Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 2)

Chương – 19



Ngày hôm sau công tước Andrey đi thăm mấy nhà quen mà chàng chưa lần nào đến, trong số đó có gia đình Roxtov mà chàng vừa gặp lại trong buổi vũ hội vừa rồi. Ngoài những quy tắc xã giao buộc chàng đến nhà Roxtov, công tước Andrey còn muốn gặp lại trong không khí gia đình người con gái đặc biệt hoạt bát đã để lại cho chàng một kỷ niệm thú vị như thế.

Natasa là một trong những người đầu tiên ra đón chàng. Nàng mặc chiếc áo dài xanh thường mặc trong nhà: khi mặc chiếc áo này, công tước Andrey thấy nàng còn xinh hơn cả khi mặc chiếc áo khiêu vũ nữa:

Natasa và cả gia đình Roxtov tiếp công tước Andrey như một người bạn cũ niềm nở và giản dị. Trước kia công tước Andrey phê phán gia đình này rất nghiêm khắc, nhưng bây giờ chàng thấy cả nhà là những người rất tốt, giản dị và hiền lành. Lão bá tước có một thái độ rất mến khách, niềm nở và hồn hậu, một thái độ thật đặc biệt và đáng quý giữa chốn kinh đô này, đến nỗi công tước Andrey không sao từ chối được khi ông mời chàng ở lại ăn bữa cơm chiều. “Phải đây là những con người hiền hậu, rất tốt. – Công tước Andrey tự nhủ, – Dĩ nhiên họ không thể biết Natasa của họ quý giá đến nhường nào; nhưng họ là những người tốt, họ là một cái nền rất tốt trên đó nổi bật lên người con gái đáng yêu, nên thơ và tràn đầy sức sống”.

Công tước Andrey cảm thấy đối với chàng, Natasa là một thế giới đặc biệt, hoàn toàn mới lạ đầy những niềm vui mà chàng chưa hề biết, cái thế giới xa lạ mà hồi nào, trên con đường vào vườn Otradnoye và trong đêm sáng trăng dạo ấy đã từng làm cho chàng xao xuyến, không còn là một thế giới xa lạ nữa; bây giờ chính chàng đang bước vào thế giới đó và tìm thấy ở đó một khoái cảm rất mới mẻ đối với chàng.

Sau bữa ăn chiều, theo lời yêu cầu của công tước Andrey, Natasa ngồi bên dương cầm và cất tiếng hát. Công tước Andrey đứng cạnh cửa sổ nói chuyện với nữ chủ nhân và nghe Natasa hát.

Đang nói dở một câu công tước Andrey bỗng im bặt và đột nhiên cảm thấy nước mắt dâng lên nghẹn ngào ở cổ, một cảm giác mà chàng không thể ngờ là mình lại có thể có được. Chàng nhìn Natasa hát, và trong tâm hồn chàng diễn ra một cái gì đó mới mẻ và vui sướng. Chàng thấy vui sướng, nhưng đồng thời cũng thấy buồn rười rượi. Tuyệt nhiên không có gì đề cho chàng khóc cả, nhưng chàng thấy mình sẵn sàng có thể khóc. Khóc vì cái gì? Vì mối tình trước kia chăng? Vì công tước phu nhân Liza nhỏ nhắn chăng? Vì những nỗi thất vọng của chàng hay vì những niềm hy vọng của chàng về tương lai? Cũng có, mà cũng không. Cái chính cho chàng thấy muốn khóc là chàng chợt nhận ra sự tương phản khủng khiếp giữa một cái gì vô cùng to lớn và không thể hình dung bằng lời nói được đã từng có ở trong chàng, với một cái gì chật hẹp và có thể xác, và cái đó chính là chàng trước kia, mà cũng chính là nàng trước kia nữa. Sự tương phản này vừa khiến chàng khổ tâm, vừa làm chàng vui trong khi nghe nàng hát.

Vừa hát xong, Natasa lại gần công tước Andrey và hỏi chàng có thích giọng hát của nàng không. Nàng hỏi chàng như vậy, và sau khi hỏi nàng thấy ngượng ngùng vì đã hiểu ra rằng đó là một điều lẽ ra không nên hỏi. Chàng mỉm cười nhìn nàng và nói rằng chàng thích giọng hát của nàng, cũng như tất cả những gì nàng làm.

Đêm đã khuya, công tước Andrey từ giã gia đình Roxtov ra về.

Chàng theo thói quen lên giường nằm nhưng chẳng bao lâu đã nhận ra rằng mình không thể nào ngủ được. Khi thì chàng đốt nến lên và ngồi trên giường, khi thì đứng dậy, rồi lại đặt lưng nằm xuống giường, tuy không ngủ được mà không hề thấy khó chịu; tâm hồn chàng tươi vui và mới mẻ quá, dường như chàng vừa từ căn buồng ngột ngạt bước ra một khoảng rộng tràn ngập không khí và ánh sáng. Chàng cũng không hề nghĩ rằng mình yêu cô Roxtov; chàng không nghĩ đến nàng; chàng chỉ tưởng tượng thấy nàng và do đó cả cuộc đời chàng hiện ra trước mắt chàng dưới một ánh sáng mới.

“Tại sao ta lại sống quằn quại như thế, tại sao ta lại vật vã khổ sở trong cái khung chật chội này, khi mà cuộc đời, tất cả những niềm vui của cuộc đời đã mở rộng trước mắt ta?” – Chàng tự nhủ. Và lần đầu tiên sau một thời gian dài chàng vui sướng bắt tay vào dự tính chuyện tương lai. Chàng tự quyết định là sẽ lo việc giáo dục cho con trai, thuê một người gia sư và giao con cho người đó dạy dỗ. Sau đó phải từ chức và đi du lịch nước ngoài, sang ý, Thuỵ Sĩ, Anh.

Ta phải tận hưởng sự tự do của mình, trong khi còn cảm thấy mình còn nhiều sinh lực trẻ trung như thế này, – Chàng tự nhủ – Piotr nói đúng: cần phải tin rằng hạnh phúc có thể có được thì mới có thể hướng hạnh phúc, bây giờ ta cũng tin điều đó. Hãy để cho người chết chôn người chết, còn trong khi còn sống thì phải sống và phải sống cho có hạnh phúc”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.