Pháo đài Riley, pháo đài lục quân xưa nhất của Hoa Kỳ, được xây cất năm 1853 khi Kansas vẫn còn được đề cập đến như “Lãnh thổ của thổ dân”. Nó được xây dựng lên để bảo vệ các toa xe lửa khỏi bị các nhóm thổ dân tấn công. Ngày nay, nó được dùng trước tiên để làm một căn cứ trực thăng và một bãi đáp cho các phi cơ quân sự nhỏ hơn có cánh cố định.
Khi Stanton Rogers đáp xuống trong một chiếc DC7, ông được chỉ huy trưởng căn cứ và ban tham mưu đón tiếp.
Một chiếc xe hòm đang đậu cạnh đấy đợi sẵn để đưa Stanton đến nhà Ashley. Ông đã điện thoại cho Mary sau cú điện thoại của Tổng thống.
– Tôi hứa sẽ đi thăm bà thật ngắn ngủi, thưa bà Ashley. Tôi định bay đến vào chiều thứ hai được không?
Ông ấy thật lịch thiệp. Và ông ấy đúng là một nhân vật quan trọng. Tại sao Tổng thống lại đưa ông ấy đến nói chuyện với mình nhỉ.
– Tốt đấy.
Bằng một hành động phản xạ, Mary hỏi:
– Ngài có thích dùng cơm chiều với chúng tôi không?
Ông lưỡng lự.
– Cám ơn bà.
Sẽ là một buổi chiều dài và phiền phức đấy, – Stanton nghĩ thế.
Khi Florence Schiffer nghe tin, nàng rùng mình.
– Cố vấn ngoại giao của Tổng thống sẽ đến đây ăn tối à? Có nghĩa là chị sẽ nhận lời bổ nhiệm đấy?
– Florence, chẳng có nghĩa như vậy đâu. Tôi đã hứa với Tổng thống rằng tôi sẽ nói chuyện với ông ta. Thế thôi.
Florence vòng tay quanh người Mary và ôm chặt nàng.
– Tôi chỉ muốn làm bất kỳ điều gì để chị được hạnh phúc thôi.
– Tôi biết.
Stanton là một con người kinh khủng, Mary quả quyết như thế. Mary đã trông thấy ông tại cuộc họp báo và đã trông thấy ảnh của ông in trong tạp chí, nhưng nàng nghĩ: “Ông ấy trông to lớn hơn. Ông lịch thiệp, nhưng có một nét gì xa vắng”.
– Cho phép tôi lại được nhắn những lời chia buồn thành thật của Tổng thống về thảm kịch khủng khiếp của bà, bà Ashley ạ.
– Cám ơn ngài!
Nàng giới thiệu ông với Tim và Beth. Mary đi vào bếp để xem thử Lucinda chuẩn bị bữa cơm chiều như thế nào.
– Bất cứ lúc nào bà sẵn sàng – Lucinda nói.
– Nhưng ông ấy sẽ không thích đâu!
Khi Mary bao Lucinda rằng Stanton Rogers sẽ đến nhà ăn tối và nàng muốn Lucinda làm món thịt om, Lucinda nói:
– Người như ông Rogers không ăn thịt om đâu!
– Ồ, thế họ ăn gì cơ?
– Món Châteaubriand và crêpes suzettes!
– Chúng ta sẽ ăn thịt om.
– Được thôi, – Lucinda ngoan cố nói, – Nhưng đấy là bữa ăn tối không đúng điệu.
Cùng với thịt om, chị đã dọn khoai tây nghiền có bỏ kem, rau tươi và xà lách. Chị đã làm bánh nướng nhân bí để tráng miệng. Stanton ăn hết mọi thứ trong đĩa của ông. Trong suốt bữa ăn, Mary và Stanton Rogers thảo luận những vấn đề của nông gia.
– Nông gia miền Trung Tây bị bóp chẹt kinh khủng giữa giá cả thấp và sự sản xuất ứ đọng – Mary lên tiếng một cách hăng hái. – Họ quá nghèo để sơn nhà và quá tự hào để quét vôi!
Họ nói chuyện về lịch sử rực rỡ của thị trấn Junction và cuối cùng Rogers đưa cuộc thảo luận về Rumani.
– Bà có ý kiến gì về chính phủ của chủ tịch Ionescu? – ông hỏi Mary.
– Tại Rumani chẳng có chính phủ nào cả, theo đúng nghĩa của từ ấy, – Mary đáp. – Ionescu là chính phủ. Ông ta kiểm soát tất cả.
– Bà có nghĩ rằng sẽ có một cuộc cách mạng ở đấy không?
– Không, trong những điều kiện hiện tại. Người duy nhất có đủ sức để lật đổ ông ta là Marin Groza đang lưu vong tại Pháp.
Cuộc chất vấn tiếp tục. Nàng là một chuyên viên về các quốc gia Đông Âu mà Stanton Rogers xúc động ra mặt. Mary có một cảm giác khó chịu rằng ông đã dò xét nàng dưới một chiếc kính hiến vi suốt buổi chiều. Nàng đã đến gần lằn mức hơn là nàng biết.
“Paul có lý, – Stanton Rogers nghĩ thế. – Bà ấy thực sự có thẩm quyền nói về Rumani. Và còn thêm điều gì đấy nữa! Chúng ta cần người đối lập với người Mỹ xấu xí. Bà ấy đẹp. Bà ấy và con cái tạo thành một nhóm toàn người Mỹ có giá trị”. Càng lúc Stanton Rogers càng phấn khởi hơn với viễn ảnh “Bà ấy có thể hữu ích hơn là bà ấy nhận thức được”.
Cuối buổi chiều, Stanton Rogers nói:
– Bà Ashley, tôi sẽ thẳng thắn với bà. Tôi đã chống lại việc Tổng thống bổ nhiệm bà làm đại sứ một nơi nhạy bén như Rumani. Tôi đã nói với ngài rất nhiều. Bây giờ tôi bảo bà điều này vì tôi đã thay đổi ý định. Tôi nghĩ rằng rất có thể bà sẽ làm một vị đại sứ tuyệt vời đấy!
Mary lắc đầu.
– Tôi lấy làm tiếc, ông Rogers ạ. Tôi không phải là nhà chính trị. Tôi chỉ là một kẻ không chuyên?
– Như Tổng thống Ellison đã vạch rõ cho tôi thấy, một số những đại sứ tinh tế nhất của chúng ta đều là những người không chuyên. Có nghĩa là, kinh nghiệm của họ không phải trong cơ quan ngoại giao. Walter Annenberg, vị cựu đại sứ của chúng ta tại Vương quốc Anh, làm nghề xuất bản.
– Tôi không phải…
– Arthur Burns, vị cựu đại sứ của chúng ta tại Cộng hoà Liên bang Đức, là một phụ khảo và John Kenneth Galbraith, đại sứ của chúng ta tại Ấn Độ, cũng là một giáo sư. Mike Mansfield khởi sự là một phóng viên trước khi làm Thượng nghị sĩ và rồi được bổ nhiệm làm đại sứ của chúng ta tại Nhật Bản. Tôi có thể cho bà thêm cả chục ví dụ nữa. Những người này đều là điều mà bà gọi là không chuyên đấy. Cái mà họ có, thưa Bà Ashley, là sự thông minh, một tình yêu nước và một thiện chí đối với dân tộc của quốc gia mà họ được đưa đến phục vụ.
– Ông làm cho việc ấy nghe ra đơn giản thật.
– Như có lẽ bà cũng biết đấy, bà đã được điều tra rất kỹ lưỡng. Bà đã được chấp thuận qua một bản phúc trình an ninh, bà chẳng có vấn đề gì với IRS cả và không có mâu thuẫn về quyền lợi nào cả. Theo khoa trưởng Hunster, bà là một giáo sư tuyệt vời và dĩ nhiên bà là một chuyên viên về Rumani. Bà đã có một điểm khởi đẩu. Và cuối cùng, nhưng không phải tối thiểu, bà có loại hình ảnh mà Tổng thống muốn chiếu lên các quốc gia Đông Âu!
Mary lắng tai nghe, một thoáng suy tư trên mặt nàng.
– Ông Rogers, tôi muốn ngài và Tổng thống biết rằng tôi cảm kích về mọi điều ngài đã nói. Nhưng tôi không thể chấp nhận được. Tôi còn Beth và Tim để nghĩ đến. Tôi không thể nhổ gốc chúng như…
– Có một trường học tốt cho bọn trẻ của các nhà ngoại giao tại Bucarest, – Rogers báo cho nàng biết.
– Đấy sẽ là một sự giáo dục tuyệt vời cho Tim và Beth để sống tại một quốc gia xa lạ. Chúng nó sẽ học được những điều mà chúng nó sẽ chẳng bao giờ học được ở các trường học tại đây.
Câu chuyện không đi theo cách Mary đã dự định.
– Tôi không – Tôi sẽ nghĩ lại việc ấy.
– Tôi lưu lại đêm nay trong thị trấn! – Stanton Rogers nói. – Tôi sẽ ở tại khách sạn Bốn Mùa. Hãy tin ở tôi đi, bà Ashley ạ, tôi biết đây là một quyết định lớn lao như thế nào cho bà. Nhưng chương trình này quan trọng chẳng những cho Tổng thống, mà còn cho quốc gia chúng ta nữa. Xin vui lòng nghĩ lại điều ấy nhé.
Khi Stanton Rogers đi khỏi, Mary lên lầu, con nàng đang đợi nàng, mắt ráo hoảnh và thích thú.
– Mẹ sẽ nhận công việc ấy không? – Beth hỏi.
– Mẹ con ta sẽ nói chuyện. Nếu mẹ chấp nhận, có nghĩa là các con sẽ bỏ trường học và tất cả bạn bè của chúng con. Các con sẽ sống tại một nước xa lạ mà chúng ta không biết tiếng và các con sẽ học tại một ngôi trường lạ!
– Tim và con đã bàn tất cả về việc ấy, – Beth nói, – Và mẹ biết chúng con nghĩ gì không?
– Gì thế?
– Bất cứ quốc gia nào cũng sẽ thật sự may mắn nếu có mẹ đến làm đại sứ.
Đêm ấy nàng nói chuyện với Edward.
“Có lẽ anh nên nghe ông ta nói, anh yêu. Ông ta nói như thể Tổng thống cần đến em thực sự. Có lẽ có cả triệu người có thể làm việc ấy tốt hơn em, nhưng ông ta quá tâng bốc em. Anh có nhớ anh và em đã nói chuyện với nhau rằng việc ấy sẽ thích thú thế nào không? Này, bây giờ em lại có cơ hội và em không biết phải làm gì cả. Nói thật với anh đấy, em rất sợ. Đây là nhà của chúng ta. Làm sao em có thể bỏ đi cho được? Ở đây có quá nhiều kỷ niệm của anh. – Nàng nhận ra nàng đang khóc. – Đảy là tất cả những gì của anh, em còn lại. Hãy giúp em quyết định. Em van anh, hãy giúp em…”
Nàng ngồi cạnh cửa sổ, trong chiếc áo ngủ, nhìn ra cây cối đang run rẩy trong cơn gió hú không ngừng.
Đến bình minh, nàng đi tới quyết định.
Lúc 9 giờ sáng, Mary điện thoại đến khách sạn Bốn Mùa và xin gặp Stanton Rogers.
Khi ông nhấc ống nghe, nàng lên tiếng bảo:
– Ngài Rogers, xin ngài vui lòng nói với Tổng thống rằng tôi sẽ rất vinh dự chấp nhận việc Tổng thống bổ nhiệm tôi vào chức vụ đại sứ.