Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

CHƯƠNG 33



Giặt Ngày Mưa,
Xe Thuê, Bob Dylan
Đã vào Chủ nhật lại còn mưa, cả bốn máy sấy trong hiệu giặt đều bận. Trên các tay nắm treo đầy túi nylon đủ màu sắc và túi mua hàng. Trong hiệu giặt có ba phụ nữ. Một bà nội trợ ngót nghét bốn chục, hai cô kia hình như đến từ ký túc xá nữ gần đó. Bà nội trợ chẳng làm gì, chỉ ngồi đờ đẫn trên chiếc ghế gấp và nhìn quần áo quay vòng trong máy như xem ti vi. Hai nữ sinh viên cùng giở xem họa báo JJ. Khi tôi bước vào, cả ba cùng nhìn tôi một lúc rồi lại quay về với đồ giặt và họa báo.
Tôi ngồi xuống một chiếc ghế, đặt túi Lufthansa lên lòng và chờ đến lượt mình. Hai nữ sinh viên không có túi, nghĩa là quần áo của họ đang trong máy sấy. Vậy thì tôi sẽ đến lượt khi một trong bốn máy sấy chạy xong. Chắc cũng không lâu lắm, tôi thở phào. Riêng ý nghĩ phải ngồi nhìn quần áo quay vòng cả một tiếng đồng hồ đã làm tôi ngán tận cổ. Nhất là trong 24 tiếng cuối đời.
Tôi ung dung ngồi và nhìn vẩn vơ trong phòng. Không khí hiệu giặt có mùi đặc trưng của quần áo được sấy bằng gió nóng trộn lẫn mùi bột giặt.
Hai nữ sinh viên cạnh tôi trò chuyện về mẫu đan len. Cả hai cô đều không xinh đẹp gì. Phụ nữ đẹp không xem họa báo ở hiệu giặt vào trưa Chủ nhật.
Trái với mong đợi, máy sấy quay mãi không ngừng. Hiệu giặt có những lề luật riêng của nó. Một điều luật trong đó là: đợi máy nào thì máy đó chạy mãi không xong. Lồng máy quay mãi không thôi, mặc dù quần áo trong đó trông có vẻ đã khô rang.
Tôi đợi mười lăm phút, nhưng cả bốn máy sấy vẫn quay đều.
Một cô gái trẻ thon thả và nền nã cầm túi giấy đi vào, ném một ôm tã lót vào máy giặt, xé gói bột giặt dốc vào máy, đóng máy và nhét tiền xu.
Tôi toan chợp mắt ngủ gà gật một chốc, nhưng lại sợ trong lúc ngủ máy sấy chạy xong và ai đó chen ngang cho quần áo vào nên phải thức để cảnh giác. Không thể phí phạm thời giờ quý báu lần nữa.
Tôi hối hận đã không đem theo thứ gì để đọc. Vì đọc thì tránh được nguy cơ ngủ gật và thời gian trôi qua nhanh hơn. Tuy nhiên tôi không biết như thế có đúng không. Trong hoàn cảnh này, lẽ ra tôi phải muốn thời gian trôi chậm đi mới đúng. Nhưng tôi đang trong hiệu giặt! Kéo dài thời gian chẳng khác gì kéo dài sự vô nghĩa.
Nghĩ ngợi về thời gian khiến tôi đau đầu. Thời gian mang quá nặng tính khái niệm, nhưng không ngăn ta nhồi đầy các thứ khác vào. Đầy đến lúc ta không biết sản phẩm đầu ra thuộc về thời gian hay thuộc về thế giới hữu hình.
Tôi thôi không nghĩ ngợi về thời gian nữa và tập trung vào câu hỏi, ra khỏi tiệm giặt tôi sẽ làm gì. Trước tiên phải mua vài thứ quần áo đã. Đồ tử tế. Không còn thời gian để chữa quần nữa, vì vậy tôi buộc phải từ bỏ bộ com lê vải tuýt mà lúc ở dưới đất tôi đã định dùng. Tiếc thật, nhưng không khác được. Quần vải lanh đang mặc là ổn, chỉ phải mua sơ mi, cà vạt và áo vest. Thêm một áo choàng mỏng. Thích hợp với mọi nhà hàng. Đi mua đồ có lẽ mất chừng một tiếng rưỡi, nghĩa là khoảng ba giờ tôi xong việc và còn ba tiếng nữa đến sáu giờ tối là giờ hẹn.
Tôi tự hỏi nên làm gì trong ba tiếng đó nhưng không nghĩ ra. Thể trạng mệt mỏi làm phong bế khả năng suy nghĩ, làm tắc ở những vùng não mà tôi không tiếp cận được.
Trong khi tôi cố gắng vượt các bế tắc đó thì chiếc máy sấy đứng tận cùng bên phải dừng lại. Trước tiên tôi nhìn kỹ để chắc chắn không phải mình thấy ảo ảnh, sau đó tôi ngó quanh. Bà nội trợ và hai cô sinh viên thoáng ngẩng đầu nhìn quanh nhưng vẫn ngồi không nhúc nhích. Theo luật hiệu giặt, tôi mở máy sấy ra, lấy chỗ quần áo còn nóng thả vào túi mua hàng treo ở tay nắm và cho đồ từ túi Lufthansa vào lồng sấy. Sau đó tôi đóng máy, nhét đồng xu, đợi máy quay rồi mới trở về ghế mình. Đồng hồ chỉ 12 giờ 50.
Bà nội trợ và hai cô sinh viên theo dõi chặt chẽ từng cử động của tôi. Giờ thị họ ngó vào lồng sấy có đồ của tôi, rồi ngó qua tôi. Bất giác tôi cũng nhìn vào máy sấy. Có một vấn đề trầm trọng: ai cũng có thể nhìn thấy qua ô cửa hẹp những đồ tôi vừa cho vào đang quay tròn – toàn đồ phụ nữ, và toàn màu hồng. Thảo nào người ta tò mò. Tốt nhất là biến khỏi đây và tìm việc gì đó để làm trong hai mươi phút tới.
Trời vẫn tiếp tục mưa phùn, vẫn cơn mưa mỏng như bụi từ sáng sớm chưa dứt, tựa như nó định cảnh báo thế giới về một chuyện gì đó. Tôi căng ô lên và đi dạo trong khu. Phía bên kia tòa nhà yên tĩnh là một con phố với đủ mọi cửa hiệu. Một tiệm làm đầu, một cửa hiệu bán đồ lướt ván – tôi không hiểu một cửa hiệu như thế định bán hàng cho ai ở Setagaya, một hiệu thuốc lá, một hiệu bánh ngọt, một cửa hàng cho thuê băng đĩa, một hiệu giặt. Bên ngoài hiệu giặt treo biển Giảm giá 10% vào những ngày mưa! Tôi không hiểu vì sao vào ngày mưa lại khuyến mại. Tôi thấy ông chủ tiệm đầu hói đang cau có ủi một chiếc sơ mi trong hiệu. Từ trần nhà treo loằng ngoằng mấy ống to nối xuống bàn ủi, trông như dây leo. Một hiệu giặt kiểu cũ, chủ hiệu tự tay ủi đồ. Tôi thấy cảm tình với ông ta. Có lẽ ông cũng không bấm ghim vào sơ mi để gắn những mảnh giấy in số. Vì ghét đinh ghim nên không bao giờ tôi đem giặt sơ mi ở hiệu.
Trước hiệu giặt kê một ghế băng, trên đó là mấy chậu hoa. Tôi ngắm các chậu hoa một lát, không có lọ hoa nào mà tôi biết tên cả. Chính tôi cũng bối rối vì sao mình biết rất ít tên các loại hoa. Có vẻ như đây là mấy thứ hoa rất hay gặp, lẽ ra ai cũng gọi được tên. Nước từ máng rỏ xuống đất đen trong chậu. Bất giác tôi thấy quặn lòng. Tôi đã sống ba mươi lăm năm trong thế giới này mà không biết cả tên của mấy thứ hoa thường gặp nhất.
Ở hiệu giặt này tôi đã phát hiện cùng lúc nhiều điều mới mẻ cho mình. Ví dụ như tôi là một kẻ dốt nát – xét về hoa – và các hiệu giặt rẻ hơn vào ngày mưa. Hầu như ngày nào tôi cũng đi dọc phố này, thế mà cho đến nay tôi không hề nhìn thấy chiếc ghế băng và các chậu hoa trước hiệu giặt.
Một con sên bò trên ghế băng. Cũng là một phát hiện mới của tôi. Xưa nay tôi cứ tưởng là sên chỉ có trong mùa mưa. Nếu chúng chỉ có trong mùa mưa thì chúng ở đâu và làm gì trong những mùa khác?
Tôi đặt con sên vào chậu hoa, rồi lại đặt lên một tàu lá xanh. Mới đầu nó lúc lắc trên lá, nhưng rồi cũng ổn định trong tư thế nghiêng và ngó nhìn xung quanh.
Tôi quay lại hiệu thuốc lá và mua một bao Lark Extra Long và bật lửa Trước đây mấy năm tôi đã bỏ thuốc, song một bao thuốc trong ngày cuối đời sẽ không hại gì lớn. Tôi đứng dưới mái hiên của hiệu thuốc và châm ngay một điếu. Cảm giác ngậm trên môi một vật thể lạ mạnh hơn tôi tưởng. Tôi chậm rãi rít thuốc, hít thật sâu và từ từ thở ra. Các đầu ngón tay tê tê, đầu óc lộn xộn.
Hút xong, tôi vào hiệu bánh ngọt và mua bốn miếng. Loại nào cũng có một tên Pháp dài ngoằng mà khi bánh vừa cho vào hộp là tôi quên luôn. Từ ngày tốt nghiệp đại học tôi không ngó ngàng gì đến tiếng Pháp nữa. Cô bán bánh ngọt cao như cây sào và rất vụng về khi buộc nơ. Chưa bao giờ tôi thấy một cô gái cao mà lại khéo tay cả. Tất nhiên tôi không rõ có phải đó là một định luật phổ cập toàn cầu không. Có khi chỉ là những hình mẫu giao tiếp riêng của tôi.
Hiệu thuê băng đĩa cạnh đó thỉnh thoảng tôi cũng vào. Đôi vợ chồng chủ hiệu trạc tuổi tôi, cô vợ rất xinh. Trên màn hình ti vi 27 inch cạnh cửa ra vào đang chiếu Hard Time của Walter Hill. Charles Bronson thủ vai một võ sĩ quyền Anh đường phố, chuyên đấm không găng, và James Coburn là ông bầu. Tôi đi vào, ngồi xuống sofa và xem mấy cảnh đánh nhau.
Một mình cô chủ ngồi sau quầy tận cuối phòng và cạnh cửa hiệu, trông có vẻ chán chường. Tôi mời cô một miếng bánh. Cô lấy miếng bánh lê, còn tôi ăn loại bánh phô ma. Tôi vừa ăn vừa xem Charles Bronson đánh nhau với một tên hộ pháp đầu trọc. Người xem ắt thiên về phía thắng là tên hộ pháp, nhưng tôi đã xem phim này trước đây mấy năm và biết chắc là Bronson sẽ thắng. Sau khi ăn bánh, hút đến nửa điếu thuốc và chứng kiến Charles Bronson chiến thắng, tôi đứng dậy.
“Anh cứ xem hết đoạn cuối đi”, cô chủ hiệu nói.
Tôi cũng muốn, tôi nói, nhưng đang có quần áo trong máy sấy. Tôi xem đồng hồ: 1 giờ 25. Máy đã chạy xong từ lâu.
“Không lo. Ai đó sẽ lấy đồ cho vào túi rồi. Không ai ăn trộm đồ lót của anh đâu.”
“Vâng”, tôi thở dài.
Cô chủ hiệu cố rao hàng lần cuối: “Tuần này chúng tôi nhập ba phim kinh điển của Hitchcock đấy!”
Tôi quay lại đường cũ. May mà trong hiệu giặt không còn ai. Quần áo vẫn kiên nhẫn nằm dưới đáy lồng sấy đợi tôi quay lại. Chỉ một trong số bốn máy sấy còn chạy. Tôi đút đồ vào túi rồi về nhà.
Cô gái mũm mĩm đang ngủ mê mệt trên giường tôi. Cô ngủ say đến nỗi thoạt tiên tôi lo cô chết rồi. Nhưng ghé tai lại gần, tôi nhận ra tiếng cô thở nhè nhẹ. Tôi đặt quần áo đã khô gần gối và hộp bánh ngọt cạnh đèn cây. Tôi chỉ ước sao bây giờ chui lên giường cạnh cô gái và ngủ thiếp đi, nhưng không thể được.
Tôi uống một cốc nước trong bếp và chợt nhớ là phải đi đái. Sau đó tôi ngồi bên bàn bếp và nhìn quanh. Đủ thứ máy móc, dụng cụ, đồ đạc: máy nước, máy nước nóng chạy ga, bếp ga, siêu đun nước, tủ lạnh, máy nướng bánh mì, tủ bát đĩa, giá cắm dao, hộp trà Brooke Bond to tướng, bếp điện, máy cà phê. Người ta cứ gọi đơn giản là “bếp”, thực ra nó là một tập hợp phong phú dụng cụ và đồ vật. Có thì giờ và thanh thản ngắm bếp lần nữa tôi mới cảm nhận được nét tĩnh lặng giấu trong sự bí ẩn đặc thù của trật tự thế giới này.
Hồi chuyển tới nhà này, tôi còn có vợ. Đã tám năm trôi qua. Ngày đó tôi hay ngồi một mình đọc sách đêm khuya bên bàn bếp này. Vợ tôi ngủ im thin thít, đôi khi tôi cứ sợ cô ấy chết trên giường. Tôi yêu cô ấy theo kiểu của tôi, có thể không hoàn hảo, nhưng tôi yêu cô ấy.
Tôi ở đây như vậy đã được tám năm. Trước đây tám năm chúng tôi là bộ ba: vợ tôi, con mèo, và tôi. Vợ tôi bỏ đi trước tiên, sau đó là con mèo. Giờ đến lượt tôi. Tôi hút một điếu thuốc, lấy một tách cà phê cũ bị mất lót đĩa làm gạt tàn. Sau đó uống thêm một ngụm nước. Tôi ngạc nhiên là mình đã trụ được ở đây những tám năm. Căn hộ không vừa ý tôi lắm, và tiền nhà cũng không hẳn dễ chịu. Phía tây quá nhiều nắng, tay quản lý thuộc loại khó gần. Và từ khi tôi ở đây, cuộc đời tôi cũng không vui lên mấy: dân số giảm quá nhanh.
Thôi, thế nào cũng được. Mọi sự sắp chấm dứt rồi.
Cuộc sống vĩnh cửu. Bất tử.
Ông giáo sư nói là tôi chuẩn bị đi vào cõi bất tử. Tận cùng của thế giới không phải cái chết, mà là một sự biến hóa, trong thế giới mới, tôi sẽ là chính mình và tìm lại được tất cả những gì sắp đánh mất.
Tôi không nghi ngờ lời giáo sư nói, không nghi ngờ một chữ nào trong đó. Nếu ông nói thế giới ấy bất diệt thì đúng là nó bất diệt. Nhưng nó quá trừu tượng, quá mập mờ. Tôi đã là chính tôi quá đi rồi, chứ là ai? Và một người bất tử cảm nhận sự bất tử của mình ra sao thì quả là một câu hỏi vượt quá khả năng hình dung của tôi. Thậm chí Phù thủy xứ Oz tôi còn thấy hiện thực hơn.
Thực ra tôi đã đánh mất gì? Tôi bối rối gãi đầu. Đúng ra là tôi mất nhiều thứ, nếu ghi lại từng chi tiết thì có lẽ đầy một sổ tay. Tôi mất những thứ mà tôi không thấy có ý nghĩa gì lớn và mãi về sau mới thấy tiếc – và ngược lại. Tôi đã mất đồ vật, người và tình cảm. Cuộc đời tôi như cái măng tô có túi bị thủng toác, không thể khâu lại bằng kim chỉ. Giả sử có người nào thò đầu vào cửa sổ nhà tôi và hét: “Cuộc đời mi là số 0” thì tôi phải đáp trả sao đây? Không đáp trả được, tuyệt đối không.
Nhưng, nếu có khả năng làm lại cuộc đời một lần nữa, thì tôi linh cảm mình sẽ sống hệt như vậy. Vì cuộc đời đầy mất mát ấy chính là tôi. Tôi sẽ trở thành tôi, không còn con đường nào khác. Tôi khinh miệt mọi người hoặc mọi người khinh miệt tôi đến chừng nào, bất kể những tình cảm tốt đẹp, tố chất xuất sắc và ước mơ cao đẹp nào đã mất đi – không bao giờ tôi có thể trở thành gì khác ngoài chính mình.
Ngày trước, hồi còn trẻ, tôi từng nghĩ có thể sẽ trở thành gì đó khác với chính mình. Thậm chí tôi nghĩ chẳng khó khăn gì để đến Casablanca mở một quán bar và làm quen Ingrid Bergman. Hoặc sát thực tế hơn – liệu có sát thực tế hơn không thì chưa biết – là tôi có thể sống một cuộc đời có ích hơn, thích hợp hơn với cái Tôi riêng tư. Để đạt mục đích đó, thậm chí tôi tập luyện và làm một cuộc cách mạng bản thân. Tôi đọc The Greening off America và xem ba lần phim Easy Rider. Nhưng, như một con thuyền có mái chèo uốn lệch, tôi luôn quay về bến cũ. Về với cái Tôi của mình. Cái tôi của tôi không đi đâu cả. Nó trụ lại ở vị trí của nó, và đợi, đợi tôi quay về.
Gọi hiện tượng đó là gì? Ngã lòng?
Tôi không biết. Có thể đó là sự thất vọng. Chính là cái mà ở địa vị tôi Turgenev sẽ gọi là “vỡ mộng” hay Dostoevsky đặt tên là “địa ngục”. Và ở Somerset Maugham thì được coi là “thực tại”. Nhưng bất kể ai đặt ra tên gì thì nó cũng vẫn là Tôi của tôi.
Tôi không hình dung ra nổi thế giới của sự bất tử. Có thể ở đó tôi thực sự tìm lại được những gì đã mất, và lập nên một Tôi mới. Có thể tôi sẽ hạnh phúc hay ít nhất đỡ khốn khổ hơn. Sẽ sống một cuộc đời có ích hơn, thích hợp hơn với cái Tôi riêng tư. Nhưng đó lại là một Tôi khác, chẳng dính dáng chút nào với Tôi của hiện tại. Hiện tại tôi có cái Tôi của hôm nay. Đó là một sự thật lịch sử không ai lay chuyển được.
Cuối luồng suy nghĩ này tôi đi đến kết luận rằng nên chấp nhận sẽ chết trong vòng hăm hai tiếng và vài phút. Mọi suy tư về bước quá độ đến với thế giới của sự bất tử chỉ mang vẻ học thuyết Don Juan và có một dư vị xấu.
Vậy tôi nghĩ một cách thực dụng: tôi sẽ chết. Nghe hợp với bản chất của tôi hơn. Và đem lại một chút thoải mái.
Tôi dập thuốc, đi vào phòng ngủ, quan sát một hồi khuôn mặt cô gái đang ngủ và kiểm tra xem đã đem theo mọi thứ cần thiết chưa. Song nếu nghĩ kỹ, nghĩ thật kỹ, thì tôi hầu như chẳng cần gì nữa. Ví và thẻ tín dụng – gì nữa? Cửa không cần khóa. Giấy phép hành nghề toán sư? Thừa. Cả cuốn sổ tay cũng không cần nữa, hệt như chìa khóa ô tô, vì tôi đã đỗ nó ở nơi nào không nhớ. Cả con dao cũng sinh thừa. Tiền xu? Không có cũng chẳng sao. Tôi lấy hết mọi thứ trong túi quần đặt lên bàn.
Trước tiên tôi đi tàu đến Ginza, mua sơ mi và cà vạt ở hiệu Paul Stuart và trả tiền bằng thẻ American Express. Mặc lên và nhìn trong gương, trông tôi cũng khá ưa mắt. Đúng, đúng là ưa mắt thật sự. Nếp ủi của chiếc quần màu ô liu hầu như không thấy nữa, nhưng có ai đòi hỏi sự hoàn hảo? Chiếc áo vest màu lam kết hợp với sơ mi màu cam sẫm tạo cho tôi hơi hướng một nhân viên quảng cáo trẻ và hãnh tiến. Ít nhất thì trông tôi cũng không còn giống một người vừa chui từ dưới lòng đất lên và khoảng hăm mốt tiếng nữa là biến khỏi cuộc đời này.
Tôi chợt nhận thấy, nếu đứng thẳng người thì tay áo vest bên trái ngắn hơn tay phải chừng một phân rưỡi. Nghĩa là truy đúng nguồn cơn thì không phải tay áo quá ngắn, mà cánh tay tôi quá dài. Thật khó hiểu tại sao. Tôi thuận tay mặt và nhất định không dùng tay trái nhiều. Người bán hàng khuyên tôi thả bớt gấu tay, chỉ hai hôm là xong; tất nhiên tôi từ chối.
“Cho phép được hỏi, anh có chơi bóng chày không?”, người bán hàng hỏi khi đưa tôi biên lai thẻ tín dụng.
Tôi lắc đầu.
“Đa số các môn thể thao làm thay đổi kích cỡ cơ thể”, ông ta dạy tôi. “Vận động quá nhiều hoặc ăn uống vô độ thì rất khó mặc com lê đẹp.”
Tôi cảm ơn và đi khỏi. Thế giới này cơ man là quy định và luật lệ. Nếu muốn, cứ mỗi bước chân lại đá phải một luật mới.
Trời vẫn mưa, nhưng tôi ngán mua quần áo lắm rồi. Vậy là thay vì mua áo choàng tôi đi vào quán bia. Ở đây có thể uống bia tươi và ăn hàu sống. Kỳ lạ là ở đây họ đang chơi một bản giao hưởng của Bruckner. Tôi không biết bản nhạc này, nhưng ai biết? Dù sao thì đây là lần đầu tiên tôi nghe Bruckber ở quán bia.
Ngoài tôi ra, trong quán chỉ còn ba khách nữa. Một đôi trai gái trẻ và một ông già mảnh khảnh. Ông già thỉnh thoảng uống một ngụm bia, trong khi hai người kia hầu như không chạm đến cốc mà chỉ khe khẽ nói chuyện gì đó. Đặc trưng cho một quán bia chiều mưa.
Tôi nghe Bruckner, vắt chanh lên năm con hàu, ăn từng con lần lượt theo chiều kim đồng hồ và uống nửa lít bia. Kim đồng hồ treo tường khổng lồ của quán bia còn năm phút nữa thì chỉ đến ba giờ. Dưới mặt số của đồng hồ có hình hai con sư tử đứng đối diện nhau trên hai chân sau và được quay ra quay vào bằng dây cót. Hai con đều là sư tử đực, đuôi vổng lên như mắc treo áo. Nhạc Bruckner chấm dứt. Chuyển sang bài Bolero của Ravel. Một sự kết nối kỳ khôi.
Tôi gọi thêm một vại bia và đi đái lần nữa. Nước chảy mãi không hết. Không hiểu tại sao tôi có thể thải ra nhiều nước như vậy. Nhưng do không vội vàng gì nên tôi cứ ung dung cho chảy. Tôi tin là tia nước kéo dài đến hai phút. Nền nhạc vẫn là Bolero. Đi tiểu có Bolero của Ravel đệm thì kể cũng kỳ. Tôi có cảm giác nước cứ ứ mãi chảy không hết.
Xong trận đái dài lê thê, tôi thấy hưng phấn như vừa lột xác. Tôi rửa tay, ngó vào tấm gương không thật mặt rồi quay trở lại bàn uống bia. Tôi định châm một điếu thuốc thì nhớ ra để để quên bao Lark trên bàn bếp ở nhà. Tôi gọi bồi bàn, mua một bao Seven Stars và được thêm cả diêm.
Trong quán bia vắng khách, và thời gian như dừng lại, nhưng thực tế nó vẫn lạnh lùng trôi đi. Hai con sư tử thay nhau quay vòng 180 độ, kim đồng hồ đã dịch đến 3 giờ 10. Tôi chống cùi tay lên bàn, vừa uống bia, vừa hút thuốc, vừa nhìn chăm chăm vào kim đồng hồ. Giết thời gian bằng cách quan sát đồng hồ quả là một trò vô nghĩa hết sức, nhưng tôi không nghĩ ra việc gì hay hơn. Hầu như mọi hành vi của con người xuất phát từ một tiền đề là người ta còn sống lâu nữa; mất tiền đề này rồi thì chẳng còn gì đáng nói.
Tôi rút ví khỏi túi quần xem có những gì trong đó. Năm tờ mười nghìn, vài tờ một nghìn. Ở ngăn sau còn hai mươi tờ mười nghìn kẹp thành tập. Ngoài tiền mặt, trong ví còn hai thẻ tín dụng của American Express và Visa, và hai thẻ nhà băng. Tôi bẻ gập hai thẻ nhà băng vứt vào gạt tàn. Đằng nào tôi cũng không dùng nữa. Thẻ câu lạc bộ cho bể bơi, thẻ mượn băng video và tập phiếu mua hàng giảm giá được tặng khi mua cà phê cũng chung số phận. Tôi giữ lại bằng lái xe và vứt hai danh thiếp đi. Hộp gạt tàn đầy ứ những di tích của đời tôi. Rốt cuộc chỉ còn lại tiền mặt, thẻ tín dụng và bằng lái xe.
Khi kim dịch đến ba rưỡi, tôi đứng dậy trả tiền rồi đi. Mưa đã gần như tạnh hẳn nên tôi bỏ lại cái ô trong quán. Một dấu hiệu tốt: thời tiết hửng lên, tâm trạng tôi nhẹ nhàng hẳn.
Không cầm ô như được giải phóng và thấy thích đến một nơi khác, tốt nhất là nơi nào đông người tụ họp. Tôi dừng chân mấy phút ở tòa nhà Sony và cùng một nhóm du khách Ả Rập quan sát bức tường xếp bằng vô số màn hình ti vi, sau đó tôi đi xuống bến tàu điện ngầm và mua vé tuyến Marunouchi đến Shinjuku. Ngồi xuống là tôi thiếp đi luôn, và lúc mở mắt ra thì tàu đang vào bến Shinjuku.
Đến rào chắn tôi sực nhớ là mình đã gửi chiếc đầu lâu và các dữ liệu xáo trộn ở quầy trông hành lý. Tuy không biết bây giờ nên làm gì với mấy thứ đó và cũng không có vé gửi đồ trong người. Nhưng vì không có việc gì làm nên tôi quyết định lấy chúng ra. Tôi lên cầu thang đi tới quầy giữ hành lý ngắn hạn và nói với nhân viên ở quầy là tôi đánh mất vé gửi.
“Anh đã tìm kỹ lại chưa?”, ông ta hỏi.
Tôi khẳng định.
“Ông gửi đồ gì?”
“Một túi thể thao màu xanh có logo Nike”, tôi nói.
“Logo Nike trông thế nào?”
Tôi xin giấy bút, vẽ một hình từa tựa cái boomerang ngắn và viết chữ NIKE bên trên. Ông ta ngờ vực nhìn hình vẽ và cầm miếng giấy đi dọc các giá hàng. Một hồi sau ông quay lại với túi tôi trong tay.
“Túi này phải không?”
“Chính xác”, tôi nói.
“Cho tôi xin tên tuổi của anh. Anh có thẻ căn cước đó không?”
Tôi đưa ông bằng lái xe. Ông ta so các thông số với vé gắn trên hành lý. Sau đó ông gỡ vé ra, đặt lên mặt quầy cùng một cây bút bi và nói: “Ký ở đây!”. Tôi ký, nhận túi và cảm ơn.
Giờ thì tôi đã lấy được túi ra suôn sẻ, nhưng chiếc túi thể thao có logo Nike không tương xứng với y phục trên người tôi. Tôi không thể mời cô gái đi ăn trong bộ dạng như vậy. Nghĩ một lát, tôi quyết định thuê một chiếc xe tự lái và để túi ở ghế sau. Vừa đỡ phải xách túi lại vừa không phải bận tâm chuyện nó không hợp với y phục. Tốt nhất là một loại xe thể thao hoành tráng của châu Âu. Không hẳn vì tôi mê ô tô châu Âu lắm, nhưng dù sao thì hôm nay cũng là một ngày cực kỳ đặc biệt trong đời tôi, vậy thì tôi tin rằng rất hợp lý khi đi một chiếc xe như vậy. Cho đến giờ tôi toàn đi Volkswagen cũ rích hoặc loại xe nhỏ của Nhật.
Tôi vào tiệm cà phê hỏi mượn cuốn danh bạ công ty, lấy bút bi đánh dấu bốn trạm cho thuê xe ở gần ga và lần lượt gọi điện đến đó. Không trạm nào có xe châu Âu cả. Vào các Chủ nhật và mùa này hầu như cực hiếm xe, và xe nhập ngoại hoàn toàn không có. Hai trong bốn trạm chẳng còn gì có thể gọi là ô tô cả. Một trạm mời Honda Civic. Trạm thứ tư còn có chiếc Toyota Carina 1800 GT Twin-Cam Turbo và một chiếc Toyota Corona Mark II. Cô nhân viên kể trong điện thoại là cả hai đều mới tinh và có dàn âm thanh nổi. Tôi không có hứng thú gọi điện nữa và quyết định lấy chiếc Carina 1800 GT Twin-Cam Turbo. Thực sự tôi hoàn toàn không để ý đến ô tô, xe nào cũng được. Thậm chí tôi còn không biết chiếc Carina 1800 GT Twin-Cam Turbo đời mới và Corona Mark II mặt mũi ra sao.
Tôi vào một hiệu bán đĩa hát và mua mấy băng cát xét nhạc. Johnny Mathis’s Greatest Hits, Verklärte Nacht của Schönberg do Zubin Mehta chỉ huy, Stormy Sunday của Kenny Burrell, Popular Ellington của Duke Ellington, Brandenburg Concertos do Trevor Pinnock biểu diễn trên đàn clavio, và một băng Bob Dylan với bài Like A Rolling Stone. Lộn xộn đủ chủng loại, nhưng thừa còn hơn thiếu. Nói cho cùng thì tôi cũng chưa biết sẽ nghe nhạc gì khi lên chiếc Carina 1800 GT Twin-Cam Turbo. Có lẽ tôi sẽ nằm ườn ra xe và muốn nghe James Taylor. Hay một bài van kiểu Vienna. Hoặc Police. Hoặc Duran Duran. Cũng có thể tôi chẳng muốn nghe gì cả. Chưa biết được.
Tôi đút sáu cái băng cát xét vào túi Nike, đến trạm thuê xe, đòi xem xe, trình bằng lái và ký vào giấy tờ. So với chiếc xe đồ chơi của tôi thì chiếc ghế cho lái xe trong chiếc Carina 1800 GT Twin-Cam Turbo như buồng lái của tàu vũ trụ con thoi. Ai đi xe này, chắc phải thấy xe tôi như cái hộp lắp bốn bánh vậy. Tôi bật băng Bob Dylan và vừa nghe Watching the River Flow vừa mất rất nhiều thời gian thử từng nút bấm và công tắc. Khi lái xe tôi sẽ không được phép điều khiển sai nút nào.
Trong khi tôi thử các công tắc trong xe đỗ ở sân, cô nhân viên dễ thương vừa phục vụ tôi đi từ văn phòng ra và hỏi có gì không ổn. Cô có nụ cười nuột nà và ấm lòng như quảng cáo thương mại trên ti vi. Răng cô trắng bóng, miệng tròn trịa, màu son môi mê ly.
Không có vấn đề gì, tôi nói. Tôi chỉ thử mọi thứ trước khi lên đường.
“Thế ạ”, cô nói và mỉm cười lần nữa. Nụ cười của cô làm tôi nhớ đến một cô bạn gái ở trường trung học. Một cô gái tươi tắn và thông minh. Tôi nghe kể lại là cô làm quen một nhân vật có đầu óc cách mạng ở đại học và cưới anh ta, đẻ hai đứa con, sau đó bỏ cả chồng con đi đâu mất, không ai biết. Nụ cười của cô nhân viên trạm cho thuê xe gợi tôi nhớ đến cô bạn cùng lớp nọ. Hồi ấy ai tưởng tượng được cô bé mười bảy xuân xanh đáng yêu, mê J. D. Salinger và George Harrison, mấy năm sau có hai con với một nhà cách mạng rồi biến mất tăm?
“Ước gì mọi lái xe đều cẩn thận như anh. Được thế thì công việc của chúng tôi đơn giản hơn rất nhiều”, cô gái văn phòng nói. “Bộ điều khiển bằng máy tính ở những mẫu đời chót vô cùng phức tạp.”
Tôi gật đầu. Thì ra tôi không phải khách hàng vụng về duy nhất. “Tôi phải ấn nút nào để tính ra căn bậc hai của 185?”
“Thế thì anh phải đợi mẫu xe sắp tới”, cô cười. “Anh nghe nhạc Bob Dylan phải không ạ?”
“Chính xác”, tôi nói. Bob Dylan đang hát Positively Fourth Street. Bài nào hay thì sau hai mươi năm vẫn hay.
“Nghe Bob Dylan là tôi nhận ra ngay”, cô nói.
“Vì ông ta thổi ắc mô ni ca dở hơn Stevie Wonder?”
Cô lại cười. Tôi cảm thấy vui khi biết mình còn làm cho người khác cười được.
“Không, tôi thực sự thích giọng ông ta”, cô nói. “Như giọng một đứa trẻ đứng bên cửa sổ ngắm mưa rơi.”
“Một sự so sánh độc đáo”, tôi nói. Cô ta so sánh thật độc đáo. Tôi đã đọc vài cuốn sách về Bob Dylan nhưng chưa hề gặp một chữ nào hợp như vậy. Ngắn gọn và chuẩn xác. Tôi nói cho cô biết, và mặt cô hơi đỏ ửng lên.
“Ồ, tôi không biết. Đó là cảm nhận của tôi.”
“Dùng lời riêng của mình để thể hiện cảm nhận của mình là một việc vô cùng khó khăn”, tôi nói. “Ai cũng cảm nhận, nhưng thể hiện ra cho chuẩn xác thì không phải ai cũng làm được.”
“Mơ ước của tôi là trở thành nhà văn”, cô nói.
“Cô sẽ thành một nhà văn giỏi”, tôi nói.
“Rất cảm ơn!”
“Tôi không ngờ một người trẻ như cô mà lại biết Bob Dylan.”
“Tôi thích nhạc ngày trước. Bob Dylan, The Beatles, The Doors, The Byrds, Jimi Hendrix…”
“Giá mà có thì giờ gặp lại cô”, tôi nói.
Cô gái cười và nghiêng đầu, nghiêng chút xíu thôi. Phụ nữ thông minh biết một trăm câu trả lời khác nhau cho câu hỏi kiểu đó của một người đàn ông băm lăm tuổi mệt mỏi đã ly dị. Tôi cảm ơn cô và chuyển bánh. Bob Dylan hát Stuck Inside of Mobile with the Memphis Blues Again. Tôi vui hơn sau khi nói chuyện với cô. Tôi đã sáng suốt khi quyết định chọn chiếc Carina 1800 GT Twin-Cam Turbo!
Chiếc đồng hồ kỹ thuật số trên bảng điều khiển hiện 4 giờ 42. Bầu trời không nắng trên thành phố tối dần trong khi tôi chậm chạp đi về qua những đường phố ùn tắc. Xe cộ không chỉ đi chậm như trong những ngày Chủ nhật mưa, mà còn bị tắc thảm hại: một chiếc xe thể thao nhỏ xanh lá mạ xiên đầu vào sườn một chiếc xe tải tám tấn chở đầy khối bê tông. Chiếc xe đua bẹp dí như một thùng các tông rỗng bị ai đó ngồi phịch lên. Vài cảnh sát vận áo mưa đen đứng ngơ ngáo, một xe cứu nạn đang lắp xích kéo xác xe bị nạn.
Một lúc lâu tôi mới hiểu được điểm diễn ra tai nạn, nhưng cho đến lúc hẹn còn nhiều thì giờ, tôi có quyền hút một điếu thuốc và nghe tiếp Bob Dylan. Rồi tôi thử hình dung cuộc đời ra sao bên cạnh một ông chồng làm cách mạng. Có thể hiểu đó là một nghề không? Xét nghiêm ngặt thì làm cách mạng không phải một nghề. Mặt khác, làm chính trị lại là nghề, mà cách mạng dù sao cũng là một dạng thức của chính trị. Tôi không tìm ra được kết luận.
Tối đến khi ông chồng đi làm về, liệu ông ta có ra bàn ngồi uống bia và kể về tiến trình của cách mạng không?
Bob Dylan bắt đầu hát Like a Rolling Stone. Tôi thây kệ cách mạng và ư ử ngân theo. Tất cả chúng ta đều già đi. Phải chấp nhận điều đó như chấp nhận trời mưa vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.