Dạ khúc Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông

09. Khu đồi Malvern – Phần 3



Tôi cúi người trên dây đàn, dạo thử một câu nhạc ngắn nữa cho mình, và trong vài giây không ai nói gì. Rồi tôi hỏi: “Thế hai người chơi loại nhạc gì?”

Tilo nhún vai. “Sonja và tôi chơi vài loại nhạc cụ khác nhau. Cả hai đều chơi được dương cầm. Tôi khá thích clarinet. Sonja chơi vĩ cầm rất tốt, và cũng là một ca sĩ tuyệt vời. Tôi nghĩ chúng tôi thích nhất là chơi dân ca Thụy Sĩ, nhưng theo lối đương đại. Đôi khi cả cái lối anh có thể gọi là cách tân nữa. Chúng tôi lấy cảm hứng từ những nhạc sĩ lớn đã chọn con đường tương tự. Janáček, chẳng hạn. Vaughan Williams của các anh nữa.”

“Nhưng loại nhạc ấy,” Sonja nói, “giờ chúng tôi không chơi nhiều lắm nữa.”

Họ nhìn nhau với thái độ mà tôi nghĩ là có chút căng thẳng. Rồi nụ cười quen thuộc trở lại trên môi Tilo.

“Ừ, như Sonja vừa nói, trong đời thực này, phần lớn thời gian chúng tôi phải chơi những gì khán giả hẳn sẽ ưa thích nhất. Thế nên chúng tôi chơi nhiều bài kinh điển. Beatles, hay Carpenters. Một vài bài mới hơn. Như thế đảm bảo thỏa mãn yêu cầu.”

“ABBA thì sao?” tôi hỏi bất chợt, rồi lập tức hối hận. Nhưng Tilo không có vẻ để ý có sự chế nhạo.

“Có, tất nhiên, chúng tôi có chơi ABBA. ‘Dancing queen’. Bài đó luôn được hoan nghênh. Thực ra thì ‘Dancing queen’ là bài tôi có hát tí chút, một ít phần đệm. Sonja sẽ bảo anh tôi có một giọng hát kinh khủng. Thế nên chúng tôi phải chắc chắn chỉ chơi bài này khi các khách hàng đang dở bữa ăn, để họ không có cơ hội bỏ trốn!”

Ông lại cười ha hả, và Sonja cười theo, dù không ồn ào bằng. Một tay mô tô, trong bộ áo đen trông như áo thợ lặn, phóng vù qua chúng tôi, và một lúc sau đó chúng tôi cùng nhìn cái hình dáng vặn vẹo đi xa dần.

“Tôi có đến Thụy Sĩ một lần,” cuối cùng tôi nói. “Hè năm ngoái hay năm kia gì đó. Interlaken. Tôi ngủ đêm ở nhà nghỉ thanh niên.”

“À phải, Interlaken. Một thị trấn đẹp. Có nhiều người Thụy Sĩ không ưa nó. Họ bảo đấy là nơi chỉ dành cho du khách. Nhưng Sonja và tôi luôn thích chơi ở đó. Thực tình, chơi nhạc ở Interlaken trong một chiều hè, cho những người khách vui tươi từ khắp nơi trên thế giới, là một điều hết sức tuyệt vời. Tôi hy vọng anh đã có một kỳ nghỉ thú vị.”

“Có, tôi thích lắm.”

“Có một nhà hàng ở Interlaken hè nào chúng tôi cũng chơi vài tối. Tới lượt chúng tôi, chúng tôi chọn chỗ ngay dưới vòm mái nhà hàng, để quay mặt về phía thực khách, và tất nhiên bàn ăn đều dọn ngoài trời trong những đêm như thế. Và khi biểu diễn, chúng tôi có thể nhìn trọn các du khách đang vừa ăn vừa trò chuyện dưới trời sao. Đằng sau họ, chúng tôi nhìn thấy đồng cỏ rộng, ban ngày làm bãi đậu cho câu lạc bộ dù lượn, nhưng đến tối thì sáng bừng lên dưới ánh đèn đại lộ Höheweg. Và nếu anh có thể phóng tầm mắt xa thêm nữa thì có dãy Alps nhìn xuống cánh đồng. Đường viền ngọn Eiger, ngọn Mönch, ngọn Jungfrau. Và bầu không ấm áp tràn đầy tiếng nhạc do chính chúng tôi chơi. Mỗi khi ở đó, tôi luôn cảm thấy đây là một đặc ân. Tôi nghĩ, phải, thật may mắn được làm công việc này.”

“Cái nhà hàng ấy,” Sonja nói. “Năm ngoái, gã quản lý bắt chúng tôi mặc đủ bộ lễ phục khi chơi nhạc, dù trời nóng kinh khủng. Mặc như thế rất khó chịu, và chúng tôi bảo, có khác gì đâu, sao lại phải mặc gi lê lùng bùng và đeo khăn đội mũ làm gì? Chỉ cần mặc sơ mi thôi, chúng tôi rất gọn gàng mà vẫn rất Thụy Sĩ. Nhưng tay quản lý nhà hàng bảo, chúng tôi không mặc đủ bộ thì không chơi. Chọn đi, hắn ta nói, rồi bỏ đi, thế đấy.”

“Nhưng mà Sonja, nghề nào chẳng thế. Ở đâu chẳng có đồng phục, chẳng có thứ ông chủ bắt mình phải mặc. Ngay cả ở nhà băng cũng có cơ mà! Và với chúng ta, ít nhất cũng có thứ chúng ta tin. Văn hóa Thụy Sĩ. Truyền thống Thụy Sĩ.”

Lần này nữa một điều gì đó khó xử lại lẩn quất giữa họ, nhưng chỉ một hoặc hai giây, và rồi cả hai cùng mỉm cười khi quay lại nhìn cây đàn của tôi. Tôi nghĩ mình cần nói gì đó, nên bảo:

“Chắc là tôi sẽ thích như thế lắm. Được chơi ở nhiều nước khác nhau. Như thế sẽ khiến mình tinh tường, thực sự để tâm đến người nghe.”

“Phải,” Tilo nói, “thật tốt là chúng tôi được chơi cho đủ loại người. Và không chỉ ở châu Âu. Nói chung là chúng tôi cũng quen biết thêm bao nhiêu thành phố.”

“Düsseldorf, chẳng hạn,” Sonja nói. Lúc này giọng bà có lẫn vẻ khác – đanh hơn – và tôi có thể nhận ra con người mình đã gặp ở quán lúc nãy. Tilo thì không có vẻ để ý mà bảo tôi, với vẻ thoải mái:

“Düsseldorf là nơi con trai chúng tôi đang sống. Nó cũng bằng tuổi anh. Có thể hơn một chút.”

“Hồi đầu năm nay, chúng tôi đến Düsseldorf,” Sonja nói. “Chúng tôi có lịch chơi ở đó. Không phải như mọi khi, đây là cơ hội để chơi nhạc thực sự. Thế nên chúng tôi gọi nó, con trai chúng tôi, đứa con duy nhất, chúng tôi gọi điện báo đang đến thành phố nó sống. Nó không nhấc máy, nên chúng tôi để lại lời nhắn. Hết lời nhắn này đến lời nhắn khác. Không thấy trả lời. Chúng tôi đến Düsseldorf, chúng tôi để lại thêm nhiều lời nhắn nữa. Chúng tôi bảo, bố mẹ đây, bố mẹ ở thành phố của con rồi. Vẫn không thấy gì. Tilo nói đừng lo, có thể nó sẽ tới đêm ấy, đến nghe buổi diễn. Nhưng nó không đến. Chúng tôi chơi, rồi chúng tôi đến một thành phố khác, đến chương trình tiếp theo trong lịch.”

Tilo cười khúc khích. “Tôi nghĩ có lẽ Peter đã nghe chán nhạc của chúng tôi suốt khi lớn lên rồi! Tội nghiệp thằng bé, anh thấy đấy, nó phải nghe chúng tôi tập dượt, cả ngày lẫn đêm.”

“Tôi nghĩ có lẽ như thế cũng khó,” tôi nói. “Vừa con cái vừa âm nhạc.”

“Chúng tôi chỉ có mình nó thôi,” Tilo nói, “nên cũng không khó quá. Tất nhiên chúng tôi cũng may. Khi phải đi diễn mà không thể đưa nó theo, ông bà nó lúc nào cũng sẵn sàng giúp. Và khi Peter lớn hơn, chúng tôi có điều kiện gửi nó vào một trường nội trú tốt. Lần này nữa, ông bà nó lại ra tay. Nếu không thì chúng tôi cũng không trả được từng ấy học phí. Thế nên chúng tôi rất may.”

“Phải, chúng tôi rất may,” Sonja nói. “Ngoài chuyện Peter ghét trường học.”

Không khí vui vẻ lúc nãy rõ ràng là đang tan đi. Cố gắng cứu vớt tình hình, tôi nói nhanh: “Dù sao thì, có vẻ như ông bà đều rất thích công việc của mình.”

“Ồ phải, chúng tôi rất thích công việc của mình,” Tilo nói. “Đấy là điều quý nhất trên đời với chúng tôi. Tuy thế, chúng tôi cũng biết quý trọng một kỳ nghỉ. Anh biết không, đây là kỳ nghỉ tử tế đầu tiên của chúng tôi từ ba năm nay.”

Nghe thế tôi lại bắt đầu cảm thấy cực kỳ áy náy, và nghĩ đến chuyện thử thuyết phục họ đổi khách sạn thêm lần nữa, nhưng cũng thấy làm vậy sẽ ngớ ngẩn đến thế nào. Tôi chỉ có thể hy vọng Mụ Fraser đã bắt tay vào làm việc. Tôi đành bảo:

“Thế này, nếu ông bà thích, tôi sẽ chơi bài hát tôi đang viết dở lúc nãy. Bài này chưa xong, và bình thường tôi không làm thế đâu. Nhưng vì đằng nào ông bà cũng nghe một phần rồi, tôi có thể chơi cho ông bà nghe những gì tôi đã viết được.”

Nụ cười quay lại với Sonja. “Vâng,” bà nói, “xin anh cho chúng tôi nghe. Bài ấy có vẻ hay quá chừng.”

Trong lúc tôi chuẩn bị chơi, họ lại chuyển tư thế, để quay mặt nhìn xuống đồi như lúc nãy, quay lưng lại tôi. Nhưng lần này, thay vì ôm nhau, họ ngồi trên cỏ thẳng đờ đến đáng kinh ngạc, cả hai đều đưa tay lên mắt che ánh nắng. Họ cứ như thế suốt trong lúc tôi chơi, ngồi yên như phỗng, và cộng thêm cái bóng dài đổ xuống sau lưng mỗi người, cả hai trông như sắp đặt song đôi ở triển lãm nghệ thuật. Tôi chơi bài hát chưa hoàn thành cho đến một đoạn dừng dở dang, và trong một lúc họ không cử động. Rồi cả hai cũng giãn ra, và họ vỗ tay, dù có lẽ không hẳn hào hứng như lúc nãy. Tilo đứng dậy, lúng búng vài câu khen ngợi, rồi giúp Sonja đứng lên. Chỉ đến khi nhìn thấy tư thế họ lúc ấy anh mới có thể nhận ra họ đúng là đã trọng tuổi rồi. Có lẽ chẳng qua là họ mệt. Biết đâu đấy, có thể họ đã đi bộ kha khá trước khi bắt gặp tôi. Dù sao nữa, tôi cũng thấy có vẻ họ tương đối khó khăn mới đứng dậy được.

“Anh đã đem lại cho chúng tôi một niềm vui lớn,” Tilo nói. “Bây giờ chúng tôi là du khách, và có người chơi cho chúng tôi nghe! Đúng là một thay đổi thú vị.”

“Tôi sẽ rất thích được nghe bài hát ấy khi nào anh xong,” Sonja nói, và có vẻ thực sự bà nghĩ thế. “Có thể một ngày tôi sẽ nghe thấy nó trên đài. Biết đâu được?”

“Phải,” Tilo nói, “và rồi Sonja với tôi sẽ chơi cover cho khách hàng nghe!” Tiếng cười ha hả của ông vọng khắp không trung. Rồi ông lịch thiệp cúi chào và nói: “Vậy là hôm nay chúng tôi mắc nợ anh ba lần. Bữa ăn tuyệt vời. Khách sạn tuyệt hảo mà anh giới thiệu. Và buổi biểu diễn tuyệt diệu giữa những ngọn đồi!”

Trong phút chia tay, tôi cồn cào muốn nói cho họ sự thực. Muốn thú nhận là tôi đã cố tình đẩy họ tới nhà khách tệ nhất trong vùng, và bảo họ nên rời đi trong khi còn kịp. Nhưng thái độ trìu mến khi họ bắt tay tôi khiến nói ra điều đó càng khó khăn hơn. Và rồi họ đã lên đường xuống chân đồi và tôi còn lại một mình trên ghế.

Khi tôi từ trên đồi về thì quán đã nghỉ. Maggie và Geoff có vẻ phờ phạc. Maggie nói đây là ngày bận rộn nhất từ trước đến nay nhưng chị có vẻ hài lòng. Nhưng khi Geoff nhắc lại câu đó trong bữa tối – chúng tôi ăn ngay trong quán những đồ thừa còn lại – anh ta lại như chỉ ra một điều rất tệ, kiểu như là thật kinh khủng, họ thì buộc phải làm việc vất vả như vậy còn tôi thì mất mặt đi đâu? Maggie hỏi buổi chiều của tôi ra sao, và tôi không nhắc đến Tilo và Sonja – như thế sẽ rắc rối quá – mà chỉ bảo tôi đã lên đồi Thỏi Đường để hoàn thiện bài hát. Và khi chị hỏi tôi có tiến thêm được chút nào không, và tôi bảo có, hôm nay tôi tiến được một bước lớn, Geoff đứng dậy sầm sầm bước ra ngoài, dù đĩa vẫn còn thức ăn. Maggie vờ như không thấy, và quả thật, vài phút sau anh ta trở lại cầm một lon bia, ngồi đó đọc báo mà không nói năng gì. Tôi không muốn trở thành cớ chia rẽ hai anh chị tôi, nên sau một lát cũng xin phép đi và lên phòng sửa sang bài hát thêm một chút.

Cái phòng của tôi, ban ngày còn gợi cảm hứng là thế, tối đến lại chẳng được chút nào. Thứ nhất là rèm kéo không được kín, nghĩa là nếu có mở cửa sổ trong cái nóng ngột ngạt, sâu bọ hàng dặm quanh đây sẽ thấy ánh đèn và rầm rập kéo vào. Và chiếu sáng cho tôi chỉ là cái bóng đèn không chụp rủ xuống từ vành sứ hoa văn trên trần nhà, hắt bóng tù mù khắp các đồ vật quanh phòng, khiến căn phòng càng rõ ra vẻ trơ trụi. Tối hôm ấy, tôi muốn có ánh sáng để làm việc, để ngoáy lại tí ca từ nào chợt đến với tôi. Nhưng phòng càng lúc càng u tối, nên cuối cùng tôi tắt đèn, vén lại rèm, và mở toang cửa sổ. Rồi tôi ngồi trên bệ với cây đàn, như vẫn làm lúc ban ngày.

Tôi đã ngồi thế được khoảng một tiếng, chơi thử nhiều ý tưởng cho phần nối, thì có tiếng gõ cửa và Maggie ló đầu vào. Tất nhiên trong phòng tối mịt, nhưng ở dưới sân có đèn bảo an, cũng đủ cho tôi nhìn ra chị. Trên mặt chị có nụ cười bối rối, và tôi nghĩ chị lại sắp nhờ tôi xuống giúp một việc linh tinh gì nữa đây. Chị đi vào phòng, đóng cửa lại nói:

“Chị xin lỗi em nhiều. Nhưng tối nay Geoff thực sự rất là mệt, anh ấy bận cả ngày. Và giờ anh nói anh muốn được yên ổn xem ti vi…?”

Chị nói giọng đó, như một câu hỏi, và một lúc sau tôi mới hiểu ra chị đang yêu cầu tôi ngừng chơi.

“Nhưng em đang đến một đoạn rất quan trọng,” tôi nói.

“Chị hiểu mà. Nhưng tối nay thực sự anh rất mệt, và anh bảo anh không nghỉ ngơi được vì tiếng đàn của em.”

“Geoff cần hiểu một điều là,” tôi nói, “cũng như anh ấy có việc của anh ấy, thì em có việc của em.”

Chị tôi có vẻ nghĩ ngợi. Rồi chị thở dài đánh sượt. “Chị không nghĩ là nên nhắc lại câu đó cho Geoff.”

“Tại sao? Sao chị không nói? Đã đến lúc anh ấy cần hiểu.”

“Tại sao à? Tại vì chị không nghĩ anh ấy sẽ hài lòng, thế đấy. Và chị không tin anh ấy sẽ đồng ý rằng việc của anh ấy và việc của em là ngang hàng nhau.”

Tôi đứng nhìn Maggie, một lúc không nói được gì. Rồi tôi nói: “Chị toàn nói vớ vẩn. Sao chị lại nói vớ vẩn thế?”

Chị lắc đầu nặng nhọc, nhưng không nói gì.

“Em không hiểu tại sao chị nói vớ vẩn thế,” tôi nói. “Và vừa đúng lúc mọi thứ đang rất thuận lợi với em.”

“Mọi thứ đang thuận lợi với em, thật thế à?” Chị vẫn nhìn tôi trong ánh sáng lờ mờ. “Ừ, được rồi,” cuối cùng chị nói. “Chị không tranh cãi với em đâu.” Chị quay đi mở cửa. “Xuống ngồi với anh chị, nếu em muốn nhé,” chị nói khi rời đi.

Phẫn nộ đến đờ người, tôi nhìn cánh cửa vừa đóng sau lưng chị. Bây giờ tôi mới để ý tiếng ti vi lờ mờ vọng lên, và ngay cả trong trạng thái đó, một góc nhỏ trong não vẫn nhắc tôi rằng cơn điên giận này đáng lẽ không nên nhằm vào Maggie, mà phải là Geoff, người đã thực hiện một chiến dịch hạ bệ tôi từ lúc tôi đến đây. Ngay cả thế, chị tôi mới là người làm tôi tức tối. Từ khi tôi vào đến nhà chị, chị chưa một lần đề nghị nghe bài hát của tôi, như Tilo và Sonja đã làm. Đâu có gì quá đáng nếu mong chờ điều đó ở chị mình, người mà, như tôi bây giờ nhớ ra, cũng hết sức ham mê âm nhạc hồi mới lớn? Và bây giờ thì, đấy, đi ngắt ngang giữa lúc tôi làm việc và toàn nói chuyện vớ vẩn. Mỗi lần nghĩ đến câu chị nói “Được rồi, chị không tranh cãi với em”, tôi lại thấy một luồng điên giận mới trào lên.

Tôi xuống khỏi bệ cửa, cất đàn đi, rồi nằm phịch xuống trên đệm. Rồi một lúc sau đó tôi chỉ nằm nhìn những nếp hoa văn trên trần. Có vẻ như tôi đã được mời đến đây với những giả định sai lầm, rằng lý do chẳng qua là nhân công giá rẻ cho mùa cao điểm, lao công thậm chí không phải trả tiền. Và chị tôi chẳng hiểu gì hơn so với thằng chồng đần của chị về những khát vọng của tôi. Sẽ đáng đời cả hai nếu tôi bỏ mặc họ ở đây giữa cảnh bát nháo mà trở lại Luân Đôn. Tôi cứ quanh đi quẩn lại những ý nghĩ đó, cho đến khoảng một giờ sau, tôi dịu lại một chút và quyết định sửa soạn đi ngủ.

Tôi không nói năng nhiều với cả hai khi xuống nhà sau giờ ăn sáng như thường lệ. Tôi chuẩn bị bánh mì nướng và cà phê, tự lấy một ít trứng tráng còn lại, và ngồi xuống một góc quán. Trong khi ngồi ăn tôi cứ trở lại với ý nghĩ mình có thể gặp phải Tilo và Sonja lần nữa trong khu đồi. Và dù có thể sẽ dẫn đến phải nghe bài ca về cái nhà của Mụ Fraser, dù thế đi nữa, tôi nhận ra mình đang hy vọng chuyện đó xảy ra. Thêm nữa, ngay cả nếu chỗ Mụ Fraser thực là kinh khủng, họ cũng không bao giờ đoán được tôi đã giới thiệu vì ác ý. Có cả chục cách để tôi thoát khỏi chuyện này.

Maggie và Geoff hẳn là đang trông chờ tôi giúp khi giờ ăn trưa tới, nhưng tôi quyết định họ cần một bài học về chuyện ăn không của người khác. Thế nên sau khi ăn xong tôi đi lên phòng, lấy đàn và chuồn ra cửa sau.

Lúc này trời đã lại nóng nực và mồ hôi chảy xuống má khi tôi đi lên đường dốc tới băng ghế của mình. Mặc dù nghĩ về Tilo và Sonja suốt bữa sáng, đến lúc này tôi đã quên mất họ, cho nên khi lên tới chặng dốc cuối và nhìn ra chiếc ghế, tôi khá ngạc nhiên thấy Sonja đang ngồi đó một mình. Bà nhìn ra tôi ngay và vẫy tay.

Tôi vẫn còn hơi e sợ bà, và nhất là không có Tilo ở đây, tôi không hào hứng tới ngồi với bà lắm. Nhưng bà cười rõ tươi với tôi và dịch người ra, như là để chỗ cho tôi, nên tôi không còn cách nào khác.

Chúng tôi chào nhau, rồi trong một lúc chỉ ngồi cạnh nhau như thế, không nói gì. Ban đầu cũng không khó xử lắm, phần vì tôi vẫn đang lấy lại hơi, phần vì khung cảnh trước mắt. Sương và mây mù nhiều hơn hôm trước, nhưng nếu để ý, vẫn có thể nhìn thấy bên kia bên giới xứ Wales tới dãy đồi Núi Đen. Gió khá mạnh, nhưng không phải là khó chịu.

“Thế Tilo đâu rồi?” cuối cùng tôi hỏi.

“Tilo à? Ồ…” Bà đưa tay lên che mắt. Rồi chỉ. “Kia kìa. Anh thấy không? Ở đằng kia. Tilo đấy.”

Xa xa tầm bao nhiêu đó, tôi nhìn thấy một dáng người, có vẻ là mặc áo phông xanh đội mũ lưỡi trai trắng, đi dọc theo con đường dốc lên Đỉnh Worcestershire.

“Tilo muốn đi dạo,” bà nói.

“Bà không muốn đi cùng à?”

“Không. Tôi ngồi lại đây.”

Tuy rõ ràng bà không còn là vị khách điên khùng trong quán, song bà cũng không hẳn là con người thân thiện và khích lệ ngày hôm qua. Hẳn là có chuyện gì đây, và tôi bắt đầu sửa soạn lời biện hộ về chỗ Mụ Fraser.

“À nhân thể,” tôi nói, “tôi đã viết thêm một chút cho bài đó. Bà có thể nghe nếu bà muốn.”

Bà suy nghĩ một chút, rồi đáp: “Nếu anh không phiền thì có lẽ không phải bây giờ. Anh biết đấy, Tilo và tôi vừa mới nói chuyện. Anh gọi là vừa mới bất đồng cũng được.”

“Ôi thế ạ. Rất tiếc lại có chuyện đó.”

“Và bây giờ ông ấy đã bỏ đi dạo.”

Lần nữa, chúng tôi lại ngồi mà không nói gì. Rồi tôi thở dài và nói: “Tôi nghĩ có lẽ đấy là lỗi của tôi.”

Bà quay lại nhìn tôi. “Lỗi của anh à? Sao anh lại nói thế?”

“Nguyên nhân hai người cãi nhau, nguyên nhân kỳ nghỉ của ông bà thành ra hỏng cả. Đấy là lỗi tôi. Đấy là tại cái nhà khách, phải không? Nhà khách ấy không được lắm, phải không?”

“Nhà khách à?” Bà có vẻ bối rối. “Nhà khách à. Ừ, nó cũng có khuyết điểm. Nhưng nó chỉ là cái nhà khách, như mọi nhà khách khác.”

“Nhưng bà để ý, đúng không? Bà luôn để ý các khuyết điểm. Chắc là bà phải để ý.”

Bà có vẻ nghĩ ngợi điều này, rồi gật đầu. “Đúng thế, tôi luôn để ý các khuyết điểm. Còn Tilo thì không. Tilo, tất nhiên, nghĩ đấy là một nhà khách tuyệt vời. Chúng ta may mắn quá, ông ấy bảo thế. May mắn quá mới tìm được nhà khách này. Rồi sáng nay chúng tôi dùng bữa. Với Tilo, đó là một bữa sáng rất ổn, bữa sáng tốt nhất từng có. Tôi nói, Tilo, đừng có ngớ ngẩn. Bữa sáng nay chẳng ra gì. Nhà khách này chẳng ra gì. Ông ấy nói, không, không, chúng ta rất là may mắn. Thế nên tôi tức điên lên. Tôi nói cho người chủ biết mọi thứ gì không ổn ở đây. Tilo kéo tôi đi. Chúng ta đi dạo đi, ông ấy nói thế. Rồi em sẽ thấy dễ chịu hơn. Thế nên chúng tôi ra đây. Và ông ấy nói, Sonja, nhìn những ngọn đồi này, chẳng phải chúng thật đẹp sao? Chẳng phải ta may mắn vì đã tới một nơi như thế này trong kỳ nghỉ sao? Vùng đồi này, ông ấy bảo, còn tuyệt vời hơn ông ấy tưởng tượng khi nghe nhạc Elgar. Ông ấy hỏi tôi, không phải thế sao? Có lẽ lúc ấy tôi lại tức lên. Tôi bảo ông ấy, vùng đồi này có gì mà tuyệt. Chúng không phải như tôi tưởng tượng khi nghe Elgar. Những ngọn đồi của Elgar vừa vương giả vừa huyền bí. Ở đây chỉ như một cái công viên. Tôi đã nói với ông ấy như thế, và bây giờ đến lượt ông ấy cáu bẳn. Ông ấy bảo đã thế thì ông ấy sẽ đi một mình. Ông ấy bảo chúng ta thế là xong, chúng ta bây giờ không đồng ý được chuyện gì nữa. Thế đấy, ông ấy bảo, Sonja, em và anh, chúng ta thế là xong. Và ông ấy đi! Anh thấy đấy. Đấy là vì sao ông ấy ở trên đó còn tôi ở dưới này.” Bà lại che mắt và theo dõi chặng đường của Tilo.

“Tôi xin lỗi vô cùng,” tôi nói. “Giá mà tôi không chỉ ông bà đến cái nhà khách ấy từ đầu…”

“Xin anh. Cái nhà khách không quan trọng.” Bà cúi người tới trước để thấy được Tilo rõ hơn. Rồi bà quay sang tôi mỉm cười, và tôi nghĩ hình như có những giọt lệ nhỏ trong mắt. “Nói tôi hay đi,” bà bảo. “Hôm nay, anh định sáng tác thêm bài hát nữa à?”

“Dự định là thế. Hoặc ít nhất thì, tôi định viết nốt bài hát đang viết dở. Bài bà vừa nghe hôm qua ấy.”

“Bài ấy hay tuyệt. Và anh sẽ làm gì nữa, sau khi đã viết xong ở đây? Anh có dự định gì chưa?”

“Tôi sẽ về Luân Đôn lập một ban nhạc. Những bài hát này cần một ban thích hợp, nếu không chúng sẽ không đạt được hiệu quả.”

“Thú vị quá. Tôi chúc anh may mắn.”

Ngừng một lúc, tôi lại nói, thật nhỏ: “Mà có khi tôi cũng chẳng làm. Cũng không phải dễ dàng, bà biết đấy.”

Bà không trả lời, và tôi chợt nghĩ bà không nghe thấy, bởi bà đã lại quay đi, nhìn về phía Tilo.

“Anh biết không,” cuối cùng bà nói, “hồi còn trẻ, không có gì có thể làm tôi bực tức. Nhưng bây giờ tôi bực tức vì mọi thứ. Tôi không biết tại sao mình lại thành thế này. Điều ấy không tốt. Ồ, tôi không nghĩ Tilo sẽ trở lại đây. Tôi sẽ quay lại nhà khách đợi ông ấy vậy.” Bà đứng lên, ánh mắt vẫn dõi theo bóng người đằng xa.

“Thật đáng tiếc,” tôi nói và cũng đứng dậy, “ông bà lại bất hòa giữa kỳ nghỉ thế này. Thế mà hôm qua, khi tôi chơi cho hai người nghe, hai người có vẻ hạnh phúc biết mấy.”

“Phải, đấy là một khoảnh khắc đẹp. Cám ơn anh đã đem lại nó.” Bỗng nhiên, bà chìa tay cho tôi, mỉm cười thân mật. “Gặp được anh thật mừng.”

Chúng tôi bắt tay nhau, theo kiểu mềm mại mỗi lần bắt tay phụ nữ. Bà đã dợm bước đi, song dừng lại nhìn tôi.

“Nếu Tilo ở đây,” bà nói, “ông ấy sẽ bảo anh, đừng bao giờ nản chí. Ông ấy sẽ nói, tất nhiên rồi, anh phải đi Luân Đôn và thử thành lập ban nhạc của mình. Tất nhiên anh sẽ thành công. Tilo sẽ nói với anh như thế. Bởi vì ông ấy là như vậy.”

“Thế bà thì sẽ nói thế nào?”

“Tôi cũng muốn nói tương tự. Bởi anh còn trẻ và tài năng. Nhưng tôi không tin tưởng đến thế. Đời là vậy, đời sẽ mang đến những buồn phiền. Nếu trên hết, anh có những giấc mơ như thế…” Bà lại mỉm cười và nhún vai. “Nhưng tôi không nên nói những điều này. Tôi không phải tấm gương tốt cho anh. Thêm nữa, tôi có thể thấy anh giống Tilo hơn. Nếu buồn phiền có đến, anh vẫn sẽ tiến lên. Anh sẽ nói, cũng như ông ấy nói, rằng mình may mắn làm sao.” Trong vài giây, bà đứng nhìn tôi, như đang ghi nhớ lại dáng vẻ tôi thế nào. Cơn gió đang thổi tung tóc bà, khiến bà có vẻ già hơn thường lệ. “Tôi chúc anh thật nhiều may mắn,” cuối cùng bà nói.

“Tôi cũng chúc bà may mắn,” tôi nói. “Và tôi hy vọng hai người chóng làm hòa với nhau.”

Bà vẫy tay lần cuối, rồi đi xuống theo đường mòn khuất tầm mắt.

Tôi lấy đàn trong bao ra và ngồi lại xuống ghế. Nhưng mãi một hồi lâu tôi không chơi gì, vì còn đang nhìn ra xa, về hướng Đỉnh Worcestershire, và cái bóng tí xíu của Tilo trên đường lên dốc. Có lẽ vì lúc này nắng trên đồi đang chiếu xuống mảng đó, tôi thấy ông rõ hơn lúc nãy nhiều, dù ông đã xa tôi hơn. Ông vừa dừng chân một lúc trên đường, và có vẻ đang nhìn những ngọn đồi quây quần xung quanh, gần như thể đang đánh giá lại chúng. Rồi cái bóng của ông lại tiếp tục di chuyển.

Tôi tiếp tục với bài hát một lúc nữa, nhưng cứ liên tục mất tập trung, chủ yếu vì còn đang hình dung vẻ mặt Mụ Fraser lúc Sonja tấn công mụ ta sáng nay. Rồi tôi nhìn lên trời mây, nhìn xuống mặt đất trải bao la bên dưới, và bắt mình quay lại nghĩ về bài hát, về phần nối tôi còn chưa làm xong.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.