Đời Callboy

CHƯƠNG 1: TUỔI THƠ



Tuổi thơ, đối với nhiều người là thời gian êm đềm và đáng nhớ nhất. Có thể khi bạn già đi, những kỷ niệm về tuổi thơ sẽ là cái kẹo ngọt, mang lại niềm vui trong những buổi chiều quạnh vắng, hay ngay cả khi bạn nằm xuôi tay trên giường bệnh thì nó sẽ là những điều giúp bạn nở một nụ cười và ra đi trong thanh thản… Tôi chưa đi đến được cái tuổi già nua, tôi chưa nằm giường bệnh để chờ đợi giây phút cuối cùng của cuộc đời mình… Nhưng tiếc thay, tôi có thể nhận ra và tôi có thể khẳng định rằng, tuổi thơ tôi không được như vậy! Nó đáng nhớ lắm chứ, nhưng nó không hề êm đềm!…
Nơi tôi sinh ra!
Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo của vùng duyên hải miền Trung. Tuổi thơ chỉ gói gọn trong hai chữ: “Nghèo” và “Khổ”. Nói nghe chua chát nhưng sự thật là vậy, không dễ dàng gì để người ta chấp nhận nó. Ở nơi đó, tôi đã lớn lên cùng với gió, cát, những cơn bão và cái nóng hỗn hào của quê hương.
Tôi sinh ra ở một làng chài luôn mặn mùi biển, luôn tanh mùi cá sống. Tuổi thơ tôi ướp bằng tiếng sóng rì rào và những mảnh lưới giăng cá của những bà thím như mẹ tôi ngồi rạp bờ cát – Nơi họ vẫn ngày ngày ngồi đợi chồng, đợi con họ về.
Cái nôi của tôi!
Gia đình tôi làm nghề chài lưới nhỏ, mặc dù quanh năm cha luôn đầu tắt mặt tối với những chuyến ra khơi kéo dài hàng tuần lễ, có khi là cả hàng tháng trời nếu cha đồng ý theo thuyền lớn ra tận giữa khơi, nhưng cuộc sống vẫn rất bấp bênh, bữa no bữa đói. Mẹ tôi là một người phụ nữ mà trong vốn từ ít ỏi lúc này của mình, tôi chỉ có thể gọi theo kiểu là rất tuyệt vời. Bà yêu thương chồng con hết mực, sẵn sàng làm tất cả cho cha, cho chúng tôi. Bà chưa từng nề hà bất kỳ việc gì, lớn – nhỏ, nặng – nhẹ… chỉ miễn là anh em chúng tôi có đủ cái bỏ miệng mà no bụng. Nhưng rồi sau một cơn bạo bệnh, sức khỏe bà giảm sút và chỉ còn có thể làm những việc nhẹ trong nhà.
Nhà tôi có bốn anh em. Anh hai hơn tôi bốn tuổi. Tôi bước chân vào lớp 10 – Cái ngưỡng mà cha, mẹ và anh hai luôn bảo tôi rằng, tôi phải bằng mọi cách đi qua cho bằng được. Sau tôi là hai đứa em nhỏ, một đứa học lớp 6 và một đứa chỉ mới sáu tuổi.
Tuy gia đình không khá giả gì hay nói đúng hơn là nghèo đến thảm hại nhưng chúng tôi được cha giáo dục rất nghiêm khắc bằng tất cả khoảng thời gian hiếm hoi ông có mặt ở nhà sau những tháng ngày kiếm cơm cho anh em tôi. Với cha, có sáu chữ mà chúng tôi không bao giờ được quyền quên, “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”!
Tuy nghèo, tôi vẫn có thể khẳng định rằng gia đình mình sống rất hạnh phúc bên nhau.
Những ký ức quên – nhớ và không thể nào quên!
Có nhiều lần, trong cơn đói cồn cào của những ngày thiếu cơm hay của những lần ngồi co ro trong nhà tránh bão, sáu chữ cha dạy là những thứ tôi không thể quên nhưng lại không muốn nhớ. Những lúc ấy, tôi tự hỏi mình rằng, nếu sống gian dối, bẩn thỉu mà bụng được no, nhà cao cửa rộng vậy thì “sạch” làm gì, “thơm” làm chi?
Tuổi thơ với tôi là mảng ký ức mơ hồ, không rõ ràng và có quá nhiều điều không nên nhớ! Tôi không nhớ, hay nói đúng hơn tôi không muốn nhớ để mà kể về nó. Tôi chỉ mong sao mọi thứ cứ thế đều đặn trôi đi để tôi ngày ngày sau giờ học lại ra bãi cát ngồi cùng mẹ, cùng các thím ngóng ra biển đợi tìm bóng cha, bóng anh hai! Nhưng một biến cố bất ngờ ập tới làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của chúng tôi.
Năm ấy là một năm đầy giông bão. Gió giật từng cơn nặng nề như muốn xé nát căn nhà tranh xiêu vẹo của chúng tôi. Mưa to, gió lớn, thị xã không cho tàu thuyền ra khơi đánh bắt vì sợ tai nạn, cha không đi biển được. Chúng tôi đói đã ba hôm nay, trong nhà cũng đã hết gạo dự trữ, mấy ngày nay chỉ có cháo và nước để cầm hơi. Người lớn như chúng tôi thì còn chịu được vài ngày nữa nhưng mấy đứa em nhỏ thì làm sao? Mẹ đã nhiều lần chạy vay mượn gạo từ khắp nơi nhưng nghiệt nỗi, xung quanh chúng tôi cũng toàn những người bữa no bữa đói, mượn ai bây giờ? Đói quá thì đầu gối cũng phải bò, một liều, ba bảy cũng liều, cha và anh hai quyết định cùng vài người trong làng chài lén ra khơi để kiếm cái ăn.
Hôm ấy trời vẫn mưa rất to và gió lớn. Tôi, mẹ, hai đứa em ngồi trong căn nhà lá, nghe tiếng gió gào thét ngoài kia, vừa lo sợ nhưng cũng vừa hy vọng. Rồi, tôi nghe tiếng bước chân dồn dập đi như chạy về phía nhà mình, tôi thấy cửa nhà mở bung. Anh hai đứng đấy, mình mẩy ướt sũng nước mưa. Tôi không còn nhớ mình đã nghe những gì từ anh, trong đầu tôi chỉ là những từ rời rạc: “Gió lớn… thuyền lật… không tìm được cha…”. Và hình ảnh cuối cùng tôi còn nhớ là mẹ tôi gục xuống trong vòng tay tôi.
Mảng ký ức này, trong tôi không lưu giữ lại nhiều vì nó đau lắm. Cứ mỗi lần nhớ về nó, nỗi sợ hãi trong tôi lại cứ thế mà âm ỉ dày vò nên tôi cứ lướt qua nó nhanh một chút, như người ta cố gắng vứt bỏ đi những nỗi buồn không muốn gợi lại.
Bước trưởng thành!
Cha mất, gia đình tôi gồng mình lên chịu đựng sự đe dọa của cái đói. Mọi gánh nặng gia đình đều dồn lên vai anh hai! Mặc dù chỉ hơn tôi vài tuổi nhưng anh hai nhìn già dặn và chững chạc hơn tôi rất nhiều. Và từ cái đêm mưa gió ấy, gương mặt anh hằn lên sự khắc khổ của người làm chủ gia đình như cha ngày trước.
Mẹ cản. Anh hai cản. Tôi vẫn quyết bỏ học ở cuối năm lớp 10. Nhà tôi vầy, làm gì nuôi nổi ba đứa đi học? Tôi đành cãi lời mẹ, cãi lời anh hai, cũng là lời cha ngày cha còn sống để đi đến cùng cái ham muốn được san sẻ nhọc nhằn với mẹ, với anh hai và tìm được gì đó – Những thứ mà anh hai và giờ là tôi không thể làm hoặc không thể có, cho hai đứa em tôi!
Những ngày lênh đênh trên biển, lòng tôi lại dâng lên một cảm giác sợ hãi mơ hồ… Chúng tôi vẫn chưa tìm được xác cha tôi. Anh hai và tôi phải nói và thuyết phục rất rất nhiều lần mẹ mới đồng ý để một tấm hình cha lên bàn thờ để ngày ngày hương khói. Nhưng anh em tôi biết rằng, trong lòng mẹ vẫn còn niềm hy vọng không bao giờ tắt rằng, ở một nơi nào đó, cha vẫn còn sống. “Có thể cha bây được người nào đó vớt lên rồi nhưng ổng bị mất trí, không nhớ về nhà này…” – Cứ hễ mỗi lần nhìn anh em tôi đốt nhang cho cha trước khi rời nhà là mẹ lại nói thế. Anh hai và tôi cũng chỉ biết lắc đầu cười buồn.
Đổi khác!
Thời gian cứ thế mà chầm chậm trôi đi, mới đó mà tôi đã đi phụ anh hai được ba năm. Có lần mẹ nói với tôi.
– Đi biển ngó chừng hợp với thằng ba. Hồi xưa ốm nhom, đi phụ anh hai mấy năm là bự chần dần, ra dáng đàn ông lắm rồi! Khi nào dắt bạn gái về ra mắt má đây?
Tôi bỗng đỏ mặt… Mấy năm nay, đúng là tôi đã có rất nhiều những thay đổi về ngoại hình, giọng nói, cũng như tính cách. Tôi hoang mang tự nhìn mình từ cái hình ảnh phản chiếu trong gương. Anh hai để ý thấy! Anh hai cười! Anh hai bảo đấy là dậy thì, là trở thành một người đàn ông đúng nghĩa – Theo cái kiểu dân dã và ít học của anh.
Nhiều lúc ra chợ mua đồ, có mấy cô gái cũng nhìn tôi rồi mỉm cười. Tôi bối rối cúi mặt lo nhìn những thứ mình đang mua. Bà bán hàng thấy vậy cũng lên tiếng chọc ghẹo.
– Cái thằng, đẹp trai làm chi cho gái nó nhìn rồi mắc cỡ…
Thời gian đó, trong lòng tôi có những sự thay đổi rất lạ, mà bản thân tôi lúc đó chưa biết gọi tên sự khác lạ đó là gì… Tôi chỉ biết nó rất khác, khác đến độ tôi không dám hỏi anh hai.
Cái khác đó… nó theo cái kiểu, tôi thích nhìn ngắm cơ thể nở nang của những người… cùng phái. Không hẳn là thích thú hay thèm khát nhưng tôi thích nhìn cơ thể của những người bạn trong làng chài, rồi thầm so sánh cơ thể giữa họ và mình. Và thân hình mà tôi ngưỡng mộ nhất chính là anh hai. Những lần tắm chung với anh sau khi đi biển về, lúc nào tôi cũng len lén nhìn anh hai. Nhìn những cơ bắp trên người anh căng lên dưới làn nước, rồi ước gì mình cũng có được một thân hình như thế…
Lúc ấy, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng mình đang ghen tỵ và muốn có cơ thể hoàn thiện hơn thôi chứ không hề biết rằng đó là những nhen nhúm cho sự khác biệt về giới tính của mình.
Những suy nghĩ ấy cứ thế như đám mây lơ đãng trong tâm trí tôi, nhẹ tênh, nhưng vẫn luôn tồn tại. Cho đến một ngày nọ, tôi vô tình rơi vào tình huống để hiểu thêm về chính bản thân mình.
Một đêm như bao nhiêu đêm dài khác, tôi giật mình tỉnh giấc khi nghe sân sau có tiếng lục đục. Tưởng là ăn trộm nhập nha hòng kiếm chác, tôi rón rén bước xuống đất rồi tìm khúc cây phòng thân và đi bắt trộm. Nhưng dợm bước xuống nhà dưới đã thấy dáng anh hai lui cui bới cơm.
– Ủa! Sao anh hai ở đây giờ này?
– Anh mới đi biển về hồi khuya, đói quá nên xuống kiếm đồ ăn.
– Anh hai có nghe tiếng động ở sau sân không? Coi chừng ăn trộm.
– Trộm cướp gì, mày coi phim riết suy nghĩ lung tung. Thằng Phi bạn anh đi về chung, khuya quá không về nhà nên xin ngủ lại đêm nay, nó đang tắm ở nhà sau.
Người tên Phi mà anh hai nói, tôi có biết. Nhà Phi cũng gần chúng tôi, anh thường đi biển với anh hai, và có thân hình rất đẹp. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu làm tôi rùng mình, thôi thúc và rạo rực khó tả.
– Ừ, anh hai ăn cơm đi, em ra nhà sau đi tè cái. – Tôi nói cùng anh hai rồi nhanh chân rảo bước.
Tiếng xối nước rào rào vang lên nơi cái giếng sau nhà. Tôi bước nhẹ chân vì không muốn người đang xối nước biết đến sự xuất hiện của mình. Nép vào một thân cây, tôi hồi hộp đưa mắt nhìn về phía giếng.
Dưới ánh trăng bàn bạc, thân thể đàn ông với những đường nét vạm vỡ của anh Phi hiện ra. Anh đưa tay xối gáo nước lên người mình rồi dùng tay còn lại kỳ cọ. Những bắp thịt hằn lên trong ánh trăng mờ tỏ. Mê hoặc.
Trong lòng tôi ngổn ngang những rung cảm quái gở, như đã nói, lúc đấy tôi chưa có những khái niệm nào về đồng tính hay những vấn đề liên quan đến nó. Ở cái làng chài bé nhỏ này, những việc như vậy không phổ biến lắm. Chỉ nhớ rằng, có lần trên chợ, người ta chỉ tay vào một người đàn ông mặc đồ phụ nữ, trang điểm lòe loẹt rồi xầm xì: “Bêđê kìa… ghê quá!”. Trong tâm thức lúc đấy, bêđê là dạng người đàn ông không phải mà đàn bà cũng không xong, rất kinh tởm, rất đáng sợ.
Nhưng trong giây phút này đây, những khát khao muốn được nhìn ngắm thân thể anh Phi bùng lên trong tôi thật dữ dội, lấn át tất cả những suy nghĩ khác. Vì tò mò, vì ngưỡng mộ, vì muốn có một thân hình như anh, vì những thay đổi của một thằng con trai đang lớn… tôi cố gắng tìm kiếm một lý do để biện hộ cho sở thích khác lạ của mình, nhưng rồi lại buông xuôi, cứ để nó lất lướt, thả bản năng chạy dài theo nó.
Tôi cố căng mắt ra nhìn từng cử động nhỏ nhất của Phi đằng xa xa, mờ mờ ảo ảo trong ánh sáng yếu ớt từ trăng cao soi xuống. Tôi nuốt nước miếng nặng nhọc khi thấy anh khom người, lột chiếc quần lót, mảnh vải duy nhất còn xót lại trên thân thể. Rồi Phi nhẹ nhàng cầm chiếc khăn lông để trên thành giếng lau người, khi tay anh kéo khăn xuống phần hạ bộ, cơ thể anh khuất sau thành giếng cao. Tôi rướn người sang một bên để có thể nhìn được trọn vẹn cơ thể Phi, vô tình đạp phải mấy cành cây khô dưới chân, phát ra tiếng động.
– Ai đó? – Phi vội mặc quần vào rồi hỏi.
– Dạ! Em… Quân nè, em của anh Hải. – Tôi lắp bắp trả lời rồi bước ra, như thể vừa từ nhà trong đi ra. – Em ra đi tè một chút. Anh Phi tắm xong chưa?
– Ừ, rồi em, anh xong rồi.
Phi nói rồi nhìn tôi mỉm cười và vội vàng bước vô nhà. Để lại tôi đứng đấy với cơ thể nóng hầm hập và cảm giác rối bời, bức bối đầy khó chịu, ánh mắt vẫn còn đầy tiếc rẻ.
Đêm hôm đó, cơ thể anh Phi dưới làn nước lấp lánh ánh trăng bạc cứ đến tìm tôi trong giấc mơ. Tôi thấy mình bước từng bước thật chậm đến bên anh Phi, run run tay chạm vào cơ thể trần truồng của anh… nhưng khi gần chạm đến được thì anh lại vụt biến mất.
Sáng dậy, tôi bối rối, len lén đi giặt cái quần mặc ngủ đêm qua đã loang lổ vài vệt trắng, ướt đẫm… Những ngày sau đó, hình ảnh của anh Phi cứ lảng vảng trong tâm trí tôi mỗi khi rỗi rãi. Đôi lần gặp Phi ngoài chợ hay trên làng chài, tôi lại đưa mắt len lén nhìn anh. Ngay cả trong những lần tự thỏa mãn cho những khao khát tính dục của tuổi mới lớn bằng đôi bàn tay lao động chai sần, hình ảnh Phi trong đêm đó vẫn là thứ tôi nghĩ đến đầu tiên.
Tôi tự hỏi bản thân mình, vì sao tôi lại không hứng thú với những cơ thể phụ nữ thấp thoáng mà mình vẫn gặp. Hay tôi cũng không mặn mà gì với những câu chuyện tục tằn về đàn bà mà trong những buổi nhậu cùng bạn bè, anh hai vẫn kể. Những lúc như vậy, thay vì hưởng ứng hay vỗ đùi cười khanh khách như những thằng con trai khác trong làng chài, tôi lại len lén nhìn về anh Phi, nhìn về những thân thể rám nắng biển còn đang ướt đẫm mồ hôi quanh mình. Tôi khác biệt… tôi không thuộc về thế giới của những người đàn ông bên cạnh mình.
Từ sự giằng xé bởi câu hỏi vì sao mình khác biệt, tôi lại còn phải luôn sống trong nỗi sợ hãi bị người khác phát hiện ra sự sai khác đó. Có lần khi len lén nhìn anh Phi, bỗng dưng anh nhìn thấy ánh mắt tôi rồi nhoẻn miệng cười, tôi bối rối quay đi nhưng tim đập mạnh khi nghe anh nói.
– Thằng Quân làm gì dạo này hay nhìn anh dữ vậy?
Tôi vờ như không nghe rồi cúi đầu đi thật nhanh, trong lòng cứ có gì đó ưng ức, nghèn nghẹn…
Ham muốn trưởng thành!
Tuổi trẻ là tuổi của sự bùng nổ, của những kế hoạch, ước mơ và hoài bão. Trong tôi cũng ấp ủ một khát vọng mãnh liệt được đổi đời, giàu có hơn để có thể mang tới cho gia đình mình một cuộc sống khác. Nhiều đêm lênh đênh trên biển cùng anh hai, ngước nhìn lên bầu trời, tôi chợt nhớ lời cha từng nói: “Mỗi ngôi sao tượng trưng cho một đời người, khi người ta mất đi thì ngôi sao cũng biến mất”.
Ngôi sao của cha có lẽ đã vụt tắt từ nhiều năm trước. Và đâu đó trên vũ trụ kia, ngôi sao của tôi thì vẫn đang sáng. Nhưng tôi không muốn nó sáng một cách lu mờ, lập loè như thế kia. Tôi muốn nó phải tỏa sáng, ít nhất phải mang đủ ánh sáng đến cho ngôi sao của mẹ, của anh em tôi, của gia đình tôi.
Gia đình tôi bây giờ cũng vẫn không giàu, nhưng không còn cái cảnh bữa đói bữa no nữa. Công việc của anh hai đã ổn định hơn, mỗi chuyến chài lưới đều nặng trĩu cá, buôn bán thuận lợi. Với sự an tâm về gia đình hiện tại, tôi nghĩ mình có thể bắt đầu thực hiện ước mơ của mình, đi đến những vùng đất mới để học hỏi và làm giàu.
Chưa kể, nỗi lo lắng vì sự khác biệt của mình sẽ sớm bị phát hiện lại càng thôi thúc tôi muốn được đi xa hơn bao giờ hết. Nhưng đi về đâu đây khi tôi chưa từng bước chân ra khỏi làng chài nhỏ bé mà mình đang sống, cũng như ngoài gia đình ra, tôi không còn một ai thân thích ở xa.
Đất hứa!
Nhiều lần lên chợ, tôi nghe người ta nói với nhau rằng: Sài Gòn là miền đất hứa… Có người lên Sài Gòn làm chưa đầy hai năm mà về quê xây nhà cho gia đình. Nghe hấp dẫn quá! Nhưng một thân một mình lên Sài Gòn, tôi có đủ can đảm? Tôi có dám đi đến một nơi mình chưa từng biết để tạo dựng cuộc sống hay không?
Một lần tình cờ sau đó không lâu, tôi gặp lại Tâm, thằng bạn thân lúc trước ở cùng làng chài với tôi. Nghe đâu hai năm nay nó lên Sài Gòn sống và làm việc trên đó, tháng nào cũng gởi về nhà cả triệu đồng (đến đây, tôi phải giải thích thêm rằng, tiền triệu ở thời điểm lúc này là rất kinh khủng với cả làng chài nơi tôi sống). Nhìn nó mà tôi nhận không ra, quần jean áo pull sạch sẽ tươm tất, trắng trẻo cao ráo, lại còn rất đẹp trai.
Tay bắt mặt mừng, tôi và Tâm tíu tít như hai đứa trẻ con cởi truồng tắm mưa ngày xưa. Tâm nói với tôi, nó làm ở Sài Gòn, lương khá, được ông chủ đối xử tốt lắm. Lòng tôi lại dấy lên những ham muốn về đổi đời, về giàu sang và về trốn chạy khỏi những kỳ thị có thể sẽ đối mặt. Tôi hỏi kỹ hơn về cuộc sống Sài Gòn và cũng không quên nói cho Tâm biết ý định muốn lên Sài Gòn kiếm kế mưu sinh của mình. Tâm ủng hộ tôi! Nó ngay lập tức cho tôi địa chỉ đang ở trọ với lời hứa khi nào lên cứ tìm, nó sẽ cho tôi ở nhờ một thời gian và giới thiệu công việc cho tôi.
– Mày cứ lên Sài Gòn rồi kiếm tao, có gì anh em đùm bọc nhau mà sống. Đất Sài Gòn rộng lớn hơn cái làng chài này nhiều, chẳng ai quan tâm mình là ai đâu, miễn sao có chỗ để làm ra đồng tiền là được rồi. Sài Gòn cái gì cũng có. Yên tâm.
Tôi còn hiểu câu nói của Tâm theo một nghĩa khác, ở Sài Gòn, chắc hẳn cũng sẽ có nhiều người con trai nhưng thích con trai như tôi… nên tôi chắc hẳn sẽ không lạc loài, phải lo sợ che giấu bản thân mình như hiện tại.
Vậy là tôi đã có đủ cơ sở vững vàng để bắt đầu thực hiện ước mơ của mình!
Mười tám tuổi và quyết định đổi đời!
Hôm nay là ngày sinh nhật của tôi, lần thứ mười tám! Có vẻ như cuộc sống bận rộn quá nên không ai nhớ đến ngày này… Nhưng dù sao thì tôi cũng nhớ vì đó là ngày của riêng tôi. Buổi cơm chiều, tôi thưa với mẹ chuyện mình sẽ lên Sài Gòn làm việc. Mẹ rất ngạc nhiên, tôi thấy trong mắt mẹ có một chút gì đó do dự, muốn ngăn cản. Nhưng cuối cùng bà cũng đồng ý.
– Thì con cũng lớn rồi, đi đây đi đó để học cái khôn cũng nên. Nhưng đi đâu thì đi, làm gì cũng được, nhớ cẩn thận, giữ thân… Với lại nhớ lời cha dạy, “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”.
Khác với mẹ, hai đứa em la toáng lên, năn nỉ tôi ở lại… Tôi phải dùng hết lời dỗ, chúng mới thôi sụt sịt để đi ngủ… Và trong bữa cơm đó, duy nhất một người không lên tiếng, đó là anh hai.
Đêm khuya, má và hai đứa em đã ngủ. Tôi nằm cạnh anh hai, còn thao thức, hồi hộp về những chuyện đang đợi mình phía trước. Tôi nghe giọng anh hai.
– Còn thức không?
– Dạ còn!
– Thế, mày đi thật à?
– Dạ, đi kiếm cái gì để làm, để học, để giúp nhà…
– Sao phải đi, nhà mình cũng đâu còn khó khăn như trước?
– Dạ…
– Ừ, mà thôi, mày cũng mười tám tuổi rồi, cũng nên đi đây đi đó… Thôi, ngủ đi, à, quên nữa… Chúc mừng sinh nhật nha! – Anh hai khựng lại một chút. – Em trai…
Bất chợt anh hai hôn nhẹ lên trán tôi rồi vòng tay ôm ngang bụng tôi – Cái hành động mà nếu kể ra, cả làng chài này chẳng ai tin rằng anh em chúng tôi vẫn thường dành cho nhau. Chỉ là tôi không nghĩ, anh hai sẽ làm vì lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi thật sự tin mình đã lớn, anh hai không làm thế nữa!… Đêm đó, tôi mơ một giấc mơ thật đẹp.
Mười tám tuổi lẻ một ngày!…
Hôm sau, tôi quyết định sẽ đi ngay vì sợ nếu như để thêm vài ngày nữa thì tình cảm quyến luyến với gia đình sẽ làm chùn bước tôi. Mẹ lấy hết tiền dành dụm của cả nhà, gói ghém được hơn triệu bạc, đưa cho tôi. Tôi mân mê xấp tiền xếp cẩn thận, chực khóc. Mẹ cười.
– Đàn ông đàn ang gì mà…
Tôi lên đường, đón xe vào Sài Gòn, mở ra một bước ngoặt mới trong đời mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.