Đời Callboy

CHƯƠNG 2: SÀI GÒN



Tôi tới Sài Gòn khi trời đã nhá nhem tối. Xe vừa cập bến, một không khí nhộn nhịp, một hình ảnh rực rỡ lung linh sắc màu đã vội tràn vào thị giác. Khác hẳn làng quê cô quạnh với màu xám buồn bã mà tôi đã sống hết mười tám năm đầu đời, Sài Gòn như một bức tranh trộn lẫn bởi những gam màu tươi tắn, sinh động, dẫu tất cả chúng ta đều biết rằng đâu đó vẫn có những mảng xám, những góc khuất tồn tại trong bức tranh ấy.
Cảm giác đầu tiên tôi có được là Sài Gòn thật đông đúc và chật chội, bao nhiêu con người chen chúc nhau trên đường, lăn lộn trong dòng mưu sinh. Tôi biết chẳng bao lâu nữa, chính tôi cũng sẽ hòa mình vào dòng người đó. Cơ thể rồi sẽ phảng phất mùi của bụi đường, của mồ hôi, nắng nóng, mùi của những con người luôn tất bật mưu sinh. Mùi của Sài Gòn. Tôi như đứa bé chập chững bước vào khu vườn thần tiên xa lạ, háo hức nhưng vẫn thoáng gì đó sợ hãi, lo âu.
Bước xuống xe, tôi lúng túng với bao nhiêu lời chèo kéo từ hơn chục người chạy xe ôm chung quanh mình. Họ chỉ vào những hành khách trên xe với những cái tên tự đặt thật buồn cười, “áo đỏ, áo vàng, áo hoa, quần jean đen, giỏ xách bự…”, những cái tên chỉ định để phân chia, tranh giành khách với nhau, và người khách đó có quyết định đi xe hay không thì còn tùy thuộc vào độ may mắn của anh xe ôm.
Tôi cố tách ra khỏi đám đông ồn ào, tay ôm chặt cái giỏ xách trong đó có tiền và vài bộ quần áo đem theo, đầu thì liên tục lắc để từ chối những lời mời chào xe ôm đang bủa vây. Vội băng qua đường, tôi ghé vào một hàng cơm bên vỉa hè, kêu cho mình một đĩa cơm khô khốc rồi từ từ ăn và tính toán những bước tiếp theo trong hành trình đổi đời tại miền đất hứa.
– Em trai mới ở quê lên đây kiếm việc làm hả? – Giọng một người đàn ông hỏi, tôi quay qua nhìn thì thấy một thanh niên khoảng ngoài hai lăm, dáng người gầy và nước da đen nhẻm, mặt dày dặn gió sương, đang ngồi ăn cơm cạnh tôi.
– Dạ? Sao anh biết?
– Nhìn mặt là biết, kiểu như chú mày anh gặp hàng ngày. Để anh giới thiệu cho một chỗ ở, giá bình dân nhưng được cái sạch sẽ, khu an ninh, đàng hoàng.
– Dạ em cảm ơn anh, nhưng em có chỗ ở rồi, chỉ chưa biết đường tới đó.
– À, vậy cũng không sao, anh đây chạy xe ôm nên để anh chở chú em tới đó. Thấy chú em thật thà, anh tính giá hữu nghị cho, có địa chỉ không?
Tôi lấy mảnh giấy ghi địa chỉ trong túi áo ra cho anh xe ôm coi rồi cả hai nhanh chóng ăn hết đĩa cơm bám đầy bụi đường và lên xe để tới chỗ trọ của Tâm. Trong lòng thầm mừng vì gặp được một người tốt, nhiệt tình giúp đỡ mình.
“Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ.
Đường Sài Gòn khúc khuỷu quanh co…”
Tôi bỗng nhớ đến câu hát trong bài hát ru của mẹ khi đi trong lòng Sài Gòn. Vài con đường lấp lánh ánh đèn nê-ông đủ sắc màu, rực rỡ như một đêm vũ hội. Có lần khi ngồi nhậu cùng nhau ở quê, Tâm nói với tôi.
– Ở Sài Gòn, mày chỉ cần có đủ tiền, rồi cứ việc ở trần ở truồng, đi từ đầu đường đến cuối đường là có đầy đủ quần áo, xe cộ, đồng hồ, mắt kiếng.
Đến hôm nay tôi mới hiểu hết những gì Tâm nói. Những cửa hàng tràn ngập trên đường Sài Gòn, họ bán tất cả những thứ hào nhoáng nhất mà con người ta có thể khoác lên mình, quần áo, xe cộ, giày dép, trang sức, đến những thứ hàng hóa mà tôi cũng không biết công dụng của nó để làm gì. Và tôi băn khoăn tự hỏi, liệu họ có bán cả đạo đức và nhân phẩm hay không?
Anh xe ôm thỉnh thoảng hỏi thăm vài câu về gia đình, hoàn cảnh, tôi tình thật kể cho anh nghe về chuyện của mình, cũng như việc đây là lần đầu tiên lên Sài Gòn lập nghiệp. Đi được một lúc thì trời tối hẳn, thấy đi đã lâu nhưng chưa tới, tôi hỏi anh xe ôm, có phần hơi sốt ruột.
– Gần tới chưa anh? Sao em thấy mình đi lòng vòng hoài vậy.
– Trời ơi, địa chỉ xa thì mình phải đi lâu chứ sao chú em. Hết con đường này là tới rồi.
Nói rồi anh ta rẽ vào một con đường nhỏ, rất vắng vẻ và tối tăm, không có bóng xe chạy qua. Đi được khoảng nửa đường thì anh ta dừng lại, tôi lo lắng hỏi:
– Ủa, sao anh dừng lại giữa đường?
– Chú đứng coi xe, chờ anh chút. Anh tấp vào lề đường giải quyết một cái rồi đi tiếp, mắc tè quá.
Tôi đứng ngoài xe chờ đợi, nhìn anh xe ôm lịch phịch chạy vào vách tường loang lổ vệt vôi tróc ra từng mảng rồi “giải quyết nhu cầu sinh lý”. Xong việc, anh xe ôm đi ngược ra, mắt nhìn lom lom về phía tôi. Khi tới gần sát chỗ tôi đang đứng, hắn bất thần tống cho tôi một cú đá thật mạnh vào ngay bụng khiến tôi ngã khuỵu xuống đường, và trong lúc tôi còn chưa hoàn hồn, hắn ta đưa tay giựt cái giỏ xách của tôi rồi nhảy thốc lên xe, rồ ga chạy đi mất.
Mọi việc xảy ra trong vòng chưa đầy một phút, khi tôi loạng choạng đứng dậy, phủi bụi đất trên tay chân mình rồi bàng hoàng nhìn về con đường heo hút trước mắt. Tên xe ôm đã không còn thấy bóng dáng và chắc chắn rằng tôi cũng sẽ không tìm được hắn ngay trong lúc này. Vậy là coi như đi tong số tiền trong giỏ xách. Lúc chuẩn bị soạn đồ cho chuyến đi, mẹ dặn tôi rằng “Con đừng bỏ hết tiền vào bóp, trên Sài Gòn có biết người tốt người xấu thế nào đâu, lỡ mà có bị móc bóp vẫn còn tiền trong giỏ xách…” Nhưng ngờ đâu cẩn thận như thế để rồi bị giật mất cái giỏ xách, đúng là người tính không bằng trời tính. Khi đã biết chắc chắn rằng mình đã bị tên xe ôm lừa gạt và giật mất giỏ xách, không thể nào lấy lại được, tôi mới định thần, đưa tay lục lọi trong túi quần, túi áo và cũng may là còn lại mảnh giấy ghi địa chỉ của Tâm với mấy chục ngàn đồng.
Chân lang thang ra khỏi con đường vắng vẻ ban nãy, cứ thế tôi bước vô định trên những đường Sài Gòn tấp nập, không biết mình đang đi đâu và đi trong bao lâu. Tôi qua nhiều con đường, đèn vàng sáng đến lóa mắt, người nhiều tới mức nhức cả đầu. Có vài người chạy xe ôm hỏi coi tôi muốn về đâu nhưng tôi chỉ lắc đầu rồi lẳng lặng đi tiếp, đứt tay rồi, có ai mà không sợ cầm dao. Cuối cùng khi chân đã mỏi rã rời, tôi dừng lại nghỉ ở một hồ nước lớn mà về sau mới biết là hồ Con Rùa. Thấy bên góc đường có xe bánh mỳ, tôi lại mua một ổ và lân la hỏi thăm bà bán hàng về địa chỉ chỗ Tâm trọ.
– Cái địa chỉ này tuốt dưới Tân Bình, từ đây xuống đó hơi xa à nha. Cậu có muốn đi thì để tui nói chồng tui chở cậu đi, ổng chạy xe ôm gần đây.
Tôi tính lắc đầu từ chối nhưng rồi ngẫm lại, giờ mình cũng chả còn cái gì để mà mất nên cũng liều để chồng bà bánh mỳ chở đi.
– Cậu đúng là xui, gặp ngay cái đám lừa gạt giựt đồ đó. Tụi tui chạy xe ôm đàng hoàng chân chính nhưng cũng bị đám giựt đồ đó làm cho mang tiếng, cậu có cần tui chở đi tới công an hay quản lý bến xe để nhờ bắt cái thằng đó không?
– Dạ thôi thôi… Mất không bao nhiêu tiền, với lại con lạ nước lạ cái lên đây, mắc công phiền phức lắm chú ơi.
– Cậu không chịu thì thôi nhưng thể nào ngày mai tui cũng tới bến xe để nói cho ban quản lý biết vụ này, để người ta biết mà còn chấn chỉnh, không cho đám giựt đồ đó ra tay hại thêm ai nữa. Tại có mấy người sợ phiền phức như cậu, không dám báo công an nên đám đó mới lộng hành như vậy.
Mới tới Sài Gòn vài tiếng nhưng tôi đã được gặp cả hai loại người tốt và xấu trong cùng một ngành nghề, và tự hỏi mình, rồi đây khi sống ở mảnh đất này, tôi sẽ còn gặp bao nhiêu con người thuộc bao nhiêu dạng khác nhau?
Ông xe ôm cho tôi dừng lại trước cửa một dãy phòng xây san sát nhau, cùng chung một kiểu. Nhìn vào có thể nhận ra ngay là khu nhà ở dành cho sinh viên, công nhân hay những người thu nhập không cao. Đang đứng lóng ngóng trước cửa nhà, một phụ nữ lớn tuổi bước ra hỏi tôi.
– Cậu là ai? Muốn thuê phòng trọ hay kiếm người?
– Dạ, cô cho con hỏi ở đây có ai tên Tâm, ở phòng số 12 không cô.
– Ừ, phòng 12 là phòng của thằng Tâm. Nhưng hình như nó đi ra ngoài rồi, thấy khóa cửa phòng.
– Cô cho con ngồi chờ nó một chút được không?
– Nó đi biết khi nào về, làm sao tui cho cậu ngồi chờ được, có biết cậu là ai đâu, lỡ có mất mát gì, ai chịu trách nhiệm. Cậu muốn chờ thì qua bên kia đường, có quán café lề đường, ngồi đó mà chờ nó.
Tôi theo hướng tay bà chủ nhà chỉ, qua bên đường ngồi chờ Tâm. Ban đầu tính vào quán café kêu một ly uống nhưng rồi chợt nhớ số tiền cuối cùng còn sót lại đã mua bánh mì và trả tiền xe ôm, thế là tôi đành ngồi trước mái hiên một căn nhà đã đóng cửa. Đợi mãi đến hơn nửa đêm cũng không thấy Tâm về, bụng tôi lại đói cồn cào, đang tuổi lớn, cả buổi tối chỉ có một ổ bánh mỳ làm sao đủ no. Tôi mở cái bọc ny-lon, bên trong còn nửa ổ bánh mỳ mua lúc nãy ra rồi ngồi ngấu nghiến cho qua cơn đói. Ngồi xé từng mẩu bỏ vào miệng, cố nuốt để quên đi sự khô khốc của nó, một cảm giác mệt mỏi xộc vào cơ thể. Nếu giờ này ở nhà, tôi đã yên giấc trong chăn ấm nệm êm, đâu phải vất vưởng giữa đường thế này. Bữa tối đầu tiên tại Sài Gòn, cả đời tôi không bao giờ quên món ăn này, bánh mỳ có vị mặn của nước mắt.
Thỉnh thoảng lại có người đi ngang qua tôi, họ dừng ánh mắt tại chỗ tôi ngồi rồi nhanh chóng bước đi tiếp. Có lẽ hình ảnh một thằng con trai ngồi nhai bánh mỳ và tấm tức khóc trên lề đường lúc nửa đêm như vậy là quá đỗi bình thường tại Sài Gòn, không đáng để mọi người bận tâm. Lúc đó, tôi chỉ biết co người thật nhỏ, túm tụm vào bóng tối, hy vọng trong màn đêm ấy, cái tôi nhỏ bé còn sót lại sẽ được chở che, bảo vệ.
Hơn một giờ sáng, có tiếng xe máy dừng lại bên hướng phòng trọ. Tôi kéo mình khỏi cơn buồn ngủ, nhướng mắt nhìn về phía có tiếng xe rồi mừng rỡ nhận ra, cuối cùng thì Tâm cũng về. Nó bước xuống xe của một thanh niên khác, vẫy tay chào tạm biệt. Người kia rồ ga chạy mất, tôi cũng nhanh chóng đứng dậy, mau mắn chạy tới gặp Tâm.
– Trời, thằng quỷ, sao mày lên mà không báo trước cho tao biết. Đi… đi ra quán nhậu với tao tiếp. – Tâm quàng tay qua vai tôi rồi kéo đi nhưng tôi vội từ chối vì thấy người nó nồng nặc mùi rượu. Thằng này chắc say lắm rồi đây.
Trầy trật mãi cũng đưa được Tâm vào phòng trọ. Tính nói chuyện với nó nhiều hơn về những việc vừa xảy ra cho mình nhưng thằng Tâm vừa nằm xuống đã lăn quay ra ngủ như người chết rồi. Tôi đau khổ nhìn nó rồi cũng kiếm một cái gối nhỏ nằm cạnh. Căn phòng trọ nhỏ hẹp nhưng lại chất đầy đồ đạc, quần áo của Tâm vất lung tung khắp nơi. Con trai sống một mình xa nhà, chuyện này chắc khó tránh khỏi. Có lẽ do lạ chỗ, cũng như còn mải suy nghĩ về những ngày tiếp theo làm sao để sống nên tôi cứ nằm trằn trọc mãi, không thể nhắm mắt mà ngủ cho yên giấc. Bỗng dưng, Tâm trở người rồi quay qua ôm tôi. Một chân nó gác qua người, còn tay thì ôm ngang ngực tôi. Chắc thằng này ngủ say quá rồi nghĩ tôi là cái gối ôm của nó. Tôi tính đưa tay đẩy nó ra nhưng chưa kịp thì nó đã ôm siết lấy tôi chặt hơn. Hơi thở Tâm nóng hổi phả vào gáy tôi, bất giác làm tôi nổi da gà.
Có cái gì đó bối rối, ngại ngùng, pha lẫn một chút kích thích trong tôi. Tôi thấy cơ thể nóng lên, tim đập nhanh và loạn nhịp. Tôi nằm yên một lúc, rồi chầm chậm quay qua nhìn Tâm. Nó vẫn đang ngủ say, hơi thở đều đều phảng phất mùi rượu xộc vào khứu giác làm những cảm xúc trong tôi càng rối ren hơn.
Bất ngờ, Tâm hôn tôi.
Môi nó chạm vào tôi lúc nào không biết, rất nhẹ nhàng và rất nhanh. Tôi quay mặt đi, tính đẩy nó ra nhưng một ma lực nào đó kéo tôi về phía Tâm, về phía những kích thích, những hưng phấn chưa lần nào trong đời được trải nghiệm. Tôi không biết diễn tả cảm xúc lúc đấy của mình như thế nào cho mạch lạc, chính xác, những cảm xúc hỗn độn, leng keng cứ thế va chạm vào nhau sâu thẳm trong lòng. Khi đó, tôi chưa có bất cứ khái niệm nào về quan hệ đồng tính, về tình dục, nhưng khi Tâm hôn tôi, trong mớ cảm xúc hỗn loạn đó, tôi vẫn gọi tên được một thứ rõ ràng và hiện hữu nhất.
Đó là ham muốn.
Không biết tôi và Tâm hôn nhau trong bao lâu. Sau khi rời môi nhau ra, Tâm tiếp tục lăn ra ngủ. Còn tôi nằm yên đó, đầu óc chếnh choáng vì những dư vị của nụ hôn đầu đời… Nụ hôn đầu đời với một thằng con trai khác.
 
o O o
 
– Dậy đi mày, ngủ gì ngủ dữ vậy.
Tôi lơ mơ mở mắt dậy, thì ra đêm qua sau khi trằn trọc cả đêm, tôi ngủ quên lúc nào không hay.
– Tối qua tao đi nhậu về, xỉn quá, mày đỡ tao vào nhà hả?
Thằng Tâm vô tư hỏi chuyện, hình như nó không còn nhớ gì xảy ra tối qua. Tôi ngồi dậy, rửa mặt rồi kể lại cho Tâm nghe những gì mình đã trải qua, dĩ nhiên bỏ qua chi tiết tôi và Tâm hôn nhau.
– Mày đúng xui thật, thôi thì bây giờ cứ ở đây tạm với tao, quần áo thì mặc đồ tao, chắc cũng vừa. Còn vụ tiền bạc, tao cho mày mượn đỡ mấy trăm ngàn để xài vài ngày thì không thành vấn đề nhưng còn lâu dài phải tìm cách. Mày có báo tin cho nhà biết chưa?
Chút sau, Tâm chở tôi đi ra bưu điện gần đó gọi điện thoại về nhà báo tin mình đã bình an lên đây gặp Tâm, nhưng tôi không kể cho má nghe chuyện mình bị giựt mất giỏ xách. Mắc công má lại lo lắng, rồi sẽ đòi gởi tiền cho tôi. Đã quyết định lên Sài Gòn lập nghiệp, tôi không muốn mình vẫn còn là một gánh nặng cho gia đình.
– Mày coi có việc gì làm, giới thiệu cho tao nhanh nhanh đi Tâm. Tao muốn đi làm kiếm tiền, chứ mày thấy đó, giờ không còn một cắc trong túi, làm sao mà sống.
– Cái gì thì cũng phải từ từ… Nghỉ ngơi hết ngày hôm nay đi, mai tao tính cho.
Tối, Tâm lấy xe chở tôi lượn lờ Sài Gòn, cho biết đó biết đây, như lời nó nói. Vẫn là những con đường chật kín người và xe cộ, thỉnh thoảng, một vài cái lô-cốt chắn ngang đường đi khiến vài người văng tục, trút sự bực dọc của bản thân lên những vật vô tri giác.
– Đất Sài Gòn là vậy mày ơi, đâu đâu cũng nghẹt người. Đi làm ở đây, hơi cực vì lúc nào cũng bị hăm đuổi, người cần việc thì nhiều, còn việc cần người thì ít. Tao cũng như mày, bằng cấp thì không, lóng nga lóng ngóng trên cái đất Sài Gòn này, cuối cùng thì chọn đi làm cái nghề đang làm. – Tâm nói chuyện cùng tôi khi hai đứa đang nằm chuẩn bị đi ngủ.
– Mày… có hỏi giùm tao chuyện đi làm chưa? Thiệt tình tao cần việc làm lắm.
– Yên tâm đi, tao hỏi rồi, có cái quán nhậu đang cần người giữ xe, dắt xe cho khách, làm từ 5 giờ chiều đến 12 giờ tối, lương 900 ngàn một tháng, bao ăn một buổi tối. Tao biết bắt mày đi giữ xe cho người ta thì cũng kỳ nhưng hiện tại bên tao chưa có tuyển thêm người, mày làm đỡ việc này kiếm tiền sống, khi nào bên tao tuyển, tao gọi mày qua. Cứ suy nghĩ đi.
– Thôi, suy nghĩ cái gì nữa, có việc làm là mừng lắm rồi, tao đâu có bằng cấp, học hành gì mà yêu cầu công việc cao sang. Mày nói người ta là tao đi làm khi nào cũng được nha. – Tôi gật đầu quả quyết với Tâm về chỗ làm mà nó giới thiệu. Sống dựa vào tiền của nó mấy ngày nay, tôi phải nhanh chóng đi làm để trả lại, kéo dài tình trạng này quả thật không hay.
 
o O o
 
Hai ngày sau, Tâm chở tôi đến một quán nhậu trong hẻm lớn, gặp chủ quán.
– Đây là Quân mà mày nói hả Tâm?
– Dạ, thằng này nó cùng quê, cùng xóm với em, tính tình thật thà, ngay thẳng lắm. Đang cần việc làm nên em giới thiệu qua chỗ anh Bảy làm giữ xe.
Tôi gật đầu chào người tên Bảy mà Tâm vừa giới thiệu. Đó là một người đàn ông trung niên, khoảng ngoài bốn mươi, dáng người bệ vệ với cái bụng óc ách, chắc chứa đầy bia và mồi nhậu.
– Ừ, thằng này nhìn tướng tá cao to, bặm trợn, làm giữ xe chắc không ai dám ăn cắp đâu. Với lại thằng Tâm là chỗ quen biết giới thiệu nên tao cũng tin tưởng. Khi nào đi làm được hả mậy?
– Dạ khi nào cũng được anh Bảy. – Tôi vội trả lời.
– Vậy ra làm liền, sớm ngày nào hay ngày đó.
Ông Bảy nói rồi dẫn tôi ra bãi xe trước vỉa hè của quán nhậu. Mặc dù đây là một con hẻm nhỏ nhưng thấy số lượng bàn mà quán bày biện, tôi đoán được đây là một quán nhậu đắt khách của Sài Gòn. Mới hơn 5 giờ chiều đã có vài bàn ngồi lai rai, bãi giữ xe cũng hơn chục chiếc.
– Đây là thằng Quân, nhân viên giữ xe mới, còn đây là Mạnh, đang làm giữ xe cho quán, mấy bữa thằng Quân vô thì thằng Mạnh vào trong chạy bàn. Mạnh coi chỉ lại cho nó phải làm cái gì đi nghe chưa.
Ông Bảy dặn dò xong thì bỏ vào trong quán, để lại người tên Mạnh và tôi. Công việc giữ xe, trông chừng xe khách vào ăn thực ra cũng không có gì phức tạp, chỉ là khi người ta tới, ghi thẻ xe rồi đưa cho khách, có người về thì dắt xe ra, khéo léo một chút đừng để trầy xe thì sẽ không bị la. Tính ra cũng không phải là một công việc nặng nhọc hay phức tạp. Thế là từ ngày hôm đó, tôi bắt đầu với công việc giữ xe tại quán nhậu ông Bảy.
 
o O o
 
Bước chân ra làm việc, bước chân vào đời, va chạm và cọ sát với xã hội, làm sao tránh khỏi những vấp váp, vụng dại, tôi cũng đã chịu những thứ ấy hơn đôi lần. Khách vào nhậu, đủ mọi hạng người, sang hèn, cao thấp. Có những người ăn mặc tồi tàn, nhếch nhác nhưng lần nào cũng buông một tiếng cảm ơn khi tôi dắt xe, nhưng cũng có nhiều người ăn mặc lịch thiệp, hào nhoáng, lại bĩu môi khi thấy lưng tôi ướt đẫm mồ hôi vì công việc. Có lần đang dắt xe cho khách, tôi vướng phải chân chính người khách đó do ông ta đang say gà gật kế bên. Tôi và chiếc xe máy của khách ngã lăn ra đường. Lão khách thấy vậy liền hét lên.
– Mẹ mày… có cái xe mà dắt không nổi, ông Bảy mướn mày làm chi không biết. Xe tao mắc lắm nha mậy, trầy một miếng mày đách có tiền đền đâu nha con.
Ông Bảy từ trong nhà nghe ồn ào liền chạy ra, rồi bắt tôi xin lỗi khách, không cần hỏi thăm xem lỗi là do ai. Khách hàng là thượng đế. Người khách say xỉn đi rồi, ông Bảy cũng bỏ vào nhà, không quên lừ mắt nhìn tôi đầy đe dọa, cảnh cáo. Mình là người làm công, người ta là chủ, người ta bỏ đồng tiền ra để nuôi sống mình, thế nên… mình phải nhịn. Tôi tự nhủ rồi lại lui cui dắt xe.
Tháng lương đầu tiên, tôi cầm 900 ngàn trong tay, những đồng tiền còn nhớt nhợt vết dầu mỡ. Không hiểu sao lúc đó, tôi lại đưa những tờ giấy bạc nhàu nát lên ngang mặt mình, rồi hít một hơi thật dài. Mùi giấy bạc, mùi tanh tưởi của những bàn tay và cả mùi mồ hôi của chính bản thân mình xộc vào mũi. Thứ mùi của lao động. Mười tám năm sống được sự bảo bọc của gia đình, lần đầu tiên tôi tự bước chân ra đời và kiếm tiền nuôi sống chính mình… Cảm giác đó, thật sự khiến cho người ta phải dừng lại một nhịp thở để cảm nhận và khắc ghi nó vào sâu trong tâm thức, giữa vô vàn những cảm giác khiến ta nhớ mãi. Tôi lấy 400 ngàn đưa cho Tâm nhưng nó không nhận, đưa lại cho tôi rồi nói.
– Mày cứ giữ đi, tháng đầu, cần tiền để xoay sở cho cả tháng, tới tháng sau có dư hơn rồi đưa tao.
Tôi thầm cảm ơn Tâm rồi lôi mớ tiền ra đếm lại một lần nữa, chia nó ra thành những khoản nhỏ, dành cho chi tiêu, dành để mua quần áo, dành để ăn… Những đồng tiền đầu tiên tôi tự kiếm về bằng sức lao động của mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.