Bài học Israel
Chương 1 (B) Thánh địa Jérusalem
Nhìn trên bản đồ, độc giả đã nhận thấy cánh đồng Chefela có một thẻo đất như một mũi nhọn đâm qua phía Đông vào xứ Jordanie tới Jérusalem thì ngừng. Chính Jérusalem chứ không phải Tel Aviv mới là kinh đô của Israël, một kinh đô kỳ dị, nằm trên biên giới của hai quốc gia thù nghịch nhau: Israël và Jordanie.
Kinh đô đó chỉ chiếm nửa châu thành, vì Jérusalem cắt ra làm hai khu: Khu cổ gồm các thánh địa (Lieux Saints) thuộc về Jordanie; khu tân thời gồm nhà ga, các khách sạn, trung tâm thương mại thuộc về Israel (Jérusalem như lạc lõng giữa một miền hoang vu bi thảm vì ra khỏi châu thành ít cây số chỉ thấy toàn những đồi trọc xám xịt như là tro trộn với cứt sắt: không có một bụi cây một đám cỏ. Ở phía đông là Tử Hải, một biển đã chết, mà nước rất mặn, rất nặng, không sinh vật nào sống nổi… Biển bốn bề là lục địa, chỉ thông với hồ Tibériade ở phương bắc nhờ con sông lịch sử Jourdain. Có người đã coi cái hồ mênh mông này (dài hơn 20 cây số rộng 15 cây số) như một tử hải nữa, và bảo Palestine là xứ có bốn biển: hai sinh hải: Địa Trung Hải, Hồng Hải: hai tử hải: hồ Tibériade và Tử Hải.
Trên bờ Tử Hải còn lại di tích những châu thành cổ Sodome và Gomorrhe mà theo truyền thuyết đã bị Javé (Thượng đế) nổi giận, tàn phá bằng diêm sinh và lửa (nghĩa là cho hoả diệm sơn phun lửa) để tận diệt bọn dân quá truỵ lạc trong thành. Cũng ở gần biển đó mặt đất hõm xuống, thành một nơi thấp nhất thế giới “394 mét dưới mặt biển”. Nhưng miền Jérusalem còn là một miền có tính cách thiêng liêng nhất thế giới. Một thánh địa tại đó ba tôn giáo lớn của nhân loại đã gặp nhau: đạo Do Thái, đạo Ki-tô và đạo Hồi. Tại đó Chúa Javé của Do Thái đã hiện lên để giao ước với dân tộc Do Thái; tại đó Chúa Ki-tô đã bị đóng đinh trên thánh giá: và cũng tại đó Giáo chủ Mahomet đạo Hồi đã lại hành hương. Trải qua bao thế kỷ, tín đồ của ba tôn giáo cùng một gốc mà thù nghịch nhau để giành nhau chiếm trọn Thánh địa về mình. Cho nên khu đất rất hẹp từ mũi Mont des Oliviers (núi ô liu) tới đồi Golgotha không đầy năm trăm thước mà chứa biết bao nhiêu di tích thiêng liêng.
Mỗi phiến đá, mỗi thành giếng, mỗi khúc đường, mỗi ngôi mộ cổ đều gợi lên biết bao hình ảnh, biết bao hoàn cảnh: đây là giếng của Jacob, kia là chỗ Marie Madeleine rửa chân cho Chúa và xa hơn nữa là bức tường mà hồi xưa người Do Thái lại mỗi thứ sáu để khóc sự tàn phá của Jérusalem, một tiếng bò rống cũng đủ làm cho người ta giật minh nhớ lại ngày đản sinh của Chúa Ki-tô; một tiếng gà gáy cũng làm cho người ta rầu rầu, tưởng đâu như còn nghe văng vẳng bên tai lời thánh Pierre từ bỏ Chúa.
Theo một tài liệu trong lịch sử Ai Cập thì thành phố đó có từ 2000 năm trước công nguyên. Vào khoảng năm 1000 trước công nguyên, David lấy nơi đó làm trung tâm quốc gia Do Thái. Con của David là Salomon dựng ở đó đền đài thành quách và cung điện. Năm 587 trước công nguyên, đền bị dân tộc Assyrie đốt, năm chục năm sau dựng lại. Rồi thành bị dân tộc Ai Cập La Mã chiếm. Năm 29 hay 30 sau công nguyên; dưới sự cai trị của quan thái thú La Mã Ponce, Chúa Ki-tô bị xử tử ở đó. Bốn chục năm sau, Jérusalem bị Titus phá, rồi tới năm 131 lại bị Hadrien san phẳng. Constantin và các hoàng đế sau theo đạo Ki-tô xây dựng lại. Khi đế quốc Byzance suy tàn, Jerusalem bị Ba Tư rồi Ả Rập chiếm. Thế kỷ XI, thập tự quân từ châu Âu qua cố chiếm lại Jérusalem, mấy lần thắng, mấy lần bại, tới khi Ả Rập bị Thổ Nhĩ Kỳ chinh phục thì Jérusalem lại thuộc về Thổ cho tới cuối thế chiến 1914-1918, Từ đó, Jérusalem thành kinh đô của xử Palestine đặt dưới sự uỷ trị của người Anh.
Hiện nay châu thành Jérusalem lớn hơn thời Chúa Ki-tô mà lòng thù lẫn nhau của dân chúng cũng mạnh hơn hồi xưa nhiều. Thành chia làm nhiều khu: khu Ki-tô, khu Do Thái, khu Hồi giáo, khu Arménie; mà tín đồ khu nào cũng thù tín đồ của các khu khác. Ngay những người cùng theo một đạo Ki-tô, như người Armenie và người Hi Lạp mà cũng ghét nhau. Không khí ở đây còn nghẹt thở hơn không khí ở Berlin ( Bá Linh) đến cả chục lần.
Trong chiến tranh Israel – Ả Rập năm 1967, quân đội Do Thái vào chiếm thành Jérusalem vả đóng luôn ở đó.
Nơi đông tây cổ kim hỗn hợp
Tóm lại, trên một khu đất chỉ rộng bằng ba tỉnh của Việt Nam, chúng ta thấy di tích lịch sử của cả chục dân tộc Âu, Á, Phi suốt mấy ngàn năm; dưới một vòm trời xanh, ánh nắng gay gắt, chúng ta thấy Đông và Tây, cổ đại và hiện đại chen vai sát cánh nhau: có những du mục Ả Rập từ sa mạc mới ra, áo quét đất và rộng thùng thình với những kỹ sư, bác sĩ từ New York, Berlin mới tới, vận sơ mi cụt tay và quần soọc. Có gia đình, đàn bà hoàn toàn bình đẳng với đàn ông mà lại có gia đình đàn bà không ra khỏi phòng the, đàn ông được cưới nhiều vợ. Có những nơi người ta đọc thánh kinh và làm lễ theo đúng nghi thức hai ngàn năm trước, lại có những nơi người ta nhảy những điệu bi bốp y như trong các vũ trường nhộn nhất của San Francisco. Cha mới mười mấy năm trước không được thấy một cái máy ảnh, mà con bây giờ học môn điện tử trong trường kỹ thuật tối tân nhất, học bằng tiếng Hebreu, ngôn ngữ mà cha dùng để đọc thánh kinh.
Có những kẻ chở sữa tươi đi giao cho mỗi nhà buổi sáng, lại có những người đi sửa khoá, sửa đồng hồ dạo trong các làng xóm xa xôi. Có những máy cày tối tân, lại có những lưỡi cày bằng gỗ y hệt đời các Pharaon Ai Cập. Họ cách nhau mấy chục thế kỷ, mấy chục ngàn cây số mà đột nhiên sống chung nhau để chung sức xây dựng lại tổ quốc đã mất trên 2000 năm trước.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.