Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 2)

Chương – 13



Một buổi tối, khi lão bá tước phu nhân, mình mặc áo ngủ, đầu đã tháo hết các mớ tóc giả chỉ còn lại một chùm tóc lơ thơ thòi ra ngoài chiếc mũ chụp bằng vải trúc bâu trắng, đang thở dài và thì thụt trên tấm thảm lẩm rầm đọc bài kinh buổi tối, thì cánh cửa buồng xịch mở và Natasa, mình cũng mặc áo ngủ, tóc đầy những cặp chạy vào buồng.

Bá tước phu nhân quay lại và cau mày. Bà đang đọc nốt bài kinh cuối cùng: “Phải chăng chăn nệm đêm nay sẽ là ván liệm của con?”. Tâm trạng say sưa của phu nhân bị phá tan. Natasa mắt đỏ ửng lòng hồi hộp, vừa chạy vào thấy mẹ đang cầu kinh liền đứng phắt lại, hơi nhún người xuống và bất giác thè lưỡi ra như tự hăm dọa mình. Thấy mẹ vẫn tiếp tục cầu kinh, nàng rón rén chạy đến giường, nhanh nhẹn lấy hai bàn chân thon nhỏ xát vào nhau cho giày vải tụt ra rồi nhảy tót lên chiếc nệm mà bá tước phu nhân đang lo là sẽ trở thành cỗ ván liệm mình. Chiếc nệm rất cao và êm, trên đầu có đặt một chồng gối năm chiếc to nhỏ suýt soát nhau, chiếc nhỏ đặt lên chiếc to. Natasa nhảy tót trên giường, cho người lún sâu xuống nệm, lăn đến sát vách và bắt đầu trăn trở loay hoay ở dưới chăn để tìm cách nằm lại cho thoải mái, co hai gối lên tận cằm rồi vẫy chân lia lịa và cười rúc rích, khi thì chùm chăn kín đầu khi thì ló mặt ra nhìn mẹ. Bá tước phu nhân đọc kinh đã xong liền đi lại phía giường, vẻ mặt nghiêm nghị: nhưng thấy Natasa chùm chăn kín mít, phu nhân mỉm cười, cái cười hiền lành yếu ớt mà phu nhân thường có.

– Kìa, kìa, cái gì thế con, – Phu nhân nói.

– Mẹ ơi, nói chuyện một chút được chứ mẹ? – Natasa nói.

– Nào cho hôn ở cổ một cái, một cái nữa thôi nhé.

Và nàng ôm choàng lấy cổ mẹ, hôn vào phía dưới cằm. Đối với mẹ, Natasa có những cử chỉ bên ngoài thô lỗ, nhưng nàng tế nhị và khéo léo đến nỗi dù có ôm, có quàng tay thế nào đi nữa nàng cũng biết làm thế nào cho mẹ không thấy đau, không thấy khó chịu hay vướng víu chút nào.

– Nào, hôm nay nói chuyện gì? – Mẹ nàng nói sau khi kê đầu cho ngay ngắn và thoải mái trên mấy chiếc gối và đợi Natasa lăn hai vòng từ cạnh giường và nằm sát người bà dưới cùng một tấm chăn. Natasa đặt hai cánh tay lên trên chăn và làm ra cái vẻ nghiêm trang.

Những cuộc đến thăm ban đêm của Natasa như thế này trước khi ở câu lạc bộ về là một trong những cái thú ưa chuộng nhất của hai mẹ con.

– Hôm nay nói chuyện gì nào? Mẹ cũng đang cần nói với con.

Natasa đưa tay bịt miệng mẹ lại.

– Chuyện Boris…

– Con biết rồi, – Natasa nghiêm nghị, – Con đến cũng vì chuyện ấy. Mẹ đừng nói con biết rồi. Không, mẹ nói đi cơ? – Nàng cất tay, – Mẹ ơi, mẹ nói đi, anh ấy dễ thương đây chứ?

– Natasa ạ, con đã mười sáu tuổi rồi, hồi trước bằng tuổi con mẹ đã đi lấy chồng rồi. Con bảo Boris dễ thương. Nó dễ thương lắm, mẹ quý nó như con mẹ, nhưng con muốn gì nào?

– Con nghĩ sao? Con làm cho nó ngẩn cả người ra rồi đấy, mẹ thấy rõ như thế…

Trong khi nói mấy câu này, bá tước phu nhân đưa mắt nhìn sang con gái. Natasa nằm im mắt nhìn trân trân vào một trong mấy con sư tử đầu người bằng gỗ đào hoa tâm chạm ở góc giường, phu nhân nhìn sang chỉ thấy chiều nghiêng mặt nàng.

Gương mặt của Natasa làm cho phu nhân kinh ngạc vì có vẻ nghiêm nghị và đăm chiêu khác thường.

– Vâng, rồi sao hở mẹ? – Natasa lắng nghe và suy nghĩ.

– Con làm cho nó ngẩn ngơ ra như vậy để làm gì? Con muốn gì ở Boris? Con cũng thừa biết con không thể lấy nó được kia mà.

– Tại sao? – Natasa hỏi, vẫn nằm im như cũ.

– Tại vì nó còn trẻ, tại vì nó nghèo, tại vì nó họ với con, tại vì chính con cũng chẳng yêu gì nó.

– Sao mẹ biết?

– Mẹ biết. Như thế không tốt đâu, cô bạn nhỏ của mẹ ạ.

– Nhưng nếu con muốn… – Natasa nói.

– Thôi con đừng nói những chuyện vớ vẩn nữa, – Phu nhân nói.

– Nhưng nếu con muốn…

– Natasa, mẹ nói chuyện đứng đắn…

Natasa không để cho mẹ nói hết, cầm lấy bàn tay to xương của phu nhân và hôn lên phía trên, rồi hôn vào lòng bàn tay, rồi lại lật bàn tay lại và hôn lên khớp xương lồi lên ở chỗ mu bàn tay giáp ngón, rồi hôn vào chỗ lõm giữa hai khớp xương, rồi lại hôn lên khớp xương, vừa hôn vừa thì thầm: “Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng tư, tháng năm”.

– Mẹ nói đi mẹ, sao mẹ lại làm thinh? Mẹ nói đi! – Natasa nói, mắt ngước nhìn mẹ. Bấy giờ bá tước đang âu yếm nhìn con, và hình như mải nhìn như vậy nên quên cả những điều định nói.

– Như thế không được đâu con ạ. Không phải ai rồi cũng hiểu được tình bạn ấu thơ giữa con với Boris đâu; thấy Boris gần gũi con nhiều quá như thế những người thanh niên thường đến nhà ta sẽ có ý nghĩ không hay về con, nhưng cái chính là làm như vậy chỉ khổ nó vô ích. Có lẽ nó đã tìm được đám khác hợp ý hơn, giàu có hơn; bây giờ nó như điên như dại rồi đấy.

– Điên rồi hở mẹ? – Natasa lặp lại.

– Để mẹ kể chuyện của mẹ cho mà nghe. Mẹ có một người anh họ.

– Con biết rồi. – Bác Kirila Matveyich chứ gì, nhưng bác ấy già rồi còn gì?

Không phải bao giờ cũng già như thế đâu. Nhưng bây giờ thế này Natasa ạ, mẹ sẽ nói chuyện với Boris. Nó không nên đến đây nhiều như thế nữa…

– Tại sao lại không nên, nếu anh ấy thích?

– Tại vì mẹ biết rằng rồi chẳng đi đâu hết.

– Sao mẹ biết? Không, mẹ ạ, mẹ dừng nói với anh ấy. Thật vớ vẩn! – Natasa nói với cái giọng của một người đang sắp bị người ta tước đoạt tài sản. – Thôi, con sẽ không lấy anh ấy nữa! Nhưng cứ để cho anh ấy đến, nếu anh ấy thấy vui và con cũng vui! – Natasa mỉm cười nhìn mẹ. – Con sẽ không lấy anh ấy, nhưng cứ như thế. – Nàng nhắc lại.

– Sao lại thế, cô bạn nhỏ?

– Thì như thế mà lại. Thôi, không lấy anh ấy thì đã làm sao… nhưng cứ như thế.

– Như thế, như thế, – Bá tước phu nhân nhắc lại và rung cả người lên cười, tiếng cười hồn hậu và bất ngờ của những người già cả.

– Thôi mẹ đừng cười nữa, cười mãi, – Natasa hét lên. – Cười mãi thế! – Nàng nắm lấy cả hai bàn tay của bá tước phu nhân, hôn vào khớp xương ngón tay út. – Tháng sáu. – rồi tiếp tục tháng bảy, tháng tám ở bàn tay kia. – Mẹ ơi, thế anh ấy có yêu con lắm không? Mẹ thấy thế nào? Trước kia người ta có yêu mẹ đến thế không? Mà anh ấy lại dễ thương, dễ thương lắm cơ! Chỉ có điều là không hợp khẩu vị của con lắm. – Anh ta hẹp như cái đồng hồ quả lắc ở ngoài phòng ăn ấy… Mẹ không hiểu à? Hẹp thế này, lại xám, nhạt…

– Mày nói lảm nhảm gì thế! – Bá tước phu nhân nói.

Natasa nói tiếp:

– Mẹ không hiểu thật à? Giá có anh Nikolai thì anh ấy hiểu ngay… Còn Bezukhov thì xanh, xanh thẫm thêm cả màu đỏ, và anh ta hình chữ nhật.

– Mày làm dáng cả với anh chàng này nữa đấy, – Bá tước phu nhân vừa cười vừa nói.

– Không, anh ta vào hội Tam điểm, người ta bảo con thế. Anh ta tốt lắm, xanh thẫm và đỏ, không biết làm thế nào cho mẹ hiểu bây giờ

– Bá tước tiểu thư. – Có tiếng nói của lão bá tước ở ngoài cửa phòng. – Con chưa ngủ à?

Natasa chân không nhảy xuống đất, cầm giày vải trên tay bỏ chạy về phòng mình.

Nàng nằm hồi lâu không ngủ được. Nàng cứ nghĩ mãi không biết làm sao mà không ai hiểu được những điều nàng hiểu và những điều đang ở trong óc nàng.

Sonya? – Nàng vừa nghĩ thầm vừa nhìn Sonya trông như con mèo cái đang ngủ say, mình cuộn tròn, bím tóc to dầy buông thõng một bên. – Không, chị ấy không hiểu được đâu! Chị ấy đức hạnh lắm. Chị ấy yêu Nikolai và ngoài ra không muốn biết gì nữa. Còn mẹ, cả mẹ nữa cũng chẳng hiểu mình. Lạ thật, mình thông minh thế, mà lại, cô ấy dễ thương…”, – Nàng nghĩ tiếp, nói về mình như về một người thứ ba và tưởng tượng rằng người đang nói về nàng là một người đàn ông nào đó rất thông minh, thông minh nhất, và tốt hơn hết thảy mọi người… “Cô ta có đủ mọi cái hay cái tốt. – Người đàn ông nói tiếp, – Cô ta thông minh đặc biệt, dễ thương, có duyên mà lại xinh, xinh lạ lùng, lại nhanh nhẹn. – Bơi khá, cưỡi ngựa rất cừ, lại còn giọng hát nữa! Có thể nói là một giọng hát phi thường!”.

Natasa hát một câu nhạc ưa thích của nàng rút trong vở kịch của Kerubini(1), gieo mình trên giường, cười khanh khách với một ý nghĩ tươi vui là bây giờ nằm xuống nàng sẽ ngủ ngay lập tức cho mà xem. Nàng gọi Dunyasa chưa ra khỏi phòng thì nàng đã đi vào một thế giới khác, một thế giới hạnh phúc hơn, thế giới của những giấc mộng; ở đấy cái gì cũng nhẹ nhõm và tốt đẹp như trong thực tế, nhưng lại còn tốt đẹp hơn nữa, bởi vì cái gì cũng khác hẳn.

Ngày hôm sau bá tước phu nhân mời Boris đến gặp mình nói chuyện, và từ hôm ấy trở đi chàng không đến nhà Roxtov nữa.

(1) Luigi Cherubini (1760 – 1842). Nhà soạn nhạc người Ý, tác giả nhiều ca kịch có tinh thần cách mạng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.