BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM
Chương 48 : Việc gia đình
Athos đã tìm ra được từ: Việc gia đình. Việc gia đình không chịu sự điều tra của Giáo chủ. Việc gia đình không liên quan đến ai. Người ta có thể lo việc gia đình công khai trước mọi người.
Thế là Athos đã tìm ra được từ: Việc gia đình.
Aramis tìm ra ý tưởng: những tên hầu.
Porthos nghĩ phương kế. nhẫn kim cương.
Chỉ có D’Artagnan chẳng nghĩ ra kế gì, nhưng lại vẫn thường là người có nhiều sáng kiến nhất trong bốn người. Nhưng cũng phải nói, chỉ riêng cái tên Milady đủ làm chàng tê liệt.
– À mà có chứ, chàng đã tìm được người mua nhẫn kim cương.
Bữa điểm tâm ở nhà ông De Treville là một chuyện vui mừng mê ly. D’Artagnan đã có đồng phục ngự lâm. Vì cùng vóc người với Aramis vì Aramis được chủ hiệu sách trả hậu cho bài thơ của chàng, nên cái gì cũng sắm một đôi, và chàng đã nhường cho bạn mình một bộ quân trang hoàn chỉnh. D’Artagnan có lẽ đã tràn trề thỏa mãn ước nguyện nếu như chàng không nhìn thấy Milady vẫn ló ra như một đám mây đen ở chân trời.
Sau bữa điểm tâm họ thỏa thuận sẽ họp mặt tại lều của Athos và ở đó sẽ bàn nốt công việc.
D’Artagnan suốt ngày hôm đó đi khắp doanh trại để phô bộ trang phục ngự lâm quân.
Buổi tối, theo giờ đã ấn định, bốn người bạn tụ hội lại. Chỉ còn ba điều phải quyết định:
– Viết gì cho em chồng Milady. Viết gì cho con người khôn khéo ở Tours.
Những gã hầu nào sẽ mang thư đi.
Mỗi người đều hiến người hầu của mình. Athos nói về tính kín đáo của Grimaud, chỉ nói khi chủ tháo chỉ khâu ở miệng.
Porthos khoe sức lực của Mousqueton ở tầm cỡ có thể quật đổ bốn người bình thường. Aramis tin tưởng ở sự khôn khéo của Bazin, ca tụng bốc trời ứng viên của mình. Cuối cùng, D’Artagnan hoàn toàn tin tưởng vào sự can trường của Planchet, và nhắc lại chuyện hắn đã xử trí thế nào trong vụ việc gai góc ở Bulônhơ.
Bốn đức tính ấy giành giật nhau hồi lâu trong cuộc thi tuyển ngoạn mục.
– Không may thay – Athos nói – ta lại cần phái đi một người hội đủ cả bốn đức tính ấy.
– Nhưng tìm đâu ra được một người hầu như thế?
– Không thể tìm nổi – Athos nói – Tôi biết rõ mà. Ta lấy Grimaud vậy.
– Lấy Mousqueton.
– Lấy Bazin.
– Lấy Planchet: Planchet dũng cảm và khôn khéo, thế là có hai trong bốn phẩm chất rồi.
– Thưa các vị – Aramis nói – cái chính không phải là biết ai trong bốn gã là người kín đáo nhất, khỏe nhất, khôn khéo nhất, hoặc can trường nhất, cái chính là phải biết xem kẻ nào thích tiền nhất.
– Điều mà Aramis nói thật đầy ý nghĩa – Athos nói tiếp – Ta nên lợi dụng những tật xấu của con người chứ không phải là đức hạnh của họ – Thưa cha tu viện trưởng, ngài đúng là một nhà đạo đức học lớn?
– Hẳn rồi – Aramis nói – bởi không những ta cần được phục vụ tốt sao cho thành công, mà còn không để thất bại. Bởi trường hợp thất bại, lại là chuyện cái đầu, không phải đầu của người hầu đâu.
– Khẽ chứ, Aramis! – Athos nói.
– Đúng thế, không phải đầu bọn người hầu- Aramis nói tiếp – mà đầu người chủ và đầu cả mấy người chủ nữa! Bọn người hầu của chúng ta liệu có trung thành đến mức liều đời vì chúng ta không? Không!
– Tôi tin – D’Artagnan nói – tôi hầu như đảm bảo cho Planchet.
– Thế thì! Bạn thân mến, bạn hãy thêm vào lòng trung thành tự nhiên của hắn một món sộp vào làm cho hắn sống dễ chịu một chút, thay vì đảm bảo một lần, làm thế là đảm bảo gấp đôi đấy.
– Ôi, lạy Chúa? Dẫu sao các cậu cũng nhầm cả rồi – Athos vốn lạc quan khi đụng đến sự vật, lại bi quan khi đụng đến con người, nói – Họ sẽ hứa tràn đi để có tiền, và dọc đường nỗi sợ hãi sẽ ngăn họ hành động. Một khi đã cầm tiền, họ sẽ nắm lấy nó cho thật chắc. Nắm chắc rồi, họ sẽ thú nhận. Mẹ kiếp! Chúng ta không phải lũ con nít! Để sang được nước Anh (Athos hạ giọng) phải đi qua gần khắp nước Pháp nhan nhản bọn gián điệp và bọn chó má của Giáo chủ, phải có hộ chiếu để xuống tàu, phải biết tiếng Anh để hỏi đường tới London. Xem xem, tôi thấy điều này khó lắm.
– Chả khó tí nào – D’Artagnan kiên quyết chủ trương phải làm việc này cho kỳ được nói – Trái lại, tôi thấy dễ thôi. Mẹ kiếp, tất nhiên, nếu ta viết cho Huân tước De Winter những điều vượt qua chuyện nhà cửa, những nỗi hãi hùng về Giáo chủ.
– Khẽ chứ? – Athos nói.
– Những âm mưu những bí mật quốc gia, – D’Artagnan tiếp tục nói nhỏ theo lời nhắc nhở của Athos – Tất nhiên chúng ta sẽ bị bánh xe nghiến tươi tất cả(1) nhưng lạy Chúa, đừng quên, như anh đã nói, Athos ạ, chúng ta với mục đích duy nhất để khi Milady đặt chân tới London, ông ta loại ngay mụ không cho hại chúng ta. Tôi sẽ viết cho ông ta một bức thư đại khái như thế này…
– Để xem nào – Aramis nói, mặt đã sẵn vẻ phê phán
“Thưa ngài bạn thân mến”…
– À, hay lắm, bạn thân mến, với một người Anh – Athos ngắt lời mở đầu khá lắm! Hoan hô, D’Artagnan! Riêng với câu ấy cậu đã bị phanh thây thay cho bị nghiến sống rồi.
– Thế thì, thế này vậy: “Thưa ngài”, gọn thế thôi.
– Cậu cứ gọi là “Thưa Huân tước” – Athos nắm vững các nghi thức nói.
“Thưa Huân tước, ngài còn nhớ khu vườn kín thả dê ở Luxembourg chứ?”Hay thật! Vườn Luxembourg lúc này ư? Người ta lại tưởng bóng gió Thái hậu?
– Viết thế mới thật là khéo! – Athos nói.
– Thế thì, đơn giản thôi vậy “Thưa Huân tước, ngài có nhớ một bãi kín nhỏ nào đó mà người ta đã tha mạng ngài?”
– D’Artagnan ơi là D’Artagnan – Athos nói – Cậu sẽ chỉ mãi mãi là một biên tập viên tồi, “Mà người ta đã tha mạng ngài”.
– Thôi đi! – Ai lại đi viết thế. Người ta không nhắc những việc đó với một người lịch sự. Trách quên ơn là gây thù oán đó.
– Ôi! Bạn thân mến, – D’Artagnan nói – anh thật không thể chịu nổi, và nếu cứ phải viết dưới sự kiểm duyệt của anh, nói thật nhé, tôi thèm vào nữa.
– Cậu làm thế là đúng. Cậu hãy điều khiển cây súng và lưỡi gươm, bạn thân mến ạ, hai ngón đó thì cậu rất hào hoa, còn cây bút hãy chuyển cho ngài tu viện trưởng, nó liên quan đến ngài nhiều hơn.
– Ờ, đúng, phải rồi – Porthos nói – hãy chuyển bút cho Aramis, hắn ta viết luận văn bằng cả tiếng Latinh kia mà.
– Thôi được – D’Artagnan nói – Aramis, anh soạn thảo bức thư này đi. Nhưng thề có Đức Thánh cha giáo hoàng! Hãy viết cho chặt chẽ, bởi đến lượt tôi, tôi cũng sẽ vặt lông anh đấy, xin báo trước như vậy.
– Tôi không đòi hỏi gì hơn – Aramis nói với niềm tin ngây thơ mà mọi thi sĩ vốn có sẵn trong mình – Nhưng phải cho tôi biết rõ đã, tôi mới chỉ được nghe chỗ này, chỗ kia mỗi chỗ một tí, rằng con chị dâu đó là một con gian manh tôi cũng đã có bằng chứng khi nghe nó nói chuyện với Giáo chủ.
– Khẽ chứ nào, đồ quỷ! – Athos nói.
– Nhưng – Aramis tiếp tục – tôi không nắm được chi tiết.
– Tôi cũng vậy – D’Artagnan nói.
D’Artagnan và Athos im lặng nhìn nhau một lúc. Cuối cùng Athos sau khi đã tĩnh tâm lại và tái người đi hơn thường lệ vốn đã như thế, ra hiệu đồng ý, D’Artagnan hiểu mình có thể nói ra.
– Thế thì! Đây là điều phải nói ra – D’Artagnan nói tiếp – “Thưa Huân tước, chị dâu ngài là một mụ đàn bà hiểm độc, đã từng muốn giết ngài để hưởng gia tài của ngài. Nhưng mụ không thể lấy anh trai ngài, vì đã cưới chồng ở Pháp, và đã bị…
D’Artagnan dừng lại nhìn Athos như thể muốn tìm một từ.
– “Bị chồng đuổi”, – Athos nói.
– “Bởi vì mụ đã từng bị đóng dấu chín” – D’Artagnan tiếp tục.
– Sao, mụ định giết người em chồng ư? Porthos kêu lên – – Không thể thế.
– Phải, thế đấy.
– Mụ đã từng có chồng? Aramis hỏi.
– Phải.
– Và chồng mụ đã phát hiện ra dấu bông huệ đóng chín trên vai mụ? – Porthos kêu lên.
– Phải.
Ba tiếng “phải” đều do Athos nói, mỗi tiếng giọng càng u uất hơn.
– Và ai đã nhìn thấy cái dấu hoa huệ đó? Aramis hỏi.
– D’Artagnan và tôi, hay đúng hơn, nếu theo trật tự niên giám là tôi và D’Artagnan – Athos trả lời.
– Và người chồng của con mụ ghê tởm đó còn sống? Aramis hỏi.
– Ông ta còn sống.
– Anh có chắc không?
– Tôi chắc chứ.
Một phút im lặng lạnh lùng, trong khi đó mỗi người đều cảm nhận riêng theo bản tính của mình. Athos là người đầu tiên phá vỡ sự im lặng, chàng nói:
– Lần này, D’Artagnan đã đưa ra cho chúng ta một chương trình hành động rất hay và trước hết ta phải viết thế đã.
– Anh nói đúng, Athos ạ – Aramis nói – và việc biên tập mới gai góc đây. Bản thân ông chánh án cũng sẽ bối rối khi soạn thảo một bức thư mạnh mẽ như thế, trong khi đó ông ta soạn thảo một bản án một cách dễ dàng. Thôi được, các người im đi để tôi viết Thế là Aramis cầm lấy bút, nghĩ vài phút, viết liền một mạch tám đến mười dòng, bằng nét chữ mềm mại duyên dáng của đàn bà, rồi bằng một giọng dịu dàng và chậm rãi như thể mỗi từ đã được cân nhắc chu đáo, chàng đọc:
“Thưa Huân tước,
Người viết mấy dòng chử này cho ngài đã có vinh dự được đọ gươm với ngài trong một mảnh đất kín ở phô Âm ty. Từ đó vì ngài đã từng nhiều lần muốn kết bạn với người đó, người đó có nghĩa vụ phải nhận ra tình bạn bằng một lời khuyên chân thành. Hai lần ngài suýt nữa đã trở thành nạn nhân của người họ hàng gần nhất mà ngài tin là người thừa kể, bởi vì ngài không biết trước khi kết hôn ở Anh, người đó đã từng cưới chồng ở Pháp. Nhưng lần thứ ba, tức lần này, ngài có thể bị giết hại. Mụ họ hàng đó ra đi từ La Rochelle trong đêm tối tới nước Anh. Ngài hãy giám sát mụ khi mụ tới, bởi mụ có những mưu toan to lớn và khủng khiếp. Nếu ngài nhất thiết muốn biết mụ ta có khả năng làm chuyện gì, xin ngài hãy xem cái quá khứ của mụ trên vai trái…”- Ồ, thế là tốt lắm rồi, Athos nói – cậu đúng là một cây bút cỡ đổng lý văn phòng Nhà nước, Aramis ạ. Bấy giờ Huân tước De Winter sẽ cảnh giác cao, đương nhiên nếu thư này đến tay ông ta, và không may nó có rơi vào tay Giáo chủ, thì chúng ta cũng sẽ không bị phương hại gì. Nhưng vì gã người hầu ra đi có thể chỉ dừng lại ở Saterlơrôn mà làm cho chúng ta tin đã đến London, ta chỉ trao bức thư và nửa số tiền, và hứa đưa nốt nửa kia, nếu có thư trả lời. Cậu vẫn còn cái nhẫn chứ?
– Còn hơn cả thế kia, tôi có tiền rồi.
– Và D’Artagnan ném cái túi lên bàn, nghe tiếng vàng kêu xủng xoảng, Aramis ngước mắt nhìn, Porthos giật mình, còn Athos vẫn bình thản như không. Chàng hỏi:
– Có bao nhiêu trong túi?
– Bẩy nghìn livrơ toàn tiền mười hai quan.
– Bảy nghìn livres? – Porthos kêu lên – Cái viên kim cương nhỏ hạng xoàng ấy mà giá bảy nghìn livrơ cơ à?
– Chắc là như thế – Athos nói – vì tiền một đống đây. Tôi không cho là anh bạn D’Artagnan của chúng ta bỏ thêm tiền của mình vào đâu.
– Nhưng, các vị ạ, trong mọi chuyện này, chúng ta không nghĩ gì đến Hoàng hậu. Vậy chúng ta hãy chăm lo một chút đến sức khỏe của ông Buckingham thân yêu của bà. Đó là điều tối thiểu ta phải làm.
– Chính thế – Athos nói -nhưng việc này liên quan đến Aramis.
Chàng ta đỏ mặt dáp:
– Thế thì tôi phải làm gì nào?
– Ồ – Athos nói tiếp – thật quá đơn giản – soạn thảo một bức thư thứ hai cho con người khôn khéo sống ở Tours.
Aramis lại cầm bút, lại nghĩ, và viết những dòng thư lập tức được các bạn hoan nghênh nhiệt liệt như sau: “Cô em họ thân mến…
– A! – Athos nói – ra con người khôn khéo đó là họ hàng của cậu – Em con cô ấy mà – Aramis nói.
– Vậy tiếp tục với em họ cậu đi!
Aramis tiếp tục đọc:
“Cô em họ thân mến, Đức ông Giáo chủ mà Chúa dành cho hạnh phúc của nước Pháp và sự lúng túng của kẻ thù vương quốc đang sắp kết liễu bọn phản nghịch tà đạo ở La Rochelle. Có thể hạm đội cứu viện quân Anh sẽ không đến kịp để tận mắt nhìn thấy. Tôi cũng không dám nói rằng tôi tin chắc ông De Buckingham sẽ bị ngăn trở bởi một sự cố lớn nào đó. Đức ông là một nhà chính trị lỗi lạc nhất trong thời gian qua. Ngài sẽ dập tắt mặt trời, nêu mặt trời làm vướng chân ngài. Hãy báo những tin vui này cho bà chị em, em thân mến ạ. Anh mơ thấy gã người Anh đáng nguyền rủa ấy bị chết. Anh không thể nhớ lại được là bởi dao găm hay thuốc độc. Có điều anh tin chắc là anh đã mơ thấy hắn bị chết, và như em đã biết đấy, những giấc mơ của anh không đánh lừa anh bao giờ. Em hãy yên tâm, không lâu nữa anh sẽ trở về”.
– Tuyệt lắm – Athos nói – cậu là vua của các nhà thơ, Aramis thân mến ạ, cậu nói như Apôcalíp(2) ấy và cậu nói đúng như kinh Phúc âm. Giờ cậu chỉ còn việc ghi địa chỉ vào nửa thôi.
Dễ thôi mà – Aramis nói.
Chàng gập bức thư lại một cách tình tứ rồi viết: “Gửi cô Mítsông, cô thợ may ở thành Tours”.
Cả ba người bạn cùng nhìn nhau cười: họ bị lừa, Aramis nói:
– Bây giờ, các vị đã hiểu chỉ Bazin mới có thể mang thư này đi. Cô em họ chỉ quen biết Bazin và chỉ tin anh ta. Bất kỳ ai khác đều làm hỏng việc. Hơn nữa, Bazin nhiều tham vọng và thông thái. Bazin đã đọc lịch sử, các vị ạ, hắn biết Xích Canh đã trở thành giáo hoàng sau khi đã từng chăn lợn con. Hắn cũng tính chuyệnthụ giáo như tôi chẳng qua vẫn hy vọng đến lượt hắn cũng trở thành giáo hoàng hoặc ít nhất cũng Giáo chủ. Các vị hiểu một người đã có những mục tiêu như thế sẽ không để bị tóm, hoặc nếu bị tóm, sẽ chịu tử đạo còn hơn khai ra.
– Tốt, tốt lắm – D’Artagnan nói – Tôi hoàn toàn đồng tình anh chọn Bazin. Nhưng anh ủng hộ tôi chọn Planchet đi. Ngày nào Milady đã dùng gậy phang hắn tống ra khỏi cửa mà Planchet thì nhớ dai lắm, và tôi xin đảm bảo, nếu gã thấy có thể trả thù được, thì thà hắn chịu để đánh gãy sống lưng chứ không chịu bỏ cuộc đâu! Nếu việc đi Tours là việc của anh, Athos ạ, việc đi London cũng là việc của tôi. Vậy tôi mong các vị hãy chọn Planchet, hơn nữa hắn đã từng đến London với tôi và biết nói rất chuẩn mấy câu: “London, sir, if want please and My master, lord D’Artangman” (London, thưa ngài, mong ngài làm ơn chỉ giúp và ông chủ tôi, ngài D’Artagnan). Với những điều đó, xin các vị yên tâm, hắn sẽ biết đường đi, đường về.
– Trong trường hợp ấy – Athos nói – Planchet cần được nhận bẩy trăm livrơ tiền đi và bẩy trăm livrơ tiền về còn Bazin ba trăm livres tiền đi và ba trăm livrơ tiền về. Như thế sẽ còn lại năm nghìn livres, mỗi người chúng ta cầm một nghìn livrơ để chi dùng riêng, còn để lại quỹ một nghìn livrơ mà cha tu viện trưởng sẽ giữ để chi những trường hợp đặc biệt hoặc nhu cầu chung. Như thế có được không?
– Anh Athos thân mến – Aramis nói – Anh nói cứ như ông Nétxto mà ai cũng biết là một nhà thông thái bậc nhất của Hy Lạp ấy.
– Vậy thì! Dứt khoát nhé – Athos nói lại – Planchet và Bazin sẽ đi. Tóm lại, tôi hoàn toàn vui vẻ giữ lại Grimaud, hắn đã quen tính nết chủ, tôi biết thế. Hôm qua chắc hắn đã hết vía, chuyến đi này sẽ chỉ làm hại hắn.
Họ cho gọi Planchet đến và cho hắn những chỉ dẫn. Hắn cũng đã được D’Artagnan báo trước, đầu tiên là vinh quang, tiếp đến là tiền bạc rồi đến hiểm nguy.
– Tôi sẽ giấu thư vào mép áo – Planchet nói – nếu bị bắt tôi sẽ nuốt ngay.
D’Artagnan nói:
– Ồ, thế thì anh không thể làm nổi nhiệm vụ này rồi.
– Vậy tối nay ông sao cho tôi một bản, mai tôi sẽ thuộc lòng.
D’Artagnan nhìn các bạn như muốn nói: “Thế nào! Tôi đã hứa với các anh mà?”
– Bây giờ – Chàng tiếp tục căn dặn Planchet – Anh có tám ngày để đến gặp Huân tước De Winter và có tám ngày để trở về đây, tổng cộng mười sáu ngày. Nếu đến ngày thứ mười sáu sau khi khởi hành, tám giờ tối, anh chưa về đến nơi, sẽ không có tiền, dù là tám giờ năm phút.
– Vậy thì ông chủ – Planchet nói – mua cho tôi một cái đồng hồ!
– Cầm lấy cái này! – Athos vừa nói vừa đưa cho hắn chiếc đồng hồ của mình rất hào hiệp vô tư – Và hãy là một chàng trai can trường. Hãy nghĩ rằng nếu ngươi nói, nếu ngươi ba hoa, nếu ngươi la cà, ngươi sẽ làm chủ ngươi bị chặt cổ, mà chủ ngươi lại hết sức tin tưởng ở long trung thành của ngươi và đảm bảo cho ngươi. Nhưng cũng cần nghĩ nếu do lỗi của ngươi, gây tai họa cho D’Artagnan, ta sẽ tìm lại được ngươi ở bất cứ nơi đâu, và sẽ phanh thây ngươi.
– Ồ, thưa ông – Planchet nói, vừa thấy tủi vì bị nghi ngờ và nhất là hoảng sợ về sự bình thản của Athos.
– Và ta – Porthos trợn tròn mắt lên – nên biết ta sẽ lột da mày.
– Ôi, thưa ông!
– Còn ta – Aramis nói bằng một giọng dịu dàng và du dương ta sẽ thiêu người dưới lửa nhỏ như một tên mọi rợ.
– Ôi, thưa ông!
Và Planchet òa khóc, không biết do sự hãi trước những lời hăm dọa đối với hắn hay vì cảm kích khi thấy bốn người bạn gắn bó chặt chẽ với nhau đến thế.
D’Artagnan cầm tay và ôm hôn hắn và bảo:
– Thấy chưa, Planchet, các ông ấy nói với ngươi như vậy là vì quý ta, nhưng trong thâm tâm lại yêu mến ngươi.
– Ôi thưa ông? – Planchet nói – hoặc tôi sẽ hoàn thành hoặc cứ cắt tôi ra làm bốn. Cứ việc cắt tôi ra làm bốn, ông cứ tin là không còn sót mảnh nào chịu khai báo đâu.
Chàng quyết định tám giờ sáng hôm sau, Planchet sẽ ra đi cốt để như Planchet đã nói với chàng, đêm có thể học thuộc lòng bức thư. Vậy là hắn có mười hai tiếng đồng hồ để lo việc học. Và phải trở về lúc 8 giờ tối ngày thứ mười sáu.
Sáng hôm sau lúc hắn sắp lên ngựa, D’Artagnan trong lòng vẫn cảm thấy lo lắng cho Quận công De Buckingham, kéo Planchet ra một chỗ và bảo hắn:
– Nghe đây, khi anh đã trao thư cho Huân tước De Winter và khi ông ấy đã đọc xong, anh bảo thêm ông ấy: “Xin ngài hãy canh chừng cho ngài Huân tước De Buckingham, bởi vì người ta muốn ám sát ngài ấy”. Này Planchet, điều này rất nghiêm trọng, rất cần thiết đến mức ta cũng chẳng muốn thú nhận với các bạn ta là ta tin trao cho anh bí mật này và đối với một nhiệm vụ hàng đầu như thế, ta cũng không muốn viết cho anh mang đi.
– Xin ông yên tâm – Planchet nói – Rồi ông sẽ thấy có thể tin cậy vào tôi.
Và cưỡi trên một con tuấn mã, gã phải đi hai mươi dặm rồi bỏ ngựa lại để đổi ngựa trạm, Planchet phi nước đại, lòng hơi thắt lại vì ba lời hẹn ước của ba chàng ngự lâm quân nhưng dẫu sao cũng trong tình trạng tốt đẹp nhất trên đời.
Bazin ra đi sáng hôm sau đến Tours và có tám ngày để hoàn thành nhiệm vụ.
Bốn người bạn, trong suốt thời gian vắng mặt hai gã ấy, hơn bao giờ hết phải để mắt canh chừng, phải mũi đánh hơi, tai nghe ngóng. Ngày ngày phải thử xem liệu có bắt gặp người ta nói gì không, phải rình rập điệu bộ, dáng dấp của Giáo chủ, phải đánh hơi các xe thư vừa tới. Nhiều lần, không tránh khỏi run lên khi họ bị gọi lên vì một công việc đột xuất nào đó. Vả lại họ cũng phải giữ sao cho được an toàn cho chính họ. Milady là một con ma, khi nó đã hiện hình với ai, nó sẽ không để cho người đó ngủ yên.
Sáng ngày thứ tám, mặt mày tươi tỉnh như vẫn thường thấy, Bazin mỉm cười theo thói quen bước vào tửu quán Pácpayô, đúng lúc bốn người bạn đang ăn điểm tâm, và nói theo đúng quy ước:
– Thưa ông Aramis, đây là thư trả lời của cô em họ.
Bốn người bạn đưa mắt nhìn nhau vui sướng, nửa phần công việc đã được làm xong, tất nhiên đây là phần việc tốn ít thời gian và dễ dàng hơn.
Aramis cầm bức thư, nét chữ thô kệch và sai chính tả, không tránh khỏi đỏ mặt.
– Lạy chúa! – Chàng vừa cười vừa reo lên – dứt khoát là tôi thất vọng rồi. Chả bao giờ cái cô Mítsông tội nghiệp viết được như ông De Voatuya.
– Thế nghĩa là thế nào, cái cô Migiông tội nghiệp ấy – Người lính Thụy sĩ đang trò chuyện với bốn người bạn thì thư đến liền hỏi.
– Ồ, Chúa ơi! Có gì đâu – Aramis nói – một cô thợ may bé nhỏ duyên dáng mà tôi rất yêu và tôi yêu cầu cô ấy viết cho mấy dòng để làm kỷ niệm ấy mà.
– Nói thật nhé – Người lính Thụy Sĩ nói – Nếu nàng là một mệnh phụ như cái chữ viết của nàng, thì ông đúng là có phúc lớn đấy ônh bạn của tôi ạ!
Aramis đọc thư rồi chuyển cho Athos và bảo:
– Athos, anh xem cô ấy viết gì này.
Athos liếc nhìn qua bức thư và muốn dập tắt mọi sự nghi ngờ có thể phát sinh, đọc to lên:
“Anh họ của em ạ, chị em và em đoán rất giỏi những giấc mơ, và chúng em cũng có nỗi sợ khủng khiếp về những giấc mơ ấy. Nhưng về giấc mơ của anh, có thể nói, em hy vọng là mọi mộng mị đều là giả dối. Tạm biệt! Mong anh luôn khỏe và thỉnh thoảng cho chúng em biết tin về anh”.
Aglaê Mítsông(3)
– Cô ta nói về giấc mơ nào thế? – Người lính long kỵ xán lại gần trong khi đọc, hỏi.
– Phải, giấc mơ gì vậy? – Người lính Thụy Sĩ nói.
– Ồ, mẹ kiếp – Aramis nói – thì đơn giản nó là một giấc mơ tôi mơ rồi kể cho cô ấy nghe chứ còn cái của nợ gì nữa.
– Ồ, phải, mẹ kiếp! Vì đơn giản là kể lại giấc mơ, nhưng tôi không mơ bao giờ cả!
Athos vừa đứng dậy vừa nói:
– Thế thì anh may quá đấy, tôi những mong có thể nói được như anh thôi!
– Không bao giờ! – Người lính Thụy sĩ lắp lại và tỏ ra rất sung sướng vì một người như Athos lại thèm muốn một điều gì đó ở mình – Không bao giờ! Không bao giờ!
Thấy Athos đứng dậy, D’Artagnan cũng đứng lên theo, khoác tay Athos đi ra.
Porthos và Aramis ở lại để đối mặt với những lời giễu cợt của tay lông kỵ binh và người lính Thụy Sĩ.
Còn Bazin, anh chàng ra nằm ngủ khoèo trên một ổ rơm, và anh ta có nhiều óc tưởng tượng hơn anh chàng Thụy Sĩ, nên mơ thấy Aramis trở thành giáo hoàng, và đội lên đầu anh chiếc mũ hồng y Giáo chủ.
Nhưng dù trở về may mắn Bazin cũng không cất được một phần nỗi lo đang châm đốt bốn người bạn. Những ngày chờ đợi dài dằng dặc, và nhất là D’Artagnan những muốn đánh cược ngày bây giờ dài bốn tám giờ. Chàng quên mất những sự chậm trễ buộc phải có của công việc chạy tàu. Chàng phóng đại thế lực của Milady. Chàng gán cho mụ đàn bà đối với chàng giống như một con quỷ đó, có lũ tay chân cũng siêu nhiên như mụ, chàng tưởng tượng ra từ mỗi tiếng động nhỏ nhất người ta tới bắt giữ chàng và người ta dẫn Planchet về để đối chứng với chàng và các bạn chàng. Còn hơn thế nữa, lòng tin của chàng xưa kia lớn lao đến thế, vào cái gã xứ Picađy ấy, ngày một giảm sút. Sự lo âu ấy lớn đến nỗi lan sang cả Porthos và Aramis. Chỉ còn mỗi Athos vẫn bình thản như không, như thể chẳng có mối hiểm nguy nào động đậy xung quanh chàng và chàng vẫn hít thở không khí như mọi ngày thường.
Nhất là ngày thứ mười sáu, những dấu hiệu bồn chồn ở D’Artagnan và hai người bạn kia thể hiện rõ đến nỗi họ đứng ngồi không yên và lang thang như những cái bóng trên con đường mà Planchet sẽ phải trở về.
Athos bảo họ:
– Thật đúng là, các cậu không phải là những người lớn nữa mà là một lũ trẻ con, đến nỗi một con mụ đàn bà này làm cho các cậu sợ hãi ghê gớm đến thế. Và tóm lại, có chuyện gì nào? Bị cầm tù ư? Thì người ta sẽ lôi chúng ta ra khỏi tù. Người ta đã từng kéo bà Bonacieux ra khỏi tù như chơi đó sao. Bị chặt đầu ư? Nhưng ngày ngày trong chiến hào chúng ta vẫn vui vẻ phơi mình ra cho những chuyện còn tệ hơn, bởi một viên đạn trái phá có thể làm gãy chân ta và tôi tin rằng một nhà giải phẫu cắt đùi ta còn làm ta đau hơn tên đao phủ chặt đầu ta. Vậy hãy bình tĩnh chờ đợi. Hai giờ, bốn giờ, sáu giờ, hoặc chậm hơn nữa, Planchet sẽ ở đây. Hắn đã hứa như vậy. Và tôi, tôi có một niềm tin rất lớn vào những lời hứa của Planchet, một người mà tôi thấy là một chàng trai rất can trường.
– Nhưng nếu hắn không tới? – D’Artagnan nói.
– Ồ nếu hắn không tới, đó là có lẽ hắn bị chậm, có thế thôi.
– Hắn có thể bị ngã ngựa, hắn có thể bị lộn nhào qua cầu, có thể chạy quá nhanh nên bị mắc chứng sưng phổi. Thế đấy. Các vị ạ, ta phải tính đến phần của các sự cố chứ. Đời là một chuỗi tràng hạt những nỗi khổ đau nho nhỏ mà nhà triết học vừa cười vừa lần những hạt khổ dau. Hãy là nhà triết học như tôi, các vị ạ, hãy ngồi vào bàn và uống, chẳng có gì làm hiện ra tương lai màu hồng như ta nhìn nó qua một cốc rượu sămbéctanh.
– Đúng lắm, – D’Artagnan trả lời – Nhưng tôi mệt mỏi vì cứ sợ rằng, thứ rượu vang đó lại lấy ra từ hầm rượu của Milady, ngay khi uống.
– Cậu khó tính quá – Athos nói – một người đàn bà đẹp đến như thế?
– Một mụ đàn bà bị đóng dấu! – Porthos cười hô hố.
Athos giật mình đưa tay lên trán lau mồ hôi cũng đứng dậy không kìm nổi một động tác căng thẳng.
Trong khi ấy ngày vẫn cứ trôi và chiều tối đến chậm hơn nhưng cuối cùng vẫn đến. Các quầy rượu đầy ắp khách uống.
Athos rủng rỉnh trong túi phần chia tiền bán kim cương, không rời quán Pácpayô nữa. Chàng đã tìm thấy trong ông De Buyxinhi người chung quy đã khao bọn chàng một bữa tiệc thịnh soạn, một đối thủ cờ bạc ngang tầm với chàng. Họ chơi với nhau như thường lệ tới khi đồng hồ điểm bẩy tiếng và người ta nghe thấy tiếng chân lính tuần tra đến thay phiên các trạm, rồi bảy giờ rưỡi vang lên tiếng kèn thu quân.
– Chúng ta nguy rồi – D’Artagnan rỉ rai Athos.
– Cậu muốn nói chúng ta đã thua chứ gì? – Athos bình tĩnh vừa nói vừa rút trong túi ra bốn đồng pítxtôn vàng ném lên bàn, rồi tiếp tục – Các vị, kèn thu quân rồi, ta về ngủ thôi.
Và Athos, theo sau là D’Artagnan ra khỏi quán Pácpayô, Aramis khoác tay Porthos đi đằng sau. Aramis lải nhải mấy vần thơ, và Porthos thỉnh thoảng lại nhổ vài chiếc ria mép tỏ ý thất vọng.
Nhưng kìa, bất thình lình từ trong bóng đêm, một bóng người hiện ra, mà hình dạng có vẻ thân quen với D’Artagnan và một giọng nói rất quen thuộc nói với chàng:
– Thưa ông, tôi mang đến cho ông áo khoác của ông vì tối nay trời lạnh.
– Planchet! – D’Artagnan reo lên, mừng vui đến phát rồ.
– Planchet! – Porthos và Aramis nhắc lại.
– Ờ, đúng là Planchet – Athos nói – Thế thì có gì lạ? Hắn đã hứa trở về lúc tám giờ, và bây giờ là tám giờ. Hoan hô, Planchet người là một chàng trai biết giữ lời hứa, và nếu bao giờ người thôi làm cho chủ ngươi, ta vẫn dành một chỗ để ngươi giúp ta đấy.
– Ồ, không, không bao giờ – Planchet nói – không bao giờ tôi rời bỏ ông D’Artagnan.
Đồng thời D’Artagnan cảm thấy Planchet nhét một mẩu thư ngắn vào tay mình.
D’Artagnan rất muốn ôm hôn Planchet lúc trở về cũng như chàng đã từng ôm hôn anh ta lúc ra đi. Nhưng chàng lại ngại sự biểu lộ tràn trề đối với người hầu như thế giữa nơi phố xá có vẻ kỳ cục đối với người qua lại đành phải kiềm chế.
– Tôi có thư – chàng nói với Athos và các bạn.
– Tốt lắm – Athos nói – Ta về chỗ mình thôi và ta sẽ đọc bức thư.
Bức thư nóng bỏng trong tay D’Artagnan chàng muốn rảo bước, nhưng Athos kéo tay chàng và khoác vào tay mình, buộc chàng phải đi cùng nhịp với bạn mình.
Cuối cùng họ bước vào lều bạt, thắp đèn lên, trong khi đó Planchet đứng gác trước cửa để đề phòng bốn người bị bắt quả tang, D’Artagnan tay run run, bẻ xi niêm phong mở bức thư mong đợi bấy lâu nay.
Thư chỉ có nửa dòng, nét chữ hoàn toàn của người Anh, ngắn gọn và dứt khoát:
“Thank you, be aesy”
Có nghĩa là “Cám ơn, hãy yên tâm”
Athos giật lấy bức thư trong tay D’Artagnan, đưa lại gần đèn và đốt và chỉ buông ra khi nó đã hoàn toàn biến thành tro. Rồi gọi Planchet, và bảo hắn:
– Bây giờ chú em, chú có thể đòi bẩy trăm livrơ của chú được rồi, một bức thư như thế này rồi thì chú em không phải lo gì nữa đâu. Thế mà tôi đã phải nghĩ ra biết bao nhiêu cách để giữ bằng được nó – Planchet nói.
– Vậy thì kể lại cho bọn ta nghe nào – D’Artagnan nói.
– Trời ơi! Dài lắm, thưa ông.
– Anh nói đúng đấy Planchet ạ – Athos nói – Hơn nữa, trống điểm quân đã báo rồi, chúng ta sẽ bị để ý khi để đèn lâu hơn người khác.
– Thôi được, – D’Artagnan nói – Ta đi ngủ vậy. Ngủ ngon nhé! Planchet!
– Thú thật, đây là giấc ngủ đầu tiên từ mười sáu ngày nay đấy, thưa ông.
– Ta cũng vậy? D’Artagnan nói.
– Ta cũng thế – Porthos nói.
– Cả ta nữa! – Aramis nói Thế thì các cậu có muốn tôi thú nhận sự thực không? Thật tình thì tôi cũng thế! – Athos nói.
Chú thích:(1) Hình phạt thời trung cổ cho bánh xe nghiến nát chân tay như ép mía
(2) Tiếng Hy Lạp có nghĩa là linh ứng. Chương cuối cùng của Tân ước, có tính chất tượng trưng, huyền bí, rất tối nghĩa, nhưng lại đầy chất thơ.
(3) Đây là sự sơ xuất của tác giả vì bức thư không hề sai chính tả
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.