Chú Nhóc Gavroche

CHƯƠNG 8 – TRÊN CHIẾN LŨY



Những cụm nhà và những căn nhà được đẽo gọt một cách kỳ quặc, đặt đây đặt đó như vô tình, chỉ hơi cách xa nhau một chút xíu -giống như những tảng đá trên công trường -bằ ng những kẽ hở rất hẹp.
Ta gọi là kẽ hở hẹp bởi vì nếu không gọi thế thì không sao có được ý niệm đúng về những con phố tối tăm chật hẹp, khúc khuỷu, hai bên là những ngôi nhà nát tám tầng. Những ngôi nhà này lụ khụ đến nỗi ở các phố Chanvrerie và Petite – Truanderie, mặt ngoài phải chống bằng xà từ nhà này qua nhà kia. Phố thì hẹp mà rãnh nước lại rộng, khách bộ hành qua đó phải dò dẫm trên vỉa hè lúc nào cũng ẩm ướt, dọc theo những cửa hàng giống những cái hang, những cột mốc có sắt bao quanh, những đống rác to quá mức, những cửa ra vào có cốt là lưới sắt từ đời nảo đời nào.
ở cuối một trong những con phố hẹp đó là quán rượu của bà Hucheloup hiện đang bị những người nổi dậy chiếm đóng, những người này đã lập tức bóc ngay đá lát đường, lật đổ một chiếc xe chở khách để dựng lên một chiến lũy.
Courfeyrac ở đó cùng với Enjolras, Joly, Gavroche và những người khác nữa đi theo nhóm thợ thuyền vũ trang.
Một chiến lũy nhỏ hơn cũng đang được dựng lên ở góc quán cà phê Hucheloup.
Rượu cứ chảy trong khi ở trong bếp người ta nấu tất cả những vật bằng thiếc có thể tìm được trong một cái khuôn đúc đạn.
Tất cả mọi người đều làm việc ở chiến lũy nhỏ, ai cũng muốn mình trở thành có ích. Gavro-che tham gia ở chiến lũy lớn. Hoàn toàn bay bổng vào rạng rỡ, chú phụ trách việc phát động tinh thần. Chú đi lại, chú leo lên, chú trèo xuống, rồi lại leo lên, chú xì xà xì xầm, chú bốc lửa. Tựa như chú ở đó để động viên tất cả mọi người.
Chú có niềm khích lệ nào không? Có, hẳn là có: sự khốn cùng của chú. Chú có đôi cánh nào không? Có, hẳn là có: niềm vui của chú. Chú là một cơn lốc. Lúc nào người ta cũng thấy chú, ở đâu cũng nghe tiếng chú. Chú làm đầy ắp không.khí, cùng một lúc chú ở tất cả mọi nơi, chú không dừng lại lúc nào. Cả một chiến lũy to lớn cảm thấy sự có mặt của chú. Chú quấy rầy những kẻ ngồi không, kích động những kẻ lười nhác, chú làm những người đang mệt phải hồi tỉnh, những người đang suy tư phải sốt ruột lên, chú làm người này vui, người kia căng thẳng, kẻ khác nữa thì tức giận, tất cả đều trở nên hoạt động. Chú châm chọc một anh sinh viên, nói khích một người thợ, đứng đó, dừng lại, rồi lại đi, bay bổng trên sự náo nhiệt, rì rầm, vo ve, quấy rối đoàn ngựa kéo; chú là con người lăng xăng, là con ruồi vo ve quanh cỗ xe cách mạng vĩ đại.
Hai cánh tay bé nhỏ của chú khua lên không dứt, tiếng la hét từ hai buồng phổi nhỏ xíu của chú vang lên những lời bất diệt.
– Hăng hái lên! Thêm đá lát đường nữa vào! Thêm các thùng ton-nô, thêm các cái gì nữa vào! Chiến lũy của các vị nhỏ quá. Phải cao nữa lên.
Chất tất cả mọi thứ vào đó! Quẳng tất cả vào đó! Tống tất cả vào đó! Đập cả nhà ra.
Chú hò hét không ngừng: – Một khẩu súng! Tôi muốn một khẩu súng! Tại sao lại không cho tôi một khẩu súng? – Em mà cầm súng ấy à? – Này nhé, – Gavroche đập lại. – tại sao không? Hồi năm 1830, khi người ta đấu với Charles X em chẳng có một khẩu là gì? Enjolras nhún vai.
– Khi nào người lớn đủ súng đã, rồi mới đến trẻ con.
Gavroche quay lại một cách kiêu hãnh và trả lời Enjolras: – Anh mà chết trước em, em sẽ lấy súng của anh.
– Nhóc con! – Enjolras bảo.
– Anh nhãi con thì có! – Gavroche cãi lại.
Hai chiến lũy dựng xong, cờ đỏ giương lên, một cái bàn được kéo ra khỏi quán rượu, Cour-feyrac đứng lên đó. Enjolras đem đến một cái hòm vuông và Enjolras mở ra. Trong đầy đạn.
Trông thấy đạn, những người dũng cảm rùng mình. Một lát im lặng.
Courfeyrac vừa cười vừa phân phát cho mọi người.
Mỗi người nhận ba mươi viên đạn. Nhiều người đã có thuốc súng và họ bắt đầu nhồi thêm đạn với những vỏ đạn đã nấu ở trong kia. Thùng.thuốc súng thì đặt trên một cái bàn riêng ở gần cửa, để dành.
Người ta bắt đầu nạp đạn vào súng trường và súng các-bin, tất cả các súng, họ làm việc này với vẻ trịnh trọng trang nghiêm. Enjolras đặt ba người gác bên ngoài chiến lũy, một ở góc Chan-vrerie, người thứ hai phố Prêcheurs, người thứ ba góc phố Petite – Truanderie.
Rồi, sau khi các chiến lũy đã dựng xong và đã chỉ định xong các vị trí canh gác, súng đã nạp đạn hết, nghĩa quân chỉ còn lại một mình trong những con phố đáng sợ. Không còn ai qua lại nữa, vây bọc bởi những ngôi nhà câm lặng như đã chết, không còn mạch đập nào của hoạt động con người, bao trùm trong những bóng tối ngày càng gia tăng của ánh hoàng hôn bắt đầu buông xuống, giữa cảnh tối tăm vắng lặng mà người ta cảm thấy có một cái gì đang tiến tới gần, một cái gì bi thảm và kinh hoàng. Chỉ còn mình họ, cô lập, vũ trang, kiên quyết, bình thản, họ chờ đợi.
Đêm đã xuống hẳn. Người ta nghe thấy những tiếng rì rào mờ ảo, chốc chốc lại điểm thêm tiếng súng nhưng thưa thớt, hết ngay và ở xa xa. Sự ngừng lại khá lâu này là dấu hiệu chính phủ đang tranh thủ thời gian thu thập lực lượng.
Năm mươi người ở đây đang chờ sáu mươi ngàn quân lính.
Rõ ràng là đã có một sự kiện xảy tới với Gavroche. Tất cả mọi bộ phận trong con người chú đều hoạt lên, bản năng của chú cũng đang đánh hơi kết hợp với trí thông minh phán đoán.
– Em người nhỏ bé, – Enjolras bảo. – họ không nhìn thấy em. Em hãy ra khỏi chiến lũy, luồn dọc theo dãy nhà, tới phố này phố khác rồi trở về cho anh biết ở ngoài đó đang xảy ra chuyện gì.
Gavroche vươn thẳng người: – Bé thế cũng được việc cơ đấy! Sướng thật! Em sẽ đi. Trong khi chờ đợi anh hãy cứ tin ở bọn bé, hãy cảnh giác với bọn lớn…
Gavroche vừa nói vừa ngẩng đầu lên, hạ giọng nói thêm và chỉ vào một người đàn ông ở phố Billettes: – Anh có trông thấy cái thằng lớn kễnh kia không? Mật thám đấy. Cách đây mười lăm ngày hắn vừa xách tai em trong khi em đang hóng mát trên cầu Royal..Enjolras vội bỏ thằng bé, thì thầm gì đó với một công nhân làm việc dưới cảng chuyên chở rượu đang đứng đó. Anh công nhân ra khỏi phòng và ngay sau đó trở vào cùng với ba người nữa. Họ tới đứng sau lưng người đàn ông phố Billettes, sẵn sàng lao vào hắn.
Lúc đó Enjolras tiến tới trước mặt người đàn ông và hỏi: – ông là ai? Trước câu hỏi đột ngột này người đàn ông giật mình. Hắn cười, một cái cười làm bặt hết tất cả những gì là khinh bỉ nhất, cương nghị nhất và quyết liệt nhất trên đời và trả lời với giọng trang trọng kiêu kỳ: – Ta là viên chức chính quyền. Ta tên là Javert.
Trong nháy mắt trước khi Javert kịp có thì giờ quay người, hắn đã bị vít cổ xuống, đè ra đất, trói lại và lục tìm khắp người.
Gavroche chứng kiến toàn bộ cảnh này, gật đầu im lặng tán thành. Chú tới gần Javert và bảo hắn: – Đấy là chuột nhắt bắt con mèo đấy! Rồi chú nhóc giơ tay chào kiểu quân sự, vui vẻ nhảy tót qua cái hố ngăn cách của chiến lũy lớn.
Tiếng nói trong buổi hoàng hôn gọi Marius đến chiến lũy phố Chanvrerie đối với chàng có tác dụng như tiếng nói của định mệnh.
Chàng muốn chết, thì đây cơ hội đã tới.
Chàng gõ cửa nhà mồ thì một cánh tay trong bóng tối đã đưa cho chàng chìa khóa.
Chàng đi rất nhanh. Chuông mười giờ đã điểm ở Saint – Merry. Trong chiến lũy không ai nói với ai, mọi người đều lắng nghe, cố nhận ra tiếng bước chân khẽ nhất và ở xa nhất.
Bỗng nhiên, giữa cái bình lặng thê thảm ấy, một giọng hát trong trẻo, trẻ trung, vui tươi cất lên, hình như từ phố Saint – Denis, nghe rất rõ, đó là điệu dân ca cổ Dưới ánh trăng, một bài thơ có câu sau cùng giống tiếng gà gáy: Mũi tôi chảy nước mắt ông bạn Bugeaud của tôi ơi Hãy cho tôi mượn bọn hiến binh Để tôi bảo chúng một lời Bọn mặc áo ca-pốt xanh Trên mũ sa-cô có con gà mái Ngoại thành đây rồi! Cô – cô – cô – ri – cô! – Đó là Gavroche, chú báo cho ta biết là chú đã về đấy. – Enjolras nói.
Hành trình vội vã của chú làm kinh động cả con phố hoang vu. Người ta trông thấy một bóng người còn nhanh nhẹn hơn cả thằng hề, trèo lên chiếc xe chở khách nhảy thoắt vào trong chiến lũy. Gavroche vừa thở hổn hển vừa nói: – Súng của tôi đâu! Chúng đến rồi kia kìa! Một cái rùng mình như điện giật chạy qua suốt chiến lũy, người ta nghe thấy tiếng những bàn tay quờ tìm súng.
– Em có muốn khẩu các-bin của anh không? – Enjolras bảo chú nhóc.
– Em muốn cái súng to kia cơ. – Gavroche trả lời.
Và chú cầm lấy khẩu súng của Javert.
Mỗi người đều đứng vào vị trí chiến đấu.
Bốn mươi ba nghĩa quân quỳ bên trong chiến lũy lớn, đầu ngang bờ lũy, nòng súng trường và nòng súng các-bin chĩa trên đá vỉa hè như chĩa từ các lỗ châu mai, chú ý, câm lặng, sẵn sàng nhả đạn.
ít phút trôi qua như thế, sau đó nghe có nhiều tiếng bước chân thận trọng, nặng nề ở phía Saint – Leu. Hình như nghe thấy tiếng thở của nhiều người ở đầu phố. Tuy nhiên không ai nhìn thấy gì, tít tận xa xa trong bóng tối dày đặc người ta chỉ phân biệt được rất nhiều sợi kim loại mảnh như cây kim gần như không thấy được đang lay động, tựa như một màng lưới lân tinh khó tả xuất hiện dưới đôi mi khép kín trong đám sương mù của giấc ngủ lúc mới chập chờn.
Đó là những lưỡi lê, những nòng súng trường trông mờ mờ ảo ảo do phản xạ lại ánh sáng ngọn đuốc ở xa xa.
Thêm một quãng thời gian nghỉ nữa: cả hai bên đều chờ đợi.
Bỗng nhiên tận thẳm sâu trong bóng tối có một giọng cất lên, nghe càng thê lương vì không thấy người đâu hầu như chính tự bóng tối kêu lên vậy: – Ai? Đồng thời có tiếng súng lên đạn lách cách.
Enjolras trả lời, giọng rung vang và kiêu hãnh:.- Cách mạng Pháp.
– Bắn! – Giọng nói tiếp lời.
Một ánh chớp đỏ rực mặt phố tựa như một cánh cửa của lò lửa cực lớn mở ra rồi đóng lại ngay.
Một tiếng nổ kinh hoàng vang lên trong chiến lũy. Lá cờ đỏ rơi xuống. Phát bắn quá mạnh tiện đứt luôn cán cờ.
Nhiều viên đạn nảy thia lia qua các mái nhà, xuyên qua chiến lũy làm rất nhiều người bị thương.
– Nhặt lá cờ lên! Ai lên cắm lại lá cờ trên chiến lũy nào? Không ai trả lời.
Trèo lên chiến lũy vào lúc mà người ta đang ngắm bắn tiếp có khác gì đi vào cái chết. Đến người can đảm nhất cũng ngại ngần tự kết án mình.
ông cụ Mabeuf đi thẳng tới Enjolras, các nghĩa quân trước mặt cụ giạt ra hai bên với một nỗi sợ hãi kính cẩn, cụ giật lấy lá cờ từ tay En-jolras trong khi Enjolras lùi lại, lúc đó chẳng còn ai dám ngăn cụ hay giúp đỡ cụ nữa, cụ già đã tám mươi tuổi ấy, đầu thì lắc lư nhưng hai chân vững vàng, bắt đầu chậm chạp leo lên mấy bậc thang do đá lát vỉa hè tạo nên ở chiến lũy.
Quang cảnh vừa ảm đạm vừa hào hùng làm sao, đến nỗi mọi người xung quanh cụ đều kêu lên: Tất cả hãy ngả mũ! Mỗi bước cụ bước lên đều đáng khiếp sợ, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt già nua, trán hơi nhăn nheo, đôi mắt trũng xuống, cái miệng hé mở ngạc nhiên, cánh tay già cỗi giương cao lá cờ đỏ, nhô ra từ bóng tối và lớn dần lên trong ánh đuốc đẫm máu, người ta tưởng lại nhìn thấy bóng ma của năm 93 từ lòng đất đi lên với lá cờ kinh hãi trong tay.
Lên tới bậc cao nhất, khi cái bóng ma run rẩy và khủng khiếp này đứng trên đống vôi gạch đổ nát, trước mặt một ngàn hai trăm tay súng vô hình, ưỡn thẳng người lên trước mặt cái chết như thể mình mạnh hơn cái chết, toàn bộ chiến lũy trong bóng tối thấy một dáng hình siêu phàm và khổng lồ.
Đây là một trong những cái im lặng chỉ có thể có được trong những chuyện kỳ diệu. Giữa cái im lặng đó cụ già vẫy lá cờ và hô to:.- Cách mạng muôn năm! Cộng hòa muôn năm! Bác ái, bình đẳng! Cái chết! Cụ Mabeuf, nhợt nhạt, ngơ ngác, hai con mắt sáng rực những ánh lửa bi thảm trong cơn điên say, giơ cao lá cờ lên ngang trán và hô to một lần nữa: – Cộng hòa muôn năm! Một loạt đạn thứ hai như làn mưa rơi xuống chiến lũy. Cụ già quỵ gối rồi lại đứng dậy, để rơi lá cờ và ngã ngửa xuống mặt hè như một tấm ván nằm sóng sượt, hai tay giang ra thành hình chữ thập.
Những dòng suối máu tuôn ra từ dưới thân cụ.
– Hỡi anh em! Đây là tấm gương cụ già đã nêu cho lớp trẻ chúng ta. Chúng ta ngần ngừ nhưng cụ đi tới! Chúng ta lùi lại nhưng cụ tiến lên! Đây là những gì mà những người run lên vì tuổi già dạy cho những người run lên vì sợ hãi! Cụ đã sống, đã có một cái chết huy hoàng, sự có mặt của cụ đã khiến chiến lũy của chúng ta trở nên kiên cố không ai đánh chiếm được! Có tiếng rì rầm buồn bã và cương nghị tiếp theo những lời nói này.
Enjolras cúi xuống nâng đầu cụ, hôn lên trán cụ một cái hôn mãnh liệt, rồi giang tay cụ ra với một vẻ thận trọng, cực kỳ dịu dàng tựa như sợ làm cụ đau đớn, chàng cởi bỏ áo cụ ra, chỉ cho mọi người những lỗ thủng đẫm máu và nói: – Từ lúc này, đây là lá cờ của chúng ta.
Trong thời gian này một mình chú bé Gavro-che không rời nơi quan sát của mình, chú nhìn thấy có nhiều người đang rón rén lại gần chiến lũy. Chú chợt kêu lên: – Mọi người hãy cảnh giác! Không còn kịp nữa. Người ta thấy đầy những lưỡi lê sáng loáng nhấp nhô trên bề mặt chiến lũy. Vệ binh thành phố, toàn những tên cao lớn tràn vào, kẻ thì giẫm lên chiếc xe chở khách, kẻ thì len qua khe hở, đẩy chú bé lên đằng trước chúng, chú lùi lại nhưng không trốn chạy.
Giây phút thật là căng thẳng.
Một tên vệ binh khổng lồ, to lớn nhất bọn tiến tới Gavroche, giơ lưỡi lê ra. Chú nhóc lấy hai cánh tay bé nhỏ cầm khẩu súng của Javert và bóp cò. Súng không nổ. Javert không nạp đạn.
Tên vệ binh cười phá lên và đưa lưỡi lê vào người chú bé..Nhưng trước khi lưỡi lê chạm vào người chú bé, tên vệ binh bỗng buông súng, một viên đạn bắn vào giữa trán hắn và hắn ngã vật ra.
Đó là Marius vừa bước vào chiến lũy.
Marius, vẫn nấp trong khúc ngoặt ở phố Mondétour, đã chứng kiến giai đoạn đầu của cuộc chiến đấu, rùng mình chưa biết nên quyết định thế nào. Tuy nhiên chàng không kháng cự được lâu sự cám dỗ bí mật và cao độ tột cùng cái người ta gọi là tiếng gọi của vực thẳm.
Marius không có vũ khí, chàng vứt khẩu súng lục nay không còn đạn nữa, nhưng chàng đã trông thấy hòm thuốc súng trong căn buồng thấp, bên cạnh cửa ra vào.
Chàng vừa quay được nửa người nhìn ra phía đó thì một tên lính nhằm bắn chàng. Vừa lúc tên lính ngắm đúng Marius thì một bàn tay đặt vào họng súng bít lại. Đó là anh thợ trẻ mặc quần nhung bông nhào tới. Viên đạn xuyên qua bàn tay, có lẽ cả người anh thợ, vì anh ta ngã xuống, nhưng viên đạn thế là không chạm vào Marius. Tất cả ngập trong khói, khói đắng ngắt làm người ta ngạt thở, trong đó vẳng lên tiếng rên rỉ yếu đuối của những người hấp hối và những người bị thương. Bọn tấn công bỏ họ lại đấy, hỗn độn tháo lui ra ngoài phố và mất hút trong đêm.
Mạnh thằng nào thằng ấy chạy. Chiến lũy được giải tỏa..

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.