Dám Thất Bại

CHƯƠNG 5: THẤT BẠI



Ngày nay, trên thị trường có rất nhiều sách bàn luận về sự thành công. Làm thế nào để thành công, làm thế nào để đạt được điều mình mong muốn,v.v… Theo như tôi biết, có rất ít sách viết về chủ đề thất bại. Tôi đoán rằng sở dĩ sự thất bại không được nhắc đến nhiều là vì cả xã hội chúng ta đã được “lên chương trình” để tránh xa sự thất bại. Vì thế, chúng ta xem thường những kẻ bị thất bại và nhìn những kẻ “bỏ cuộc” bằng con mắt khác hẳn. Thất bại bị xem là điều cấm kỵ. Chúng ta đánh giá người khác qua những thành tựu họ đạt được. Chúng ta đánh giá cao “sự thành công” và đánh giá thấp, thậm chí không thèm nhìn nhận “sự thất bại”.
Vậy liệu sự thất bại có giá trị hay chẳng có ý nghĩa gì cả? Nếu thật sự là thế, tại sao nó lại hiện diện trong cuộc đời của tất cả những vĩ nhân, mà qua sách vở tôi đã may mắn biết đến tại sao càng chịu nhiều thất bại, họ lại càng trở nên vĩ đại hơn?
Thậm chí tôi có thể nói rằng những thất bại “vĩ đại” đã thật sự làm nên những con người “vĩ đại”! Có rất ít vĩ nhân chưa từng chịu đựng gian khổ và thất bại trong cuộc đời.
Thật ra, gian khổ và thất bại tạo ra rất nhiều vĩ nhân và tôi dám nói rằng giá trí của sự thất bại lớn hơn nhiều so với sự thành công. Nhưng than ôi, nhiều người không nhận ra điều đó; suốt ngày, chúng ta chỉ nghĩ đến chiến thắng và chiến thắng mà tôi.
Ta có thể tóm tắt quan điểm này bằng một phát biểu của Vincent Lombardi (một huấn luyện viên của Mỹ):
“Chiến thắng không phải là việc một sớm một chiều, mà là việc của cả đời.”
Tôi hoàn toàn không có ý xúc phạm đến ông Lombardi vì tôi biết ông chỉ muốn nói lên ý nghĩ của mình. Nhưng tiếc thay, đôi khi người ta lại hiểu nó một cách quá máy móc. Theo tôi, ta nên hiểu như thế này:
“Chiến thắng và thất bại không phải là việc một sớm một chiều
Chiến thắng và thất bại là việc suốt đời”
Chiến thắng được ca ngợi quá nhiều đến nỗi ta đã quên mất một việc, đó là nhờ những bại học từ sự thất bại mà ta trở thành những người chiến thắng vĩ đại hơn!
Thật hết sức nguy hiểm khi chỉ ca ngợi chiến thắng và thành công vì nhiều người đã cố gắng mà vẫn thất bại, sẽ có định kiến về thất bại và không bao giờ có thể gượng dậy được nữa.
Qua báo chí, ta đã từng biết đến nhiều nhân vật thành đạt đã tìm đến cái chết sau một lần thất bại nặng nề. Những thanh niên đã từng dám thử sức nhưng gặp phải thất bại thường dễ lâm vào tình trạng tuyệt vọng và tìm quên lãng. Không phải những thanh niên này không thể đương đầu với thất vại mà vì thương tổn do thất bại gây nên quá nặng nề; thêm vào đó, xã hội đã rút hết “những tấm ván” ngay bên dưới họ, khiến họ không cò sự chọn lựa nào khác ngoài việc chấp nhận “chìm xuồng”!
Ta cũng từng biết đến câu châm ngôn:
“Hãy cho tôi mười kẻ thất bại ê chề, tôi sẽ trả lại bạn mười người thành công rực rỡ”.
Cách đây một thời gian, không biết may hay rủi, tôi đã được xem một trận đấu quần vợt. Chưa bao giờ tôi thấy một người thua cuộc thảm hại đến như vậy. Dường như có rất nhiều người thua cuộc như thế trên thế giới và họ có thể thoát khỏi những lời gièm pha. Hình như người ta tin rằng, nếu nguyền rủa và bang bổ lúc thất bại, sau ngày bạn sẽ có tiềm năng để trở thành người chiến thắng vẻ vang. Nhưng tôi lại nghĩ, cùng lắm những người như thế chỉ có thể là người thắng cuộc “tệ hại” chứ không thể là người chiến thắng “vĩ đại”. Tôi tin rằng người chiến thắng vĩ đại là người hiểu được thất bại thật sự là gì! Như câu châm ngôn dưới đây:
“Hãy cho tôi 10 người thất bại đã hiểu được ý nghĩa của sự thất bại, tôi sẽ trả lại bạn 10 người thành ông rực rỡ!”
Có lẽ đây là một quan niệm sai lầm về cái gọi là “sự thành công”.
Nhiều người có khuynh hướng kết hợp thành tích với thành công và kết hợp thành tích chưa đạt được với sự thất bại.
Nếu bạn giành được một thỏi vàng, bạn là người thành công. Còn ngược lại, nếu chưa từng có được mẩu vàng nào, bạn là kẻ thất bại.
Nếu bạn có bằng cấp, bạn là người thành công. Không có, bạn là kẻ thất bại.
Nếu hoàn tất được hợp đồng, bạn là người thành công. Không hoàn tất được, bạn là kẻ thất bại.
Nếu tìm được việc, bạn là người thành công. Không tìm được, bạn là kẻ thất bại.
Nếu biết cách chinh phục người yêu, bạn là người thành công. Không biết cách, bạn là kẻ thất bại.
Một số người định nghĩa “ sự thành công” là một cuộc hành trình kéo dài từ ngày này qua ngày khác, hướng về một mục tiêu có giá trị được đề ra từ trước. Theo tôi, đây là một trong những định nghĩa hay nhất về sự thành công. Nhưng điều mà tôi thật sự muốn nhắm đến ở đây là khía cạnh thất bại của cuộc hành trình. Có phải nó thật sự tệ hại không?
Trong cuộc hành trình xuyên suốt cuộc đời mình, ta luôn nghĩ rằng nắng có lợi cho ta – và đặt nó ngang hàng với thành công, còn mưa thì có hại nên luôn bị gắn liền với thất bại. Hầu hết chúng ta đều không thích mưa. Ta chỉ yêu thích nắng. Ta thích những lúc hạnh phúc hơn những khi đau khổ.
Nhưng phải chăng tất cả những giây phút hạnh phúc đều tuyệt vời và những khoảnh khắc đau khổ tệ hại?
Điều gì sẽ xảy ra nếu ta phơi nắng mỗi ngày?
Ta sẽ bị sặm nắng và thậm chí bị ung thư da! Còn nếu chúng ta đứng dưới mưa mỗi ngày thì sao? Ta sẽ bị viêm phổi và thậm chí mất cả mạng vì cảm lạnh. Có vẻ như cả hai phía đều không tìm ra lời giải. Tuy nhiên, ta biết rằng cả nắng và mưa đều cho ta lợi ích. Như một người uyên bác đã từng nói:
“Mùa hè thì ngọt ngào, mưa thật dễ chịu, gió làm ta sảng khoái, tuyết làm ta phấn chấn, không có thời tiết nào xấu cả, chỉ có những thời tiết đẹp khác nhau mà thôi.”
“Điều tốt luôn đến từ điều xấu”.
MỘT SẢN PHẨM THẤT BẠI!
3M Post-it Notes (loại giấy dùng để ghi chú có keo dán) là một loại giấy dán không đáp ứng bất kỳ cuộc kiểm tra chất lượng nào của 3M – một loại giấy dán hoàn toàn không hiệu quả – loại giấy không thể dính một cách chắc chắn được. Thế mà, vào năm 1982, nó là một sản phẩm mới thành công nhất trong lịch sử kinh doanh của công ty 3M và luôn là một trong 5 sản phẩm sinh lãi nhất trong ngành kinh doanh văn phòng phẩm, với doanh thu hơn 100 triệu USD hàng năm. Vậy xét cho cùng thì thất bại cũng không tệ lắm!
Chúng ta đã từng nghe nhiều câu châm ngôn nói về sự thành công có vể hơi mỉa mai:
“Thành công là một cuộc hành trình không đích đến – chỉ có một nửa niềm vui ở đó.”
Gita Bellin
“Đúng là phải có một đích đến để chuyến đi hướng về đó, nhưng vấn đề là ở chỗ chuyến đi này không có điểm dừng.”
Moula Le Guin
“Sự thỏa mãn nằm trong nỗ lự, chứ không phải trong mục đích đạt được. Nỗ lực càng nhiều, chiến thắng càng vẻ vang.”
Mahatma Gandhi
[Mahatma Gandhi, “vị cha già” của Ấn Độ, là một ví dụ để minh họa điều này. Vào lúc cuối đời, ông đã ra đi với hai bàn tay trắng nhưng giả sử vào lúc đó, ông muốn đem theo của cải vật chất, liệu ông có thể đem theo không? Chắc chắn là được! Ông là người đã nắm giữ được “cầu vồng”. Một người có của cải vật chất không thể nắm giữ được “cầu vồng”, nhưng người đã nắm giữ được ‘cầu vồng” sẽ có sự giàu có về vật chất nếu họ muốn!
Được tôn kính như cha đẻ của Ấn Độ, ông là luật sư vĩ đại nhất ủng hộ chủ trương bất bạo động. Ông trở thành lãnh tụ của đảng Quốc đại và giành độc lập cho Ấn Độ bằng việc đấu tranh chông lại đế quốc Anh.
Ông mất đi mà cứ ngỡ rằng mình đã thất bại và thông điệp bất bạo động của mình không được người ta biết đến.]
Vậy đâu mới là thành công thật sự? Tôi chắc rằng tất cả chúng ta đều đã biết hoặc đã nhìn thấy cầu vồng. Các bạn có đồng ý với tôi rằng đó là một trong những phong cảnh tuyệt vời nhất trên thế giới không? Nó xuất hiện như thế nào? Nó chỉ có thể xuất hiện khi có một sự họa hợp giữa nắng và mưa. Nếu thiếu một trong hai yếu tố này, cầu vồng sẽ biến mất. Ta cần có cả nắng và mưa để tạo nên cầu vồng và như một câu tục ngữ đã nói: “Ở đoạn cuối cầu vồng là hũ vàng của bạn.” Điều này thật chính xác. Chúng ta cần cả “thành công” lẫn “thất bại” để tìm ra “cầu vồng” của riêng mình.
Đối với tôi, khả năng giữ được cầu vồng mới đúng là thành công thực sự. Bất cứ ai thực sự hiểu được điều này sẽ lấy được hũ vàng mà mình ao ước bấy lâu.
Tôi đã vỡ lẽ ra rằng sự thất bại là một phần của tiến trình phát triển. Nó cũng giống như tuổi già vậy. Nhiều người không hiểu nó, sợ hãi và căm ghét nó. Nhưng từ lúc được sinh ra, chúng ta đã bị đặt vào một tiến trình thất bại cùng với sự phát triển. Các tế bào già cỗi chết đi và được thay thế bằng những tế bào mới. Đây là một quá trình tái sinh liên tục. Khi một cây già chết đi, các tế bào vỡ ra thành các nguyên tố sau này sẽ trở thành chất dinh dưỡng đẻ nuôi mầm mới, và các mầm này sẽ phát triển thành một cây mới.
Các tế bào trong cơ thể ta không đủ khả năng dùy trì sự phát triển mà không chết. Nếu một nhóm tế bào làm được điều này, tức là phát triển không cân xứng và hấp thu dinh dưỡng từ các tế bào bên cạnh, thì theo thuật ngữ y học, đó sẽ là các tế bào UNG THƯ!
Cũng như tiến trình thành công, trong cơ thể ta còn có một quá trình thất bại tồn tại song song. Nhưng không có gì đáng sợ cả bởi vì đó là một phần của quá trình tiến hóa và phát triển. Hãy nhớ rằng một con rắn không thể lớn nếu lớp da cũ của nó không được loại bỏ. Không chỉ đèn xanh mới tốt. Ta cũng cần đèn đỏ nữa. Ta cần đèn đỏ để dừng lại, quan sát và đi tiếp!
Một mình “ánh nắng” không làm cuộc sống ta hạnh phúc được. Trong cuộc đời của mỗi người phải có vài “cơn mưa” đổ xuống. Câu tục ngữ này quả thật rất chính xác. Nó không nói “nên có” hay “cần có” mà là “phải có” vài cơn mưa đổ xuống.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.