Tư Duy Như Einstein

3. Xác định đúng vấn đề



“Không thể giải quyết những vấn đề quan trọng chúng ta đang đối mặt ở cùng một tầm tư duy như khi chúng ta tạo ra chúng.”

– ALBERT EINSTEIN –

Khi Einstein bắt tay vào nghiên cứu Thuyết Tương đối và giải pháp cuối cùng trở thành phương trình E = mc2, ông có một điều kiện vô cùng thuận lợi: vấn đề phù hợp. Rất nhiều người cùng thời với Einstein cũng đã nghiền ngẫm về hiện tượng đó, nhưng họ lại cố gắng giải quyết một vấn đề hoàn toàn khác. Vấn đề của họ trở thành đại loại như:

“Tại sao tự nhiên có thể vận động theo cách đó khi ta biết nó không thể?”

Họ không thành công. Thí nghiệm, tiền của, công sức đổ vào đều chẳng dẫn đến đâu. Họ thất bại vì họ đang kiếm tìm một câu trả lời vốn không hề tồn tại. Trong khi đó, Einstein thành công vì ông nghiên cứu một vấn đề có khả năng mang lại một giải pháp. Ông tự hỏi:

“Tự nhiên sẽ như thế nào nếu nó vận động theo cách chúng ta quan sát thấy?”

Vấn đề này có câu trả lời. Einstein tìm ra câu trả lời đó, và chính nó đã thay đổi thế giới. Bước đầu tiên trong quá trình tư duy theo cách của Einstein là xác định một vấn đề mà bạn có thể tìm kiếm một giải pháp cho nó.

CÂU TRẢ LỜI CẦN CÂU HỎI

“Trong các lĩnh vực quan sát, cơ hội chỉ đến với những ai có sự chuẩn bị.”

– PASTEUR –

Câu trả lời không còn là câu trả lời nữa nếu không có câu hỏi. Chúng ta đặt câu hỏi và tìm ra giải pháp vì chúng ta có câu hỏi phù hợp. Hãy xem Hình 3.1.

Có vẻ như chẳng có gì chung giữa các mục ở danh sách thứ nhất. Nhưng thực tế, các câu trả lời lại có quan hệ với nhau – chỉ có điều bạn chưa biết các câu hỏi mà thôi.

Tất cả các câu trả lời đều đụng chạm đến những khía cạnh chính trị của việc khai thác mỏ. Tuy vậy, thật khó phát hiện điều này nếu không biết các câu hỏi. Bạn không thể tìm ra các câu trả lời nếu như không có câu hỏi đúng. Cũng như vậy, nếu không có một vấn đề phù hợp thì thật khó xác định giải pháp, dù là hiển nhiên, cho vấn đề đó.

 

 

Giải quyết một vấn đề cũng giống như kiếm tìm các cổ vật quý giá. Bạn sẽ chỉ toàn thấy những thứ bỏ đi, trừ phi bạn biết mình đang tìm cái gì. Những ý tưởng mới mẻ và lớn lao thường có sự khác biệt rất lớn so với nếp tư duy thường ngày của chúng ta. Mặt khác, ta khó nhận ra chúng vì chúng không giống các giải pháp. Khi biết mình đang tìm cái gì, khả năng tìm ra được một giải pháp tốt tăng lên rất nhiều.

Thiên tài cổ đại Archimedes tắm không biết bao nhiêu lần trong đời. Mỗi lần ông bước vào bồn tắm, nước cũng đều dâng lên như vậy. Nhưng chỉ khi ông đang phải tìm cách đo thể tích chiếc vương miện của nhà vua thì ông mới nhận ra lượng nước dâng lên chính là giải pháp tuyệt vời để đo thể tích. Quá vui sướng, ông cứ thế trần truồng chạy ra đường. Để tìm ra một đột phá đầy hứng thú, bạn cần phải có cái nhìn rõ ràng về giải pháp bạn đang tìm kiếm. Sau đó, bạn cũng cần nhận ra câu trả lời của mình khi đã tìm thấy nó.

VIẾT RA VẤN ĐỀ

“Những người mù chữ của thế kỷ XXI sẽ không phải là những người không biết đọc, biết viết mà là những người không thể học tập, ngừng học tập và phải học tập lại.”

– ALVIN TOFFLER –

TÁC GIẢ CUỐN SÁCH FUTURE SHOCK (CÚ SỐC TƯƠNG LAI)

Những vấn đề lớn có nhiều đặc điểm nổi bật nhưng chúng đều khởi nguồn từ một hồ sơ cố định. Bạn phải diễn đạt vấn đề ra giấy. Các cách tư duy lập hồ sơ cũng có nhiều điều thú vị. Hãy viết lời xác định vấn đề ra để tìm lời giải cho nó, trừ phi bạn gặp phải tình huống quá khó.

Việc xác định vấn đề khiến trí óc bạn tập trung hơn. Cũng giống như tia laser hội tụ có thể cắt kim loại, nếu tập trung trí óc, bạn có thể giải quyết những vấn đề hóc búa nhất.

Bạn sẽ khó cưỡng lại suy nghĩ mình không cần làm bài tập này. Bạn có thể nghĩ: Ta biết vấn đề này, ta không cần viết nó ra. Nếu đúng như vậy thì bạn đừng nghĩ về nó nữa mà hãy đọc tiếp. Bạn phải viết các vấn đề ra mới mong tìm được những giải pháp tuyệt vời.

Hãy bắt đầu với một lời xác định vấn đề ngắn gọn, cô đọng. Rút gọn lại sao cho chỉ còn vài danh từ và động từ chủ chốt, liên quan tới vấn đề. Nên sử dụng khoảng 25 từ trở xuống. Ngay cả những vấn đề hóc búa nhất cũng chỉ nên diễn tả bằng 25 từ. Nếu mô tả dài dòng, bạn có thể vô tình đưa thêm vào vấn đề một số nguyên tắc ngăn cản việc tìm ra giải pháp. Sau khi mô tả vấn đề, bạn hãy ghi lại một cách ngắn gọn lý do tại sao phải giải quyết nó. Những vấn đề có nhu cầu cấp bách sẽ được giải quyết. Vấn đề sẽ không còn là vấn đề nữa nếu bạn không cần phải giải quyết nó.

Cuối cùng, ghi lại bước cần thực hiện tiếp theo cho mỗi vấn đề. Nhiều trường hợp, chúng ta không giải giải quyết được vấn đề là do chưa nỗ lực chứ không phải thiếu giải pháp. Vấn đề sẽ được giải quyết nếu chúng ta nỗ lực. Ngay cả những nỗ lực chệch hướng cũng không phải là lãng phí. Lỗi lầm, sai sót và những bước đi sai lầm đều có vai trò thiết yếu trong quá trình tìm kiếm giải pháp. Nếu bạn không thực hiện bước tiếp theo thì điều bạn cần là động lực chứ không phải là một giải pháp sáng tạo.

Khi bạn có nhiều vấn đề cần giải quyết, hãy lập hồ sơ cho chúng ngay cả khi bạn không thể tập trung vào tất cả. Chỉ cần thường xuyên rà soát lại danh sách các vấn đề cũng đủ để bạn có cảm hứng đưa ra các ý tưởng thú vị. Hầu hết các vấn đề đều chưa được chú ý đúng mức. Chúng ta chưa lưu tâm tới những vấn đề hóc búa để có thể nảy sinh giải pháp, nhưng trí óc chúng ta có thể liên tục suy nghĩ về các vấn đề đó dù chúng ta đang làm việc khác. Trí óc chỉ chú ý tới việc bạn cần một giải pháp. Khi bạn tập trung nghĩ về một vấn đề, hoặc thậm chí chỉ là trong chốc lát, trí óc bạn cũng đã được nhắc nhở rằng cần phải làm việc để tìm ra giải pháp. Các nơ-ron thần kinh của bạn sẽ phải hoạt động cho tới khi giúp bạn tìm ra câu trả lời. Thần đồng toán học Maria Agnesi thường thức dậy với câu trả lời cho một vấn đề nào đó. Sau khi phác thảo tỉ mỉ giải pháp đó, bà lại đi ngủ tiếp. Sáng hôm sau, bà thường ngạc nhiên khi tỉnh dậy đã thấy một giải pháp có sẵn ở cạnh giường. Cũng theo cách này, C.J. Walker đã trở thành triệu phú đầu tiên ở Mỹ tự mình “một tay gây dựng cơ đồ.” Bà nằm mơ thấy công thức mọc tóc và điều đó đã giúp bà gây dựng sản nghiệp.

Nếu bạn chưa từng làm việc này, hãy mở Phụ lục A  Biểu thức Tư duy theo cách của Einstein và mô tả một vài vấn đề bạn cần giải quyết cùng với lý do tại sao bạn muốn có giải pháp và bước đi tiếp theo. Sau khi hoàn thành danh sách, bạn hãy lựa chọn một vấn đề và giải quyết trên cơ sở tư duy theo cách của Einstein. Tốt nhất hãy chọn những vấn đề hóc búa. Kiểu tư duy theo lối mòn thường cản trở việc tìm ra giải pháp cho những vấn đề như vậy. Chúng ta sẽ từng bước viết ra lời mô tả vấn đề có thể giải quyết được. Tôi sẽ lấy ví dụ về vấn đề xóa đói giảm nghèo.

TẠO RA MỘT VẤN ĐỀ CÓ KHẢ NĂNG GIẢI QUYẾT

“Dường như phương tiện hoàn hảo và mục đích lộn xộn chính là đặc trưng của thời đại chúng ta.”

– ALBERT EINSTEIN –

Chẳng có vấn đề nào là không thể tìm ra lời giải, dù một số nhiệm vụ dường như bất khả thi. Nếu bạn nghĩ mình cần phải làm được những điều không thể, như chế tạo một dây chuyền sản xuất mới chỉ sau một đêm hay xây dựng một xí nghiệp trong một tuần, thì bạn đang xác định nhầm vấn đề. Những vấn đề không phù hợp khiến ta không thể giải quyết. Ngược lại, các vấn đề phù hợp cho phép ta nghĩ ra những giải pháp lớn. Bước tiếp theo trong quá trình tạo ra giải pháp lớn là tìm ra vấn đề có khả năng giải quyết.

Bạn nên cố gắng cơ cấu vấn đề sao cho có thể tìm ra càng nhiều câu trả lời càng tốt. Những vấn đề phù hợp đặt ra mục đích đáp ứng những nhu cầu thực tế. Những vấn đề không phù hợp mang tới các giải pháp hiển nhiên. Nếu một giải pháp hiển nhiên mang tính phi thực tế thì bạn sẽ bị mắc kẹt. Vấn đề phù hợp cho phép có sự trao đổi còn vấn đề không phù hợp thường cứng nhắc.

Có thể bạn chẳng bao giờ biết trước, khi nào sẽ tìm ra giải pháp hoặc làm cách nào để tìm ra được giải pháp cuối cùng. Một vấn đề có khả năng giải quyết cho phép bạn theo đuổi các giải pháp trên nhiều bình diện khác nhau, đặc biệt trên cả những hướng bạn không nghĩ sẽ mang lại hiệu quả.

Giả dụ bạn được giao giải quyết một vấn đề như sau:

Bob cần nhiều hộp hơn để vận chuyển táo đem bán bằng đường biển. Anh ta có những miếng các-tông hình chữ nhật, kích cỡ 1m x 2m. Hộp các-tông lớn nhất Bob có thể làm là bao nhiêu?

Đây không phải là một vấn đề phù hợp. Cách duy nhất giải quyết vấn đề là tính toán để làm những hộp các-tông lớn nhất. Dường như câu trả lời đã được định sẵn. Nếu câu trả lời đó mang lại hiệu quả thì rất tốt. Nhưng thường thì các câu trả lời định sẵn không giải quyết được những vấn đề hóc búa như vậy.

Einstein thích đương đầu với một vấn đề bằng cách quay trở lại những điều cơ bản. Ông bỏ qua hầu hết các dữ kiện đã biết, tự mình tìm kiếm các quan niệm chủ chốt từ đầu. Nhờ đó, ông tránh được nhiều giả định không phù hợp, những vấn đề thường khiến nhiều đồng nghiệp của ông lúng túng. Bạn cũng có thể sử dụng phương pháp này để vấn đề của bạn có khả năng giải quyết.

Xác định những vấn đề thật sự

“Một người đàn ông luôn đưa ra hai lý do cho những gì anh ta làm – một lý do tốt và một lý do thật sự.”

– J. P. MORGAN –

Tất cả các vấn đề đều tồn tại theo cấp bậc nhu cầu. Mỗi vấn đề đều chịu chi phối của những nhu cầu ở cấp độ cao hơn – những lý do của việc tìm kiếm giải pháp. Mọi người giải quyết các vấn đề để trở nên giàu có, tiếp tục ăn uống thoải mái hoặc để chứng tỏ khả năng của mình. Nhưng trong quá trình giải quyết vấn đề, ta thường không chú ý tới những nhu cầu ở cấp độ cao hơn này.

Bạn lựa chọn vấn đề mục tiêu của mình vì bạn tin đó là cách đáp ứng một số nhu cầu ở cấp độ cao hơn. Mục tiêu của bạn có thể là câu trả lời nhưng cũng có thể sẽ có những cách khác tốt hơn, trong đó, nhu cầu ở cấp độ cao chính là vấn đề thật sự của bạn. Một quy tắc đã lỗi thời cho rằng chỉ có một cách duy nhất đáp ứng được nhu cầu ở cấp độ cao hơn sẽ chi phối việc bạn mô tả vấn đề. Vì vậy, biến nhu cầu ở cấp độ cao hơn thành vấn đề mục tiêu sẽ giúp tăng khả năng tìm ra các giải pháp.

Giả định về chuyến vận chuyển táo bằng tàu thủy ở trên đưa ra là Bob nên sử dụng các miếng các-tông hình chữ nhật để làm thành các hộp với thể tích tối đa. Vận chuyển nhiều táo hơn để bán ra thị trường có thể chỉ là một nấc thang nhỏ trong bậc thang vấn đề của Bob. Để tìm ra một giải pháp thật sự, ta cần bắt đầu từ những yếu tố cơ bản, đó là Bob.

Nếu ta phỏng vấn Bob và nhận thấy anh ta thật sự muốn hưởng thụ cuộc sống thì cũng không có gì ngạc nhiên. Khi tìm hiểu sâu hơn, ta thấy Bob tin rằng anh ta có thể hưởng thụ cuộc sống nhiều hơn nếu thích công việc trồng trọt hơn, hoặc nếu anh ta kiếm được nhiều tiền hơn.

Nếu Bob thật sự quan tâm đến việc tối đa hóa lợi nhuận thì lời mô tả vấn đề của anh ta đại loại như sau: Bob đã trồng và thu hoạch nhiều táo hơn so với số hộp anh ấy có để vận chuyển ra thị trường. Anh ta có 500 miếng các-tông với kích cỡ 1m x 2m. Hãy tối đa hóa lợi nhuận của Bob.

Lời mô tả này đã để ngỏ những khả năng mới. Bob có thể dùng những miếng các-tông làm những hộp hình nón hay hình chóp. Mặc dù nhỏ hơn nhưng những bao bì mới này tăng tính hấp dẫn và giá trị của những trái táo lên rất nhiều. Có nhiều giải pháp không liên quan đến bao bì. Thay vì chỉ chú tâm đến vấn đề về hộp vận chuyển, Bob đã có được những thông tin quý báu về lượng cung táo quá lớn. Thay vì lãng phí thời gian đóng gói những quả táo vốn sẽ không bán được với giá hời do dư thừa hàng hóa, Bob nên bán non táo vì bán non sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn.

Nhưng một vấn đề cốt lõi khác là làm cách nào để cảm thấy thích thú hơn với công việc trồng trọt. Có thể Bob có tham vọng đưa sản phẩm táo của anh ta có chất lượng tốt nhất thế giới. Cũng có thể anh ta thích làm rượu táo hơn. Vấn đề hộp đựng táo của Bob tưởng như đơn giản nhưng cho phép mở ra nhiều giải pháp đa dạng. Bằng cách quay trở lại những yếu tố cơ bản của vấn đề, chúng ta đã mở rộng khả năng kiếm tìm các giải pháp và cũng khiến việc kiếm tìm đó thú vị hơn.

Trong bản mô tả vấn đề, bạn nên liệt kê những mục tiêu mong đợi chứ không phải các phương tiện vì nếu bạn nêu luôn giải pháp sẽ khiến việc phá bỏ các nguyên tắc gặp khó khăn. Để tư duy theo cách của Einstein, bạn phải phá bỏ các nguyên tắc.

Trước khi thử giải quyết bất kỳ mục tiêu nào, bạn hãy khảo cứu các nhu cầu cần giải quyết. Bạn nên bắt đầu bằng cách xác định các nhu cầu và ghi vào hồ sơ. Để hiểu cấp bậc vấn đề của mình, tôi thường vẽ một sơ đồ biểu diễn các nhu cầu của một vấn đề. Tôi vẽ vấn đề mục tiêu ở giữa trang giấy. Những nhu cầu nảy sinh sẽ nằm ở phía trên. Tôi ghi các vấn đề/giải pháp thay thế ở vị trí thích hợp trên sơ đồ. Tôi nối các vấn đề với giải pháp của chúng bằng các đường thẳng, và bản thân các giải pháp đó cũng chính là những vấn đề.

Có thể bạn muốn làm ngược lại: viết ra vấn đề phụ. Nhưng tôi khuyên bạn đừng tập

trung vào chúng mà chỉ nên xem liệu có một vấn đề phức tạp nào đó nằm ở cấp độ thấp tại gốc rễ của vấn đề lớn mà bạn đang phải xử lý hay không. Khi bạn tập trung vào những cấp độ cao trong thang bậc vấn đề của mình, bạn sẽ dễ tạo ra những giải pháp sáng tạo hơn.

Hãy mô tả cấp bậc vấn đề của bạn bằng bất kỳ cách nào bạn muốn, miễn là phải có hồ sơ lưu về chúng. Xác định các nhu cầu và vấn đề dẫn tới mục tiêu của bạn. Sau đó, xác định xem có phải một nhu cầu ở cấp độ cao hơn chính là vấn đề thực tế bạn phải giải quyết không?

Bỏ qua các giới hạn

“Đừng bao giờ làm nguội lạnh nguồn cảm hứng và trí tưởng tượng của bạn, đừng trở thành nô lệ trong chính hình mẫu của mình.”

– VINCENT VAN GOGH –

Hiếm khi Einstein để các ý tưởng đã định hình cản trở khả năng tự do xem xét những giải pháp mới. Thậm chí, ông còn bỏ qua ngay cả những học thuyết của chính mình. Nếu bạn muốn giải quyết vấn đề bất khả thi, bạn cũng phải bỏ qua những giới hạn. Đừng băn khoăn chuyện bạn không có đủ thời gian và tiền bạc vì sẽ chẳng bao giờ bạn có đủ. Hãy quên cả cái tôi, những thái độ hay truyền thống đi. Bạn không thể giải quyết vấn đề nếu bạn vẫn còn vướng mắc trong những trở ngại này.

Bước tiếp theo của việc tạo ra lời mô tả vấn đề có khả năng giải quyết là xác định các giới hạn và bỏ qua chúng. Nếu định nghĩa vấn đề của bạn giả định rằng tiền bạc và thời gian là các giới hạn thì hãy bỏ chúng đi. Khi tìm kiếm giải pháp, bạn đừng xem xét đến chúng. Để làm được điều này không dễ nhưng đây là điểm mấu chốt trong quá trình giải quyết vấn đề.

Hãy viết ra những điều bạn tin là sẽ gây trở ngại trong việc tìm ra giải pháp lớn cho vấn đề mục tiêu của bạn, sau đó, quên chúng đi. Chúng ta sẽ giải quyết những hạn chế này trong chương nói về phá bỏ nguyên tắc. Hiện giờ thì chúng chưa tồn tại.

Loại bỏ các câu trả lời cũ

“Tiền lệ đơn thuần chỉ là nguồn quyền lực nguy hiểm.”

– ANDREW JACKSON –

Những giải pháp tàm tạm và thái độ “nếu nó không hỏng thì chẳng việc gì phải sửa” thường ngăn cản bạn xem xét các giải pháp tốt hơn. Nếu bạn bắt đầu suy nghĩ theo cách này thì hãy tìm tòi ngay cái mới và lưu ý rằng, các ý tưởng tốt chính là những vật cản lớn nhất của các ý tưởng lớn. Vật lý học Newton đã ngăn cản thành công rất nhiều cải biến trong kiến thức của chúng ta về vũ trụ. Ví dụ như Thuyết Tương đối của Einstein. Không có lý do gì để nghi ngờ nó cả vì nó tỏ ra rất hữu hiệu trong hầu hết mọi trường hợp.

Khi xác định vấn đề, bạn nên tạm thời loại bỏ các giải pháp vốn đã được cân nhắc quá kỹ. Điều này có vẻ đối lập với quan điểm mở rộng các lựa chọn giải pháp, nhưng những giải pháp đó không mới và bạn chỉ loại bỏ chúng tới khi bạn có thể xem xét những câu trả lời mới mà không thiên kiến. Bạn phải loại bỏ những câu trả lời cũ để chúng không khiến bạn đi lạc lối. Nếu chúng thật sự là giải pháp cho vấn đề của bạn thì coi như vấn đề đó đã được giải quyết.

Bạn hãy xác định ba giải pháp hàng đầu của bạn trong hiện tại nhằm giải phóng trí óc và tư duy cho những giải pháp thay thế tốt hơn. Bây giờ hãy coi chúng là những điều bị cấm đoán. Bạn không thể đồng thời phá bỏ các nguyên tắc trong khi vẫn cố bám vào những kiểu tư duy theo lối mòn.

Đơn giản hóa

“Càng đơn giản hóa nhiều việc càng tốt, nhưng không nên quá giản tiện.”

– ALBERT EINSTEIN –

Những vấn đề đơn giản thường dễ giải quyết. Einstein biết đơn giản hóa các vấn đề của ông. Ông xây dựng Thuyết Tương đối hẹp trước. Gọi là “hẹp” vì nó áp dụng cho các trường hợp đơn giản. Tên chính xác hơn của thuyết này có lẽ nên để là Thuyết Tương đối “đơn giản”. Việc tập trung vào một vấn đề đơn giản trước giúp Einstein phát triển các ý tưởng và công cụ chuẩn bị cho sự ra đời của một lý thuyết tổng quát hơn.

Nhiều người tỏ ra miễn cưỡng khi phải đơn giản hóa một vấn đề vì điều này có vẻ như gian lận. Chính xác như vậy. Bạn đang cố phá bỏ các nguyên tắc cản trở việc xử lý vấn đề của mình và việc đơn giản hóa vấn đề là một bước quan trọng.

Căn cứ vào việc xác định vấn đề, hãy loại bỏ mọi yếu tố có thể. Bạn nên bỏ những điều kiện tiên quyết, giải pháp nửa vời và từ ngữ thái quá. Tóm lại, hãy giải phóng việc xác định vấn đề khỏi những gánh nặng cản trở việc đề ra giải pháp. Trong một buổi giảng dạy, Einstein tuyên bố cần phải đơn giản hóa những định luật vật lý. Khi được hỏi ông sẽ làm gì nếu điều này không được thực hiện, ông trả lời: “Khi đó tôi sẽ chẳng quan tâm đến chúng nữa.” Hãy nhớ, tập trung sự quan tâm của bạn vào một vấn đề đơn giản.

ĐỘNG LỰC

“Không cái gì thật sự giá trị mà lại nảy sinh từ tham vọng hay từ một ý thức trách nhiệm đơn thuần.”

– ALBERT EINSTEIN –

Những ý tưởng vĩ đại mang ý nghĩa to lớn vì chúng ta cần chúng. Chúng ta cần những động lực thúc ép để xem xét các ý tưởng mới mẻ nhưng không hoàn toàn dễ chịu. Tìm ra một giải pháp hẳn là một lý do đủ quan trọng để chúng ta vượt qua sức ỳ cả về tinh thần lẫn thể chất. Đó là lý do tại sao người ta nói: “Cái khó ló cái khôn”. Chỉ cần có nhu cầu, chắc chắn sẽ tìm ra giải pháp.

Bài thánh ca mừng Giáng sinh Silent Night (Đêm yên tĩnh) được sáng tác khi chiếc đàn phong cầm của nhà thờ bị hỏng. Chỉ có mỗi cây đàn ghi-ta phục vụ cho buổi lễ Giáng sinh. Kết quả là một bài thánh ca bất hủ được trình diễn với tiếng đệm của đàn ghi-ta.

Một thiên tài khác, Stephen Hawking, tuyên bố sở dĩ ông dấn thân vào lĩnh vực vật lý vì ông đã gặp được một cô gái xinh xắn và muốn cưới cô làm vợ. Để làm điều đó, ông cần một công việc tốt. Hawking giải mã những bí ẩn của vũ trụ để nuôi sống gia đình mình.

James Spangler phát minh ra máy hút bụi vì ông không muốn mất công việc dọn dẹp vệ sinh của mình. Do tuổi đã cao nên ông không thể nâng nổi chiếc máy lau thảm nặng nề, hơn nữa, nó còn khua bụi mù mịt khiến ông luôn đau ốm. Spangler lẽ ra sẽ phải từ bỏ công việc và mất khoản thu nhập thường xuyên trừ phi ông có thể tìm ra một cách lau thảm khác. Và ông đã làm được điều đó.

J.C. Hallmark giúp cải tổ ngành kinh doanh thiếp mừng của Mỹ vì ông buộc phải làm như vậy. Cũng như những nhà phân phối thiếp khác, ông nhập từ châu Âu các mẫu thiếp được in ấn tinh xảo để bán vào dịp Lễ Tình yêu (Valentine) và Giáng sinh. Tuy nhiên, một lần kho hàng của Hallmark bị lửa thiêu rụi khi chỉ còn vài tuần nữa là đến Lễ Tình yêu. Thời gian quá gấp khiến ông không thể nhập khẩu thêm các thiếp từ châu Âu. Đối mặt với thiệt hại nặng về tài chính, Hallmark mua một xưởng in nhỏ và bắt đầu thiết kế các mẫu thiếp đơn giản và khai thác nó triệt để bằng cách bắt đầu sản xuất thiếp mừng cho những dịp lễ, tết, kỷ niệm khác. Vì không có lựa chọn nào khác nên Hallmark đã thay đổi công việc kinh doanh của mình.

Bạn cũng có thể sáng tạo hơn thế nếu nhu cầu của bạn thật sự lớn. Hãy tưởng tượng một vấn đề đơn giản như lau rửa nhà vệ sinh. Bình thường, đây là một nhiệm vụ bất khả thi nhưng nếu trong hai tuần, bạn không lau rửa sạch sẽ nhà vệ sinh, bạn sẽ bị hành quyết thì lúc đó, bạn sẽ làm được việc này. Hay nếu bạn sẽ được nhận phần thưởng 100.000 đô-la cho việc lau rửa nhà vệ sinh thì bạn sẽ làm ngay việc đó. Bạn cũng có thể giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp hơn nhiều nếu như có những khích lệ hợp lý.

Hernan Cortez là bậc thầy về khích lệ. Ông sử dụng chiến thuật “cây gậy” với những mẹo như cắt đứt đường rút lui, phá hủy hạm đội và đưa quân đến các vùng đất thù địch. Nhưng ông cũng rất giỏi tạo ra những “củ cà rốt” để thúc đẩy tinh thần đội quân ít ỏi của mình. Cortez hứa ban thưởng của cải nhằm khích lệ tinh thần của đạo quân tới Mexico. Những người theo ông đều muốn trở nên giàu có, một sự giàu có đáng để đánh đổi bằng những năm vất vả, mất mát, thậm chí cận kề cái chết trên một miền đất xa lạ. Lý lẽ Cortez đưa ra thuyết phục đến nỗi hầu hết những cư dân người Tây Ban Nha trên đảo Cu Ba đã rời bỏ nhà cửa và gia nhập đoàn quân viễn chinh của ông.

Cortez đã đưa ra những hình thức động viên rất rõ ràng khiến những người theo ông đều có thể hình dung họ sẽ được gì nếu thành công. Họ mơ thấy mình giống như các lãnh chúa sống vương giả trong những điền trang rộng lớn, thường xuyên đón tiếp khách khứa với khung cảnh huy hoàng. Họ tưởng tượng cảnh mình đắm chìm trong rượu ngon và mỹ nữ. Họ cảm thấy thoải mái, dễ chịu khi nghĩ tới số nô lệ mà họ sẽ mua về. Họ thấy chân dung của mình được treo tại những đại sảnh cho những thế hệ con cháu quý phái của họ tôn kính. Viễn cảnh đó đủ sức mạnh giúp họ đương đầu với thực tế đầy vất vả, chông gai, thậm chí cả cái chết.

Thuật động viên “cây gậy và củ cà rốt” của Cortez đã khuyến khích đội quân của ông tìm ra cách chinh phục kẻ thù mà không chỉ đơn độc dựa vào sức mạnh. Nhờ khéo léo giải quyết các vấn đề phức tạp về ngoại giao và ngôn ngữ, Cortez đã giành được nhiều chiến thắng mà không bị tổn thất nhiều. Ông thuyết phục các nước chư hầu rằng, nếu họ theo ông, họ có thể lật đổ ách thống trị của đế chế Aztec. Họ đứng trước tình huống “được ăn cả, ngã về không”. Nhưng thật đáng tiếc, Cortez đã không tìm ra phương pháp giải quyết triệt để vấn đề.

Bạn phải tạo ra những phần thưởng nhằm khuyến khích bạn tìm ra giải pháp. Sau khi xác định vấn đề muốn giải quyết, hãy nêu cụ thể bạn sẽ được gì nếu thành công. Và hãy nhớ kết quả phải đủ sức hấp dẫn. Bạn nên tiếp tục tìm kiếm giải pháp bất cứ khi nào có thể. Các vấn đề với những “củ cà rốt” đủ hấp dẫn sẽ được giải quyết.

Động lực khuyến khích bạn không thể chỉ là những từ ngữ trống rỗng trên giấy. Hãy mường tượng cảnh mình đang điều hành các bộ phận cấp dưới của mình làm việc, nhận các giải thưởng cao quý và tận hưởng “trái ngọt” của sự thành công mang lại. Tầm nhìn của bạn phải dựa trên cơ sở chắc chắn để có thể truyền thêm cảm hứng cho bạn khi vấn đề dường như bất khả thi. Tầm nhìn đó phải bao quát toàn bộ những điều mà bạn có thể nhận được nếu tìm ra lời giải đáp. Ngôn ngữ suông không thể khiến bạn thực hiện những điều không tưởng. Trái lại, một tầm nhìn đầy cảm xúc sẽ giúp bạn làm được điều đó. Hãy mô tả tầm nhìn đó.

Cũng nên xác định cụ thể hậu quả của thất bại. Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu thất bại? Bạn sẽ chịu đựng điều đó như thế nào? Hãy nghĩ về những hối tiếc, thất vọng, thậm chí cả những đau đớn về thể xác. Sau đó biến những hình ảnh đó thành sự đe dọa hiện hữu. Tất nhiên, bạn cũng nên ghi lại chúng phòng khi cần đến.

Chỉ khi nào cả “cây gậy” lẫn “củ cà rốt” của bạn đủ sức nặng thì bạn mới có thể giải quyết vấn đề của mình. Hãy nhớ: động lực đi trước giải pháp.

Định dạng lại vấn đề

“Khi một người biết nửa tháng nữa mình sẽ bị treo cổ thì trí óc của người đó sẽ tập trung một cách lạ thường.”

– SAMUEL JOHNSON –

Nếu bạn chưa tạo ra động lực đủ để giải quyết vấn đề, nguyên nhân có thể do vấn đề quá lớn hoặc quá nhỏ. Vấn đề nhỏ thường tồn tại dai dẳng vì thông thường, chi phí để giải quyết chúng quá nhỏ khiến chúng ta cảm thấy không bõ công. Chúng ta đầu hàng trước những vấn đề lớn vì chúng quá khó khăn. Bạn cần định dạng lại vấn đề để giải quyết nó.

Hãy biến một vấn đề nhỏ thành vấn đề lớn hơn để thu hút được sự chú ý cần thiết. Nếu bản thân bạn có khả năng nâng cao nhu cầu thì bạn sẽ sáng tạo và kiên quyết hơn khi giải quyết những vấn đề phiền toái trong cuộc sống. Bạn hãy thử tưởng tượng những hậu quả tồi tệ nhất có thể xảy ra khi thất bại. Nếu như vấn đề không được giải quyết, hãy thử tưởng tượng bạn sẽ cảm thấy thất vọng, thậm chí đau đớn đến mức nào, hãy thử đắm mình vào nỗi đau tưởng tượng đó. Sau đó, hãy cố gắng giải quyết vấn đề.

Những vấn đề lớn cũng gây nhiều khó khăn. Chúng ta thường từ bỏ trước cả khi chúng ta bắt đầu. Hậu quả thảm khốc dường như không tránh khỏi. Thậm chí, những phần thưởng lớn cũng trở nên xa vời. Bạn có cảm giác như mình sẵn sàng nhảy qua đại vực Grand Canyon khi đang nỗ lực giải quyết một vấn đề bất khả thi.

Hãy biến vấn đề lớn thành điều bạn có thể giải quyết được. Những người khác cũng thường xuyên dùng “chiêu” này với chúng ta. Họ nói: “Việc này không khó đâu” hay: “Chỉ mất vài tiếng thôi”. Đúng! Họ đang cố biến vấn đề thành điều có thể kiểm soát được. Họ có ý tưởng rất đúng đắn. Bạn phải tin rằng bất kỳ điều gì họ muốn bạn làm đều có thể thực hiện được, nếu không, bạn sẽ không cố gắng.

Để biến một vấn đề khó khăn thành một bước đầu tiên trong thực tiễn, bạn phải giải quyết bước đệm đầu tiên. Sau khi xong việc này, hãy giải quyết bước đệm tiếp theo. Nhiệm vụ của bạn là xây dựng động lực nhằm tìm kiếm những giải pháp bước đệm này. Hãy biến một giải pháp mới giải quyết được 20% vấn đề thành một điều thú vị.

Các vị tướng Trung Quốc thời cổ đại thường rất tài tình trong việc sử dụng thuật khích lệ. Họ thường đưa quân sĩ vào tình huống đã rồi. Quân sĩ chỉ có hai lựa chọn: chiến đấu và chiến thắng hoặc bỏ mạng, và họ đã chiến đấu với sức mạnh vô song. Bạn có thể tăng cường động lực bằng cách đặt mình vào tình huống bi đát hơn. Hãy chơi một canh bạc lớn và coi đó là hành động bước đệm. Thậm chí, tự trừng phạt mình bằng hình phạt tinh thần khắc nghiệt nhất nếu thất bại. Bạn sẽ thấy khả năng tập trung vào giải pháp tạm thời tăng lên đáng kể.

Đánh giá động lực của bạn

“Khi có thừa nhiệt huyết, bạn sẽ san bằng mọi khó khăn.”

– NICCOLO MACHIAVELLI –

Bước kiểm tra cuối cùng đối với lời mô tả vấn đề và động lực của bạn là tự hỏi:

• Tôi có tin mình có thể giải quyết được vấn đề không?

• Tôi có thể giải quyết vấn đề không?

• Tôi có thích việc giải quyết vấn đề không?

Nếu câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào ở trên là không thì bạn phải thay đổi điều gì đó. Bằng không, sự thiếu niềm tin và không ưa thích việc giải quyết vấn đề sẽ chỉ làm hỏng những nỗ lực của bạn.

Chúng ta thường ghi chép sơ lược về thắng lợi trước những điều ta tin là bất khả thi. Cũng có nhiều hồ sơ về những người thực hiện được điều này khi họ không biết đó là những điều bất khả thi. Điều này cũng tương tự khi chúng ta nghĩ nếu thích thì ta sẽ giải quyết được vấn đề. Bạn sẽ có những kế hoạch thuận lợi cho mình nếu bạn tin mình có thể và thích giải quyết vấn đề.

Tiếp tục xây dựng các động lực tới khi bạn cảm thấy cần thiết phải quyết tâm dành thời gian và sức lực để tìm ra giải pháp. Nếu bạn không thể tạo ra đủ động lực, hãy viết ra lời mô tả vấn đề. Đừng bao giờ cố giải quyết vấn đề nếu đó không phải là vấn đề bắt buộc. Quy tắc chỉ đạo của tôi là một vấn đề sẽ mang tính bắt buộc nếu bạn nghĩ đến nó trước bữa sáng. Và nếu bạn nhớ đến nó khi đồng hồ báo thức đổ chuông, có nghĩa bạn đã thật sự có đủ động lực.

Nếu bạn không thể tạo ra đủ động lực, bạn có hai sự lựa chọn: từ bỏ vấn đề hoặc hình thành một thái độ mới.

Thái độ mới

“Hãy cẩn thận với những gì bạn giả bộ vì bạn chính là những điều giả bộ.”

— KURT VONNEGUT –

Nếu bạn vẫn chắc mình có vấn đề phù hợp nhưng không giải quyết được nó thì chỉ có

Cũng có thể bạn có một con đường khác, đó là tìm một cái mặt nạ thích hợp. Những người khác thường thành công hơn vì họ không bị những hạn chế cản trở. Vì họ không phải là chúng ta nên họ cũng không có những điểm yếu của chúng ta. Những nhân vật giả tưởng như Don Quixote hay bác sĩ Jekyl đã sử dụng người giả trang và con người khác của họ để làm những điều bản thân họ không thể làm được. Để đạt được các kết quả phi thường và niềm vui, hãy xây dựng con người khác của bạn.

Lấy một tờ giấy trắng, viết tên con người khác của bạn lên góc trên cùng của tờ giấy. Cái tên đó có thể dữ dội, thần bí hoặc kỳ dị, tùy thuộc vào nhiệm vụ nó sẽ phải thực hiện. Bạn có thể viết thêm vài danh hiệu phù hợp chỉ thành tựu đạt được hoặc tính cao quý.

Sau đó, bạn hãy mô tả con người này. Người đó có quyết đoán, khỏe mạnh, thông minh không? Nêu lý do tại sao con người đó muốn giải quyết vấn đề của bạn. Hãy gán các đặc điểm của những người bạn ngưỡng mộ cho con người này. Nếu bạn thật sự muốn cảm nhận những cảm xúc cũng như sức mạnh trong con người thứ hai của mình, hãy chú ý các chi tiết, chẳng hạn như: chiếc ô tô người đó đi, cuốn sách người đó đọc hay các kế hoạch nghỉ cuối tuần của người đó. Hãy tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh.

Thử tưởng tượng con người bạn vừa tạo ra này đột nhiên trỗi dậy trong bạn. Nó sẽ làm gì bây giờ? Nó sẽ giải quyết vấn đề ra sao? Hãy viết ra tất cả những điều này. Vì con người thứ hai của bạn đang thực hiện nhiệm vụ trong những hoàn cảnh của bạn nên bạn hoàn toàn cũng có thể làm được. Vậy tại sao người giải quyết vấn đề lại không phải là bạn?

Bằng cách tự giải phóng khỏi bản thân mình, bài tập này giúp bạn thoát ra khỏi những giới hạn mà bản thân bạn tự dựng lên. Đừng để tinh thần rối loạn, hãy thuyết phục bản thân rằng mọi vấn đề đều có thể giải quyết được.

TẬP TRUNG: VẤN ĐỀ THƯỜNG TRỰC MỌI LÚC MỌI NƠI

“Tôi đã từ bỏ nỗ lực trở nên nghiêm khắc. Tất cả điều tôi quan tâm bây giờ là tính đúng đắn.”

— STEPHEN HAWKING –

Sau khi xác định một vấn đề phù hợp và có đủ động lực, bạn vẫn cần rà soát lại các bước vài lần nữa trước khi cảm thấy hài lòng. Việc này hết sức quan trọng. Bạn sẽ thấy thêm nhiều khía cạnh khác của vấn đề. Mỗi khía cạnh mới đều mở rộng khả năng tìm ra giải pháp.

Những vấn đề phức tạp đòi hỏi nỗ lực tập trung cao độ trong một thời gian dài. Lời mô tả vấn đề chính là sự đảm bảo nhất quán cho việc định hướng tìm giải pháp. Khi viết ra và rà soát lại các vấn đề thì khả năng giải quyết sẽ cao hơn gấp 10 lần. Những vấn đề bận tâm của chúng ta sẽ có khả năng được giải quyết cao hơn gấp 100 lần.

Charles Goodyear là một ví dụ điển hình. Goodyear giữ vai trò chủ chốt trong việc thương mại hóa cao su. Tuy nhiên, không ai nghĩ ông thích hợp với việc này. Khi bắt đầu “cuộc trường chinh” nhằm biến cao su thành một sản phẩm hàng hóa, Goodyear không hề biết gì về hóa học hay sản xuất hóa học. Ông cũng không có tiền bạc lẫn kinh nghiệm kinh doanh. Tuy vậy, Goodyear có một lợi thế vô cùng lớn – ông luôn bị vấn đề thương mại hóa cao su ám ảnh. Ông quyết tâm thương mại hóa cao su bằng mọi giá. Ngay cả khi ông và gia đình phải sống trong một nhà máy cao su bỏ hoang, ăn đồ ăn đựng trong những chiếc đĩa cao su, và có lẽ hy vọng, có thể ăn được cả cao su nữa, Goodyear vẫn vững tâm. Cuối cùng, ông cũng đã thành công, bất chấp vô vàn trắc trở. Gia đình ông trở nên giàu có sau một thời gian dài chịu đựng bao gian khó.

Sau khi đã xác định ý tưởng vững chắc về giải pháp cần thiết, tâm trí bạn sẽ có khả năng tập trung giải quyết vấn đề siêu hạng vào giải pháp đó. Điều quan trọng là bạn cần thường xuyên để mắt tới định nghĩa vấn đề của bạn. Giữ một bản sao trong vở hay trong sổ kế hoạch của bạn. Dán một miếng giấy tóm tắt vấn đề hay một từ khóa thể hiện vấn đề lên một chỗ dễ thấy. Bất cứ khi nào bạn được nhắc nhở về vấn đề, hãy nghĩ về chiến thuật “cây gậy” và “củ cà rốt”. Động lực sẽ mở đường cho tư duy. Hãy xác định vấn đề rõ ràng và dựa vào những nếp suy nghĩ hiện tại của bạn để khơi gợi các ý tưởng hay.

Khi tạo ra ý tưởng mới, bạn có thể thay đổi định nghĩa vấn đề. Thoát ra khỏi suy nghĩ theo lối mòn có thể giúp mở ra triển vọng giải quyết vấn đề. Việc thay đổi vấn đề là rất tốt chừng nào bạn có một lời mô tả vấn đề khiến tâm trí còn tập trung vào đó. Một lời mô tả vấn đề phù hợp đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tìm ra giải pháp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.