Lần Đầu Làm Sếp

7. ỨNG PHÓ VỚI CẤP TRÊN



Trong chương 6, chúng ta đã thảo luận về thái độ của một nhà quản lý đối với nhân viên. Nhưng các nhà quản lý cũng cần biết rằng thái độ của họ đối với cấp trên cũng rất quan trọng. Thành công trong tương lai của họ phụ thuộc vào cả nhân viên cấp dưới lẫn cấp trên.

Nếu bạn vừa được thăng cấp, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy vô cùng biết ơn ông chủ của mình. Bạn cũng rất hài lòng khi các nhà quản lý cấp cao đủ sáng suốt để nhận ra tài năng của bạn. Nhưng trách nhiệm mới này của bạn đòi hỏi ở bạn một mức độ trung thành mới. Bởi vì hơn cả, giờ đây bạn là thành viên của nhóm những người lãnh đạo. Bạn không thể là một thành viên tốt của nhóm nếu không đồng cảm với họ.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng cấp trên của bạn không phải lúc nào cũng thông minh hơn bạn. Có thể họ chỉ có nhiều kinh nghiệm hơn, làm việc ở công ty lâu năm hơn hay thậm chí được cất nhắc lên vị trí đó vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Song họ đã thể hiện vô cùng tuyệt vời, và như thế có nghĩa là thông minh hơn bạn rồi.

HÃY TRUNG THÀNH VỚI CẤP TRÊN

Lòng trung thành thường bị hiểu lầm và mang tiếng xấu. Lòng trung thành mù quáng thì không còn gì để nói, nhưng lòng trung thành thật sự không có nghĩa là bán rẻ linh hồn mình. Công ty và ông chủ của bạn không lừa đảo cả thế giới. Nếu họ thật sự như vậy, họ không xứng đáng với lòng trung thành của bạn. Và bạn không nên tiếp tục làm việc cho họ nữa.

Hãy cùng giả định rằng bạn biết mục tiêu của công ty mình rất đáng khen ngợi, và bạn sẵn lòng hỗ trợ, đóng góp vào mục tiêu chung ấy. Vậy khi đó lòng trung thành mà chúng ta nói đến ở đây là thực hiện những chính sách, quyết định mà bạn sẽ ủng hộ. Giả sử vị trí của bạn trong công ty cho phép bạn tham gia đóng góp vào những quyết định liên quan đến bộ phận thuộc trách nhiệm của bạn. Hãy cố gắng để những đóng góp đó có ý nghĩa đối với nhiều bộ phận khác. Đừng là một nhà quản lý “tầm nhìn hẹp” chỉ biết đưa ra những nhận xét, đóng góp có lợi cho bộ phận của mình. Nếu điều này xảy ra, những đóng góp của bạn sẽ không còn được xem trọng nữa, bởi nó không dựa trên yếu tố tổng thể.

Nếu bạn đưa ra những đóng góp dựa trên yếu tố tổng thể và mang lại nhiều lợi ích to lớn hơn cho công ty, những đóng góp của bạn sẽ ngày càng được săn đón nhiều hơn. Điều quan trọng hơn là việc được tham gia vào quá trình ra quyết định có thể sẽ nâng cao cấp độ quản lý hiện tại của bạn.

Đôi khi, một quyết định hay chính sách được đưa ra lại hoàn toàn trái ngược với quan điểm của bạn, nhưng bạn lại được mong đợi sẽ ủng hộ nó, thậm chí thực hiện nó. Hãy hỏi sếp của bạn xem tại sao lại đưa ra quyết định đó, nếu bạn thật sự không hiểu rõ. Xác định xem bạn có thể đóng góp gì vào quá trình ra quyết định đó.

Những triết lý cũ rích, lạc hậu về lòng trung thành mù quáng với các nhà lãnh đạo đã không còn được sử dụng trong vòng tròn quản lý ngày nay nữa. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý và nhà điều hành cấp cao cho rằng lòng trung thành mù quáng vẫn tồn tại đâu đây.

Nếu muốn trở thành một nhà quản lý tài ba, bạn cần có quyền biết được những lý do chính đáng đằng sau các chính sách hay quyết định của công ty. Có thể người quản lý của bạn trung thành đến mù quáng với các lãnh đạo cấp cao và bảo vệ mọi thông tin về quản lý cấp cao như thể tất cả đều là những thông tin tuyệt mật − và chính điều đó là kẻ thù của bạn. Trong trường hợp này, bạn cần nỗ lực hơn nhằm có được câu trả lời cho những vấn đề của mình.

Nếu đó là một chính sách có ảnh hưởng tới các phòng ban khác, bạn có thể tìm những người có cùng trình độ ở các phòng ban khác. Nếu một người bạn của bạn làm ở bộ phận X – nơi người quản lý luôn chia sẻ thông tin với nhân viên, thật dễ dàng để có được những gì bạn cần biết từ người đó chỉ với một tách cà phê và trò chuyện cùng họ.

TRÁCH NHIỆM CỦA BẠN

Khi làm việc và giao tiếp với sếp, bạn có rất nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ phải thực hiện trong việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người này. Bạn cần thực hiện những điều sau:

• Luôn để cho người quản lý biết rõ kế hoạch, hành động cũng như các dự án của bạn.

• Chú ý tới thời gian biểu của sếp và sắp xếp các buổi gặp hay các cuộc hẹn thuận tiện cho sếp.

• Đưa ra các ý kiến tranh luận, những mối quan tâm hợp lý, những dẫn chứng, ví dụ cũng như các vấn đề thực tế nhằm bổ sung, hỗ trợ cho điều bạn nói.

• Sẵn lòng lắng nghe quan điểm của sếp. Có thể sếp của bạn đúng! Đối phó với một người quản lý vô lý

Thế giới chúng ta đang sống không hề hoàn hảo. Vì thế, đôi khi trong sự nghiệp của mình, bạn sẽ rơi vào những vị thế bất lợi, đó là trở thành nhân viên cấp dưới của một nhà quản lý hết sức khó chịu – một người không làm tốt công việc quản lý và/hoặc không hề dễ chịu với những người xung quanh. Điều không may là bạn không thể sa thải, loại bỏ một vị quản lý bất tài hay vô lý đó như bạn mong muốn.

Nhưng hãy cứ thẳng thắn. Nếu một người như vậy đã giữ vị trí đó trong nhiều năm, có lẽ bạn nên tự hỏi tại sao vị trí đó lại thuộc về người đó lâu như vậy. Nếu tất cả mọi người trong tổ chức đều biết rõ người đó không đủ năng lực làm việc, vậy tại sao ban quản lý cấp cao vẫn cho phép người đó tiếp tục đảm nhiệm vị trí đó?

Mặt khác, nếu tất cả mọi người trong bộ phận đều thấy rằng vị quản lý đó đang làm việc rất tốt, và chỉ riêng bạn mới có vấn đề với họ, thì đây lại là một việc hoàn toàn khác. Nếu bạn là người mới, bạn cần phải cho mình chút thời gian và đừng nhanh chóng phản ứng. Vấn đề sẽ tự được giải quyết nếu bạn làm tốt công việc của mình và không quá nhạy cảm với các vấn đề xung quanh. Bạn sẽ nhận thấy rằng đó chỉ là tác phong chứ không phải bản chất của họ.

Tuy nhiên, nếu người quản lý của bạn gây ra những rắc rối cho bạn hoặc cho nhân viên cấp dưới của bạn thì bạn cần làm gì đó để giải quyết nó. Bạn sẽ có một số lựa chọn hết sức khả quan. Tùy theo môi trường cạnh tranh, xung đột cũng như văn hóa của tổ chức bạn mà một số chiến lược sẽ được áp dụng phù hợp. Tốt hơn hết là bạn nên ngay lập tức trao đổi với sếp. Hãy trình bày, giải thích rõ ràng, chuyên nghiệp nhất cho sếp về việc những hành vi, chính sách hay hành động của họ đã tạo ra những tác động lớn đối với doanh nghiệp. Giả dụ rằng sếp của bạn không hướng dẫn cho bạn nhiều như những nhân viên khác. Điều này dẫn đến sự chậm trễ trong việc giao hàng cùng với những lời phàn nàn của khách hàng – những mối quan tâm và đáng lo ngại hàng đầu đối với doanh nghiệp của bạn. Ngay cả khi không thích nghe những điều đó, sếp cũng sẽ phải đánh giá cao sự thẳng thắn của bạn trong việc chỉ ra vấn đề.

Thông thường, các nhà quản lý sẽ không nhận ra rằng mình đã làm những việc không hợp lý. Họ cần phải nhận được những phản hồi. Vì thế, bạn nên thường xuyên gặp gỡ sếp để trao đổi về những vấn đề cần giải quyết. Nếu sếp nghĩ rằng những buổi gặp gỡ đó là không cần thiết, bạn cần phải kiên trì chứng minh rằng nó cần thiết. Cố gắng giải thích rõ tại sao việc thường xuyên trao đổi sẽ ngăn chặn được những vấn đề đang có nguy cơ trỗi dậy và các bạn sẽ có được nhiều lợi ích như thế nào từ việc này.

Ngoài ra, tôi cũng thường khuyên các nhà quản lý mới rằng nếu cấp trên không chỉ định một cố vấn nào hướng dẫn cho họ, thì tốt hơn hết họ nên tự tìm lấy cho mình một người. Bạn cần một người trong chính tổ chức của mình, một người được kính trọng và hiểu rõ những xung đột nào đang diễn ra trong tổ chức. Bạn cần một người có thể che chở, nâng đỡ và hướng dẫn bạn về đời sống trong tổ chức.

Bây giờ, giả định rằng bạn có một nhà quản lý không thích nhận được phản hồi từ phía nhân viên. Vậy khi đó bạn sẽ phải làm gì? Đây chính là lúc những hiểu biết về tình hình cũng như văn hóa công ty phát huy tác dụng và là lúc các nhà cố vấn trở thành những người trợ giúp vĩ đại. Bạn cần đến một ai đó có thể trò chuyện, trao đổi với sếp của bạn – một người có cùng trình độ với họ, một người bạn trong tổ chức – nếu danh tiếng của họ tốt cũng như là một người “chơi đẹp”, hoặc nếu không bạn sẽ phải hứng chịu tất cả những rủi ro lớn nhất và đến mức đề nghị sếp của vị quản lý đó lên tiếng. Hãy nhớ rằng, khi bạn làm điều này cũng có nghĩa là bạn đã tự chấm dứt hoàn toàn và mãi mãi mối quan hệ của bạn với sếp. Nhưng bạn không còn lựa chọn nào khác, bạn phải làm điều đó vì lợi ích của nhóm cũng như của toàn thể tổ chức.

Tuy nhiên, bạn cũng còn một lựa chọn nữa, đó là tự nhủ rằng: “Vị sếp này quá khó tính, và bà ấy đã như vậy trong suốt nhiều năm mà không ai quan tâm hay sẵn lòng thay đổi hành vi của bà ấy. Đây không phải là vị trí tốt mà tôi nên tiếp tục bởi sếp luôn là người có ảnh hưởng rất lớn đến những thành công trong công việc của tôi. Có thể tôi cần tìm một công việc khác tại một bộ phận hay một tổ chức khác.”

Buộc những người tài ra đi

Thực tế là rất nhiều công ty thu được lợi nhuận từ sự suy giảm của nền kinh tế, bởi khi đó họ có thể thúc ép nhân viên làm việc chăm chỉ hơn cũng như nhân viên khó có thể rời bỏ công ty để tìm kiếm những công việc khác hơn. Tuy nhiên, đây là một tầm nhìn ngắn hạn. Bởi vì, thứ nhất, những người tài luôn có thể tìm được một công việc tốt, dù nền kinh tế có khó khăn như thế nào. Những người kém năng lực thì lại không thể. Vì thế, thái độ này của các công ty sẽ khiến những người tài ra đi và chỉ giữ lại được những người kém năng lực. Đây rõ ràng là cách làm của những kẻ tầm thường, kém hiểu biết. Thứ hai, trong một nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, việc đánh giá đúng cũng như phát huy được hết năng lực của nhân viên, bao gồm cả các nhà quản lý tài năng, sẽ giúp công ty có được một vị thế tốt hơn nhằm cạnh tranh hiệu quả trên thị trường.

Một trong những cách thức chắc chắn nhất khiến công ty mất đi nhân viên tài năng là duy trì hệ thống quản lý quan liêu. Điều này nghe có vẻ rất rõ ràng, song rất nhiều nhà quản lý mới cũng vẫn áp dụng cách cư xử với nhân viên như chính cách mà họ đã được sếp của mình áp dụng. Có thể rất nhiều nhà quản lý đã được dạy các phương pháp quản lý, song họ vẫn tiếp tục làm những gì mình biết. Họ lo lắng về việc “loại bỏ” những cách thức cũ sau rất nhiều năm đã “hứng chịu” nó.

Bài học từ vấn đề nhà quản lý vô lý này là hãy trở thành một nhà quản lý mà bạn mong muốn, chứ đừng tiếp tục những truyền thống xưa cũ. Đừng bao giờ áp dụng một phong cách quản lý mà bạn không thích và cũng không nên để người khác phải gánh chịu sự ngược đãi của bạn. Còn nếu bạn đang phải làm việc cho một nhà quản lý vô lý, hãy tỏ lòng nhân hậu chiếu cố và tự nhủ: “Hãy để tôi kết thúc cách quản lý này.”

Hiểu rõ tính cách cũng như phong cách của sếp

Có rất nhiều bài báo cũng như cuốn sách viết về đề tài “quản trị ngược”. Vấn đề chủ đạo của tất cả các tác phẩm đó là: “Nếu bạn hiểu rõ phong cách cũng như tính cách của sếp, bạn có thể dễ dàng quản lý được họ thông qua việc hiểu rõ sếp muốn gì, cần gì và thích thú với làm việc và trao đổi như thế nào.”

Có bốn phong cách quản lý mà hầu hết các nhà quản lý đều sở hữu. Một số người thì chỉ có một phong cách nhất định, trong khi những người khác kết hợp hai đến ba phong cách khác nhau trong số bốn phong cách này. Hãy đọc kỹ những mô tả dưới đây và xem liệu bạn có thể nhận ra được phong cách của sếp mình là phong cách nào không. Nếu bạn có thể, chắc chắn công việc cũng như mối quan hệ của bạn với sếp sẽ rất thành công.

Người chiếm lĩnh, độc đoán

Họ là những người thích chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề. Những nhà quản lý này luôn đưa ra quyết định nhanh chóng, luôn trung thành với những quyết định của mình, là một người có tổ chức và luôn định hướng theo những điều mấu chốt. Họ là tuýp người “hoặc là làm theo cách của tôi hoặc là chúng ta sẽ chấm dứt cuộc nói chuyện”. Nếu họ phải tập bắn bia, thì chắc chắn họ sẽ nói “Sẵn sàng, bắn, nhắm!” (thay vì cách nói thông thường là “Sẵn sàng, nhắm, bắn!”). Nếu bạn làm việc cho một người độc đoán, hãy đảm bảo rằng bạn có khả năng giao tiếp rõ ràng và thẳng thắn, luôn sẵn sàng các dữ kiện và làm theo những gì họ nói.

Người ngăn nắp, cẩn thận

Đây là tuýp người phân tích. Những nhà quản lý này luôn thích dành thời gian để tập hợp thông tin và dữ liệu trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Họ là người điềm tĩnh, luôn tính toán trước mọi việc và rất quan tâm tới sự chính xác. Nếu họ tập bắn bia, điều họ sẽ luôn nói là “Nhắm, nhắm, nhắm!”. Họ ghét việc phải ra quyết định nên luôn cố gắng tìm kiếm thêm thông tin. Nếu đang làm việc cho một nhà quản lý như thế này, bạn hãy kiên nhẫn. Hãy hiểu rằng họ đang cố gắng đưa ra những quyết định tốt nhất dựa trên tất cả mọi thông tin, dữ liệu có được. Khi bạn đưa ra ý kiến hay gợi ý nào đó, hãy đảm bảo rằng bạn đã phân tích chúng kỹ lưỡng, cũng như giải thích chúng một cách logic và hợp lý.

Người thúc đẩy, tạo động lực

Đây là những người giám sát sẽ mang lại niềm vui, thú vị khi ở bên cạnh họ. Họ là những người uy tín, có sức lôi cuốn và dường như có mối quan hệ tốt đẹp với tất cả mọi người trong tổ chức. Họ luôn tràn đầy năng lượng, sáng tạo và có tinh thần cạnh tranh cao. Tuy nhiên, họ lại thường nói nhiều hơn làm. Họ thích khởi đầu công việc, nhưng hoàn thành nó với họ lại là một vấn đề khác. Nếu họ tập bắn bia, điều họ thường xuyên nói sẽ là “Nói, nói, nói!”. Họ thích được nói, được vui vẻ và đôi khi công việc chỉ chiếm vị trí thứ yếu. Khi giao tiếp với những người này, hãy đảm bảo rằng bạn phải tán chuyện thật nhiều. Hãy hỏi họ xem kỳ nghỉ vừa rồi của họ thế nào, bọn trẻ nhà họ ra sao, v.v… Bởi vì họ không thể tập trung vào công việc, do đó họ cần tập trung vào các vấn đề xã hội.

Người giỏi giao thiệp

Bạn sẽ có một môi trường làm việc thoải mái nếu quản lý của bạn là một người giỏi giao thiệp. Những người này rất quan tâm đến sự cống hiến, tận tâm, lòng trung thành, sự kiên trì, kiến thức, khả năng độc lập và đặc biệt là rất giỏi giữ hòa khí. “Gót chân Asin” của họ là họ luôn cố gắng tránh những phiền phức, rắc rối. Họ không thích sự thay đổi và rất thích giữ nguyên hiện trạng. Họ quan tâm đến cách thức mọi người làm việc hơn là kết quả cuối cùng. Nếu họ tập bắn bia, điều họ thường xuyên nói sẽ là: “Sẵn sàng, sẵn sàng, sẵn sàng!”. Họ sẽ luôn có mặt để giúp đỡ bạn và họ quan tâm đến vấn đề, nhu cầu của người khác hơn của bản thân mình. Khi làm việc cho những người này, hãy đội chiếc mũ “cảm xúc và làm việc nhóm” của bạn. Chắc chắn bạn sẽ cần đến nó đấy!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.