Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

CHƯƠNG 37



Ánh Sáng, Hướng Nội, Sạch Sẽ
Tôi không rõ đã chợp mắt được bao lâu. Có người lay vai tôi. Cái đầu tiên tôi nhận ra là mùi sofa. Sau đó là sự bực bội vì bị thức dậy một cách phũ phàng. Tất cả, tất cả mọi người xô đến như giặc châu chấu và lôi tôi ra khỏi giấc ngủ ngọt ngào.
Nhưng có gì đó trong tôi ép tôi phải nhượng bộ và thức dậy. Có gì đó trong tôi phang một bình sắt lên đầu tôi: bây giờ không phải lúc để ngủ.
“Dậy, dậy đi nào!”, cô thủ thư nói.
Tôi ngồi dậy và mở mắt. Tôi khoác áo choàng tắm màu da cam. Cô gái mặc T-Shirt đàn ông trắng và quần lót trắng. Cô lay vai tôi như điên. Trong bộ đồ trắng trông cô như một đứa bé yếu ớt, chỉ một ngọn gió phẩy qua là tan thành bụi. Chừng ấy spaghetti, cá và cơm mà cô nuốt vào đi đâu cả? Đồng hồ của tôi cũng đâu mất. Trời còn tối lắm. Nếu mắt tôi còn tinh thì bây giờ vẫn đang đêm.
“Trên bàn, nhìn trên bàn kìa!”, cô la lên.
Tôi nhìn lên bàn. Có gì lấp lánh như cây thông Noel. Nhưng nó quá bé để gọi là cây thông, và bây giờ mới tháng Mười. Tôi nắm tay vào vạt áo choàng và ngó chòng chọc vật lạ trên bàn. Không, không phải cây thông Noel. Mà là cái đầu lâu mà tôi đặt lên bàn. Hoặc là cô. Tôi không rõ ai, nhưng cũng không quan trọng. Đồ vật phát sáng lấp lánh như cây thông Noel kia là chiếc đầu lâu thú một sừng mà tôi đem tới đây. Các điểm sáng phủ khắp bề mặt đầu lâu. Chúng nhỏ xíu và cũng không sáng lắm. Dù vậy những điểm đó phát sáng như sao trên trời. Ánh sáng trắng dịu và mềm mại. Tựa như mỗi điểm sáng bị lấn át bởi điểm bên cạnh, đường chu vi nhòa đi trong sương mù bập bềnh và khắc sâu ấn tượng là ánh sáng không ở trên bề mặt đầu lâu mà lơ lửng bên ngoài. Chúng tôi im lặng ngắm biển chấm sáng nhỏ ấy từ sofa một hồi lâu. Cô gái khẽ quàng tay tôi, trong khi tôi vẫn nắm tay vào vạt áo choàng. Đang đêm, xung quanh im lặng như tờ.
“Anh lắp đèn vào trong à?”
Tôi lắc đầu. Tôi đã ngủ một đêm với đầu lâu, nhưng nó không phát sáng. Nếu ánh sáng từ một lớp màu dạ quang quét lên thì nó không thể lúc sáng lúc không, mà luôn phát sáng trong tối. Vả lại, trước khi chúng tôi thiếp đi cũng có thấy nó sáng đâu. Không, tôi không “lắp đèn” vào trong. Đây không phải ánh sáng do bàn tay người làm ra. Không có ánh sáng nhân tạo nào mềm và dịu như vậy.
Tôi khẽ gỡ tay cô đang bám vào cánh tay phải tôi và lấy chiếc đầu lâu từ mặt bàn đặt vào lòng.
“Anh không sợ sao?”, cô khẽ hỏi.
“Không”, tôi nói. Tôi không sợ. Nó liên quan ra sao đó với tôi. Và không ai sợ chính mình cả.
Tôi cảm thấy tay mình một hơi ấm như từ một ngọn lửa bé xíu dần tan. Các ngón tay tôi cũng được bao bọc trong ánh sáng nhàn nhạt. Mắt nhắm, tay nhúng vào hơi ấm, tôi cảm thấy trong tâm hồn mình có những đám mây kéo lên.
“Trông nó không phải là một phiên bản”, cô nói. “Đây là một cái đầu lâu thực, anh có nghĩ thế không? Và nó ẩn chứa ký ức từ một thời xa xôi…”
Tôi chỉ gật đầu. Tôi nào biết gì hơn? Là phiên bản hay không thì cái đầu lâu này vẫn đang phát sáng, và tôi ôm nó trong tay. Tôi chỉ biết là ánh sáng muốn kể với tôi một điều gì. Có thể cảm nhận rõ rệt. Một gợi ý nào đó. Có thể về thế giới mới, có thể về thế giới cũ mà tôi sắp bỏ lại sau lưng. Tôi không lĩnh hội được hết.
Tôi mở mắt và nhìn kỹ vầng sáng đang bao bọc các ngón tay mình. Ý nghĩa của nó thì tôi không hiểu ra, nhưng tôi cảm thấy rõ rệt là trong đó không có gì tàn độc hay thù nghịch. Nó áp vào tay tôi, tỏ vẻ hài lòng được nằm đó. Tôi lấy đầu ngón tay vẽ theo quầng sáng. Không, chẳng có gì phải sợ cả, tôi nghĩ thầm. Chẳng có lý do gì để tôi sợ chính mình.
Tôi đặt đầu lâu trở lại bàn và khẽ chạm vào má cô.
“Ấm quá!”, cô nói.
“Ánh sáng ấm”, tôi nói.
“Cho em sờ vào được không?”
“Được chứ!”
Cô sờ tay lên đầu lâu và nhắm mắt. Ánh sáng trắng lúc này cũng trùm lên các ngón tay cô.
“Em cảm thấy gì đó”, cô nói. “Em không biết đó là gì, nhưng hình như em đã có lần biết nó rồi. Không khí, ánh sáng, âm thanh, đại loại thế. Em không diễn tả được.”
“Anh cũng thế”, tôi nói. “Anh khát.”
“Anh uống bia hay nước?”
“Bia”, tôi nói.
Trong khi cô đi lấy bia và cốc, tôi tìm đồng hồ và thấy nó nằm sau sofa. 4 giờ 16. Khoảng một tiếng nữa mặt trời sẽ mọc. Tôi lấy điện thoại và quay số ở nhà. Do chưa bao giờ gọi điện về nhà mình nên một lúc sau tôi mới nhớ ra số. Không ai nhấc mấy. Tôi để kêu mười lăm hồi chuông, đặt máy xuống rồi lại để kêu mười lăm hồi chuông nữa. Vẫn thế. Không ai bắt điện.
Liệu cô gái mũm mĩm có đang trên đường đến chỗ ông cô đang đợi dưới đất không? Hay bọn ký hiệu sư hoặc người của Hệ thống đã tóm được cô ở nhà tôi? Dù có chuyện gì thì cô gái sẽ giải quyết ổn cả thôi. Cô sẽ giải quyết mọi việc giỏi gấp mười tôi, cho dù cô không bằng nửa tuổi tôi. Cừ thật. Tôi đặt máy. Nghĩ đến chuyện không bao giờ gặp lại cô nữa là tôi xốn xang cả người. Xốn xang như khi nhìn một khách sạn bị đóng cửa – người ta khuân bàn ghế đi, tháo đèn chùm xuống, gỡ màn che từ cửa và cửa sổ, từng tấm một.
Chúng tôi ngồi uống bia trên sofa và ngắm ánh trăng trắng tỏa ra từ đầu lâu.
“Có phải ánh sáng là một phản ứng với anh?”
“Anh không rõ”, tôi nói. “Nhưng anh tin là thế. Tuy có vẻ không trực tiếp.”
Tôi rót nốt chỗ bia ra cốc và từ từ uống hết. Thế giới trước rạng đông im ắng như trong một khu rừng cô quạnh. Quần áo chúng tôi nằm vương vãi trên thảm. Áo vest, sơ mi, cà vạt, quần của tôi, áo dài, tất, quần lót của cô. Tôi nhìn đống quần áo như kết quả cuộc đời ba mươi lăm năm của mình hiện ra trước mắt.
“Anh nhìn gì kỹ vậy?”, cô hỏi.
“Quần áo.”
“Tại sao?”
“Cách đây không lâu chúng còn là một phần của anh. Và của em. Giờ thì hết rồi. Trông chúng khác lắm, như của người khác chứ không phải của anh và em.”
“Lý do là mình đã ngủ với nhau”, cô nói. “Sau khi làm tình người ta thường hướng nội.”
“Không, không phải thế”, tôi nói, tay vẫn cầm cốc bia đã cạn. “Anh không hướng nội. Đột nhiên bây giờ những vật bé nhỏ của thế giới này đập vào mắt anh hơn. Một con sên, một mái hiên, hàng bày ở cửa kính hiệu kim khí.”
“Em dọn đi nhé?”
“Không, em cứ để thế.”
“Kể cho em nghe về con sên đi.”
“Anh thấy một con sên trước hiệu giặt là”, tôi nói. “Trước đó anh không biết là mùa thu có sên.”
“Cả năm lúc nào cũng có sên.”
“Hình như vậy.”
“Sên có một ý nghĩa thần bí ở châu Âu”, cô nói. “Vỏ sên là biểu tượng của thế giới bóng tối. Chui ra khỏi vỏ là ánh sáng tưng bừng. Vì vậy khi nhìn thấy sên là người ta vô thức gõ lên vỏ dụ nó chui ra. Anh đã bao giờ làm thế chưa?”
“Chưa”, tôi nói. “Em hiểu nhiều biết rộng nhỉ.”
“Làm ở thư viện thì biết nhiều chuyện này chuyện nọ.”
Tôi lấy bao Seven Stars trên bàn và bật diêm lấy từ quán bia. Sau đó tôi lại ngắm quần áo trên sàn nhà. Một tay áo sơ mi của tôi nằm vắt chéo trên đôi tất xanh xám của cô. Chiếc áo dài nhung trơn gập ở khúc eo một cách lạ mắt, bên cạnh nó là quần lót mỏng tang. Dây chuyền và đồng hồ bị cô ném lên sofa. Túi đeo vai da đen nằm trên chiếc bàn con góc phòng.
Những đồ cô cởi ra giống cô hơn chính cô. Và đồ của tôi giống tôi hơn chính tôi.
“Vì sao em trở thành thủ thư?”, tôi hỏi cô.
“Vì em yêu thư viện”, cô nói. “Yên tĩnh, nhiều sách, kiến thức tập trung. Em không thích làm việc ở một nhà băng hay công ty thương mại. Làm giáo viên thì tuyệt đối không.”
Tôi thổi khói thuốc lên trần nhà và nhìn theo luồng khói một lát.
“Anh có muốn nhiều nữa về em không”, cô hỏi. “Nơi em sinh ở đâu, thời thơ ấu ra sao, học đại học nào, mất trinh bao giờ, thích màu gì – đại loại như thế.”
“Không”, tôi nói. “Bây giờ thì chưa muốn. Và không muốn biết tất cả cùng một lúc.”
“Em muốn biết nhiều hơn về anh – mỗi ngày một chút.”
“Anh lớn lên cạnh biển”, tôi nói. “Sáng sớm sau các trận bão ở bờ biển có đủ thứ vương vãi do sóng cuốn lên. Em không thể hình dung hết những thứ đó đâu – chai lọ, guốc gỗ, mũ, bao kính, thậm chí cả ghế và bàn/ Vì sao những thứ ấy được sóng cuốn vào, đó là một câu đó mãi mãi không có lời giải. Nhưng anh thích tìm chúng và mừng rỡ đợi từng cơn bão. Hình như sóng đã cuốn chúng từ các bãi biển khác và cuốn về chỗ anh.” Tôi dụi thuốc trong gạt tàn và đặt cốc xuống bàn. “Những thứ được cuốn lên luôn sạch sẽ lạ lùng. Toàn đồ bỏ đi và vô dụng, nhưng sạch. Không bẩn thỉu khiến người ta ngại sờ tay vào. Biển là cái gì đó đặc biệt. Mỗi khi điểm lại đời mình, anh luôn nhớ đến rác bờ biển. Đời anh cũng giống thế. Anh thu lượm rác và làm sạch theo cách của mình – nhưng sau đó không sử dụng, và sẽ chỉ vứt đi. Cho nó tan rữa ra.”
“Anh làm việc ấy hồi ở quê nhà?”
“Anh làm việc đó cả đời, đi từ bãi biển này, đến bãi biển khác. Anh biết những thứ đã xảy ra trong thời gian qua, nhưng chỉ biết vậy thôi. Nó không liên quan gì đến hiện trạng của anh. Sạch sẽ nhưng vô dụng.”
Cô đặt tay lên vai tôi rồi đứng dậy đi vào bếp. Cô lấy chai rượu vang trong tủ lạnh, rót ra ly, đặt vào khay cạnh chai bia mới cho tôi và bưng vào phòng khachss.
“Em yêu những phút trời tối trước bình minh”, cô nói. “Có thể vì chúng sạch sẽ và vô dụng.”
“Sắp qua rồi. Trời sẽ hửng, người ta đưa báo đến nhà, những chuyến tàu đầu tiên sắp chuyển bánh.”
Cô rúc vào người tôi, kéo chăn đắp lên ngực và nhâm nhi ly vang. Tôi rót bia và cầm cốc ngắm cái đầu lâu còn vương chút ánh sáng trên bàn. Nó tỏa một ánh sáng nhàn nhạt vào chai bia, gạt tàn và bao diêm. Đầu cô tựa lên vai tôi.
“Vừa rồi, lúc em trong bếp đi ra, anh đã quan sát em.”
“Sao nữa?”
“Em có đôi chân rất tuyệt vời.”
“Anh thích à?”
“Thích vô cùng.”
Cô đặt ly xuống và hôn vào sau tai tôi. “Em thích được khen lắm.”
Lúc rạng đông thì đầu lâu cũng dần dần mất đi ánh sáng long lanh, tựa như bị mặt trời gột rửa. Giờ nó chỉ là một cục xương trắng nhẵn nhụi trên bàn. Chúng tôi ôm nhau trên ghế và quan sát ánh ban mai đẩy lùi bóng đêm đằng sau rèm cửa. Hơi thở nóng hổi của cô gái phả ướt lên vai tôi, vú cô nhỏ và mềm.
Cô uống nốt ngụm cuối cùng, co mình ngủ thiếp đi. Mặt trời làm hiện đường mái của nhà hàng xóm, chim chóc bay đến vườn rồi bay đi. Có tiếng phát thanh viên trên ti vi. Tiếng ô tô khởi động ở đâu đó. Tôi không mệt nữa. Tôi không nhớ đã ngủ được bao lâu, nhưng sự mỏi mệt đã tan biến, và cũng không hề còn hơi rượu. Tôi nhẹ nhàng tách khỏi cô, vào bếp uống một cốc nước và hút thuốc. Sau đó tôi đóng cửa vào phòng khách và vặn khe khẽ radio trên bàn bếp. Nhạc trên sóng FM. Tôi chỉ thích nghe Bob Dylan, nhưng đài đang phát Roger Williams, bài Autumn Leaves. Đang mùa thu.
Căn bếp của cô rất giống nhà tôi. Bồn rửa, hút mùi, tủ lạnh có ngăn đá, máy nước nóng chạy ga. Cả diện tích, công năng lẫn số bát đĩa và máy móc làm bếp cũng tương tự. Nhưng cô dùng bếp điện thay vì bếp ga. Và một máy pha cà phê. Một bộ dao làm bếp phong phú, nhưng có lẽ nên mài lại cho sắc. Nói chung ít phụ nữ biết mài dao tử tế. Bát đĩa toàn loại chịu nhiệt bằng vật liệu Pyrex, chảo lau kỹ bằng dầu. Phễu lọc rác trong bồn rửa cũng sạch.
Tại sao tôi quan tâm đến bếp của cô, tôi cũng không rõ. Tôi hoàn toàn không định tọc mạch ở đây làm gì, đơn giản là nó đập vào mắt. Sau Roger Williams là dàn nhạc Frank Chacksfield chơi bài Autumn in New York. Tôi đứng trong ánh sáng mùa thu và ngắm chỗ nồi soong và các lọ gia vị trên giá. Nhà bếp như một thế giới riêng. Nghe như một câu của Shekespeare: thế giới là một nhà bếp.
Khi hết nhạc, một giọng nữ thông báo đã đến mùa thu. Cô nói đến mùi chiếc áo len đầu tiên mà người ta đem ra mặc vào đầu thu. John Updike đã từng miêu tả thần tình mùi ấy trong tiểu thuyết đầu tay của ông. Bài tiếp theo là Early Autumn của Woody Herman. Đồng hồ trên bàn bếp chỉ 7 giờ 25 phút. Thứ Hai, mùng 3 tháng Mười, 7 giờ 25. Bầu trời trải căng một màu thiên thanh trong trẻo và sâu lắng như được cắt bằng kiếm sắc. Một ngày không đến nỗi tệ để chấm dứt cuộc đời.
Tôi đun nước chần cà chua tìm được trong tủ lạnh, băm tỏi và rau làm nước xốt, trộn thêm xốt cà và đun xúc xích Alsace trong đó. Trong khi nấu, tôi làm nộm bằng cải bắp và ớt rau, bật máy pha cà phê, vẩy nước lên bánh mì Pháp rồi cuốn giấy bạc cho vào lò nướng. Làm xong đồ ăn sáng, tôi thức cô thủ thư và dọn hết chai cốc trên bàn phòng khách.
“Thơm quá”, cô thốt lên.
“Anh mặc quần áo vào được không?”. Tôi hỏi. Tôi không thích bạn gái mặc quần áo trước mình vì coi đó là điều xui xẻo. Gọi là một cử chỉ văn minh cũng được.
“Tất nhiên, tất nhiên!”, cô nói và cởi T-Shirt. Ánh sáng ban mai vẽ một bóng mờ dưới vú và bụng cô, làm lớp lông măng ánh lên. Cô nhìn xuống người mình rồi nói: “Không tệ lắm anh nhỉ?”
“Hoàn toàn ngược lại ấy chứ”, tôi nói.
“Không béo quá, không có nếp nhăn và ngấn bụng. Chưa có thì đúng hơn”, cô nói. Cô chống tay lên sofa và nhìn tôi. “Nhưng rồi một ngày nào đó là hết, chấm hết. Như một sợi chỉ đứt. Và thế là hết. Nghĩ thế là em có thể phát khóc lên được.”
“Ta ăn đi”, tôi nói.
Cô sang phòng bên, mặc một chiếc áo thể thao vàng và quần bò cũ bạc phếch. Tôi xỏ chiếc quần vải lanh và sơ mi. Sau đó chúng tôi ngồi đối diện nhau trên bàn bếp, ăn bánh mì, xúc xích, nộm và uống cà phê.
“Anh luôn thạo ngay một nhà bếp lạ à?”, cô hỏi.
“Bếp thì hầu như ở đâu cũng giống nhau”, tôi nói. “Ở đó người ta nấu và ăn. Hầu như ở đâu cũng thế.”
“Có khi nào anh ngán tình trạng độc thân?”
“Anh không biết. Anh chưa bao giờ nghĩ xem có thấy ngán hay không. Anh từng có vợ năm năm, nhưng bây giờ không nhớ ngày đó ra sao nữa, vẫn nghĩ là từ xưa đến nay sống một mình.”
“Anh không muốn lập gia đình lần nữa?”
“Thế nào cũng xong”, tôi nói. “Có gì khác nhau đâu. Như một cái cũi chó có lỗ chui ra chui vào: vào lỗ nào và ra lỗ nào cũng thế cả.”
Cô cười và lấy khăn giấy chấm xốt cà ở khóe miệng. “Lần đầu tiên em nghe thấy ví cuộc sống vợ chồng với cái cũi chó.”
Ăn xong, tôi hâm lại cà phê và rót ra chén.
“Xốt cà chua ngon quá”, cô nói.
“Lẽ ra còn ngon hơn nếu có thêm lá nguyệt quế và kinh giới dại”, tôi nói. “Và đun xúc xích thêm mười phút nữa.”
“Không sao, ngon lắm. Lâu lắm rồi em chưa được ăn sáng ngon như vậy”, cô nói. “Hôm nay anh có kế hoạch gì?”
“Mình sẽ đi tới một công viên, nằm sưởi nắng và uống bia. Mười rưỡi anh sẽ cho em xuống xe ở chỗ nào em muốn và ra đi. Còn em, em định làm gì?”
“Em về nhà, giặt và dọn nhà và sau đó nghĩ đến chuyện làm tình. Nghe được đấy chứ?”
“Được đấy”, tôi nói. Nghe được đấy.
“Anh đừng nghĩ là em dễ lên giường với ai.”
“Anh biết”, tôi nói.
Trong khi tôi rửa chén đĩa, cô đi tắm. Vừa tắm vừa hát. Tôi rửa bát đĩa bằng một chất thảo dược gì đó hầu như không gây bọt, lau khô và đặt lên bàn. Tôi rửa tay và đánh răng bằng bàn chải thấy trong bếp. Rồi tôi vào nhà tắm hỏi cô có dao cạo râu không.
“Anh xem trong ngăn tủ trên, bên phải. Chắc còn gì đó của chồng em.”
Đúng là ở đó có một bình bọt cạo râu Gillette hương chanh và dao cạo râu Schick. Bình bọt còn nửa, ở đầu ngòi dính chút bọt trắng. Thần chết đã chừa lại nửa bình bọt cạo râu.
“Anh tìm được chưa?”, cô hỏi.
“Thấy rồi”, tôi nói và đem bọt, dao cạo và khăn vào bếp. Tôi đặt nước nóng để cạo râu. Sau đó tôi rửa sạch lưỡi dao cạo. Mấy cọng râu của tôi và của cả người chết trôi tuột qua phễu lọc.
Trong lúc cô thủ thư mặc quần áo, tôi nằm ra sofa đọc báo. Một tài xế taxi lên cơn đau tim trong khi đi xe và đâm phải cột cầu vượt – chết. Khách trên xe, một bà ba mươi hai tuổi và cháu gái bốn tuổi, bị trọng thương. Căng tin của một hội đồng xã làm món ăn trưa bằng hàu rán bị ôi, hai người chết. Ngoại trưởng bày tỏ bất bình với chính sách lãi cao của Mỹ. Một nhóm chủ nhà băng Mỹ thẩm định lãi suất của các khoản cho Trung Quốc và Nam Mỹ vay tín dụng. Bộ trưởng tài chính Peru phê phán Mỹ can thiệp kinh tế và Nam Phi. Ngoại trưởng Tây Đức nhấn mạnh sự cần thiết phải cân bằng cán cân thương mại Đức-Nhật. Syria phản đối Israel, Israel phản đối Syria. Ngoài ra còn có tư vấn cho một ông bố bị đứa con trai mười tám tuổi của mình dạo đánh. Nói cách khác là trong báo không có chữ nào quan trọng đối với tôi trong những giờ cuối đời.
Cô thủ thư đứng chải tóc trước gương trong quần vải bông màu be và sơ mi ca rô nâu. Tôi thắt cà vạt và mặc áo vest.
“Cái đầu lâu để làm gì?”, cô hỏi.
“Anh tặng em”, tôi nói. “Đặt nó vào góc nào đấy.”
“Để lên ti vi có hợp không?”
Tôi đặt cái đầu lâu đã hết phát sáng lên trên ti vi ở góc phòng.
“Được không?”
“Trông được đấy”, tôi nói.
“Nó còn phát sáng lần nữa không?”
“Nhất định”, tôi nói. Rồi tôi ôm cô, ghi nhớ kỹ hơi ấm của cô.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.