Thành sở hữu 49,9% Hutchison chứ không hơn là vì nó ngụ ý liên doanh giữa hai doanh nghiệp lớn trong đó có nhiều công ty con không được yêu cầu phải báo cáo thường xuyên. Các hợp đồng quản lý, thoả thuận cung cấp và việc mua bán các tài sản khác không phải đối mặt với sự giám sát minh bạch. Nợ nần thực sự, tài sản và các vị trí chịu trách nhiệm pháp lý của liên doanh không được xem xét bởi người ngoài. Một dự án lớn của Lý Gia Thành đã chứng minh điều này xảy ra trong những năm 1990 khi công ty con của Hutchison là Hongkong Electric bỏ nhà máy điện cũ và kho dầu của nó ở Ap Lei Chau, bờ nam của đảo Hồng Kông. Cách tốt nhất cho Hongkong Electric tối đa hoá giá trị của một lô đất rộng lớn của nó, nối với nhau bằng một cây cầu dẫn sang một

khu dân cư hạng nhất, có thể đã được đấu thầu cho dự án phát triển giữa các nhà đầu tư bất động sản khác nhau. Thay vào đó, Hongkong Electric không thể tránh khỏi được kéo vào liên doanh với Cheung Kong và Hutchison. Họ cùng nhau dựng lên 34 tòa tháp và hai khu mua sắm mà không bao giờ phải cung cấp cho các cổ đông của Hongkong Electric tài khoản chi tiết và chi phí của dự án. Người ta chỉ có thể đoán lợi nhuận trung bình trên thị trường chứng khoán Hồng Kông là bao nhiêu và như thế đã tốt hơn nhiều so với những nơi khác ở Đông Nam Á nếu lợi ích của cổ đông thiểu số được đối xử ngang bằng với những người của các đại gia.

Điều này không xảy ra, và những gì các nhà đầu tư thường nhìn thấy là các thương vụ thực sự tốt luôn đến với các công ty tư nhân của bố già, trong khi người ngoài chỉ có được các thương vụ bình thường. Hoặc như cựu quản lý của Lý Gia Thành là Simon Murray nói: “Ai lại đặt chuyện tào lao trong công ty riêng của mình khi họ có thể bán nó cho công chúng?” Sự khác biệt chỉ là những câu chuyện nhảm nhí không thể tin được các dự án truyền thông mới vô nghĩa, cơ sở hạ tầng vô giá trị, những sai lầm của Trung Quốc đại lục được nghe kể trong các công ty niêm yết của của tập đoàn New World của Trịnh Dụ Đồng, ngược lại với “con lừa ỉa ra tiền vàng” mà ông ta sở hữu riêng. Câu chuyện nổi tiếng nhất của nhân vật thứ hai là lợi ích lâu dài trong việc nhượng quyền kinh doanh đánh bạc tại Ma Cao của Stanley Hà và Henry Hoắc. Một sự bổ sung điển hình gần đây xảy ra năm 2001 khi Trịnh và các ông bạn tỉ phú của mình là anh em nhà Lâu nhìn thấy một cơ hội để có được các cửa hàng bách hóa của người Nhật là chi nhánh của Sogo ở Hồng Kông. Đó là một doanh nghiệp tử tế, có địa điểm đẹp, nhưng nợ nần chồng chất và đang sa lầy trong tình trạng bán lẻ tồi tệ nhất trong một thập kỷ. Trịnh và anh em nhà Lâu sử dụng các công ty tư nhân của họ để mua Sogo, trả hết nợ nần và có được nguồn vốn ngân hàng rẻ hơn. Vào thời điểm mua lại nó, lợi nhuận cho thuê ở tòa nhà Sogo đã tăng 910%, nhưng các doanh nghiệp niêm yết của Trịnh và nhà Lâu đã không đánh hơi được thương vụ này. Các ông chủ mới tiến hành một số cắt giảm chi phí không thương tiếc và sau đó, khi nền kinh tế Trung Quốc đại lục nóng lên trong năm 2003, công bố một dự án Sogo thứ hai ở trên đường tàu điện ngầm mới tại khu vực bán lẻ chính của Thượng Hải, đường Nam Kinh. Tháng 4 năm 2004, các cửa hàng Sogo được niêm yết trong danh sách gọi vốn từ công

chúng lần đầu đầu của Hồng Kông và Chow Tai Fook, một công ty tư nhân đăng ký tại đảo Cook mà Trịnh Dụ Đồng thừa hưởng từ gia đình nhà vợ, đạt được một lợi nhuận khổng lồ. Lúc đó, cổ phiếu của công ty niêm yết chính của Cheng, New World Development, có giá trị thấp hơn năm 1986. Gary Coull, nhà môi giới chứng khoán, người đồng sáng lập Credit Lyonnais Securities Asia (CLSA), đã gần gũi Cheng, giúp ông niêm yết các công ty và phục vụ tại Hội đồng Quản trị của New World Infrastructure và New World TMT, cuối cùng cũng thừa nhận: “Ông [Trịnh] kiếm được bộn tiền nhờ các công ty tư nhân… Các nhà đầu tư đã đầu tư vào New World ở cấp vĩ mô đã bị đấm túi bụi”.

Kể từ lần đầu tiên lượng tiền lớn từ nước ngoài đến với thị trường vốn Đông Nam Á vào năm 1993, đã có một quy tắc rất hay là “quy tắc ngón tay cái” đối với sự đầu tư vào các doanh nghiệp của các bố già. Tuy nhiên, một lần nữa, phải nhấn mạnh rằng đây không phải là một luận điểm mang tính chủng tộc khi nói về việc đầu tư với các đại gia gốc Trung Quốc. Luận điểm này vượt ra ngoài khái niệm chủng tộc. Khi Ananda Krishnan của Sri Lanka mua bộ phim có giá trị của Trung Quốc và đưa trở lại danh mục của Celestial Films, ông đã làm chính xác những gì Robert Quách có thể đã làm. Ông đã mua nó cùng với một công ty tư nhân và sau đó bán nó cùng với một doanh nghiệp mà đám chủ ngân hàng đầu tư gọi là “một món béo bở” đối với doanh nghiệp truyền thông đã niêm yết của ông, là Astro. Nếu tìm một kỷ lục tồi tệ nhất về quản trị doanh nghiệp trong khu vực suốt ba mươi năm qua, một ứng cử viên sáng giá phải là Jardine, Matheson, doanh nghiệp lúc ban đầu là của một bố già da trắng. Trên cơ sở điều chỉnh đầy đủ, cổ phần trong Jardine Matheson Holdings (JMH), công ty ở đỉnh trong tập đoàn, có giá trị cao hơn vào năm 1973 so với giá trị của chính nó vào năm 2003. Gia đình Keswick, người tuyên bố là hậu duệ của người cháu gái William Jardine, đã đối xử với các nhà đầu tư thiểu số theo cách làm cho nhiều bố già phải xấu hổ. Giữa những năm 1980, họ đã tạo ra một cấu trúc nắm quyền chéo trong mạng lưới các công ty niêm yết của mình, cho phép gia đình này điều hành tập đoàn mặc dù họ chỉ sở hữu dưới 7% trong JMH. Đồng thời họ đã đi tiên phong trong việc mua lại cổ phiếu giá rẻ từ các công ty con mà họ đã ngầm điều hành. Nắm quyền chéo có thể được thực hiện qua sáp nhập lại hoặc niêm yết lại ở Bermuda, nơi chính phủ của nước

có mức thuế thấp do người Anh kiểm soát này thuyết phục viết các đạo luật tiếp quản chỉ áp dụng cho năm công ty của Jardin, và nhà Keswick giữ được quyền thừa kế của họ. Tất nhiên, không ai trong doanh nghiệp này làm bất cứ điều gì cho nhà đầu tư thiểu số, những người có thể được tha thứ khi họ nhắc đến trụ sở chính tại Hồng Kông của Jardine, với các cửa sổ tròn nhỏ khác biệt của nó, như tòa tháp của “Một nghìn kẻ đáng khinh”.

NGÂN HÀNG, NGÂN HÀNG, SAU ĐÓ LÀ THỊ TRƯỜNG

Về tổng thể, bất chấp sự vung vãi của thị trường vốn, các ngân hàng ở Đông Nam Á có vai trò rất quan trọng trong việc tiếp cận câu chuyện về nguồn vốn của các bố già. Với tỷ lệ tiết kiệm của khu vực cao như vậy, có các hệ thống ngân hàng đứng trung gian, đây là điều không thể tránh được nếu xét về kinh tế vĩ mô. Các mối quan hệ giữa Ngân hàng Hồng Kông với Bao Ngọc Cương và Lý Gia Thành, Ngân hàng Bangkok với một bố già người Thái, Malaysia và Indonesia nào đó, các ngân hàng Philippines và Indonesia với các đại gia kẻ cướp mà những hòn đảo đã sinh ra họ, và cùng với họ là những âm mưu đang ẩn náu. Theo “quy luật ngón tay cái”, sự kiểm soát mà các bố già thực hiện với các ngân hàng càng lớn thì thiệt hại mà chúng bắt đồng bào của chúng phải gánh chịu cũng càng lớn. Ngân hàng Hồng Kông được nắm giữ rộng rãi, đối với tất cả những gì có thể nói là chống lại vị trí gần như độc quyền dài hạn của nó, không bao giờ đến gần một cuộc khủng hoảng. Nó cũng là một trong số ít các doanh nghiệp niêm yết ở Đông Nam Á đem lại cho các cổ đông lợi nhuận thuộc loại dài hạn mà các cuốn sách giáo khoa về kinh tế gợi ý là họ mong đợi ở các nền kinh tế đang nổi lên. Mặt khác, lợi nhuận có hệ thống của các ngân hàng ở Philippines và Indonesia, đã không chỉ lừa gạt các nhà đầu tư thiểu số mà còn làm tê liệt toàn bộ nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán đến muộn hơn các ngân hàng, và đóng vai trò thấp hơn. Mặc dù có nhận thức phổ biến về sự tương phản này, gần 15% người lớn ở các lãnh thổ của Đông Nam Á trực tiếp sở hữu cổ phiếu, thậm chí ngày nay, ở Hồng Kông xã hội sở hữu cổ phiếu đứng đầu thế giới tỷ lệ này là 28%. Không những thế, lợi nhuận

khá gây sốc trên thị trường Đông Nam Á kể từ đầu những năm 1990 đổ lỗi cho tiền tiết kiệm dư thừa nếu bạn là một nhà kinh tế vĩ mô, đổ lỗi cho các bố già nếu bạn nghĩ rằng các cá nhân quyết định kết quả của thành công trong cuộc đời có một tác động phụ. Điều này là do châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, là nguồn vốn toàn cầu của một công chúng bắt buộc phải tiết kiệm. Malaysia, Singapore và Philippines có các quỹ tiết kiệm bắt buộc từ thời thuộc địa. Indonesia bắt đầu một quỹ hưu trí bắt buộc cho các nhân viên công ty trong những năm 1970, và Hồng Kông đã lập thêm Quỹ tiết kiệm bắt buộc của mình vào tháng 12 năm 2000. Thái Lan cũng dự định lập một quỹ như vậy. Khi việc tiết kiệm bắt buộc ở châu Á được hướng vào thị trường chứng khoán của khu vực, trừ khi xu hướng thay đổi lợi nhuận thấp dài hạn, nó sẽ làm cho người dân thường bị ảnh hưởng do hoạt động kém hiệu quả của thị trường.

Tuy nhiên, chủ đề này là một chủ đề khó đánh giá vì hai lý do. Thứ nhất, người Đông Nam Á đã quen với lãi suất thấp của các khoản tiền tiết kiệm bắt buộc. Theo tính toán khoa học, tại Singapore giai đoạn 19871997, khi Quỹ tiết kiệm trung ương chủ yếu đầu tư vào trái phiếu chính phủ, lợi nhuận hàng năm gần như bằng không. Vấn đề thứ hai là các chính phủ ở Đông Nam Á rất bí mật về những gì xảy ra với các khoản tiết kiệm bắt buộc không thể xác định xu hướng chắc chắn nào. Công ty đầu tư của chính phủ của Singapore (GIC), một trong những nhà đầu tư tối cao của Quỹ tiết kiệm trung ương, chỉ hé lộ thành phần của Hội đồng Quản trị vào năm 2001. Harry Lý Quang Diệu, chủ tịch Hội đồng Quản trị, năm 2006 đã tuyên bố rằng lợi nhuận trung bình hàng năm thực sự của GIC chỉ là 5,3% trong 25 năm qua. Các nguồn tin khác đã tiết lộ lợi nhuận của GIC đến từ việc đầu tư ba phần tư số tiền của mình ở Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Người Singapore phải hy vọng sự phân bổ tài sản này được duy trì. Cả Quỹ Tiền tệ quốc tế và các cơ quan đánh giá tín nhiệm như Standard & Poor’s tiếp tục chỉ trích sự không sẵn lòng của Singapore trong việc việc cung cấp thông tin chi tiết về quản lý công quỹ. Tại Malaysia, việc phân bổ và quản lý tiền tiết kiệm bắt buộc vẫn còn là một hộp đen. Các nhà phê bình cáo buộc rằng, các khoản chi tiêu ngắn hạn từ Quỹ tiết kiệm cho người lao động (EPF) chỉ được duy trì bằng việc tiến hành xem xét bất ngờ cơ số vốn của nó và sử dụng việc chuyển tiền từ các nguồn công cộng khác, như cơ quan đầu tư của chính phủ Malaysia là Permodalan Nasional Berhad.

Điều chắc chắn duy nhất là, như ở các nơi khác trong khu vực, không hề có một bộ sổ sách kế toán đáng tin cậy để công chúng có thể xem xét.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.