Lần Đầu Làm Sếp
35. CÂN BẰNG CUỘC SỐNG
Nhà quản lý lần đầu quá mê mải với những nhiệm vụ mới đến mức không còn thời gian để nghỉ ngơi. Sự cống hiến này rất đáng ngưỡng mộ, bởi nó chỉ ra rằng một người kiên quyết muốn thực hiện công việc một cách tuyệt vời và thành công trong vai trò thành viên của nhóm quản lý.
Nhưng cuộc sống phải có sự cân bằng. Mặc dù sự nghiệp của bạn rất quan trọng, nhưng nó không phải là toàn bộ cuộc sống của bạn. Thực tế, bạn sẽ trở thành một nhà quản lý hoàn thiện nếu bạn là một con người hoàn thiện. Bạn không thể tách biệt hai điều đó.
Khi bạn hỏi mọi người làm gì, họ sẽ tự động trả lời bạn họ đang làm gì để kiếm sống. Họ là nha sỹ, kế toán, luật sư, nhân viên bán hàng, nhà quản lý, thợ cắt tóc hoặc lái xe,… Nhưng chúng ta còn đóng nhiều vai trò hơn những gì chúng ta đang làm để kiếm sống – và nếu không phải là nhiều hơn, thì chúng ta cũng nên như thế.
Có rất nhiều câu chuyện buồn về những người nghỉ hưu mất đi cả nhận thức về bản thân cũng như giá trị bản thân. Công việc là toàn bộ cuộc sống của họ, và vì thế, khi nghỉ hưu, họ đánh mất hết cá tính của mình. Những người có phản ứng như vậy với việc nghỉ hưu thì không phải là một người hoàn thiện. Tất cả niềm hứng thú của họ, thay vì gia đình, đều xoay quanh công việc. Cũng dễ hiểu khi bạn thấy nhớ công việc của mình, đặc biệt khi bạn thật sự thích nó, nhưng công việc không nên là toàn bộ ý nghĩa cuộc sống.
Một người chỉ có đam mê duy nhất là công việc là người “một chiều”, và nhà quản lý một chiều thì không thể hiệu quả như nhà quản lý đa chiều.
Tôi không nói đến những tháng đầu tiên bắt đầu công việc. Nhưng sau khi đã vượt qua giai đoạn làm quen này, bạn cần mở rộng phạm vi các mối quan tâm cũng như các hoạt động của mình.
CÔNG VIỆC CỘNG ĐỒNG
Tất cả những ai khát khao sự nghiệp quản lý đều cần tham gia các hoạt động cộng đồng. Bạn không thể tách khỏi cộng đồng cũng như không thể không đóng góp gì cho cộng đồng. Điều đó cũng đúng với chuyên môn của bạn. Đây không phải là lời gợi ý hoàn toàn mang tính vị tha. Mục tiêu ưu tiên là nhằm hỗ trợ cho những mục đích chuyên môn, nhưng chúng sẽ mang lại thêm những ích lợi khác cho bạn. Bạn sẽ được biết đến trong cộng đồng và giới chuyên môn. Bạn nâng cao nền tảng kiến thức cũng như có được những người bạn và mối quan hệ tốt đẹp. Điều đó không chỉ khiến bạn trở thành một nhà quản lý toàn diện mà còn có tiềm năng thăng tiến. Bạn càng tiến lên trong tổ chức, khả năng lãnh đạo càng quan trọng.
Rất nhiều trường hợp trong đó hai người được xem xét để thăng chức đều có chất lượng công việc tốt. Đây là một quyết định khó khăn, và sự khác biệt được xem xét dựa trên khả năng lãnh đạo cả bên trong lẫn bên ngoài tổ chức. Ngày nay, tại rất nhiều công ty, nhân viên được phép có những “khoảng thời gian tự do” để tham gia các chương trình hỗ trợ cộng đồng được công ty ủng hộ.
ĐỌC SÁCH BÁO
Trong khi việc đọc về lĩnh vực kinh doanh của bạn mang tính “sinh tồn” thì việc trở thành một nhà quản lý đọc nhiều, biết rộng cũng là điều hết sức quan trọng. Một nhà quản lý nên là một công dân hiểu biết, có kiến thức và biết rõ điều gì đang diễn ra trong thành phố và đất nước mình. Điều đó có nghĩa là liên tục cập nhật thông tin bằng cách đọc báo, tạp chí và các ấn phẩm thương mại trong lĩnh vực của mình. Nhà quản lý cũng cần hiểu biết về thế giới. Những diễn biến trên thế giới sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tổ chức của bạn.
Đôi khi đọc một cuốn tiểu thuyết hay cũng rất hữu ích. Những tác giả nổi tiếng luôn có cái nhìn và kiến thức tuyệt vời về bản chất con người. Ngoài ra, những cuốn sách này còn mang tính giải trí và còn rất tích cực. Một số nhà quản lý cũng đề nghị nhân viên cùng đọc sách, sau đó cùng thảo luận. Cuốn sách đó có thể là về lãnh đạo, truyền thông hay những chủ đề liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của họ. Việc này sẽ mang đến những khám phá thú vị về các thành viên trong nhóm cũng như giúp xây dựng một nhóm làm việc hiệu quả cao.
Tất cả mọi người ở mọi giai đoạn cuộc đời đều cần trải qua những thử thách về tinh thần. Và điều đó sẽ dễ dàng được thực hiện hơn nếu bạn duy trì các mối quan tâm một cách toàn diện. Đọc chỉ là một trong những cách để thực hiện điều đó.
ĐỂ CÔNG VIỆC LẠI PHÍA SAU
Bạn phải có đủ khả năng và sự quyết đoán để tách công việc khỏi phần nghỉ ngơi còn lại trong ngày. Để lại công việc nơi công sở và sau đó tiếp tục với những việc khác trong cuộc sống là điều quan trọng. Chúng ta cần có mối quan tâm, sở thích, thói quen và rất nhiều thứ khác. Điều đó giúp mang lại cho mỗi người một cuộc sống cân bằng. Sai lầm lớn mà rất nhiều nhà quản lý mắc phải, đặc biệt là các nhà quản lý mới, đó là mang công việc về nhà. Phần lớn các nhà quản lý làm như vậy sẽ không bao giờ có thể có được một cuộc sống cân bằng. Điều này càng gia tăng áp lực đối với họ, bởi họ phải suy nghĩ về công việc suốt đêm hay thậm chí suốt cả những ngày nghỉ, rồi xem xét công việc bất cứ lúc nào, ngay cả khi ngồi bên bàn ăn. Hãy ngừng ngay việc mang công việc về nhà. Thay vào đó, bạn có thể làm thêm một vài giờ tại cơ quan rồi đi làm sớm vào sáng hôm sau, hoặc vào sáng thứ Hai.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.