BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM
Chương 28 : Trở về.
D’ Artagnan vẫn choáng váng về câu chuyện tâm tình của Athos, tuy nhiên còn khá nhiều điều hình như vẫn còn mập mờ trong sự bộc lộ nửa vời đó. Trước hết là chuyện do một người hoàn toàn say túy lúy kể cho một người nửa tỉnh nửa say, và mặc dầu hơi men của vài ba chai rượu Buốcgônhơ làm mịt mù cả đầu óc D’ Artagnan, sáng hôm sau khi thức dậy, vẫn thấy mỗi lời Athos nói còn in trong ký ức như thể ra khỏi miệng bạn đến đâu, là in vào tâm trí chàng đến đấy. Tất cả nỗi nghi ngờ ấy chỉ khiến chàng càng khao khát mạnh hơn đi đến một sự tường tận, và chàng sang phòng bạn với ý đồ quyết tâm nối lại cuộc trò chuyện đêm qua, nhưng chàng thấy Athos thần trí hoàn toàn ổn định, nghĩa là con người tinh tế và bí hiểm nhất.
Hơn nữa, người lính ngự lâm đó sau khi bắt tay chàng, đã đón trước được ý nghĩ của chàng.
– Hôm qua tôi say quá, D’ Artagnan thân mến ạ – Athos nói – Sáng nay tôi vẫn còn cảm thấy cơn say ở đầu lưỡi tôi, nó vẫn cứ bì bì, và mạch tôi vẫn còn đập mạnh lắm. Tôi cược rằng tôi đã nói muôn vàn điều bậy bạ lăng nhăng.
Vừa nói, Athos vừa nhìn bạn mình chằm chằm khiến D’ Artagnan bối rối.
– Nhưng không phải thế đâu – D’ Artagnan cãi lại – và nếu như tôi nhớ không nhầm thì anh chẳng nói gì ngoài những chuyện thường tình.
– Ồ, cậu làm tôi ngạc nhiên đấy, tôi nghĩ tôi đã kể cho cậu nghe một chuyện thương tâm nhất.
Và anh nhìn chàng trai trẻ như muốn đọc thấu tâm can của bạn mình. D’ Artagnan nói:
– Thật tình, hình như tôi còn say hơn cả anh, vì tôi chẳng nhớ được điều gì hết.
Athos chẳng thèm để ý đến câu nói ấy, và anh tiếp tục:
– Cậu không phải là không nhận thấy, bạn thân mến ạ, mỗi người có một kiểu say, buồn hay vui. Tôi say kiểu buồn, mà một khi tôi đã say, tôi có cái thói kể ra mọi chuyện tang thương mà bà vú nuôi ngớ ngẩn của tôi đã khắc vào trí não tôi. Đó là tật xấu của tôi, tật xấu cơ bản, tôi đồng ý như vậy. Nhưng ngoài tật đó, tôi là tay uống cừ.
Athos nói ra điều đó, quá tự nhiên, khiến cho niềm tin của D’ Artagnan bị lung lay. Chàng cố nắm bắt lại sự thật và nói:
– Ồ, thì ra là như thế, quả thật tôi cũng nhớ ra là như thế, vả lại nó giống như ta nhớ lại một giấc mơ ấy mà, tôi nhớ chúng ta đã nói về những người bị treo cổ.
– À cậu biết đấy – Athos vừa nói vừa tái người đi tuy nhiên vẫn cố cười – Tôi cam đoan những người bị treo cổ là cơn ác mộng của tôi, của chính tôi.
– Phải phải, – D’ Artagnan nói tiếp – tôi nhớ ra rồi – Phải, chuyện đề cập đến… khoan đã nào… đề cập đến một phụ nữ…
– À, đấy là một chuyện hay nhất của tôi – Athos trả lời, mặt xanh đi – về một người đàn bà tóc hoe vàng và khi tôi kể chuyện đó là lúc tôi đang say muốn chết.
– Phải, chính thế – D’ Artagnan nói – chuyện về một phụ nữ tóc vàng hoe, cao lớn và đẹp, có đôi mắt xanh.
– Phải, và bị treo cổ.
– Bởi người chồng là một vị lãnh chúa quen biết anh – D’ Artagnan vừa tiếp tục nói vừa nhìn thẳng vào mặt Athos.
– Ồ, cậu thấy đấy, trong khi người ta không còn biết mình đang nói gì nữa, thì người ta có thể làm tổn hại đến phẩm giá một con người lắm chứ – Athos vừa nói vừa nhún vai như thể mình đang thương hại chính bản thân mình – Nhất định là tôi không muốn say nữa, D’ Artagnan? Đó là một thói quen quá xấu.
D’ Artagnan im lặng không nói gì.
Rồi Athos chuyển phắt sang đề tài khác, và nói:
– Nhân tiện, xin cảm ơn cậu về con ngựa mà cậu đã mang đến cho tôi.
– Có hợp với anh không? – D’ Artagnan hỏi.
– Hợp, nhưng đó không phải là một con ngựa dai sức.
– Anh nhầm rồi. Tôi đã cưỡi nó chạy mười dặm trong một tiếng rưỡi đồng hồ mà cứ như thể mới chạy vòng quanh quảng trường Saint-Sulpice ấy.
– Thế à? Thế thì cậu làm cho tôi tiếc mất rồi.
– Tiếc cái gì?
– Tiếc vì tôi bán nó mất rồi.
– Thế là thế nào?
– Là thế này. Sáng nay tôi thức dậy lúc sáu giờ, cậu vẫn ngủ như chết, tôi chả biết làm gì, tôi vẫn còn ngẩn ngơ về việc quá chén của chúng ta hôm qua, tôi bèn đi xuống đại sảnh và thấy một trong hai người Anh đang mặc cả mua một con ngựa với người lái ngựa, ngựa của hắn bị chết hôm qua vì bị trúng gió.
– Tôi lại gần hắn và vì thấy hắn đang trả một trăm đồng vàng con tuấn mã màu tía. Tôi bảo hắn: “Này nhà quý tộc, tôi cũng có một con muốn bán”.
– Và còn rất đẹp nữa – hắn nói – tôi thấy hôm qua rồi, người hầu của bạn ông đang dắt nó.
– Ông thấy nó đáng một trăm chứ?
– Vâng và ông muốn bán cho tôi với giá ấy à?
– Không, tôi chơi bạc nó với ông.
– Ông chơi bạc với tôi?
– Đúng.
– Chơi loại gì?
– Xúc xắc. Nói sao làm vậy, và tôi mất con ngựa, à nhưng mà, – Athos tiếp tục tôi đã gỡ lại được bộ đồ trang sức trên mình ngựa.
D’ Artagnan tỏ ra rất bực.
– Trái ý cậu lắm à? – Athos nói.
– Chứ sao, tôi thú thật với anh – D’ Artagnan nói tiếp – Con ngựa đó là để chúng ta nhận ra nhau khi xung trận, đó là một tín vật, một kỷ niệm. Athos, anh sai rồi.
– Ôi, bạn thân mến, cậu hãy ở vào địa vị tôi – người lính ngự lâm nói tiếp – tôi buồn muốn chết, thêm nữa, tôi thề danh dự đấy, tôi không thích ngựa Anh. Mà nếu chỉ để nhận ra nhau thôi thì cái yên là đủ, nó có thể nhận ra lắm chứ. Còn con ngựa, ta sẽ tìm một cớ gì đó để biện giải cho việc nó biến mất. Mà đếch gì! Nó chết, ngựa nào mà chả chết, cứ coi như con của tôi bị chết vì xổ mũi hoặc lở loét.
D’ Artagnan vẫn cau có.
– Điều đó làm tôi áy náy lắm – Athos tiếp tục – vì cậu quan tâm đến những con vật ấy đến thế, vì tôi đã kể hết chuyện đâu.
– Thế anh còn làm những gì nữa?
– Sau khi đã mất con ngựa của tôi, chín điểm thua mười, cậu thấy ức không, tôi bèn nảy ra ý nghĩ chơi con của cậu.
– Ờ, nhưng tôi mong mới chỉ dừng lại ở ý nghĩ của anh thôi.
– Không đâu, tôi thực hiện ngay lúc ấy.
– À! Hay thật đấy! – D’ Artagnan kêu lên lo lắng.
– Tôi chơi và thua.
– Thua con ngựa của tôi?
– Con của cậu, bẩy chọi tám, thua có một điểm… Cậu biết câu ngạn ngữ …
– Athos, tôi xin thề là anh không tỉnh rồi!
– Bạn thân mến, đấy là hôm qua, khi tôi kể cho cậu nghe những chuyện vớ vẩn, tôi phải nói như vậy, chứ không phải sáng nay. Tôi thua hết cả ngựa lẫn yên cương.
– Thế thì ghê tởm quá?
– Khoan đã nào cậu đã nghe hết đâu. Tôi sẽ là một tay chơi sành sỏi nếu tôi không cay cú, nhưng tôi lại cay cú, giống như khi tôi uống ấy, tôi cũng cay cú…
– Nhưng làm sao anh còn chơi nổi nữa, anh có còn cái gì đâu?
– Có chứ? Có quá đi chứ, anh bạn ạ! Chúng ta vẫn còn cái nhẫn kim cương lấp lánh trên ngón tay cậu mà tôi đã thấy hôm qua.
– Cái nhẫn kim cương này ư? – D’ Artagnan kêu lên và đưa tay giữ chặt lấy cái nhẫn.
– Và vì tôi là kẻ sành chơi, và cũng đã từng có mấy chiếc trong tài sản riêng, tôi ước lượng nó phải có giá một nghìn đồng vàng.
D’ Artagnan chết điếng người vì kinh hãi nghiêm nghị nói:
– Tôi hy vọng anh chưa động gì đến chiếc nhẫn kim cương của tôi đấy chứ?
– Trái lại đấy, bạn ơi. Chiếc nhẫn kim cương là tài sản duy nhất của chúng ta. Với nó, tôi có thể gỡ lại được yên cương, ngựa, và thêm nữa, tiền lộ phí.
– Athos, anh làm tôi run lên đây này? – D’ Artagnan kêu lên.
– Vậy là tôi nói về cái nhẫn kim cương với con bạc của tôi. Hắn cũng đã để ý thấy cái nhẫn. Mà quỷ ạ, cậu đeo ở ngón tay cậu một ngôi sao trên trời lại muốn người ta không chú ý ư? Không thể được?
– Nói nốt đi, ông bạn quý, nói nốt đi! – D’ Artagnan nói- Bởi vì thề danh dự đấy! Với sự bình tĩnh của anh, anh làm tôi chết mất đấy?
– Thế là chúng tôi chia cái nhẫn kim cương ra làm mười phần, mỗi phần một trăm đồng vàng.
– À anh định đùa và thử tôi đấy à? – D’ Artagnan nói, mà cơn giận bắt đầu túm lấy tóc chàng giống như thần Minéc túm lấy Akin trong Iliát(1).
– Không, tôi không đùa đâu, mẹ kiếp! Tôi chỉ muốn biết cậu sẽ ra sao trong tình cảnh ấy thôi? Đã mười lăm ngày tôi không được giáp mặt ai và cứ ở đó đàm đạo với những chai rượu cho đến trì độn người đi.
– Đó không phải là lý do đem nhẫn kim cương của tôi ra chơi bạc, thế đó! – D’ Artagnan vừa trả lời vừa nắm chặt tay lại, thần kinh co giật bắn người lên.
– Vậy cậu, nghe nốt đã. Mười phần, mỗi phần một trăm đồng vàng, mỗi phần chơi làm mười ván, không chơi gấp thiếc để gỡ, mười ba ván tôi thua tất. Mười ba ván, con số 13 luôn luôn xúi quẩy với tôi, đó là ngày mười ba tháng bẩy mà…
– Mẹ kiếp! – D’ Artagnan la lên và đứng lên khỏi bàn, chuyện lúc này khiến chàng quên cả chuyện đêm qua.
– Kiên nhẫn nào – Athos nói – tôi có một kế hoạch. Tên người Anh là một tay độc đáo, sáng nay tôi thấy hắn trò chuyện Grimaud, và Grimaud báo với tôi là hắn đề nghị với Grimaud phục vụ hắn. Tôi đánh luôn với hắn bằng Grimaud và cũng chia Grimaud ra làm mười phần.
– Trời, lại còn thế nữa? – D’ Artagnan không giữ nổi phá lên cười.
– Chính bản thân gã Grimaud, cậu hiểu không nào? Và với mười phần của Grimaud mà tất cả cũng chưa đáng một đucatông vàng tôi gỡ lại cái nhẫn kim cương. Giờ thì cậu thử nói xem lòng kiên nhẫn có phải là một đức hạnh không?
– Thật tình, tôi chỉ thấy quái gở! – D’ Artagnan đã khuây khỏa, vừa nói vừa ôm bụng cười.
– Cậu hiểu chứ, thấy mình đang vận đỏ, tôi lại chơi tiếp ngay bằng nhẫn kim cương.
– Ôi quỷ sứ! – D’ Artagnan nói và lại sa sầm mặt lại.
– Tôi đã gỡ lại được yên cương của cậu, rồi ngựa của cậu rồi yên cương của tôi, ngựa của tôi, rồi lại thua. Tóm lại tôi lấy lại được yên cương của cậu, rồi của tôi. Đó, bây giờ chúng ta chỉ có thế. Đó là một ván chơi tuyệt đẹp, vì vậy tôi dừng ở đó thôi.
D’ Artagnan thở phào như thể người ta vừa cất bỏ cả cái lữ quán này đè lên ngực chàng.
– Rốt cuộc, tôi vẫn còn nhẫn kim cương chứ? – D’ Artagnan rụt rè hỏi.
– Nguyên si! Bạn thân mến ạ. Thêm nữa là những bộ yên cương của con chiến mã của cậu và của tôi.
– Nhưng chúng ta sẽ làm gì với những yên cương mà không có ngựa?
– Tôi đã có ý kiến về chúng đây.
– Athos, anh làm tôi run đấy.
– Nghe đây, D’ Artagnan, đã lâu rồi cậu không chơi có phải không?
– Nhưng tôi không thèm chơi chút nào cả.
– Đừng có vội tuyên bố như thế – Từ lâu rồi, cậu không chơi, cậu chắc chắn sẽ gặp may cho mà xem.
– Thế thì sao?
– Thế thì tên người Anh và bạn hắn vẫn còn ở đây. Tôi nhận thấy hắn tiếc mấy bộ yên cương lắm. Còn cậu, cậu có vẻ tiếc con ngựa của cậu. Ở địa vị cậu tôi sẽ chơi bộ yên cương lấy con ngựa.
– Nhưng hắn sẽ không muốn một bộ thôi đâu.
– Thì chơi cả hai, mẹ kiếp! Tôi không phải là người ích kỷ như cậu đâu.
– Anh chơi thật chứ? – D’ Artagnan ngần ngừ nói, sự tin tưởng của Athos đã bắt đầu làm chàng xiêu lòng.
– Chơi một ván thôi, thề danh dự đấy.
– Nhưng chính vì đã mất mấy con ngựa, tôi lại càng muốn giữ lấy mấy bộ yên cương.
– Thế thì chơi bằng nhẫn kim cương vậy.
– Ồ, cái đó lại là chuyện khác, không bao giờ, không bao giờ cả.
– Mẹ kiếp! – Athos nói – Tôi muốn đề nghị cậu chơi bằng thằng Planchet lắm, nhưng cách đó đã làm rồi, thằng người Anh có lẽ không muốn nữa đâu.
– Này Athos thân mến – D’ Artagnan nói – tôi thích tốt nhất là đừng có liều nữa làm gì.
– Đáng tiếc đấy! – Athos lạnh lùng nói – Thằng người Anh đó có rất nhiều tiền vàng. Trời ơi! Cứ thử một cái. Một ván thôi mà!
– Và nếu tôi thua?
– Cậu sẽ thắng.
– Nhưng nếu tôi thua?
– À thì… Coi như cậu cho nó mấy bộ yên cương.
– Thì làm một ván – D’ Artagnan nói.
Athos liền đi tìm gã người Anh và thấy hắn ở chuồng ngựa đang ngắm nghía mấy bộ yên cương bằng con mắt thèm khát.
– Thật đúng dịp. Athos đặt điều kiện: Hai bộ yên ăn một con ngựa hay một trăm đồng vàng, tùy ý chọn. Tên người Anh tính toán rất nhanh: hai bộ yên cương đáng giá ba trăm đồng vàng, hắn bằng lòng ngay.
D’ Artagnan vừa run vừa ném mấy con xúc xắc và đạt ba điểm. Chàng tái người đi khiến Athos đâm sợ lây, đành vui vẻ nói:
– Một ván xúi quẩy rồi, ông bạn. Ông đến có lũ ngựa yên cương đầy đủ mất thôi.
Tên người Anh đắc chí, chẳng bỏ công xóc quân xúc xắc, ném luôn ra bàn không thèm nhìn, tin chắc phần thắng thuộc về mình. D’ Artagnan quay mặt đi để giấu vẻ bực tức.
– Khoan, khoan, khoan đã. – Athos nói bằng một giọng điềm tĩnh – một ván xúc xắc cực kỳ lạ lùng, và tôi chỉ thấy bốn lần trong đời đấy: hai con một!
Tên người Anh nhìn vô cùng kinh ngạc, D’ Artagnan cũng nhìn và rất đỗi vui mừng.
– Phải, – Athos tiếp tục – chỉ bốn lần thôi: một lần ở nhà ông De Crêquy, một lần ở nhà tôi, ở vùng thôn quê, tại lâu đài… khi tôi còn chiếc lâu đài, lần thứ ba ở nhà ông De Treville, làm cả lũ chúng ta phải ngạc nhiên, cuối cùng lần thứ tư ở một quán rượu, lần này giã đúng vào tôi, khiến tôi thua một trăm đồng louis vàng và một bữa nhậu tối.
– Thế là ông gỡ lại được con ngựa của mình rồi – gã người Anh nói.
– Hẳn rồi – D’ Artagnan nói.
– Không chơi gỡ ư?
– Chúng ta đã giao hẹn là không chơi gỡ. Ông nhớ chứ?
– Đúng vậy, con ngựa sẽ trả lại cho người hầu của ông.
– Khoan chút đã – Athos nói, – xin phép cho tôi nói với bạn tôi một câu.
– Ông cứ tự nhiên.
Athos kéo D’ Artagnan ra một chỗ. D’ Artagnan nói:
– Thế nào! Anh muốn gì nữa ở tôi, hỡi tên cò mồi, anh muốn tôi chơi nữa, có phải không?
– Không, tôi muốn cậu suy nghĩ thôi.
– Về cái gì?
– Cậu định lấy lại con ngựa có phải không?
– Hẳn rồi.
– Cậu nhầm rồi, tôi lấy một trăm đồng vàng cơ.
– Thôi đi, tôi lấy con ngựa.
– Và cậu nhầm rồi, tôi xin nhắc lại như vậy. Làm gì được với một con ngựa cho hai người chúng ta, tôi không thể cưỡi lên mông ngựa và chúng ta có vẻ như hai con trai nhà Âymông (2) bị chết. Cậu cũng không thể đang tâm cưỡi tuấn mã để tôi đi bộ bên cạnh được. Tôi, không cân nhắc lôi thôi gì cả, tôi lấy một trăm đồng vàng, chúng ta đang cần tiền để trở về Paris.
– Athos, tôi vẫn muốn lấy ngựa.
– Ôi cậu nhầm rồi, bạn ơi. Một con ngựa đi vòng kiềng, một con ngựa vấp chân, trẹo gối, một con ngựa ăn chung máng với con ngựa sổ mũi, đó một con ngựa như thế chỉ có mất toi một trăm đồng vàng. Rồi lại còn chủ thì phải nuôi ngựa, đằng này trái lại, một trăm đồng vàng nó nuôi chủ.
– Nhưng chúng ta trở về thế nào?
– Trên lũ ngựa của bọn người hầu của chúng ta. Mẹ kiếp!
– Người ta nhìn hình dạng chúng ta sẽ thấy ngay chúng ta là những người gặp phải hoàn cảnh không may.
– Cái bộ dạng đẹp đẽ của chúng ta trên lưng hai con nghẽo, còn Porthos và Aramis thì tưng tưng trên hai con ngựa chứ!
– Aramis, Porthos ư! – Athos la lên và bật cười.
– Cười gì? – D’ Artagnan hỏi, chàng chẳng hiểu tại sao bạn mình lại hô hố cười.
– Không có gì đâu, ta tiếp tục thôi – Athos nói.
– Như thế, ý kiến của anh?…
– Là lấy một trăm đồng vàng, D’ Artagnan ạ, với một trăm đồng vàng, chúng ta sẽ phè phỡn cho đến cuối tháng, chúng ta đã trải qua bao nhiêu gian lao vất vả, cậu thấy không, nghỉ ngơi một chút sẽ tốt chứ.
– Tôi nghỉ ngơi ư? Ồ, không, Athos, đến Paris một cái là tôi lập tức đi tìm người đàn bà tội nghiệp ấy ngay.
– Được rồi! Thế cậu tưởng con ngựa của cậu sẽ có ích cho cậu trong việc đó hơn là những đồng vàng quý giá ư? Cậu hãy lấy một trăm đồng vàng ấy đi! bạn ạ, hãy lấy một trăm đồng vàng.
D’ Artagnan chỉ cần một lý do để đầu hàng. Lý lẽ này có vẻ xuất sắc Vả lại chống chọi mãi, chàng sợ mình có vẻ ích kỷ trong con mắt Athos. Chàng gật đầu, và chọn một trăm đồng vàng gã người Anh đếm ngay tại chỗ.
Rồi họ chỉ còn nghĩ tới việc ra đi. Hòa ước đã ký ngoài con ngựa già của Athos phải trả thêm sáu đồng vàng cho chủ quán.
D’ Artagnan và Athos chiếm lấy ngựa của Planchet và Grimaud, hai người hầu đội hai bộ yên lên đầu và đi bộ theo.
Dù cưỡi ngựa tồi, đôi bạn vẫn vượt trước hai người hầu và đến Vỡ Tim. Từ xa họ đã gặp Aramis đang âu sầu tựa cửa sổ, và giống như chị Anne tôi, nhìn bụi rắc phía chân trời(3).
Đôi bạn hô vang lên:
– Ê này! Aramis, cậu đang làm cái quái gì thế?
– À, cậu đấy ư, D’ Artagnan, và anh nữa, Athos – chàng trai trẻ nói – Tôi đang nghĩ của cải trên đời sao nó ra đi nhanh đến thế và con ngựa Anh của tôi cũng đi xa và vừa biến mất trong lốc bụi, đối với tôi là một hình ảnh sinh động về sự mong manh của mọi vật trên đời. Cuộc đời cũng vậy, có thể quy lại bằng ba từ “Erat, est, fuit”(4).
– Thật ra thế nghĩa là thế nào? – D’ Artagnan hỏi và bắt đầu nghi ngờ sự thật.
– Nghĩa là tôi vừa bị lừa một quả sáu mươi đồng louis vàng lấy một con ngựa mà chỉ nhìn cách nó di chuyển thôi cũng đoán ra nó phi nước kiệu năm dặm một giờ.
D’ Artagnan và Athos phá lên cười.
– D’ Artagnan thân mến – Aramis nói – đừng giận tôi quá nhé, tôi xin cậu đấy, vì nhu cầu thì bất chấp luật lệ. Vả lại, trước hết tôi đã bị trừng phạt rồi, vì cái tên lái ngựa bất lương ấy đã xoáy mất của tôi ít nhất năm mươi louis vàng. Mà các vị cũng là những người điều hành giỏi đấy chứ, các vị đến đây bằng ngựa của bọn hầu và bắt bọn hầu dắt tay những con ngựa quý của các vị, nhẹ nhàng, từng quãng một.
Cũng vào lúc ấy một xe chở hàng từ phía Amiêng đã hiện ra được một lúc bây giờ đã tới nơi và dừng lại, rồi Planchet và Grimaud ra khỏi xe với bộ yên cương đội trên đầu.
Chiếc xe chở hàng đi không về Paris, và hai chàng hầu ta đã điều đình cho đi nhờ xe và sẽ đãi người đánh xe giải khát suốt dọc đường.
– Thế là thế nào? – Aramis thấy cung cảnh vừa diễn ra liền hỏi – Sao lại chỉ có mỗi yên thôi?
– Bây giờ cậu hiểu rồi chứ? – Athos nói.
– Các bạn tôi ơi, thế thì đúng như tôi rồi. Tôi cũng giữ lại yên cương, theo linh tính thôi. Ê này, Bazin! Mang bộ yên cương mới của ta xếp cạnh những bộ của mấy ông đây.
– Và anh làm thế nào với mấy vị mục sư của anh? – D’ Artagnan hỏi.
– À, hôm sau tôi mời họ ăn trưa – Aramis nói – Ở đây có loại vàng hảo hạng, đại khái như thế. Tôi cho họ uống say khướt cò lả. Thế là lão mục sư liền chống lại tôi rời bỏ đồng phục ngự lâm, còn ông giáo sĩ dòng Tên thì lại yêu cầu tôi xin giúp ông ta vào ngự lâm quân.
– Súp món luận văn đi! – D’ Artagnan hô lên – Súp luận văn đi? Tôi yêu cầu bãi bỏ luận văn đấy.
– Từ khi ấy – Aramis tiếp tục – tôi sống thoải mái. Tôi bắt đầu làm một thi khúc một vần. Cũng khó khăn đấy. Nhưng giá trị của mọi thứ là trong sự khó khăn. Tính cách bài thơ có đôi chút khuynh nữ. Tôi sẽ đọc khổ đầu cho các bạn nghe, có tất cả bốn trăm câu và chỉ kéo dài một phút.
D’ Artagnan ghét thi ca hầu như ngang với tiếng Latinh liền bảo:
– Thật tình, anh Aramis thân mến ạ, hãy thêm giá trị của sự ngắn gọn vào cái giá trị của sự khó khăn, anh sẽ tin chắc ít nhất thơ anh sẽ có hai giá trị.
– Rồi các bạn sẽ thấy. – Aramis tiếp tục – Nó toát ra những niềm đắm say chân thực – Ơ kìa, các bạn, chúng ta quay về đến Paris rồi ư? Hoan hô, mong mãi đây. Thếlà chúng ta lại sắp gặp Porthos rồi. Thế mới tuyệt. Các bạn không thể tưởng được tôi nhớ cái tay đại ngô nghê này thế nào đâu. Hắn có nhẽ không bán ngựa như cánh ta đâu cho dù giá một vương quốc. Tôi những muốn thấy hắn đang ngồi trên yên ngựa. Tôi tin chắc sẽ giống như Đại đế Môgôn(5).
Họ dừng lại một tiếng đồng hồ cho ngựa nghỉ. Aramis thanh toán tiền cho Bazin lên ngồi xe hàng cùng với các bạn rồi lại tiếp tục lên đường để gặp lại Porthos.
Mọi người thấy chàng đang đứng, đỡ xanh xao hơn D’ Artagnan gặp lần trước, rồi thấy ngồi vào bàn ăn dù dọn cho một mình chàng, cũng có thể hình dung ra một bữa trưa cho cả bốn người, một bữa trưa gồm thịt nấu nướng rất ngon, rượu nho kén chọn và quả cây tuyệt ngon.
– À, mẹ kiếp! – Chàng vừa đứng lên vừa nói – Các bác đến thật tuyệt, tôi mới chỉ đụng đến món xúp, ăn trưa với tôi thôi.
– Ồ, ồ, – D’ Artagnan nhận xét – Không phải Mousqueton dùng thòng lọng quăng những chai rượu này chứ – Lại còn thịt bọc mỡ nướng và thăn bò nữa…
– Tôi đang ăn trả bữa mà – Porthos nói – tôi ăn trả bữa.
– Không gì làm suy yếu bằng cái món trẹo xương chết tiệt đó, anh đã bị trẹo xương bao giờ chưa, Athos?
– Chưa bao giờ. Chỉ có tôi nhớ trong cuộc hỗn chiến ở phố Fréjus ngày nào, tôi bị một nhát gươm, cũng phải mất mười lăm mười tám ngày gì đó, khiến tôi bị ốm yếu hệt như cậu ấy.
– Nhưng bữa trưa này không phải dọn cho một mình anh đấy chứ Porthos? – Aramis nói.
– Không – Porthos đáp – Tôi đợi mấy nhà quý tộc quanh đây nhưng họ vừa đến bảo là không đến được, các bác thay họ vậy, vẫn thế cả thôi mà. Ê này, Mousqueton? Ghế đâu, và mang gấp đôi rượu ra đây.
– Các cậu có biết chúng ta ăn gì ở đây không? Chừng mươi phút sau, Athos hỏi mọi người.
– Mẹ kiếp! – D’ Artagnan trả lời – tôi ăn thịt bê nấu chua với tủy và rau cácđông.
– Và tôi thăn cừu non – Porthos nói.
– Còn tôi lườn gà – Aramis nói.
– Các vị nhầm tất – Athos nghiêm nghị nói – các vị ăn ngựa đấy.
– Ngựa thì ngựa! – D’ Artagnan nói.
– Thịt ngựa ư! – Aramis cau mặt lợm giọng nói.
Porthos ngồi im không trả lời.
– Phải, ăn ngựa? Có phải không, Porthos chúng ta đang ăn ngựa? Có khi ăn cả yên cương cũng nên!
– Không đâu, các bác ạ, yên cương thì tôi giữ lại – Porthos nói.
– Thì ra chúng ta kẻ tám lạng, người nửa cân cả. – Aramis nói – Cứ như ta bàn trước với nhau ấy.
– Biết làm thế nào – Porthos nói – con ngựa ấy làm cho mấy vị khách của tôi phải xấu hổ, mà tôi thì lại không muốn làm họ xấu hổ!
– Rồi lại thêm cái bà nữ Công tước của anh vẫn cứ ở vùng suối nóng, có phải không? – D’ Artagnan nói tiếp.
– Vẫn thế – Porthos trả lời – Mà thật tình cái lão trấn thủ tỉnh này, một trong những vị quý tộc tôi mời ăn trưa hôm nay ấy cứ thèm con ngựa quá cơ, cho nên tôi đã cho lão ta.
– Cho ư? – D’ Artagnan kêu lên.
– Ồ, trời ơi, phải cho lão! Đấy là cách nói thôi! – Porthos nói – bởi giá con ngựa phải đến một trăm năm mươi louis vàng và cái tên bủn xỉn ấy chỉ muốn trả tôi có tám mươi.
– Không yên chứ? – Aramis nói.
– Ừ, không yên.
– Các vị nhận thấy chưa – Athos nói – Hóa ra Porthos lại bán được giá hơn tất cả chúng ta.
– Thế là tất cả phá lên cười hô hố làm cho Porthos cứ ngây người ra. Nhưng mọi người giải thích cho chàng ngay lý do mọi người cười, khiến chàng ầm ĩ chia sẻ ngay theo thói quen của mình.
– Thành thử mọi người chúng ta đều sẵn vốn cả? – D’ Artagnan hỏi.
– Mình thì không – Athos nói – Mình thấy món rượu nho Tây Ban Nha của Aramis ngon quá, thế là mình cho chất sáu mươi chai lên chiếc xe hàng của bọn người hầu, thành ra nhẵn túi rồi.
– Còn tôi – Aramis nói – các bạn thử tưởng tượng xem tôi đã cúng đến đồng xu cuối cùng cho nhà thờ Môngđiđiơ và cho các giáo sĩ dòng Tên ở Amiêng, ngoài ra tôi có những cam kết buộc phải giữ những lễ misa cho tôi và cho các vị mà tôi tin chắc nhờ thế, chúng ta mạnh khỏe may mắn hơn.
– Và tôi, – Porthos nói – cái chỗ trẹo gối của tôi, các anh tưởng không tốn kém hay sao? Không kể thương tích của Mousqueton mà tôi buộc phải mời thầy giải phẫu đến mỗi người hai lần, lão ta bắt tôi phải trả tiền thăm khám gấp đôi viện cớ cái tên Mousqueton ngu ngốc ấy đã để cho một viên đạn bắn trúng vào chỗ mà người ta thường chỉ cho thầy thuốc xem thôi. Cho nên tôi đã phải căn dặn nó kỹ càng lần sau đừng để bị thương ở chỗ ấy nữa.
Athos cười nháy với D’ Artagnan và Aramis rồi nói:
– Chà, chà, tôi thấy cậu xử sự với gã hầu tội nghiệp quá hào phóng đấy. Đúng là một ông chủ tốt.
– Tóm lại – Porthos tiếp tục – trả hết mọi khoản chi tiêu, chắc chắn tôi chỉ còn ba mươi êqui vàng.
– Và tôi chừng mươi đồng – Aramis nói.
– Xem nào, – Athos nói – hình như chúng ta đều là những vua Crésus cả(6) Một trăm đồng pítxtôn vàng của cậu còn bao nhiêu hở D’ Artagnan?
– Một trăm của tôi ư? Trước hết, tôi đã cho anh năm chục rồi.
– Cậu tin vậy ư?
– Mẹ kiếp!
– À đúng, tôi nhớ ra rồi.
– Rồi tôi trả sáu đồng cho chủ quán.
– Cái tên chủ quán chó má ấy ư! Tại sao cậu lại cho nó sáu đồng.
– Thì chính anh bảo tôi cho nó còn gì.
– Đúng là tôi quá tốt với nó. Tóm lại, còn bao nhiêu?
– Còn hai nhăm đồng – D’ Artagnan nói.
– Và tôi Athos vừa nói vừa móc túi ra mấy xu lẻ – tôi…
– Anh, sạch sành sanh.
– Thú thực, ít quá, chẳng bõ góp vào của chung.
– Bây giờ, ta tính thử xem còn bao nhiêu tất cả nào?
– Porthos?
– Ba mươi đồng êqui.
– Aramis?
– Mười đồng pítxtôn.
– Còn cậu D’ Artagnan?
– Hai mươi lăm.
– Tất cả là bao nhiêu? – Athos nói.
– Bốn trăm bẩy nhăm đồng livrơ! – D’ Artagnan, tính toán giỏi như Acsimét nói.
– Đến Paris, có lẽ chúng ta còn chừng bốn trăm, lại còn yên cương nữa – Porthos nói.
– Nhưng những con ngựa kỵ binh của chúng ta thì sao đây? – Aramis nói.
– Thế này nhé! bốn con ngựa của bọn người hầu, ta sẽ lấy hai con cho chủ bằng cách gắp thăm. Số bốn trăm livrơ ta sẽ lấy một nửa mua một con cho một cậu chưa có ngựa, rồi còn bao nhiêu ta sẽ vét túi đưa cho D’ Artagnan, cậu ấy mát tay, để chơi luôn ngay ở sòng bạc ta gặp. Thế đó.
– Thôi ăn đã, – Porthos nói – Nguội hết cả rồi.
Bốn người bạn từ lúc đó tạm yên tâm về những ngày sắp tới, liền ăn uống thỏa thuê, chỗ còn thừa dành cho các vị Mousqueton, Bazin, Planchet và Grimaud.
Đến Paris, D’ Artagnan thấy một bức thư của ông De Treville báo cho chàng biết, thể theo lời cầu xin của ông, nhà Vua vừa mới gia ân cho chàng được xung vào ngự lâm quân.
Vì đó là tất cả những gì D’ Artagnan mong ước ở trên đời, đã đành chưa kể sự khao khát được gặp lại bà Bonacieux, chàng sướng run người chạy đến nhà các bạn vừa mới chia tay nhau được nửa tiếng đồng hồ, và chàng thấy họ đều rất buồn và rất ưu tư. Họ họp bàn ở nhà Athos, điều đó luôn luôn chỉ rõ những tình thế nghiêm trọng nào đó đang xảy ra.
– Ông De Treville cũng vừa báo cho họ biết quyết định dứt khoát của Hoàng thượng là mở chiến dịch vào ngày một tháng năm. Họ phải lập tức chuẩn bị quân trang.
Bốn triết gia sửng sốt nhìn nhau, ông De Treville không đùa về mặt quân kỳ.
– Các anh thử tính xem những bộ quân trang ấy mất bao nhiêu tiền? – D’ Artagnan nói.
– Ồ, chẳng có gì để nói cả – Aramis trả lời – chúng ta vừa mới tính toán chi ly chặt chẽ rồi, và mỗi người chúng ta phải có một nghìn năm trăm đồng livrơ.
– Bốn lần mươi lăm là sáu mươi, tức sáu nghìn livrơ – Athos nói.
– Tôi thấy hình như chỉ với một nghìn livrơ mỗi một người…
D’ Artagnan nói – Đúng là tôi không nói theo kiểu chặt chẽ mà theo kiểu biện lý(7)
Cái tiếng biện lý làm thức tỉnh Porthos. Chàng nói:
– Thôi được, tôi sực nghĩ ra một điều.
– Hẳn là một điều hay ho rồi, còn như tôi, thậm chí một nửa điều cũng không xong – Athos lạnh lùng nói – còn như D’ Artagnan thưa các vị, hạnh phúc từ nay được là dân ngự lâm như chúng ta làm cho hắn phát điên. Một nghìn livrơ ư! Tôi tuyên bố riêng tôi thôi, tôi cần phải hai nghìn.
Aramis liền nói tiếp:
– Bốn lần hai thành tám. Vậy cần phải tám nghìn livrơ cho chúng ta để mua sắm quân trang. Đúng là chúng ta mới chỉ có yên cương.
– Thêm nữa – Athos vừa nói vừa chờ D’ Artagnan đi cám ơn ông De Treville, rồi đóng cửa lại – Thêm nữa, cái nhẫn kim cương tuyệt đẹp lấp lánh ở ngón tay anh bạn chúng ta. Mẹ kiếp D’ Artagnan là người bạn quá tốt không thể để anh em trong cơn túng quẫn khi hắn đeo ở ngón giữa một món tiền có thể chuộc được cả một ông vua.
Chú thích:(1) Nữ thần Minéc, còn gọi là nữ thần Palátx, nữ thần Atêna, con gái của thần Jớtx, nữa thần của sự thông thái và nghệ thuật Trong Iliat, cơn giận khủng khiếp của Akin là do Atêna hay Minéc giật tóc.
(2) Bốn con trai nhà Âymông trong tiểu thuyết võ hiệp thế kỷ 12 gồm 14.489 cảu thơ, là Rơnô, Ghitxca, Ala và Rítsa, cả bốn cùng cưỡi trên một con ngựa thần kỳ Baya chống lại Hoàng đế Charlesma.
(3) Trong truyện cổ tích con yêu Râu xanh của Perault. Anne là chị của người vợ cuối cùng của con yêu Râu xanh. Con yêu báo giờ tận số của ngườỉ vợ này vì phạm tội hở chuyện. Anne đứng trên đỉnh tháp. Cô em gọi “Chị Anne ơi, chị không thấy ai đến ư?”. “Chị chẳng thấy ai mà chỉ thấy mặt trời đang rắc bụi sáng và cỏ mọc xanh rờn!”.
(4) Tiếng Latinh có nghĩa: sẽ sinh ra, tồn tại, biến mất. Ở đây Dumas có lẽ định dùng từ Erit (sẽ tồn tại) chứ không phải Erat (đã từng tồn tại, tức biến mất rồi).
(5) Đại đế Môgôn (1483-1530) triều đại do Baberơ, chắt của Taméclan dòng dõi Thành Cát Tư Hãn sáng lập bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và xứ Hindu.
(6) Crésus: quốc vương cuối cùng của Lyđi vùng Tiểu Á, nổi tiếng về những tài nguyên là cát có lẫn hạt vàng ở Pắc tôn. Sau bị Xyarút đánh bại và bị bắt làm tù binh. kinh đô bị đốt (thế kỷ 6, trước công nguyên)
(7) Procureur – biện lý, cũng gọi là kiểm sát trưởng – nghĩa ở đây là kiểm sát nhưng ở đây còn có sự chơi chữ nữa là Procurcuse – bà biện lý, cũng có nghĩa là tú bà, trùm đĩ (trên đã chú thích)
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.