Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 2)

Chương – 11



Anatol Kuraghin nay ở Moskva vì cha chàng không cho chàng ở Petersburg, ở đấy trong một năm chàng tiêu hết hơn hai vạn rúp lại thêm nợ nần cũng đến ngần ấy nữa, và những người chủ nợ đã đến đòi cha chàng phải trả.

Công tước Vaxili nói với con trai rằng lần này là lần cuối cùng ông trả cho chàng một nửa số nợ, nhưng với điều kiện là chàng phải đến Moskva nhận chức sĩ quan phụ tá của quan tổng tư lệnh thành, một chức mà ông đã chạy chọt cho chàng và ở đấy thì phải cố gắng mà tìm lấy một cô vợ khá giả. Công tước chỉ định cho chàng hai đám là nữ công tước Maria và Juyly Karaghina.

Anatol bằng lòng và đến ở Moskva ở lại nhà Piotr. Lúc đầu Piotr tiếp Anatol một cách miễn cưỡng, nhưng sau đâm ra cũng quen chàng, thỉnh thoảng còn đi dự những buổi truy hoan chè chén với chàng và đưa tiền cho chàng chi tiêu, nói là cho vay nhưng kỳ thật là cho không.

Như Sinsin nói, đúng là Anatol từ khi đến Moskva đã làm cho tất cả các tiểu thư ở đây phát điên phát cuồng lên, chủ yếu là chàng khinh miệt họ và rõ ràng là thích các cô gái Di-gan và các nữ tài tử Pháp hơn họ. Người ta đồn rằng chàng có những mối liên hệ mật thiết với cô Jorio là người đứng đầu các nữ tài tử đó. Chàng không hề bỏ qua một buổi truy hoan nào ở nhà Danilov và những tay ăn chơi khác ở Moskva, uống rượu thả cửa suốt mấy đêm liền, tửu lượng vượt tất cả các bạn, và có mặt trong tất cả các tối tiếp tân và các buổi vũ hội của giới thượng lưu. Người ta thường kháo nhau về những chuyện dan díu của chàng với các phu nhân ở Moskva, và các buổi vũ hội chàng thường tán tỉnh một vài người. Nhưng các cô gái chưa chồng, và nhất là những cô giàu có, phần lớn vốn xấu xí, thì chàng lại không làm thân. Hơn nữa có một việc mà ngoài các bạn bè thân nhất của chàng ra không ai biết đến là Anatol đã cưới vợ từ hai năm trước. Hai năm trước khi trung đoàn của chàng còn trú quân ở Ba Lan, một lão trang chủ Ba Lan nghèo đã buộc chàng phải lấy con gái lão. Anatol chẳng mấy lâu đã bỏ vợ và hứa gởi tiền cho ông nhạc để ông thuận cho chàng có quyền tự xưng là một người chưa vợ.

Anatol bao giờ cũng hài lòng về hoàn cảnh của mình, hài lòng về mình và những người khác. Theo bản năng, Anatol hoàn toàn tin chắc rằng chàng không thể có cách sống nào khác được, và trong đời chàng không hề bao giờ làm việc xấu. Chàng tuyệt nhiên không thể nào suy nghĩ xem hành vi của mình ảnh hưởng gì đến người khác, hoặc những điều mình làm có thể gây ra những hậu quả gì.

Chàng tin chắc rằng nếu con vịt sinh ra để bơi lội dưới nước thì trời sinh ra chàng cũng chỉ để tiêu cho hết ba vạn rúp lợi tức mỗi năm và để bao giờ cũng có một địa vị cao sang trong xã hội. Chàng tin như vậy một cách chắc chắn đến nỗi những người khác nhìn chàng cũng đâm ra tin như vậy và không có ai từ chối chàng điều gì, dù là địa vị cao sang trong xã hội hay là những món tiền mà bạ ai chàng cũng vay, cố nhiên là vay không trả.

Chàng không phải là một tay cờ bạc, hay ít ra chàng không thích được bạc. Chàng không sĩ diện. Ai nghĩ về chàng ra sao, chàng cũng bất chấp. Chàng lại càng không phải là người hám danh vị. Chàng đã nhiều lần làm cho cha chàng phát bẳn lên vì đã làm hỏng cả một sự nghiệp, và thường hay chế nhạo mọi thứ danh giá.

Chàng không có tính keo kiệt, ai xin gì chàng cũng chẳng bao giờ từ chối. Chàng chỉ yêu thích có hai điều, là khoái lạc và gái, và vì theo quan niệm của chàng thì trong những sở thích chẳng có gì là không cao thượng, chàng lại không thể nghĩ xem việc thỏa mãn những sở thích ấy có thể ảnh hưởng ra sao đến người khác, cho nên trong thâm tâm chàng vẫn tự cho mình là người chẳng có gì là đáng chê trách, chàng thật tình khinh miệt hạng hèn nhát và chàng vênh mặt nhìn đời với một lương tâm thanh thản.

Những kẻ ăn chơi truỵ lạc, những cô Magdalena(1) nam giới đều có chung một ý thức thầm kín là mình vô tội, căn cứ vào hy vọng được tha thứ, cũng như ở những cô Magdalena nữ giới vậy. Nàng được tha thứ hết mọi tội lỗi, vì nàng đã yêu nhiều; và chàng cũng được tha thứ hết, vì chàng đã vui chơi nhiều.

(1) Thánh Maria. – Magdalena là một người đàn bà không đoan chính được Chúa Jesus tha thứ “vì nàng đã yêu nhiều”.

Năm ấy Dolokhov, sau thời gian đi biệt xứ và sau những câu chuyện ly kỳ ở Ba Tư, lại xuất hiện ở Moskva và sống một cuộc đời chơi bời cờ bạc rất xa hoa. Anh ta lại kết thân với người bạn cũ thời Petersburg là Anatol và dùng Anatol vào những mục đích riêng của mình.

Anatol thành thực yêu mến Dolokhov vì trí thông minh và tính gan dạ của chàng; Dolokhov thì lại cần đến tên tuổi dòng họ, thế lực của Anatol để thu hút những chàng thanh niên giàu có đến sòng bạc của mình. Anh ta lợi dụng Anatol và dùng Anatol làm trò đùa.

Tuy không để cho Anatol nhận thấy, ngoài những sự tính toán lợi hại ra, anh ta còn cần đến Anatol vì chính cái việc chi phối ý chí của người khác cũng là một khoái lạc, một thói quen, một nhu cầu của Dolokhov.

Natasa đã gây nên trong lòng Anatol một ấn tượng rất mạnh. Sau khi ở nhà hát về, bên bữa ăn khuya, chàng ra vẻ sành sỏi tả cho Dolokhov nghe những đánh giá của mình về Natasa: tay, vai, chân và tóc của nàng, và tuyên bố mình quyết tâm ve vãn nàng. Ve vãn như vậy rồi sẽ đi đến đâu. – Điều đó Anatol không thể nghĩ đến và không thể biết được, vì xưa nay chàng chưa bao giờ biết mỗi hành động của mình có thể đem đến hậu quả gì.

– Xinh đấy, anh bạn ạ, nhưng chả đến phần mình đâu. – Dolokhov nói.

– Tôi sẽ bảo chị tôi mời cô ta đến ăn trưa. – Anatol Kuraghin nói, – Cậu thấy thế nào?

– Tốt hơn là cậu hẵng đợi cho cô ta đi lấy chồng đã.

– Cậu cũng biết là tôi rất thích các cô bé mới lớn, nhoáng một cái đã ăn tiền rồi.

– Cậu đã có lần vớ phải một cô bé mới lớn đấy thôi, – Dolokhov nói: chàng vốn biết chuyện Anatol lấy vợ – Đấy, cậu hãy xem chừng!

– À nhưng không thể có lần thứ hai như thế được nữa đâu!

– Hả? – Anatol nói đoạn khoái chí cười khà khà.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.