Tư Duy Như Einstein

4. Không có ý tưởng tồi



“Bạn có nghĩ nếu chúng ta biết rõ việc mình đang làm thì đó không còn gọi là nghiên cứu nữa?”

– ALBERT EINSTEIN –

Con người thường lo sợ mình sẽ tạo ra những ý tưởng ngớ ngẩn, vì thế, họ thường xây dựng những khái niệm dựa trên lối tư duy lỗi thời song nghe có vẻ hợp lý. Đây là một cách hay để tránh bị chế nhạo nhưng lại là biện pháp giải quyết vấn đề không hiệu quả. Để tạo ra một giải pháp phi thường, bạn cần những ý tưởng mới, và hầu hết chúng thường có vẻ ngớ ngẩn.

Cách tư duy của Einstein dẫn đến hàng loạt sai lầm, những khái niệm khó hiểu, những kết thúc bế tắc cùng những ý tưởng thiên tài. Những ý tưởng dở vẫn hữu ích không kém gì những sáng kiến. Tôi thích gọi các ý tưởng ngu ngốc là “những khái niệm Chris” để tỏ lòng kính trọng một trong những ý tưởng điên rồ nhất trong lịch sử nhưng thực chất lại có vai trò vô cùng quan trọng.

NHỮNG KHÁI NIỆM CHRIS

“Lịch sử là một sự dối trá được thừa nhận.”

– NAPOLEON BONAPARTE –

Câu chuyện về nhà thám hiểm vĩ đại Christopher Columbus khá kỳ lạ. Mọi người hoàn toàn có lý để cười vào mặt ông khi ông muốn đi bằng tàu thủy về hướng Tây để tới châu Á. Đây quả là một ý tưởng cực kỳ ngu ngốc. Mặc dù các nhà hàng hải và các nhà khoa học hàng đầu thời đó đều biết rằng trái đất hình tròn nhưng châu Á lại ở quá xa nên không thể tới đó bằng đường biển. Hơn nữa, những con thuyền thế kỷ XV không thể thực hiện những hành trình dài như vậy. Trên thực tế, nếu không bất ngờ phát hiện ra châu Mỹ, Columbus và đoàn thủy thủ của ông có lẽ đã phải bỏ mạng đâu đó ở phía Đông Nam ngoài khơi quần đảo Hawaii.

Columbus đã có những lập luận hoàn toàn sai lầm. Nhưng dẫu vậy, ý tưởng của ông đã đưa ông thoát khỏi một quan niệm xưa cũ từng tồn tại qua bao thế kỷ. Khi có điều kiện để thử nghiệm ý tưởng của mình, ông đã tạo ra một phát kiến vĩ đại. Tuy đó không phải là phát kiến mà ông hằng kỳ vọng nhưng nó vẫn vô cùng quan trọng.

Nhiều năm sau, người ta đã sửa đổi câu chuyện cũ về Columbus, biến ông thành một con người thực tế hơn và vô cùng sáng suốt để cho ra đời một phát kiến vĩ đại – tìm ra châu Mỹ. Trên thực tế, Columbus là một nhà hàng hải dũng cảm chứ không phải là nhà khám phá vĩ đại làm thay đổi thế giới.

Mọi ý tưởng điên rồ đều có thể mang dáng dấp của “những khái niệm Chris”. Có thể chúng không phải là giải pháp bạn đang tìm kiếm song chúng vẫn tiềm ẩn khả năng đưa bạn đến với một giải pháp không ai có thể tưởng tượng nổi. “Những khái niệm Chris” rất có giá trị. Hãy đưa ra càng nhiều ý tưởng như vậy càng tốt. Chớ nên giấu giếm chỉ vì sợ những ý tưởng của bạn bị coi là ngớ ngẩn.

THẤT BẠI CỦA MORLEY-MICHELSON

“Logic: Tư duy và lập luận luôn song hành với những hạn chế sự nhầm lẫn của nhân loại.”

– AMBROSE BIERCE –

Một số ý tưởng gần như thất bại khi chúng thật sự chỉ là những tấm biển chỉ đường dẫn đến sự đột phá. Một ý tưởng “bất thành” dẫn đến việc Einstein phát minh ra Thuyết Tương đối. Khi Einstein phát minh ra Thuyết Tương đối, ông chủ yếu dựa vào một cuộc thí nghiệm “bất thành”.

Năm 1887, A.A. Michelson và E.W. Morley đã trình bày cách đo sự thay đổi của tốc độ ánh sáng. Thay đổi này là một dự báo quan trọng đối với những lý thuyết vật lý đang thịnh hành. Hai nhà khoa học trên đã thực hiện một thí nghiệm chưa từng có nhằm chứng minh rằng: ánh sáng chiếu ngược chiều chuyển động của Trái đất di chuyển chậm hơn so với ánh sáng chiếu cùng chiều chuyển động của Trái đất. Thí nghiệm này cần tới một thiết bị cực lớn và chính xác. Cuối cùng, sau nhiều tháng chuẩn bị kỹ càng, hai nhà khoa học đã sẵn sàng tiến hành thí nghiệm. Họ hy vọng sẽ trở nên nổi tiếng, được mời tham dự các bữa tiệc xứng tầm và sau này, giới sinh viên ngành vật lý sẽ phải biết đến danh tiếng của họ.

Thế nhưng, đã có điều gì đó trục trặc. Thí nghiệm tưởng chừng như hoàn hảo của Michelson và Morley đã không thể xác định được sự thay đổi của vận tốc ánh sáng. Cuộc thí nghiệm bị coi là thất bại và hai nhà khoa học cũng ngừng theo đuổi thí nghiệm này. Tất nhiên, họ đã khám phá ra một manh mối lớn là ánh sáng luôn chuyển động với vận tốc không đổi. Nhiều năm sau, chính kết luận này tạo tiền đề cho Albert Einstein khám phá ra các nguyên lý của Thuyết Tương đối. Michelson và Morley cũng đã có thể nổi tiếng như Einstein nếu hai ông nhận thức được thất bại của mình thật ra là một bước đột phá.

NHỮNG Ý TƯỞNG DỞ THÀNH CÔNG VANG DỘI

“Người duy nhất không bao giờ mắc sai lầm là người không làm bất cứ việc gì.”

– THEODORE ROOSEVELT –

Những ý tưởng dở, hay “những khái niệm Chris”, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp hay. Giải pháp đổi mới hiếm khi là kết quả nảy sinh trực tiếp từ vấn đề. Con đường dẫn tới thành công thường ngoằn nghèo và đầy rẫy chông gai. Trên con đường này, sẽ có vô số thất bại nhưng lại quan trọng với việc tìm ra giải pháp cuối cùng. Sẽ là điều kỳ diệu tuyệt vời nếu người ta tránh được “những khái niệm Chris” trên con đường tìm ra giải pháp, nhưng hiếm có người nào lại may mắn đến vậy.

“Những khái niệm Chris” được coi là chìa khóa dẫn tới hầu hết những phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Alexander Fleming đã sửng sốt khi phát hiện ra nước mắt ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Ông cố gắng ứng dụng đặc tính này của nước mắt vào y học nhưng không thành công. Tuy nhiên, ý định này đã tạo tiền đề giúp ông nảy sinh ý tưởng về một loại chất có thể tiêu diệt được các loại vi trùng gây hại mà không làm người bệnh bị tổn thương.

Khi Fleming tìm ra một số loại nấm mốc có khả năng ức chế sự phát triển của vi trùng, ngay lập tức, ông nhận ra tầm quan trọng của phát hiện này. Phát hiện này đã mở đường cho sự ra đời của penicillin, loại kháng sinh góp phần cứu sống hàng triệu người. Phát minh của Fleming được đánh giá là một trong những bước tiến vĩ đại nhất về y học trong lịch sử nhân loại – và nó khởi nguồn từ một ý tưởng ngớ ngẩn.

Đặt tượng Nữ thần Tự do ở Ai Cập? Đó chính là kế hoạch ban đầu. Người ta dự định sử dụng tượng Nữ thần Tự do như một ngọn hải đăng trên kênh đào Suez và ông Auguste Bartholdi đã dành nhiều năm để nghiên cứu dự án trên. Công việc thiết kế cũng đã hoàn tất nhưng công trình này vẫn chỉ tồn tại trên bản vẽ vì thiếu kinh phí. Tưởng như bản thiết kế đã trở thành một sự lãng phí lớn cho đến khi cơ hội xuất hiện. Thật bất ngờ, ý tưởng đó thành công ngoài sức tưởng tượng.

Những người hàng xóm của Gail Borden từng chế nhạo ông về ý tưởng chuyển toàn bộ người dân ở hạt Galveston (bang Texas, Mỹ) vào một tòa nhà lạnh để “loại bỏ bệnh tật”. Bất kỳ ai sống gần Galveston đều cho rằng đây không phải là một ý tưởng ngớ ngẩn song phải nhiều năm nữa mới có thể thực hiện được. Tuy nhiên, ý tưởng của Borden đã tạo ý tưởng ngăn chặn bệnh tật bằng cách không để thức ăn bị ôi thiu. Nhiều năm sau, trên một chuyến tàu vượt Đại Tây Dương, ông chứng kiến cảnh nhiều trẻ em trên tàu chết vì uống sữa bị hỏng. Với quyết tâm ngăn chặn bệnh tật do các sản phẩm từ sữa bị hỏng gây ra, Gail Borden đã tiến hành một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp bơ sữa với ý tưởng cô đặc và đóng hộp sữa.

Đôi khi, những ý tưởng dở giúp mang lại thành công lớn. Cách đây không lâu, dịch vụ thông tin điện tử đã suýt chết yểu, trước khi mọi người biết đến sự hiện hữu của nó. Nếu bạn không biết dịch vụ thông tin điện tử là gì, thì xin thưa, đó chính là các tin tức, thông tin mua sắm và dự báo thời tiết qua truyền hình. Liệu đây có phải là một “khái niệm Chris” nữa? Muốn biết câu trả lời, bạn hãy hỏi những người đi tiên phong trong lĩnh vực thông tin điện tử, những người đã trở thành tỷ phú nhờ kinh doanh dịch vụ này qua mạng Internet.

ĐỪNG BAO GIỜ TỪ BỎ NHỮNG Ý TƯỞNG MỚI

“Điều khó hiểu nhất về thế giới này chính là việc ta có thể hiểu được nó.”

– ALBERT EINSTEIN –

Không nên bác bỏ những ý tưởng mới, ngay cả khi chúng không giá trị bằng những ý tưởng bạn đang thực hiện. Các ý tưởng đang thực hiện có thể gặp bế tắc. Một ngày nào đó, những ý tưởng vốn bị coi là thấp kém hơn sẽ mang lại tiến bộ.

Vào thời kỳ đầu của các cuộc thám hiểm trên thế giới, Trung Quốc là quốc gia có ngành hàng hải phát triển nhất với lực lượng hải quân hùng mạnh. Về công nghệ, những chiếc thuyền đồ sộ của người Trung Quốc đi trước hàng thế kỷ so với những chiếc thuyền của người châu Âu. Các thương gia Trung Quốc từng thống trị các tuyến vận tải biển tại Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đô đốc Trịnh Hòa đã chỉ huy nhiều chuyến thám hiểm và đưa vào hải đồ những bến cảng ở tận bờ biển Đông Phi. Trung Quốc lúc đó đang trên đường trở thành quốc gia hàng hải đứng đầu thế giới.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc là các vị Hoàng đế Trung Hoa không rút ra được những bài học đúng đắn sau các chuyến thám hiểm của Đô đốc Trịnh Hòa. Họ cho rằng, thế giới bên ngoài chẳng có gì đáng để người Trung Quốc phải học hỏi nữa vì công nghệ, sản phẩm và xã hội bên ngoài rõ ràng đều thua kém Trung Quốc. Sau đó, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã cấm thực hiện các chuyến viễn thám ngoài lãnh thổ, khiến cho hạm đội hải quân và thương thuyền của nước này nằm mục nát trên bến cảng.

Trong khi đó, nhiều quốc gia nhỏ bé và lạc hậu hơn như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh hay thậm chí một quốc gia nhỏ bé như Hà Lan, đã không ngừng phát triển giao thương trên biển. Những nước này phải mất nhiều năm mới đặt chân lên những nơi mà người Trung Quốc đã tới. Họ đã chiếm lĩnh cả thế giới, trong đó có phần lớn lãnh thổ của người Trung Quốc.

Một ý tưởng dở có thể giống như chất dung dịch collodion, một sản phẩm sơ cứu phổ biến trong thế kỷ XIX. Thực chất nó không có chút công hiệu y tế nào, thậm chí còn có hại nhưng mọi người đều nghĩ nó là thứ hữu ích để điều trị các vết thương hở. Dung dịch này trở thành vật “không thể thiếu” trong các công xưởng, và nó được dùng sát trùng vết thương. Hoàn toàn tình cờ, dung dịch này được phát hiện là có ý nghĩa quan trọng trong việc sáng chế ra kính an toàn, phim chụp ảnh, tơ nhân tạo hay đầu kích nổ. Những ý tưởng dở kết hợp với nhiều yếu tố lại ngẫu nhiên trở thành một giải pháp hữu hiệu. Những “khái niệm Chris” cũng giống như dung dịch collodion. Chúng có thể không hữu dụng nhưng qua một thời gian, chúng lại có thể là “chất xúc tác” cho một bước đột phá thật sự.

Trí tuệ không có giới hạn. Bộ não con người hoàn toàn có khả năng cân nhắc nhiều lựa chọn cùng một lúc. Tuy nhiên, một bộ não không thể có quá nhiều ý tưởng để lựa chọn. Một “khái niệm Chris” ngày hôm nay có thể dễ dàng trở thành một mỏ vàng trong tương lai.

Quặng bôxít là một ví dụ kinh điển cho trường hợp, một ý tưởng dở, sau một thời gian lại trở nên hữu dụng. Nhôm được tinh luyện từ quặng bôxít. Loại quặng này có trữ lượng vô cùng lớn. Trong nhiều năm, cánh thợ mỏ đã phát hiện vô số mỏ bôxít. Nhưng họ không để ý đến chúng vì “chỉ có một kẻ điên” mới nhận phần có những mỏ quặng bôxít ấy. Ngoài ra, quặng bôxít chưa được tinh luyện lại không đáng giá một xu và việc luyện quặng thành nhôm là vô cùng tốn kém. Nhôm từng là kim loại quý nhất trong các loại kim loại quý, được dùng để trang trí trên vương miện của các hoàng đế và dát ngoài tượng đài Washington, còn bôxít chỉ là loại quặng ít có giá trị nhất trong số các loại quặng. Sau đó, con người phát minh ra cách tinh luyện nhôm từ quặng bôxít bằng điện phân. Quá trình này có chi phí rất rẻ và thậm chí, ngày càng rẻ hơn.

Đột nhiên, khai thác và sử dụng bôxít trở thành một ý tưởng tuyệt vời và nhôm trở nên vô cùng thông dụng. Nhân loại ráo riết tham dò và khai thác những mỏ giàu trữ lượng bôxít. Hiện nay, ý tưởng dùng bôxít đã trở thành một giải pháp vĩ đại.

GHI LẠI Ý TƯỞNG CỦA BẠN

“Cuộc sống quả là quan trọng nên ta cần thư giãn.”

– OSCAR WILDE –

Ghi lại mọi ý tưởng của bạn là điều vô cùng quan trọng. Nói cách khác, nhiều “khái niệm Chris” bạn đưa ra sẽ bị rơi vào quên lãng. Hãy lưu lại những ý tưởng dở để bạn có thể dùng tới trong tương lai, cũng là yếu tố cần thiết cho tư duy sáng tạo. Lịch sử cho thấy những ý tưởng hay giống nhau sẽ nảy sinh ở nhiều nơi khác nhau. Nhà sáng chế có nhiều khả năng biến ý tưởng thành giải pháp, nhất là người biết ghi lại những ý tưởng của mình, để dành lấy vinh quang.

Hãy lưu lại các ý tưởng vào Bảng tổng hợp ý tưởng ở phần sau cuốn sách này hoặc trên một bảng biểu tương tự. Bạn nên ghi lại những sáng kiến của mình vào 1 cuốn sổ.

Đừng bao giờ đánh giá những ý tưởng của mình khi bạn đang tạo ra chúng, chỉ nên liệt kê chúng vào các cột “Lý do khiến ý tưởng phát huy tác dụng” và “Lý do khiến ý tưởng không phát huy tác dụng”. Rà soát lại các ý tưởng của bạn sẽ khơi gợi nhiều ý tưởng mới trong bạn. Hãy ghi lại tất cả mối liên hệ với các ý tưởng và suy nghĩ khác. Tư duy theo cách của Einstein sẽ giúp bạn xây dựng một kho ý tưởng cá nhân, các mối liên quan và phép loại suy. Đây chính là “những nguyên liệu thô” giúp ta nảy sinh thêm nhiều ý tưởng.

Ý tưởng mới không từ trên trời rơi xuống. Hãy cân nhắc một khái niệm mới, cho dù nó chưa phải là giải pháp. Tạo ra những ý tưởng có thể sử dụng trong tương lai. Sử dụng danh sách ý tưởng của bạn như một bộ công cụ để giải quyết vấn đề, để tạo ra những ý tưởng và giải pháp khác.

CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT

“Tôi không thất bại mà chỉ là tôi đã tìm ra cả chục nghìn ý tưởng bất khả thi.”

– BENJAMIN FRANKLIN –

Khi giải quyết vấn đề, hãy đưa ra càng nhiều ý tưởng mới càng tốt. Càng có nhiều ý tưởng, bạn càng tạo ra nhiều ý tưởng hay. Các nhà sinh vật học dễ tạo ra những gen đột biến có ích từ sinh vật đa bào có nhiều bộ gen. Yếu tố may mắn luôn tồn tại trong quá trình bạn tìm tòi những giải pháp mới. Sẽ dễ tìm cảm hứng hơn khi bạn có nhiều ý tưởng để thực hiện. Hãy tạo ra các khái niệm mới càng liên quan nhiều tới vấn đề của bạn càng tốt. Bằng cách này hay cách khác, mọi ý tưởng đều có thể được sử dụng. Một lúc nào đó, bạn sẽ thấy, ngay cả những ý tưởng chưa thực hiện được vẫn hữu ích vì “khái niệm Chris” còn có tính khả dụng quan trọng khác.

Ý tưởng của bạn mang lại nhiều manh mối vô giá về bản chất các nguyên tắc giải quyết vấn đề của bạn. Phá vỡ các nguyên tắc là yếu tố then chốt trong cách tư duy của Einstein. Bạn phải nhận biết được những nguyên tắc đó nếu muốn phá vỡ chúng. Những “khái niệm Chris” sẽ giúp bạn nhận biết các nguyên tắc này. Ở chương sau, chúng ta sẽ thảo luận nhiều hơn về vấn đề này khi sử dụng các ý tưởng mới của bạn để tìm ra một số nguyên tắc và phá vỡ chúng. Vì thế, hãy ghi chép tất cả mọi điều, nhất là những ý tưởng ngớ ngẩn.

NHỮNG Ý TƯỞNG PHÙ HỢP

(THEO TỪNG GIAI ĐOẠN)

“Logic giống như thanh gươm – người nào ham mê nó thường sẽ sinh nghề tử nghiệp.”

– SAMUEL BUTLER –

Dù những ý tưởng ngớ ngẩn không bao giờ được tái sử dụng song chúng vẫn có giá trị, vì tồn tại đâu đó trong vô vàn những ý tưởng không được sử dụng là một giải pháp khiến những sai lầm không hoàn toàn vô nghĩa. Những giải pháp hay bù đắp cho cái giá của hàng nghìn “khái niệm Chris”. Những giải pháp hay thường chỉ có sau rất, rất nhiều “khái niệm Chris”.

Nhiều giải pháp có giá trị phi thường. Lợi ích lũy tiến của đèn điện hoặc bữa ăn nhanh là không phải bàn cãi. Một phần giá trị của các sáng kiến này quay trở lại đền đáp cho những người sáng tạo ra chúng, phần còn lại được chia sẻ cho tất cả chúng ta. Một người giải quyết vấn đề hiếm khi một mình thụ hưởng hết giá trị của một giải pháp được áp dụng rộng rãi, song trong tiến trình lịch sử, nhiều người đã phát tài nhờ những sáng tạo của họ. Tuy nhiên, những giải pháp hữu ích không chỉ giới hạn trong lĩnh vực phát minh. Việc thay đổi phong cách lãnh đạo, quy trình kinh doanh hay đưa ra những biện pháp mới cắt giảm chi phí mang lại lợi ích to lớn cho những người sáng tạo ra chúng và cho toàn xã hội nói chung.

Đừng bao giờ hạn chế việc đưa ra ý tưởng mới vì lý do bạn hầu như không dùng đến chúng. Cho dù bạn không dùng tới những “khái niệm Chris” nhằm tìm ra một giải pháp tức thời hay sử dụng chúng như chất xúc tác, thậm chí dùng chúng để phá vỡ các nguyên tắc, bạn cũng hãy tạo ra càng nhiều ý tưởng càng tốt. Một trong chúng có thể sẽ trở thành điều phi thường khiến cho tất cả các ý tưởng của bạn trở nên không vô nghĩa.

Khi bạn đọc chương tiếp theo về phá vỡ khuôn mẫu, hay bất kể khi nào bạn sử dụng phương pháp tư duy theo cách của Einstein, hãy nhớ rằng mọi ý tưởng đều hữu ích. Những ý tưởng điên rồ, ngu ngốc, thậm chí phi thực tế đều có thể đưa bạn tới gần giải pháp hơn. Đừng để một “khái niệm Chris” tan biến với thời gian. Hãy biết dựa vào đó và ghi chép lại, rút kinh nghiệm để phát triển. Hãy nhớ: mọi ý tưởng của bạn đều là nguyên liệu thô cho các giải pháp tương lai.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.