Chú Nhóc Gavroche

CHƯƠNG 9 – CÁI CHẾT CỦA EPONINE



Một đặc điểm của loại chiến tranh này là cuộc tấn công vào các chiến lũy bao giờ cũng chính diện và tổng thể, những kẻ tấn công tránh thay đổi vị trí sợ sa bẫy hoặc sợ dấn thân vào các con phố ngoằn ngoèo. Mọi tập trung của nghĩa quân dồn vào chiến lũy lớn, nơi rõ ràng lúc nào cũng bị đe dọa và chắc chắn cuộc chiến đấu sẽ lại bắt đầu. Tuy nhiên Marius nghĩ đến chiến lũy nhỏ và đi tới đấy. Lúc này chiến lũy nhỏ vắng ngắt, chỉ được canh giữ bởi một ngọn đèn cốc run rẩy giữa các mảnh đá lát đường.
Hơn nữa con phố nhỏ Mondétour và các đường nhánh của phố Petite – Truanderic và phố Cygne đang vô cùng yên tĩnh.
Kiểm tra xong Marius vừa định lui về thì nghe có người gọi khẽ tên chàng trong bóng tối: – ông Marius! Chàng rùng mình nhận ra tiếng người đã gọi mình hai giờ trước đây qua tấm rào sắt ở phố Plumet.
Chàng nhìn quanh không thấy ai.
Marius tưởng mình nghe nhầm, tưởng lại thêm một ảo tưởng của tâm trí mình trước những cảnh lạ lùng đang diễn ra chung quanh. Chàng bước một bước định ra khỏi chỗ thụt vào của chiến lũy.
– ông Marius! – Giọng nói lại vang lên.
Lần này không còn nghi ngờ gì nữa, chàng nghe tiếng gọi rõ mồn một. Chàng nhìn khắp nơi, chẳng thấy gì cả.
– ở dưới chân ông đây này.
Chàng cúi xuống và thấy trong bóng tối một hình người đang bò trên mặt đường lết về phía chàng. Chính cái hình người đó đã nói với chàng.
Ngọn đèn cốc cho phép chàng phân biệt được chiếc áo bờ-lu, chiếc quần nhung thô đã rách, đôi chân trần và một cái gì như vũng máu.
Marius trông thấy một cái đầu xanh nhợt ngẩng lên và bảo chàng: – ông không nhận ra em ư? – Không..- Eponine đây mà.
Marius cúi xuống thật nhanh. Quả thật đó là đứa trẻ khốn khổ. Cô gái ăn mặc quần áo đàn ông.
– Làm sao mà cô lại ở đây được? Cô làm gì ở đây? – Em đang chờ chết! – Cô bảo chàng.
Có những chữ, những sự kiện làm cho những người đang nặng trĩu sầu thương cũng phải thức tỉnh. Marius giật nảy mình, kêu lên: – Cô bị thương ư? Chờ một chút tôi mang cô vào trong phòng. Người ta sẽ băng bó cho cô. Cô có bị thương nặng lắm không? Mang cô vào như thế nào thì không đau? Cô đau ở đâu? Trời ơi! Cấp cứu! Nhưng cô đến đây làm gì mới được chứ? Chàng cố gắng luồn cánh tay xuống bên dưới người cô gái để nâng cô lên. Trong khi làm như thế chàng gặp phải bàn tay cô gái.
Cô kêu lên một tiếng yếu ớt.
– Tôi làm cô đau ư? – Một chút thôi.
– Tôi chỉ chạm vào tay cô thôi chứ có gì đâu.
Cô gái đưa bàn tay lên cho Marius nhìn và Marius thấy giữa bàn tay một lỗ thủng đen ngòm.
– Tay cô làm sao vậy? – Chàng hỏi.
– Thủng.
– Thủng! Thủng vì cái gì? – Vì một viên đạn.
– Sao lại thế được? – ông có thấy một khẩu súng đang nhằm bắn ông không? – Có, và thấy cả một bàn tay bịt miệng súng lại.
– Tay em đấy! Marius rùng mình.
– Tội nghiệp cô. Cô điên quá. Nhưng cũng may, chỉ có vậy thì không sao. Để tôi mang cô đến một cái giường. Người ta sẽ băng bó cho cô, chỉ thủng một bàn tay thì không thể nào chết được.
Cô thì thầm: – Viên đạn xuyên vào bàn tay nhưng lại thoát ra ở lưng. ông đem em khỏi đây cũng vô ích mà thôi. Em sẽ bảo ông làm thế nào còn tốt hơn cả một thầy thuốc băng bó nó. ông hãy ngồi xuống cạnh em trên hòn đá này..Chàng vâng lời. Cô gái đặt đầu mình trên gối Marius và nói, không nhìn chàng: – ôi! Mới tuyệt làm sao! Dễ chịu quá! Em không còn đau nữa.
Cô gái im lặng một lúc rồi cô cố gắng quay đầu lại nhìn vào Marius.
– ông có biết không ông Marius? ông vào mảnh vườn đó chẳng khác gì trêu tức em, kỳ thế đấy, trong khi chính em là người chỉ cho ông ngôi nhà… và rồi cuối cùng thì em phải tự bảo: một người trẻ trung như ông…
Cô ngừng lại, hình như cố vượt qua những bước chuyển tiếp u tối trong tâm trí mình, cô nói tiếp với một nụ cười như xé nát lòng người: – ông thấy em xấu, có phải thế không? Cô nói tiếp: – ông thấy không, các ông thế là tuyệt đường sống rồi. Sẽ không một ai ra khỏi được chiến lũy này. Chính em là người đưa ông đến đây, thế đấy! ông sắp chết, em đã tính đúng. ấy thế nhưng khi thấy người ta ngắm bắn ông, em lại lấy tay bịt miệng súng lại. Kỳ quặc thật! Nhưng em muốn mình chết trước ông. Cách đây không lâu ông cho em một trăm xu và em đã bảo ông: Em không cần tiền của ông. ít nhất thì ông cũng nhặt lại đồng bạc ấy chứ? ông có giàu đâu. Em không nghĩ đến việc bảo ông nhặt lại. Hôm ấy trời đẹp quá, người ta không lạnh chút nào. ông còn nhớ không, ông Marius? ôi em mới sung sướng làm sao! Tất cả mọi người đều sắp chết.
Cô gái có vẻ một người mất trí, nghiêm trang trông đến não ruột. Chiếc áo bờ-lu rách để lộ ra bộ ngực trần. Vừa nói cô vừa lấy bàn tay thủng ép lên ngực mình nơi có một lỗ thủng khác nữa, từ đây cứ từng lúc một làn máu lại trào ra như tia rượu phọt ra từ lỗ rót ở thùng rượu.
Marius nhìn con người bất hạnh này vô cùng thương cảm.
– ôi! – Cô gái đột nhiên nói tiếp. – Em lại thấy khó thở rồi.
Cô cầm vạt áo lên cắn chặt vào đó, hai chân đặt trên mặt đá lát đường cứng lại.
Lúc này giọng gà trống tơ của Gavroche lại vang lên trong chiến lũy. Chú bé leo lên bàn để nạp đạn vào súng và hát vang bài hát lúc đó rất phổ biến: Trông thấy Fafayette. Tên hiến binh lặp đi lặp lại: Ta chuồn thôi! Chuồn thôi! Chuồn thôi! Eponine nhỏm dậy, thì thầm: – Nó đấy! Và quay về phía Marius: – Em trai em ở đây. Đừng để nó trông thấy em. Nó mắng em mất.
– Em trai cô! – Marius hỏi, bụng nghĩ đến những bổn phận đối với Thénerdier mà cha chàng đã trao lại cho chàng, lòng xót xa và đau đớn vô hạn.
– Ai là em trai cô? – Thằng bé đó.
– Thằng bé đang hát ấy ư? – Phải.
Marius làm một động tác như đứng dậy.
– ấy, ông đừng đi! – Cô nói. – Chẳng còn lâu nữa đâu! Nghe em nói này, trong túi em có cái thư người ta gửi cho ông. Từ hôm qua. Người ta bảo em bỏ hộ vào thùng thư. Em giữ lại. Em không muốn thư tới tay ông. Nhưng ông hãy cầm lấy bức thư và hứa với em…
Cô ngừng lại.
– Hứa với em sẽ hôn lên trán em sau khi em chết. Em sẽ cảm thấy được nó.
Cô để rơi đầu xuống đầu gối Marius và mi cô khép lại. Eponine nằm im. Tuy nhiên cô lại từ từ mở mắt ra, đôi mắt cô đã in hình cái sâu thẳm tối đen của chết chóc, cô nói với chàng dịu dàng, tiếng nói như vẳng tới từ một thế giới khác: – Và này nữa, ông Marius, em cho là em cũng có yêu ông một chút đấy.
Cô cố mỉm cười và thở hơi cuối cùng.
Marius giữ lời hứa. Chàng đặt một cái hôn lên cái trán nhợt nhạt của cô gái, trên đó lóng lánh một hạt mồ hôi. Không phải là chàng không trung thành với Cosette mà đó là lời vĩnh biệt đầy suy tưởng.
Và dịu dàng đối với một tâm hồn khốn khổ.
Chàng không khỏi rùng mình khi cầm lá thư Eponine trao cho chàng. Cosette báo tin cho Marius biết việc nàng sắp đi sang Anh và cho chàng địa chỉ mới của nàng ở Paris, số 7 phố L’Homme – Armé.
Tình trạng nghĩa quân thật là tuyệt vọng, Marius biết sẽ không còn ai sống sót trong trận tấn công sắp tới vào chiến lũy. Đến lượt chàng, chàng cũng viết lời vĩnh biệt cho Cosette và gọi Gavroche bảo mang đến địa chỉ nói trên.
Jean Valjean, Cosette và bà già Toussaint ổn định chỗ ở ở phố L’Homme – Armé.
Cosette cố kháng lại việc đi khỏi phố Plumet.
Lần đầu tiên ý muốn của Jean Valjean và Cosette tỏ ra khác nhau, nếu không gọi là đối chọi nhau thì ít nhất cũng có phần mâu thuận.
Một bên ngăn cản một bên quyết liệt. Lời khuyên đột ngột: Hãy dọn nhà đi do một người lạ mặt ném vào Jean Valjean đã làm ông hoảng hốt đến nỗi trở nên cương quyết. ông sợ đã bị tìm ra tung tích và đang bị theo dõi. Cosette đành phải nhượng bộ.
Đi khỏi phố Plumet gần như là chạy trốn, Jean Valjean không mang theo gì ngoài chiếc vali nhỏ thơm phức mà Cosette đã đặt tên là vật bất ly thân.
ông còn làm cho việc đi khỏi tòa nhà phố Plumet thêm đơn độc và u ám khi quyết định việc ra đi vào lúc bắt đầu tối, nhờ đó Cosette đã kịp viết mảnh giấy cho Marius.
Vừa tới phố L’ Homme – Armé là Jean Valjean đỡ lo lắng ngay và dần dà không còn lo lắng gì nữa.
Năm giờ chiều bà Toussaint đặt lên bàn ăn một con gà ướp lạnh. Cosette tạ cớ nhức đầu ở lại phòng mình. Vừa ăn bữa cơm thanh đạm, Jean Valjean vừa nghe bà già Toussaint nói lắp bắp: – Thưa ông, có huyên náo, người ta đang đánh nhau ở Paris.
Mải mê với những suy nghĩ miên man trong đầu, ông chẳng để ý gì cả.
ông bình tĩnh nghĩ đến Cosette, mối bận tâm duy nhất của ông. Cosette là đất nước của ông. Chỉ mình Cosette đủ đem lại cho ông hạnh phúc. Đang chậm bước đi đi lại lại ông bỗng nhiên gặp chuyện lạ kỳ. Trước mặt ông trong tấm gương treo nghiêng ông đọc thấy bốn dòng chữ sau đây: Anh thân yêu, hỡi ôi! Cha em muốn chúng em phải đi ngay. Chiều tối nay em ở số 7 phố L’ Homme – Armé. Tám ngày nữa chúng em đã ở Londre rồi..Cosette 4 tháng sáu.
Jean Valjean dừng lại ngớ người. Dưới mắt ông là bức thư chiều qua Cosette viết cho Marius.
Chữ in hình trên tờ giấy thấm. ông gắn nối lại với nhau một vài hoàn cảnh, một vài ngày tháng, một vài lúc Cosette đỏ mặt hoặc tái xanh đi để tự bảo mình: Đúng anh chàng ấy rồi.
Trong khi ông nghĩ ngợi như vậy thì Tous-saint bước vào. ông đứng dậy và hỏi: – Lúc nãy bà bảo tôi là người ta đánh nhau ư? – à vâng, thưa ông. – Toussaint đáp. – ở phía Saint – Merry.
Năm phút sau Jean Valjean đã ở ngoài phố.
ông để đầu trần, ngồi trên cột mốc ở ngoài cổng nhà ông. Hình như ông đang lắng nghe.
Đêm đã xuống.
ông ngồi như vậy bao lâu? Bản thân ông cũng khó lòng nói được. Phố vắng tanh. ông nghe tiếng chuông báo động liên hồi, tiếng rì rầm ào ạt mơ hồ ở đâu đó. Một tiếng nổ giòn giã chợt vang lên ở phía chợ, một phút im ắng tiếp theo, rồi lại một tiếng nổ nữa. Có lẽ đó chính là cuộc tấn công vào chiến lũy phố Chanvrerie.
Đột nhiên ông nhướng mắt lên, có tiếng ai đi ở ngoài phố, ông nghe thấy tiếng bước chân lại gần và dưới ánh sáng ngọn đèn đường, ông trông thấy một khuôn mặt nhợt nhạt, trẻ trung, rạng rỡ.
Gavroche vừa tới phố L’ Homme – Armé.
Chú nhìn lên trời như tìm kiếm.
– Chú nhỏ, chú làm sao vậy? – Jean Valjean hỏi.
– Tôi đói. – Gavroche trả lời rõ ràng. Và chú thêm: – ông nhỏ thì có.
Jean Valjean lục trong túi áo lấy ra một đồng năm frăng đặt vào tay chú.
Gavroche nghếch mũi lên, ngạc nhiên thấy đồng tiền quá to. Trong bóng tối chú cứ nhìn nó và nó sáng trắng lên làm chú lóa mắt. Chú chỉ mới nghe nói đến đồng năm frăng, tên tuổi của nó làm chú khá dễ chịu. Chú thích thú tận mắt nhìn một đồng tiền như vậy, chú nói: – ông tử tế lắm.
Chú say sưa ngắm Jean Valjean một lát. Rồi cất đồng năm frăng vào một trong những túi áo của chú.
– Chú có mẹ không nhỉ? – Jean Valjean hỏi..Gavroche trả lời: – Có hơn cả ông nữa ấy chứ.
– Thế thì, – Jean Valjean nói tiếp. – giữ tiền đó cho mẹ.
Gavroche thấy xúc động. Hơn nữa chú vừa nhận thấy người đàn ông nói chuyện với mình không đội mũ, điều đó làm chú tin tưởng.
– Thế không phải là vì muốn tôi không đập vỡ các cây đèn đường ư? – Chú muốn đập gì cứ đập.
– ông tử tế thật! – Gavroche nói.
Và chú thọc tay vào túi. Lòng thêm tin tưởng, chú nói thêm: – ông ở phố này à? – Phải, thế thì sao? – ông chỉ cho tôi số nhà 7 được không? – Số nhà 7 để làm gì? Đến đây chú bé ngừng lời sợ mình đã nói quá nhiều, chú hăm hở đưa những móng tay lên cào tóc và chỉ nói: – à, thế đấy.
Một ý nghĩ chợt nảy ra trong óc Jean Valjean: – Có phải chú mang cho tôi cái thư tôi đang đợi không? – ông ấy ư? ông có phải đàn bà đâu? – Thư cho cô Cosette chứ gì? – Cosette? – Gavroche lẩm bẩm. – ừ, hình như là cái tên kỳ quặc đó thì phải.
– Thế thì đưa thư đây. Tôi là người sẽ phải chuyển lá thư ấy cho cô Cosette mà. – Jean Valjean bảo.
– Vậy ông phải biết tôi được cử tới từ chiến lũy chứ? – Có lẽ thế. – Jean Valjean nói.
Gavroche đưa cả bàn tay vào trong một cái túi khác và rút ra một tờ giấy gấp tư. Rồi chú giơ tay lên chào kiểu nhà binh: – Phải tôn trọng bức thư khẩn ấy đấy. – Chú nói. – Từ chính phủ lâm thời gửi tới đấy.
– Đưa đây. – Jean Valjean bảo.
Gavroche giơ lá thư lên cao quá đầu mình: – Đừng tưởng đây là thư tình. Thư viết cho một người đàn bà nhưng cũng là viết cho nhân dân. ông cầm lấy.
Và chú trao lá thư cho Jean Valjean..- Này, ông nhanh lên ông Chose, kẻo cô Chosette chờ đấy.
Gavroche thích thú vì đã sáng tạo ra được từ này.
Jean Valjean lại nói: – Phải mang thư trả lời tới Saint – Merry à? – Thư này từ chiến lũy phố Chanvrerie tới, tôi phải trở lại đấy bây giờ đây. Thôi chào ông công dân.
Nói xong Gavroche ra đi, hay nói đúng hơn con chim lại tung cánh bay, trở lại chỗ xuất phát.
Chú lại chìm vào trong bóng tối nhanh đánh thoắt một cái như một viên đạn bắn thành một lỗ hổng trong đêm đen. Con phố nhỏ L’ Homme – Armé lại trở nên im lìm và quạnh quẽ, chỉ trong nháy mắt đứa trẻ kỳ lạ đó, trong người vừa u ám vừa có những giấc mơ, đã dấn sâu vào lớp mù của những dãy nhà đen ngòm như là làn khói đắm trong tối tăm. Và người ta cứ tưởng chú đã tan biến đi trong đó nếu như vài phút sau khi chú mất hút không có một tiếng kính bị đập vỡ kêu loảng xoảng: đó là một chiếc đèn đêm tan tành trên mặt đường, làm cho bọn tư sản bị đánh thức đột ngột phải tức giận. Đó là Gavroche đi qua phố Chaume.
Jean Valjean trở về nhà với lá thư của Marius.
ông dò dẫm lên cầu thang, thỏa mãn với bóng tối như một con cú đã quắp được mồi, ông mở rồi đóng cửa thật nhẹ nhàng, nghe ngóng không thấy tiếng động nào cả, yên trí là cứ theo như bên ngoài mà nói thì cả Cosette lẫn Tous-saint đều đang ngủ.
Trong lá thư gửi Cosette, Marius chỉ viết: Anh đang chết đây. Khi em đọc mấy chữ này thì linh hồn anh đã ở bên em rồi.
Khoảng một giờ sau, Jean Valjean ra đi với một khẩu súng trường đã nạp đạn. ông đi về phía chợ..

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.