Dạ khúc Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông

10. Dạ khúc – Phần 1



Cho đến hai ngày trước, Lindy Gardner vẫn còn là láng giềng sát vách tôi. Được rồi, anh hẳn đang nghĩ, nếu Lindy Gardner là láng giềng tôi, vậy có nghĩa là tôi sống ở Beverly Hills; một nhà sản xuất phim, có lẽ, hoặc diễn viên hay nhạc sĩ cũng nên. Thực tế là, tôi cũng chơi nhạc như ai. Nhưng dù tôi có chơi sau lưng một hai tên tuổi chắc anh có biết tiếng, tôi vẫn không thuộc giới mà anh gọi là đẳng cao. Ông bầu của tôi, Bradley Stevenson, một người bạn tốt theo kiểu của mình trong nhiều năm, cứ nhấn mạnh là tôi có triển vọng gia nhập đẳng cao lắm. Không phải chỉ đẳng cao kiểu thời vụ, mà là đẳng cao đứng tên chương trình hẳn hoi. Không phải ngày nay không còn nhạc công saxophone nào đứng tên chương trình nữa, ông nói, và lặp lại danh sách quen thuộc. Marcus Lightfoot. Silvio Tarrentini. Họ đều chơi jazz cả, tôi nhắc nhở. “Thế cậu không chơi jazz thì chơi cái gì?” ông nói. Nhưng chỉ trong những giấc mơ sâu kín nhất tôi mới còn chơi jazz mà thôi. Trong thế giới thực – lúc không phải quấn băng kín mặt như bây giờ – tôi chỉ là một cây tennor mùa vụ, phục vụ mức độ phải chăng cho các studio, hay khi ban nhạc nào đó khuyết một vị trí cố định. Nếu họ đòi nhạc pop, ừ thì chơi pop. Hoặc R&B ư, được ngay. Quảng cáo xe hơi, nhạc dạo talk show, tôi làm tất. Bây giờ tôi chỉ còn chơi jazz khi ở trong căn buồng con của riêng mình.

Tôi thích chơi trong phòng khách hơn, nhưng cái căn hộ được xây rẻ mạt này, hàng xóm láng giềng sẽ lên tiếng càu nhàu từ đầu đến cuối tầng. Thế nên tôi đã chọn biến buồng nhỏ nhất trong nhà thành phòng tập. Nó không hơn một buồng để chổi là mấy – anh có thể nhét một cái ghế tựa vào và thế là hết – nhưng tôi đã trang bị cách âm bằng xốp và hộp đựng trứng và những xập phong bì dày bỏ đi mà bầu Bradley lấy của văn phòng đem cho. Helen, vợ tôi, hồi còn sống với tôi, cô ấy thường thấy tôi xách cây kèn vào đó và sẽ cười mà bảo cứ như tôi đi vào toa lét, và đôi lúc tôi cũng cảm thấy như vậy. Nói vậy nghĩa là, cũng như tôi ngồi giữa bốn bức tường tối mờ, bí hơi để chăm sóc một nhu cầu cá nhân không ai khác buồn để tâm đến.

Đến khúc này thì anh đã đoán ra Lindy Gardner không bao giờ sống kế căn hộ tôi đang miêu tả. Bà cũng không nằm trong số láng giềng vẫn đến đập cửa phòng mỗi lần tôi dám chơi bên ngoài căn buồng con. Khi tôi nói bà là láng giềng của tôi, ý tôi muốn nói một nghĩa khác, và tôi sẽ giải thích bây giờ đây.

Cho đến hai ngày trước, Lindy còn ở phòng kế bên trong cái khách sạn hoa lệ này, và cũng như tôi, mang khuôn mặt quấn kín băng. Lindy, dĩ nhiên, có một ngôi nhà lớn tiện nghi gần đây, và có người ở, nên bác sĩ Boris cho bà về. Thực tế thì, nếu xét theo khía cạnh thuần y học, bà đã có thể về từ lâu rồi, nhưng hiển nhiên còn nhiều yếu tố khác. Thứ nhất là, khi đã về nhà bà sẽ không dễ lẩn tránh máy quay và các tay nhà báo thóc mách. Thêm nữa, cảm tưởng của tôi là danh tiếng lẫy lừng của bác sĩ Boris xây dựng trên những nền tảng không hoàn toàn hợp pháp, và đấy là vì sao ông giấu các bệnh nhân ở tít trên cái tầng ai lên cũng phải thì thào này, cách ly khỏi mọi nhân viên và khách nghỉ thông thường, lại căn dặn chỉ được rời khỏi phòng khi tuyệt đối cần thiết. Nếu có thể nhìn xuyên qua lớp vải quấn, anh sẽ đếm thấy sao ở đây trong một tuần nhiều hơn trong một tháng ở khách sạn Chateau Marmont.

Vậy thế nào mà một kẻ như tôi lại có mặt ở đây giữa các minh tinh và triệu phú thế này, đợi khuôn mặt biến đổi dưới tay bậc thầy xịn nhất ngành? Tôi nghĩ mọi chuyện bắt đầu từ ông bầu của tôi, Bradley, mà bản thân cũng không phải đẳng cao gì lắm, và trông cũng không giống George Clooney hơn tôi. Ông nói chuyện đó lần đầu mấy năm trước, theo kiểu đùa cợt, rồi có vẻ càng lúc càng nghiêm túc mỗi lần nhắc lại. Phát biểu của ông, nói gọn lại, là tôi xấu. Và đấy chính là cái đã cản trở tôi tiến lên đẳng cao.

“Nhìn Marcus Lightfoot xem,” ông nói. “Nhìn Kris Bugoski nữa. Hay là Tarrentini. Trong số họ có ai có được cái thần thái trong tiếng kèn của cậu không? Không hề. Họ có được nét dịu dàng của cậu? Tầm nhìn của cậu? Họ có được bằng nửa kỹ thuật của cậu? Không hề. Nhưng họ có cái mặt, nên cửa nào cũng mở cho họ.”

“Thế Billy Fogel thì sao?” tôi hỏi. “Ông ấy xấu như ma nhưng vẫn thành công tốt.”

“Billy xấu, đồng ý. Nhưng ông ta xấu kiểu sexy, xấu kiểu găng tơ. Còn cậu, Steve, cậu thì… Hừm, cậu xấu kiểu tẻ nhạt, hãm tài. Xấu như thế không ăn tiền. Nghe này, đã bao giờ cậu nghĩ đến chuyện sửa sang một chút chưa? Giải phẫu ấy, ý tôi là thế?”

Tôi về nhà kể lại từ đầu đến cuối cho Helen vì tôi nghĩ cô ấy cũng sẽ thấy buồn cười như tôi. Và lúc đầu, tất nhiên, chúng tôi cười nhạo Bradley bằng thích. Rồi Helen đến gần, quàng tay ôm tôi và nói rằng, ít nhất với cô, tôi là anh chàng điển trai nhất thế giới. Rồi cô hơi lùi lại một bước và im lặng, tôi liền hỏi cô có chuyện gì à, cô nói không có gì. Rồi cô nói rằng có lẽ, chỉ là có lẽ thôi, Bradley có ý đúng. Có lẽ tôi nên nghĩ đến chuyện sửa sang một chút.

“Đừng có nhìn em như thế!” cô hét trả. “Giờ ai cũng làm chuyện đó cả. Với anh, anh có một lý do nghề nghiệp. Muốn thành một tài xế bảnh bao thì phải đi mua một cái xe bảnh bao. Với anh cũng đâu khác gì!”

Nhưng vào thời điểm đó tôi không nghĩ thêm về chuyện này, kể cả dù tôi đã bắt đầu chấp nhận ý kiến rằng mình “xấu kiểu hãm tài”. Thứ nhất là, tôi không có tiền. Thực tế là, ngay khi Helen thốt lên câu tài xế bảnh bao, chúng tôi đang có một khoản nợ chín ngàn rưởi đô la. Như thế là rất Helen đấy. Một con người rất tốt về nhiều khía cạnh, nhưng cái khả năng quên hoàn toàn tình trạng tài chính của gia đình và mơ tưởng thêm những khoản tiêu pha mới, cái ấy thì đặc Helen.

Ngoài chuyện tiền nong, tôi không thích ý tưởng bị người ra đè ra mổ xẻ. Tôi không thoải mái lắm với những việc kiểu ấy. Một lần, hồi tôi mới bắt đầu quen Helen, cô ấy rủ tôi cùng chạy bộ. Đấy là một sáng mùa đông lạnh buốt, và tôi không phải là chuyên gia chạy bộ, nhưng tôi đang mê đắm Helen và mong gây ấn tượng với cô. Thế là chúng tôi chạy vòng quanh công viên, và tôi đang bắt nhịp với cô rất đều thì bỗng dưng mũi giày tôi đá phải một vật rất cứng trồi lên mặt đất. Tôi cảm thấy đau ở chân, không đến nỗi nặng lắm, nhưng khi bỏ giày và tất ra, nhìn thấy móng ngón chân cái dựng đứng trên lớp thịt như đang giơ tay chào kiểu Hitler, tôi chóng mặt ngất xỉu. Tôi là như thế. Nên anh cũng hiểu, tôi không hào hứng gì với chuyện đẽo lại mặt.

Thế rồi, tất nhiên, còn vấn đề nguyên tắc nữa. Được rồi, tôi đã kể với anh, tôi không phải khắt khe về tư chất nghệ thuật. Tôi chơi mọi loại xanh đỏ tím vàng để lấy tiền. Nhưng cái việc này thuộc vào một cấp độ khác, và tôi cũng còn lại một tí danh dự chứ. Bradley nói đúng một điều: tôi giỏi bằng hai hầu hết mọi kẻ trong cái mảng này. Nhưng có vẻ điều ấy ngày nay không đáng giá nhiều nữa. Bởi vì còn phải lo đến hình ảnh, đến tính thương mại, đến bìa tạp chí và chương trình truyền hình, đến tiệc tùng và những người cùng ngồi dự bữa trưa. Những thứ ấy làm tôi buồn nôn. Tôi là người làm nhạc, làm sao tôi lại phải nhập cuộc chơi ấy? Tại sao tôi không thể chỉ chơi nhạc theo cách tốt nhất tôi biết, và hoàn thiện thêm dần, dù chỉ trong căn buồng con, và có thể một ngày, có thể thôi, những người yêu âm nhạc đích thực sẽ nghe được tôi và quý trọng những gì tôi làm. Tôi cần gì phải phẫu thuật thẩm mỹ chứ?

Ban đầu Helen có vẻ cũng nhìn nhận như tôi, và đề tài này không được nhắc lại trong một thời gian. Thế nghĩa là, cho đến khi cô gọi đến từ Seattle nói rằng cô quyết định bỏ tôi mà dọn đến ở với Chris Prendergast, một gã cô quen từ trung học và giờ là chủ một chuỗi quán ăn phát đạt ở khắp Washington. Tôi có gặp gã Prendergast này vài lần trong suốt nhiều năm qua – thậm chí có lần gã tới nhà ăn tối – nhưng chưa bao giờ nghi ngờ gì cả. “Đấy là do cái xó cách âm của cậu,” Bradley có nhận xét. “Từ trong ra lẫn ngoài vào.” Tôi nghĩ ông có ý đúng.

Nhưng tôi không muốn kể lể về Helen và Prendergast mà chỉ giải thích vai trò của họ trong việc đưa tôi đến nơi đang ở hiện giờ. Chắc là anh đang nghĩ tôi lái xe lên dọc bờ biển, giáp mặt đôi chim cu, và giải phẫu thẩm mỹ trở thành lựa chọn bất khả kháng sau một màn đấu khẩu hùng dũng với tình địch. Lãng mạn lắm, nhưng không, chuyện không phải như thế.

Chuyện là, khoảng vài tuần sau khi gọi điện, Helen trở lại căn hộ sắp xếp đồ đạc để chuyển đi. Trông cô khá buồn khi đi vòng quanh căn nhà – nơi, ít nhất, chúng tôi cũng đã có những giờ khắc hạnh phúc. Tôi cứ nghĩ cô sắp bật khóc ngay bây giờ, nhưng cô không khóc, chỉ đi quanh nhà xếp mọi thứ thành những chồng gọn gàng. Sẽ có người qua lấy trong một hai ngày nữa, cô nói. Rồi trong lúc tôi chuẩn bị vào buồng con, kèn đã cầm tay, cô ngước lên và lặng lẽ nói:

“Steve, xin anh. Đừng đi vào cái chỗ ấy nữa. Chúng ta cần nói chuyện.”

“Nói chuyện gì chứ?”

“Steve, vì Chúa.”

Thế nên tôi cất lại kèn vào bao và chúng tôi vào căn bếp nhỏ, ngồi xuống bên bàn đối diện nhau. Rồi cô trình bày cho tôi.

Không có chuyện cô thay đổi quyết định. Cô rất hạnh phúc với Prendergast, người cô vẫn thầm yêu trộm nhớ từ hồi đi học. Nhưng cô thấy có lỗi vì đã bỏ tôi, nhất là tại thời điểm khi sự nghiệp của tôi không êm đẹp lắm. Thế nên cô đã suy nghĩ kỹ và nói chuyện với anh bạn trai mới, và anh ta cũng thấy có lỗi với tôi. Xem ra là, gã ta đã nói thế này: “Thật tệ là Steve lại phải thiệt thòi vì hạnh phúc của hai đứa mình.” Thế nên đây là thỏa thuận. Prendergast sẵn sàng trả tiền cho tôi đi sửa mặt ở chỗ chuyên gia giỏi nhất trong ngành. “Thật đấy,” cô nói, khi tôi nhìn lại cô mà không phản ứng gì. “Anh ấy thành ý. Không tiếc một thứ gì. Toàn bộ phí chữa trị, phí hồi phục, mọi thứ. Bác sĩ giỏi nhất ngành.” Một khi mặt tôi đã sửa xong, sẽ không có gì cản đường tôi nữa, cô nói. Tôi sẽ tiến thẳng lên đỉnh, làm sao khác được, với tài năng như vậy?

“Steve, sao anh phải nhìn em như thế? Đây là một đề nghị tuyệt vời. Và Chúa mới biết sáu tháng nữa anh ấy có còn sẵn lòng như thế hay không. Nói ừ đi là anh đã làm ơn cho bản thân mình. Chỉ vài tuần khó chịu chút thôi, thế rồi đùng! Lên thẳng ngai vàng và cao hơn nữa!”

Mười lăm phút sau, trên đường ra, cô nói bằng giọng nghiêm khắc hơn: “Tức là anh nghĩ thế chứ gì? Nghĩ anh sẽ hạnh phúc khi cả đời chơi trong cái tủ chật chội ấy? Nghĩ anh thích thú vì được làm thằng hãm tài số một?” Và kết thúc ở đó, cô đi.

Ngày hôm sau tôi ghé chỗ Bradley xem ông có mối nào mới cho tôi không, và tình cờ kể chuyện vừa diễn ra, nghĩ hai chúng tôi sẽ cùng cười vì chuyện ấy. Nhưng Bradley không cười.

“Anh ta giàu à? Và sẵn sàng trả tiền cho cậu đến bác sĩ giỏi nhất? Có thể anh ta sẽ đưa cậu tới Crespo đấy. Hay cả Boris cũng nên.”

Thế là giờ thêm cả Bradley nữa, dạy bảo tôi phải nắm lấy cơ hội này, và nếu không nắm tôi sẽ chỉ là một thằng hãm tài suốt đời. Tôi ra khỏi văn phòng ông trong cơn giận dữ, nhưng ông gọi lại ngay chiều hôm đó và cứ nói lui nói tới. Nếu là việc phải gọi điện làm tôi ngại, ông nói, nếu tôi thấy tổn thương lòng tự trọng vì phải nhấc điện thoại lên mà bảo Helen, có, làm ơn, tôi đồng ý, làm ơn bảo bạn trai cô ký tờ séc to đùng ấy, nếu đấy là điều cản trở tôi, thì ông, Bradley đây, sẽ vui lòng đứng ra thương thảo đại diện cho tôi. Tôi bảo ông cắp đít mà cút đi rồi dập máy. Nhưng rồi một giờ sau ông gọi lại. Ông bảo giờ ông đã hiểu cả rồi và tôi đúng là ngốc mới không tự hiểu ra.

“Helen đã lên kế hoạch cẩn thận rồi. Cậu đặt mình vào vị trí cô ấy xem. Cô ấy yêu cậu. Nhưng về mặt mũi mà nói, chà, cậu khiến người ta xấu hổ khi xuất hiện bên cậu trước công chúng. Cậu không có tí gì là hấp dẫn. Cô ấy muốn cậu làm gì đó để giải quyết, nhưng cậu không chịu. Thế thì cô ấy phải làm gì? Ồ, nước tiếp theo của cô thật là thiên tài. Cực kỳ tinh tế. Là một người quản lý chuyên nghiệp tôi cũng phải thán phục. Cô ấy chạy tới gã này. Được rồi, có thể cô vẫn luôn mê gã, nhưng thật ra thì, cô không yêu gã tí nào. Cô làm cho gã phải trả tiền cho cậu sửa mặt. Một khi cậu đã lành lặn, cô sẽ trở lại, cậu lại đẹp trai, cô ấy sẽ thèm khát cơ thể cậu, cô ấy nôn nóng được xuất hiện cùng cậu tại các nhà hàng…”

Tôi chặn ngang lời ông để chỉ ra rằng dù qua nhiều năm tôi đã thấy ông có thể chui xuống sâu đến đâu khi cần thuyết phục tôi làm gì đó có lợi cho việc làm ăn của ông, nhưng cái tiểu xảo mới này đã xuống đến tận đáy của đáy, đến tận nơi ánh sáng không còn rọi xuống được và phân ngựa bốc hơi cũng phải đóng băng trong tích tắc. Và tiện thể nói đến phân ngựa, tôi nói ông hay mặc dù tôi hiểu là ông, do bản chất, không thể không vung vãi nó khắp nơi bất cứ khi nào có dịp, nhưng nếu muốn cái tiểu xảo có hiệu quả thì tốt hơn ông nên bịa ra cái gì ít nhất cũng có khả năng lừa phỉnh được tôi một hai phút. Rồi tôi gác máy lần nữa.

Trong mấy tuần sau đó, công việc trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết, và mỗi lần tôi gọi Bradley xem có gì không, ông sẽ nói gì đó kiểu như: “Khó mà giúp kẻ nào không tự giúp lấy mình.” Cuối cùng, tôi bắt đầu cân nhắc toàn bộ vấn đề dưới góc độ thực tiễn. Tôi không thể lờ đi sự thực là mình phải ăn. Và nếu chịu đựng xong chuyện này mà rốt cuộc sẽ có thêm nhiều người được nghe nhạc tôi chơi, thì đấy có phải là một kết cục quá tệ? Và còn kế hoạch tự thành lập ban nhạc riêng một ngày nào đó thì sao? Làm sao chuyện ấy có cơ hội thành sự thực đây?

Rốt cuộc, có lẽ khoảng sáu tuần sau khi Helen đưa ra đề nghị, tôi tiện thể nhắc qua với Bradley rằng tôi đang nghĩ lại chuyện đó. Với ông như thế là đủ. Ông khởi động, gọi điện rồi lại thỏa thuận, quát tháo ầm ĩ và vô cùng kích động. Phải nói công bằng, ông giữ đúng lời hứa: ông lãnh toàn bộ những việc trung gian khiến tôi không phải trải qua một cuộc đối thoại xấu hổ nào với Helen, chưa nói đến Prendergast. Đôi lúc Bradley còn tạo ra được ảo tưởng rằng ông đang thương thảo một mối hời cho tôi, rằng tôi mới là kẻ có gì để bán. Ngay cả thế, tôi cũng rơi vào nghi hoặc mất vài lần mỗi ngày. Khi chuyện đến, nó đến rất đột ngột. Bradley gọi điện nói bác sĩ Boris vừa hủy một lịch hẹn sát giờ và tôi phải trình diện tại một địa chỉ XYZ đúng ba giờ ba mươi chiều hôm ấy với toàn bộ hành lý. Hình như tôi đã lên một cơn chấn động cuối giờ khi đến câu này, bởi tôi còn nhớ Bradley quát tướng lên trong điện thoại bảo tôi trấn tĩnh, và bảo ông đang tự thân đến đón tôi, và rồi tôi đã được chở đi trên những con đường ngoằn ngoèo đến một tòa nhà lớn trong khu đồi Hollywood và lên bàn gây mê, cứ như một nhân vật của Raymond Chandler.

Vài ngày sau tôi được đưa xuống đây, trong khách sạn Beverly Hills, vào cửa sau dưới bóng đêm che giấu, và đặt trên xe đẩy dọc hành lang, trong khu độc quyền đến nỗi chúng tôi bị cắt rời khỏi toàn bộ sinh hoạt thông thường trong khách sạn.

Tuần đầu tiên, mặt tôi đau kinh khủng và thuốc mê còn trong máu khiến tôi váng vất muốn nôn. Tôi phải ngủ trong tư thế tựa lưng lên gối ngồi thẳng tưng, có nghĩa là chẳng ngủ được mấy, và bởi y tá kiên quyết bắt trong phòng lúc nào cũng để mờ mờ, tôi mất khái niệm về giờ giấc. Mặc dù thế, tôi cũng không thấy đến nỗi tệ. Thực tế là, tôi thấy cực kỳ phấn chấn lạc quan. Tôi đặt trọn lòng tin vào bác sĩ Boris, mà suy cho cùng các sao màn bạc đều đặt cả sự nghiệp vào tay ông. Chưa hết, tôi biết rằng với tôi ông đã hoàn thành tuyệt tác đỉnh cao của mình; rằng khi nhìn thấy khuôn mặt hãm tài của tôi, ông đã cảm thấy những tham vọng sâu kín trong mình cất tiếng gọi, và nhớ lại vì sao thuở xa xưa ông đã đi theo tiếng gọi này, nên ông dồn cả tâm huyết vào tôi. Khi lớp băng bỏ ra, tôi có thể trông chờ sẽ có một khuôn mặt được đẽo tạc lành nghề, hơi mang nét tàn bạo, nhưng đầy những sắc tinh vi. Một người danh tiếng như ông, hẳn nhiên, đã suy tính cẩn thận những yêu cầu đối với một nhạc công jazz cao cấp, và không lầm lẫn với yêu cầu đối với một gã điểm tin trên ti vi chẳng hạn. Có thể ông còn thêm thắt để tôi có cái vẻ thoáng ưu tư, kiểu như De Niro hồi trẻ, hoặc như Chet Baker trước khi bị ma túy hủy hoại. Tôi nghĩ về những an bum tôi sẽ thu, những người tôi sẽ thuê làm dàn đệm cho mình. Tôi thấy bừng bừng đắc thắng và không tin nổi đã có lúc mình do dự về chuyện này.

Thế rồi sang đến tuần hai, khi tác dụng của thuốc giảm đi, đến lúc tôi thấy mình suy sụp, cô đơn và rẻ mạt. Y tá của tôi, Gracie, bây giờ đã cho phép một chút ánh sáng trong phòng – dù vẫn buông rèm ít nhất một nửa – và tôi được phép đi lại trong phòng trong áo khoác mặc nhà. Thế nên tôi bật hết đĩa nhạc này đến đĩa nhạc khác trên bộ dàn Bang & Olufsen và đi vòng vòng quanh thảm, thỉnh thoảng dừng lại trước gương trên bàn trang điểm săm soi con quái vật quấn băng kỳ dị đang giương mắt nhìn lại qua khe.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.