Tư Duy Như Einstein
5. Phá vỡ khuôn mẫu
“Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn tri thức.”
– ALBERT EINSTEIN –
Cũng giống như chúng ta, nhà bác học thiên tài Einstein lớn lên trong một không gian ba chiều. Tuy nhiên, ông không bị bó hẹp trong cái thế giới ông đã biết. Einstein sử dụng trí tưởng tượng của mình để vượt ra khỏi những gì ông đã biết và bước vào một vũ trụ đa chiều. Dù điều này khó tưởng tượng nhưng các nhà vật lý học đã nhận thấy đây chính là điểm tiệm cận với việc tìm hiểu sự cấu thành thật sự của vũ trụ. Chúng ta chỉ có thể hiểu được vấn đề này khi ta thoát ra khỏi những gì quen thuộc.
THOÁT RA KHỎI NHỮNG LỐI MÒN TƯ DUY
Bước tiếp theo trong phương pháp tư duy theo kiểu Einstein là thoát ra khỏi các nguyên tắc hạn chế tư duy của chúng ta. Những gì chúng ta “đã biết” bao giờ cũng gây trở ngại lớn hơn so với những gì chúng ta “chưa biết”. Tuy nhiên, xua tan thành kiến của con người cũng khó khăn như việc đẩy hết không khí ra khỏi một căn phòng. Giống như thiên nhiên, đầu óc luôn căm ghét sự trống rỗng. Phải có một cái gì đó thay thế cho những nguyên tắc đã lỗi thời.
Chuẩn Đô đốc hải quân Grace Murray – người phát minh ra chương trình biên dịch tự động trên máy vi tính – luôn để trong phòng làm việc một chiếc đồng hồ chạy ngược. Nó nhắc nhở bà cũng như khách khứa của bà rằng, tiền lệ không phải là cái cớ để tiếp tục duy trì hiện trạng. Chiếc đồng hồ chạy ngược là một ý tưởng tuyệt vời. Thiên kiến âm thầm chuyển hướng các nỗ lực phá vỡ nguyên tắc của chúng ta quay lại lối mòn tư duy. Chúng ta cần được giúp đỡ để thoát khỏi và tránh xa những lối mòn tư duy ấy.
Ý tưởng hạt nhân
“Khi khảo nghiệm bản thân và phương pháp tư duy của mình, tôi đi đến kết luận, đối với tôi, món quà kỳ diệu của trí tưởng tượng có nhiều ý nghĩa hơn khả năng tiếp thu tri thức.”
– ALBERT EINSTEIN –
Khi bạn không thể đưa mình thoát khỏi lối mòn tư duy thâm căn cố đế trong đầu, bạn sẽ cần đến một ý tưởng bên ngoài để thoát khỏi lối mòn đó. Chúng ta sẽ sử dụng các ý tưởng hạt nhân để thoát khỏi nguyên tắc của chính mình. Ý tưởng hạt nhân mang lại một tâm điểm cách xa những nguyên tắc xưa cũ của bạn. Suy nghĩ về thách thức của bạn trong mối liên hệ với ý tưởng hạt nhân sẽ mang lại cho bạn một tầm nhìn mới về các giải pháp khả thi.
Nhưng thật trớ trêu, ý tưởng hạt nhân thường ít liên quan tới vấn đề bạn muốn giải quyết. Nếu bạn muốn xóa đói giảm nghèo trên quy mô toàn thế giới thì một cái đinh cũng là một ý tưởng hạt nhân thú vị. Suy nghĩ đơn giản thì cái đinh không có chút liên quan đến nạn đói. Nếu ý tưởng hạt nhân có mối liên hệ mật thiết với vấn đề thì nghĩa là ý tưởng hạt nhân vẫn nằm trong lối mòn tư duy và nó không thể giúp bạn thoát ra khỏi lối mòn này. Tuy nhiên, một ý tưởng hạt nhân nằm ngoài những suy nghĩ thong thường của bạn có thể làm nảy sinh hàng loạt những khía cạnh mới như: “Làm thế nào để sản xuất và phân phối đinh tăng lên gấp trăm lần?”, “Cái gì có thể thay thế được đinh?” hay “Người ta có thể ăn được đinh không?”. Nếu bạn xâu chuỗi hai vấn đề nạn đói và đinh lại, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn khi xem xét khả năng ăn sâu bọ hay làm giảm quá trình trao đổi chất. Ý tưởng hạt nhân giúp tâm trí bạn thông thoáng hơn và tư duy của bạn không rơi vào lối mòn.
Dường như sử dụng ý tưởng hạt nhân là không nghiêm túc. Nhưng bạn đang cố ý chứng tỏ mình phi lý. Nếu bạn cố gắng tuân thủ logic thông thường thì tư duy của bạn sẽ quay về lối cũ. Einstein tạo ra bước đột phá về Thuyết Tương đối trong lúc ông tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi ta “cưỡi” lên một tia sáng, một suy nghĩ thật kỳ cục. Nhưng bạn cũng cần có lối tư duy kỳ khôi như vậy.
Người lớn khó có thể đánh giá nghiêm túc những ý tưởng kỳ cục. Có vẻ thật ngớ ngẩn khi nghĩ đến những chiếc đinh trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu. Do vậy, bạn cần được giúp đỡ để chọn ra một ý tưởng hạt nhân hữu ích. Nếu không, bạn sẽ chọn một ý tưởng khiến vấn đề trở thành vô giá trị. Bạn cần lựa chọn ngẫu nhiên những ý tưởng hạt nhân. Điều đó sẽ dễ dàng hơn là phải lựa chọn một ý tưởng ngốc nghếch. Trong chương sau, chúng ta sẽ xem xét một vài ý tưởng bạn chọn bằng cách gieo xúc xắc. Bạn đừng tìm kiếm cho đến khi cảm thấy hài lòng với một ý tưởng nào đó. Bạn phải cảm thấy không hài lòng. Để tạo đột phá, phải có sự khác thường. Điều nực cười lại chính là điều hay. Nếu bạn thấy ưng ý với một ý tưởng hạt nhân thì có nghĩa nó quá gần với lối mòn tư duy của bạn.
TẠO RA Ý TƯỞNG: CHƠI ĐÙA VỚI SỰ PHI LÝ
“Điều quan trọng là phải biến ước vọng thời thơ ấu thành ý tưởng được chấp nhận và hướng dẫn trẻ em tiến tới những lĩnh vực quan trọng của xã hội.”
– ALBERT EINSTEIN –
Chỉ ý tưởng hạt nhân không thôi sẽ không mang lại cho bạn giải pháp. Nó chỉ là sự khởi đầu cho việc tạo ra những ý tưởng hữu ích. Nó chỉ là một ý tưởng khác, không phải một ý tưởng hay hơn. Tuy nhiên, khi bạn xem xét ý tưởng này, hãy thư giãn và tìm ra điều lý thú, sâu sắc về nó. Ý tưởng hạt nhân giải phóng trí thông minh vốn có của bạn để tạo ra giải pháp. Và đây là quá trình tạo ra ý tưởng.
Tạo ra ý tưởng cũng giống như những câu hỏi Einstein đặt ra về chuyện cưỡi lên tia sáng. Liệu hình ảnh của ông có biến mất hay không nếu ông nhìn vào gương khi đang cưỡi lên tia sáng? Đó là một câu hỏi ngớ ngẩn về một ý tưởng ngớ ngẩn nhưng chính nó lại dẫn đến một giải pháp xuất sắc.
Tạo ra ý tưởng gợi ý một suy nghĩ thành nhiều ý tưởng có thể phát triển thành những giải pháp. Vì ý tưởng hạt nhân nằm ngoài lối mòn tư duy nên có thể, những khái niệm mà ta tìm ra từ ý tưởng hạt nhân đó cũng sẽ nằm ngoài lối mòn này. Tạo ra ý tưởng là việc đan xen, mở rộng và hoán vị các ý tưởng thành các đầu mối dẫn đến những giải pháp mới. Một định nghĩa vấn đề đúng đắn có ý nghĩa sống còn đối với quá trình này vì nó hướng bạn tới một giải pháp phù hợp. Khi bạn thoát khỏi lối mòn, lời mô tả vấn đề sẽ có thể định hướng cho bạn trên con đường tìm kiếm giải pháp.
Từ một ý tưởng hạt nhân, tạo ra một ý tưởng phù hợp bằng 6 kỹ thuật. Chúng không phải là cách duy nhất song bạn có thể lựa chọn một trong các kỹ thuật này bằng cách gieo xúc xắc. Nếu bạn có kỹ thuật khác, hãy sử dụng nó.
Những kỹ thuật tạo ra ý tưởng dẫn tới những thói quen tốt. Các thói quen thường là những lối mòn, song những lối mòn cũng có lợi thế là dễ đi. Bạn có thể sử dụng thói quen tạo ý tưởng để mở rộng bất kỳ ý tưởng mới nào, giúp bạn thấy được các triển vọng mới trong những ý tưởng của bạn. Dưới đây là các kỹ năng tạo ý tưởng của tôi.
Hài hước
“Cụm từ lý thú nhất người ta được nghe trong khoa học, cụm từ báo hiệu những phát kiến mới, không phải là “Eureka” mà là “Thật hài hước…””
– ISAAC ASIMOV –
Nếu bạn muốn nghiêm túc giải quyết một vấn đề khó khăn, hãy sử dụng sự hóm hỉnh.
Bất kỳ nỗ lực suy nghĩ theo cách hoàn toàn mới nào đều đòi hỏi óc hài hước.
Não bộ có cơ chế hoạt động như một hệ thống miễn dịch: nó không chấp nhận các ý tưởng xa lạ. Óc hài hước có thể làm mất đi cơ chế này. Nếu bạn nhìn nhận ý tưởng mới một cách hài hước, bạn sẽ có thể khám phá nó kỹ càng hơn. Đầu óc bạn sẽ tự do tạo ra các mối liên hệ kỳ khôi với ý tưởng hạt nhân và mang lại nhiều ý tưởng có khả năng dẫn đến những giải pháp.
Để phá vỡ khuôn mẫu, bạn không muốn dùng các ý tưởng sâu sắc mà muốn sử dụng các ý tưởng khác lạ, vậy hãy chơi đùa với những ý tưởng mới để ngăn không cho hệ thống miễn dịch của bạn và của những người khác loại bỏ những ý tưởng này trước khi bạn khám phá chúng. Hãy nghiêm túc xem xét ý tưởng mới. Điều này có vẻ mâu thuẫn, song mâu thuẫn lại là chìa khóa mở ra tư duy độc đáo.
Để đầu óc bạn có thể đón nhận một ý tưởng hạt nhân, hãy nghĩ ra một câu chuyện đùa từ ý tưởng này. Cố gắng tạo ra một bức tranh hài hước nhất trong đầu, gắn vấn đề của bạn với ý tưởng hạt nhân. Nếu bạn thấy nó buồn cười, nghĩa là bạn có thể thoát khỏi lối mòn tư duy và đã sẵn sàng khám phá cái mới. Hãy tạo ra và ghi lại ý tưởng của bạn dựa trên ý tưởng hạt nhân.
Mường tượng
“Máy điện báo vô tuyến không có gì là khó hiểu. Máy điện báo thông thường giống như một con mèo dài ngoằng. Bạn kéo đuôi của nó ở New York và nó kêu meo meo ở Los Angeles. Máy điện báo vô tuyến cũng tương tự như vậy, chỉ có điều không có con mèo nào cả.”
– ALBERT EINSTEIN –
Chúng ta thường được xem những bản tin cập nhật về những chuyến thị sát của các vị tổng thống và thủ tướng tại hiện trường xảy ra thảm họa. Thật ra, họ không làm gì cả ngoài việc làm rối trí những người đang bận rộn. Tuy nhiên, đó không phải là một ý tưởng tồi và không chỉ có giá trị tuyên truyền. Trí tuệ có thể làm việc tốt hơn nhiều khi “vật lộn” với điều gì có thể thấy một cách tổng thể và trong hoàn cảnh thích hợp.
Những hình ảnh trong não bộ đóng vai trò sống còn đối với tư duy của Einstein. Ông mường tượng vấn đề một cách độc đáo và sinh động. Trí tưởng tượng cho phép ông khám phá ra hàm ý của các ý tưởng, cho dù rất lớn hay rất nhỏ.
Hãy tạo ra một bức tranh về vấn đề bạn đang cố gắng giải quyết và tốt hơn hết là tạo ra ba bức tranh như vậy. Bạn nên xem xét các vấn đề từ nhiều góc độ. Những bức tranh này có thể nằm trong đầu bạn, trên giấy hoặc được tạo nên từ những hình khối, nhưng chúng phải là những hình ảnh sống động.
Trước tiên, phải mường tượng vấn đề từ góc độ của nó. Hãy tưởng tượng xem nó giống cái gì? Cảm giác và mùi vị của nó ra sao? Nó sẽ tạo mong muốn điều gì xảy ra? Nếu vấn đề của bạn là cuộc tranh cãi với một bộ phận khác về việc bộ phận nào sẽ chịu trách nhiệm phát triển công nghệ mới, hãy tưởng tượng cuộc tranh cãi này xuất phát từ quan điểm về công nghệ. Bộ phận nào có thể đảm nhiệm công việc này tốt nhất và bạn sẽ bồi thường như thế nào cho bên thua cuộc?
Sau đó, hãy suy xét vấn đề này trên cơ sở ý tưởng hạt nhân. Dù ý tưởng hạt nhân là bất kỳ điều gì, hãy tưởng tượng về quan điểm. Hãy hình dung ý tưởng hạt nhân của bạn là Joan d’Arc (nữ anh hùng của Pháp) trong cuộc tranh cãi đó. Bà sẽ biết công việc này phải được hoàn thành. Bà sẽ thúc đẩy việc này ngay cả khi đó không phải là trách nhiệm của bà, và bà đảm bảo đội của mình sẽ giành chiến thắng. Bạn cũng có thể làm điều tương tự.
Cuối cùng, hãy xem xét ý tưởng hạt nhân và vấn đề của bạn từ góc nhìn của một đứa trẻ. Trẻ em có đầu óc sáng láng song lại thiếu kinh nghiệm của người lớn. Một đứa trẻ sẽ nghĩ gì về các mối liên hệ giữa ý tưởng hạt nhân và vấn đề của bạn. Đứa trẻ sẽ mô tả chúng ra sao? Bạn có thể hỏi một đứa trẻ nào đó về điều này để kiểm nghiệm.
Trong vấn đề quyết định bộ phận nào phát triển công nghệ mới, một đứa trẻ có thể chỉ ra rằng cả hai bộ phận cùng làm là tốt nhất. Ngay cả Joan d’Arc cũng sẽ có quan điểm như vậy. Có lẽ, sự liên kết giữa hai bộ phận sẽ đảm bảo công nghệ mới mang lại lợi ích toàn diện nhất cho doanh nghiệp.
Sau khi tạo ra mỗi bức tranh như vậy, hãy tìm kiếm những giải pháp mới. Nó có thể là một phần trong trí tưởng tượng của bạn. Bạn có thể bổ sung điều gì vào bức tranh để giải quyết vấn đề? Giải pháp này sẽ như thế nào? Nó xuất phát từ đâu?
Những đặc tính
“Chính lý thuyết quyết định đối tượng được quan sát.”
– ALBERT EINSTEIN –
Mỗi ý tưởng hạt nhân đều có đặc tính đưa bạn đến với rất nhiều ý tưởng mới. Nếu ý tưởng hạt nhân là một cái đinh thì hãy sử dụng những đặc tính của một cái đinh để giải quyết vấn đề của bạn.
Hãy chia nhỏ ý tưởng hạt nhân thành nhiều phần. Một cái đinh được cấu thành từ những bộ phận nào? Mỗi bộ phận đó có những thuộc tính gì? Chúng có quan hệ với nhau ra sao? Các chức năng của chúng tương đồng hay dị biệt?
Hãy tìm cách phân biệt ý tưởng hạt nhân. Một cái đinh khác với những vật khác ở chỗ nào? Tập trung vào những đặc tính của ý tưởng hạt nhân có thể làm sáng tỏ vấn đề bạn đang cần giải quyết.
Candido Jacuzzi nhận thấy, những chiếc bơm dùng để trị liệu bằng nước cho con trai ông cũng giống những chiếc bơm phục vụ ngành công nghiệp có kích cỡ nhỏ hơn mà công ty ông đang kinh doanh. Chỉ cần cải tiến chút ít, Jacuzzi đã tạo ra một chiếc bơm có thể dùng trong điều trị thủy liệu tại gia. Chẳng bao lâu sau ông nhận ra những chiếc vòi phun nước tạo cảm giác dễ chịu có thể dùng vào nhiều việc hơn là chỉ để trị liệu. Và ngành công nghiệp spa ra đời.
Những ứng dụng
“Người ta chỉ nhìn thấy những gì họ muốn thấy.”
– RALPH WALDO EMERSON –
Cố gắng sử dụng ý tưởng hạt nhân như một giải pháp. Sự khác biệt hay sự liên quan giữa ý tưởng hạt nhân và vấn đề bạn đang tìm lời giải đều không quan trọng. Hãy buộc ý tưởng hạt nhân trở thành một phần của giải pháp.
Lối tư duy này thường được sử dụng khi không có nhiều lựa chọn. Đối với những bộ lạc du mục sinh sống tại các bình nguyên ở Mỹ, con trâu rừng chính là giải pháp. Ở đó có rất ít tài nguyên thiên nhiên. Bất luận vấn đề là gì, giải pháp vẫn là con trâu. Những bộ lạc này đựng nước bằng những chiếc túi làm từ dạ dày trâu. Họ ăn thịt trâu.
Họ dùng da trâu để may đồ mặc. Họ dùng phân trâu làm nhiên liệu đun nấu. Con trâu được sử dụng vào hàng nghìn mục đích khác nhau vì không còn sự lựa chọn nào khác.
Bằng cách hạn chế lựa chọn, bạn buộc phải trở nên sáng tạo, vượt ra khỏi những lối tư duy thông thường. Ý tưởng hạt nhân không phải là giải pháp mà bạn sẽ gợi ra cho mình. Vì vậy, bạn có thể khám phá vấn đề của mình theo những cách thức mới lạ và độc đáo. Điều này mang lại cho bạn những ý tưởng và quan điểm có thể phát triển thành giải pháp, thậm chí, giải pháp đó còn rất hữu hiệu.
William Coleman tình cờ phát hiện ra ý tưởng hạt nhân cho giải pháp của mình khi ông đang bán hàng ở một thị trấn miền quê để kiếm tiền học trường luật. Ý tưởng hạt nhân của ông là làm ra một chiếc đèn dầu sáng hơn và tốt hơn những loại đèn dầu đang bán ở chợ. Chiếc đèn đã trở thành giải pháp của Coleman. Ông đi bán đèn và kiếm đủ tiền để xin cấp phép sản xuất loại đèn này. Việc kinh doanh của Coleman nhanh chóng phát đạt. Khi thị trường đèn dầu trở nên ế ẩm sau công cuộc điện khí hóa nông thôn, Coleman chuyển từ sản xuất đèn dầu sang sản xuất lò sưởi. Trong Chiến tranh Thế giới thứ II, lò sưởi bỏ túi cho lính Mỹ của Coleman được đánh giá cao. Ernie Pyle, một nhà báo nổi tiếng của Mỹ thời bấy giờ, đã xếp loại lò sưởi của Coleman chỉ đứng sau xe Jeep về mức độ tiện ích. Sau chiến tranh, một lần nữa, công việc làm ăn của Coleman lại bị đe dọa khi người dân trở nên giàu có và dùng hệ thống lò sưởi trung tâm để sưởi ấm. Thế nhưng, con cháu của Coleman vẫn kiên trì theo đuổi giải pháp thông minh này, thậm chí còn mở rộng quy mô kinh doanh hơn nữa khi họ tập trung vào sản xuất các thiết bị cắm trại.
B ạn hãy tự đặt ra các câu hỏi dưới đây để hình dung cách thức sử dụng ý tưởng hạt nhân như một giải pháp:
• Ý tưởng hạt nhân có thể giải quyết vấn đề của bạn trong trường hợp nào?
• Vấn đề phải thay đổi như thế nào để ý tưởng hạt nhân trở thành giải pháp?
• Thay đổi ý tưởng hạt nhân như thế nào để hiệu quả?
Phép ẩn dụ
“Nếu không tưởng tượng thì sẽ không có sản phẩm mang tính sáng tạo. Món nợ của chúng ta đối với trò chơi tưởng tượng là không thể nào tính được.”
– CARL JUNG –
Trong ngôn ngữ, phép ẩn dụ và so sánh được dùng để liên kết các sự vật và ý tưởng khác nhau. Những biện pháp tu từ này đưa chúng ta tới một khái niệm khác bằng cách liên hệ nó với những điều đã biết. Vì phép ẩn dụ kết nối các ý tưởng nên chúng làm nảy sinh thêm nhiều ý tưởng khác từ ý tưởng hạt nhân. Mặt khác, phép ẩn dụ cũng kết nối những khái niệm bình thường vốn khác nhau. Chúng ta có thể sử dụng những mối liên hệ này để tạo ra những phương pháp tư duy mới bằng cách kết nối các ý tưởng cho đến khi một khái niệm mới hình thành. Ví dụ, đối với những người đi làm bằng phương tiện công cộng, thiết bị nghe nhạc cầm tay chẳng khác nào những thiết bị nghe nhạc âm thanh nổi được trang bị trong xe ô tô riêng.
Để sử dụng ý tưởng hạt nhân như một phép ẩn dụ, hãy liên hệ nó với vấn đề của bạn. Có thể sự liên kết này đòi hỏi nhiều liên hệ trung gian, tuy nhiên, bạn có thể liên hệ vấn đề của bạn với bất cứ thứ gì. Nếu vấn đề của bạn là cống hiến hết mình cho sự nghiệp sáng tác âm nhạc và ý tưởng hạt nhân của bạn là nữ anh hùng Joan d’Arc, bạn có thể tạo ra những phép ẩn dụ nào? Có lẽ cũng như Joan, bạn cần phải đặt mình vào những trường hợp bất bình thường và phải có tính quyết đoán. Thậm chí, bạn phải đến gặp những người lãnh đạo quan trọng nhất của ngành âm nhạc ở địa phương và thuyết phục họ rằng, bạn chính là giải pháp.
Hãy tạo thêm nhiều ý tưởng từ một ý tưởng hạt nhân bằng cách liên hệ ý tưởng hạt nhân này với một ý tưởng thứ ba. Vậy ý tưởng hạt nhân là gì? Chiếc kẹp tài liệu giống như một chiếc bánh quy xoắn bằng kim loại, một chiếc dập ghim dành cho những người do dự không quyết đoán – những nhân tố cơ bản của tệ quan liêu. Sử dụng phép ẩn dụ để mở rộng các ý tưởng bạn đang xem xét bằng cách liên hệ ý tưởng hạt nhân với những điều khác. Suy cho cùng, mọi việc đều là 1 dãy sự việc nối tiếp nhau.
Những sự kết hợp
“Tất cả những gì bạn có thể tưởng tượng đều là sự thật.”
– PABLO PICASSO –
Tất cả các vật chất khác nhau trên trái đất ̶từ con ngỗng đến đá granít ̶đều được cấu tạo từ các nguyên tử, nhưng được kết hợp theo nhiều cách khác nhau. Những nguyên tử này khác nhau về số lượng các hạt bên trong nguyên tử. Chung quy lại, tính đa dạng trong vũ trụ của chúng ta chỉ là do sự kết hợp của các hạt electron, hạt proton và hạt neutron theo những tỉ lệ khác nhau.
Trong thế giới ý tưởng, các khái niệm kết hợp liên tục với nhau để tạo ra những ý tưởng lớn. Chiếc máy bay đầu tiên chính là một chiếc tàu lượn có gắn động cơ. Thuyền buồm chính là ván lướt sóng có gắn buồm. Hươu cao cổ chính là bò cái với cái cổ dài. Kate Gleason vận dụng những kỹ thuật sản xuất hàng loạt, cô học được khi còn là nhà cung cấp phụ tùng cho các xưởng sản xuất ô tô của Herry Ford, để xây dựng các ngôi nhà có thiết kế giống nhau trên một mảnh đất. Hầu như mọi sự đa dạng đều bắt nguồn từ việc kết hợp sự vật với nhau theo những cách thức mới.
Hãy cố gắng kết hợp ý tưởng hạt nhân của bạn với các khái niệm khác. Hãy bắt đầu bằng những giải pháp thông thường nhưng tối ưu nhất nhằm giải quyết vấn đề của bạn. Ý tưởng hạt nhân có thể bổ sung cho các giải pháp như thế nào? Hay tìm cách kết hợp ý tưởng hạt nhân với một “phản giải pháp”, một khái niệm có thể khiến cho vấn đề của bạn trở nên phức tạp hơn. Khi tách khỏi nhau, khí oxy và khí hydro rất dễ gây nổ. Nhưng khi kết hợp với nhau, chúng lại hòa trộn thành nước. Bạn chẳng bao giờ biết được những đặc tính có thể thay đổi như thế nào khi kết hợp các khái niệm với nhau.
Hãy kết hợp ý tưởng hạt nhân của bạn với một “khái niệm Chris”. Sau đó, sử dụng bảng ý tưởng để phát triển thêm nhiều ý tưởng nữa hoặc kết hợp một ý tưởng hạt nhân này với một ý tưởng hạt nhân khác trên cơ sở lựa chọn ngẫu nhiên. Kết quả chắc chắn sẽ nằm ngoài nếp suy nghĩ thông thường của bạn. Chẳng hạn, bạn có thể tạo ra những
ý tưởng nào khi kết hợp hình tượng Joan d’Arc với ý tưởng cũ về những chiếc xe lội nước? Nếu vấn đề của bạn là thăng tiến, bạn có thể kết hợp cả hai và nhận thấy Joan d’Arc và những chiếc xe lội nước đã thành công trong những trường hợp cụ thể, khác thường. Những trường hợp khác thường nào sẽ tạo điều kiện cho bạn phát triển và được thăng tiến? Hoặc nếu bạn đang tìm cách thuyết phục vợ (hoặc chồng) bạn cùng tham gia các họat động xã hội, hãy tưởng tượng ra một bữa tiệc có cả vợ (hoặc chồng) bạn, Joan d’Arc và chiếc xe lội nước. Sau đó, loại bỏ Joan và chiếc xe.
KHÔNG CÓ Ý TƯỞNG TỒI
“Một thiên tài không mắc sai lầm. Sai lầm của anh ta là cánh cửa của sự khám phá”.
– JAMES JOYCE –
Các bài tập phá vỡ khuôn mẫu sẽ thành công nếu bạn phá bỏ những thói quen suy nghĩ của mình. Dĩ nhiên, bạn vẫn phải tìm ra giải pháp. Mọi ý tưởng đều hữu ích. Không có ý tưởng dở, chỉ có các “khái niệm Chris”. Thậm chí, một ý nghĩ không tưởng nhất của bạn cũng có thể có ích trong quá trình giải quyết một vấn đề khó khăn. Chúng ta sẽ sử dụng những ý tưởng này trong chương sau.
Nếu bạn thấy một ý tưởng nào đó có triển vọng, hãy ghi lại như một giải pháp hạt nhân. Đây là những ý tưởng bạn cảm thấy có thể phát triển thành những giải pháp khả thi. Những giải pháp hạt nhân không nhất thiết phải khả thi, quan trọng là bạn thích chúng và chúng có tiềm năng. Ví dụ, đây là những ý tưởng tốt nhất hay khác thường nhất của bạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.