Bài học Israel
Chương 2 NON HAI NGÀN NĂM LANG THANG
Bước đầu tiên trên đường lưu vong
Theo David Catarivas trong cuốn Israel, bước đường lang thang của dân tộc Do Thái đã bắt đầu từ năm 720 trước Tây lịch, hồi mà trong hai tiểu quốc, tiểu quốc phương Bắc, tức Israel, bị dân tộc Assyrie tiêu diệt. Lời đó cũng đúng: vua Assyrie chiếm đất năm 722 rồi đầy mấy ngàn người Do Thái tới Trung Á.
Tiểu quốc phương Nam, tức Judée, còn giữ được chủ quyền một thời gian nữa, trên một trăm năm, nhưng tới năm 586 trước Tây lịch, cũng bị Nabuchodonosor, vua Babylone tiêu diệt, và cả vạn dân Do Thái bị bắt làm tù binh, dẫn đi.
Dân phương Bắc dễ đồng hoá với miền họ bị đày tới. Dân phương Nam trái lại, tới đâu cũng sống cách biệt với thổ dân, giữ được truyền thống của họ và ca lên những điệu nhớ quê ảo não.
Trên bờ sông Babylone Chúng tôi ngồi khóc than Và nhớ Sion (1).
Chúng tôi treo cây đàn lên cành Lên cành liễu trên bờ
Ở đằng kia, tụi coi ngục áp chế Bảo chúng tôi hát lên cho vui:
“Nào, hát lên vài Thánh ca của Sion!”
Như trên một đất lạ
Làm sao có thể hát được Thánh ca của Thượng đế
Ôi Jérusalem, nếu tôi mà quên Jérusalem thì tôi chết nửa người bên phải đi! Thì lưỡi tôi dính vào màng cúa, nếu tôi không nhớ Jérusalem
Nếu tỏi không coi Jérusalem là nguồn vui chính của tôi!(2)
Bước lưu vong của dân tộc Do Thái bắt đầu từ thời đó, nhưng như chương trên tôi đã nói, sau họ còn được trở về cố hương gây dựng lại quốc gia, cho nên hầu hết các sử gia đều cho rằng qua thế kỷ thứ nhất sautây lịch, họ mới thực sự bị phiêu bạt.
Mới đầu họ tản mác qua Tiểu Á (Asie Mineure) rồi qua Châu Âu, Bắc Phi, Ethiopie; chỉ một nhóm nhỏ ở lại trong xứ, sống chung với người Ả Rập.
Trước thời Trung cổ, tình cảnh của họ tương đối dễ chịu. Tới đâu thổ dân cũng nhận ra được họ vì tôn giáo, có lẽ vì cả nét mặt của họ nữa, cho nên hơi nghi kỵ họ, khinh họ là một dân tộc mất tổ quốc, nhưng không hiếp đáp gì họ mà họ cũng trung thành với quốc gia cho họ ở đậu. Nhờ biết đoàn kết, chịu cực khổ, họ phát đạt, lập thành những đoàn khá thịnh vượng.
Thời Trung cổ
Trong ba thế kỷ XI, XII, XIII, họ được sung sướng nhất ở (Y Pha Nho – Espagne) Tây Ban Nha. Thời đó, phía Nam Tây Ban Nha bị người Ả Rập theo đạo Hồi chiếm; phía Bắc còn ở trong tay người Tây Ban Nha theo đạo Ki-tô; hai tôn giáo đó tranh giành với nhau mà người Do Thái được yên ổn làm ăn và nghiên cứu văn chương, nghệ thuật, triết học, tôn giáo.
Họ tìm hiểu những hoạt động khoa học của người Ả Rập và góp phần nghiên cứu, phát huy văn minh Ả Rập nữa, nhất là trong khu vực y học, thiên văn học, triết học. Nhiều người Do Thái nổi danh và được trọng vọng như các thì sĩ Salomon Ibn Gabirol, Juda Halévy, các học giả Jona Ibn Janach, Abraham Ibn Ezra, Maïmonide.
Ở Pha1p, Đức, người Do Thái tuy không được trọng bằng ở Tây Ban Nha vì ít có nhả trí thức danh tiếng, nhưng cũng được sống yên ổn. Tới thế kỷ XIV, uy thế của Ả Rập suy yếu tại châu Âu, chỉ còn giữ một tiểu quốc ở Grenade, phía nam Tây Ban Nha, và tình cảnh Do Thái mỗi ngày mỗi thêm khó khăn.
Trước kia, thỉnh thoảng họ cũng đã bị tàn sát, như trong hai cuộc viễn chinh thứ nhất và thứ nhì của Thập tự quân, họ bị trục xuất khỏi Anh năm 1290, bị giết trong các pogrom (4)(bạo động) sau nạn dịch hạch năm 1348, và tới năm 1381, bị trục xuất ra khỏi Pháp. Khi bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ( Portugal) thì ở khắp châu Âu, họ bị tàn sát ghê gớm tới nỗi tại các nước ở bờ biển Đại Tây Dương không còn một bóng Do Thái nào nữa. Còn ở Đức, họ bị nhốt vào những ghetto (khu riêng của người Do Thái)(5), tình cảnh họ thật rùng rợn, chưa hề thấy trong lịch sử nhân loại; sau cùng trong thế chiến vừa rồi, dưới chính sách tàn bạo của Hitler, họ còn phải chịu những nỗi muôn phần bi đát hơn nữa.
Thế kỷ XV và XVI, họ ở Đức không nổi nữa, di cư qua Ba Lan nơi đây họ được đối đãi khá tử tế được tương đối tự do, tự trị trong khu vực của họ, thành thử chỉ trong một thế kỷ, số dân Do Thái ở Ba Lan tăng lên gấp mười, từ 50.000 tới 500.000. Nhưng tới giữa thế kỷ XVII, họ lại bị tàn sát ở Ba Lan, phải di cư qua cácy nước khác ở châu Âu sống vất vưởng cho tới cuộc cách mạng Pháp.
***
Thời cận đại
Qua thế kỷ XVIII, “thế kỷ ánh sáng” nhờ tư tưởng của các triết gia như Voltaire, Diderot, người ta bớt kỳ thị các ngoại giáo và thấy thái độ đối với Do Thái là bất công. Chủ trương tự do, bình đẳng, bác ái của Cách mạng Pháp đã kích thích người Do Thái, họ tin rằng họ là người thì cũng được hưởng những nhân quyền mà Cách mạng Pháp đề cao.
Từ 1789 đến 1848, ở khắp Tây Âu, dân Do Thái được giải thoát dần dần, thành những công dân bình quyền với các tín đồ Công giáo. Tất nhiên có một số người phản đối, nhưng rồi chính nghĩa vẫn thắng. Ở Pháp năm 1791, hội nghị Lập hiến xoá bỏ hết những đạo luật cũ bất công với người Do Thái; rồi Napoléon đệ nhất tổ chức lại sự thờ phụng cho họ. Năm 1870, tất cả các người Do Thái ở Algérie được vô quốc tịch Pháp.
Ở Đức, một người Do Thái rất thông minh, Moïse Meudelssohn, thấy tình cảnh Do Thái ở Pháp lã được cải thiện, cũng tập hợp các nhân tài Do Thái để đấu tranh, giải thoát đồng bào, được một số người Ki-tô giáo ủng hộ. Xu hướng chung thời đó là tận tình giúp đỡ cá nhân người Do Thái, nhưng không giúp đỡ dân tộc Do Thái. Người Do Thái thời đó cũng chỉ mong được vậy. Một phong trào nổi lên, phong trào Haskala ở cuối thế kỷ XVIII, hô hào người Do Thái bỏ những đặc thù của họ đi mà đồng hoá với các dân tộc khác. Một số đông Do Thái hướng ứng phong trào, xin nhập tịch xứ họ ở đậu, tận lực, vui vẻ làm ăn và nhờ thông minh, kiên nhẫn, lên được những địa vị rất cao, trong mọi ngành.
Trong số các danh nhân Âu – Mỹ, nhiều nhà gốc Do Thái: về khoa học có Freud, Einstein, Hertz, về triết học có Spinoza. Heine, Bergson; về văn học có Anatole France, Marcel Proust, Kafka, Stefan Zweig, André Maurois… về chính trị có Disraeli, Léon Blum, Mendès-France. Karl Marx và Trotsky đều là Do Thái mà họ Rothschild, một họ cha truyền con nối làm chủ ngân hàng, một họ giàu nhất nước Đức ở thế kỷ XIX, cũng gốc Do Thái nữa.
Năm 1939, dân số Do Thái ở khắp thế giới được khoảng 16 triệu.
Họ mất tổ quốc, đành coi xứ tiếp nhận họ là tổ quốc nhập tịch Pháp, Đức, Mỹ, Anh…, cũng hy sinh tính mạng trong những khi hữu sự y như người bản xứ.
Mặc dầu vậy, họ vẫn bị một số người bản xứ nghi kỵ, khinh bỉ, ghen ghét. Người ta ghen ghét họ vì thấy họ giàu có, chiếm những địa vị cao trong xã hội. Họ có thể là một dân tộc thông minh hơn các dân tộc khác không (6), điều đó chúng tôi không tin hẳn, nhưng có điều chắc chắn là họ phải sống trong những hoàn cảnh gay go, nên có tinh thần chiến đấu kiên nhẫn, nhờ vậy mà thành công, một dân tộc ăn nhờ ở đậu, không có tổ quốc mà lại thành công, chiếm những địa vị cao sang, ở nước nào cũng ảnh hướng tới nội trị, ngoại giao nước đó thì nhất định là người ta không ưa, người ta mỉa mai, chua chát tự hỏi: “Ủa! Sao bảo tổ tiên họ giết Chúa thì họ sẽ phải trả tội cho tổ tiên mà bị làm nô lệ, nếu không thì cũng tủi nhục ngóc đầu lên không nổi. Thế này thì ý chí của Thượng đế không thực hiện”. Thành thử dầu cứ tưới thêm vào lửa, nỗi bất bình chỉ đợi lúc nổ ra.
Mà nó nổ ra rất thường trong các xã hội Âu Mỹ.
Tôi còn nhớ cách đây sáu bảy năm, được coi phim “Mirage de la vie”, một phim chiếu liên tục trong một tháng ở Sài gòn mà ngày nào cũng đông nghẹt khán giả. Trong phim một thiếu nữ lai da đen bị anh chàng tình nhân chửi rủa, đấm đá túi bụi khi hắn biết rằng “người yêu” của mình có máu đen trong huyết quản mà cố giấu mình.
Khúc phim đó làm cho mọi khán giả phẫn uất. Tinh thần kỳ thị màu da của ngưởl Mỹ thật đáng tởm. Nhưng ở bên Âu sự kỳ thị Do Thái chắc cũng gần như vậy.
Trong một tác phẩm tôi quên mất tên, A Koestler- một văn sĩ Do Thái – kể một truyện tương tự.
Một chàng và một nàng đều quốc tịch Anh, yêu nhau thắm thiết đến nỗi nàng tự ý hy sinh tiết hạnh cho chàng. Nhưng qua đêm ái ân, sáng ngày tỉnh thấy thân thể loã lồ của người yêu ở bên cạnh, nàng bỗng hoảng hốt, nhảy xuống sàn rồi chửi rủa, khạc nhổ vào mặt người yêu mà nàng gọi là “quân Do Thái nhơ nhớp!. Chỉ tại lúc đó nàng mới nhận ra rằng chàng là Do Thái. Mà cả hai đều thuộc giới trí thức cả, có lẽ một số người Âu khinh người Do Thái hơn là khinh người da đen nữa.
Vì có những truyện như vậy xảy ra mà người Do Thái ở châu Âu mặc dầu được pháp luật che chở vẫn cảm thấy không được yên ổn. Càng bị khinh bỉ, hắt hủi, cố nhiên họ càng đoàn kết với nhau, gia nhập một ngày một nhiều vào những đoàn thể nào không kỳ thị họ, mà những đoàn thể này phần nhiều là những đoàn thề cấp tiến, thiên tả. Thế là người ta lại có thêm một cớ nữa để thù oán họ.
Người ta bảo họ là tụi cách mạng, tụi phiến loạn vong ân bội nghĩa, muốn chống lại những quốc gia bao dung họ, tóm lại là một thứ ong độc trong tay áo. Người ta buộc họ: “Tụi Do Thái là tụi Cộng sản. Thuyết cộng sản là một thuyết Do Thái, Karl Marx là Do Thái). Người ta quên rằng Rothschild cũng là Do Thái.
Trong chương này tôi chỉ mới phác qua lịch sử lang thang của Do Thái ở châu Âu, trong chương sau mới xin kể những nỗi tủi nhục, cơ cực kinh khủng của họ
Chú thích:
1. Tên một ngọn núi ở Jérusalem
2. Theo bản dịch của David Catarivas
3. Vụ hành hung bạo động, coi ở đoạn sau.
4. Họa dịch hạch này kéo dài tới tám năm, làm chết 25 triệu người ở châu Âu , 23 triệu người ở châu Á.
5. Khu riêng của Do Thái, coi ở đoạn sau
6. Nhiều người kể tên độ mươi, mười lăm danh nhân Do Thái từ thế kỷ XVIII tới nay rồi cho rằng dân tộc Do Thái thông minh hơn các dân tộc Đức, Anh, Pháp …, nhưng chúng tôi nghĩ rằng tỷ số các danh nhân Do Thái không cao hơn tỷ số các danh nhân Đức, Anh, Pháp …Sở dĩ người ta có cảm tưởng rằng dân tộc Do Thái thông minh chỉ vì hễ có mộT danh nhân Do Thái thì ai cũng để ý tới liền.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.