Cậu ấm ngây thơ
Chương 02
Tàu thủy rú một hồi còi tu… tu… rồi đỗ lại ở ngoài khơi. Lập tức có một chiếc xuồng rời bến, tiến đến cập mạn tàu. Người lái xuồng cởi trần trùng trục, vận độc một chiếc khố màu đỏ. Quả là một nơi mông muội, hoang dã. Đúng rồi! Nóng như thế này thì ai mà mặc được quần áo. Trời nắng chang chang. Mặt nước phản chiếu ánh mặt trời cũng chói chang đến khó chịu, nhìn nhức cả mắt.
Tôi hỏi một nhân viên trên tàu thì biết chỗ này là nơi tôi phải xuống. Một xóm chài chừng khoảng bằng khu phố Ô-ô-mô-ri, thật là xem thường nhau quá đáng. Một nơi như thế này thì ai mà sống nổi. Nhưng thôi, cũng đành vậy.
Thế là tôi hăm hở nhảy xuống xuồng trước tiên. Sau đó có khoảng năm, sáu người nữa cũng xuống. Ông khố đỏ chất lên xuồng bốn chiếc hòm to bự rồi chở thuyền quay lại bến. Đến bến, tôi lại là người nhảy lên bờ đầu tiên, rồi tóm luôn lấy một thằng bé thò lò mũi, đang đứng trên mỏm đá chìa ra khỏi bờ, mà hỏi xem trường trung học nó nằm ở đâu. Thằng bé ngẩn mặt ra một lúc rồi trả lời: “Không biết.” Đúng là cái thằng nhà quê cù lần. Cái phố chỉ bằng cái mắt muỗi thế này mà lại có người không biết cái trường trung học nó nằm ở đâu hay sao?
Lúc sau, có một người đàn ông mặc áo Chư-chư-po(*) đi tới, bảo tôi đi về đàng này. Tôi đi theo ông ta thì hóa ra ông ta dẫn tôi tới một nhà trọ có cái tên là “Nhà hàng bến cảng” gì đó. Tiếng mời chào đồng thanh của mấy người đàn bà nghe rất khó chịu làm tôi không muốn vào chút nào. Tôi đứng ở ngoài cửa, hỏi thăm trường trung học ở đâu?
(*) Áo Kimono của trẻ con, hoặc của người lớn khi lao động, không có ống tay áo rộng, mặc bó sát vào người.
– Trường trung học à? Thế thì còn phải đi tàu hỏa, cách đây chừng hai dặm nữa.
Nghe thế tôi lại càng không muốn vào. Tôi giành lấy hai cái túi xách tay từ tay người đàn ông mặc áo chư-chư-pô rồi khệnh khạng bước đi. Mấy người của nhà hàng ngạc nhiên, tròn cả mắt.
Tôi tìm được bến tàu ngay và mua vé rất dễ dàng. Leo lên tàu, ngồi vào chỗ xong xuôi đâu đấy mới để ý thấy tàu gì mà bé tí tèo teo như cái bao diêm. Tàu vừa lọc cọc chạy được khoảng năm phút thì đã đến nơi. Vé tàu quả thật là quá rẻ! Chỉ mất có ba sên(*).
(*) Sên là đơn vị dưới yên, bằng một phần trăm yên.
Tôi thuê xe kéo đi tới trường thì đã sau giờ tan học, chẳng còn ai ở trường. Người tạp dịch của trường cho biết giáo viên trực trường hôm nay đi vắng vì có việc. Chà, lại có người thường trực thoải mái thế kia đấy! Tôi định đi tìm ông hiệu trưởng, nhưng thấy mệt rồi nên lại lên xe, bảo cho về nhà trọ. Người kéo xe rất nhanh nhẹn đưa ngay tôi đến một nơi có biển đề là “Nhà hàng Ya-ma-shi-rô”. Ya-ma-shi-rô! Cái tên giống tên nhà hàng buôn đồ cũ có thằng Kan-ta-ro. Tôi nghĩ và thấy ngồ ngộ.
Người ta dẫn tôi vào một căn phòng tối om om, nằm dưới chân cầu thang dẫn lên tầng hai, nóng không chịu nổi. Tôi bảo tôi không thích phòng này. Người hướng dẫn bảo các phòng khác có người hết rồi. Nói xong ném vội hành lí của tôi vào đó rồi chuồn thẳng. Không còn cách nào, tôi đành phải vào phòng và cố chịu đựng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Một lúc sau họ bảo đã có nước nóng, mời ông đi tắm. Tôi liền nhảy vào tắm qua quýt rồi ra ngay. Từ nhà tắm trở về, tôi nhìn thấy có bao nhiêu là phòng trống mà trông có vẻ rất mát. Bọn này thật là bố láo, dám nói dối mình!
Sau đó, người hầu phòng bưng cơm lên. Phòng thì nóng thật, nhưng của đáng tội, thức ăn ở đây quả thật ngon hơn ở nhà trọ trước đây nhiều. Người hầu phòng vừa dọn cơm cho tôi vừa hỏi:
– Ông từ đâu tới đây ạ?
– Từ Tokyo. – Tôi trả lời.
– Tokyo chắc là một nơi tuyệt vời lắm nhỉ?
– Tất nhiên rồi!
Tôi trả lời thế và người ấy đi xuống bếp. Từ trong bếp nghe vọng ra những tiếng cười rất to.
Nhưng mà tôi không để ý, tôi đi nằm ngay nhưng mãi vẫn không ngủ được. Không phải chỉ vì nóng mà còn vì quá ầm ĩ. Ồn ào còn gấp đến năm lần so với nhà trọ ở Tokyo. Khi tôi chập chờn thiếp đi thì mơ thấy bà Ki-yô. Tôi nhìn thấy bà đang ăn ngồm ngoàm kẹo gói lá tre vùng Ê-chi-gô và cả lá cỏ sậy. Tôi bảo bà trong lá sậy có chất độc đấy, đừng ăn. Nhưng bà bảo không phải chất độc mà là một vị thuốc tốt cho cơ thể đấy. Bà vừa nói vừa ăn rất ngon lành. Nghe bà nói thế, tôi buồn cười quá, bật cười khanh khách và bừng tỉnh bởi tiếng cười của mình.
Người hầu gái mở cửa phòng. Bầu trời vẫn trong văn vắt, không một gợn mây.
Tôi nghe nói là khách ở phòng trọ thì phải cho bọn bồi phòng tiền quà. Nếu không thì chúng sẽ phục vụ rất tồi và đối xử rất lếu láo. Có lẽ vì tôi không cho tiền nên chúng đã nhét tôi vào cái phòng vừa tối vừa nóng này đây. Chắc là chúng nhìn thấy tôi ăn mặc xuềnh xoàng, xách một cái túi bằng vải thô, cộng thêm với một cái ô mộc nữa nên chúng đã đối xử như thế đấy. Cái đồ bọn nhà quê mà lại còn đi khinh người. Được rồi, tôi sẽ tống cho chúng thật nhiều tiền quà cho chúng mở mắt ra. Khi rời Tokyo, trong túi tôi cũng còn được khoảng ba chục yên, là số vốn học hành còn thừa lại. Chi phí cho tiền tàu thủy, tàu hỏa, tiêu vặt đi rồi, tôi vẫn còn lại khoảng mười bốn yên. Cứ cho hết cả đi rồi lĩnh lương cũng chẳng sao. Cái bọn nhà quê vốn keo kiệt, chỉ cần cho chúng năm yên là chúng đã ngạc nhiên đến trố mắt ra cho mà xem. Được rồi. Để đó rồi mà xem.
Tôi đi rửa mặt và quay về phòng ngồi chờ. Lại vẫn người hầu gái tối qua bưng cơm lên. Cô ả vừa bày bát chén vừa cười tí tởn rất đáng ghét. Đồ bố láo! Mặt tôi đâu có phải là hề mà làm cho ả vui nhộn đến mức ấy. Thậm chí mặt tôi trông còn dễ coi hơn cả mặt cô ta nữa chứ lị. Tôi định cứ ăn cơm xong, rồi mới cho tiền quà, nhưng thái độ của cô ta làm tôi lộn ruột, tôi liền rút ngay một tờ năm yên đưa cho cô và bảo hãy cầm lấy mang nộp cho thủ quỹ đi. Cô hầu gái ngơ ngác, mặt nghệt ra. Tôi ăn cơm xong đi đến trường ngay. Cũng chẳng thèm đánh rửa giày dép gì cả.
Hôm qua tôi đã ngồi xe kéo đến trường rồi, nên hôm nay chẳng mất công tìm đường gì lắm. Chỉ qua vài ba cái ngã tư là đã đến trường. Từ cổng vào đến hiên, đường lát đá hoa. Hôm qua ngồi trên xe, nghe tiếng bánh xe kêu ken két tôi thấy hơi chờn chợn. Trên đường đi, tôi gặp rất nhiều học sinh mặc quần áo đồng phục bằng vải Kô-ku-ra(*). Thì ra tất cả chúng nó đều học ở trường này. Có đứa cao to hơn tôi và trông rất vạm vỡ. Nghĩ đến việc tôi phải dạy dỗ cái bọn này mà mất cả hứng thú. Tôi đưa danh thiếp của mình và người ta chỉ cho tôi đến phòng ông hiệu trưởng. Ông hiệu trưởng là người có bộ ria thưa, mặt đen và to, trông giống con Ta-nu-ki(**). Ông ta rất điệu bộ, kiểu cách. Ông ta trao cho tôi một tờ công lệnh(***) có đóng dấu to đùng và căn dặn tôi phải cố gắng, ra sức trau dồi, học hỏi thêm… Tờ công lệnh này, sau này trên đường trở lại Tokyo, tôi đã vo viên ném tọt xuống biển. Ông ta bảo lát nữa sẽ đưa tôi đi chào mọi người và lúc đó tôi phải đưa cho từng người một xem tờ lệnh này. Thật là nhiêu khê. Tại sao phải làm rắc rối thế nhỉ. Cứ dán quách cái tờ công lệnh ở trong phòng giáo viên ba ngày liền có tiện hơn không.
(*) Kokura: Vải dệt bằng sợi bông thô của vùng Kokura, Bắc Cửa châu – Vải diềm bâu.
(**) Ta-nu-ki – con chồn lửng, loài vật được coi là hay biến hóa để trêu chọc mọi người. Có đặc tính là hay vỗ bụng. Ta-nu-ki tượng trưng cho loại người tinh nghịch, ranh mãnh, láu cá, giả dối… Trong truyện này, nhân vật ông hiệu trưởng cứ để nguyên biệt danh là Ta-nu-ki, có nghĩa là Con Chồn hay Con Lửng.
(***) Nguyên tiếng Hán là “từ lệnh”: Công văn quyết định tuyển dụng.
Để tất cả các giáo viên tập trung đông đủ ở phòng giáo viên thì phải chờ kèn hiệu báo hết tiết thứ nhất, vẫn còn thừa khối thời gian. Ông hiệu trưởng móc đồng hồ ra xem và bảo tôi:
– Tôi định để rồi thong thả sẽ nói chuyện với anh nhiều hơn. Bây giờ mong anh hãy cứ nắm trước những vấn đề chính, chủ yếu này đã.
Ông ta bắt đầu lên lớp tràng giang đại hải về những tinh thần của công tác giáo dục. Tất nhiên, tôi ngồi nghe cầm chừng cho phải đạo. Nhưng đến giữa chừng thì tôi chột dạ, không khéo mình rơi vào một nơi nguy hiểm, đáng sợ mất rồi. Có lẽ tôi chẳng làm được như ông nói đâu. Một thằng khờ khạo như tôi mà nào là phải làm gương cho học sinh, phải trở thành điển hình gương mẫu cho giáo viên trong trường, ngoài học vấn, còn phải truyền đạt cho học sinh những đạo đức tốt đẹp… Toàn là những yêu cầu tùy tiện, bạt mạng. Chẳng lẽ một người làm được tất cả những điều phi thường như vậy mà lại phải về cái vùng nhà quê hẻo lánh này với bốn mươi yên tiền lương một tháng hay sao? Con người ta, ai mà chẳng giống ai. Khi đã tức lên thì ai mà chẳng có thể cãi nhau. Cứ như kiểu này thì có lẽ tôi sẽ không dám há miệng nói năng gì. Đến cả dạo chơi cũng không được đi cũng nên. Nếu có yêu cầu cao như vậy, sao trước khi tuyển dụng không nói cho tôi biết phải thế này thế kia?!
Tôi là người chúa ghét nói dối, nên tôi nghĩ là tôi đã bị lừa đến đây. Có lẽ bây giờ không còn cách nào khác là phải từ chối và trở về Tokyo thôi. Ở nhà trọ tôi đã cho đi mất năm yên. Bây giờ trong túi tôi chỉ còn có chín yên. Chín yên thì không đủ để về tới Tokyo. Tôi thấy hối hận, giá mình đừng cho đi năm yên có phải tốt không. Nhưng thôi, chín yên cũng được. Thà thiếu tiền đi đường còn hơn phải nói dối. Nghĩ như thế, tôi bèn trả lời:
– Tôi không làm được như ông nói đâu. Đây, tôi xin trả ông tờ công lệnh. Ông Hiệu trưởng trố đôi mắt ốc nhồi, ngạc nhiên nhìn vào mặt tôi. Cuối cùng ông cười và bảo:
– Những điều tôi nói đó là mong muốn thôi. Tôi cũng biết là anh không thể thực hiện được như sự mong muốn. Anh đừng có lo.
Đã biết vậy, sao ngay từ đầu ông ta còn dọa tôi để làm gì?!
Trong khi tôi và ông Hiệu trưởng nói chuyện như vậy thì kèn báo hiệu đã được thổi lên. Các phòng học bắt đầu lao xao ngậu xị.
– Có lẽ các giáo viên đã đông đủ cả rồi đấy.
Ông Hiệu trưởng nói và tôi theo ông đi vào phòng giáo viên. Tất cả mọi người ngồi trên những chiếc ghế kê vòng quanh căn phòng lớn nhưng dài và hẹp. Tôi vừa bước vào thì tất cả mọi người cứ như là đã hẹn trước, đồng loạt quay lại nhìn vào mặt tôi. Nào tôi có phải là vật trưng bày triển lãm đâu cơ chứ.
Theo lời dặn trước, tôi bước tới trước mặt từng người, chào và chìa tờ công lệnh cho họ xem. Đại loại là ai cũng đứng dậy, hơi khom khom lưng chào lại tôi. Có người chu đáo hơn thì nhận tờ công lệnh từ tay tôi, liếc qua một chút rồi trịnh trọng trả lại cho tôi. Thật giống hệt kịch múa trong nhà chùa. Khi tôi đi vòng đến trước mặt ông thầy dạy thể dục, là người thứ mười lăm, thì tôi bắt đầu cảm thấy sốt ruột. Những người khác thì chỉ làm động tác mỗi người có một lần. Còn tôi thì đã phải lặp đi lặp lại cùng một động tác tới mười lăm lần. Giá mà mọi người thấu hiểu tình cảnh này cho tôi thì đâu đến nỗi!
Trong số những người mà tôi đã chào, có một tay hình như hiệu phó gì đó. Nghe nói đó là một cử nhân văn học. Cử nhân nghĩa là đã qua đại học kia đấy. Tay này có giọng nói như giọng đàn bà, nghe rất kì. Đáng ngạc nhiên hơn là trời nóng thế này mà hắn lại mặc áo sơ mi bằng vải flanen. Dù vải mỏng đến đâu thì tất nhiên cũng rất nóng. Thì ra cử nhân thì phải chịu đựng nỗi cực về ăn mặc như vậy đấy! Đã thế, nền vải lại màu đỏ, càng tỏ ra xem thường mọi người. Sau này tôi nghe mọi người nói rằng tay này quanh năm tứ thời, bao giờ cũng mặc áo có màu đỏ. Đây là một loại bệnh kì quặc. Hắn giải thích là màu đỏ có lợi cho cơ thể, cho nên hắn cố ý đặt may những áo có màu đỏ để đảm bảo sức khỏe. Quả là một sự lo xa chu đáo quá. Nếu vậy thì sao không mặc luôn cả quần đỏ nữa nhỉ?!
Còn một ông thầy dạy Anh văn, nghe nói tên là Kô-ga gì đó, thì có bộ mặt vàng ệch. Thường thường những người mặt mũi xanh xao, vàng vọt thì thân thể phải gày còm. Nhưng ông này mặt vàng ủng mà người lại béo. Ngày xưa, khi còn học ở tiểu học, tôi có một đứa bạn học cùng lớp tên là Ta-mi con nhà A-sa-i. Bố thằng Ta-mi cũng có bộ mặt xanh bủng như ông này. Ông A-sa-i là nông dân nên tôi nghĩ hễ là nông dân thì ai cũng có nước da như thế. Tôi hỏi bà Ki-yô, bà bảo là không phải thế. Bởi vì ông ấy ăn nhiều bí đỏ nên mới có nước da như vậy. Từ đó, cứ thấy ai có bộ mặt xanh ủng là tôi nghĩ ngay đúng người này ăn nhiều bí đỏ. Ông thầy dạy Anh văn này, chắc cũng chỉ toàn ăn bí đỏ đây. Mặc dù vậy, cho đến bây giờ tôi vẫn chẳng biết cái quả bí đỏ nó như thế nào. Tôi đã từng hỏi bà Ki-yô, nhưng bà chỉ cười mà không trả lời gì cả. Có lẽ bà cũng chả biết.
Tiếp theo là một ông thầy tên là Hot-ta, cùng dạy toán như tôi. Ông này có cái đầu tóc để như quả gáo, còn cái mặt thì giống tên ác tăng của núi Duệ Sơn. Người ta trịnh trọng đưa tờ công lệnh cho hắn như thế mà hắn không thèm xem, lại cười hề hề: “À, anh mới đến nhận việc à? Lúc nào rỗi, đến tôi chơi nhé! Ha…ha…”
Ha… ha… cái gì?! Cái đồ thiếu lễ độ như vậy, ai mà thèm đến chơi? Từ đó tôi đặt cho ông này cái biệt danh là Nhím.
Ông thầy Hán Văn thì quả là một người nghiêm nghị. Đây là một ông già dễ thương, với những lời chào hỏi: “Anh mới đến hôm qua thì vẫn còn mệt lắm nhỉ. Rồi sẽ phải lên lớp ngay đấy. Anh cố gắng nhé!…”
Tay giáo viên dạy vẽ thì rõ thật là phong cách nghệ sĩ. Hắn mặc một chiếc áo lụa mỏng tanh, tay mân mê chiếc quạt, giọng ẽo ợt: “Anh quê ở đâu nhỉ? Hả? Tokyo à? Ôi! Thế thì vui quá. Thế là có bạn rồi. Tôi cũng dân Ê-đô đây(*)!” Cái của này mà là dân Ê-đô thì tôi chẳng muốn được sinh ra ở Ê-đô một chút nào! Tôi nghĩ thầm trong bụng.
(*) Ê-đô là tên cũ của Tokyo. Khi nói “dân E-đô” là hàm ý tự hào “ta là dân gốc gác của một nơi danh giá” đây.
Còn tất cả những người khác, nếu mà viết hết về họ thì còn bao nhiêu chuyện. Nhưng thôi, viết thì vô cùng vô tận, chả viết nữa.
Chào hỏi một lượt xong rồi, ông hiệu trưởng bảo tôi:
– Thôi, hôm nay anh có thể về cũng được. Còn về giờ lên lớp thế nào thì hãy bàn với ông chủ nhiệm khoa toán. Từ ngày kia thì anh bắt đầu phải lên lớp.
Tôi hỏi ông chủ nhiệm khoa toán là ai, thì hóa ra chính là Nhím. Trời ơi! Tôi lại phải làm việc dưới quyền cái tay đáng ghét này ư? Tôi thật thất vọng.
Nhím hỏi tôi:
– Này, anh ở đâu? Ở quán trọ Ya-ma-shi-rô à? Được, tôi sẽ đến đó, ta bàn việc.
Nói xong, hắn cầm phấn đi lên lớp. Chủ nhiệm gì mà lại phải tự mình tìm đến để bàn việc. Thật chẳng còn ra thể thống gì cả. Nhưng thôi, như thế còn hơn là tôi bị gọi đến. Về điểm này thì tôi thấy hài lòng.
Tôi ra khỏi cổng trường và định về nhà trọ ngay. Nhưng về bây giờ cũng chả biết làm gì. Hãy đi dạo chơi, xem phố xá thế nào một chút đã. Nghĩ thế và tôi cứ thả bộ đi lang thang, không có chủ định gì cả. Tôi đã đi xem tòa trụ sở hành chính tỉnh. Đó là một ngôi nhà cũ, được xây dựng từ thế kỉ trước. Đi xem trại lính. Cũng không hơn gì doanh trại A-za-bu. Đi thăm đại lộ chính. Mặt đường chỉ rộng bằng một nửa đường phố Ka-gu-ra-za-ka và cửa hàng, cửa hiệu thì thua xa. Một thị trấn ở mức 25 vạn thùng thóc(*) thì chả là cái gì. Những người dân ở đây mà cũng tự hào là ta sống ở thành thị thì thật là đáng thương. Còn đang suy nghĩ như vậy thì tôi đã về tới quán trọ Ya-ma-shi-rô. Cứ tưởng là rộng, hóa ra có một tí tẹo. Có lẽ tôi đã thăm được hầu hết cái tỉnh lị này rồi cũng nên. Thôi, đi về ăn cơm chăng. Tôi bước vào quán trọ.
(*) Một thùng bằng khoảng 180 lít.
Thấy tôi về, mụ chủ quán đang ngồi trước quầy tính tiền, vội đon đả chạy ra, cúi rạp xuống sàn: “Chào ông đã về ạ!” Tôi bỏ giày, bước lên sàn. Một người hầu gái nói là đã có phòng trống và dẫn tôi lên tầng hai. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, tôi chưa bao giờ được đặt chân vào một cái phòng rộng và sang như thế này. Còn từ nay về sau, có bao giờ lại được vào nữa hay không thì không biết. Tôi cởi quần áo, mặc bộ đồ ngủ Yu-ka-ta rồi nằm dang thẳng chân tay thành hình chữ Đại ở ngay chính giữa gian phòng. Cảm giác thật là khoan khoái.
Ăn cơm trưa xong, tôi lập tức viết thư cho bà Ki-yô. Tôi vốn dĩ văn vẻ đã kém, chữ thì không biết, nên chúa ngại viết thư. Vả lại cũng chưa viết thư cho ai bao giờ. Nhưng chắc lúc này bà Ki-yô đang lo lắng chờ tin tôi lắm đây. Không có thư về, nhỡ bà lại tưởng tôi bị đắm thuyền, chết rồi thì gay. Nghĩ thế cho nên tôi đã viết cho bà một bức thư khá dài. Nội dung như sau:
“Cháu đã đến nơi hôm qua. Nơi này chả ra cái gì. Hiện cháu đang nằm trong một căn phòng rộng mười lăm chiếu. Cháu đã cho bọn nhà hàng năm yên tiền quà. Mụ chủ quán đã cúi rạp xuống tận sàn chào cháu. Tối qua cháu chả ngủ được gì cả. Cháu mơ thấy bà ăn kẹo gói lá tre vùng Ê-chi-gô và ăn luôn cả lá cỏ sậy. Hè sang năm cháu sẽ về. Hôm nay cháu đã đến trường và đặt biệt danh cho tất cả các giáo viên trong trường. Hiệu trưởng là Chồn (Ta-nu-ki). Hiệu phó là Áo Đỏ. Giáo viên Anh văn là Dưa Bí Đỏ. Giáo viên Toán là Nhím. Giáo viên vẽ là Hề Trống(*). Lần sau cháu sẽ viết nhiều chuyện nữa. Tạm biệt.”
(*) Nô-đa-i-kô, người hề kiểu Nhật, trình độ thấp, không thể gọi là chuyện nghiệp – Đồng nghĩa với sự rẻ mạt, đáng khinh.
Viết xong thư, tôi cảm thấy khoan khoái, dễ chịu và muốn ngủ một chút. Thế là tôi lại nằm duỗi thẳng chân tay hình chữ Đại như ban nãy ở chính giữa phòng và làm một giấc. Lần này tôi ngủ ngon lành, không mộng mị gì cả. Bỗng nghe có tiếng hỏi oang oang: “Phòng này hả?” Tôi mở mắt ra thì Nhím bước vào:
– Lúc nãy, tôi xin lỗi anh. Phần công việc của anh sẽ là…
Tôi còn chưa kịp ngồi lên thì ông ta đã nói ngay đến công việc, làm cho tôi cuống cả lên. Về phần việc của tôi, nghe ra cũng không có gì là khó khăn. Tôi chấp nhận hết. Nếu chỉ có thế này thì chả cần ngày kia, ngay ngày mai tôi cũng có thể bắt đầu lên lớp được, chả sợ gì.
Bàn công việc xong, anh ta hỏi:
– Cậu định ở chỗ này đến bao giờ? Tôi sẽ giới thiệu cho cậu một nơi trọ rất tốt. Cậu chuyển đến đấy đi. Người khác hỏi thì họ không nhận đâu. Nhưng tôi nói là được ngay. Nên chuyển sớm thì tốt hơn. Hôm nay đi xem nhà. Ngày mai chuyển đến. Ngày kia lên lớp. Thế là tốt nhất.
Cứ thế, anh ta tự mình quyết định tất. Mà cũng phải thôi. Không thể cứ ở mãi trong cái phòng mười lăm chiếu này được. Nếu thế thì có mà tất cả tiền lương cũng không đủ để trả tiền phòng. Kể ra vừa mới cho năm yên tiền quà mà lại chuyển ngay đi thì cũng hơi tiếc. Nhưng đằng nào cũng phải chuyển thì chuyển sớm cho ổn định còn hơn. Thế là tôi nhờ Nhím lo liệu giúp. Nhím bảo thế thì chúng ta đi xem nhà đi và chúng tôi đi.
Nhà ở trên lưng đồi, cách xa thị trấn, rất hẻo lánh. Chủ nhà làm nghề buôn đồ cổ có cái tên là Ghin(*). Vợ lão hơn lão bốn tuổi. Hồi học trung học tôi đã học được từ witch (mụ phù thủy). Mụ vợ lão chủ này quả thật trông rất giống “witch”. Mặc! Witch thì witch. Đó là vợ người khác, chẳng có liên quan gì đến tôi. Quyết định cuối cùng là ngày mai tôi sẽ dọn đến ở đây. Trên đường về, Nhím đãi tôi một cốc nước kem đá (đá bào). Lúc gặp ở trường, tôi thấy hắn là một tay kiêu căng, vô lễ, nhưng xem cách hắn nhiệt tình giúp đỡ tôi thế này thì cũng không phải là người xấu. Có điều, hình như tay này cũng giống tôi ở cái điểm cục cằn, dễ nổi cáu. Sau này tôi được biết hắn được bọn học trò quý nhất.
(*) Tiếng Hán nghĩa là Ngân-Bạc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.