Sứ giả của Thần Chết

Chương 18 – Phần 02



Tổng hành dinh của chính phủ Rumani là một toà nhà cấm nhìn làm bằng những khối sa thạch toạ lạc tại trung tâm Bucarest. Nó được bảo vệ bằng một bức tường thép với các người gác võ trang đằng trước. Còn có thêm một người gác nữa ở lối vào toà nhà. Một người phụ tá hộ tống Mary và con nàng lên lầu chủ tịch Alexandros Ionescu tiếp Mary và con nàng trong một căn phòng chữ nhật dài trên tầng hai. Chủ tịch Rumani có một vẻ mặt uy quyền.
Ông ta ngăm đen với những đường nét như con diều hâu và mái tóc đen quăn. Ông có một trong những chiếc mũi uy quyền nàng chưa từng trông thấy. Đôi mắt ông sáng rực, có sức thôi miên.
Viên phụ tá lên tiếng:
– Thưa ngài, cho tôi được phép giới thiệu bà Đại sứ Hoa Kỳ!
Vị chủ tịch cầm lấy tay Mary và đặt lên đấy một cái hôn dài.
– Bà còn đẹp hơn cả những bức ảnh của bà đấy.
– Cám ơn ngài. Đây là con gái tôi Beth, và con trai tôi, Tim!
– Những đứa bé xinh đẹp, – Ionescu nói. Ông ta nhìn nàng chờ đợi. – Bà có gì cho tôi không?
Mary hầu như đã quên. Nàng nhanh nhẹn mở ví lấy ra tờ uỷ nhiệm thư của Tổng thống Ellison.
Alexandros Ionnescu liếc sơ qua.
– Cám ơn bà.
Thay mặt cho chính phủ Rumani, tôi nhận nó. Bây giờ bà chính thức là Đại sứ Mỹ tại quốc gia của tôi đấy – ông tươi cười với nàng. – Chiều nay, tôi đã thu xếp một cuộc tiếp tân cho bà. Bà sẽ gặp một số người của chúng tôi sẽ làm việc với bà.
– Ngài thật tử tế. – Mary nói.
Ông ta lại cầm lấy tay nàng và nói:
– Ở đây, chúng tôi có một câu nói: “Một người Đại sứ đến trong nước mắt vì ông ta biết rằng ông ta sẽ phải sống bao năm tại một nơi ngoại quốc, xa cách bạn bè nhưng khi ông ta đi, ông ta lại đi trong nước mắt vì ông ta phải bỏ lại những người bạn mới của mình trong một đất nước mà ông ta đã yêu mến. Tôi hy vọng rằng bà sẽ yêu đất nước chúng tôi, bà Đại sứ ạ – ông ta mân mê bàn tay nàng.
– Chắc chắn tôi sẽ yêu.
Ông ta nghĩ rằng mình chỉ là một khuôn mặt đẹp khác thôi, Mary giận dữ nghĩ thế. Mình sẽ phải làm một điều gì đấy về việc ấy.
Mary đưa con nàng về nhà và trải qua phần ngày còn lại ở Toà đại sứ, trong phòng họp rộng lớn để hội nghị với các trưởng ban, các lãnh sự chính trị, kinh tế, nông nghiệp và hành chánh cũng như lãnh sự thương mại. Đại tá Mc Kinney hiện diện với tư cách tuỳ viên quân sự.
Tất cả đều ngồi chung quanh một chiếc bàn chữ nhật dài. Tựa vào những bức tường phía sau là một chục uỷ viên trung cấp thuộc các ban ngành khác nhau.
Lãnh sự thương mại, một người đàn ông nhỏ con, vênh váo lên tiếng đọc một dãy các sự kiện và các con số. Mary nhìn quanh phòng suy nghĩ: “Mình sẽ phải nhớ tất cả tên của họ!
Rồi đến phiên Ted Thompson, lãnh sự nông nghiệp.
– Bộ trưởng nông nghiệp Rumani đang gặp rắc rối tệ hại hơn là ông ta chấp nhận. Họ sẽ lâm vào một vụ thu hoạch tệ hại trong năm nay và chúng ta không thể để họ phá sản.
Lãnh sự kinh tế, Patricia Hatfeld, phản đối:
– Chúng ta đã hỗ trợ họ đủ rồi, Ted ạ. Rumani đã hoạt động theo một hiệp ước các quốc gia được ưu đãi. Đấy là một quốc gia của GSP. – Bà ta kín đáo nhìn Mary.
Bà ta dứt khoát cố ý như thế, – Mary nghĩ – định làm cho mình bối rối đây.
Patricia Hatfield lên giọng nói:
– Một quốc gia GSP là…
– Là một hệ thống ưu tiên tổng quát, – Mary chen vào. – Chúng tôi đối xử với Rumani như là một quốc gia kém phát triển để họ được lợi ích về xuất nhập khẩu!
Nét mặt Hatfield thay đổi.
– Đúng đấy, – bà ta nói. – Chúng ta đã phân phát kho dự trữ và…
David Victor, Lãnh sự Thương mại, ngắt lời:
– Chúng ta sẽ không phân phát – chúng ta chỉ cố gắng mở nó ra để chúng ta có thể mua hàng ở đấy. Họ cần nhiều tín dụng hơn để mua bắp của chúng ta. Nếu chúng ta không bán cho họ, họ sẽ mua của Arhentina. – Ông ta quay sang Mary – Có vẻ như chúng ta thua lỗ về đậu nành. Người Brasil đang tìm cách đưa ra giá hạ hơn chúng ta. Tôi sẽ cảm kích nếu bà nói với Thủ tướng càng sớm càng tốt và tìm cách bán ồ ạt trước khi chúng ta bị đóng cửa.
Mary nhìn qua Mike Slade đang ngồi thườn thượt trong chiếc ghế ở đầu bàn đối diện, viết nguệch ngoạc trên một tập giấy hình như không chú ý gì cả.
– Tôi sẽ xem thử tôi có thể làm được gì! – Mary lên tiếng hứa.
Nàng thảo một lời ghi chú để gửi một công điện đến Bộ trưởng Thương mại tại Washington xin phép được cho chính phủ Rumani vay thêm tín dụng. Tiền sẽ được chuyển từ các ngân hàng Mỹ, nhưng họ chỉ cho vay với sự chấp thuận của chính phủ.
Eddie Maltz, Lãnh sự chính trị, cũng là nhân viên CIA, lên tiếng.
– Tôi có một vấn đề hơi khẩn cấp, thưa bà Đại sứ. – Đêm qua một sinh viên Mỹ 19 tuổi bị bắt vì tội cất giữ ma tuý. Đây là một sự xúc phạm cực kỳ trầm trọng.
– Hắn có loại ma tuý nào trên người thế?
– Cô ta. Đây là một thiếu nữ. Cần sa, chỉ một ít onces thôi!
– Cô gái trông thế nào?
– Rực rỡ, một sinh viên đại học, khá xinh!
– Ông nghĩ rằng họ sẽ đối xử với cô ta như thế nào?
– Án thường lệ là năm năm tù.
Chúa ơi, – Mary nghĩ – Nàng ta sẽ ra sao khi được thả ra?
– Chúng ta có thể làm gì được về việc ấy?
Mike Slade uể oải nói:
– Bà có thể dùng nhan sắc của bà để mê hoặc trưởng ngành an ninh. Tên ông là Istrase. Ông ta có nhiều quyền hành!
Eddie Matlz tiếp tục:
– Cô gái bảo rằng cô ta bị chụp mũ và cô ta có thể có lý. Cô ta khá ngu xuẩn khi giao thiệp với một cảnh sát viên. Sau khi hắn đã đưa nàng vào giường, hắn tố cáo cô ta!
Mary ghê tởm.
– Làm sao hắn có thể như thế?
Mike Slade lạnh lùng nói:
– Thưa bà Đại sứ, ở đây chúng ta là kẻ thù chứ không phải họ. Rumani đang chơi trò vỗ tay với chúng ta và tất cả chúng ta đều là bạn và họ mỉm cười, chìa tay qua biển chúng ta để họ bán cho chúng ta và mua của chúng ta với giá thoả thuận thấp nhất vì chúng ta ve vãn họ tách ra khỏi nước Nga. Nhưng khi việc ấy ổn thoả, họ vẫn là cộng sản!
Mary ghi chú thêm.
– Được rồi, tôi sẽ xem thử tôi có thể làm gì được. – Nàng quay sang lãnh sự công vụ Jerry Davis. – Còn ông có vấn đề gì không?
– Ban của tôi đang gặp rắc rối trong vấn đề xin chấp thuận sửa chữa những căn phòng mà ban tham mưu sứ quán đang ở. Khu ở của họ đang ở trong một điều kiện nhục nhã!
– Họ không thể ở tiếp tục và tự chữa lấy à?
– Không may là không. Chính phủ Rumani phải nhận sửa chữa tất cả. Một số người chúng ta không có lò sưởi và trong nhiều gian phòng, các phòng vệ sinh không hoạt động và không có nước máy!
– Ông có than phiền về điều này chưa?
– Có thưa bà. Mọi ngày trong ba tháng vừa qua!
– Vậy thì tại sao…
– Đó là một sự quấy rối, – Mike Slade giải thích.
– Đấy là cuộc chiến tranh thần kinh mà họ muốn chơi với chúng ta đấy!
Mary lại ghi chú nữa.
– Thưa bà Đại sứ, tôi có một vấn đề cực kỳ khẩn cấp! – Jack Chacelor, trưởng thư viện Mỹ lên tiếng.
– Chỉ mới ngày hôm qua, một số sách tham khảo rất quan trọng đã bị đánh cắp từ…
Đại sứ Ashley bắt đầu đau đầu.
 
***
 
Buổi chiều trôi qua bằng cách nghe hàng loạt lời than phiền. Mọi người đều có vẻ không được sung sướng. Và rồi đến mục đọc. Trên bàn nàng có cả một đống giấy trắng. Đấy là những bản dịch ra tiếng Anh những mẩu báo đã xuất hiện ngày hôm trước trên báo chí và tạp chí Rumani. Hầu hết các câu chuyện trong tờ báo bình dân Scinteia Tineretulni, là về các hoạt động hằng ngày của chủ tịch Ionescu với ba hoặc bốn bức ảnh của ông trên mỗi trang.
Cái tôi không tin được của người đàn ông này – Mary nghĩ thế.
Có những mẩu cô đọng khác để đọc: Tờ Romama Leberă, tuần báo Flăcara và Magafinul.
Và đấy chỉ là phần mở màn. Còn có hồ sơ điện báo và bản tóm lược của những điều triển khai tin tức được báo cáo tại Hoa Kỳ. Có một hồ sơ gồm bản văn đầy đủ của các bài nói chuyện của các viên chức Mỹ quan trọng. Một báo cáo dày về các cuộc thương thuyết kiểm soát vũ khí và một quyển cập nhật về tình trạng nền kinh tế Hoa Kỳ.
– Có đủ tài liệu đọc trong một ngày – Mary nghĩ, – Để bắt mình bận rộn hàng năm và mình sẽ phải làm điều này mỗi buổi sáng.
Nhưng vấn đề gây phiền hà cho Mary nhất là cảm giác đối lập của ban tham mưu của nàng. Việc ấy phải được chấn chỉnh ngay.
Nàng cho mời Harriet Kruger, viên chức lễ tân ngoại giao của nàng.
– Bà đã làm việc tại Toà đại sứ này bao lâu?
– Bốn năm trước khi chúng ta cắt đứt với Rumani và bây giờ, ba tháng vinh dự – Giọng bà có vẻ chua chát.
– Bà không thích ở đây à?
– Tôi là cô gái ở đảo Mc Donald và Coney. Như bài ca “Hãy chỉ cho tôi đường về!”
– Chúng ta có thể mạn đàm mà không bị ghi nhận không?
– Không, thưa bà!
Mary đã quên.
– Tại sao chúng ta không chuyển qua Phòng cách âm nhỉ? – Nàng đề nghị.
Khi Mary và Harriet Kruger đến ngồi vào bàn của phòng cách âm và cánh cửa nặng nề đã an toàn đóng lại sau lưng họ, Mary bảo:
– Có một việc vừa xảy ra với tôi. Cuộc họp của chúng ta hôm nay tại phòng họp. Nó không bị nghe lén à?
– Có lẽ, – Kruger vui vẻ nói. – Nhưng chẳng hề gì đâu Mike Slade sẽ không để cho ta thảo luận điều gì mà người Rumani chưa sẵn sàng biết đến!
Lại Mike Slade.
– Bà nghĩ gì về Slade?
– Ông ta nhất đấy!
Mary quyết định không bày tỏ ý kiến của mình.
– Lý do tôi muốn nói chuyện với bà là vì hôm nay tôi có cảm giác rằng tinh thần quanh đây không được tốt mấy. Mọi người đều than phiền. Không ai có vẻ sung sướng cả. Tôi muốn biết liệu có phải vì tôi không hay vì luôn luôn là như thế!
Harriet Kruger nhìn nàng một lúc.
– Bà muốn một câu trả lời trung thực à?
– Xin mời!
– Đấy là sự pha trộn của cả hai. Những người Mỹ làm việc ở đây như đang ở trong một nồi áp suất vậy Nếu chúng ta phá luật, chúng ta sẽ bị rắc rối lớn. Chúng tôi ngại kết bạn với những người Rumani vì có lẽ rốt cuộc họ là người của an ninh, do đó chúng tôi bám lấy người Mỹ. Chúng tôi là một nhóm nhỏ, nhỏ đến phát chán và sanh loạn luân – Bà ta nhún vai. – Lương lậu ít ỏi thức ăn ghê tởm và thời tiết xấu! – Bà nhìn Mary đăm đăm. – Điều này chẳng có gì là lỗi của bà cả, bà Đại sứ ạ. Bà có hai vấn đề. Thứ nhất, bà là chính trị gia được bổ nhiệm và bà phụ trách một Toà đại sứ trang bị toàn các nhà ngoại giao chuyên nghiệp. – Bà dừng lại. – Có phải tôi nói quá mạnh không?
– Không, xin vui lòng tiếp tục đi!
– Họ hầu hết đều chống đối bà ngay cả khi bà chưa đến đây. Các công nhân chuyên nghiệp có khuynh hướng không làm cho con tàu lúc lắc. Các nhân vật chính trị thích thay đổi sự việc. Đối với họ, bà là một người không chuyên bảo những kẻ chuyên nghiệp phải lo công việc của họ như thế nào được. Vấn đề thứ nhì, bà là một phụ nữ. Có lẽ Rumani nên có một biểu trưng lớn trên lá cờ của họ: một con heo nọc sô-vanh. Các người đàn ông Mỹ trong Toà đại sứ không thích tuân lệnh một phụ nữ và người Rumani còn tệ hơn nhiều.
– Tôi hiểu.
Harriet Kruger mỉm cười.
– Nhưng chắc bà là một nhân viên vĩ đại đấy. Tôi chưa bao giờ trông thấy quá nhiều câu chuyện đầy các tạp chí trong đời tôi Bà làm cách nào thế?
Mary không trả lời được.
Harriet Kruger liếc đồng hồ.
– Ô! Bà sẽ trễ đấy. Florian đang đợi để đưa bà về nhà để thay đồ!
– Thay đồ để làm gì? – Mary hỏi.
– Bà đã nhìn thời khoá biểu tôi đặt trên bàn giấy của bà chưa?
– Tôi e rằng tôi chưa có thì giờ đấy. Đừng bảo tôi rằng tôi được đề nghị đi dự một bữa tiệc nào đấy nhé!
– Tiệc ư! Tối nay có ba bữa tiệc. Bà có tất cả 21 bữa tiệc trong tuần này.
Mary trố mắt nhìn bà.
– Không thể được. Tôi có quá nhiều việc để…
– Việc ấy phù hợp với đất này đấy. Tại Bucarest có 75 Toà đại sứ và vào một đêm nào đấy đã cho biết trước, một trong số họ mừng một cái lễ gì đấy.
– Tôi không thể từ chối à?
– Điều ấy sẽ là Hoa Kỳ từ chối với họ đấy. Họ sẽ bị phật ý đấy!
Mary thở dài.
– Tôi đoán rằng tốt hơn là tôi nên đi thay đồ!
 
***
 
Buổi tiệc cốc-tai được tổ chức tại dinh Ngoại giao Rumani cho một yếu nhân đến thăm từ Đông Đức. Ngay khi Mary đến, chủ tịch Ionnescu bước đến bên nàng. Ông ta hôn tay nàng và nói:
– Tôi đã mong được gặp lại bà.
– Cám ơn ngài. Tôi cũng vậy.
Nàng có cảm giác rằng ông ta đã quá say. Nàng nhớ lại tập hồ sơ của ông ta: “Đã có gia đình, một con trai, 14 tuổi, thừa kế hiển nhiên và ba con gái. Là một người làm phụ nữ xiêu lòng. Uống rượu nhiều. Một đầu óc nông dân thông minh. Hấp dẫn khi hợp với ông ta. Độ lượng với bạn bè. Nguy hiểm và tàn nhẫn với kẻ thu”. – Mary nghĩ – “Một người đàn ông phải cảnh giác”.
Ionnescu cầm tay Mary và đưa nàng đến một góc phòng vắng.
– Bà sẽ thấy những người Rumani chúng tôi rất là thú vị! – Ông ta bóp tay nàng. – Chúng tôi là một dân tộc rất say đắm. – Ông ta nhìn nàng xem phản ứng và khi ông ta không thấy có phản ứng nào cả, ông ta tiếp tục. – Chúng tôi là con cháu của người Dace xưa kia và những kẻ chinh phục họ, người La Mã, mãi tận năm 106 trước Công nguyên. Qua bao thế kỷ, chúng tôi là thảm chùi chân cho châu Âu. Đất nước với biên giới cao su. Người Hung-Nô, Gô-tíe, Avar, Slave và Mông Cổ chùi chân trên chúng tôi, nhưng Rumani vẫn sống sót. Và bà biết thế nào không? – Ông ta chồm đến gần người nàng hơn và nàng có thể ngửi được mùi rượu trong hơi thở ông ta. – Bằng cách cho dân tộc chúng tôi một sự lãnh đạo mạnh mẽ, kiên quyết đấy. Họ tin tôi và tôi cai trị họ tốt.
Mary nghĩ đến một số câu chuyện nàng đã nghe. Những cuộc bắt bớ giữa đêm tối, toà án hình thức, những sự tàn bạo, những sự mất tích.
Trong lúc Ionescu tiếp tục nói, Mary qua vai ông ta, nhìn những người trong căn phòng đông nghẹt. Ít nhất có khoảng 200 và Mary biết chắc họ đại diện cho một Toà đại sứ đóng tại Rumani. Chẳng bao lâu, Mary sẽ gặp tất cả bọn họ. Nàng đã liếc vào danh sách hẹn của Harriet Kruger và thích thú vì thấy một trong những nhiệm vụ đầu tiên của nàng sẽ là viếng thăm công vụ chính thức tại mọi Toà đại sứ trong số 75 Toà đại sứ ấy. Thêm vào đấy, có khá nhiều bữa tiệc cốc-tai và ăn tối được dự trù cho sáu đêm trong tuần.
– Khi nào mình có thì giờ, để làm Đại sứ nhỉ?
Mary tự hỏi. Và ngay lúc nàng đang suy nghĩ nàng nhận ra tất cả điều này là một phần của công việc Đại sứ. Một người đàn ông đến bên Ionescu và thì thầm vào tai ông ta. Nét mặt Ionescu bỗng trở nên lạnh lùng. Ông ta rít một điều gì đấy bằng tiếng Rumani và người đàn ông gật đầu, vội vã ra đi. Nhà độc tài quay lại với Mary, duyên dáng trở lại.
– Bây giờ tôi phải xa bà. Tôi mong được gặp lại bà sớm.
Và Ionescu bỏ đi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.