Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 2)

Chương – 8



Bây giờ Bilibin giữ một chức vụ ngoại giao bên cạnh Bộ tổng tư lệnh và tuy viết bằng tiếng Pháp với những câu bông đùa và những thành ngữ Pháp, ông ta vẫn miêu tả chiến dịch với một thái độ can đảm đặc biệt của người Nga, không sợ tự phê phán mình và tự chế nhạo mình. Bilibin viết rằng bổn phận phải kín đáo của nhà ngoại giao làm cho ông ta khổ sở và ông ta cảm thấy sung sướng vì có một người bạn trao đổi thư từ đáng tin cậy là công tước Andrey mà ông ta có thể trút tất cả những điều bực tức đã tích luỹ bấy lâu vì phải chứng kiến những sự việc xảy ra trong quân đội. Bức thư này đã cũ viết từ trước khi xảy ra trận Proixich. Bilibin viết:

“Sau những thắng lợi của ta ở Austerlix, như anh đã biết, công tước thân mến, tôi không rời khỏi Bộ tổng tư lệnh nữa. Quả thực tôi đã bắt đầu thấy thích chiến tranh rồi, và như thế cũng hay. Những điều tôi được mục kính ba tháng nay thực là không thể nào tin được.

Tôi xin nó “từ đầu”. Kẻ thù của nhân loại, như anh đã biết, xông vào đánh quân Phổ. Quân Phổ là ông bạn đồng minh trung thành của ta, suốt ba năm nay, chỉ lừa ta có ba lần. Ta đứng về phía họ và trợ thủ cho họ. Nhưng xem ra thì kẻ thù của nhân loại chẳng cần đếm xỉa gì đến những lời lẽ hay ho của chúng ta và với cái thói vô lễ và dã man của hắn, hắn đã xông vào đánh quân Phổ không để lại cho họ có thì giờ kết thúc cuộc duyệt binh đã bắt đầu và chỉ trong nháy mắt, hắn đã đánh cho quân Phổ một trận ê chề rồi đến ngự ở điện Potxdam. Vua Phổ viết cho Buônapáctê: “Tôi hết sức thiết tha mong mỏi rằng Hoàng đế sẽ hài lòng về cách nghênh tiếp và chiêu đãi. Bệ hạ trong cung điện của tôi, và tôi đã hết lòng lo lắng thi hành mọi biện pháp có thể thi hành được trong hoàn cảnh hiện nay. Mong sao những niềm mong mỏi của tôi được thực hiện như ý!”

Tóm lại, chúng ta hy vọng rằng chỉ riêng cái tư thế quân sự của ta thôi cũng đủ khiến họ phải kiêng dè, nhưng kết quả hóa ra là chúng ta đã bị lôi cuốn vào một cuộc chiến tranh thực sự, hơn nữa lại là một cuộc chiến tranh ở ngay biên giới nước ta “Liên minh với vua Phổ”. Lệ bộ đều hoàn toàn đày đủ chỉ thiếu một điều nhỏ nhặt thôi, đó là một vị Tổng tư lệnh. Vì nhận thấy rằng những thắng lợi ở Austerlix lẽ ra sẽ có giá trị quyết định hơn giá như vị Tổng tư lệnh không đến nỗi trẻ con như Kutuzov, nên người ta đã điểm duyệt tất cả những cụ già tám mươi và giữa Proxovxki và Kamenxki thì người ta đã chọn Kamenxki. Tổng tư lệnh đi xe kibitka… đến gặp chúng tôi theo kiểu Xuvorov là đã được nghênh tiếp bằng những tiếng hoan hô mừng rỡ và đắc thắng.

Ngày 4, chuyến thư đầu tiên từ Petersburg đến. Người ta đưa các hòm thư vào phòng làm việc của nguyên soái, vì ông ta vốn thích thân hành làm tất cả mọi tiệc. Người ta gọi tôi vào giúp một tay để phân loại các thư từ và nhận lấy những bức thư nào gửi cho chúng tôi. Nguyên soái nhìn chúng tôi làm và chờ đợi những gói thư gửi cho ngài. Chúng tôi tìm mãi chẳng thấy bức thư nào cả. Nguyên soái đâm sốt ruột, tự mình bắt tay vào tìm thì thấy toàn những thư của hoàng đế gửi cho bá tước T., cho công tước V… và cho những người khác. Thế là ông ta nổi giận lôi đình, một trong những trận lôi đình kinh khủng mà ông ta thường có. Ông ta nổi khùng thét lác chửi bới mọi người, vồ lấy những bức thư, bóc ra và đọc những bức Hoàng đế gửi cho người khác. Đấy, người ta đối xử với tôi như thế đấy! Người ta không tin tôi, cho người theo dõi tôi. Tốt lắm, thôi cút đi! Và ông ta viết bản nhật lệnh Trứ danh cho tướng Benrigxen: “Tôi bị thương không cưỡi ngựa được, cho nên không thể nào cầm quân. Ông đã đem bại quân ở Pultuxt về. Ở đấy nó phải ở giữa trời, không có củi đốt, không có cỏ cho ngựa ăn, vì vậy cần phải có biện pháp bổ cứu, và như hôm qua chính ông đã nói với bá tước Bukxhevden, bây giờ cần phải rút lui về phía biên giới nước ta, và việc ấy phải thực hiện ngay hôm nay”.

Ông ta lại viết thư gửi hoàng thượng:

“Qua những cuộc hành quân vừa rồi, tôi đi ngựa nhiều nên bị yên ngựa cọ sớt ra, vết thương đó thêm vào những cuộc chuyển quân trước đây đã khiến cho tôi tuyệt nhiên không thể nào cưỡi ngựa và chỉ huy một đạo quân to lớn như thế này được nữa. Vì vậy tôi đã giao quyền chỉ huy cho viên tướng thâm niên nhất sau tôi là bá tước Bukxhevden. Tôi đã trao cho ông tất cả các cơ quan quản lý quân đội của tôi và tất cả các bộ phận tuỳ thuộc. Tôi đã khuyên ông ta nếu thiếu bánh mì thì phải rút lui về phía biên giới bằng cách thâm nhập vào nội địa nước Phổ bởi vì chỉ còn có đủ bánh mì cho một ngày và như các vị chỉ huy các sư đoàn Oxderman và Xedmoretxki đã báo cáo, thì trong một vài trung đoàn chẳng còn gì nữa, còn như lương thực của nông dân thì đều đã ăn hết. Về phần tôi, tôi sẽ ở lại bệnh viện Oxterman cho đến khi khỏi bệnh. Tôi xin kính cẩn dâng trình bản báo cáo này lên bệ hạ và xin báo thêm với bệ hạ rằng nếu quân đội ta còn đóng trại lộ thiên ở đây mươi lăm ngày nữa thì sang xuân sẽ không còn lấy một người nào khỏe mạnh.

Xin bệ hạ cho phép một người già cả được về quê, với niềm sỉ nhục là đã không hoàn thành được cái sứ mệnh to lớn và quang vinh mà mình đã được chọn làm người thực hiện. Ở đây, trong bệnh viện, tôi sẽ chờ lượng hải hà của bệ hạ ban ơn cho tôi khỏi phải làm nhiệm vụ một viên thư lại ở trong quân đội chứ không phải nhiệm vụ của một người chỉ huy. Việc tôi ra khỏi quân đội sẽ không gây nên những lời bàn ra tán vào, chẳng qua cũng chỉ như một người mù ra khỏi quân đội. Ở nước Nga những người như tôi có đến hàng ngàn”.

Nguyên soái giận hoàng đế và trừng phạt cả bọn chúng tôi; như thế chẳng phải là hợp lẽ lắm ru!

Đó là hồi thứ nhất, sang các hồi sau dĩ nhiên là càng thêm thú vị và buồn cười. Sau khi nguyên soái đi rồi, chúng tôi bỗng thấy quân địch đã với trước mặt và thế nào cũng phải giao chiến. Nếu tính thâm niên thì Bukxhevden phải là Tổng tư lệnh, nhưng Benntgxen không tán thành điều đó. Hơn nữa, chính ông ta và quân của ông ta đang đối diện với địch, là ông ta muốn nhân cơ hội này đánh một trận “Aux eigener Hand” (chính tay mình) như người Đức thường nói. Ông ta khai trận. Đó là trận Pultuxk mà người ta cho đây là một trận thắng lớn, nhưng theo ý tôi thì chẳng thắng chút nào. Như anh đã biết, bọn dân sự chúng tôi có một cái thói xấu khi nhận định sự thắng bại của một trận đánh. Chúng tôi nói như thế này, bên nào rút lui sau trận đánh là bên đó thua, và nếu căn cứ vào điều đó thì chúng ta đã thua trận Pultuxk. Tóm lại, chúng tôi rút lui sau khi đánh, nhưng chúng tôi lại phái người về Petersburg mang tin thắng trận, và tướng Benntgxen không nhường chức tổng tư lệnh cho Bukxehevden vì hy vọng rằng để thưởng công cho ông ta đã chiến thắng, sẽ có lệnh từ Petersburg đến phong ông ta làm tổng tư lệnh. Trong cái thời gian quá độ ấy, chúng tôi bắt đầu một kế hoạch hành binh hết sức thú vị và độc đáo. Mục đích của chúng tôi không phải là tránh hay tấn công quân địch như theo đúng lẽ thường mà chỉ là làm sao tránh tướng Bukxehevden là người mà về mặt thâm niên lẽ ra phải là tổng tư lệnh của chúng tôi.

Chúng tôi đeo đuổi mục đích ấy một cách kiên quyết đến nỗi khi qua một con sông không thể lội qua được thì chúng tôi đốt cầu để chặn đường quân địch của chúng tôi. – Quân địch ở đây tạm thời không phải là Buônapáctê mà là Bukxehevden. Tướng Bukxehevden chỉ thiếu chút nữa thì bị lực lượng địch mạnh hơn tấn công và bắt sống, cũng là do cuộc hành binh hay ho của chúng tôi rôi để trốn tránh ông ta. Bukxehevden đuổi theo chúng tôi, chúng tôi bỏ chạy: Hễ ông ta sang bên này sông, về phía chúng tôi, là chúng tôi lập tức sang bên kia sông.

Cuối cùng, kẻ địch của chúng tôi đuổi kịp và tấn công chúng tôi Hai vị tướng nổi giận. Thậm chí Bukxhevden còn thách đấu súng và Benrigxen bị động kinh ngất đi. Nhưng vừaa đúng vào lúc tình hình đang nguy ngập như vậy thì người ta đã đưa tin chúng tôi thắng trận ở Pultuxk về kinh đô nay lại mang một mệnh lệnh từ Petersburg đến phong chúng tôi làm tổng tư lệnh, và thế là kẻ địch thứ nhất của Bukxhevden đã bị tiên diệt. Bấy giờ chúng tôi có thể nghĩ đến kẻ địch thứ hai là Buônapáctê. Nhưng ngay lúc ấy trước mắt chúng tôi lại xuất hiện một kẻ địch thứ ba, đó là quân đội chính giáo đang lớn tiếng đòi bánh mì, thịt, lương khô, cỏ ngựa những thứ gì nữa tôi nào biết được. Các kho lương thực thì trống không, còn đường xá thì không đi lại được. Đạo quân chính giáo bắt đầu cướp bóc, và cướp bóc một cách ghê gớm đến nỗi chiến dịch trước chằng thấm vào đâu. Một nửa quân số các binh đoàn trở thành những đội quân tự do đi lùng khắp làng, đốt sạch và phá sạch. Nhân dân khốn khổ điêu đứng, các bệnh viện đầy ắp những người bệnh, và nạn đói lan tràn khắp nơi. Bộ tổng tư lệnh cũng đã hai lần bị những đội quân ăn cướp tấn công và bản thân vị Tổng tư lệnh đã phải gọi một tiểu đoàn đến đuổi chúng. Trong một cuộc tấn công như vậy người ta đã đem cái hòm không và cái áo ngủ của tôi đi mất. Hoàng đế muốn cho tất cả các sư đoàn trưởng được quyền xử bắn bọn ăn cướp, nhưng tôi e rằng làm thế thì chẳng khác nào bắt buộc một nửa quân đội xử bắn nửa kia”.

Lúc đầu công tước Andrey chỉ đọc bằng mắt nhưng dần dần, tuy chàng biết rõ nên tin Bilibin đến mức nào, những điều chàng đọc mỗi lúc một khiến chàng chú ý. Đọc đến chỗ này, chàng vò nát bức thư đi. Chàng bực tức không phải vì nội dung bức thư mà vì nhận thấy cái cuộc sống xa lạ ấy sao lại có thể làm cho chàng xúc động. Chàng nhắm mắt lại, lấy tay xoa lên trán như muốn xua đuổi hết mối quan tâm đối với những điều chàng vừa đọc và lắng nghe xem trong phòng trẻ động tĩnh ra sao. Đột nhiên chàng thấy như đằng sau cánh cửa có tiếng gì là lạ. Chàng chợt thấy sợ hãi, chàng sợ con chàng có mệnh hệ nào trong lúc chàng đang đọc thư. Chàng rón rén bước đến cửa phòng đứa bé và mở ra. Ngay lúc bước vào chàng thấy người vú em vẻ hoảng hốt đang che giấu chàng một vật gì và không thấy công tước tiểu thư Maria ở cạnh giường con nữa.

– Anh ơi. – Sau lưng chàng có tiếng thì thầm của tiểu thư Maria mà chàng có cảm giác là một tiếng thì thầm tuyệt vọng. Như người ta vẫn thường cảm thấy sau một thời gian dài mất ngủ và lo âu bứt rứt, một nỗi lo sợ vô cớ đột nhiên tràn vào lòng chàng: Chàng chợt nảy ra ý nghĩ là đứa bé đã chết. Tất cả những điều chàng nghe thấy và trông thấy xem chừng đều xác nhận điều chàng lo sợ.

“Thôi thế là hết” – Chàng chợt nghĩ, và trên trán bỗng toát mồ hôi lạnh. Chàng bối rối đến gần giường con, chắc mẩm rằng sẽ thấy nó trống không, và người vú em lúc nãy vừa che giấu đứa bé đã chết. Chàng vén màn lên và hồi lâu, cặp mắt hốt hoảng của chàng cứ đưa từ vật này sang vật khác mà không tìm thấy đứa bé. Cuối cùng, chàng nhìn thấy nó: thằng bé hồng hào, hai tay dang ra nằm chéo góc trên giường, đầu tuột ra khỏi gối; nó đang bú suông trong giấc mơ màng, đôi môi mút mút, tiếng thở đều dặn.

Trông thấy đứa bé, công tước Andrey sung sướng quá, tưởng chừng như vừa rồi chàng đã mất hẳn nó. Chàng cúi xuống và làm như em gái chàng đã có lần bày cho chàng, đặt đôi môi lên trán nó để xem nó có nóng hay không. Vầng trán mịn màng của thằng bé ươn ướt. Chàng lấy tay sờ lên đầu: Cả tóc nó cũng ướt đẫm: đứa bé đổ mồ hôi nhiều. Không những nó không chết, mà bây giờ rõ ràng là cơn bệnh đã qua và nó bắt đầu bình phục. Công tước Andrey muốn ôm lấy cái sinh vật bé bỏng yếu ớt kia, giữ chặt lấy nó, ghì nó vào ngực, nhưng chàng không dám. Chàng đứng im đưa mắt nhìn cái đầu đôi tay, đôi chân bé nhỏ, hiện rõ dưới lần chăn. Bên cạnh chàng có tiếng sột soạt và một cái bóng in lên tấm màn của chiếc giường con. Chàng không ngoảnh lại, mắt vẫn nhìn vào mặt đứa bé và lắng nghe hơi thở đều đều của nó. Cái bóng đen ấy là công tước tiểu thư Maria. Nàng rón rén bước lại gần, vén màn lên rồi buông xuống sau lưng nàng. Công tước Andrey không nhìn lại nhưng vẫn nhận ra nàng, và đưa tay về phía nàng. Nàng siết chặt bàn tay anh.

– Nó đã đổ mồ hôi rồi. – Công tước Andrey nói. – Em đến tìm anh để nói cho anh biết thế đấy.

Đứa bé hơi cựa mình trong giấc ngủ. Nó mỉm cười và cọ trán vào gối.

Công tước Andrey nhìn em gái, đôi mắt trong sáng của tiểu thư Maria trong vùng ánh sáng dìu dịu của cái màn con sáng hơn ngày thường vì đang long lanh những giọt nước mắt sung sướng. Công tước tiểu thư Maria nghiêng người về phía anh và hôn chàng, mình khẽ vướng vào cái màn phủ trên chiếc giường con. Hai người ra hiệu bảo nhau im lặng, đứng một lát nữa trong vùng ánh sáng dìu dịu của cái màn, như còn luyến tiếc chưa nỡ dời bỏ cái vũ trụ riêng của ba người tách biệt hẳn với tất cả thế giới bên ngoài. Công tước Andrey rời khỏi giường trước tiên, tóc vướng vào cái màn nhiễu.

“Bây giờ ta chỉ còn có thế thôi.” – Chàng nói trong một tiếng thở dài.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.