Ngược Chiều Vun Vút
2 – Phần 03
Trái: nam, phải: nữ
18 tuổi – 18 tuổi = 1:1
32 tuổi – 27 tuổi = 1:1.19
60 tuổi – 38 tuổi = 1:1.58
Nếu thêm yếu tố quan trọng là sự tương ứng với thời gian và phát triển thành biểu đồ, thì độ chênh lệch hiện rõ hơn nữa.
Có lẽ khi xã hội Việt Nam phát triển hơn thì hai đường xu hướng đó sẽ dịch lại gần nhau. Nhưng hiện giờ, theo phương pháp đo độ ế hiện đại nhất, tình hình là như thế.
Vậy qua bài phân tích này chúng ta học được điều gì? Dù hơi chủ quan một chút, nhưng tôi nghĩ chúng ta đã học được một điều rất quan trọng. Đó là người ế có rất nhiều thời gian rảnh.
Một vòng Trái Đất
Vòng 1, vòng 3. Nghe rất Việt Nam.
Tôi không biết cách dùng từ này xuất phát từ đâu. Sự sáng tác riêng của tiếng Việt? Sự ảnh hưởng của tiếng Pháp? Không phải sự ảnh hưởng của tiếng Anh, bởi tiếng Anh không tờ báo nào đặt tiêu đề theo cách: “Thủy Tiên khoe vòng 1 không-thể-nóng-hơn trong buổi ra mắt album”.
“Vòng 1” tiếng Anh dịch gần nhất là “bust”. Đó là từ thợ may dùng, nghe nhẹ nhàng, không tục, không thô. Thợ may phải đo thì thợ may phải đo, công việc là thế, cơ thể phụ nữ là vậy. Nhưng báo mạng tiếng Anh sẽ không đặt tiêu đề: “Thủy Tiên shows off her couldn’t-be-hotter bust at the launch of her new album.” No, no, no.
“Shows off her curves” (khoe đường cong) thì được, vì curves không nhắc vùng (vòng) cụ thể nào. Curves là sự gợi cảm chung của cơ thể phụ nữ, còn cơ thể phụ nữ nhiều curves lắm – “Thuy Tien shows off her (ai muốn hiểu) curves (nào thì hiểu)”.
“Elly Trần ‘đọ’ vòng một với Đinh Ngọc Diệp!” mạng Việt Nam đăng được.
“Elly Tran and Dinh Ngoe Diep compare busts!” mạng tiếng Anh thì… no way.
Nếu khái niệm của “Vòng 1” làm báo mạng tiếng Anh ngại thì khái niệm của “Vòng 3” làm các tờ chạy mất monitor luôn. “Vòng 3” tiếng Anh dịch gần nhất là “hips”. Thợ may người Việt đo vòng 3, thợ may người Anh đo hips Nhưng từ “hips” nghe nhẹ nhàng hơn nhiều. “Hips” chủ yếu nhắc hai bên trái và phải (thế mới là danh từ số nhiều có chữ “s” ở cuối), còn “vòng 3” là… cả một vòng.
“Sao và những màn khoe vòng 3 quá ‘lố’ năm qua” là tiêu đề báo mạng tiếng Anh không đăng được. Dịch “vòng 3” thành “hips” không được vì cái “khoe quá lố” trong các bài viết như thế không phải là hips, không phải hai bên trái và phải đâu.
Ngọc Trinh có thể “đọ vòng 3” với Lan Hương trên báo mạng Việt Nam, nhưng Jennifer Aniston không thể “compare posteriors” với Angelina Jolie trên báo mạng tiếng Anh (nếu có thì phải báo mạng đặc biệt).
Thay vì viết “vòng 3”, báo mạng tiếng Anh phải viết “vòng vo”, thậm chí dùng từ rất trừu tượng (“money-maker”), hoặc nhắc vòng 3 bằng cách nhắc vòng gần. Chân đẹp (tức mông gợi cảm) eo hấp dẫn (tức hông hot). Với các tờ báo mạng tiếng Anh, “vòng 3” giống như biên giới Iran; đến gần thì được nhưng đến gần quá sẽ có trục trặc ngoại giao.
Môt ví dụ khác là từ “lộ hàng” – không có cách nào để dịch từ đó sang tiếng Anh mà báo mạng lớn dùng được (Show the goods? Expose the product?). Báo mạng Việt Nam có thể viết về chuyện “Sao lộ hàng”. Báo mạng tiếng Anh thì – tôi không biết các tờ Canada sẽ nhắc chuyện đó như thế nào. “One more time, Britney Spears, has revealed the merchandise!”
Dĩ nhiên có lúc báo mạng tiếng Anh thoáng thật. Thay vì viết về “các vùng kín” và “những thứ quý giá nhất của đời người con gái”, bài nhắc luôn một hành động cụ thế, một bộ phận cơ thể không lẫn vào đâu được. Sự khác biệt nằm ở chỗ: báo mạng tiếng Anh viết về chuyện sao nữ khoe vòng 3 thì không được, nhưng hướng dẫn cách sử dụng vòng 3 thì có. Còn báo mạng Việt Nam thì ngược lại.
Trông ngon
“Tiếng Việt khác tiếng Anh như thế nào?” Đó là câu hỏi dễ trả lời ẩu – “Khác phát âm và từ vựng” – khó trả lời một cách đàng hoàng đi sâu vào bản chất. Tuy nhiên, tôi đã học tiếng Việt gần tám năm rồi và trong thời gian đó nhận ra một số đặc điểm nếu không vào tận tới bản chất thì ít nhất vào đủ sâu để ra kết quả và nảy sinh ý tưởng viết bài. Một đặc điểm thú vị là tiếng Việt cho phép người sử dụng mô tả nhiều khía cạnh tình yêu, tình dục, bạo lực, bệnh tật – chỉ dùng đến mỗi danh từ ẩm thực.
Các sự vật so sánh chính của Hồ Xuân Hương là quả mít, bánh trôi nước, miếng trầu cau… Các sự vật so sánh chính của người Việt thời bây giờ vẫn vậy; muốn nhắc chuyện tế nhị, buồn cười, hoặc đơn giản khó mô tả bằng ngôn ngữ “chuẩn” thì người Việt hay nhờ đến từ vựng ẩm thực. Chắc có rất ít nước mà ẩm thực ăn sâu vào ngôn ngữ hằng ngày như ở Việt Nam.
Đế làm rõ quan điểm này, tôi đã sáng tác một truyện ngắn dựa trên những cuộc trò chuyện “chua cay” tôi đã nghe trộm thời gian qua.
Truyện cơm phở
Không lâu sau khi cưới, tôi chán cơm. Nhưng tôi vẫn phải ăn chứ – thế là tôi đi tìm phở. Rất tiếc, một người như tôi khó mà tìm được phở ngon. Đời là vậy, tôi đành phải bóc bánh trả tiền. Không ngờ trong lúc tôi ăn chả thì vợ tôi cũng chán, hằng ngày đi ăn nem. Một hôm, tôi về nhà thì bắt gặp một người lạ mặt (mặt mít đặc, tóc muối tiêu) đang xơi cơm của mình.
Tôi đứng há hốc mồm mất một lúc mới mở miệng được: “Đồ khốn! Mày đang làm gì đấy? Mày muốn ăn cháo hả?” “Ồ không đâu,” kẻ kia trả lời, giọng bình thản, mặt lạnh như nước đá. “Tao ăn no rồi, ngon lắm, đặc biệt là xôi trắng. Mày mời tao ăn cháo sẽ hơi thừa, mà nếu thế thì tao phải mời mày xơi củ đậu bay!”
Tôi bắt đầu khóc.
“Thôi bình tĩnh nào anh bạn,” kẻ kia tự dưng dịu giọng. Hai người ngồi xuống cạnh nhau ở bàn ăn “Anh vẫn là người ăn ốc, anh hiểu chưa,” gã nhìn thẳng vào mắt tôi. “Tôi chi đổ vỏ cho gọn. Mà anh vừa đi bóc bánh trả tiền về phải không? Mất vệ sinh quá anh ơi. Để tôi giới thiệu mấy chỗ toàn rau sạch, dinh dưỡng hơn nhiều chứ! Anh chắc không muốn bị dính chôm chôm.”
“Được đấy,” tôi phấn khởi hẳn lên. “Thanh kiu Vina-miu! Nhưng anh đừng nói gì với vợ tôi nhé. Vợ tôi suốt ngày buôn dưa lê, chỉ cần thêm một con vịt là đã có cái chợ lớn rồi. Tôi chơi mấy con gà đầu ngõ chắc chẳng sao, nhưng bị bắt quả tang ăn rau sạch thì lại là chuyện khác ngay!”
“Sợ gì,” người ấy lại cười. “Vợ anh mà tám chuyện thì anh tám kinh hơn!” Thấy tôi chưa hiểu lắm, gã khoác vai tôi, giải thích thêm: “Việc trả đũa là thế mà. Vợ anh buôn dưa lê thì anh phải buôn dưa hấu”.
Lố bịch thì lố bịch, nhưng khó có thể phủ nhận truyện này nghe rất Việt Nam. (Viết xong tôi không cảm thấy buồn mà đói). Tiếng Anh cũng có một số cách so sánh vè ẩm thực như vậy nhưng không nhiều; tiếng Việt “tươi” hơn gấp mấy lần. Để nhấn mạnh sự khác biệt này, tôi đã viết lại truyện này bằng tiếng Anh, tặng những người rành cả hai ngôn ngữ.
A tale of rice and pho
Not long after getting married, I grew bored of rice. A man’s got to eat, so i turned to pho. But for a guy like me, a good bowl of pho is hard to find. Frustrated and hungry, I turned instead to baguettes off the Street. Little did I know, at around the time I started on grilled chopped meat, my wife had started on springrolls. One day I retumed home to fìnd a stranger, a man with pepper hair and a jackfruit look, sitting at my table eating my rice.
I stood with my mouth wide open then collected myself
and said: “Hey you! What do you think you’re doing Seems to me you’d like a bowl of rice congee!”
“No thank you,” he replied coldly, his face like ice. “YOUR ice is fine, particularly the sticky stuff. I’m rather full, in fact. And let’s be plain, if you insist I try your congee then I shall insist you try my flying yam beans.”
I started to cry.
“Hey cheer up,” the man said, his voice suddenly soft. We sat beside each other at the kitchen table.
“You’ve still got first choice on the snails, don’t you see?” He was looking straight at me. “All I’m doing is gathering the shells, keeping the place clean. Wait, you’ve been eat¬ing baguettes off the street, haven’t you? That’s no good at all, terribly unhygienic. Let me show you where you can find some good sanitised vegetables, much more nutritious, no risk of rambutans.”
“Alright,” I said, already feeling better. “Thank you Vinamilk! Oh and please don’t tell my wife. She’s always rushing out to sell pear-melons. Add a duck and you’ve got a market. I can pick up the odd chicken from the end of the alley, that’s fine. But sanitised vegetables are another matter altogether.”
“What are you worried about?” he giggled. “If your wife blabbers away then you blabber more.” Seeing the unsure look on my face he continued: “That’s how the chopstick wars work, my friend. If she sells pear-melons, you get out there and you sell watermelons!”
Học tiếng Việt
Yes is “có”. Yes is “vâng”. Yes is “ừ”.
Tôi thích đọc lại quyển vở từ những ngày đầu học tiếng Việt. Một phần để phân tích quá trình học tập của mình, hai phần để xem lại những bức xúc viết nguệch ngoạc bằng tiếng Anh dưới mỗi dòng ghi chép.
Rice is “cơm”. Rice is “lúa”. Rice is “gạo”.
Why can’t rice be rice? (Sao cơm không thể là cơm không?)
I is “tôi”. I is “tớ”. I is “em”. You is “bạn”. You is “ấy”. You is “cô”.
Bên dưới những đại từ nhân xưng này tôi không viết dòng tiếng Anh nào mà vẽ quái vật nhiều đầu, giống trong các phim thần thoại của Hy Lạp. Chặt một cái đầu (tức học thuộc một cách xưng hô) là ba cái đầu kinh dị hơn mọc lên; chém thịt, chém gió, quái vật mãi không chết.
Có nhiều lần tôi quyết định bỏ cuộc, không học tiếng Việt nữa. Việt Nam đã mang lại nhiều thứ cho tôi rồi.
Nhiều kỷ niệm vui, chút nước mắt – thế là đủ. Đấu tranh học ngôn ngữ để làm gì?
Nguyên nhân khiến tôi tiếp tục học tập là một số lớp học vui của Khoa Tiếng Việt, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội.
Khi nhắc đến hệ thống giáo dục ở Việt Nam, nhất là ở bậc đại học, báo chí thường thở dài. Nào là cơ sở vật chất, nào là chất lượng giáo viên, là phương pháp giảng dạy, là sự ảnh hưởng của lối học Khổng Mạnh, của hiện tượng El Nino, của sao chổi Halley. Sự thật là giáo viên nào yêu nghề và có chút hiểu biết về tâm lý đều có thể chuyển kiến thức từ đầu mình sang đầu khác. Nhiều khi quan trọng nhất không phải mình học ở đâu mà là mình may mắn vớ được giáo viên nào.
Tôi may mắn vớ được thầy Sơn, giáo viên cùng tuổi (con ngựa), cùng loại xe (con Vespa), cùng gót chân Asin (con gái). Thầy Sơn rất biết tạo không khí, còn trong một lớp học ngoại ngữ thì không khí là tất cả. Tôi may mắn vớ được cô Chi, giáo viên miêu tả về sự thất bại của quân Nguyên với mức độ nhiệt tình của một người trẻ đang tiết lộ bí mật cho các bạn trong lớp nghe. Tôi may mắn vớ được cô Thanh, cô giáo dạy phát âm tiếng Việt như dạy Vovinam; bắt tôi phải nói đi nói lại các thanh điệu và nguyên âm đến sắp ngất…
Người đầu tiên dạy tiếng Việt cho tôi là một em sinh viên tên Hương. Em ấy đến nhà tôi mỗi tuần ba buổi. Hai tháng đầu, tôi tiến bộ nhanh. Tôi nói gì, Hương cũng hiểu. Phải đến lúc có đầy đủ can đảm để bắt chuyện với người dân ngoài đường là tôi mới phát hiện sự thật. Không phải tôi đang học tiếng Việt chuẩn của Hương mà Hương đang học tiếng Việt lởm của tôi!
“Hóa ra chỉ có mỗi em hiểu anh,” tôi than van với em ấy, ánh mắt tha thiết như hồi còn bốn tuổi.
“Yên tâm,” em Hương trả lời. “Em đang chạy trước một chút. Mấy tháng nữa các anh chị ngoài đường sẽ hiểu anh thôi.” Và em Hương đã đúng.
Cộng với các thầy cô giáo đột phá, tôi tìmg có một số thầy cô giáo “đột vòm”, lấy trộm nhiều thời gian, bỏ lại những kỷ niệm vui vẻ nên kể trong một bài viết như thế này.
Tôi từng có một ông thầy mỗi lần dạy từ mới thì cầm bút viết tiếng Việt ở trên, tiếng Nga ở dưới. Thầy đã mất mấy chục năm học tiếng Nga ở Mátxcơva, nhất quyết sử dụng kiến thức đó trong phương pháp giảng dạy. Rất tiếc, ngoài một cậu Ưkraina hay bỏ học, cả lớp không có sinh viên nào biết tiếng Nga. Mỗi lần xuất hiện các “paỉORhiìi marcyi” và “MecTOHMeHHe” trên bảng trắng, mấy sinh viên mình chỉ biết nhìn nhau và cười, Tôi gọi thầy ấy “thầy Nga”.
Tôi từng học cùng lớp với một anh người Bỉ phát âm tiếng Việt rất kém. Cô giáo dạy lớp đó ưa chuộng những phương pháp giảng dạy mới, sáng tạo, chủ động. Sau một thời gian tìm hiểu, cô ấy quyết định dạy anh ấy phát âm tiếng Việt qua hành động. Mỗi lần nói từ có đấu huyền anh ấy phải gật đầu xuống, dấu sắc phải nâng đầu lên, dấu hỏi phải xoay đầu một vòng như cầu thủ bóng đá ngoáy cổ khởi động trước bài Quốc ca. Rất tiếc phương pháp đó đã hiệu quả quá! Sau mấy tháng, nói bất cứ câu gì là cái đầu của anh ấy cứ đảo lên đảo xuống như mấy hình nộm chó gật gù mà các anh lái taxi hay để lên bảng đồng hồ.
Tôi từng có một ông thầy rất mê sử dụng tiếng Anh – mỗi lần dạy đến ngữ pháp mới, thầy ấy giải thích kỹ càng bằng tiếng Anh rồi hỏi: “Thầy giải thích như vậy có chuẩn không em?” Xong mỗi buổi, số từ tiếng Anh thầy học của tôi luôn nhiều hơn số từ tiếng Việt tôi học của thầy – cho dù tôi là người trả tiền và thầy là người nhận lương. Tôi gọi thầy ấy “thầy Anh”.
Tôi quan niệm rằng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài không nên dùng đến tiếng mẹ đẻ của học trò, hoặc một ngôn ngữ thứ ba nào khác. Kể cả học trò mới bắt đầu học, giáo viên phải làm sao để chuyển ý mà không chuyển dùng ngôn ngữ khác. Chỉ vào ngực nói “Tôi”. Chỉ vào quả cam, nói “Cam”. Giả vờ đang ăn, nói “Ăn”. Tôi ăn cam. Chỉ cần chút khả năng diễn xuất, chút thời gian chuẩn bị là giáo viên có thể dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt. Từ một câu thành hai, từ hai câu thành bốn.
Học “thầy Anh”, tôi bức xúc quá – nhưng không biết cách nào để biến cảm giác bức xúc đó thành lời khuyên tử tế. Cuối cùng tôi không chịu được nữa, cắt lời thầy và nói một cách lịch sự nhất có thể với vốn từ đã có:
“Em trân trọng yêu cầu thầy không được biết tiếng Anh.”
Con Tây
Tôi có ý định thực hiện một cuộc thử nghiệm.
Năm tới tôi sẽ lấy một cô vợ người Nga, là sinh viên học tiếng Việt một Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội. Em nào cũng được, miễn tóc vàng và không biết tiếng Anh.
Tôi không biết tiếng Nga, nên hai vợ chồng sẽ phải tiếp xúc với nhau bằng tiếng Việt. Em ấy sẽ sinh cho tôi một đứa con trai vui tính, tóc vàng như mẹ, mắt xanh như bố. Rồi hai vợ chồng sẽ chuyển đến Quảng Bình ở.
Cháu sẽ lớn lên ở Quảng Bình, học cấp một đến cấp ba ở các trường địa phương. Suốt thời gian đó, cháu sẽ tiếp xúc với bố mẹ, giáo viên và bạn hè bằng tiếng Việt. Kết quả ban đầu của cuộc thử nghiệm này là một cậu con trai 18 tuổi, da trắng, mũi lõ, mắt xanh, tóc vàng, không biết Tết Tây mà nói tiếng Việt y như người Quảng Bình.
Tốt nghiệp cấp ba xong, cháu sẽ đi du học ở Mỹ. Tôi sẽ cử một đoàn phim tài liệu sang bên đó, âm thầm theo bước chân cháu. Một người da trắng nói tiếng Anh với giọng Pháp, Đức hoặc Hà Lan là chuyện bình thường. Nhưng giọng Việt Nam thì sao?
Tôi muốn xem người Mỹ nghĩ thế nào khi gặp cháu. Chắc họ sẽ không tin đó là giọng nói của nó. Họ sẽ nghĩ cháu đang nói đùa, đang mỉa mai, đang cố tình bắt chước giọng tiếng Anh của người Châu Á để gây cười.
– Ni tu mít u.
– What?
– I ve zi ni tu mít u!
– Go away.
Tôi cũng tò mò muốn biết các du học sinh Việt Nam phản ứng thế nào gì khi gặp cháu. Nếu cháu bắt chuyện họ bằng tiếng Anh rất có thể họ sẽ nghĩ cháu đang trêu chọc một cách quá đáng. Thế kỷ 21 mà lại bị mỉa mai như thế. Họ sẽ choáng. Họ sẽ càng choáng hơn khi cháu xin lỗi và giải thích mọi chuyện bằng giọng đặc sệt Quảng Bình.
Khi cháu đang học năm cuối đại học, tôi cùng vợ sẽ giả vờ chết đuối khi thuyền buồm “đụng phải” đá ngầm. Chúng tôi làm thế vì hai lý do. Thứ nhất là để cháu sẽ lấy tiền của công ty bảo hiểm (phải có chút cảm ơn chứ). Còn lý do thứ hai là để có cảnh thú vị kết thúc phim tài liệu – đó là một anh chàng da trắng thắp hương và để hoa quả lên bàn thờ có tấm ảnh hai ông bà cũng mắt xanh mũi lõ.
Tiến hóa
Theo một nhóm nghiên cứu tiến hóa, 100.000 năm sau, nhân loại sẽ chia thành hai.
Loài A sẽ là “thượng lưu của ADN”, người cao to, trắng trẻo, thông minh. Loài B sẽ là phần còn lại, vừa thấp vừa đen vừa ngu. Vì hai loài khác nhau nên một người “thượng lưu” không thể yêu một người “hạ lưu” và có con, cũng như một con người không thể yêu một con tinh tinh rồi chín tháng sau khoe một bé trai nửa tinh nửa ta. Người cao sẽ tiếp tục cao lên, người thấp sẽ tiếp tục thấp đi, không có cách nào quay lại cỡ vừa.
Nguyên nhân đơn giản. Trước đây muốn yêu thì phải yêu người gần; nếu vớ được một người tốt bụng và gợi cảm thì mừng quá. Còn bây giờ muốn yêu thì cả thế giới thành “buffet” của mình. Mình có thể lên mạng, bay xa, thuê dịch vụ môi giới – bằng mọi cách để tìm được một người xứng đáng.
Ngày xưa, những hạn chế về mặt địa lý, vận tải, công nghệ… đóng vai trò lớn trong việc kết nối trái tim, giúp nhiều mèo mù vớ được cá rán. Giờ thì không. Giờ cá rán dễ tìm đến nhau hơn (dùng chuột). Mèo mù phải lấy mèo mù thôi, sinh mèo con lại càng mù hơn.
Đế cứu nhân loại, tôi đề nghị chính phủ các nước nhanh chóng tiến hành CSAT (Chính sách ao ta). Theo các điều khoản, người dân các nước chỉ được phép kết hôn với người cùng quê – tuyệt đối không được kết hôn với người đến từ nơi xa. Hạn chế lựa chọn để bảo vệ giống nòi.
Nếu “bọn đồng hương” của một chị cao 185cm không gồm anh nào cao hơn 180cm thì chị ấy phải chấp nhận cúi đầu hôn chồng. Dù trong dù đục, dù thấp dù cao. Chỉ có như thế “gen xấu” và “gen đẹp” tiếp tục pha lẫn nhau, nhân loại tiếp tục là sữa chua hoa quả – không phải đĩa hoa quả để cạnh ly sữa.
Các điều khoản CSAT sẽ khó thực hiện, đặc biệt khi khái niệm “quê hương” đang mất dần. Vậy nên chính phủ các nước phải linh hoạt. Ví dụ, những người không rõ quê gốc mình ở đâu (hoặc quê gốc giờ là thành phố lớn) phải lấy người học cùng cấp ba. Trong trường hợp tất cả các người khác giới học cùng cấp ba lập gia đình hết thì họ có thể xuống cấp hai. Còn nếu cấp hai cũng không còn ai thì họ phải ghi tên vào danh sách “standby” (chờ người ly dị).
Đây là sự can thiệp cần thiết. Cách đây khoảng 50.000 năm, nhân loại đã chia thành hai. Người Nêanđectan là hạ lưu” (bọn thấp, bọn đen), còn người Homo-sapien là thượng lưu. Là chúng ta. Cuối cùng, người Nêanđectan bị tuyệt chủng, không cạnh tranh được với bộ não phát triển của bọn Homo-sapien chúng ta. Đó là chuyện buồn trong lịch sử tiến hóa – liệu có lặp lại không?
Whoops
Hầu như ngày nào tôi cũng chứng kiến mấy tai nạn văn hóa nhẹ, dấu vết hội nhập ngộ nghĩnh. Nếu thuộc về chữ cái, tôi hay chụp ảnh rồi lưu vào thư mục có tên “Whoops”, là từ cảm thán trong tiếng Anh sử dụng khi phát hiện mình vừa làm sai điều gì đó (hơi giống “Chết, nhầm” trong tiếng Việt). Bên trái là một số tác phẩm lấy từ thư mục “Whoops” đó.
1. Tờ tạp chí này có người đế lại trong phòng chụp hình của một cửa hàng áo cưới nằm trên phố Huế. Tác giả nhầm từ “Sweet” với từ “Sweat”. “Một ngày ngọt ngào” (One Sweet Day) trở thành “Một ngày chảy nhiều mồ hôi”. Ngẫm lại, đó là cặp vợ chồng trẻ sắp đi tuần trăng mật nên biết đâu câu viết nhầm mới là câu viết đúng nhất.
2. Ảnh này chụp tại quán cà phê sành điệu nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. Lẽ ra họ phải viết “Men’s Toilet”, hoặc đơn giản chỉ “Men’s”. “Toilet Man” nghe hơi giống các nhân vật anh hùng trong truyện tranh thời xưa của Mỹ. Đã có Spiderman, đã có Batman, giờ có thêm… Toiletman! Nếu Spiderman nhảy giữa các nhà cao tầng và Batman lái xe lửa như Schumacher thì tôi rất tò mò muốn biết khả năng đặc biệt của Toiletman là gì.
3. Ảnh này tôi chụp trong thang máy của tòa nhà Parkson Hùng Vương, nhiều người thắc mắc khồng hiểu vì sao một anh Tây đang chụp biển quảng cáo dịch vụ di động. “Maxi” trong tiếng Anh Mỹ là một cách rất thực tế để đối phó với “chuyện nhỏ ấy mà” – là sản phẩm của chị “Diana”. “Maxi Talk”, với một số người Bắc Mỹ trẻ, nghe như tên chương trình truyền hình giáo dục giới tính – mỗi show một nhóm các em teen sẽ ngồi tâm sự về những khó khăn mới gặp, rồi chuyển ngay sang các chủ đề hấp dẫn hơn như Joe Jonas vs. Justin Bieber ai cute hơn ai.
4. Không cần sai chính tả mới vào thư mục “Whoops”. Chiếc biển này (phố Lê Lợi, Hội An) không có từ nào viết sai (quá) – điều vui là sự kết hợp từ. Hình như bốn sản phẩm quan trọng nhất đối với du khách nước ngoài ở Hội An là (a) kem chống nắng, (b) bao cao su (c) tampon và (d) rượu các loại. Thế là đủ cho một chuyến đi vui vẻ – miễn là chuyện (c) không ảnh hưởng quá nhiều đến các chuyện (a), (d) và đặc biệt (b).
5. Để ý hai chữ p cạnh nhau. Nếu cố tình viết như vậy thì là trò marketing rất phù hợp với dịch vụ.
6. Tiếng Anh có từ khoa học là “urine”, có nghĩa là “nước tiểu”, phát âm là “ur-en”. Thấy logo này (“urenco”), tôi nghĩ ngay đến một đơn vị mang tên “Công ty Nước tiểu”. Điều thú vị là công ty đó đang phụ trách nhiều nhà vệ sinh công cộng – vậy thêm một trường hợp vừa nhầm vừa rất đúng.
7. Ảnh này tôi chụp ở đường Giảng Võ, gần khách sạn Horizon. Trong khi giới trẻ phương Tây hay “bậy”, viết những câu chửi, câu vô văn hóa – thì giới trẻ Việt hay “graffìti ngoan”, viết về tình yêu, việc học tập.
8. Tôi cướp ảnh này của một du khách người Úc vừa đi Sapa về. “Wash one hair.” “Rửa một sợi tóc.” Rửa tất cả không biết có giảm giá không nhỉ?
9. Tấm biển này ngay gần nhà tôi. Trong khi các shop khác chỉ bán túi “giả” thì ở đây chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn một chiếc túi “siêu giả”!
10. Sự hội nhập là con đường hai chiều; trên con đường đó, xe xuất phát từ cả hai phía đều có thể đâm vào nhau. Ảnh này tôi lấy từ laptop một người bạn thân, là sinh viên ngành điện ảnh. Băng rôn này bạn ấy chụp ở một trường đại học điện ảnh tại Hàn Quốc – nhóm sinh viên Hàn Quốc nhiệt tình “kính chúc” nhóm sinh viên Việt Nam đến giao lưu văn hóa (còn kính chúc cái gì chắc phải chờ chiếc băng rôn tiếp theo).
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.