Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời

Chương 06



Năm hai mươi tám tuổi, tôi gặp một chuyện khác, lần này thật sự đáng kinh ngạc, với một cô gái khập khiễng chân. Tôi không bao giờ hiểu nổi ý nghĩa của sự cố quá mức kỳ lạ đó.
Một hôm, trong đám đông cuồn cuộn ở khu Shibuya dịp sắp đến kỳ nghỉ lễ cuối năm, tôi nhìn thấy một phụ nữ khập khiễng chân theo đúng lối của Shimamoto-san. Cô mặc một chiếc măngtô dài màu đỏ và kẹp dưới cánh tay một cái túi xách màu đen bóng. Chiếc đồng hồ đeo tay bằng bạc ở cổ tay phải, cũng như mọi thứ trên người cô, đều có vẻ vô cùng đắt tiền. Tôi đang bước đi ở hè đường bên kia, nhưng vừa thoáng nhìn thấy cô tôi liền chuyển bên. Phố đông người đến mức người ta phải tự hỏi từ đâu ra mà lắm người đến thế, nhưng tôi không mất quá nhiều thời gian để đuổi kịp cô: cái chân không cho phép cô đi nhanh. Cách cô khập khiễng chân trái, hơi quay thành một vòng tròn, giống với lối đi của Shimamoto-san đến mức tôi không thể ngăn mình không đi theo. Vừa đi sau cô, tôi vừa ngắm nhìn không mệt mỏi cái vòng tròn duyên dáng mà hai cái chân mặc vải lụa vẽ lên. Sự duyên dáng đó chỉ có thể là kết quả của một kỹ thuật phức tạp có được sau một thời gian luyện tập dài.
Tôi đi một lúc như vậy sau cô, giờ đây chúng tôi chỉ còn cách nhau một quãng ngắn. Thật khó theo đúng nhịp bước của cô, trái ngược hẳn với nhịp đi của những người qua đường vội vã quanh chúng tôi. Thỉnh thoảng tôi lại phải dừng lại, vờ nhìn vào một cửa kính, hoặc tìm gì đó trong túi để làm chậm bước đi. Hai bàn tay cô đeo găng da màu đen, một tay cầm một cái gói giấy đỏ ghi tên một cửa hàng lớn. Cô đeo một cặp kính đen rất to, dù trời đang mùa đông, không khí màu ghi xám. Từ sau lưng, tôi chỉ có thể nhìn được một mái tóc tuyệt đẹp được chăm sóc cẩn thận, quăn ra bên ngoài thành từng lọn thanh lịch rủ xuống đến hai vai, và chiếc măng tô màu đỏ may từ một thứ vải ấm và mềm. Dĩ nhiên mối bận tâm chủ yếu của tôi là xem đó có phải Shimamoto-san hay không. Việc đó không có gì khó: chỉ cần đi vượt lên trước và quay lại nhìn mặt cô. Chỉ có điều, nếu đó là cô, tôi sẽ nói gì? Phải có thái độ như thế nào? Và rồi, cô có nhận ra tôi không? Tôi cần thời gian để suy nghĩ đến tất cả những thứ đó. Và phải nén được hơi thở của mình, giảm bớt được những cơn cảm xúc.
Thế nên tôi tiếp tục đi theo cô, tìm cách không vượt qua. Cô không nhìn về sau lần nào, cũng không hề dừng lại. Có vẻ như cô không nhìn thấy gì xung quanh. Cô bước đi, hướng về một cái đích nào đó, đầu ngẩng cao, lưng thẳng, giống hệt Shimamoto-san ngày xưa. Nếu chỉ nhìn nửa người phía trên, không thể biết được là cô khập khiễng chân. Chỉ có điều là cô đi theo một nhịp điệu không nhanh bằng những người khác. Càng nhìn dáng vẻ của cô, tôi càng chắc chắn đó chính là Shimamoto-san. Có thể nói rằng hai dáng vẻ đó giống nhau như hai giọt nước.
Vượt qua đám đông đang chặn kín các ngả của nhà ga Shibuya, người phụ nữ bắt đầu đi lên con dốc dẫn về Aoyama. Cô còn đi chậm hơn nữa khi bắt đầu phải lên dốc, đi qua một chặng đường dài đến mức lẽ ra tốt hơn hết là nên đi bằng taxi. Ngay một người không có tật gì ở chân cũng đã thấy mệt khi phải đi xa như thế. Thế nhưng người phụ nữ vẫn tiếp tục hơi khập khiễng tiến lên như thể không có chuyện gì. Và tôi, tôi tiếp tục đi theo, luôn giữ cùng một khoảng cách. Cô không quay đầu lại, không dừng bước. Thậm chí cô còn không hề nhìn sang các cửa kính, chỉ đôi khi đổi tay chiếc túi xách và cái gói của cửa hàng lớn, mà không thay đổi tư thế hoặc nhịp bước.
Sau một lúc, cô đi vào một phố ngang nhỏ, thoát khỏi đám đông trên đại lộ chính. Có vẻ như cô đã rất thông thạo địa hình khu này. Ngay khi đi lệch một chút khỏi các dãy phố buôn bán nhộn nhịp, người ta bước vào một khu dân cư yên tĩnh. Tôi đi theo cô, chú ý giữ một khoảng cách khả dĩ giữa chúng tôi, vì cuộc theo đuôi này giờ đã trở nên khó khăn hơn khi người qua đường ít dần đi.
Tôi cứ đi như thế khoảng bốn mươi lăm phút. Theo sau cô, tôi đi vào giữa những đường phố vắng người, qua nhiều ngã tư, lại rơi vào giữa đám đông, khi đến đại lộ Aoyama. Ở đó, cô bước thẳng, như thể đã quyết định từ trước, vào một quán cà phê nhỏ theo phong cách phương Tây. Tôi thận trọng đi tiếp trên đại lộ khoảng mười phút rồi mới bước vào quán.
Tôi nhận ra cô ngay lập tức: cô ngồi ở một cái bàn lưng quay ra cửa, vẫn không cởi chiếc măng tô đỏ dù trong quán rất nóng. Cái áo măngtô trong thật không hợp, quá xịn so với nơi này. Tôi ngồi xuống một cái bàn ở góc, gọi một tách cà phê, rồi vớ ngay lấy một tờ báo, vờ đọc chăm chú trong khi vẫn theo dõi cô bằng khóe mắt. Một tách cà phê đặt trước mặt cô, nhưng tôi không hề thấy cô chạm vào. Đến một lúc, cô rút từ trong túi xách ra một bao thuốc lá và châm một điếu bằng một cái bật lửa mạ vàng. Đó là cử chỉ duy nhất của cô, trong suốt khoảng thời gian cô ngồi đó ngắm nhìn đường phố. Cô có vẻ đang nghỉ ngơi, và cùng lúc lại suy nghĩ đến một điều gì đó rất quan trọng. Tôi uống tách cà phê của mình, đọc lại lần thứ không biết bao nhiêu vẫn bài báo đó.
Sau đó, cô đứng dậy, như thể vừa quyết định xong, và tiến về bàn tôi. Hành động của cô đột ngột đến mức tưởng chừng trong một lúc tim tôi đã ngừng đập. Nhưng cô không đi về phía tôi: cô đi qua bên cạnh và bước thẳng đến máy điện thoại nằm gần cửa. Cô nhét một đồng xu vào máy và bấm số.
Cái điện thoại nằm không xa bàn tôi lắm, nhưng tiếng nói chuyện xung quanh và tiếng nhạc Giáng sinh đang phát ở loa khiến tôi không nghe được cô nói những gì. Cô nói rất lâu. Tách cà phê trên bàn cô đã nguội đi mà cô thậm chí không hề chạm môi đến. Khi cô đi về phía tôi, tôi đã thỏa thích quan sát cô; tuy thế tôi vẫn không thể cả quyết đó có phải là Shimamoto-san hay không. Cách trang điểm đậm và đôi kính râm che khuất phần lớn khuôn mặt cô. Đôi lông mày của cô được vẽ lại bằng bút kẻ, một lớp son đỏ chói phủ lên đôi môi mỏng và cắn chỉ của cô. Lần cuối cùng tôi gặp Shimamoto-san, cả hai chúng tôi đều mười hai tuổi. Kể từ đó, hơn mười lăm năm đã trôi qua. Khuôn mặt người phụ nữ này có mơ hồ nhắc lại với tôi khuôn mặt Shimamoto-san hồi nhỏ, nhưng cũng rất có thể đó là một người hoàn toàn khác. Tất cả những gì tôi biết, là người phụ nữ này khoảng ba mươi tuổi, có những đường nét đều đặn, mặc quần áo đắt tiền và đi chân khập khiễng.
Ngồi trên ghế, bất động, mồ hôi tôi rơi thành từng giọt lớn. Áo lót của tôi ướt đẫm. Tôi bỏ áo măngtô, gọi thêm một tách cà phê nữa. “Mình đang làm gì thế này?” tôi tự hỏi. Hôm đó tôi đến khu Shibuya để mua một đôi găng tay vì vừa làm mất đôi trước. Nhưng, ngay khi nhìn thấy người phụ nữ đó, tôi đã đi theo, như thể bị bỏ bùa. Nếu biết cách cư xử bình thường hơn, lẽ ra tôi phải đến trước cô mà nói thẳng:
Xin lỗi. có phải cô là Shimamoto-san không?
Đó sẽ hẳn là cách nhanh nhất để có thể biết chắc được. Chỉ có điều, tôi đã không làm như vậy. Tôi đã im lặng bám theo cô, và giờ đây, tôi ở vào cái thế không thể bước lùi được nữa.
Khi đã nói xong điện thoại, cô quay lại chỗ ngồi nhìn ra cửa sổ, không nhúc nhích, lưng quay về phía tôi. Cô phục vụ lại gần để hỏi có thể mang tách cà phê đã nguội đi không, hoặc, ít nhất, đó là điều tôi nghĩ vì tôi ở quá xa để có thể nghe được họ nói gì. Người phụ nữ kia quay ra, gật đầu thay vì trả lời và có vẻ như gọi thêm một tách cà phê. Và cũng không đụng đến nhiều hơn tách trước. Thỉnh thoảng tôi rời mắt khỏi tờ báo để quan sát người phụ nữ từ sau lưng. Tôi thấy cô nhiều lần nhấc cổ tay lên xem giờ ở chiếc đồng hồ đeo tay bằng bạc. Có vẻ như là cô đang chờ đợi ai đó. “Đây có thể là cơ may cuối cùng của mình”, tôi nghĩ. Một khi giờ hẹn của cô đến, tôi sẽ mất hoàn toàn cơ hội để nói chuyện với cô. Nhưng tôi vẫn không sao đứng lên khỏi ghế của mình được. “Mình vẫn còn thời gian, tôi tự thuyết phục. Không có gì vội cả, mình vẫn còn thời gian.”
Mười lăm hoặc hai mươi phút trôi đi mà không có chuyện gì xảy ra. Người phụ nữ vẫn nhìn ra cửa sổ. Rồi, đột nhiên, cô chầm chậm đứng dậy, kẹp túi sách vào sát người, cầm lấy cái gói của cửa hàng lớn ở tay kia. Hẳn là cô đã chán chờ đợi rồi. Hoặc cũng có thể là cô không chờ đợi ai. Tôi nhìn cô bước đi ra đến quầy thanh toán, trả tiền, và đi ra; đến lượt mình, tôi cũng đứng dậy, trả tiền mấy tách cà phê và tiếp tục đi theo cô. Chiếc măngtô đỏ khiến cô nổi bật hẳn trong đám đông. Tôi rảo bước để theo kịp, xô đẩy những người đi bộ ngáng đường.
Cô giơ tay vẫy một cái taxi. Một chiếc nhanh chóng đỗ lại cạnh đường, nháy đèn liên tục. “Nói chuyện với cô ấy đi. Lúc này. Nếu cô ấy lên chiếc taxi kia, mọi chuyện sẽ chấm dứt.” Đúng vào lúc cuối cùng tôi cũng quyết định được là sẽ đi thẳng về phía cô, một ai đó nắm thật chặt vào cánh tay tôi. Cú nắm không đủ sức làm tôi đau, nhưng cũng khá mạnh khiến tôi không thở nổi. Tôi quay lại, nhìn thấy một người đàn ông trạc bốn mươi lăm tuổi đang nhìn tôi chằm chằm. Mặc một chiếc pacđờxuy màu ghi đậm, đeo một chiếc khăn Cachemire quanh cổ, ông ta có vẻ rất khỏe, mặc dù thấp hơn tôi vài xăngtimét. Mái tóc chẻ ngôi giữa rất chỉn chu và đôi kính gọng đồi mồi cho thấy ông ta là một người có vai vế trong xã hội; hẳn là ông ta phải tập một môn thể thao ngoài trời, vì da ông ta rám nắng rất đẹp. Có thể là trượt tuyết chăng?
Hoặc là tennis. Ông làm tôi nghĩ đến bố của Izumi, người rất mê tennis: ông cũng có nước da tương tự. Hẳn tay này cũng có địa vị cao trong xã hội, tôi tự nhủ. Một công chức cao cấp chẳng hạn?” Điều đó có thể thấy rõ khi nhìn vào mắt ông ta, cái nhìn đã quen ra lệnh cho người khác.
Chúng ta đi uống cà phê nhé? ông ta thản nhiên đề nghị.
Tôi ngoái nhìn bóng hình người phụ nữ vận đồ đỏ. Khi cúi đầu để bước vào cửa xe taxi, cô liếc nhìn tôi từ sau đôi kính râm. Ít nhất thì tôi có cảm giác là cô làm vậy. Rồi cửa xe taxi đóng lại, và cô biến mất khỏi tầm nhìn của tôi. Tôi còn lại một mình đối diện với người đàn ông tứ tuần xa lạ.
Tôi sẽ không làm anh mất nhiều thời gian đâu, ông ta nói giọng hoàn toàn bình thản.
Ông ta không có vẻ gì tức giận hay kích động. Ông ta vẫn luôn giữ cùi chỏ tay tôi, không chút biểu cảm, đến mức như thể ông ta đang giữ cửa để cho ai đó đi qua vậy.
Tôi chỉ muốn uống cà phê và nói chuyện một lúc với anh thôi, ông ta nói rõ hơn.
Tất nhiên, tôi có thể từ chối và bỏ đi. Tôi có thể trả lời ông ta: “Nghe này, tôi không hề muốn uống cà phê, tôi không có gì để nói với ông. Tôi không biết ông là ai, và tôi đang bận, bỏ quá cho nhé.” Nhưng tôi chỉ im lặng nhìn ông ta, rồi gật đầu và đi cùng ông ta vào đúng cái quán mà tôi vừa đi ra. Có thể là sức mạnh ông ta dùng để tóm lấy cùi chỏ của tôi đã làm tôi quy phục? Cách nắm tay đó cho thấy ông ta là người hết sức cả quyết. Ông ta giữ liên tục một áp lực chắc chắn và chính xác, cân bằng giống như êtô của một cái máy. Thái độ của ông ta sẽ như thế nào nếu tôi từ chối đề nghị đó? Tôi không mảy may hay biết.
Lẫn trong sự e ngại mơ hồ đó là nỗi tò mò. Người đàn ông này muốn nói chuyện gì với tôi? Nhỡ đâu ông ta có thông tin gì đó về người phụ nữ tôi vừa đi theo chăng? Giờ đây khi cô đã biến mất, hẳn ông ta sẽ là sợi dây liên hệ duy nhất còn lại giữa cô và tôi. Và rồi, khi đã vào trong quán, ông ta sẽ không thể làm gì được tôi, tôi sẽ được an toàn.
Chúng tôi ngồi đối diện nhau, im lặng, nhìn nhau chăm chăm qua cái bàn cho đến khi cô phục vụ đi đến. Người đàn ông gọi hai tách cà phê
Tại sao anh đi theo cô ấy lâu thế? Ông ta lên tiếng hỏi, giọng rất lịch sự.
Tôi không trả lời. Ông ta vẫn nhìn tôi chằm chằm bằng cặp mắt không chút biểu cảm của mình.
Anh đã đi theo cô ấy từ ga Shibuya. Một cuộc bám đuôi rất dễ phát hiện khi mà nó kéo dài đến thế, ông ta nhận xét.
Tôi vẫn không nói gì. Người phụ nữ kia hẳn đã vào quán này vì cô biết mình đang bị theo dõi, và cô đã gọi điện cho người đàn ông này nhờ giúp đỡ.
Nếu anh không muốn nói, thì đừng nói gì. Tôi biết tất cả, anh không cần phải thêm vào điều gì hết đâu.
Hẳn là ông ta phải tức tối lắm, nhưng giọng ông ta không hề để lộ điều đó. Bình thản và lịch sự, nó không hề run lên một chút nào.
Tôi có thể áp dụng rất nhiều biện pháp, ông ta nói tiếp. Thật đấy, chỉ cần muốn, tôi thật sự có thể làm những gì tôi muốn một cách hết sức dễ dàng.
Rồi ông ta ngừng nói và lại nhìn tôi chằm chằm, vẻ mặt như muốn nói: “Nói thêm cũng vô ích thôi, anh đã hiểu tôi rồi.” Tôi tiếp tục im lặng.
Chỉ có điều, tôi không muốn làm tình hình trở nên tồi tệ, ông nói tiếp. Tôi không hề muốn làm ồn ào mọi chuyện mà không được tích sự gì. Anh hiểu chứ? Nhưng phải biết là chỉ lần này được như thế thôi.
Sau đó, ông ta đút bàn tay phải, cho đến khi đó nó vẫn đặt trên bàn, sâu vào túi áo pacđờxuy, và rút ra một cái phong bì màu trắng kiểu hành chính, không có gì đặc biệt bàn tay trái vẫn nằm im lìm trên bàn.
Cầm lấy, cầm và không nói gì, mọi chuyện sẽ dừng ở đây. Tôi nghĩ là anh đã đi theo
cô ấy chỉ vì đã có ai đấy yêu cầu anh làm vậy; vì thế, nếu có thể, tôi muốn mọi chuyện giải quyết một cách êm thắm. Và không cần nói thêm gì hết. Anh đã không nhìn thấy gì đặc biệt hôm nay, và anh chưa bao giờ gặp tôi. Hiểu rõ chưa? Nếu tôi biết được là anh nói ra, tôi sẽ dàn xếp để tìm lại được anh. Cho nên anh ngừng theo dõi cô ấy đi. Chúng ta không muốn gây chuyện khó dễ cho nhau, phải không nào?
Nói xong những lời đó, ông ta đẩy cái phong bì về phía tôi, đứng dậy, cầm lấy phiếu tính tiền cà phê như thể giật nó lên khỏi mặt bàn, và rảo bước rời khỏi quán. Hoàn toàn mất phương hướng, tôi ngồi một lúc lâu không cử động. Rồi tôi cầm lấy cái phong bì đặt trước mặt, nhìn vào: bên trong có mười tờ mười nghìn yên mới toanh, không một nếp gấp. Đột nhiên miệng tôi khô khốc. Nhét cái phong bì vào túi, tôi rời khỏi quán. Sau khi quan sát xung quanh để chắc chắn người đàn ông lạ mặt không còn ở đó nữa, tôi lấy một chiếc taxi, quay lại Shibuya. Đó là toàn bộ câu chuyện như nó đã diễn ra.
Tôi giữ lại cái phong bì đựng một trăm nghìn yen. Nó nằm trong một ngăn kéo bàn làm việc của tôi, khóa thật kỹ. Trong những đêm mất ngủ, tôi nhìn thấy lại khuôn mặt người đàn ông đó. Như là một tiền triệu xấu quay trở lại hành hạ tôi. Đó có thể là ai? Và người phụ nữ, đó là Shimamoto-san hay không phải?
Tiếp sau đó, tôi xây dựng về giả thuyết nhiều sự cố này theo lối trò chơi ghép hình với các mảnh ghép không mấy ăn nhập với nhau. Tôi xây dựng một giả thuyết, phá bỏ đi rồi bắt đầu lại. Người đàn ông là tình nhân của cô gái đi khập khiễng, hai người nghĩ tôi là một thám tử tư được người chồng đang nghi ngờ điều gì đó thuê theo dõi cô: đó là cách giải thích hợp lý nhất trong những gì tôi nghĩ ra. Người tình kia đã muốn mua sự im lặng của tôi. Hoặc thay vào đó, cô vừa bí mật hẹn gặp ông ta ở Shibuya vào đúng lúc tôi bắt đầu theo dõi và họ nghĩ rằng tôi đã nhìn thấy họ gặp nhau. Điều đó hoàn toàn là có thể. Nhưng tôi không hoàn toàn bị thuyết phục với cách lập luận khá là logic đó. Tôi vẫn còn vài nghi ngờ.
Chẳng hạn, ông ta muốn ám chỉ điều gì khi nói đến các “biện pháp” mà ông ta có thể sẽ dùng đến nếu ông ta muốn? Và tại sao ông ta lại tóm lấy tay tôi theo cái lối kỳ cục đó? Tại sao người phụ nữ trước đó không lên ngay một chiếc taxi, nếu cô biết mình đang bị theo dõi? Chỉ cần làm vậy là đủ để loại tôi ngay lập tức. Và tại sao người đàn ông đó lại đưa ngay cho tôi một món tiền lớn đến thế, mà trước đó, không buồn kiểm tra chắc chắc xem tôi có phải là người mà ông ta tưởng hay không?
Dù có suy nghĩ đến đâu, cả câu chuyện này vẫn là một dấu hỏi lớn. Đôi khi tôi còn thậm chí tự hỏi không biết toàn bộ liệu có phải là sản phẩm của trí tưởng tượng của tôi hay không. Hay là một giấc mơ dài thật đến mức cuối cùng đã khoác lên mình bộ quần áo của thực tế. Nhưng không phải, chuyện đó quả thật đã xảy ra. Tôi còn bằng chứng là cái phong bì trắng trong ngăn kéo phòng làm việc của mình: đó không phải là một ảo giác, mười tờ mười ngàn yen ở bên trong cũng rất thật. Mọi chuyện đều đã xảy ra. Thật sự đã xảy ra. Thỉnh thoảng, tôi rút cái phong bì ra, đặt lên trên bàn và nhìn chằm chằm vào nó. Thật sự đã xảy ra.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.