Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời

Chương 14 Part 1



Shimamoto-san mặc một cái váy trắng vô cùng đơn giản, và khoác một cái áo vest màu xanh nước biển, cổ cài một cái ghim nhỏ bằng bạc hình con cá. Da nàng nâu hơn kể từ lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau.
– Anh đã nghĩ là không bao giờ em đến nữa, tôi nói ngay với nàng.
– Lần nào anh cũng nói thế, nàng cười đáp lại.
Nàng ngồi lên một cái ghế cạnh tôi, như thường lệ, và đặt hai tay lên mặt quầy bar.
– Em đã viết cho anh là sẽ không thể đến được trong một khoảng thời gian.
– “Một khoảng thời gian” có thể rất dài đối với một người chờ đợi, em cũng biết mà.
– Nhưng, tùy theo trường hợp, đôi khi cũng cần sử dụng đến từ đó. Có những lúc không thể nói khác được.
– Và từ “có lẽ” cũng là một từ nặng nề kinh khủng.
– Đúng, nàng công nhận, và nụ cười nhỏ quen thuộc của nàng lướt qua trên môi, như một làn gió nhẹ thổi đến từ biển. Anh có lý. Tha lỗi cho em. Em không muốn tìm cách tự thanh minh, nhưng quả thật là em không thể làm khác được. Em không thể nói cách khác được.
– Em không phải xin lỗi đâu. Anh đã nói với em rồi: đây là một quán bar, khách được tự do đến khi nào họ muốn. Anh đã quen rồi. Đừng để ý nhé, cứ coi như là anh tự nói một mình đi.
Shimamoto-san gọi một ly cocktail. Rồi nàng nhìn tôi thật lâu, như thể tìm kiếm điều gì đó trên mặt tôi.
– Tối nay anh mặc khá thoải mái đấy, hiếm khi em thấy anh như thế.
– Sáng nay anh đến bể bơi, trong trang phục này, và anh không có thời gian để thay. Nhưng anh thích thế này, anh có cảm giác được trở lại là anh của ngày xưa.
– Trông anh trẻ ra đấy. Không ai đoán được là anh đã ba mươi bảy tuổi đâu.
– Cả em nữa, em không có vẻ gì là ba mươi bảy tuổi.
– Nhưng em không còn có vẻ mới mười hai tuổi nữa.
– Không, trông em không giống mười hai tuổi, tôi nói.
Ly cocktail được mang đến. Nàng uống một ngụm, nhắm mắt lại như thể đang cố gắng lắng nghe một âm thanh rất khẽ. Khi nàng hạ mi mắt xuống, lúc nào cũng xuất hiện cái đường kẻ nhỏ ở phía trên đó.
– Anh biết không, Hajime, em vẫn luôn tiếc nuối khi nhớ đến những ly cocktail này. Không ở đâu khác chúng có cùng vị như chỗ anh.
– Em đã đi xa à?
– Sao anh lại nghĩ thế?
– Đó là cảm giác mà em gây ra. Một vòng hào quang của chuyến đi xa đang bồng bềnh xung quanh em. Rất dễ đoán là em đã đi rất lâu, rất xa.
Nàng ngẩng đầu lên. Nhìn tôi. Gật đầu.
– Anh biết không, Hajime, rất lâu…, nàng mở lời, rồi dừng lại một chút như để suy nghĩ.
Tôi im lặng nhìn nàng tìm từ. Có vẻ như là nàng không tìm ra, vì nàng cắn môi trước khi mỉm cười lần nữa.
– Em xin lỗi, lẽ ra ít nhất em phải có tin tức cho anh. Nhưng em không muốn động chạm đến điều đó. Em muốn mọi thứ như chúng vốn có, trong một hình thức của sự hoàn hảo. Em đến, hoặc em không đến. Khi em đến, em ở đây với anh, và khi em không đến, thì em ở… chỗ khác.
– Không có biện pháp nửa vời, phải không?
– Đúng thế đấy, nàng đáp. Bởi vì không có những biện pháp nửa vời.
– Khi không có điểm nào nằm giữa hai điểm, thì không thể có biện pháp nửa vời được.
– Phải.
– Nói cách khác là không có bò thì không có chuồng bò.
– Chính xác, nàng nói, rồi nhìn tôi vui vẻ và nói thêm: Anh có khiếu hài hước lạ đấy.
Bộ ba nhạc công bắt đầu chơi như thường lệ bài Star Crossed Lovers. Shimamoto-san và tôi im lặng ngồi nghe bản nhạc một lúc.
– Hajime, em có thể đặt một câu hỏi được không?
– Em hỏi đi.
– Bản nhạc này có liên quan gì đến anh không? Hình như các nhạc công bao giờ cũng chơi nó mỗi khi anh đến. Đó là nội quy của quán hay là gì?
– Không hoàn toàn. Chỉ là một cách thể hiện sự quý mến anh thôi, vì họ biết anh rất thích bản nhạc đó. Chính vì thế khi nào anh có ở đây là họ chơi bài đó.
– Nhạc hay lắm.
Tôi gật đầu.
– Đúng, nhạc rất đẹp. Nhưng cũng rất phức tạp, người ta sẽ nhận ra khi nghe nó thật nhiều. Không phải ai cũng chơi được đâu. Duke Ellington và Billy Strayhorn đã viết nó đấy. Năm 1957, nếu anh không nhầm.
– Star Crossed Lovers, Shimamoto-san nói. Nghĩa là gì?
– Những tình nhân sinh ra dưới một ngôi sao xấu. Những tình nhân có số phận bất hạnh. Em biết không, trong tiếng Anh, có một từ riêng để nói điều đó. Thật ra là liên quan đến Romeo và Juliet. Ellington và Strayhorn đã viết bản nhạc này cho festival Shakespear ở Ontario. Trong đĩa đầu tiên, tiếng saxo alto của Johnny Hodges đóng vai Juliet, còn tiếng saxo tenor của Paul Gonsalves đóng vai Romeo.
– Những tình nhân sinh ra dưới một ngôi sao xấu, Shimamoto-san nhắc lại. Có thể nói rằng bản nhạc này được viết riêng cho chúng ta.
– Chúng ta là một cặp tình nhân?
– Anh không nghĩ thế à?
Tôi nhìn nàng. Nàng không cười nữa, chỉ có một tia sáng nhỏ nhảy nhót ở đáy đồng tử mắt nàng.
– Nghe này, Shimamoto-san, anh không biết gì về cuộc đời em. Mỗi lần anh nhìn vào mắt em, ý nghĩ đó lại quay lại. Anh không biết gì về em. Anh biết cô bé mười hai tuổi ngày xưa, chỉ có thế thôi. Cô bé hàng xóm học cùng lớp với anh. Nhưng đã hai mươi lăm năm trôi qua rồi. Hồi đó điệu twist đang là mốt, chúng ta đi lại bằng tramway. Chưa có băng catxet, băng vệ sinh, tàu tốc độ cao, các sản phẩm ăn kiêng. Đúng là thời Cổ đại! Và anh không biết gì về em ngoài những điều anh biết từ thời đó.
– Anh đọc được những thứ đó trong mắt em? Mắt em nói với anh: “Anh không biết gì về em hết”?
– Trong mắt em không viết câu nào cả. Trong mắt anh mới có câu: “Anh không biết gì về em.” Và câu đó phản chiếu lại trong mắt em. Nhưng thôi đừng để ý.
– Nghe này, Hajime, em thật sự rất tiếc vì không thể nói gì với anh. Nhưng em không thể làm khác được. Em không thể thay đổi được gì. Cho nên em xin anh, đừng nói với em chuyện đó nữa.
– Anh vừa nói với em xong còn gì. Đừng để ý làm gì, coi như là anh đang nói chuyện một mình đi.
Nàng đặt một bàn tay lên cổ áo vest và lấy đầu ngón tay vuốt ve chiếc ghim hình con cá, im lặng lắng nghe tiếng nhạc. Nàng vỗ tay khi bản nhạc kết thúc, uống thêm một ngụm cocktail. Rồi nàng thở dài nhìn tôi.
– Quả thật là quá dài, sáu tháng liền, nàng công nhận. Dù sao thì giờ đây em nghĩ có lẽ là em sẽ đến được trong một khoảng thời gian.
– Lại những từ ma thuật đó rồi, tôi nhận xét.
– Những từ ma thuật?
– “Có lẽ” và “một khoảng thời gian”.
Nàng nhìn tôi, một nụ cười nở trên môi. Sau đó, nàng rút từ chiếc túi xách nhỏ ra một điếu thuốc là và một cái bật lửa, và bắt đầu hút thuốc.
– Khi anh nhìn em, đôi khi anh có cảm giác là đang ngắm nhìn một ngôi sao rất xa, tôi nói thêm. Một ngôi sao rất sáng, nhưng ánh sáng thực ra đến từ cách đây hàng nghìn năm ánh sáng. Có thể là anh đang ngắm nhìn một thiên thể đã không còn tồn tại vào lúc này nữa, nhưng trong mắt anh nó thực hơn bất cứ điều gì khác.
Shimamoto-san vẫn im lặng.
– Em ở đây, tôi nói tiếp. Em có vẻ như đang ở đây. Nhưng ai biết được em có thật sự đang ở đây hay không; đó chỉ là cái bóng của em thôi. “Em” thật có thể đang ở nơi khác. Thậm chí còn có thể là nó đã biến mất đã từ rất lâu. Anh không còn hiểu được gì nữa rồi. Ngay cả khi anh chìa tay ra để kiểm tra xem em có thật sự ở đó hay không, em vẫn trốn đằng sau những từ ma thuật: “có lẽ”, “một khoảng thời gian”. Em nghĩ là mọi chuyện sẽ còn tiếp tục như thế lâu nữa?
– Cũng có lúc. Vài khi.
Tôi mỉm cười.
– Em cũng có khiếu hài hước lạ đấy, tôi nhận xét.
Shimamoto-san cũng mỉm cười. Có thể nói là những đám mây đang yên lặng hé mở để lọt những tia mặt trời đầu tiên sau cơn mưa. Những nếp nhăn nhỏ bé mềm mại ở đuôi mắt nàng dành cho tôi một lời hứa đáng yêu.
– Này, Hajime, em có một món quà cho anh đấy, nàng nói và chìa một cái hộp gói giấy rất đẹp buộc một dải ruybăng đỏ.
– Hình như là một cái đĩa, tôi nhấc cái gói lên, nói.
– Đúng, đó là một đĩa nhạc Nat King Cole. Đĩa mà chúng ta từng nghe khi còn nhỏ. Nó có làm anh thấy nhớ hồi đó không? Em tặng anh đấy.
– Cám ơn. Nhưng còn em? Đó là một kỷ niệm của bố em…
– Vẫn còn nhiều đĩa khác; cái này là để cho anh.
Tôi chăm chú nhìn cái gói buộc dải ruybăng đỏ. Tiếng rì rầm của những cuộc trò chuyện, âm nhạc mà ba người nhạc công chơi, tất cả các âm thanh đã lùi xa giống như một đợt thủy triều đột nhiên rút đi. Chỉ còn lại Shimamoto-san và tôi, tất cả những cái khác chỉ còn là những cái bóng hư ảo. Không gì khác còn là cần thiết hay thực tế, đó chỉ là những trang trí bằng giấy bồi trên sân khấu. Tất cả những gì tồn tại thật sự vào lúc đó là hai chúng tôi, Shimamoto-san và tôi.
– Xem nào, mình đi đâu nghe đĩa nhạc đi, chỉ hai chúng mình thôi.
– Sẽ rất tuyệt nếu có thể làm được, nàng trả lời.
– Anh có một ngôi nhà nghỉ nhỏ ở Hakone. Hiện nay không có ai, và có một bộ dàn stereo. Chúng ta có thể đến được đó trong vòng một tiếng rưỡi nếu đi nhanh.
– Anh muốn đến đó bây giờ? nàng hỏi.
– Phải.
Hai mắt nheo lại, nàng nhìn tôi chăm chú như thể tôi là một phong cảnh xa xăm.
– Nhưng đã quá mười giờ rồi. Nếu đi bây giờ, chúng ta sẽ chỉ có thể về vào lúc đêm muộn. Không có vấn đề gì à?
– Với anh thì không. Còn với em?
Nàng lại nhìn đồng hồ. Nhắm mắt lại mười giây. Khi nàng mở chúng ra, khuôn mặt nàng có một biểu cảm mới mẻ. Có thể nói rằng, trong lúc nhắm mắt nàng đã đi đâu đó thật xa để thoát bỏ được một gánh nặng.
– Đồng ý. Chúng ta đi thôi, nàng nói.
Tôi gọi người quản lý, nói tôi sẽ đi và giao cho ông ta nhiệm vụ trông coi mọi chuyện: ông ta sẽ phải khóa két sắt, xếp lại đống hóa đơn, mang tiền thu được đến két sắt đêm ở ngân hàng. Tôi đi xuống bãi đỗ xe ngầm dưới đất, lấy chiếc BMW, và dừng lại trước một cabin điện thoại gọi cho Yukiko.
– Anh đi Hakone đây, tôi thông báo.
– Đi Hakone? Nàng ngạc nhiên nhắc lại. Vào giờ này? Để làm gì thế?
– Anh cần suy nghĩ, tôi trả lời.
– Thế có nghĩa là tối nay anh không về nhà?
– Chắc là không.
– Nào, cho em xin lỗi vì chuyện vừa nãy. Em đã nghĩ rất nhiều về chuyện đó và tin rằng em đã sai khi làm vậy. Anh có lý. Em đã bán toàn bộ số cổ phiếu như anh muốn. Thế nên anh về nhà đi.
– Nghe này, Yukiko, anh không giận em đâu. Không hề. Đừng tự dằn vặt về chuyện lúc nãy. Anh chỉ muốn suy nghĩ đến một số chuyện. Cứ để anh suy nghĩ một đêm đi.
Cô im lặng một lát.
– Thôi được rồi, nàng mệt mỏi nói. Đồng ý, anh đi Hakone đi. Nhưng chú ý đường xá đấy nhé, trời mưa đấy…
– Anh sẽ cẩn thận.
– Em không hiểu rất nhiều điều. Anh có phải đang chịu đựng gánh nặng nào không?
– Hoàn toàn không. Vấn đề không phải ở em, em không có trách nhiệm gì hết. Nếu có vấn đề gì thì chỉ ở phía anh thôi. Đừng lo nhé. Anh chỉ muốn suy nghĩ một chút thôi.
Tôi bỏ máy, đi xe quay trở lại Robin’s Nest. Hẳn là Yukiko đã bỏ cả buổi chiều để suy nghĩ đến bữa trưa và cuộc trò chuyện của chúng tôi: cô đã nghĩ đi nghĩ lại về những gì tôi nói, về những gì cô đáp lại tôi. Tôi cảm thấy điều đó khi nghe giọng cô: cô mệt mỏi và bối rối. Điều này làm tôi cảm thấy buồn. Trời vẫn mưa. Tôi mời Shimamoto-san lên xe.
– Em không phải báo cho ai à? tôi hỏi.
Nàng im lặng lắc đầu. Rồi nàng dán mặt vào cửa kính và nhìn ra bên ngoài, giống như lần đi từ sân bay Haneda về, sau chuyến leo núi ở Ishikawa.
Đường đến Hakone rất vắng vẻ. Tôi rời khỏi đường cao tốc ở Atsugi và đi thẳng đến Odawara bằng đường tắt. Kim chỉ tốc độ trong suốt chuyến đi chỉ giữa một trăm ba mươi và một trăm bốn mươi cây số một giờ. Thỉnh thoảng, mưa nặng hạt thêm, nhưng tôi đã quen đường. Tôi biết từng chỗ rẽ, từng đoạn dốc. Khi đã lên đến đường cao tốc, cả Shimamoto-san lẫn tôi đều không nói gì nữa. Tôi bật một bản căngtet của Mozart, để âm lượng thật nhỏ và vừa nghe vừa tập trung lái xe. Thỉnh thoảng Shimamoto-san quay đầu sang nhìn tôi. Miệng tôi khô lại khi cảm thấy cái nhìn của nàng đang chiếu thẳng vào mình. Tôi buộc phải nuốt khan nhiều lần để lấy lại bình tĩnh.
Chúng tôi đi đến gần Kôzu thì nàng lên tiếng:
– Hajime, ở ngoài quán bar, anh không nghe nhiều nhạc jazz lắm phải không?
– Đúng thế, anh thích nghe nhạc cổ điển hơn.
– Tại sao?
– Có thể là vì nhạc jazz thuộc về cuộc sống của anh ở khía cạnh nghề nghiệp. Khi rời khỏi công việc, anh muốn nghe một thứ nhạc khác. Cũng có lúc anh nghe nhạc rock, nhưng nhạc jazz thì không bao giờ.
– Thế với vợ thì anh nghe nhạc gì?
– Cô ấy không thích nghe nhạc lắm. Cô ấy nghe những gì mà anh chọn, nhưng không bao giờ cô ấy tự bật cả. Thậm chí anh còn tự hỏi không biết cô ấy có biết bật dàn stereo hay không?
Shimamoto-san chìa tay về phía cái hộp đựng băng catxet và xem một vài cái. Trong số đó có những cái đĩa nhạc trẻ con mà tôi thường cùng hát với các con gái trong xe. Cảnh sát chó hoặc Tuylip. Chúng tôi cùng hát chúng khi từ trường về. Shimamoto-san nhìn những cái băng vẽ hình Snoopy bên ngoài đó một lúc lâu, như thể nàng chưa bao giờ nhìn thấy cái gì tương tự. Rồi mắt nàng lại quay về phía tôi.
– Hajime, nàng nói sau đó một lúc, khi em nhìn nghiêng anh như thế này trong khi anh lái xe, em có một ham muốn điên rồ là được giành lấy vôlăng và bẻ thật mạnh. Nếu em làm thế, cả hai chúng ta chắc sẽ chết.
– Ở tốc độ một trăm ba mươi cây số một giờ thì rất có thể đấy, đúng thế.
– Anh không thích chết cùng em à?
– Có nhiều cách đẹp hơn để chết, tôi mỉm cười nói. Và rồi, chúng ta còn chưa nghe đĩa cơ mà. Chúng ta đi để làm chuyện đó, phải không nào?
– Đừng lo, em sẽ không chạm vào vôlăng đâu. Đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua trong óc em thôi.
Mới là đầu tháng Mười, nhưng đêm đã bắt đầu giá lạnh ở Hakone. Khi đến nơi, tôi bắt đầu bằng việc đóng cầu dao điện, rồi châm lửa cho lò sưởi gaz của phòng khách. Sau đó, tôi rút từ trên giá một chai cognac và hai cái cốc. Khi căn phòng đã ấm lên một chút, chúng tôi ngồi cạnh bên nhau trên sofa giống như ngày xưa, và tôi đặt đĩa Nat King Cole lên máy. Lửa phập phồng trong lò sưởi, ánh sáng phản chiếu lại trong những cái cốc của chúng tôi. Shimamoto-san ngồi lên hai chân trên chiếc sofa. Nàng đặt một tay lên cái tựa, tay còn lại trên đầu gối. Chính xác như ngày xưa. Ngày xưa, nàng ngồi như vậy để tôi không nhìn thấy chân nàng, và có thể thói quen đó nàng vẫn giữ, dù cho ngày nay một phẫu thuật đã chữa nàng khỏi cái tật ở chân. Nat King Cole hát South of the Border, “Phía Nam biên giới”. Đã lâu lắm rồi tôi chưa nghe lại bản nhạc này.
– Em biết không, hồi còn nhỏ, anh thường xuyên tự hỏi ở Phía Nam biên giới có thể có gì, tôi nói.
– Em cũng thế. Lớn lên, khi đã hiểu được lời bài hát bằng tiếng Anh, em rất thất vọng vì đó chỉ là một bài hát về nước Mêxicô. Em nghĩ ở Phía Nam biên giới phải có cái gì đó tuyệt diệu hơn thế nhiều.
– Chẳng hạn như cái gì?
Shimamoto-san vuốt tóc ra phía sau và dùng tay đỡ nhẹ lấy.
– Em không biết. Cái gì đó rất đẹp, rất lớn, rất dịu dàng.
– Cái gì đó rất đẹp, rất lớn, rất dịu dàng? Cái gì đó ăn được à?
Nàng mỉm cười. Tôi nhìn thấy hàng răng trắng giữa đôi môi nàng.
– Không, em không nghĩ thế, có thể là không phải đâu.
– Cái gì đó có thể chạm vào?
– Phải, rất có thể là cái gì đó mà người ta có thể chạm vào.
– Có quá nhiều “có thể” trong những câu nói của em.
– Chúng ta sống trong một thế giới có rất nhiều “có thể”.
Tôi chìa tay ra, lướt qua những ngón tay của nàng đặt trên thành ghế. Đã lâu lắm rồi tôi chưa chạm vào nàng. Kể từ chuyến bay từ Komatsu về Haneda của chúng tôi. Nàng ngẩng đầu lên, nhìn tôi, rồi nàng lại cúi đầu xuống.
– Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, nàng nói.
– Phía Tây mặt trời là thế nào?
– Đó là một nơi có thật. Anh đã bao giờ nghe nói đến thứ bệnh tên là Hysteria siberiana chưa?
– Chưa.
– Cách đây đã lâu em đọc được về nó ở đâu đó, chắc là từ hồi em còn học cấp hai. Em không còn biết ở trong cuốn sách nào nữa, chỉ nhớ chắc chắn đó là một thứ bệnh mà nông dân Xibêri hay mắc phải. Anh cứ tưởng tượng mình là một người nông dân Xibêri và anh sống một mình trên thảo nguyên. Và ngày nào, ngày nào anh cũng làm ruộng. Hoang mạc ngút tầm mắt. Không có gì, hoàn toàn không có gì ở xung quanh anh. Phía Bắc, đường chân trời, phía Nam, đường chân trời, phía Đông, đường chân trời, và phía Tây, vẫn là đường chân trời. Chỉ thế thôi. Mỗi sáng, khi mặt trời hiện ra phía trên đường chân trời phía Đông, anh ra đồng làm việc,và khi mặt trời lên đến đỉnh, anh ngừng tay để ăn trưa. Khi mặt trời biến mất sau đường chân trời phía Tây, anh về nhà đi ngủ.
– Anh nghĩ cuộc đời đó rất khác với cuộc đời của một ông chủ câu lạc bộ nhạc jazz ở khu Aoyama.
– Cái đó thì hẳn rồi, Shimamoto-san mỉm cười nói, rồi nàng hơi nghiêng đầu. Quả thật là rất khác. Và, ngày nào cũng như thế, cả năm.
– Nhưng vào mùa đông thì không thể làm đất ở Xibêri được.
– Tất nhiên rồi, mùa đông thì anh nghỉ ngơi. Mùa đông anh làm việc trong nhà; rồi, khi mùa xuân tới, anh lại ra đồng làm. Anh sống một cuộc sống như thế đấy. Anh cứ tưởng tượng anh là một nông dân ở Xibêri đi.
– Xong rồi, tôi nói.
– Một ngày đẹp trời, trong sâu thẳm con người anh có cái gì đó chết đi.
– Chết? Cái gì chết?
Shimamoto-san lắc đầu.
– Em không biết. Cái gì đó. Cái gì đó gãy đi trong người anh và chết, khi mà suốt đời anh cứ nhìn mặt trời hiện ra phía trên đường chân trời phía Đông, hoàn thành cái vòng cung di chuyển của nó và đi ngủ sau đường chân trời phía Tây. Khi đó, anh sẽ vứt cái cuốc xuống đất, và không nghĩ ngợi gì nữa, anh đi thẳng về phía Tây. Về phía Tây mặt trời. Và anh cứ đi như thế hàng ngày trời không ăn không uống, như thể bị bỏ bùa, và cuối cùng anh gục xuống đất và chết. Chứng hysterie Xibêri là như thế đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.