Dạ khúc Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông

08. Khu đồi Malvern – Phần 2



Cả hai người đều rám nắng một cách tự nhiên, đều đặn, hoàn toàn không giống cái vẻ tôm luộc đầm đìa mồ hôi của mấy người dân vùng này ở ngoài kia, và dù đã lớn tuổi, họ đều có vẻ mảnh dẻ và rắn chắc. Ông chồng tóc đã ngả bạc, nhưng còn dày dặn, và chải cẩn thận, dù kiểu tóc phảng phất thập kỷ bảy mươi, hơi giống hai giọng nam trong ABBA. Bà vợ tóc bạch kim, gần như màu tuyết, với khuôn mặt nghiêm nghị, những khóe nhỏ vẽ quanh miệng làm hỏng mất vẻ mặt lẽ ra đã có thể là một mệnh phụ đẹp. Và thế là, như tôi đã nói, ông cố đưa bà vào câu chuyện.

“Tất nhiên, vợ tôi ưa Elgar lắm và rất háo hức được xem căn nhà nơi Elgar đã sinh ra.”

Im lặng.

Hoặc là: “Tôi không mê Paris, tôi phải thú nhận. Tôi thích Luân Đôn hơn. Nhưng còn Sonja, cô ấy thích Paris lắm.”

Vẫn không có gì.

Mỗi lần nói câu nào như thế, ông lại quay về bà vợ đang ngồi trong góc phòng, và Maggie cũng phải nhìn theo ra phía bà, nhưng bà vẫn không ngẩng lên khỏi quyển sách. Ông khách không vì thế mà tỏ ra buồn phiền và vẫn hớn hở nói chuyện. Rồi ông ta lại dang hai tay mà nói: “Xin phép cô, chắc tôi sẽ ra ngoài một chút thưởng thức phong cảnh xinh đẹp ở đây!”

Ông ta đi ra, và chúng tôi thấy ông đi vòng quanh sân. Rồi ông ta biến mất khỏi tầm nhìn. Bà vợ vẫn ngồi trong góc, đọc quyển hướng dẫn, và một lúc sau Maggie đến bên bàn bắt đầu dọn dẹp. Bà khách coi như không có chị cho đến lúc chị cầm lấy cái đĩa vẫn còn một mẩu bánh nhỏ xíu, nhấc lên. Rồi bỗng dưng bà đập sầm quyển sách xuống bàn và nói, lớn giọng hơn nhiều so với cần thiết: “Tôi đã xong đâu!”

Maggie xin lỗi và để bà lại cùng miếng bánh – miếng bánh mà tôi thấy bà ta không hề tỏ ý muốn chạm vào. Maggie đưa mắt nhìn khi đi qua tôi và tôi nhún vai đáp lại. Rồi một lúc sau, chị tới hỏi bà khách, ngọt ngào hết sức, liệu bà có muốn gọi thêm gì chăng.

“Không. Tôi không cần gì nữa.”

Tôi nghe giọng nói có thể đoán được rằng nên để bà ta yên, nhưng với Maggie thì gần như đã thành phản xạ. Chị hỏi, như là chị thực sự quan tâm: “Mọi thứ ổn cả chứ ạ?”

Phải ít nhất năm hay sáu giây, bà khách vẫn ngồi đọc sách, như không nghe thấy gì. Rồi bà ta bỏ sách xuống và trừng mắt nhìn chị tôi.

“Vì cô đã hỏi,” bà ta nói, “tôi sẽ nói cô hay. Đồ ăn thì không có sao. Tốt hơn nhiều quán kinh khủng quanh đây của các người. Tuy nhiên, chúng tôi đã đợi ba mươi lăm phút chỉ để có một miếng xăng uých và xa lát. Ba mươi lăm phút chẵn.”

Giờ tôi nhận ra bà này đang bừng bừng nổi giận. Không phải kiểu cơn giận thình lình đến, rồi nguội đi. Không phải – bà này, như tôi thấy, đã nung lửa trắng được một lúc rồi. Đây là kiểu cơn giận đến rồi ở lại, không thay đổi, như một cơn nhức đầu nặng, không bao giờ lên đỉnh và không chịu tìm đường thoát thích hợp. Maggie lúc nào cũng cân bằng nên không nhận ra được triệu chứng này, chắc là chị nghĩ bà ta đang nêu một khiếu nại ít nhiều có lý. Vì tôi thấy chị xin lỗi và phân trần: “Nhưng bà cũng thấy, khi phải gặp giờ cao điểm như chúng tôi lúc nãy…”

“Rõ ràng là ngày nào cô cũng gặp, phỏng? Không phải thế phỏng? Ngày nào cũng thế, vào mùa hè, khi trời đẹp, sẽ có giờ cao điểm như thế? Hử? Thế thì làm sao cô không đối phó được? Một chuyện ngày nào cũng xảy ra mà lại khiến cô bất ngờ. Cô muốn nói với tôi thế phỏng?”

Nãy giờ bà ta trừng mắt nhìn chị tôi, nhưng khi tôi ra khỏi quầy đến đứng cạnh Maggie, bà ta chuyển ánh mắt sang tôi. Và có lẽ nhờ vẻ mặt tôi lúc ấy, tôi thấy cơn giận của bà tăng thêm vài độ nữa. Maggie quay lại nhìn, nhẹ nhàng đẩy tôi ra chỗ khác, nhưng tôi cưỡng lại, và cứ nhìn lại bà ta. Tôi muốn bà ta biết không chỉ có bà ta và Maggie ở đây. Chúa biết được chuyện rồi sẽ đi đến đâu, nếu ông chồng không trở vào đúng lúc ấy.

“Cảnh tượng tuyệt đẹp làm sao! Cảnh tượng tuyệt đẹp, bữa trưa tuyệt vời, đất nước tuyệt vời!”

Tôi đợi ông ta nhận ra mình vừa bước vào vở kịch gì, nhưng nếu có nhận ra thì ông ta cũng không tỏ ra là có ghi nhận. Ông mỉm cười với vợ và nói bằng tiếng Anh, có lẽ là để chúng tôi cũng hiểu: “Sonja, em phải ra mà nhìn một cái. Chỉ cần đi đến cuối đường mòn ngoài kia thôi!”

Bà ta nói cái gì đó bằng tiếng Đức, rồi quay lại quyển sách. Ông ta tiến thêm vài bước vào phòng và bảo chúng tôi:

“Chúng tôi đã định lái đến Wales chiều nay. Nhưng khu đồi Malvern các bạn đẹp quá, có khi chúng tôi ở lại vùng này nốt ba ngày cuối kỳ nghỉ cũng được. Nếu Sonja đồng ý, tôi sẽ mừng vô cùng!”

Ông nhìn sang bà vợ, bà này nhún vai và nói thêm gì đó bằng tiếng Đức, khiến ông lại bật ra tiếng cười lớn, cởi mở của mình.

“Tốt lắm! Cô ấy đồng ý! Thế là quyết định. Chúng tôi sẽ không đi tới Wales nữa. Chúng tôi sẽ ở lại vùng các bạn nốt ba ngày nữa!”

Ông ta nhìn chúng tôi tươi rói, và Maggie nói vài câu động viên. Tôi nhẹ người thấy bà vợ cất sách và chuẩn bị đi. Cả ông chồng cũng đi lại bàn, nhấc cái ba lô nhỏ khoác lên vai. Rồi ông nói với Maggie:

“Tôi đang nghĩ. Không biết chẳng may có khách sạn nhỏ nào gần đây cô có thể giới thiệu cho chúng tôi không? Đừng đắt quá, tiện nghi và dễ chịu là được. Và nếu có thể thì có chút hương vị Anh quốc càng tốt!”

Maggie hơi bất ngờ trước câu hỏi và định hoãn binh bằng một câu vô nghĩa kiểu như: “Ông bà muốn ở nơi thế nào?” Nhưng tôi đã chen vào:

“Quanh đây nơi tốt nhất là của bà Fraser. Nó ở ngay trên đường tới Worcester. Nó tên là Trú quán Malvern.”

“Trú quán Malvern! Nghe đã thấy chuẩn rồi!”

Maggie quay đi vẻ bất bình và vờ dọn dẹp vài thứ khác trong lúc tôi chỉ dẫn cặn kẽ cho họ làm thế nào tìm đến nhà khách của Mụ Fraser. Rồi hai vợ chồng đi, ông chồng cảm ơn với nụ cười hơn hớn, bà vợ không liếc lại lấy một cái.

Chị tôi quay nhìn tôi mệt mỏi và lắc đầu. Tôi chỉ cười và nói:

“Chị phải thừa nhận là bà này với Mụ Fraser thực sự hợp nhau. Một cơ hội quá đẹp không thể bỏ lỡ.”

“Với em mua vui như thế thì tốt rồi,” Maggie nói, đi qua tôi vào bếp. “Nhưng chị còn phải sống ở đây.”

“Thế thì sao? Này, chị sẽ không bao giờ nhìn thấy đôi Đức ấy lần nữa. Còn nếu Mụ Fraser phát hiện ra chúng ta đang giới thiệu chỗ mụ cho khách du lịch đến đây thì cớ gì mụ ta phải phàn nàn?”

Maggie lại lắc đầu, nhưng lần này có gì đó như nét cười nhè nhẹ.

Quán trở nên tĩnh lặng hơn, rồi Geoff trở về, nên tôi đi lên tầng, bụng nghĩ mình đã làm quá phần mình hôm nay. Lên tới phòng, tôi ngồi lên bệ cửa sổ với cây đàn và chìm đắm một hồi vào một bài hát đang viết dở. Nhưng rồi – và hình như chưa được mấy chốc – tôi đã nghe bữa trà vào giờ cao điểm dưới nhà. Nếu quán trở nên cuồng loạn, mà gần như ngày nào cũng thế, Maggie thể nào cũng gọi tôi xuống – mà thế thì thật bất công, vì hôm nay tôi đã làm đến vậy rồi. Thế nên tôi quyết định khôn ngoan nhất là chuồn ra khu đồi và tiếp tục làm việc ở đó.

Tôi ra khỏi cửa sau mà không gặp ai, và lập tức thấy thoải mái được ra nơi thoáng đãng. Trời cũng khá ấm, nhất là khi đeo bao đàn trên lưng, và tôi mừng vì có gió nhẹ.

Tôi định bụng tới một chỗ vừa phát hiện được tuần trước. Muốn đến đó phải trèo lên một đường mòn dốc đằng sau nhà, rồi đi thêm vài phút trên chặng thoai thoải hơn đến khi tới một cái ghế dài. Vị trí này được tôi chủ tâm chọn, không chỉ vì khung cảnh mê hồn trước mắt mà còn vì nó không phải ở một giao điểm các nhánh rẽ, nơi anh thường gặp ai đó cùng một bầy trẻ con mệt lử loạng choạng đến ngồi cạnh mình. Mặt khác nó cũng không lìa hẳn khỏi thế giới mà lúc lúc sẽ có một người đi qua, chào anh theo cách riêng của họ, có khi còn buông một câu về cây đàn nữa, mà không cần chậm bước. Tôi không phiền vì chuyện này. Như thế cũng như có khán giả mà lại cũng không có ai, và đem lại cho trí tưởng tượng chút khuyến khích tôi cần.

Tôi ngồi trên ghế được khoảng nửa giờ thì để ý thấy mấy người đi dạo, sau khi đi qua với câu chào vắn tắt thường lệ, giờ đã dừng cách tôi vài bước và đang quan sát tôi. Điều này làm tôi khá bực mình, nên tôi nói, hơi có ý mỉa mai:

“Không sao đâu. Không cần phải bỏ tiền cho tôi đâu.”

Đáp lại là tiếng cười ha hả quen thuộc, tôi ngẩng lên thì thấy đôi Đức đang bước lại băng ghế.

Ý nghĩ thoáng qua đầu tôi là họ đã tới chỗ Mụ Fraser, nhận ra tôi chơi khăm họ, và giờ quay lại để tính sổ. Nhưng rồi tôi thấy không chỉ ông chồng, mà cả bà vợ nữa, đang tươi cười thích thú. Họ bước lại đến khi đứng trước mặt tôi, và bởi lúc này mặt trời đang lặn xuống, trong một phút họ chỉ còn là hai cái bóng hắt lên trời chiều lồng lộng. Rồi họ nhích lại thêm và tôi thấy cả hai đều đang nhìn cây ghi ta – mà tôi vẫn đang chơi – với một vẻ vừa ngỡ ngàng vừa sung sướng, giống như người ta nhìn đứa bé con. Lạ lùng hơn nữa, người đàn bà đang nhịp chân theo tiếng nhạc. Tôi mất tập trung và dừng chơi.

“Kìa, chơi tiếp đi!” người vợ nói. “Bài anh đang chơi hay lắm.”

“Phải,” người chồng nói, “hay tuyệt vời! Chúng tôi nghe thấy từ đằng xa.” Ông ta giơ tay chỉ. “Chúng tôi đang ở đằng kia, trên đỉnh đồi, và tôi bảo Sonja, tôi nghe có tiếng nhạc.”

“Tiếng hát nữa,” người đàn bà nói. “Tôi bảo Tilo, nghe xem, có tiếng ai hát đâu đó. Và tôi nghe đúng, phải không? Anh vừa hát nữa, mới một lúc trước.”

Tôi vẫn chưa tin hẳn được rằng cái người đang mỉm cười đây cũng là cái kẻ đã hành hạ chúng tôi như thế lúc trưa, và tôi nhìn kỹ họ lần nữa, để xem nhỡ đâu lại là một cặp khác hoàn toàn. Nhưng họ vẫn mặc bộ đồ lúc trước, và dù kiểu tóc ABBA của ông chồng đã bớt chỉnh tề vì gió, tôi không thể nhầm được. Chưa kể ngay lúc đó ông ta đã bảo:

“Tôi nghĩ anh là người đã phục vụ chúng tôi bữa trưa ở nhà hàng xinh xắn ban nãy.”

Tôi nhận là phải. Rồi bà vợ nói:

“Bài anh vừa hát mới đây. Chúng tôi nghe thấy từ trên kia, ban đầu chỉ vọng trong gió. Tôi rất thích cách nó trầm xuống cuối mỗi câu.”

“Cám ơn bà,” tôi nói. “Đấy là một bài tôi đang viết dở. Vẫn chưa xong.”

“Anh tự viết lấy à? Thế thì anh phải có tài lắm! Xin anh hát lại lần nữa đi, như lúc vừa nãy.”

“Anh biết không,” ông chồng nói, “khi nào thu âm bài này, anh phải bảo người sản xuất làm sao để nó đúng như thế này. Như thế này đây!” Ông ta khoát tay ra sau chỉ toàn Herefordshire đang trải rộng trước mắt chúng tôi. “Anh phải bảo họ đây là tiếng động, là bối cảnh âm thanh anh cần. Rồi người nghe sẽ nghe được bài hát như chúng tôi đã nghe hôm nay, vọng qua trong gió trong lúc chúng tôi đi xuống dốc con đồi…”

“Nhưng phải rõ hơn một tí, tất nhiên,” người vợ nói. “Nếu không sẽ không nghe rõ được lời. Nhưng Tilo nói đúng. Phải có cảm giác đang ở ngoài trời. Cảm giác về gió, về tiếng vọng.”

Họ có vẻ sắp sửa hưng phấn quá mức, như vừa gặp phải một Elgar nữa giữa vùng đồi. Bất chấp những ngờ vực ban đầu, tôi không thể không cảm thấy trìu mến với họ.

“À,” tôi nói, “vì tôi viết gần hết bài hát ở trên này nên cũng không lạ là nó có màu sắc nơi đây.”

“Đúng, đúng,” cả hai cùng nói và gật gật. Rồi người đàn bà nói: “Anh đừng ngại. Xin để chúng tôi nghe nhạc của anh. Nghe tuyệt vời lắm.”

“Được thôi,” tôi nói, tay gảy một khúc vu vơ. “Được thôi, tôi sẽ hát một bài, nếu ông bà thực sự muốn nghe. Không phải bài chưa viết xong đâu. Một bài khác. Nhưng này, tôi không thể hát được nếu hai người đứng ngay trước mặt tôi thế này.”

“Tất nhiên,” Tilo nói. “Chúng tôi vô ý quá. Sonja và tôi đã phải diễn trong quá nhiều cảnh huống kỳ quặc và khó khăn rồi, thành ra thiếu nhạy cảm với nhu cầu của những người chơi nhạc khác.”

Ông ta nhìn quanh và ngồi xuống một vệt cỏ lún phún bên vệ đường, quay lưng lại tôi nhìn ra vùng quê. Sonja gửi tôi một nụ cười khuyến khích, rồi ngồi xuống cạnh chồng. Ngay lập tức, ông chồng choàng tay qua vai bà, bà tựa vào ông, lúc ấy gần giống như tôi không còn ở đó nữa, mà họ đang có một giờ phút lãng mạn tình tứ ngắm hoàng hôn chốn đồng quê.

“Được rồi, bắt đầu,” tôi nói, và chơi bài hát tôi vẫn mở đầu mỗi buổi diễn thử. Tôi nhắm tới đường chân trời mà hát nhưng thỉnh thoảng lại liếc nhìn Tilo và Sonja. Dù không nhìn được mặt, song thấy họ vẫn ấp lấy nhau mà không tỏ ra sốt ruột, tôi hiểu họ tán thưởng những gì đang nghe. Khi tôi kết thúc, họ quay về phía tôi cười tươi rói và vỗ tay, tiếng vỗ tay vọng khắp khu đồi.

“Tuyệt trần!” Sonja nói. “Anh đúng là một tài năng!”

“Tuyệt diệu, tuyệt diệu,” Tilo thì nói.

Tôi cảm thấy hơi ngượng liền vờ cắm cúi thử mấy ngón đàn. Khi cuối cùng tôi cũng nhìn lên, họ vẫn đang ngồi trên mặt đất, nhưng đã chuyển tư thế để nhìn được tôi.

“Thế là ông bà cũng chơi nhạc?” tôi hỏi. “Ý tôi là, chơi chuyên nghiệp ấy?”

“Phải,” Tilo đáp, “tôi nghĩ anh có thể gọi chúng tôi là chuyên nghiệp. Sonja và tôi, chúng tôi là một bộ đôi. Nhà hàng, khách sạn. Đám cưới, đám tiệc. Khắp châu Âu, dù chúng tôi ưa nhất là làm việc ở Thụy Sĩ và Áo. Chúng tôi sinh sống bằng cách đó, nên phải, có thể nói là chuyên nghiệp.”

“Nhưng trên hết,” Sonja nói, “chúng tôi chơi vì chúng tôi tin vào âm nhạc. Tôi có thể thấy anh cũng như thế.”

“Nếu tôi thôi không tin vào âm nhạc nữa, tôi sẽ thôi chơi, thế thôi,” tôi nói. Rồi tôi thêm: “Tôi rất mong đến lúc được chơi chuyên nghiệp. Đấy phải là một cuộc sống thú vị.”

“Ồ phải, cuộc sống rất thú vị,” Tilo nói. “Chúng tôi rất may mắn được làm công việc này.”

“Thế này,” tôi nói, có lẽ hơi đột ngột. “Ông bà có đến nhà khách tôi đã nói không?”

“Chúng tôi bất lịch sự quá!” Tilo kêu lên. “Chúng tôi quá mê mải với tiếng nhạc của anh đến nỗi quên bẵng phải cảm ơn anh. Có, chúng tôi có đến và nơi ấy quả là hết sức chuẩn. May là vẫn còn chỗ.”

“Đấy đúng là nơi chúng tôi cần,” Sonja nói. “Cám ơn anh.”

Tôi lại vờ cắm cúi vào điệu nhạc. Rồi tôi nói, cố gắng thờ ơ hết sức: “Nghĩ lại thì, tôi còn biết một khách sạn nữa. Tôi nghĩ ở đó tốt hơn Trú quán Malvern. Tôi nghĩ ông bà nên đổi.”

“Ôi, chúng tôi đã thu xếp xong rồi,” Tilo nói. “Chúng tôi đã tháo đồ đạc, và thêm nữa, đấy đúng là nơi chúng tôi cần.”

“Phải, nhưng… Ôi, vấn đề là, ban nãy, khi ông bà hỏi tôi khách sạn, tôi không biết ông bà chơi nhạc. Tôi nghĩ ông bà chắc làm nhà băng hay gì đó.”

Cả hai phá lên cười, như tôi vừa nói đùa rất có duyên. Rồi Tilo bảo:

“Không, không, chúng tôi không làm nhà băng. Dù có nhiều lúc chúng tôi ước gì được như thế!”

“Tôi muốn nói là,” tôi bảo, “có những khách sạn phù hợp hơn cho giới nghệ sĩ, ông bà hiểu không. Rất khó trả lời khi người lạ nhờ giới thiệu khách sạn, nếu như tôi chưa hiểu họ là người thế nào.”

“Anh thật tốt bụng mới lo lắng thế,” Tilo nói. “Nhưng xin anh, không cần phải lo thêm nữa. Khách sạn ấy rất ổn. Thêm nữa, con người ta cũng không khác nhau nhiều lắm. Nhà băng hay nhạc sĩ, chúng ta rốt cuộc đều muốn những thứ giống nhau trong đời.”

“Anh biết không, em nghĩ không hẳn thế đâu,” Sonja nói. “Anh bạn trẻ đây, anh thấy anh ấy không muốn làm việc ở nhà băng. Anh ấy có những giấc mơ khác.”

“Có lẽ em nói đúng, Sonja ạ. Dù sao thì với chúng tôi nhà khách ấy là được rồi.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.