Bí Mật Của Một Trí Nhớ Siêu Phàm

Chương 1. Sự tự lừa dối



Vài điều ngạc nhiên về trí nhớ con người

Bạn đang tản bộ trên con đường nhỏ, hàng trăm người lướt qua bạn, rồi đột nhiên anh ta xuất hiện… Trông anh ta rất quen, rõ ràng bạn biết tên anh ta nhưng lại không thề nhớ ra. Bạn nheo mắt lại và liếc anh ta với ngụ ý: “Yên tâm đi, trong một giây tôi sẽ nhớ ra chúng ta đã gặp nhau ở đâu thôi”, nhưng sau đó bạn từ bỏ, rồi nói: “ Có lẽ chúng ta đã gặp nhau ở…”, anh ta nhắc bạn: “Trong bữa tiệc của Mike, cách đây hai tháng. Anh là David đúng không…?”
“Ồ! Đúng rồi”, bạn nuốt nước bọt rồi cố gắng vớt vát chút lòng tự trọng của mình: “Còn anh là Ron… à Don nhỉ…”
“Allan”, anh ta nhanh chóng giúp bạn vượt qua tình huống khó khăn.
“Tôi nhớ là có chữ A”, bạn cố tỏ ra hài hước rồi vội vàng xin lỗi, “Thứ lỗi cho tôi nhé, trí nhớ của tôi kém quá.”
Tình huống này có vẻ rất quen thuộc nhỉ? Có phải tất cả chúng ta đều từng gặp phải trường hợp này không? Tiếp tục nhé! Bạn trở về nhà chỉ để thay quần áo rồi đến phòng tập thể dục. bạn đã chuẩn bị sẵn sàng để đi, quần áo đã thay xong, khăn tắm đã để trong túi xách, ví tiền đã để trong túi xách tay, còn chìa khóa… Chìa khóa đâu? Nó đâu rồi?!
Bạn lục tung túi xách, quay lại tìm trên bàn bếp, rồi bàn phòng khách, kiểm tra ghế xô-pha, phòng ngủ, lật tung khăn trải giường, ném gối. Bạn dừng lại và nghĩ… có lẽ nó ở trong túi xách tay.

Bạn quay trở lại phòng khách, dốc ngược túi xách để mọi thứ rơi ra. Vẫn không thấy. có lẽ bạn đã bỏ nó vào chiếc ví mà bạn mang đi hôm qua chăng? Chắc là thế rồi! Bạn với lấy chiếc ví rồi kiểm tra kỹ đến mức chắc hẳn không một nhân viên an ninh nào có thể soi xét tỉ mỉ đến vậy. Vẫn không thấy chìa khóa! Nghĩ lại lần nữa xem… Bạn đã làm gì?… Bạn bước vào cửa… vào phòng tắm… vậy chìa khóa ở đâu??? Nó chỉ ở trong túi xách. Bạn đổ hết mọi thứ trong túi ra và kiểm tra từng đồ vật một. Không thấy. Bạn gọi cho người bạn mà đã hứa đón người ta cách đây 10 phút và xin lỗi: “Mình không tìm thấy chìa khóa… tâm trí mình để đâu ấy”, rỗi bỗng nhiên bạn nhìn thấy chùm chìa khóa nằm ngay dưới quyển danh bạ điện thoại, bên cạnh chiếc điện thoại. Nhẹ cả người!
“Vậy tôi nên kết luận thế nào?”, bạn có thể hỏi, “trí nhớ của tôi kém thế sao? Tôi hiểu! – đó cũng là lý do tôi đọc cuốn sách này mà.”
Nhưng đó không phải là kết luận. Đây cũng là lỗi mà chúng ta thường gặp phải: chúng ta kết luận rằng trí nhớ của mình quá kém.
Điều ngạc nhiên thứ nhất: Không có trí nhớ nào là kém!

Cũng giống như những thứ khác, trí nhớ không phải là một hệ thống toàn diện và không thể phân loại tốt hay kém.

Nếu chúng ta khó có thể nhớ tên, nhớ mặt người khác thì liệu có phải là toàn hệ thống trí nhớ của chúng ta kém không? Nếu chúng ta quên mất cuộc trò chuyện ngày hôm qua thì liệu có phải chúng t sẽ không nhớ bài giảng ngày mai không?
Không có mối liên hệ nào cả. Có thể chúng ta có trí nhớ tốt đối với việc nhớ các số điện thoại hay nhớ lời bài hát khi mới chỉ nghe trên đài một lần. Vấn đề xuất phát từ quan niệm phổ biến của xã hội cho rằng chỉ có tối đa hai khả năng: một trí nhớ tốt và một trí nhớ kém.

Thực tế, có rất nhiều khả năng: chúng ta có thể nhớ tốt trong một số lĩnh vực cụ thể nào đó nhưng lại nhớ kém trong những lĩnh vực khác.

Khi một trung đội thất bại trong việc thực hiện một nhiệm vụ cụ thể thì điều đó không có nghĩa là cần xét lại toàn bộ quân đội đó, hay người chỉ huy phải tiến hành kiểm điểm kỹ lưỡng trong cả trại huấn luyện. Đó rõ ràng là một sự cố.
Điều này cũng tương tự với trí nhớ. Nếu chúng ta khó có thể ghi nhớ một số điện thoại, điều đó không có nghĩa là ta có trí nhớ kém. Nó chỉ có nghĩa là chúng ta khó nhớ một số điện thoại mà thôi.
Khi nhận ra đặc điểm này, bạn sẽ thấy nhiệm vụ trở nên đơn giản hơn rất nhiều, từ đó tất cả những gì chúng ta cần làm là cải thiện những lĩnh vực mà trí nhớ còn kém.
Điều ngạc nhiên thứ hai: Cứ tưởng trí nhớ của chúng ta kém… nhưng nó không hề kém chút nào!!!

“Tại sao anh ta lại cố làm rối tung mọi thứ thế này nhỉ?” chắc hẳn bạn sẽ tự hỏi một cách bất lực như vậy. “Nếu tôi không thể nhớ mình đã để chìa khóa ở đâu, và tôi thường xuyên mất thời gian tìm chúng, thì vì Chúa, trí nhớ của tôi về ‘vị trí đồ vật’ không chỉ kém mà thậm chí… không hề tồn tại!”

Điều này chỉ là do bạn suy diễn. Đơn giản là chúng ta chưa đánh giá đúng mức trí nhớ của bản thân. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người cho rằng khả năng nhớ tên của họ kém thì thực tế lại nhớ tên rất giỏi so với người khác. Tuy nhiên, bạn hãy gạt bỏ các nghiên cứu này sang một bên và tự thực hiện một nghiên cứu nhỏ sau: Trong tháng trước, đã bao nhiêu lần bạn phải mất hơn 10 phút để tìm chìa khóa? Ba lần? Bốn lần hay mười lần? Theo thống kê, chúng ta sử dụng chìa khóa 150 lần một tháng, trong những trường hợp như ra khỏi nhà, lên xe, tại nơi làm việc,… 150 lần một tháng. Cứ cho đó là viễn cảnh tồi tệ nhất (thật khó tin) và ước rằng mười lần trong một tháng chúng ta phải tìm chìa khóa. Như vậy trong một tháng, chúng ta có 140 lần không phải tìm chìa khóa, nghĩa là ta nhớ đã để chúng ở đâu. 140 lần một tháng, tức là đạt tỉ lệ nhớ 95%! Trong “thất bại” cụ thể này, trí nhớ của chúng ta đạt tỉ lệ thành công là 95%! Chúng ta không mong muốn mọi điều chúng ta làm sẽ “thất bại” theo cách này, đúng không?
Trí nhớ “rất kém” của chúng ta chỉ có tỉ lệ sai sót là 5%. Nếu vậy, tại sao chúng ta lại đưa ra giả thiết là chúng ta chỉ nhớ kém trong một lĩnh vực nào đó. Có 2 nguyên nhân: nguyên nhân thứ nhất chỉ xảy ra trong một số trường hợp cuộc sống, một thất bại dù nhỏ cũng có thể làm gián đoạn mạch thắng lợi dài đang có.
Nếu ta nhận được một bảng điểm toàn điểm 10 mà lại có một điểm 4 thì chắc hẳn ta sẽ cảm thấy thất vọng. Nếu ta mua một chiếc xe hơi mới tinh rồi lại thấy có một vết xước nhỏ thì ta sẽ tức điên lên và cảm thấy chán ngán.
Chúng ta đáp máy bay xuống Las Vegas trong bộ com-lê sang trọng thế mà lại thấy mấy sợi tóc vương trên sàn nhà tắm (Điều mà Chúa cấm kị), khách sạn thì bẩn thỉu, tất nhiên Las Vegas cũng bẩn thỉu nốt, và tình trạng này cũng giống như ở bang Nevada.
Chúng ta luôn cầu toàn về mặt cảm xúc và có xu hướng phóng đại lên. Đó là lý do tại sao khi nói về một con quái vật, chúng ta thường thổi phồng nó lên, cũng giống như 5% trường hợp chúng ta không nhớ là để chìa khóa ở đâu (cho dù 5% đó, chúng ta không quên hoàn toàn!! Cuối cùng ta vẫn tìm ra chúng. Đó chỉ là trí nhớ của bạn không làm việc với tốc độ của hệ điều hành Windows XP, sẽ mất chút ít thời gian để xử lý).
Nguyên nhân thứ 2, và cũng là vấn đề trung tâm, là một sai lầm cụ thể lại dẫn đến hình thành khuynh hướng chung, hay nói cách khác là phát triển quan điểm tiêu cực cho trí nhớ về những công việc mà chúng ta thất bại.
Về khả năng nhớ tên người, số liệu thống kê cũng giống như trường hợp nhớ chìa khóa. Mỗi tháng, chúng ta tình cờ gặp hàng trăm người mà chúng ta nhớ tên cũng như những gì liên quan đến họ. Nhưng nếu trong một tháng, chúng ta ngẫu nhiên gặp 5 người mà ta không thể nhớ tên – ta sẽ kết luận rằng khả năng nhớ của mình rất kém.

Hơn nữa, thực tế việc không thể nhớ tên một người thường xảy ra đúng vào lúc người đó đang đứng trước mặt bạn thật khó hiểu. Đây là một tình huống căng thẳng và lúng túng, và đa số chúng ta đều mắc phải sai lầm nghiêm trọng là xin lỗi họ. Chúng ta cảm thấy việc không thể nhớ nổi tên người đang đứng trước mặt mình là một sự sỉ nhục đối với họ. Bạn thường rất lúng túng trong tình huống này, rồi bạn xin lỗi và nói: “Thứ lỗi cho tôi nhé, trí nhớ của tôi kém quá”. Vì sao sai lầm này lại nghiêm trọng như vậy? Bởi vì chúng ta xin lỗi lần thứ nhất, lần thứ hai và dần dần trong thâm tâm ta tin rằng khả năng nhớ tên của ta rất kém.
Quá trình này dẫn đến việc chúng ta ngày càng có thái độ tiêu cực đối với trí nhớ của bản thân. Chúng ta trở nên phòng thủ và tự thuyết phục mình rằng chẳng thể làm gì vì trí nhớ của chúng ta rất kém. Do đó, lần sau chúng ta sẽ không cố gắng nhớ tên một ai đó, một cuộc hẹn hay một nhiệm vụ trong chừng mực cho phép. Đó là sự lãng phí thời gian, vì “bất kỳ khi nào chúng ta không nhớ thì điều này cũng đúng thôi và chúng ta sẽ được tha thứ…”
Còn thú vị hơn khi phát hiện ra rằng, khi quên mất điều gì đó, hầu hết mọi người đều bào chữa bằng cách đổ lỗi cho sức khỏe. “Tôi vừa bị một trận ốm”. “Có quá nhiều thứ trong đầu tôi khiến tôi quên bénG mất nó”, (tương tự câu “Não tôi rất nhỏ. Nếu tôi phải ghi nhớ cuộc hẹn với bạn thì việc này cũng đồng nghĩa tôi phải quên đi 4 số điện thoại của Nancy, người mà tôi muốn mời đi chơi tối nay…”).
Tuy nhiên, một trong những lời biện hộ thường xuyên của tôi là tuổi tác – “Trí nhớ của tôi không còn như trước nữa”.
Điều ngạc nhiên khác: Tuổi tác chỉ là sự biện hộ

Có thể có một vài người trong số các bạn sẽ phản ứng lại: Thế còn bệnh Alzheimer và mối liên hệ giữa tuổi tác và trí nhớ đã được chứng minh thì sao?!

Đúng vậy, có mối liên hệ giữa hai yếu tố này, trí nhớ của chúng ta có thể bị giảm sút do các nguyên nhân sinh lý liên quan đến tuổi tác. Nhưng vấn đề ở đây là bạn không phải bác sĩ tâm thần và cũng không biết được mình có thuộc trường hợp này không (trừ phi bạn được thông báo cụ thể về điều này).

Tôi đang nói đến những người mà khi về đến nhà sau giờ làm việc lại phát hiện ra mình để quên bản báo cáo mà bạn dự định đọc tối nay ở văn phòng, và sau đó bạn tuyên bố rằng: “Ôi, tuổi tác đã khiến mình đãng trí rồi…”
Những người lấy tuổi tác để bào chữa cho mình nên thực hiện một thí nghiệm đơn giản sau. Hãy đến bất kỳ một trường tiểu học nào và đi vào một lớp học vào cuối buổi học để thấy rằng tuổi tác không liên quan gì đến trí nhớ: Bạn sẽ tìm thấy rất nhiều túi, sách, vở, áo choàng và những đồ vật khác bị bỏ quên.
Điều khác biệt duy nhất giữa một đứa trẻ 7 tuổi để quên chiếc bút chì trên bàn với một giám đốc điều hành 45 tuổi để quên một bản báo cáo tại văn phòng là đứa trẻ sẽ không về nhà và nói rằng: “Mẹ ơi, làm thế nào bây giờ, trí nhớ của con không còn được như trước nữa…”
Chúng ta cùng đi đến kết luận cho những sự ngạc nhiên này bằng sự ngạc nhiên lớn nhất:
Không có giới hạn nào cho khả năng nhớ của con người! (Chỉ có giới hạn về mặt lý thuyết, nhưng chúng ta cũng không bao giờ đạt được điều đó).
Hãy nhớ rằng, lời bào chữa: “Tôi quên mất vì tôi có quá nhiều thứ phải nhớ?” rất tương ứng với câu: “Tôi không muốn làm cho trí nhớ của tôi bị quá tải”.
Chúng ta luôn thích viết ra danh sách mua sắm hay số điện thoại hơn là phải ghi nhớ chúng. Sự ưu tiên này là do chúng ta thiếu tin tưởng vào trí nhớ của mình. Trong nhiều trường hợp, chúng ta lại cho rằng danh sách mua sắm chỉ sử dụng một lần nên nó trở thành gánh nặng không cần thiết cho bộ nhớ của chúng ta. Điều đó có nghĩa là: “Khi tôi cần nhớ điều gì đó thì nó phải thật sự quan trọng”.

Hãy ước lượng xem mỗi ngày có bao nhiêu thứ hoàn toàn mới mẻ mà chúng ta nhớ được?
30? 100? Hay 1000?
Bạn sẽ không thể tin nổi! Có đến hàng trăm nghìn!
Thật may mắn khi trí nhớ của con người có thể tiếp thu một lượng thông tin lớn đáng ngạc nhiên mà không cần phải cố gắng. Hàng ngày, thậm chí không cần phải chú ý mà chúng ta vẫn nhớ hàng trăm nghìn “đơn vị” thông tin: một vài điều mới học, tin tức vừa nghe trên đài, các cuộc trò chuyện của mọi người, quang cảnh mới nhìn thấy, âm thanh mới nghe được, mọi cảm xúc, quan điểm hay tâm trạng… tất cả mọi thứ đều được ghi lại trong trí nhớ và trở thành một phần bất biến trong trí nhớ.

Thậm chí chúng ta còn có khả năng vận dụng trí nhớ để viết ra vài trang về những thứ mà chúng ta chưa từng nhìn thấy như: khủng long, vũ khí hạt nhân, cuộc cách mạng công nghiệp, cách pha chế rượu, …
Khi chúng ta quên mất một điều gì đó thì nó cũng chỉ là một giọt nước trong đại dương trí nhớ của chúng ta. Trớ trêu thay, lý do mà chúng ta nhận ra rồi thất vọng về trường hợp đó là chúng rất hiếm khi xảy ra!
Nếu thế vẫn chưa đủ thì trong suốt cuộc đời, chúng ta không thể sử dụng đến 10% khả năng của trí nhớ! Hàng tỉ thứ chúng ta ghi nhớ trong phần đời còn lại sẽ thêm vào chỉ 10% trí nhớ của chúng ta. Bây giờ hãy làm một bài toán đơn giản. Hàng ngày, chúng ta ghi nhớ hàng trăm điều mới mẻ, nhân con số này với số năm ta sống, ta thu được gì? Thật khó có thể tưởng tượng được con số như vậy, và điều kỳ lạ là nó chỉ tập trung ở 1/10 trí nhớ của ta. Trên 90% trí não của chúng ta không được sử dụng (với một số người thì điều này rất rõ ràng…). Bây giờ, hãy cho tôi biết, bạn có thật sự tin rằng danh sách mua sắm kia, dù chỉ sử dụng một lần, cũng sẽ trở thành gánh nặng cho trí nhớ của bạn không? Thực ra một danh sách như vậy không thể “làm đầy” trí nhớ của bạn. Vấn đề chỉ đơn thuần thuộc về tâm lý – cái ý nghĩ rằng sẽ mất thời gian và nỗ lực của trí óc để ghi nhớ một danh sách như vậy (trái với việc viết nó ra giấy), và như đã nói trên, chúng ta thiếu niềm tin vào khả năng ghi nhớ đầy đủ danh sách đó.

Trong các phần tiếp theo của cuốn sách này, tôi sẽ chỉ cho bạn nhiều thứ, trong đó có cách ghi nhớ danh sách đó dễ dàng và nhanh hơn cả thời gian viết chúng ra giấy. Hơn nữa, tôi cũng sẽ chứng minh cho bạn thấy bạn sẽ không quên nó trong vài ngày sau khi đã mua sắm.
Việc chúng ta thiếu tin tưởng vào trí nhớ của mình không chỉ liên quan đến những điều mới mẻ ra muốn nhớ, mà còn rõ ràng đối với trí nhớ hiện tại. Đây là một ví dụ. Hãy suy nghĩ một phú về tấm biển nhường đường mà ta gặp ở cuối một số con đường, trước khi đến chỗ giao nhau. Tấm biển đó có hình dạng thế nào? Có phải nó là một hình tam giác có đáy ở phía trên còn đỉnh ở phía dưới?
“Đó là hình tam giác ngược”, có lẽ ban sẽ hào hứng nói như vậy, đúng không? Bạn đã nghĩ kỹ chưa? Đó là hình tam giác ngược hay đó chỉ là cách bạn nhìn… Và nếu tôi nói rằng đó là một hình tam giác thông thường, bạn có ngạc nhiên không?
Tôi sẽ bắt bạn phải chờ đợi lâu. Đó thật sự là một hình tam giác ngược. Phải thừa nhận điều này – liệu có phải đôi khi bạn thoáng chút nghi ngờ rằng trí nhớ của bạn làm cho bạn u mê?
Vấn đề mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, rất dễ dàng hủy hoại niềm tin vào trí nhớ của chúng ta vì chúng ta không thật sự tin tưởng nó.
Bạn thường dễ dàng tin vào ba người bạn, những người nhớ rõ ràng rằng Roger Moore đóng vai James Bond trong bộ phim “Đừng bao giờ nói không” hơn là trí nhớ của bạn nói rằng Sean Connery mới là người đóng vai này (thực tế là Sean Connery).
Tóm lại, hãy tin tưởng vào trí nhớ của bạn từ giờ. Hãy đặt niềm tin vào nó, chắc chắn nó sẽ không làm bạn thất vọng. Hạn chế những suy nghĩ tiêu cực như: “Tôi có trí nhớ kém”, “Trí nhớ của tôi không còn được như trước”,…

Trong phần tiếp theo, bạn sẽ học được cách chuyển từ khuynh hướng suy nghĩ tiêu cực sang tích cực.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.