Bài học Israel
Chương IV (B) “Théodore Herzl và cuốn “Quốc gia Do Thái”
Théodore Herzl viết trong cuốn tự truyện của ông:
“Tôi sanh năm 1860 ở Budapest, ngay sát giảng đường Do Thái giáo nơi đó mới rồi viên Giáo trưởng (Rabbin) kết tội tôi kịch liệt chỉ vì (…) tôi muốn cho người Do Thái được vinh dự hơn, tự do hơn hiện nay… Mới đầu tôi vô học một trường tiểu học Do Thái, ký ức xa xăm nhất của tôi về trường đó là lần tôi bị trừng phạt vì không thuộc các chi tiết, về cuộc di cư ra khỏi Ai Cập. Ngày nay thì chắc có nhiều giáo viên muốn phạt tôi vì tôi nhớ kỹ cuộc di cư đó quá”.
Ông cùng với gia đình tới Vienne, nhập tịch Hung, và viết báo, soạn vài vở kịch, ông làm thông tín viên ở Paris cho tờ “Neue Freie Presse”, sau làm chủ bút trang văn chương của tờ đó. Stefan Zweig khi mới cầm bút, có lần được ông tiếp, ghi lại cảm tưởng rất tốt về ông:
“Herl đứng dậy để chào tôi và tôi cảm thấy ngay rằng lời người ta châm biếm ỏng, gọi ông là “đức vua Sion” không sai đâu; quả thực ông ra vẻ quốc vương lắm”.
Không phải là vì Herlz bệ vệ, oai nghiêm, mà vì ông có những nét cao quí, một thứ cao quí bẩm sinh, làm cho Stefan Zweig phải kính phục.
Năm 1894, Herzl sống một đời vô tư, vui vẻ như phần đông người Do Thái tri thức ở châu Âu tin rằng thế giới đã văn minh, luật pháp các nước đối với người Do Thái đã công bằng thì các mối thù truyền kiếp hồi xưa rồi đây dần dần sẽ mất hẳn không có gì đáng lo ngại nữa.
Ngày 22 tháng chạp năm 1894, ông được toà báo “Neue Freie Presse” phái lại dự vụ lột lon Dreyfus trước công chúng ở Paris để viết bài tường thuật.
Ông vì phận sự mà tới chớ không cho việc đó là quan trọng. Nhưng khi ông thấy Dreyfus mặt tái xanh, giọng vô cùng thiểu não, thốt ra câu: “Tôi vô tội”, thì ông bỗng thấy quặn ở trong lòng. Và khi ông nghe quần chúng Pháp hô hét “Giết chết tụi Do Thái!” thì ông kinh hoàng, toát mồ hôi mặc dầu trời lạnh: ông tin chắc rằng Dreyfus chỉ vì lỡ sinh là người Do Thái như ông mà bị tội oan.
Về nhà ông đâm ra suy nghĩ: Dân tộc Pháp là dân tộc có tinh thần rộng rãi nhất, biết trọng tự do và bình đẳng nhất; tư tưởng cách mạng đã thấm nhuần họ trên trăm năm rồi kể từ cái hồi họ phá ngục Bastille, vậy mà còn kì thị, bài xích Do Thái đến mức đó, thì còn mong gì ở các nước khác nữa? Nông nỗi này thì thảm kịch Do Thái quả là bất tuyệt, vô phương giảm được. Dân tộc Do Thái còn bị nguyền rủa, xua đuổi, căm thù đến lúc tận thế thôi. Trừ phi là lật ngược lại vấn đề, không xin đồng hoá với các dân tộc khác nữa, không ở nhờ một quốc gia nào nữa – họ có thực tâm cho mình đồng hoá đâu – mà tạo lấy một quốc gia Do Thái được Hội Vạn Quốc thừa nhận.
Vẻ mặt thê thảm của Dreyfus, tiếng gầm thét: “Giết tụi Do Thái!” ảm ảnh ông hoài. Và tháng sáu năm 1895 sang Paris, Herzl viết trong hai tháng xong một cuốn sách nhỏ nhan đề “Quốc gia Do Thái” (L’Etat juif). Cuốn sách xuất bản ở Vienne ngày 14 tháng 2 năm 1896 và được dịch ra nhiều thứ tiếng:
“Quốc gia Do Thái cần thiết cho thế giới; vậy thì thế nào nó cũng sẽ thành lập. Nếu tinh thần thế hệ hiện nay còn hẹp hòi quá thì sẽ có có một thế hệ khác tốt hơn, cao thượng hơn. Người Do Thái nào muốn có một quốc gia của mình thì sẽ có quốc gia và xứng đáng được có quốc gia”.
Ông đã suy nghĩ rất kỹ, đã tiên liệu hết thảy, cả những tiểu tiết nữa, như các vấn đề thuộc về pháp luật vì ông có bằng tiến sĩ luật. Ông tưởng tượng sự di trú (ông chưa gọi là hồi hương) sau này sẽ thực hiện trong những điều kiện, hoàn cảnh ra sao. Ông vẽ cờ và quốc huy cho quốc gia tương lai của ông, ông đưa ra những dự án về các cơ quan cần thiết cho sự thành lập quốc gia đó. Có người cho là giản dị quá ngây thơ quân nhưng chính cải ngây thơ đó là thiên tài của ông, vì quả nhiên sau thực hiện được.
Sự thực, trước ông đã có vài người – Do Thái và không Do Thái – viểl những cuốn sách tương tự cuốn của ông, càng nuôi cái mộng thành lập một quốc gia Do Thái như ông. May thay, ông đã không được đọc nhưng cuốn ấy, vì nếu đọc thì tất ông sẽ không viết, mà quốc gia Do Thái sẽ không bao giờ thành lập.
Những cuốn trước không gây được tiếng vang vì xuất hiện sớm quá, chưa phải lúc và cũng vì lòng tin tưởng không nồng nhiệt, chỉ là một công trình của lý trí, không xuất phát từ con tim.
Cái công lớn nhất của Herzl, sự nghiệp lịch sử của ông là đã tiêm được một bầu nhiệt huyết vào lòng người Do Thái, đã làm cho lòng tư hương của của họ có thêm một ý chí hành động, tích cực chiến đấu. Lần đầu tiên trong lịch sử Do Thái, ông đã tạo cho dân tộc đó một sức mạnh để xây dựng tương lai. Lần đầu tiên, một người Do Thái nhận ra rằng nếu mọi ngưởi Do Thái ở khắp nơi trên thế giới tự coi mình là một dân tộc, tự tổ chức thành một dân tộc thực sự có non sông, tổ quốc, thì các dân tộc kia phải nhận họ là một dân tộc, đối đãi với họ như với một dân tộc – chứ không phải như một giống người ăn đậu ở nhờ, lang thang, bị khinh bỉ, hắt hủi, ông bảo: chỉ có mình mới tự cứu mình được thôi, và vấn đề Do Thái phải do người Do Thái giải quyết lấy.
Tác phẩm của ông hơn hẳn nhưng tác phẩm trước ở điểm ông là người Do Thái, biết nhìn vấn đề một cách đích xác, với tấm lòng thiết tha hơn những tác giả không phải Do Thái, mà đồng thời lại biết vượt lên trên phạm vi Do Thái, đặt vấn đề vào một phạm vì quốc tế, điều mà các tác giả Do Thái trước kia chưa ai nghĩ tới
Nhưng khi tác phẩm mới xuất bản, nhiều người trong giới trí thức Tây Âu đã cho là ông điên. Một mình đứng lên hô hào thành lập một quốc gia khi mà giang san đã vào tay người khác non hai ngàn năm rồi, khi mà đồng bào đã phiêu bạt khắp thế giới, mất cả ngôn ngữ! Mà tại sao lại xui người Do Thái ở Đức, Pháp, Anh… về Palestine về cái thẻo đất cháy khô đó để làm gì. Bỏ tất cả các ngân hàng, các hãng, xưởng, bỏ công trình nghiên cứu, công ăn việc làm ở châu Âu này à? Rồi con cải đương học ở Đại học, Trung học, về bên đó làm gì có trường. Khí hậu bên đó nóng như thiêu, chịu sao nổi? Đương sống yên ổn được mấy chục đời nay, vụ Dreyfus là một vụ nhỏ, nên dìm nó đi, quên nó đi chứ sao lại đổ thêm dầu vô lửa, khêu gợi lại vấn đề kỳ thị chủng tộc. Người ta mỉa mai ông là ôm cái mộng xây dựng một quốc gia để làm một quốc vương, làm ngài Ngự, và khi ông vô rạp hát thì người ta chỉ trỏ nhau: “Kìa, ngài Ngự đã tới!”. Chính chủ nhiệm tờ “Neue Freie Presse” cũng chê là ông gàn, cấm ông không được bàn tới vấn đề Do Thái trên tờ báo.
Nhưng cuốn sách của ông đã gây được ảnh hưởng khá lớn trong giới Do Thái lao động ở Nga và vì họ sống điêu đứng, vẫn còn bị kỳ thị, bị ức hiếp, vẫn hướng về Jérusalem. Thấy vậy ông sung sướng, hăng hái hoạt động, không ngại phá sản, không ngại kiệt sức, bỏ công ăn việc lảm, mà tận tuỵ phục vụ dân tộc Do Thái.
Ông hoạt động trên hai mặt: về nội bộ, ông tổ chức phong trào Sion, đào tạo cán bộ, cung cấp phương tiện vật chất và tinh thần, vạch chương trình hoạt động rồi điều khiển, theo dõi; đồng thời về ngoại giao ông bôn tẩu khắp các xứ, ráng thuyết phục các vị vua chúa, các vị tổng thống, các người có thế lực để họ giúp ông lập lại quốc gia Do Thái ở Palestine. Ông muốn rằng dân tộc Do Thái tự tạo lấy vận mạng cho mình, nhưng các dân tộc khác cũng phải tiếp tay với họ.
Năm 1897, ở Bâle, ông họp nghị Sion đầu tiên, vẻ uy nghi, râu rậm, trán cao, nét mặt như một quốc vương Syrie. Có kẻ la: “Vạn tuế ngài Ngự”, ông bất chấp lời mỉa mai đó. Trong nhật ký ông chép:
“Ở Bâle tôi đã thành lập quốc gia Do Thái, nhưng không tuyên bố, nếu tuyên bố ra thì chắc mọi người sẽ cười rộ. Nhưng có lẽ trong năm năm nữa, chắc chắn là trong năm chục năm nữa, mọi người sẽ thừa nhận quốc gia đó”.
Thực là một lời tiên tri đúng lạ lùng. Đúng năm mươi năm sau, năm 1947, Hội Vạn Quốc (tức Liên hiệp quốc ngày nay) quyết định tạo một quốc gia Do Thái ở Palestine và năm sau 1948, quốc gia Israel được hết thảy các quốc gia Âu, Mỹ thừa nhận.
Ông hoạt động không tiếc sức. Đâu đâu cũng có mặt ông, lại Paris thuyết phục nhà xã hội học Max Nordau, qua London thuyết phục văn hào Do Thái Zangwill; lại Istambul bệ kiến vua Thổ Nhĩ Kỳ Abd Ul-Hamid II để xin ban bố một hiến chương cho Palestine (Palestine thời đó còn là thuộc địa của Thổ Nhĩ Kỳ); ông tới Rome yết kiến Giáo hoàng, và vua Victor Emmanuel III; rồi gặp Đức Hoàng, Nga Hoàng, Joseph Chamberlain.
Ông sáng lập tuần báo “Die Welt”, sáng lập ngân hàng Do Thái “Jewish Colonial Trust”, sáng lập Quĩ quốc gia Do Thái “Keren Kayemeth Leisrael) để mua đất ở Israel, và mỗi năm đèu tổ chức một hội nghị Sion.
Người Anh thực tình muốn giúp ông, sẵn lòng tặng ông xứ Ouganda ở trung bộ Châu Phi để thành lập quốc gia, nhưng các người Do Thái ở Nga đặc biệt là một thanh niên đầy nhiệt huyết, Chaim Weizmann, sau này thành vị tổng thống đầu tiên của Quốc gia Israel – nhất định không chịu, đòi về Israel cho được. Ouganda ở đâu? Nó là cái thứ ma quỉ gì? Trong thành kinh không thấy có tên đó! Ông đành nhượng bộ, hứa không khi nào quên Jérusalem, sở dĩ nghĩ tới Ouganda là muốn tạm thời giảm nỗi khổ của người Do Thái đương chịu cái nạn pogrom tại Kichinev.
Anh còn để nghị một miền ở Ba Tây, rồi đảo Chypre ở Địa Trung Hải, họ vẫn một mực lắc đầu. Không, Chúa đã hứa cho tổ tiên chúng tôi xứ Israel thì chúng tôi sẽ về Israel.
Herzl mừng thầm: phong trào ông gây nên bây giờ đây mạnh, sẽ không có sức gì ngăn cản được nó nữa. Mỗi năm, ông trình bảy tất cả các hoạt động của ông cùng những bước tiến của phong trào Sion cho các đồng chi ở hội nghị Sion.
Ngày 2 tháng 5 năm 1901, ông viết trong nhật ký:
“Hôm nay tôi đúng bốn mươi mốt tuổi. Tôi đã gây phong trào gần được sáu năm rồi. Nó lảm cho tôi già đi, kiệt sức, nghèo đi.” “Một ngày kia khi quốc gia Do Thái thành lập, người ta sẽ thấy cái gì cũng có vẻ giản dị, tự nhiên. Nhưng một sử gia có công tâm có lẽ sẽ nhận rằng thật lạ lùn…, sao mà một ký giả Do Thái tầm thường có thể biến đổi một miếng giẻ rách thành một lá cờ và một đám người sa đoạ thành một quốc gia được”.
Vì lao tâm khổ tứ, ngày đêm chiến đấu với các chính quyền, thư từ liên lạc với đồng bào ở khắp thế giới, Herzl kiệt lực tắt nghỉ năm 1904, sau một cơn đau tim, hồi mới bốn mươi bốn tuổi.
Ngày 3 tháng 7 năm đó, ở Vienne, mấy ngàn người đi sau xe tang của ông.
“… Ngày tháng bảy đó, ai đã thấy cũng không sao quên được. Vì bỗng nhiên từ mọi nhà ga, do tất cả các chuyến xe lửa đêm cũng như ngày, những người ở mọi xứ, mọi quốc gia ùa cả tới: Do Thái phương Tây và phương Đông, Thổ, Nga; từ mọi thị trấn nhỏ họ thình lình đỗ tới như một cơn giông và trên nét mặt người nào cũng có cái vẻ hoảng sợ vì tin đó; không bao giờ người ta cảm thấy một cách rõ rệt hơn rằng (…) đây là đám đưa ma của vị lãnh tụ một đại phong trào. Đám tang dài bất tận. Cả thành phố Vienne bỗng nhận thấy rằng không phải chỉ là đám tang một văn sĩ, thi sĩ tầm thường, mà đám tang của một trong những nhả phát minh tư tưởng mà lâu lắm mới thấy rực rỡ xuất hiện trong một quốc gia, một dân tộc. Ở nghĩa địa, thật là huyên náo. Biết bao nhiêu người chen lấn nhau cố tới gần quan tài, khóc lóc, la hét, vang dội lên như thất vọng điên cuồng. (…) và lần đầu tiên trước nỗi đau khổ vô tả bột phát từ thâm tâm cả một dân tộc gồm mấy triệu người đó, tôi cảm thấy rằng sức mạnh tư tưởng của một người lẻ loi đã gây biết bao nhiệt tâm, biết bao hy vọng trên khắp thế giới”(Stefan Zweig – Thế giới hôm qua).
Khi hài cốt của ông cải táng về một ngọn đồi ở cửa thảnh Jérusalem (ngọn đồi đó mang tên ông: núi Herzl) thì không phải chỉ có mấy ngàn người như ở Vienne mà là mấy trăm ngàn người đi theo quan tài.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.