Dạ khúc Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông

01. Người hát tình ca – Phần 1



Cái buổi sáng tôi nhìn ra Tony Gardner ngồi giữa đám khách du lịch ấy, mùa xuân vừa mới đến thành Venice. Chúng tôi vừa kết thúc tuần đầu tiên trọn tuần biểu diễn ngoài trời ở piazza[1] – thực là nhẹ nhõm vô kể, anh nghĩ mà xem, sau những giờ đằng đẵng chen chúc ở góc trong cùng quán, vừa biểu diễn vừa tránh đường cho thực khách lên xuống cầu thang. Sáng ấy gió se se lạnh, và cái rạp mới tinh cứ lật phật quanh chúng tôi, nhưng cả hội đều cảm thấy thư thái và sảng khoái, và tôi nghĩ cái chút thư thái sảng khoái đó có thể nghe ra được trong nhạc chúng tôi chơi.

[1] Quảng trường (tiếng Ý).

Nhưng nghe mà xem, tôi đang nói cứ như là mình chơi chính thức trong ban nhạc vậy. Thật ra tôi chỉ là một gã “di gan”, đấy là từ của giới nhạc công chỉ những kẻ đi khắp piazza, hễ có ban nào trong ba quán cà phê thiếu người thì ghé chân vào. Chủ yếu tôi chơi ở quán Caffè Lavena, nhưng chiều nào đắt sô tôi cũng có thể làm một suất với ban của Quadri, rồi chạy qua bên Florian, rồi lại băng ngang quảng trường về Lavena. Tôi đánh bạn khá thân với họ – với cả bồi bàn ba quán nữa – và giả dụ là ở đâu khác thì giờ này tôi đã có chốn an cư rồi. Nhưng ở cái thành phố sốt lên vì truyền thống và quá khứ này, mọi thứ đều đảo ngược cả. Ở nơi khác, biết chơi ghi ta là anh đã có lợi thế. Còn đây à, ghi ta! Các chủ quán gãi đầu gãi tai. Ghi ta thì hiện đại quá, khách du lịch sẽ không ưa. Mùa thu rồi tôi kiếm được một chiếc ghi ta jazz loại cổ điển có lỗ thoát âm hình ô van, loại mà ngay Django Reinhardt cũng phải vừa ý, để nhìn vào không ai tưởng là một tay chơi rock. Như thế lẽ ra dễ chịu hơn, nhưng các chủ quán vẫn không hài lòng. Nói đằng thằng ra thì, một khi chơi ghi ta thì dù anh có là Joe Pass đi nữa, người ta cũng chẳng cho anh được một công việc ổn định ở quảng trường này đâu.

Thêm nữa, tất nhiên, lại còn cái chuyện nho nhỏ là tôi không phải dân Ý, nói gì đến dân Venice. Anh chàng người Séc thổi kèn saxo alto cũng chịu chung số phận. Người ta thích chúng tôi, ban nhạc cần chúng tôi, nhưng dù gì thì gì vẫn không có chỗ trong thực đơn chính thức cho chúng tôi. Chơi đi và ngậm mỏ lại, các chủ quán luôn nói thế. Như thế thì khách sẽ không biết cậu không phải người Ý. Mặc áo đuôi tôm, đeo kính râm vào, chải tóc lật ra sau, sẽ chẳng ai nhận thấy, miễn là đừng mở miệng.

Nhưng công việc cũng không đến nỗi tồi. Ban nhạc cả ba quán, nhất là khi phải chơi cùng lúc từ các rạp đối địch nhau, họ đều cần đàn ghi ta – cái gì đó nhẹ, chắc nịch, nhưng được tăng âm, đứng trong cùng mà phả ra các hợp âm. Chắc hẳn anh đang nghĩ, ba ban nhạc cùng chơi trên một quảng trường, hẳn phải hỗn loạn lắm. Nhưng Piazza San Marco rộng rãi đủ cho tất cả. Một người khách đi ngang quảng trường sẽ nghe thấy bản nhạc này dần tắt, giai điệu khác lớn dần, như khi dò sóng radio. Có một thứ mà khách du lịch không thể chịu đựng nhiều quá, đấy là nhạc cổ điển, những bản nhạc không lời phối nhiều cách khác nhau từ những điệu aria nổi tiếng. Tất nhiên, đây là San Marco, không ai đòi các ca khúc pop đang thịnh hành. Nhưng thỉnh thoảng họ cũng muốn thứ gì đó quen tai, có thể là một khúc trong nhạc kịch Julie Andrews ngày xưa, hay nhạc nền một bộ phim tên tuổi. Tôi nhớ có lần hè năm ngoái tôi đi từ quán này sang quán khác, chơi “Bố già” chín lần liền trong một buổi chiều.

Tóm lại là buổi sáng mùa xuân ấy, chúng tôi đang chơi cho một đám du khách khá đông đảo thì tôi nhìn thấy Tony Gardner, một mình bên cốc cà phê, gần như ngay trước mặt mình, cách rạp chỉ khoảng sáu mét. Người nổi tiếng đến quảng trường này không ít, chúng tôi chẳng bao giờ rộn lên làm gì. Kết thúc một bản, có thể sẽ nghe các nhạc công bảo nhỏ nhau. Nhìn kìa, Warren Beatty đấy. Nhìn, Kissinger kìa. Cái bà kia, ở trong cuốn phim có mấy người đổi mặt cho nhau đấy. Chúng tôi quen rồi. Đây là Piazza San Marco cơ mà. Nhưng khi tôi nhận ra đúng là Tony Gardner đang ngồi kia, thì khác. Tôi hào hứng thực sự.

Tony Gardner từng là ca sĩ yêu thích của mẹ tôi. Ngày xưa, ngày còn chính quyền cộng sản, chẳng dễ mà kiếm được những đĩa nhạc kiểu ấy, nhưng mẹ tôi có gần như đủ bộ đĩa của ông. Một lần hồi nhỏ, tôi làm xước mất một trong những đĩa nhạc quý báu đó. Căn hộ thì chật, mà một đứa bé trai như tôi hồi ấy không thể tránh khỏi lúc cuồng chân cuồng tay, nhất là trong những tháng mùa đông lạnh không dám ló mặt ra đường. Thế là tôi chơi trò nhảy từ cái xô pha nhỏ sang ghế bành, và trong một cú nhảy tôi nhắm nhầm mà lao thẳng vào máy quay đĩa. Cái kim rạch lên mặt đĩa đánh xẹt – đó là từ rất lâu trước khi có đĩa CD – thế là mẹ trong bếp chạy ra mắng tôi một trận. Tôi buồn bực lắm, không phải chỉ vì bị mắng, mà vì tôi biết đấy là đĩa nhạc của Tony Gardner, và biết mẹ quý nó đến mức nào. Và tôi biết cả cái đĩa này nữa rồi sẽ có những tiếng lụp bụp đế theo khi ông rủ rỉ những bài hát Mỹ. Nhiều năm sau, khi lên Warszawa làm việc và biết về thị trường đĩa lậu, tôi mua lại cho mẹ toàn bộ các an bum của Tony Gardner thay cho đĩa của mẹ đã mòn hết, kể cả cái tôi làm xước. Tôi mất ba năm cho việc đó, nhưng tôi cứ tìm được thêm, từng cái một, và mỗi lần về thăm mẹ tôi lại mang một cái về.

Vì thế chắc anh hiểu sao tôi lại hào hứng như vậy khi nhận ra ông ngồi cách mình chưa đầy sáu mét. Thoạt đầu tôi không tin vào mắt mình, và chắc là đã lỡ một phách trong chuỗi hợp âm. Tony Gardner! Thử nghĩ mẹ thân yêu sẽ bảo gì nếu biết điều này! Vì mẹ, vì những kỷ niệm về mẹ mà tôi phải đến nói gì đó với ông ấy, kể cả nếu mọi người trong ban nhạc có cười và bảo tôi cư xử như một gã hầu phòng.

Nhưng tất nhiên tôi không thể cứ thế chạy ào đến chỗ ông, đẩy nhào bàn ghế xung quanh được. Vẫn còn phải chơi cho xong suất. Đấy thật là một cực hình, anh thử nghĩ xem, chơi ba bốn bài nữa trong khi bất cứ lúc nào tôi cũng tưởng như ông sắp đứng dậy bỏ đi. Nhưng ông vẫn ngồi đấy, một mình, cứ nhìn cốc cà phê, khuấy chầm chậm như băn khoăn không hiểu bồi bàn mang cho mình thứ gì. Trông ông cũng giống như mọi du khách Mỹ khác, áo sơ mi xanh nhạt bẻ cổ và quần ống rộng màu xám. Tóc ông trên bìa đĩa đen và láng mượt là thế, giờ đã gần bạc, nhưng vẫn còn rất dày, và vẫn chải nuột nà theo cùng một kiểu ngày xưa. Khi tôi mới nhìn ra ông, ông cầm cặp kính đen trong tay – tôi không hiểu nếu không phải thế thì liệu mình có nhận ra ông không – nhưng trong lúc ban nhạc cứ chơi và tôi cứ nhìn, ông đẩy kính lên mắt, rồi lại bỏ ra, rồi lại đeo vào. Có vẻ ông đang chìm đắm trong suy nghĩ, và tôi hơi thất vọng thấy ông không để ý lắm đến nhạc chúng tôi chơi.

Rồi suất diễn cũng xong. Tôi vội vã ra khỏi rạp mà không nói gì với mọi người, đi thẳng đến bàn Tony Gardner, rồi trong một giây hoảng hốt không biết phải bắt chuyện thế nào. Tôi đứng sau lưng ông, nhưng giác quan thứ sáu nào đó đã mách ông quay lại nhìn lên tôi – chắc là do bao nhiêu năm được fan săn đón – và tích tắc sau tôi đã tự giới thiệu mình, rằng tôi hâm mộ ông đến mức nào, rằng tôi chơi trong ban nhạc ông vừa nghe, rằng mẹ tôi là fan ruột của ông, cứ thế một lèo. Ông lắng nghe hết sức nghiêm nghị, lúc lúc lại gật đầu như bác sĩ nghe bệnh nhân. Tôi cứ nói hoài mà ông chỉ đôi lúc bảo “Thế à?” Sau một lúc tôi nghĩ thế là đủ rồi và chuẩn bị xin phép đi thì ông nói:

“Thế ra anh là người ở mấy nước cộng sản ấy đấy. Sống ở đấy chắc khó khăn.”

“Đấy là ngày xưa thôi.” Tôi làm bộ vui vẻ nhún vai. “Bây giờ chúng tôi có một đất nước tự do. Và dân chủ.”

“Tốt quá. Và đội của anh vừa chơi cho chúng ta nghe đấy. Ngồi xuống đi. Anh dùng cà phê?”

Tôi nói không định ép ông chịu đựng mình, nhưng giọng ông giờ đã có vẻ hiền từ nhưng cương quyết. “Không, không, anh ngồi xuống. Mẹ anh thích nghe đĩa của tôi, anh bảo thế mà.”

Thế nên tôi ngồi xuống và kể thêm chút nữa. Về mẹ tôi, về căn hộ, thị trường đĩa lậu. Và dù không nhớ được tên các an bum, tôi quay sang mô tả hình minh họa trên bìa đĩa theo trí nhớ, và mỗi lần như thế ông lại giơ ngón tay lên mà nói, ví dụ: “À, đó chắc là Inimitable. The Inimitable Tony Gardner.” Tôi nghĩ cả hai đều đang thích thú trò chơi này, nhưng rồi, nhận ra ánh mắt ông Gardner trượt qua tôi, tôi ngoảnh lại vừa kịp thấy một người phụ nữ đang đi lại bàn.

Đấy là một điển hình của những bà người Mỹ hết sức quý phái, từ kiểu tóc tới phục trang lẫn dáng người, đến mức anh sẽ ngỡ họ còn trẻ lắm cho tới khi thấy họ thật gần. Nhìn từ xa, có lẽ tôi đã tưởng nhầm bà là một cô người mẫu trong các tạp chí thời trang giấy bóng. Nhưng khi bà ngồi xuống cạnh ông Gardner và đẩy cặp kính đen lên trán, tôi thấy bà cũng phải ít nhất năm mươi rồi, có khi hơn. Ông Gardner bảo tôi: “Đây là vợ tôi, Lindy.”

Bà Gardner thoáng mỉm với tôi một nụ cười có vẻ miễn cưỡng, rồi nói với chồng: “Còn đây là ai? Anh đã kịp tìm ra một người bạn rồi cơ à.”

“Đúng thế, em yêu. Anh đang trò chuyện vui vẻ với… Xin lỗi anh bạn, tôi vẫn chưa biết tên anh.”

“Jan,” tôi đáp nhanh. “Nhưng các bạn tôi gọi tôi là Janeck.”

Lindy Gardner nói: “Anh nói là anh có tên thân mật còn dài hơn tên thật à? Sao lại thế được?”

“Đừng khiếm nhã với anh bạn trẻ, em yêu.”

“Em không khiếm nhã.”

“Đừng bông đùa về tên anh ấy, em yêu. Thế mới ngoan chứ.”

Lindy Gardner quay sang tôi tỏ vẻ bất lực. “Anh có hiểu ông ấy nói thế là sao không? Tôi có lăng mạ anh à?”

“Không, không,” tôi nói, “không có đâu, bà Gardner.”

“Lúc nào ông ấy cũng bảo tôi khiếm nhã với công chúng. Nhưng tôi có khiếm nhã đâu. Nãy tôi có khiếm nhã với anh không?” Rồi sang ông Gardner: “Em nói chuyện với công chúng một cách tự nhiên, cưng ạ. Đấy là phong cách của em. Em không bao giờ khiếm nhã.”

“Được rồi, em yêu,” ông Gardner nói, “không nên chuyện bé xé ra to. Hơn nữa, anh bạn trẻ này không phải là công chúng.”

“Ồ, không phải à? Thế anh ấy là gì? Cháu họ xa vừa tìm được à?”

“Lịch sự đi nào, em yêu. Anh bạn trẻ đây là đồng nghiệp. Nhạc công, dân nhà nghề. Chúng ta vừa hân hạnh được nghe anh trình diễn.” Ông đưa tay về hướng rạp.

“Ồ đúng rồi!” Lindy Gardner lại quay sang tôi. “Anh vừa chơi trên đó phải không? Nhạc hay lắm. Anh chơi phong cầm, phải không? Hay lắm!”

“Cám ơn bà rất nhiều. Thực ra thì tôi chơi ghi ta.”

“Ghi ta à? Anh đừng đùa. Tôi vừa nhìn anh chơi có một phút trước. Ngồi ngay kia, cạnh tay chơi đại hồ cầm, điều khiển phong cầm điêu luyện làm sao.”

“Xin phép bà, thực ra người chơi phong cầm là Carlo. To béo, đầu hói…”

“Anh nói thật à? Anh không đùa tôi chứ?”

“Em yêu, anh bảo rồi. Đừng khiếm nhã với anh bạn trẻ.”

Ông không hẳn là lớn tiếng, nhưng giọng ông đột ngột đanh và giận dữ, và rồi một lúc im lặng khó xử. Rồi tự ông Gardner lên tiếng nhẹ nhàng:

“Anh xin lỗi, em yêu. Anh không định gắt em.”

Ông đưa tay nắm lấy tay bà. Tôi cứ nghĩ bà sẽ hất ông ra nhưng không phải, bà trở người trong ghế để nhích lại gần hơn, và đặt tay kia lên đôi bàn tay đang nắm chặt. Họ ngồi như thế một lúc, ông Gardner đầu cúi xuống, bà vợ nhìn mông lung qua vai ông, sang bên kia quảng trường về phía nhà thờ thánh Peter, dù có vẻ ánh mắt bà chẳng đặt vào đâu cả. Trong phút chốc hình như họ không chỉ quên có tôi ngồi đây, mà quên đi cả đám đông nhộn nhịp trên quảng trường. Rồi bà nói, nhẹ như hơi thở:

“Không sao đâu cưng. Lỗi tại em thôi. Em làm anh bực.”

Họ ngồi như thế thêm lát nữa, hai bàn tay siết chặt lấy nhau. Rồi bà thở dài, buông tay ông Gardner và nhìn sang tôi. Bà đã nhìn tôi lúc nãy rồi, nhưng lần này thì khác. Lần này tôi cảm thấy được sức quyến rũ của bà. Cứ như bà có một mặt số chia độ từ không đến mười, và khi nhìn sang tôi, lúc đó, bà đã quyết định xoay tới sáu hay bảy; tôi cảm nhận được nó rất rõ, và nếu bà có mở miệng yêu cầu tôi điều gì – ví dụ như bảo tôi đi suốt quảng trường để mua tặng bà bó hoa chẳng hạn – chắc tôi sẽ hào hứng tuân theo lập tức.

“Janeck,” bà nói, “Đấy là tên anh, phải không? Tôi xin lỗi Janeck nhé. Tony nói đúng. Tôi không có quyền nói với anh như vừa rồi.”

“Bà Gardner, thật tình không có gì phải lo đâu.”

“Mà tôi lại làm phiền hai người nói chuyện nữa chứ. Chắc là chuyện âm nhạc, phải không? Thế này nhé, tôi sẽ để yên cho cả hai nói tiếp.”

“Không việc gì phải đi cả, em yêu,” ông Gardner nói.

“Thế mà có đấy cưng. Em đang thèm được ngó vào cái hiệu Prada đằng kia đến điên lên được. Em chỉ ra đây định bảo là em sẽ đi lâu hơn lúc đầu em nói thôi.”

“Thôi được rồi, em yêu.” Tony Gardner lần đầu tiên ngồi thẳng lên và hít vào một hơi. “Miễn là em biết chắc em sẽ vui.”

“Ở trong đó em sẽ cực kỳ phấn khởi. Thế nên hai chàng trai cứ nói chuyện vui vẻ nhé.” Bà đứng dậy khẽ chạm vào vai tôi. “Tạm biệt anh, Janeck.”

Hai chúng tôi nhìn theo bà đi, rồi ông Gardner hỏi tôi dăm câu ba điều về chuyện đàn hát ở Venice, cụ thể là về ban nhạc quán Quadri lúc này vừa bắt đầu chơi lại. Ông không có vẻ chú tâm vào những câu trả lời mấy, và tôi đã định xin phép đi thì ông thình lình bảo:

“Có một điều tôi muốn đề nghị với anh, anh bạn trẻ. Tôi sẽ nói với anh ý nghĩ của mình và anh cứ việc từ chối nếu muốn.” Ông ngả người về phía tôi và hạ giọng. “Tôi kể với anh chuyện này. Lần đầu Lindy và tôi đến Venice là để đi trăng mật. Hai mươi bảy năm về trước. Và mặc dù đã có rất nhiều kỷ niệm tuyệt vời ở đây, chúng tôi chưa bao giờ quay lại, hay ít nhất là không quay lại cùng nhau. Thế nên khi lên kế hoạch cho chuyến đi này, chuyến đi đặc biệt này, chúng tôi tự nhủ mình cần nghỉ lại vài ngày ở Venice.”

“Đây là kỷ niệm ngày cưới của ông bà ạ, thưa ông Gardner?”

“Ngày cưới?” Có vẻ như ông giật mình.

“Xin lỗi,” tôi nói. “Chỉ là tôi đoán, vì ông vừa nói đây là chuyến đi đặc biệt.”

Trông ông vẫn ngơ ngác mất một hồi, rồi ông bật cười, tiếng cười lớn, rền vang, và bỗng nhiên tôi nhớ ra bài hát mà mẹ tôi vẫn hay bật nghe suốt trong đó ông có nói một đoạn ngắn ở giữa bài, đại ý là ông không bận tâm đến người đàn bà đã bỏ ông mà đi, rồi thì ông cười khinh miệt đúng y như thế này. Giờ tiếng cười ấy vang khắp quảng trường. Đoạn ông nói:

“Ngày cưới à? Không, không phải ngày cưới. Nhưng điều tôi định đề nghị với anh cũng không khác lắm. Bởi tôi muốn làm một điều thật lãng mạn. Tôi sẽ hát cho bà ấy nghe từ dưới khung cửa sổ. Đầy kiểu cách, đúng chất Venice. Đây là lúc cần đến anh. Anh chơi ghi ta còn tôi hát. Ta sẽ dùng một chiếc gondola, ta bơi thuyền đến dưới cửa sổ, tôi hát vọng lên chỗ bà ấy. Chúng tôi thuê một palazzo cách đây không xa. Cửa sổ phòng ngủ trông thẳng ra kênh. Khi trời tối, đấy sẽ là khung cảnh lý tưởng. Đèn trên tường tạo sáng đúng như ý. Anh và tôi trên thuyền, bà ở bên cửa sổ. Tất cả những bài bà ấy thích. Chúng ta không cần phải làm nhiều, ban tối vẫn còn khá lạnh. Chỉ độ ba bốn bài thôi, tôi hình dung thế. Tôi sẽ lo cho anh được bồi dưỡng đủ. Anh nghĩ sao?”

“Ông Gardner, đấy sẽ là vinh dự lớn nhất đời tôi. Như tôi đã nói, ông là một nguồn ảnh hưởng quan trọng đối với tôi. Ông định khi nào?”

“Nếu trời không mưa thì sao không phải luôn hôm nay? Khoảng tám giờ rưỡi? Chúng tôi ăn tối rất sớm, giờ ấy đã về rồi. Tôi sẽ bịa chuyện gì đó để ra khỏi căn hộ, ra ngoài gặp anh. Tôi sẽ lấy một chiếc thuyền, chúng ta quay lại dọc con kênh, dừng ngay dưới cửa sổ. Đâu sẽ vào đấy. Anh nghĩ thế nào?”

Chắc anh cũng thấy, thật chẳng khác gì giấc mơ thành sự thực. Thêm nữa, đây là một ý tưởng đáng yêu biết bao, đôi vợ chồng này – chàng sáu chục, nàng năm chục xuân xanh – cư xử như một đôi thiếu niên mới biết yêu. Thực tế là ý tưởng ấy đáng yêu đến nỗi suýt nữa – nhưng chỉ suýt thôi – tôi quên bẵng cảnh tượng vừa xảy ra giữa họ. Ý tôi là, ngay cả lúc ấy, ở đâu đó tận sâu bên trong, tôi cũng linh cảm mọi việc sẽ không giản dị như ông vẽ ra.

Một lúc sau ông Gardner và tôi ngồi lại bàn bạc các chi tiết – ông muốn bài nào, chơi tông gì, những chuyện kiểu đó. Rồi đến lúc tôi phải về rạp tiếp tục suất diễn sau, nên tôi đứng dậy, bắt tay ông và nói ông có thể tuyệt đối tin tưởng ở tôi tối nay.

Khi tôi tới gặp ông Gardner thì đường phố đã khá tối và vắng vẻ. Hồi ấy tôi vẫn còn lạc đường mỗi lần đi xa quảng trường San Marco, thế nên dù đã khởi hành sớm, dù đã biết vị trí cây cầu nơi ông Gardner hẹn, tôi vẫn đến muộn vài phút.

Ông đứng ngay dưới ngọn đèn đường, mặc bộ com lê nhăm nhúm, áo sơ mi mở ba hay bốn nút, có thể nhìn thấy cả lông trên ngực. Khi tôi tạ lỗi đến muộn, ông bảo:

“Vài phút thì có hề gì? Lindy và tôi lấy nhau đã hai mươi bảy năm. Vài phút thì có hề gì?”

Ông không bực tức, nhưng có vẻ nghiêm trọng và âu sầu – không có gì là lãng mạn. Đằng sau ông là chiếc gondola dập dềnh nhẹ nhàng trên sóng, và tôi thấy người đứng thuyền là Vittorio, một người tôi không mấy ưa. Trước mặt tôi, Vittorio lúc nào cũng xởi lởi, nhưng tôi biết – ngay từ hồi ấy – anh ta đi khắp nơi nói đủ thứ chuyện tồi tệ, toàn chuyện đặt điều, về những kẻ như tôi, những kẻ anh ta gọi là “bọn ngoại quốc từ các nước mới nứt mắt”. Thế nên hôm ấy khi anh ta chào tôi hồ hởi như anh em ruột, tôi chỉ đáp lại bằng cái gật đầu, và im lặng đợi anh ta đỡ ông Gardner vào thuyền. Rồi tôi đưa anh ta cầm cây đàn – tôi mang theo cây Tây Ban Cầm, để cây có lỗ ô van ở nhà – và cũng trèo vào theo.

Ông Gardner liên tục xoay trở ở đằng mũi, có một lần còn ngồi phịch xuống đến nỗi suýt làm lật thuyền. Nhưng có vẻ ông không để ý thấy, và khi thuyền rời bờ, ông cứ nhìn đăm đăm xuống nước.

Mất vài phút chúng tôi lướt đi lặng lẽ giữa hai dãy nhà tối đen, chốc chốc lọt qua bên dưới những cây cầu thấp. Rồi ông bứt khỏi những ý nghĩ đăm chiêu mà nói:

“Nghe này, anh bạn. Tôi biết là chúng ta đã thỏa thuận xong các tiết mục tối nay. Nhưng tôi vừa nghĩ nãy giờ. Lindy rất thích bài ‘By the time I get to Phoenix’. Tôi có ghi âm bài đó một lần lâu lắm rồi.”

“Vâng, thưa ông Gardner. Mẹ tôi lúc nào cũng nói bài đó ông hát hay hơn cả Sinatra. Hơn cả cái bản nổi tiếng do Glenn Campbell hát nữa.”

Ông Gardner gật đầu, rồi một lúc lâu tôi không nhìn rõ mặt ông. Vittorio cất tiếng hô báo hiệu vang dội các bức tường trước khi cho thuyền ngoặt qua chỗ rẽ.

“Tôi đã hát cho bà ấy nghe bài này rất nhiều lần,” ông Gardner nói. “Anh hiểu không, tôi nghĩ bà ấy sẽ thích được nghe bài ấy tối nay. Anh có thuộc nhạc chứ?”

Lúc này cây đàn đã ra khỏi bao, nên tôi chơi vài khúc.

“Lên chút nữa,” ông nói. “Lên đến mi giáng. Hồi thu đĩa tôi hát thế mà.”

Thế nên tôi chơi lại đoạn nhạc theo tông mới, và khi đã hết có lẽ cả một đời, ông Gardner cất tiếng hát, rất khẽ khàng, ghìm nhịp thở, như là không nhớ rõ lời. Nhưng giọng ông vọng lại rất rõ trong lòng kênh yên tĩnh. Quả thật là nghe rất tuyệt. Và trong một lúc hình như tôi trở lại làm đứa bé con, ở trong căn hộ, nằm ườn trên thảm trong lúc mẹ ngồi trên xô pha, mệt lử, hoặc có khi sầu não, còn đĩa Tony Gardner thì quay trong góc phòng.

Ông Gardner đột ngột ngưng hát và nói: “Được rồi. Chúng ta sẽ chơi ‘Phoenix’ cung mi giáng. Rồi có thể là ‘I fall in love too easily’, như chúng ta đã bàn. Và kết thúc bằng ‘One for my baby’. Thế là đủ. Bà ấy sẽ không nghe nhiều hơn đâu.”

Sau đó ông lại chìm vào suy tưởng, và chúng tôi cứ thế trôi qua bóng tối trong tiếng khỏa nước nhè nhẹ của Vittorio.

“Ông Gardner ạ”, rốt cuộc tôi nói, “mong ông thứ lỗi câu hỏi của tôi. Nhưng bà Gardner có biết trước cuộc trình diễn này không? Hay đây là một bất ngờ thú vị?”

Ông thở dài nặng nhọc, rồi nói: “Tôi nghĩ chắc là phải xếp vào mục bất ngờ thú vị.” Rồi nói thêm: “Có Chúa biết bà ấy sẽ phản ứng thế nào. Có thể chúng ta sẽ không tới được tận ‘One for my baby’.”

Vittorio cho thuyền ngoặt qua một khúc kênh nữa, và đột ngột nghe vang lên tiếng cười và tiếng nhạc, chúng tôi trôi qua một nhà hàng lớn, đèn đuốc sang trưng. Bàn nào hình như cũng kín khách, các anh bồi lăng xăng hối hả, thực khách đều có vẻ sung sướng, dù ở bên kênh đào vào mùa này trong năm chắc cũng không ấm mấy. Sau cảnh tĩnh mịch và bóng tối chúng tôi vừa đi qua, nhà hàng này gây cho tôi cảm giác bất an. Có vẻ như chúng tôi mới là người đứng yên, đứng trên bến tàu mà ngắm, trong lúc con tàu dạ tiệc lấp lánh ấy trôi qua. Tôi nhìn thấy vài khuôn mặt ngoảnh ra phía mình, nhưng không ai để ý nhiều đến chúng tôi. Rồi nhà hàng đã nằm lại đằng sau, và tôi nói:

“Kể cũng buồn cười. Ông có tưởng tượng được đám khách du lịch ấy sẽ làm gì nếu họ vỡ lẽ là có chiếc thuyền chở Tony Gardner huyền thoại vừa đi qua không?”

Vittorio, dù không khá tiếng Anh lắm, cũng hiểu được đại ý và cười một tiếng nho nhỏ. Nhưng một hồi lâu ông Gardner không đáp lại. Chúng tôi vừa trở lại trong bóng tối, trên một khúc kênh hẹp giữa những cửa ra vào sáng nhờ nhờ, thì ông bảo:

“Anh bạn, anh đã sống tại một nước cộng sản. Chính vì thế anh không nhận ra ở đây thế giới vận hành thế nào.”

“Ông Gardner,” tôi nói, “giờ nước tôi không còn là cộng sản nữa. Giờ chúng tôi là một dân tộc tự do.”

“Tôi xin lỗi. Tôi không có ý khinh thường tổ quốc anh. Các anh là một dân tộc anh dũng. Tôi mong cho các anh chóng được hòa bình và thịnh vượng. Nhưng tôi định nói với anh là, anh bạn, tôi có ý là vì anh sinh trưởng ở quê hương anh cho nên điều tự nhiên là có nhiều chuyện anh chưa hiểu hết. Cũng như sẽ có nhiều điều tôi không hiểu về đất nước anh.”

“Tôi nghĩ là ông nói đúng, thưa ông Gardner.”

“Những người chúng ta vừa đi qua. Nếu anh đến chỗ họ mà bảo, ‘Này, các anh có ai còn nhớ Tony Gardner không?’ thì có thể một vài người trong đó, phần lớn cũng nên, sẽ bảo có. Ai biết được? Nhưng đi thuyền qua như chúng ta vừa rồi, ngay cả nếu họ có nhận ra tôi, liệu họ có phấn khích không? Tôi nghĩ là không. Họ sẽ không buông nĩa, sẽ không ngắt quãng câu chuyện tâm tình bên ánh nến đâu. Việc gì phải thế? Chẳng qua là một gã hát tình ca của một thời xưa cũ mà thôi.”

“Cái này thì tôi không tin được, thưa ông Gardner. Ông là một giọng hát kinh điển. Ông cũng ngang với Sinatra hay Dean Martin. Những nhân vật kinh điển, họ không bao giờ lỗi mốt. Không phải như đám nhạc pop bây giờ.”

“Anh nói thế là tử tế lắm, anh bạn. Tôi biết anh có thiện ý. Nhưng một đêm như đêm nay, đây không phải là lúc để phỉnh nịnh tôi.”

Tôi đã muốn phản đối, nhưng có gì đó trong dáng vẻ ông khiến tôi không muốn tiếp tục đề tài này. Thế nên chúng tôi đi tiếp, không nói câu nào. Thành thực mà nói, lúc này tôi bắt đầu nghĩ xem mình đã rơi vào chuyện gì, cái trò hát bên cửa sổ này là sao. Và những người này là người Mỹ nữa chứ. Làm sao tôi dám chắc rằng khi ông Gardner bắt đầu hát bà Gardner sẽ không đến bên cửa chĩa súng nã đạn vào chúng tôi.

Có lẽ Vittorio cũng đang nghĩ tương tự trong đầu, bởi khi chúng tôi lướt qua gần một cây đèn gắn trên tường, anh ta ném cho tôi một cái nhìn như muốn nói: “Chúng ta vớ được một gã gàn dở, phải không, amico?” Nhưng tôi không đáp lại. Tôi không định về phe với loại người như anh ta chống lại ông Gardner. Theo lời Vittorio, những kẻ nhập cư như tôi chỉ có đi lột tiền của khách du lịch, xả rác xuống kênh, và nói chung là hủy hoại cả thành phố. Có những ngày, nếu đang gặp cơn khó chịu, anh ta sẵn sàng kết tội chúng tôi là bọn xin đểu – dâm tặc nữa không chừng. Tôi đã có lần hỏi thẳng mặt có đúng là anh ta nói vậy về chúng tôi không, và anh ta thề thốt đấy chỉ toàn là bịa đặt. Làm sao anh ta mà lại hận thù chủng tộc được, trong khi có một bà dì người Do Thái mà anh ta tôn thờ như mẹ? Nhưng một buổi chiều nọ tôi đang tiêu khiển giữa hai suất diễn, tựa mình trên cây cầu ở Dorsoduro thì thấy một chiếc gondola trôi qua bên dưới. Trên đó có ba du khách đang ngồi, và Vittorio đứng dựa cây chèo, làm một bài diễn văn cho cả thế giới cùng nghe, miệng tuôn ra đúng những lời lẽ ấy. Cho nên anh ta cứ việc tìm mắt tôi tùy thích, nhưng đừng có hòng tranh thủ tình đồng đội của tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.