XÚC CẢM CỦA NỖI NHỚ
Trong cuốn Cây tầm gửi, có một thứ không ngừng được nhắc đến.
Nó giống như một diễn viên kịch, giữa các màn chuyển cảnh, nó nhanh chóng, thuần thục thay phục trang, rồi lại đứng trên sân khấu.
Đó chính là “nỗi nhớ”.
“Bậc thang này uốn lượn lên phía trên, rất giống hình dạng của nỗi nhớ.”
Đó là lời Minh Thanh đã nói, miêu tả hình dáng của nỗi nhớ.
“Em không tài nào dỗ giấc trong đêm, bởi nỗi nhớ cứ hoài gõ cửa.”
Đó là những dòng chữ Thuyên viết trên điếu thuốc, em nói nỗi nhớ có âm thanh.
Nỗi nhớ chưa hẳn đã là chủ đề của Cây tầm gửi, nhưng tôi thường vô thức đề cập tới nó.
Tôi gần như đã mô tả nỗi nhớ thành một thứ “cụ thể”, hơn thế còn có phương thức, không có điểm tận cùng, có thể làm tổn thương con người, cũng có thể được hòa tan, còn có thể có động tác.
Thật giống như thầy bói mù xem voi, bởi vì tôi không nhìn được nỗi nhớ, vì thế chỉ có thể dựa vào cảm giác tiếp xúc với nỗi nhớ để miêu tả.
Thậm chí cuốn tiểu thuyết ba vạn chữ mà Minh Thanh viết, cũng tên là “Nỗi nhớ”.
Tôi đã từng nghĩ, có cần phải giúp Minh Thanh viết ra cuốn “Nỗi nhớ” không?
Nhưng, ba vạn chữ cơ đấy!
Sao lúc đầu không gõ bớt đi một số không nhỉ?
Nhưng tôi không phải là Minh Thanh.
Dù tôi có qhen thuộc cô ấy không, dù tôi có thấu hiểu tính cách của cô ấy không, tôi đều không tài nào khiến mình hòa vào dòng tư duy của cô ấy, hiểu được sự kích động của trái tim cô ấy đối với nỗi nhớ.
Vì thế đây không phải là vấn đề ba vạn chữ hay ba nghìn chữ, ba trăm chữ.
Bởi vì nỗi nhớ thay đổi theo từng người.
Có người nỗi nhớ tựa lưỡi dao, không ngừng đâm vào lồng ngực chính mình, nhưng máu tươi lại chưa từng rơi xuống, mà hóa thành nước mắt, chảy tràn trên gò má;
Nhưng có người nỗi nhớ lại giống kẹo, một khi đã nếm, luôn khiến trên môi đọng một cảm giác ngọt ngào.
Có người nỗi nhớ giống như chú chó lang thang trên đường phố giữa đêm khuya, khi chuyện xưa như ngọn đèn xe hơi vụt qua trước mắt, bèn bắt đầu sủa mãi không ngừng, luôn ầm ĩ khiến người ta không ngủ nổi.
Nhưng có người nỗi nhớ lại giống chiếc khăn mặt ướp lạnh, có thể xua đi nóng nực, khiến người ta sảng khoái.
Tôi biết Minh Thanh từng miêu tả hình dáng của nỗi nhớ, tôi cũng đã nghe Minh Thanh nói nỗi nhớ có trọng lượng, nhưng đối với Minh Thanh, nỗi nhớ rốt cuộc là gì?
Sau khi rời khỏi Sâu Rau, mũi tên làm bằng cành tầm gửi khô, phải chăng vẫn cắm vào lồng ngực cô ấy?
Khi nỗi nhớ đã biến thành vũ khí, vậy thì vết thương mà nó gây nên, phải chăng có thể dùng một đoạn tình cảm khác, hoặc cần nhiều thời gian hơn để băng bó?
Nói thật, tôi không dám suy nghĩ nhiều.
Tôi chỉ biết, Minh Thanh giống như một cái cốc, nỗi nhớ là nước trong cốc.
Nước trong cốc đã đầy, thêm một giọt sẽ tràn ra.
Tôi hy vọng Minh Thanh đổ hết chỗ nước đó đi, để cả cốc và nước đều có thể có những trải nghiệm mới.
Từng có bạn đọc nói với tôi, dù bạn ấy đã đọc hết Cây tầm gửi ở trên mạng, nhưng khi nhìn thấy cuốn sách Cây tầm gửi trong hiệu sách, khi ngón tay chạm vào bìa sách, vẫn mơ hồ cảm thấy một cảm giác bi thương man mác.
Điều đó, có lẽ do nỗi nhớ của Minh Thanh gây ra chăng.
Hoặc có lẽ còn thêm vào nỗi nhớ của Sâu Rau, và nỗi nhớ của Thuyên.
Cây tầm gửi tựa như một bức tranh, nỗi nhớ là màu nền.
Nếu bức tranh này khiến bạn nhìn thấy sự bi thương, đó có lẽ là bởi nền bức tranh đã pha tạp quá nhiều màu sắc ảm đạm.
Nỗi nhớ của người bình thường, thường liên quan tới không gian và thời gian.
Thời gian trôi càng nhanh, khoảng cách càng dài, độ ấm của nỗi nhớ sẽ càng cao.
Vì thế khi nàng ở bên cạnh bạn, bạn sẽ không nhớ nàng;
Nhưng khi bạn bắt đầu nhớ nàng, nàng lại bỏ bạn mà đi.
Nỗi nhớ là một tác phẩm nghệ thuật đầy tinh xảo, luôn không thể chấp nhận dù chỉ một chút lệch lạc hay sai sót.
Có lẽ khi người yêu thương đang ở cạnh bên, mà ta vẫn luôn nhung nhớ nàng, chúng ta mới có thể hiểu được ý nghĩa của nỗi nhớ.