Tư Duy Như Einstein

9. Tránh tai họa



“Những người vĩ đại luôn vấp phải sự chống đối quyết liệt của những kẻ tầm thường.”

– ALBERT EINSTEIN –

NGUYÊN TẮC CHỐNG TAI HỌA

Tài năng phá vỡ nguyên tắc của Einstein không phải lúc nào cũng được ghi nhận. Trước khi trở thành một nhà khoa học nổi tiếng thế giới, Einstein luôn bất đồng với những quan điểm khoa học mang nặng tính lý thuyết lúc bấy giờ. Ngay cả khi thoát khỏi sự ảnh hưởng của những quan điểm khoa học tầm thường đó, Einstein vẫn gặp rắc rối vì những tư tưởng chính trị của mình. Từ Đức quốc xã, ông đến một nơi an toàn là Mỹ, Einstein lại tiếp tục xung đột với giới cầm quyền trong quan điểm của giới trí thức và cuộc Chiến tranh lạnh. Einstein nhìn rõ tính chất điên rồ của Chiến tranh lạnh cũng như bất kỳ giải pháp nào không mang tính hòa bình. Ông là một trong số ít những người có đủ dũng cảm chỉ trích cuộc điều tra của Thượng nghị sĩ Mc Carthy, kêu gọi những trí thức khác không xuất hiện trước Ủy ban điều tra. May mắn là Einstein không gặp phải nhiều rắc rối vì những tư tưởng mới của mình. Không có nhiều người may mắn như vậy. Nếu bạn đang ấp ủ một ý tưởng lớn, bạn cũng phải tính đến cách tránh những rủi ro từ ý tưởng đó.

Cảm giác sợ bị tai họa rất mơ hồ, khó nắm bắt nhưng lại là một trở ngại thật sự đối với lối tư duy kiểu Einstein. Vì sợ hậu quả, bạn có thể không dám phá vỡ các nguyên tắc quan trọng, không tìm giải pháp, thậm chí, tránh đề cập đến vấn đề đó. Đây không phải là một nỗi sợ hãi vô căn cứ.

Có tư tưởng mới lạ có thể là một điều nguy hiểm. Copernicus đủ tài năng để biết trái đất quay quanh mặt trời. Ông cũng đủ khôn ngoan để không phải hứng chịu sự trừng phạt vì sự phát hiện vĩ đại của mình. Khi công bố phát hiện đó, Copernicus luôn giấu tên. Các học giả khắp châu Âu đều được lợi từ phát hiện của Copernicus và ông đã được tha bổng. Trong lịch sử, bi kịch giáng xuống những người có tư tưởng mới lạ cứ lặp đi lặp lại một cách đáng sợ. Một ý tưởng mới lạ bị lên án là dị giáo, phản loạn và lừa đảo. Những người có ý tưởng mới lạ thì phải chịu nhiều bất công như: chết chóc, tù tội, mất việc hoặc bị rơi vào quên lãng. Sau đó, ý tưởng đó lại được công nhận. Đôi khi, những người này cũng được vinh danh sau khi họ chết mặc dù lợi nhuận thường rơi vào tay những kẻ muốn giết chết ý tưởng đó.

Tư duy theo cách của Einstein sẽ giải quyết vấn đề bằng cách phá vỡ những suy nghĩ cố hữu. Theo cách tư duy này, ít nhiều, trí tuệ của bạn sẽ bị nghi ngờ. Nếu bạn không cẩn thận thì tùy vào việc bạn đang phá vỡ nguyên tắc của ai, bạn có thể bị chế giễu, giáng cấp, tẩy chay, thuyên chuyển, hỏa thiêu, tù tội hoặc xử bắn.

Nhưng tại sao lại phải bất chấp nguy hiểm vì những phát hiện của bạn? Những phát hiện lớn chắc chắn sẽ có lợi, đặc biệt là đối với bạn. Một khía cạnh quan trọng và thường không được để ý đến của những tư tưởng lớn sẽ giúp bạn tránh được tai họa.

Ý tưởng của bạn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nếu bạn có thể hạn chế hậu quả tiêu cực của nó. Bạn cũng sẽ tích cực đưa ra ý tưởng hơn nếu bạn biết chắc nó sẽ không gây hại. Trong chương này, chúng tôi sẽ trình bày những phương pháp để tránh tai họa khi sử dụng tư duy kiểu Einstein.

HIỂU SỰ PHẢN ĐỐI

“Có hai thứ không có giới hạn, vũ trụ và sự ngu dốt của con người. Về vũ trụ thì tôi không chắc.”

– ALBERT EINSTEIN –

Những ý tưởng hay luôn bị phản đối. Những người thông minh, sáng suốt luôn chống lại những suy nghĩ thông minh, sáng suốt và đúng đắn. Chúng ta thống nhất rằng những ý tưởng lớn thường xuất phát từ những ý tưởng ban đầu nhỏ bé, đơn giản và chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, ngay cả sau khi suy nghĩ của bạn trở thành ý niệm vững chắc, bạn vẫn có thể gặp phải sự phản đối, vì ngay cả tình huống xấu nhất cũng có lợi cho một người nào đó.

Không phải tư tưởng mới nào cũng đều hay, có những thứ chúng ta không nên thay đổi. Tuy nhiên, tiến bộ là một cuộc chiến gian nan, vất vả.

SỰ THẬT

“Thật không thể hiểu nổi động cơ nào khiến một người chiếm đoạt công việc của người khác một cách độc ác như vậy.”

– ALBERT EINSTEIN –

Nếu những tư tưởng tiến bộ được chấp nhận thì tại sao Bộ Quốc phòng ở các nước phương Tây lại không tuyên bố rằng: “Điều này là sai lầm! Hãy làm mọi việc với tư tưởng tiến bộ”? Có thể họ đã làm như vậy. Có lẽ chúng ta không bao giờ biết được có bao nhiêu ý kiến trái ngược. Những người phản đối đã bị họ bịt miệng. Những hình phạt như tù tội, thuyên chuyển, thủ tiêu hoặc bị cô lập giảm xuống đáng kể, ngay cả những người đưa ra ý kiến phản đối cũng ít dần. Bạn có thể hình dung điều gì xảy đến với một người khi anh ta nói: “Phân tích của tôi chỉ ra rằng sự tồn tại của chúng ta là không thật sự cần thiết.” Nói ra điều đó cho dù là sự thật cũng không thoát khỏi sự trả thù chính trị.

Billy Mitchell là một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho ngành không quân Hoa Kỳ. Sau Chiến tranh Thế giới I, ông đã tiết lộ trái phép về việc máy bay kiểm soát vùng biển và phá hủy các thành phố. Thậm chí, ông còn dùng việc đánh chìm một tàu chiến để minh họa cho những lời nói của mình. Mọi điều Mitchell nói ra đều là sự thật nhưng điều đó không giúp gì được cho sự nghiệp của ông. Mitchell bị đưa ra tòa án binh với những lời buộc tội không biết mệt mỏi cho tương lai. Những đối thủ của Mitchell không bao giờ làm điều ngốc nghếch như vậy.

TRÁNH SỐ MỆNH CỦA NHỮNG NGƯỜI DỊ GIÁO

“Nếu A là thành công trong cuộc sống, ta có phương trình A = x + y + z. Trong đó, x là công việc, y là giải trí và z là kín miệng.”

– ALBERT EINSTEIN –

Những người đủ thông minh để tìm ra cách giải quyết vấn đề thì cũng đủ khôn ngoan để hiểu rằng những mối nguy hiểm chính trị luôn đi liền với tình hình xáo trộn. Bạn nên biết điều gì sẽ xảy ra với những người đem lại những điều không hay. Bởi vậy, mọi người luôn cẩn trọng trong lời nói. Họ tránh đưa ra ý kiến thể hiện sự bảo vệ bản thân. Điều này không nên chút nào. Chúng ta cần những giải pháp. Nỗi sợ hãi bị trừng phạt vì đưa ra ý tưởng có thể là trở ngại chính ngăn cản bạn biến những ý tưởng đó thành giải pháp thực tế. Sau đây là bốn chiến lược để tránh tai họa theo cách tư duy của Einstein.

Chia sẻ ý tưởng và công trạng với người khác

Benjamin Franklin là người đề xuất chiến lược khôn ngoan và rộng lượng này. Thay vì hăng hái đưa ra ý kiến của mình, hãy làm như đó là ý kiến của tất cả mọi người rồi nhiệt tình ủng hộ ý kiến đó. Chiến lược này đặc biệt có hiệu quả nếu bạn trình bày ý tưởng với những người có địa vị.

Cách này đem lại hiệu quả vì hai lý do. Thứ nhất, nó xóa đi nghi ngờ và ghen tị rằng bạn ủng hộ ý kiến đó vì bạn chính là cha đẻ của nó. Thứ hai, mọi người sẽ bảo vệ ý kiến của họ. Nếu bạn biến ý tưởng của mình thành ý tưởng của mọi người, họ sẽ bảo vệ ý kiến đó đến cùng.

Chia sẻ lợi ích cho mọi người sẽ giúp bạn tập hợp được sự ủng hộ của tất cả các cá nhân này. Cái tôi luôn được đặt lên trên hết. Mọi người sẽ cố gắng làm mọi thứ để tránh ở vào vị trí của người cấp dưới. Các cá nhân này có thể làm giá thầu giảm xuống và làm giá trị của các bản hợp đồng tăng lên hàng tỷ đô-la. Khi một cá nhân lãnh đạo cũng tham gia, giá trị của bản hợp đồng là không thể tính được. Hàng triệu đô-la đã được bỏ ra để “làm đẹp mặt” sếp lớn.

Không khó để truyền đạt ý tưởng mới của bạn cho người khác. Hãy dẫn dắt sếp của bạn vào câu chuyện. Trình bày suy nghĩ của bạn về việc tạo ra các sản phẩm hấp dẫn cho thị phần có đông giới trẻ. Đưa ra ý tưởng của bạn về một thương hiệu mới cho dù trước đó, bạn không quan tâm nhiều đến điều này. Khi cấp trên đóng góp ý kiến, bạn nên thể hiện thái độ hào hứng với những điều sếp đưa ra, nói với sếp rằng ông ta đã bổ sung ý tưởng rất hay. Sau đó, bạn phổ biến ý tưởng của sếp trong toàn công ty. Bạn phải là người ủng hộ nhiệt tình cho ý tưởng đó.

Lợi dụng nỗi sợ hãi

Một chiến lược khác để tránh bị trả thù khi đưa ra những ý tưởng mới là chia sẻ cho đối thủ của bạn ích lợi từ ý tưởng đó. Nếu vấn đề của bạn là tìm cách tạo ra động lực cho ngân hàng bạn đang làm việc, hãy làm như ý tưởng của bạn xuất phát từ thông tin bạn nghe được về đối thủ cạnh tranh. Bạn có nghe tin ngân hàng đối thủ đang xem xét việc triển khai dịch vụ rút tiền 24 giờ một ngày. Sau đó, mặc dù bạn tỏ ra hoài nghi về ý tưởng này, bạn vẫn chỉ ra những thiệt hại có thể xảy ra nếu dịch vụ đó được áp dụng đối với người thu nhập cao có ít thời gian và nếu như ngân hàng bạn không có sự chuẩn bị. Đối với nhiều người, việc để thua đối thủ còn kinh khủng hơn là bỏ lỡ một cơ hội. Đồng nghiệp của bạn sẽ quan tâm đến bất cứ hành động nào của đối thủ. Bạn phải tạo ra sức ép về cạnh tranh để mọi người quan tâm đến ý kiến của bạn.

Tạo ra lợi nhuận cho cấp trên

“Việc một người tử vì đạo để chứng tỏ mình không phải là kẻ bất lương không có nghĩa anh ta không phải là kẻ ngu ngốc.”

– CHARLES COLTON –

Ý kiến của bạn sẽ nhanh chóng được chấp nhận nếu cấp trên thấy có lợi cho họ. Tuy nhiên, cũng có những người hết lòng ủng hộ những ý tưởng mới cho dù nó có thể gây bất lợi cho họ. Nhưng bạn đừng tin là có thể tìm thấy một người như vậy.

Hãy coi việc tạo ra lợi nhuận cho người có quyền là một điều quan trọng khi đưa ra ý tưởng của mình.

Tiết lộ thông tin

Vụ nổ tàu vũ trụ Challenger dường như là một bí ẩn không thể giải thích. Một nhóm chuyên gia cao cấp được triệu tập để tìm ra nguyên nhân của sự cố. Lúc đó, nếu còn sống, có lẽ Einstein cũng đã được mời tham gia, nhưng một thiên tài khác là Richard Feynman đã có mặt. Feynman nghiên cứu các mảnh vỡ của con tàu và xem xét kỹ lưỡng những thước phim còn sót lại. Ông cũng đọc hàng loạt báo cáo và nghe rất nhiều nhân chứng kể lại sự việc. Tuy nhiên, Feynman vẫn không thể tìm ra nguyên nhân của vụ nổ.

Trên thực tế, NASA đã ngay lập tức biết được nguyên nhân thật sự của vụ nổ. Vấn đề là tiết lộ bí mật này bằng cách nào. Không ai sẵn sàng đánh đổi việc tiết lộ bí mật này với việc hủy hoại sự nghiệp của bản thân. Cuối cùng, một vị tướng trong lực lượng không quân đã bí mật tiết lộ nguyên nhân đó với Feynman khi mời Feynman đến nhà chơi vào cuối tuần. Vị tướng này đã gợi ý cho Feynman về miếng bịt hình khuyên và bộ óc nhanh nhạy của Feynman đã giải đáp được bí ẩn này. Feynman nhanh chóng công bố phát hiện của mình: miếng bịt hình khuyên đã bị vỡ làm rò rỉ khí gas nóng từ bộ phận tên lửa đẩy khiến con tàu phát nổ. Bí ẩn đã có lời giải.

Sự cần thiết của tiết lộ thông tin qua người khác xuất hiện khá nhiều trong nghề tư vấn. Không như người trong cuộc, những nhà tư vấn được đánh giá cao khi họ có thể chỉ ra vấn đề. Các cuộc khảo sát, lấy ý thăm dò cũng là những kênh truyền đạt thông tin hiệu quả.

Tiết lộ bí mật dưới dạng nặc danh không thể đạt hiệu quả như trên. Cách này cũng giúp bạn lan truyền thông tin nhưng bản thân nó lại có ảnh hưởng xấu tới thông tin đó. Bạn sẽ không dễ dàng tin vào một thông tin nặc danh. Trình bày ý tưởng của bạn với người khác thì tốt hơn là công bố nặc danh.

Tuy nhiên, bằng mọi cách bạn phải lan truyền được ý tưởng mới của mình. Hãy tạo cơ hội cho người khác đánh giá, bổ sung ý kiến. Ý tưởng của bạn muốn phát triển thì phải có sự trao đổi về tư duy. Tuy nhiên, bạn đừng để bản thân mắc vào quá trình đó.

Chiến lược của bạn

“Mặc dù đã chuẩn bị đón nhận tai họa nhưng tôi vẫn mong nó đừng tới.”

– WINSTON CHURCHILL –

“Nhiệm vụ hàng đầu của một người cách mạng là tránh được tai họa do nó đem lại.”

– ABBIE HOFFMAN –

Để biến ý tưởng của bạn thành hiện thực, bạn phải tìm cách tránh hậu quả tiêu cực của chính ý tưởng đó. Hãy tìm cách giúp bạn chủ động phát triển ý tưởng, tập hợp được sự ủng hộ và tránh được sự soi mói. Khi bạn đã vạch ra được chiến lược cho mình, hãy theo đuổi nó đến cùng. Tìm được giải pháp quan trọng hơn danh tiếng.

Chiến lược để tránh tai họa: Lôi kéo một nhân vật quan trọng làm người đứng mũi chịu sào cho ý tưởng đó.

ĐÒI QUYỀN LỢI

“Phẩm hạnh là cần thiết nhưng còn vật chất thì sao?”

– KAISER WILHEM –

Ý nghĩ muốn tránh tai họa không có gì là mới mẻ. Tuy nhiên, chỉ tránh được trừng phạt chưa thể khiến bạn hài lòng. Bạn còn muốn thu được lợi ích từ nó. Bạn muốn danh tiếng và cả lợi ích. Một số người tài giỏi quá ham muốn tiền đến nỗi họ sẵn sàng chịu bị trừng phạt chứ không để mất số tiền đó. Bởi vây, làm thế nào để một người vừa thực hiện được ý tưởng, đạt được danh tiếng lại vừa tránh được tai họa?

Đôi khi bạn cũng cần phải ích kỷ. Tại sao bạn không giữ những ý tưởng hay cho riêng mình, vì chia sẻ chúng với người khác cũng rất nguy hiểm. Điều này không phải chỉ vì lợi ích của bản thân. Những mối nguy hiểm không thể làm bạn thay đổi suy nghĩ. Nếu bạn thực hiện thành công ý tưởng, người khác sẽ phải chú ý tới ý tưởng đó.

Để thực hiện ý tưởng, bạn cần có lòng can đảm, tính kiên trì và khả năng chịu đựng như Einstein. Bạn hoàn toàn có thể làm được điều này. Bạn sẽ có động lực lớn khi theo đuổi những việc bạn tin mình làm được. Bạn sẽ làm việc chăm chỉ hơn lúc nào hết khi muốn biến ý tưởng thành hiện thực. Hãy quên việc thuyết phục cả thế giới tin theo ý tưởng của bạn, bạn chỉ cần nghĩ mình sẽ dùng ý tưởng của mình để làm lợi cho bản thân là đủ.

Bạn có thể muốn sửa lại giải pháp ban đầu với mục đích đặt lợi ích cá nhân lên trên hết. Cho dù là giải quyết vấn đề của tập thể, hãy cứ bắt đầu bằng việc chỉ ra những lợi ích và cả những mối đe dọa liên quan trực tiếp đến bạn.

Sau đó, hãy điều chỉnh lời mô tả vấn đề để biến thành công của bạn thành mục tiêu tìm ra giải pháp. Điều này có vẻ hơi ích kỷ nhưng nó giúp bạn giải quyết vấn đề.

Định nghĩa vấn đề: Tạo lập sự nghiệp thành công, xóa bỏ những rào cản dẫn tới sự giàu có.

LUÔN HÀO PHÓNG

“Một người sẽ đấu tranh mạnh mẽ vì lợi ích của anh ta hơn là vì lẽ phải.”

– NAPOLEON BONAPARTE –

Bạn sẽ có nhiều cơ hội hưởng lợi từ những giải pháp hay của mình nếu như nhiều người khác cũng được hưởng lợi từ nó. Bạn cần ý kiến đóng góp, sự sáng suốt của họ, vì vậy, bạn nên chia sẻ lợi nhuận từ sự thành công của mình với họ. Năm 1982, IBM cho ra đời một chiếc máy tính cá nhân. Một cách vô tình, IBM đã để cho các công ty khác thu được nhiều lợi nhuận từ sản phẩm này. Vài năm sau đó, hãng Apple giới thiệu một sản phẩm máy tính cá nhân hiện đại hơn nhiều, chiếm lĩnh thị trường trong nhiều năm. Hàng triệu người hào hứng đón nhận chiếc máy tính Macintosh của hãng Apple. Tuy nhiên, Apple lại muốn hưởng hầu hết lợi nhuận từ sản phẩm này. Họ hạn chế việc thu lợi nhuận từ máy tính của các công ty khác. Chỉ có hãng Apple mới có thể sản xuất và nâng cấp sản phẩm này. Kết quả, Apple phải đầu tư nhiều hơn cho việc cải tiến, phát triển và mở rộng thị trường máy tính cá nhân của hãng IBM. Điều này đem lại hàng nghìn tỷ đô-la lợi nhuận. Máy tính Macintosh cũng đem lại nhiều lợi nhuận nhưng phần lớn là cho các hãng khác không phải hãng Apple. Ít ai còn muốn đầu tư phát triển dòng máy tính Macintosh. Hậu quả là công nghệ vượt trội của Apple bị mất đi. Maccintosh chỉ chiếm một thị phần nhỏ so với tiềm năng của nó, hãng Apple cũng chỉ thu được một chút lợi nhuận so với những gì họ đáng được hưởng. Nguyên nhân là do Apple không sẵn sàng chia sẻ nguồn lợi.

Chia sẻ lợi ích từ ý tưởng của bạn là cách tốt nhất để đảm bảo bạn có được sự ủng hộ cả về trí lực và sức lực. Về lâu dài, chia sẻ ý tưởng sẽ đem lại cho bạn nhiều thuận lợi hơn.

TRÁNH TAI HỌA

“Sống chết bảo vệ ý kiến của mình tức là đánh cược vào sự phỏng đoán.”

– ANATOLE FRANCE –

Nhân loại cần những giải pháp chứ không cần những tai vạ. Khi bạn sử dụng phương pháp tư duy như Einstein để giải quyết vấn đề, bạn cũng phải luôn tự nhủ điều này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.