Bài học Israel

Chương VI TRONG THẾ CHIẾN THỨ HAI, DO THÁI XUNG PHONG PALESTINE – VỤ EXODUS



Do Thái chiến đấu bên cạnh người Anh

Trong năm đầu thế chiến thứ nhì, tình trạng người Anh còn nguy kịch hơn tình trạng ở đầu thế chiến thứ nhất. Tại “mẫu quốc”, bom Đức ngày đêm trút xuống, cơ hồ họ ngóc đầu lên không nổi. (Churchill đã phải nhận rằng mấy năm đó, cố giữ cho khỏi bị dìm đầu xuống nước cũng hết hơi rồi). mà tại thuộc địa thì phải đề phòng, dẹp tan các cuộc nổi loạn của dân bản xứ. Thật là điêu tàn. Lúc đó họ mới thấy thuộc địa càng rộng lớn bao nhiêu thì họ càng bị nghẹt thở bấy nhiêu.

Syrie là đất bảo hộ của Pháp mà Pháp đã đầu hàng Đức thì thế nào Syrie cũng sẽ bị Đức chiếm, nguy cho cả bản đảo Ả Rập, nguy cho Ai Cập, nguy lây cho Ấn Độ. Anh phải ra tay trước, chiếm ngay Syrie, vừa chiếm xong, thở ra nhẹ nhàng thì lại lo đối phó ngay với hổ tướng Rommel mà sức tấn công như vũ bão, chưa tùng thấy trong lịch sử. Ai bảo làm chủ nhân ông là sướng!

Ngay từ đầu chiến tranh, cơ quan trung ương Do Thái ở Jérusalem đã họp ngay một phiên đặc biệt và chỉ trong có mười phút họ quyết định thái độ: Hết thảy đàn ông tình nguyện vào quân đội Anh để diệt kẻ thù chung. Họ muốn trả thù Đức Quốc Xã đã đành, mà họ muốn nhân cơ hội đó được bộ Quốc phòng Anh luyện tập cho cách sử dụng các khí giới tối tân; rồi một khi hết chiến tranh mà Đồng minh thắng thì Đồng minh phải xét lại Bạch thư cho họ. Tướng Haven Hurst của Anh hiểu thâm ý đó, khuyên Bộ Quốc phòng không nên chấp nhận thỉnh nguyện của họ, vì “sau này sẽ có hại: sớm muộn gì Anh cũng phải chiến đấu với tụi Do Thái đó!”.

Chỉ trong.một tuần, một trăm ba chục ngàn Do Thái – cả đàn ông lẫn đàn bà – tức một phần tư dân số Do Thái ở Palestine, tình nguyện đầu quân để chiến đấu bên cạnh người Anh. Bộ Quốc phòng Anh do dự. Từ chối thì nhất định là thiệt; vả lại lấy lý gì mà từ chối. Mà nhận thì e hậu hoạ. Sau cùng họ tìm được một giải pháp lưng chừng: nhận nhưng không cho sĩ tốt Do Thái ra trận mà chỉ nhờ họ tiếp tay trong các công việc lặt vặt như đắp đường, xây cầu, sửa hải cảng, đặt đường rầy, thế thôi. Do Thái phản kháng, Anh làm thinh.

Nhưng còn một số đông Do Thái nhập tịch Anh, Pháp, thì tất nhiên không thế cấm họ chiến đấtu được.
David Ben-Gurion đã có thời làm công trong các trại ruộng ở Sedjera, rồi lảm nhân viên trong các hầm của Rothschild, làm thợ in, hội viên rồi tổng thư ký trong Tổng hội lao động Do Thái Histadrouth, lúc đó cầm đầu phong trào Sion (Weizmann thân Anh quá, lui vào bóng tối), rõng rạc tuyên bố: Chúng ta vẫn đề kháng Bạch thư mà đồng thời chúng ta cũng cứ chiến đấu bên cạnh người Anh”.

Họ chiến đấu hăng hái ở Tây Á giúp đỡ Đồng minh rất nhiều, nhưng người Anh có lẽ vì ngượng nên cố giấu giếm. Van Paassen viết trong cuốn “Bạn Đồng minh bị bỏ quên” (L’alliée oubliée): “Sự góp sức của người Do Thái ở Palestine để thắng địch ở Tây Á là một trong những bí mật giữ kín nhất trong thế chiến thứ nhì.

Trong khi Do Thái chiến đấu bên cạnh Anh, Mỹ thì các lãnh tụ Ả Rập chờ thời, hoặc đứng về phe Trục, như Rachid Ali ở Irak, Azziz el Misri ở Ai Cập.

Rommel tiến về biên giới Ai Cập. Palestine chuẩn bị chống cự, Moshe Dayan đương bị giam ở khám Saint-Jean-d’Are vì tội hoạt động trong đội quân Hagana, được người Anh tha tội, cho cầm đầu một đội biệt động quân, cùng hoạt động chung với những “Lực lượng Tự do” của Pháp ở Syrie. Đội quân của ông lập được nhiều chiến công và trong một cuộc chiến đấu, ông bị thương, đui một con mắt. Gần cuối chiến tranh, người Do Thái chiến đấu trên khắp các mặt trận, có cả nữ binh nhảy dù Do Thái nữa.

***

Do Thái xung phong Palestine

Khi chiến tranh kết liễu, họ thất vọng: Công hy sinh diệt Đức của họ không được Anh đếm xỉa tới. Luôn luôn như vậy, ở Việt Nam như vậy, ở Ấn Độ như vậy mà ở Palestine cũng không thể khác được: dân thuộc địa có đổ bao nhiêu máu ở thực dân giữ được mẫu quốc của thực dân thì sau thế chiến thứ nhất cũng như sau thế chiến thứ nhì, thực dân chỉ nghĩ đến lợi của thực dân, bất chấp nguyện vọng của dân thuộc địa.

Vậy Do Thái vỡ mộng: Bạch thư vẫn còn đem ra áp dụng, người Anh vẫn cấm người Do Thái hồi hương để khỏi làm phật lòng Ả Rập, chỉ vì dầu lửa thời bình cũng quan trọng không kém thời chiến.

Họ phong toả gắt gao, không cho tàu chở Do Thái nào vào hải phận Palestine: nhưng cảng phong toả thì người Do Thái càng tìm mọi cách để lẻn vào, xung phong bừa vào. Vụ Strouma và Patria thất bại bi thảm không làm cho họ nản chí; sau khi cả ngàn người chết đuối ở Hắc Hải và Địa Trung Hải, họ càng hăng tiết, coi nhẹ tính mạng mà hy sinh cho thế hệ sau; họ noi gương các chiến sĩ của họ trong vùng ghetto Varsovie năm 1943: Chết như vậy còn hơn phải lang thang ở Nga, ở Ba Lan, không có công ăn việc làm.
Vì năm 1945, sau khi Đồng minh giải thoát Auschwitz, mấy vạn Do Thái may mà sống sót trở về thì nhà đã tan tành, thân nhân đã chết hết, đi xin việc thì không ai mướn, đành chua xót trở lại trại giam, sống chui rúc, nhận cơm thí của Đồng minh để chờ chết. Đức đã đi, nhưng dân tộc Ba Lan vẫn thù Do Thái, vẫn trút cả mọi tội lỗi lên đầu họ. Tội gì đây? Họ không hiểu nổi, chỉ biết rằng dân Ba Lan không muốn dung họ ở trong nước mà cũng không muốn cho họ ra khỏi nước, sợ họ tố cảo với thế giới, chỉ muốn cho họ chết dần chết mòn trong trại giam thôi.

Rồi một hôm, một số đồng bảo của họ từ Palestine qua; hối lộ các công chừc Ba Lan, nửa đêm dắt họ trốn qua Tiệp Khắc. Anh biết rằng tụi đó mà trốn thoát được thì thế nào cũng về Palestine, nên tìm cách, ngăn chặn, sai sứ thần tới yêu cầu bộ trưởng Ngoại giao Tiệp Khắc cấm Do Thái đi qua cõi.
Masaryk mỉm cười đáp:

– Thưa ngài Đại sứ, tôi thú thực là không hiểu chút gì về các ống dẫn dầu ở Ả Rập, nhưng tôi rặt tường tận về loại ống dẫn tình cảm. Lời so sánh của tôi tầm thường quá, xin ngải thứ lỗi cho.

Đại sử Anh doạ dẫm. Masaryk lại mỉm cười:
– Đừng doạ tôi vô ích. Tôi còn giữ cái ghế Bộ trưởng Ngoại giao này ngày nào thì tôi còn cho người Do Thái tha hồ qua cõi ngày ấy.
Anh đành theo sát bọn Do Thái đó tới Milan (Ý) nhìn họ xuống tàu Portes de Sion và ngạc nhiên thấy tàu không tiến về Palestine mà lại tiến vào hải cảng Toulon của Pháp. Tới khi hay tin sáu ngàn rưởi người Do Thái đó không biết dùng thuật nào mà qua hết tàu Terre promise (Đất hứa), thượng cờ ngôi sao David lên, sửa soạn ra khơi. Anh đâm hoảng, yêu cầu chính phủ Pháp giữ tàu đó lại; chính phủ Pháp không thèm đáp mà cho phép Terre promise nhổ neo ra khơi. Hai chiếc tàu Anh được lệnh kèm sát hai bên hông chiếc Terre promise , đêm cũng như ngày. Khi gần tới hải phận Palestine, quân sĩ Anh dùng vũ khí uy hiếp, leo lên được chiếc Terre promise (mỗi bên có mươi người thiệt mạng) lái về Haifa, neo ở ngoài khơi, rồi xua Do Thái xuống ba chiếc tàu khác, quay trở về Toulon. Chính sách họ là hễ bắt được thì trả về chỗ cũ.

Tới Toulon, mấy ngàn người Do Thái không chịu lên bờ. Anh định dùng võ lực, đuổi họ lên, nhưng Toulon là quân cảng của Pháp, phải hỏi ý Pháp trước đã, Pháp bảo người Do Thái nào muốn lên bờ thì dân tộc Pháp sẽ tiếp đón niềm nở, Nhưng Pháp không cho phép bất kỳ ai dùng võ lực trong một hải cảng của Pháp mà xua người Do Thái lên đất Pháp được.

Thế là mấy ngàn Do Thái cứ nằm ăn vạ ở tàu hai tuần, ba tuần. Phóng viên báo chí mọi nước tới coi viết bài tường thuật mạt sát Anh. Qua tuần lễ thứ tư, một người Do Thái chết, xác phải đưa lên bờ. Rồi tới người thứ nhì. Báo chí lại tha hồ la ó. Qua tuần lễ thứ sáu; họ vẫn không hề nao núng. Anh bực mình quá, phải ra lệnh đưa hai chiếc về Hambourg và một chiếc lại đảo Chypre ở Địa Trung Hải. Tới nơi họ dùng võ lực nhốt Do Thái vào trại Dachau, tức một trại nhốt Do Thái thời Đức Quốc Xã và trại Carades ở Chypre.

***

Vụ Exodus : Chính phủ Anh thua 301 trẻ em Do Thái

Lần đó Do Thái kể như thắng lợi được một chút: làm cho thế giới công phẫn mạt sát Anh, nên càng thêm hăng hái, sắp đặt một vụ khác. Họ tính toán tỉ mỉ, chuẩn bị cả năm rồi mới thực hành để cho thế giới thấy lòng cương quyết hy sinh của họ và dã tâm tàn nhẫn của Anh. Họ làm cho nhà cầm quyền Anh mất ăn mất ngủ nửa tháng trời.

Vụ đó là vụ Exodus (1) một vụ mạo hiểm li kỳ, không ai tưởng tượng nổi, làm cho thế giới hồi hộp theo dõi từng ngày, tùng giờ; một vụ mà Léon Uris đã tả kĩ lưỡng trong năm chục trang giấy ở phần đau cuốn “Exodus”, cuốn sách bán chạy nhất thế giới luôn mấy năm: 400.000 bản bản hết trong năm 1958, năm sau in thêm 3.500.000 bản trong loại sách bỏ túi và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Léon Uris làm thông tin viên cho một tờ báo Mỹ, bỏ ra mấy năm đi khắp châu Âu, lại đảo Chypre, lại Tiểu Á, sống chung với các người Do Thái ở Israel để về viết cuốn đó, kể lại bi kịch Do Thái.

Dưới đây tôi xin tóm tắt vụ Exodus và trích dẫn ít đoạn trong tác phẩm của ông.
Vụ việc xảy ra năm 1946 ở đảo Chypre, trại Caraolos ở đảo đó giam mấy ngàn người Do Thái trong số có mấy trăm trẻ em tù 10 tới 17 tuổi.
Một nhóm người Do Thái ở Palestine do Ben-Canaan chỉ huy, dùng những mưu mô xuất quỉ nhập thần lừa gạt được bọn lính canh, lừa gạt được cả viên giám đốc, dùng ngay những xe cam nhông của quân Anh chở 302 trẻ em Do Thái ra khỏi trại giữa ban ngày, chạy xuyên qua đảo, tới Cyrénia cho các em đó xuống tàu Exodus. Nhà chức trách Anh trong đảo hay tin, đuổi theo, tới Cyrénia thì các em đã xuống hết chiếc tàu đậu ở gần bờ. Tướng Sutherland – Thống đốc đảo – đứng trên bờ ra lệnh:

– Tôi cho các anh mười phút để lên bờ. Không tuân lệnh thì quân đội Anh sẽ dùng sức mạnh để lôi các anh lên!

Dưới tàu bắc loa lên đáp:
– A lô. Sutherland! Đây tàu Exodus. Dưới tàu có 302 trẻ con mà phòng máy đầy chất nổ. Nếu ông phái một người nào xuống tàu hoặc bắn một phát súng vào tàu là chúng tôi cho tàu nổ tung liền.

Vừa nói xong là thượng ngay một lá cờ Anh ở giữa có một chữ “vạn” (thập ngoặc) to tướng của tụi Đức Quốc Xã.

Sutherland căm gan, nhưng đâu dám gánh một trách nhiệm ghê gớm như vậy, đành một mặt đánh điện về London xin chỉ thị, một mặt dàn ở bờ biển ngàn lính đầy đủ khí giới có cả xe tăng đại bác và hai thủy lôi đĩnh nữa. Để làm gì? Để ngó ba trăm trẻ em dưới tàu! Thực làm trò cười cho thiên hạ!

Tại London, một vài ông bự muốn nuốt hòan thuốc đắng mà cho chiếc Exodus vào Palestine cho rồi, nhưng Bradshaw phụ trách về vấn đề Ả Rập ở Bộ Ngoại giao không chịu, bảo như vậy là nhục, thế là Exodus và London găng nhau. Trong khi đó các thông tin viên khắp nơi bay tới Chypre nườm nượp, báo chí khắp thế giới đăng tin vụ Exodus trên trang đầu, tít rất lớn nằm trên bốn cột. Chửi mạnh nhất là báo Mỹ và Pháp: Pháp có rất ít dầu lửa ở Ả Rập, Mỹ vì đương muốn hất chân Anh ở Ả Rập. Tại Anh, dân chúng cũng bất bình vì sự bất lực của nhà cẩm quyền: tướng với tá gì, coi một trại giam trên một đảo ở giữa biển mà để cho ba trăm con nít trốn thoát được. Ngủ gục cả hay sao? Mà ngủ gục gì giữa ban ngày? Một số chỉ trích chính phủ, bênh vực Do Thái. Nhiều người coi đó là một trò vui, cá nhau bốn đồng ăn một đồng Exodus thế nào cũng phải hàng. Trong lúc đó, tinh thần của ba trăm trẻ em trên tàu Exodus lên rất cao. Suốt tuần lễ đầu, chúng ca hát, chế giễu lính Anh ở trên bờ.

Hết tuần lễ thứ nhì hai bên vẫn găng nhau. London phái người đến điều tra ngầm, nhưng cũng chẳng quyết định được gì cả. Báo chí Mỹ Pháp dù hăng tới mấy cũng không thể đăng hoài tin Exodus lên trang đầu được; sau nửa tháng, biết còn gì mà nói? Cho nên có người khuyên Ben-Canaan thương thuyết với Anh, ông cương quyết từ chối:

– Không khi nào chúng tôi lên bờ. Có hai trăm rưởi ngàn đồng bào của chúng tôi theo dõi cuộc chiến đấu của chúng tôi. Từ ngày mai chúng tôi bắt đầu tuyệt thực. Em nào yếu quá mà xỉu thì chúng tôi khiêng lên đặt nằm trên boong tàu cho người Anh thấy. Tôi đâu có muốn dùng tới chiến thuật đau lòng đó. Các em đó là con cháu tôi, tôi đâu muốn cho chúng chết đói. Người ta thử cho chúng tôi khí giới để chiến đấu xem nào, cho chúng tỏi bom đạn đi, xem chúng tỏi có diệt được tụi Anh không? Nhưng chúng tôi tay không, chỉ có lòng can đảm và đức tin. Trong lai ngàn năm nay người ta hành hạ chúng tôi, giết chúng tôi một cách vô tội vạ, như giết sâu, giết kiến. Bây giờ đây, chúng tôi phải chống cự lại, chúng tôi nhất định sẽ thắng.

Qua ngày thử 16, một tấm băng dài và rộng căng ở trên tàu, viết bằng ba thứ tiếng: Anh, Pháp, Hebreu:
Tuyệt thực: giờ thứ nhất.
Các báo chí lại có tin giật gân để đăng lên trang đầu.
Ngày hôm sau tới giờ tuyệt thực thứ hai mươi, mười trẻ em được khiêng lên boong tàu. Chúng không nhúc nhích. Chúng đã mê man.
Tuyệt thực: giờ thứ 35
Tại Paris, tại Rome, dân chúng từng lớp từng lớp biểu tình ở trước toà Đại sứ Anh, đòi cho chiếc Exodus được nhổ neo ngay. Tại Paris cảnh sát phải dùng đoản côn và hơi cay để giải tản những người biểu tình làm nghẽn đường phố. Ở Copenhague, Stockholm, Bruxelles, La Haye cũng biểu tình nhưng trong trật tự.
Tuyệt thực: giờ thứ 38

Không ai bảo ai, tất cả dân trên đảo Chypre đều ngừng việc: xe không chạy, các cửa hàng, rạp hát, khách sạn, đều đóng cửa, phu khuân vác ở bến tàu cũng khoanh tay. Các thị trấn đông đảo bỗng như ngưng sống.
Tuyệt thực: giờ thứ 40

Ở dưới tàu, Ben-Canaan ngồi đối diện với các đồng chí. Một người bảo:

– Tôi là quân nhân, nhìn bọn trẻ em đó chết đói tôi chịu không nổi.
Ben-Canaan bực mình đáp lại:
– Ở Palestine, tuổi đó, chúng đã cầm khí giới chiến đấu rồi.
– Thà là cầm súng chiến đấu.

– Tuyệt thực cũng là một cách chiến đấu. Gần sáu triệu Do Thái chết trong các phòng hơi độc mà không hiểu vì tội tình gì. Nếu ba trăm trẻ em trên tàu này phải chết thì ít nhất chúng cũng biết được chết cho ai, cho cái gì.

Trên boong đã có sáu chục trẻ em mê man, nằm thành ba hàng, mặt mày hốc hác, mắt đục, tóc bết lại.
Tuyệt thực: giờ thứ 81
Thêm mười trẻ em bất tỉnh nữa, cộng là bảy chục.
Trên bờ, một số lính Anh trông thấy cảnh đó, chịu không nổi, đòi được thay, dù có bị đưa ra toà án quân sự cũng chịu.

Tuyệt thực: giờ thứ 83
Phỏng chừng mười trẻ sắp tắt thở.
Tại Chypre, tướng Sutherland nhận được miếng giấy có mấy hàng chữ:

“Khẩn Ari Ben-Canaan phát ngôn viên của tàu Exodus báo trước rằng từ ngày mai trở đi, cứ mỗi ngày đúng 12 giờ trưa sẽ có mười em tình nguyện tự tử trên boong tàu, ngay trước mặt quan Anh.

Sẽ tiếp tục dùng cách đó để phản kháng cho tới khi nào tàu Exodus được phép rời bến để qua Palestine nếu không thì những người dưới tầu sẽ lần lượt tự tử hết”.
Khi London được tin đó thì Bradshaw chỉ còn đúng 14 giờ để quyết định, nếu muốn tránh lớp tự tử thứ nhất. Ông ta vội vàng kêu điện thoại hoặc đánh điện cho người chỉ huy Do Thái ở Anh, Palestine, Mỹ, nhờ họ can thiệp giùm cho chính phủ Anh một thời gian để tìm một giải pháp, ông ta hi vọng có thể thương thuyết với Ben-Canaan và thuyết phục Ben-Canaan như đã thuyết phục nhiều người khác. Nhưng sáu giờ sau, mọi nơi đều trả lời “Chúng tôi không chịu can thiệp”.
Riêng Ben-Canaan đáp rằng:

“Bàn cãi gì cũng vô ích. Vấn đề giản dị lắm: “Chiếc Exodus rời bến hay không rời bến, chỉ có thế thôi”. Ben-Canaan lại còn dẫn lời hồi xưa Moïse nói với vua Ai Cập: “Để cho dân tộc tôi đi”.

“Ben-Canaan thật là một thằng quỉ, tàn nhẫn ghê gớm!”. Vừa lẩm bẩm như vậy, Bradshaw vừa lật các điện tín và hồ sơ, ông ta đọc đi đọc lại hai bức điện tín, một bức của Ben-Canaan:

“Ari Ben-Canaan, phát ngôn viên của tảu Exodus, báo trước rằng từ mai trở đi, cứ mỗi ngày đúng 12 giờ trưa, sẽ có mười em tình nguyện tự tử”.

Một bức của các quốc gia Ả Rập tuyên bố rằng:

“Nếu Anh cho phép chiếc tàu Exodus nhổ neo tới Palestine là Anh xúc phạm toàn thể các dân tộc theo Hồi giáo!”

Chỉ còn có ba giờ nữa là hết hạn, ông ta hoang mang chưa bao giờ gặp một vụ rắc rối như vậy.
Sau cùng ông gọi người phụ tá vô:
– Đánh điện ngay lại đảo Chypre. Cho chiếc Exodus đi Palestine!
Thế là ba trăm trẻ em Do Thái đã thắng chính phủ phủ Anh, xung phong được vào Palestine.
Tin chiếc Exodus nhổ neo được đánh đi khắp nơi, in lên trang đầu mọi tờ báo. Ở Chypre người ta thở ra khoan khoái và nhà cầm quyền Anh trên đảo yêu cầu Ben Canaan cho họ săn sóc các trẻ em tới khi nào chúng mạnh rồi hãy nhổ neo.

Tặng vật quần áo, thuốc men, mền mùng… gởi tới, không có chỗ chứa…
Chú thích:

1- Exodus là di cư, nhắc lại truyện Moïse năm 1266 trướcTây lịch, đưa đồng bào từ Ai Cập di cư về Đất hứa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.