Bài học Israel

Chương VII (B) Họ chiến đấu hăng say như sư tử



Đêm hôm đó, không người Do Thái nào ngủ được.
Đúng nửa đêm, Anh rút quân.
Ở Palestine, thì nửa giờ sau Tổng thống Truman báo tin rằng Hoa Kỳ đã thừa nhận tân quốc gia Israel, vài giờ sau Nga cũng đánh điện thừa nhận, rồi tới nhiều quốc gia khác. Các nhà ngoại giao Do Thái hoạt động ngầm trong mấy tháng nay đã thành công.

Nhưng bây giờ mới bắt đầu tới lúc phải hy sinh ghê gớm, gấp mười, gấp trăm trước. Bi kịch đã khai diễn. Khai diễn ngay từ cái lúc mà bản văn thành lập Quốc gia Israel chưa ráo nét mực.

Bom đạn nổ ở khắp nơi, ở phía bắc, phía đông, phía nam. Quân đội Ả Rập tấn công từ mọi biên giới.
Vua Abdallah xứ Transjordanie tuyên bố với Liên hiệp quốc rằng quân đội của ông bắt buộc phải tiến vào Palestine để che chở những người Ả Rập sinh trưởng tại đó khỏi bị Do Thái tiêu diệt. Đồng thời hai đạo quân Ai Cập tiến vào Gaza và Hebron trong sa mạc Neguve. Hai đạo quân khác của Transjordanie bao Hắc Hải tiến vào Jerusalem và phía dưới Sodome. Một đạo quân Iraq chặn phía nam Galilée. Một đạo quân Syrie tấn công Tibériade, Safed. Một đạo quân nữa của Liban tấn công phía Bắc Galilée, đồ về Haifa, Tel Aviv bị tấn công cả ha mặt.

Liên quân Ả Rập tính “thanh toán” Israel nội trong vòng mười ngày. Và vua Abdallah định ngày 25-5-1948 sẽ vô Jérusalem.

Xét bề ngoài thì thế của Ả Rập mạnh gấp mười, gấp hai chục Israel; nhưng xét kỹ bề trong, Israel mạnh hơn Ả Rập: bên Ả Rập chỉ có 21.000 quân, bên Israel có tới 60.000. Tinh thần Israel cao hơn: họ phải chiến đấu để sống còn (ba mặt là kẻ thù, một mặt là biển, biết chạy đi đâu) nên họ đoàn kết với nhau, lại có nhiều khí giới tối tân vì họ đã chuẩn bị từ trước. Ả Rập tuy có tinh thần tôn giáo nhưng khí giới cổ lỗ mà sự chỉ huy rời rạc.
Ngay từ hồi mới giao chiến, 500.000 người Ả Rập ở Palestine hốt hoảng bỏ hết cả của cải, trốn qua biên giới Transjordanie. Nửa tháng sau tình thế thực hỗn độn. Gần như không thành mặt trận nữa, chỉ có vô số cuộc sáp chiến lẻ tẻ ở khắp nơi. Hồi đầu Israel hơi núng thế. Dần dần họ vững lại được, thắng đội quân Liban và Iraq. Sau đó, đội quân tinh nhuệ Hagana của họ thắng được một trận lớn ở Fallouga, quân đội Ai Cập phải rút lui trong cảnh hỗn loạn. Sau này người Do Thái nhắc lại trận đó bảo:

“Chúng tôi đã thắng vì hai lý do: một lý do tự nhiên là có Chúa giúp sức dân tộc chúng tôi, một lý do thần kỳ là sự can đảm của sĩ tốt chúng tôi: họ chiến đấu hăng như sư tử”.
Còn ba lý do nữa Nasser đã ghi lại cho chúng ta. Hồi đó Nasser làm đại uý dưới triều vua Farouk, một thứ Bảo Đại của Ai Cập, có dự chiến dịch. Đại ý ông bảo:

“1. Quân Ai Cập, Iraq và Transjordanie ba mặt tiến đánh Tel Aviv mà không có một chiến lược chung, không liên lạc với nhau, để đến nỗi Iraq bị đánh tan trước, rồi Transjordanie bị vây gần Jérusalem Ai Cập bị vây ở phía bắc Hébron mà chẳng bên nào cứu được bên nào.

2. Riêng quân Ai Cập kém xa quân đội Israel về mọi phương diện, quân số đã ít, khí giới lại thiếu. Trong thế chiến thứ nhì, đồng bào ông bị thực dân Auh nghi kỵ, không cho sử dụng các vũ khí mới, không cho ra mặt trận, nên thiếu kinh nghiệm, nhất là thiếu tổ chức. Tấn công một làng mà không có bản đồ làng đó, không có xe thiết giáp để mở đường trước, thành thử lính Ả Rập càng dũng cảm thì chết càng nhiều, thiếu xe để chở họ. Thức ăn cũng thiếu. Người ta phát cho mỗi đại đội một số tiền (1.000 bảng Anh) để mặc đội trưởng mua tại chỗ ô-liu và pho-mát cho quân lính, Tình trạng đó của quân đội Ai Cập có lẽ, cũng là tình trạng chung của liên quân Ả Rập.
3. Chính quyền Ai Cập coi chiến tranh đó là một “chiến tranh chính trị” ra lệnh chiếm cho thật nhiều đất, không nghĩ đến sự hao binh tổn tướng. Vì họ biết rằng thế nào Liên hiệp quốc cũng can thiệp, mà bên nào chiếm được nhiều đất thì bên đó lợi. Cho nên người ta hấp tấp lùa quân ra trận mà không chuẩn bị trước, cũng không hề giảng cho dân chúng lại sao lại tấn công Israel thành thử nhiều người lính ngờ rằng chính phủ bắt họ hy sinh tánh mạng để chiếm đất cho những ông chủ điền bự nào đó, cho những quan lớn ở triều đình”.

Mặc dầu vậy, theo Nasser, họ chiến đấu vẫn hăng. Nasser bị thương ở ngực, điều trị ở dưỡng đường, rồi lại trở ra mặt trận với chức thiếu tá.
Cuối năm 1948, ông lập được một chiến công. Điểm mà ông chiếm, Erak El Manchia, với điểm nữa ở gần đó, Faludia, bị Do Thái bao vây luôn hai tháng, sau bị dội bom luôn ba ngày, ông ráng nâng cao tinh thần binh sĩ để cầm cự. Ngày cuối cùng, Do Thái tưởng ông đã hết tinh thần, bèn tấn công, không ngờ bị chặn đứng lại, rồi bị tiêu diệt. Nhờ vậy tinh thần Ả Rập ở Faludja cũng cao lên và cả hai nơi chống cự được cho tới ngày đình chiến.
Vậy không phải chỉ trong quân đội Do Thái mới có sư tử. Và các nhà quan sát quốc tế đều nhận rằng trong những trận đó Do Thái hao quân cũng bộn. Nếu các quốc gia Ả Rập biết đoàn kết để trường kỳ tấn công thì Do Thái tất phải thua.

Nhưng mặc dầu cùng thờ một Chúa, cùng chiến đấu cho một Chúa, mấy khi mà người ta đã đoàn kết với nhau hoài được!
Sau trận Fallouga, Liên hiệp quốc mới can thiệp, ngày 22-5-1948 yêu cầu hai bên ngưng chiến.
Israel lợi dụng thời gian ngưng chiến để gom lại lực lượng, Ả Rập thấy vậy không chịu ngưng chiến nữa, tấn công lại.
Liên hiệp quốc lại bắt ngưng chiến rồi phái bá tước Bernadotte, chủ tịch Hội Hồng thập tự Thuỵ Điển tới điều tra tìm cách giải hoà. Bá tước đưa ra một đề nghị chia lại Palestine một cách hợp lý hơn mà có lợi cho Ả Rập.
Không còn những chỗ ôm nhau, xen vào nhau nữa. Khu vực hai bên rành rẽ hơn trong đề nghị của Uỷ ban Liên hiệp quốc mấy tháng trước. Nhưng lại có một điều rắc rối: Jérusalem sẽ bị quốc tế hoá, điều mà cả Israel lẫn Ả Rập không chịu, mà lại nằm gọn trên đất Ả Rập, Do Thái không đường nào mà vô được.

Một số Do Thái trong nhóm Stern quá khích, ngờ ông có ý thiên vị Ả Rập, ám sát ông. Đó là một lỗi lớn của họ vì khắp thế giới ai cũng phục ông là người cao thượng.
Tình hình hoá ra gay go hơn trước. Hai bên lại choảng nhau. Rồi lại ngưng chiến. Rồi lại choảng nhau. Tới lần ngưng chiến thứ tư mới thật là đình chiến.
Đầu năm 1949, lần lượt Israel ký bốn hiệp định đình chiến với bốn quốc gia Ả Rập: Ai Cập, Syrie Liban, Transjordanie (Iraq không chịu ký vì không có biên giới chung với Israel, còn Ả Rập Saudi thì không tham chiến). Biên giới được định lại như trong bản đồ ở đầu sách, gần đúng theo đường mà quân đội Israel chiếm đóng khi đình chiến.

Biên giới này cũng kì dị vì hai lẽ: lẽ thứ nhất, thành Jérusalem chia đôi: khu cổ về Transjordanie, khu mới về Israel; lẽ thứ nhì, Ai Cập chiếm một thẻo nhỏ theo bờ biển từ Rafa tới Gaza mà biên giới Jordanie ăn lõm vào địa phận Palestine, làm thành một miếng mẻ trên lưỡi dao Palestine.

Thế là Palestine, mất tên trên bản đồ, nhường chỗ cho Israel; và Transjordanie (nghĩa là xứ nằm ở bên kia bờ sông Jourdain) rộng thêm được một chút, đổi tên là Jordanie (nghĩa là xứ nằm trên hai bờ sông Jourdain).

Ai cũng thấy rõ lần này Ả Rập bị ức hiếp: phần đất của họ không xứng với dân số. Chỉ trừ Anh, hết thảy các nước Âu, Mỹ đều thiên lệch, bênh vực Do Thái. Chính Uỷ ban Hồng thập tổ quốc tế cũng công nhận vậy.

Ả Rập uất ức mà đành phải ký để chờ một dịp khác. Trên vòm trời Paletine, một đám mây đen mới tan, nhưng ba phía chân trời vẫn còn u ám.

***

Thành công rồi thì về chăn cừu
Cả thế giới đều ngạc nhiên: Ben-Gurion mạo hiểm mà thành công rực rỡ, ông có công đầu trong việc thành lập quốc gia Israel, ông làm hồi sinh lại dân tộc Do Thái. Có người ví ông với Washington của Hoa Kỳ. Ai cũng phục ông là óc rất sáng suốt, rất thực tế, quyết định rất mau và đúng, mà đức kiên nhẫn, cương cường, hy sinh của ông thì không gì thắng nổi.

Coi tướng ông như một con bò mộng, lùn mập, bắp thịt chắc, cặp mắt nhỏ và sáng, vừng trán cao và rộng dưới những mái tóc trắng như tuyết, ông tuyệt nhiên không ham danh vọng, chỉ một lòng phục vụ dân tộc. Khi tuyên bố thành lập quốc gia rồi, không một chút gièm kỵ Chaim Weizmann (chúng ta nhớ trước kia Weỉzmann nghịch với ông cho ông là bướng bỉnh, nóng nảy, không thành công được), nhường chức Tổng thống cho Weizmann lúc đó ở New York, mà lãnh chức Thủ tướng và Bộ trưởng quốc phòng.

Ông bắt tay ngay vào việc tổ chức, kiến thiết quốc gia (coi phần III). Tháng 11 năm 1953, khi thấy việc nước đã tạm yên, quy củ đã đủ, ông xin từ chức, cùng với vợ về một đồn điền nhỏ ở sa mạc Neguev, sống chung với thanh niên, ăn chung bàn với họ, trong những cái gà-men như họ, ông vừa nuôi cừu vừa viết sách chép lại lịch sử tranh đấu của dân tộc ông từ 1870; ông tính phải viết năm cuốn và khoảng mười năm mới xong. Nhưng năm 1955 dân tộc ông lại buộc ông phải trở về Tel Aviv nắm chính quyền vì biết lại sắp phải chiến đấu với các nước Ả Rập một lần nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.