Chiếc xe lao nhanh vào khe núi tăm tối, bẩn thỉu của Phố Wall, trung tâm New York.
Ngón tay Amelia Sachs nhẹ nhàng nhảy múa trên vô lăng khi cô cố gắng hình dung nơi T.J. Colfax có thể bị giam giữ. Việc tìm kiếm cô ta xem ra vô vọng. Quận Tài chính mà cô đang tiến đến gần, chưa bao giờ trông nó lại lớn đến vậy, đầy những ngõ ngách, đầy những miệng cống, đầy những cửa ra vào và những tòa nhà lấm tấm những ô cửa sổ màu đen.
Quá nhiều chỗ để giấu con tin.
Cô nhớ lại cái cảnh mà cô đã nhìn thấy, một bàn tay thò ra từ lỗ huyệt bên cạnh đường ray. Chiếc nhẫn kim cương trên ngón tay máu me, xương xẩu. Sachs nhận ra kiểu nữ trang đó. Cô gọi chúng là những chiếc nhẫn an ủi – kiểu nhẫn mà những cô gái giàu có, cô đơn hay mua cho mình. Kiểu nhẫn mà cô sẽ đeo nếu cô giàu có.
Lao nhanh xuống phía nam, vượt qua những người đưa tin đi xe đạp và những chiếc taxi.
Ngay cả trong buổi chiều chói chang này, dưới ánh mặt trời bực bội, đây vẫn cứ là vùng kinh khủng của thành phố. Những tòa nhà tỏa bóng râm kinh dị và bị bao phủ bởi bóng tối khủng khiếp như máu khô.
Sachs rẽ với tốc độ bốn mươi, trượt bánh xe trên mặt đường nhựa mềm như bọt biển và lại nhấn ga để tăng tốc độ lên sáu mươi.
Động cơ hết ý, cô nghĩ. Và quyết định thử xem chiếc xe sẽ tuyệt như thế nào khi điều khiển với tốc độ bảy mươi.
Nhiều năm trước, trong khi cha cô ngủ – ông thường làm ca từ ba giờ tới mười một giờ – thiếu nữ Amie Sachs thường lấy chìa khóa chiếc Camaro của ông, nói với mẹ là cô đi mua đồ và hỏi xem mẹ có muốn mua gì ở cửa hiệu thịt lợn Fort Halminton hay không. Trước khi mẹ cô kịp trả lời: “Không, nhưng con đi tàu thôi, không được lái xe đâu nhé”, thì cô bé đã biến mất ngoài cửa, khởi động xe và lao về phía tây.
Về nhà sau ba tiếng, không có thịt lợn, Amie sẽ lẩn lên cầu thang để rồi phải đối mặt với người mẹ đang vô cùng giận dữ với trò tiêu khiển của con gái mình, bà sẽ lại giảng giải cho cô về nguy cơ mang thai và chuyện đó sẽ phá hoại cơ hội kiếm hàng triệu đô la bằng nghề người mẫu nhờ khuôn mặt xinh đẹp của cô như thế nào. Rồi cuối cùng, khi biết được rằng cô không ngủ lang đâu đó mà chỉ lái xe với tốc độ một trăm dặm một giờ trên đường cao tốc Long Island, bà lại càng giận dữ và tiếp tục giảng giải cho cô về việc làm hỏng mất khuôn mặt xinh đẹp và chuyện đó sẽ phá hoại cơ hội kiếm hàng triệu đô la bằng nghề người mẫu như thế nào.
Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nữa khi cô có bằng lái xe.
Còn bây giờ thì Sachs đang bị kẹp giữa hai chiếc xe tải hai tầng, hy vọng không hành khách hay tài xế nào lại tự nhiên mở cửa. Trong nháy mắt, cô đã vượt qua họ.
Khi ta di chuyển, chúng không thể bắt được ta…
Lon Sellitto xoa khuôn mặt béo tròn của anh ta bằng những ngón tay chuối nắn và không buồn để ý đến việc lái chiếc Indy 500. Ông nói chuyện với đối tác của mình về vụ án như một kế toán viên nói về bảng cân đối lỗ lãi. Còn Banks, anh ta không đắm đuối nhìn trộm đôi mắt và cặp môi của Sachs nữa mà bắt đầu nhìn tốc kế mỗi phút một lần.
Họ trượt đi trong một cú cua điên dại khi qua cầu Brooklyn. Cô lại nghĩ về việc giam giữ người phụ nữ, hình dung ra những chiếc móng tay dài, lịch thiệp của T.J. khi cô gõ tay mình lên vô lăng. Cô ta lại hiện lên trong tâm trí cô, hình ảnh đó không chịu biến mất: một cánh tay như nhánh cây thò ra khỏi lỗ huyệt ẩm ướt. Một cái xương máu me.
“Anh ta có vẻ hơi điên điên”, cô đột nhiên nói, để đổi hướng suy nghĩ.
“Ai?” Sellitto hỏi.
“Rhyme.”
Banks thêm: “Hỏi tôi đây này, anh ta trông giống em của Howard Hughes[57].”
“Đúng, điều đó làm tôi thấy ngạc nhiên”, viên thám tử lớn tuổi hơn công nhận. “Trông không ổn lắm. Đã từng là một anh chàng đẹp trai. Nhưng mọi người biết đấy. Sau tất cả những gì anh ta phải trải qua. Làm thế nào mà cô lại lái xe như thế, Sachs, cô là cảnh sát tuần tra à?”
“Khi tôi bị chỉ định. Họ không yêu cầu. Họ nói với tôi.” Giống như anh vừa làm xong, cô nghĩ. “Anh ta có thực sự giỏi như thế không?”
“Rhyme? Giỏi hơn thế. Hầu hết các anh chàng CSU ở New York xử lý khoảng hai trăm cái xác một năm. Tối đa. Rhyme làm gấp đôi. Ngay cả khi anh ta điều hành IRD. Ví dụ như Peretti, anh ta là người tốt nhưng anh ta chỉ ra ngoài hai tuần một lần và chỉ ở những vụ lên báo. Cô không nghe thấy tôi nói điều đó đấy chứ, sĩ quan?”
“Không. Thưa ngài.”
“Nhưng Rhyme thì tự khám nghiệm hiện trường. Có khi anh ta không khám nghiệm hiện trường thì anh ta ra ngoài và đi dạo.”
“Làm gì?”
“Chỉ đi dạo thôi. Ngắm nghía mọi thứ. Anh ta đi bộ hàng cây số. Đi khắp thành phố. Mua bán, nhặt nhạnh, sưu tập các thứ.”
“Những thứ gì?”
“Tiêu chuẩn chứng cứ. Bùn đất, thức ăn, tạp chí, nắp tròn đậy trục bánh xe, giày, sách y học, thuốc, cây cối… Anh ta sẽ tìm và ghi chúng vào mục lục. Cô biết đấy – khi có vật chứng nào đó xuất hiện anh ta có thể sẽ có ý tưởng rõ ràng hơn về việc thủ phạm có thể đã ở đâu hay hắn ta đang làm gì. Nếu cô tìm anh ta, có thể anh ta sẽ ở Harlem hay Lower East Side hay Hell’s Kitchen.”
“Cảnh sát từ trong máu?”
“Không. Cha anh ta là nhà khoa học ở phòng thí nghiệm quốc gia hay gì đó kiểu thế.”
“Rhyme học ngành đó à? Khoa học ấy?”
“Đúng. Học ở Champaign-Urbana, nhận được một, hai cái bằng nào đấy. Hóa học và lịch sử. Mà tôi thì chẳng hiểu tại sao. Ông cụ nhà anh ta mất từ khi tôi biết anh ta, trời ạ, có thể đã mười lăm năm rồi. Và anh ta thì chẳng có anh chị em gì cả. Anh ta lớn lên ở Illinois. Vì thế mà có tên là Lincoln.”
Cô muốn hỏi anh ta đã lập gia đình chưa, nhưng lại thôi. Cô hỏi: “Anh ta có thực sự là cái thứ…”
“Cô cứ nói đi, sĩ quan.”
“Củ chuối?”
Banks phá lên cười.
Sellitto nói: “Mẹ tôi có cách diễn đạt thế này. Bà nói ai đó ‘có đầu óc’. Câu ấy mô tả đúng Rhyme. Anh ta là người có đầu óc. Có lần một cậu kỹ thuật viên ngu ngốc đã phun luminol – cái chất thử máu ấy – lên một dấu vân tay, thay vì dùng ninhydrin. Làm hỏng hết dấu vân tay. Rhyme đuổi việc anh ta ngay lập tức. Lần khác, một cảnh sát đi giải tại hiện trường và giật nước bồn cầu. Trời ạ, Rhyme phát khùng, nói với anh ta xuống ngay tầng hầm và đem tất cả những gì có ở chỗ chắn cống lên.” Sellitto cười. “Tay cảnh sát, cũng là dạng có cấp bậc, nói: ‘Tôi sẽ không làm việc đó, tôi là trung úy.’ Và Rhyme đáp: ‘Đã nghe. Còn bây giờ anh là thợ sửa ống nước.’ Tôi có thể kể mãi được. Mẹ kiếp, sĩ quan, cô đang chạy với tốc độ tám mươi đấy à?”
Họ lao qua Đại Bản Doanh và cô đau đớn nghĩ, đó là chỗ đáng ra bây giờ mình đang có mặt. Gặp các sĩ quan thông tin đồng sự, ngồi trong lớp đào tạo, hít thở không khí có điều hòa.
Chúa ơi, nóng. Nóng, bụi bặm, nóng châm chích, nóng thiêu đốt. Giờ tệ hại của thành phố. Tâm trạng bùng phát như dòng nước màu xám phụt ra từ những cái vòi cứu hỏa ở Harlem. Hai Giáng sinh trước, cô và bạn trai có một ngày nghỉ lễ ngắn – từ mười một giờ tối đến nửa đêm, thời gian rỗi trùng nhau duy nhất mà những ca trực của họ cho phép – trong một buổi tối lạnh bốn độ. Cô và Nick, ngồi ở Trung tâm Rockefeller, bên ngoài, gần sân trượt băng, cùng uống cà phê và rượu brandy. Họ đồng ý rằng chẳng thà chịu một tuần lạnh giá còn hơn là một ngày tháng Tám nóng bức.
Cuối cùng, khi đang lao nhanh trên phố Pearl, cô nhìn thấy trạm chỉ huy của Haumann. Để lại một dấu phanh trượt dài gần tám feet, Sachs đưa chiếc RRV vào giữa xe của anh ta và chiếc xe bus EMS.
“Mẹ kiếp, cô lái xe siêu quá.” Sellitto chui ra. Vì một lý do nào đó Sachs thấy vui khi nhìn dấu tay đầy mồ hôi của Jerry Banks để lại, hiện rõ trên kính cửa sổ khi anh ta mở cửa hậu của xe.
Các sĩ quan EMS và đồng phục của Đội Tuần tra ở khắp nơi, có đến năm mươi hay sáu mươi người. Và còn những người khác đang đến. Có vẻ như toàn bộ tâm trí của One Police Plaza đang tập trung vào trung tâm New York. Tự nhiên Sachs nảy ra ý nghĩ nếu ai đó muốn một vụ ám sát hay chiếm Biệt thự Gracie hay một lãnh sự quán nào đó, thì có lẽ bây giờ là lúc thích hợp nhất.
Haumann chạy đến chỗ chiếc xe. Anh ta nói với Sallitto: “Chúng tôi đang khám từng nhà, xem xét từng công trường xây dựng trên Phố Pearl. Chẳng ai biết gì về công trường dọn asbestos và không ai nghe thấy tiếng kêu cứu cả.”
Sachs sửa soạn ra khỏi xe, nhưng Haumann nói: “Không, sĩ quan. Nhiệm vụ của cô là ở lại đây với chiếc RRV.”
Cô vẫn bước ra.
“Vâng, thưa ngài. Ai ra lệnh đó vậy?”
“Thám tử Rhyme. Tôi vừa nói chuyện với ông ấy. Cô phải gọi điện đến Trung tâm khi cô ở CP[58].”
Haumann đi khỏi. Sallitto và Banks vội vàng chạy tới trạm chỉ huy.
“Thám tử Sallitto”, Sachs gọi.
Anh ta quay lại. Cô nói: “Tôi xin lỗi, thưa thám tử. Vấn đề là ai là người chỉ huy giám sát của tôi? Tôi phải báo cáo với ai?”
Anh ta nói ngắn gọn: “Cô báo cáo cho Rhyme.”
Cô phá lên cười: “Nhưng tôi không thể báo cáo với anh ta.”
Sallitto nhìn cô trống rỗng.
“Ý tôi là, ở đây không có vấn đề gì như kiểu trách nhiệm hay sao? Luật pháp? Anh ta là dân thường. Tôi cần ai đó, một cái khiên, để tôi còn báo cáo.”
Cuối cùng, Sellitto nói: “Nghe này, sĩ quan. Tất cả chúng ta đều báo cáo với Lincoln Rhyme. Tôi không quan tâm anh ta là dân thường hay anh ta là sếp hay tên Thập Tự Chinh khốn kiếp. Hiểu chưa?”
“Nhưng…”
“Nếu cô muốn than phiền, làm văn bản đi và ngày mai hãy làm.”
Và anh ta đi mất. Sachs nhìn theo anh ta một lúc rồi sau đó quay lại chiếc ghế trước của xe, gọi điện đến Trung tâm báo cáo cô đang 10-84[59] tại hiện trường. Chờ chỉ thị.
Cô cười nhăn nhó khi giọng một phụ nữ vang lên: “Mười-bốn, 5885. Hãy chú ý. Thám tử Rhyme sẽ liên lạc lại sớm. Nghe rõ.”
Thám tử Rhyme.
“Mười-bốn, nghe rõ.” Sachs trả lời và nhìn ra đằng sau chiếc xe, băn khoăn không hiểu trong cái vali đen có gì.
2:40.
Điện thoại nhà Rhyme reo. Thom trả lời. “Điều phối viên từ sở chỉ huy.”
“Nối máy đi.”
Điện thoại tải loa bắt đầu hoạt động. “Thám tử Rhyme, anh không nhớ tôi nhưng tôi làm việc cho IRD khi anh còn ở đấy. Dân thường. Làm chi tiết điện thoại. Emma Rollins.”
“Tất nhiên, tôi nhớ. Các con cô thế nào, Emma?” Rhyme nhớ lại một người phụ nữ da đen to béo, vui vẻ, làm hai công việc để nuôi năm đứa con. Anh nhớ những ngón tay chuối mắn của cô bấm nút mạnh đến nỗi đã có lần cô làm hỏng một chiếc điện thoại công.
“Jeremy sẽ vào đại học sau hai tuần nữa và Dora vẫn đóng kịch, hoặc nó nghĩ là nó đang đóng kịch. Bọn trẻ con thì đều ổn cả.”
“Lon Sellitto gọi cho cô, đúng không?”
“Không. Tôi biết anh làm vụ này và tôi đã đuổi vài cô cậu đi làm 911. Emma sẽ làm việc này, tôi nói với họ thế.”
“Cô có gì cho chúng tôi nào?”
“Chúng tôi đang lập danh mục những công ty sản xuất ốc vít. Và một cuốn sách liệt kê những nơi họ bán buôn. Và đây là thứ chúng tôi tìm được. Đó là nhờ những chữ cái. Những chữ cái đóng trên con ốc. CE. Họ chế tạo riêng cho Công ty Con Ed.”
Quý thật. Tất nhiên rồi.
“Chúng được đánh dấu như thế vì chúng có kích thước khác với phần lớn ốc vít do công ty này bán – đường kính mười lăm inch sáu phần mười, và thân dài hơn hầu hết các con ốc khác. Đó là công ty Michigan Tool và Die ở Detroit. Họ dùng chúng trong những đường ống cũ chỉ có ở New York. Những đường ống được làm sáu mươi, bảy mươi năm trước. Cách các thành phần của đường ống gắn với nhau làm cho chúng phải được gắn thật chặt. Phải gắn chặt hơn cô dâu chú rể trong đêm tân hôn, anh chàng ấy nói với tôi thế. Cố làm tôi đỏ mặt.”
“Emma, tôi yêu chị. Chị sẽ trực, đúng không?”
“Chắc chắn rồi.”
“Thom!” Rhyme hét. “Cái điện thoại này không dùng được. Tôi phải tự gọi điện. Chức năng kích hoạt bằng tiếng nói trong máy tính, tôi sử dụng nó, được không?”
“Anh đã bao giờ đặt mua nó đâu.”
“Tôi chưa?”
“Chưa.”
“Vậy thì tôi cần nó.”
“Nhưng chúng ta không có.”
“Làm gì đi. Tôi muốn gọi điện thoại.”
“Tôi nghĩ là có bộ ECU điều khiển bằng tay ở đâu đó.” Thom đào bới trong một cái hộp cạnh tường. Anh ta tìm thấy một màn hình điện tử nhỏ, cắm một đầu vào điện thoại và đầu kia vào que điều khiển gắn cạnh má Rhyme.
“Cái này kinh quá.”
“Nhưng đó là tất cả những gì chúng ta có. Nếu chúng ta gắn hồng ngoại lên trên lông mày anh như tôi gợi ý thì anh đã có thể gọi điện thoại sex từ cách đây hai năm rồi.”
“Nhiều dây dợ quá thể”, Rhyme quát.
Cổ anh bất ngờ đau thắt và làm rơi cái điều khiển ra khỏi tầm với. “Mẹ kiếp.”
Chính phút đó, Lincoln thấy nhiệm vụ – chưa nói đến sứ mệnh của họ – tự nhiên có vẻ bất khả thi. Anh kiệt sức, cổ anh đau, đầu anh. Nhất là mắt anh. Chúng nhức nhối – và điều đó càng làm anh đau đớn hơn – anh có nhu cầu khẩn thiết dụi lưng bàn tay lên đôi mắt đang nhắm. Một cử chỉ thư giãn nhỏ xíu mà phần còn lại của thế giới làm hằng ngày.
Thom đặt lại cái cần điều khiển. Rhyme lấy lại được kiên nhẫn từ đâu đó và hỏi người trợ lý: “Cái này hoạt động thế nào?”
“Có một màn hình. Anh thấy nó trên bộ điều khiển chứ? Chỉ cần dịch cần điều khiển tới con số anh cần quay, đợi một giây và nó đã được nhớ. Sau đó, quay số tiếp theo giống như thế. Khi có được bảy số, ấn cái cần vào đây để gọi.”
Anh thử. “Không hoạt động.”
“Phải tập chứ.”
“Chúng ta không có thời gian!”
Thom càu nhàu: “Tôi trả lời điện thoại hộ anh quá lâu rồi đấy.”
“Được rồi”, Rhyme hạ giọng – đó là cách anh xin lỗi. “Tôi sẽ tập sau. Cậu có thể gọi tới Con Ed giúp tôi được không? Tôi cần nói chuyện với giám sát viên.”
Sợi dây làm cô đau, cái còng làm cô đau nhưng chính tiếng động lại làm cô hoảng sợ nhất.
Tammie Jean Colfax cảm thấy mồ hôi của cả cơ thể đang chảy trên mặt cô, ngực cô, tay cô khi cô cố kéo sợi xích của cái còng tay tới lui trên một con ốc gỉ. Cổ tay cô tê dại, nhưng có vẻ cô đã cắt được một phần sợi xích.
Cô dừng lại, kiệt sức và bẻ tay xuôi ngược để không bị chuột rút. Cô lại lắng nghe. Đó là tiếng công nhân đang bắt ốc và đóng các cấu kiện lại với nhau. Những tiếng búa cuối cùng. Cô hình dung họ đang kết thúc công việc trên đường ống và chuẩn bị về nhà.
Đừng đi, cô gào thầm. Đừng bỏ tôi. Chừng nào họ còn làm việc, cô còn được an toàn.
Tiếng đập cuối cùng, sau đó là sự im lặng tuyệt đối.
Ra khỏi đó thôi, con gái. Nào.
Mẹ ơi…
T.J. khóc mất vài phút, nghĩ về gia đình cô ở Đông Tennessee. Mũi cô dính đặc, nhưng khi bắt đầu ngạt, cô hỉ mũi thật mạnh và cảm thấy được rất nhiều nước mắt và nước mũi. Sau đó cô lại thở được. Điều đó làm cô cảm thấy tự tin. Sức mạnh. Và cô tiếp tục cưa.
“Tôi hiểu sự khẩn cấp của ngài, thưa thám tử. Nhưng tôi không biết tôi có giúp được gì cho ngài không. Chúng tôi dùng ốc vít khắp nơi trong thành phố. Đường ống dầu, đường ống gas…”
“Được rồi”, Rhyme nói cộc lốc và hỏi giám sát viên của Con Ed tại trụ sở chính của công ty trên Phố Mười bốn. Các chị có dùng asbestos để cách nhiệt đường ống không?”
Một chút ngần ngừ.
“Chúng tôi đã dọn tới chín mươi phần trăm loại này đi rồi”, người phụ nữ nói chắc chắn. “Chín mươi nhăm”.
Người ta có thể khó chịu đến mức ấy được ư. “Tôi hiểu. Tôi chỉ cần biết asbestos còn được dùng bọc đường ống ở đâu nữa không thôi.”
“Không”. Cô ta nói một cách cứng rắn. “Vâng, không bao giờ dùng cho điện. Chỉ cho hơi nước và đó là phần nhỏ nhất trong dịch vụ của chúng tôi.”
Hơi nước!
Đó là tiện ích ít nổi tiếng nhất và hiếm hoi nhất của thành phố. Con Ed đun nước lên một nghìn độ sau đó thổi nó qua mạng đường ống hàng trăm dặm nằm dưới Manhattan. Luồng hơi nước nóng bỏng được đun lên rất nóng – khoảng ba trăm tám mươi độ – và lao qua thành phố với tốc độ bảy mươi lăm dặm một giờ.
Rhyme nhớ lại một bài báo. “Có phải tuần trước các chị có chỗ bị thủng đường ống không?”
”Vâng, thưa ngài. Nhưng không có asbestos bị rò rỉ. Chỗ này đã được dọn nhiều năm trước.”
“Nhưng trong các đường ống của các chị ở khu trung tâm vẫn còn asbestos, đúng không?”
Cô ta ngần ngừ. “À…”
“Chỗ ống thủng ấy ở đâu?” Rhyme nhanh chóng tiếp tục.
“Broadway. Cách Chambers một khối nhà lên phía bắc.”
“Có phải có một bài trên tờ Thời báo nói về điều đó?”
“Tôi không biết. Có thể. Vâng.”
“Bài báo ấy có nhắc đến asbestos không?”
“Có”, cô ta khẳng định, “nhưng nó chỉ nói là trước đây việc ô nhiễm asbestos đã từng là vấn đề.”
“Đường ống thủng ấy… đã chạy qua hay có chạy qua phía nam Phố Pearl không?”
“Để tôi xem. Có, nó có chạy qua đó. Ở Phố Hanover. Phía bắc.”
Anh hình dung ra T.J. Colfax, người phụ nữ có những ngón tay thon và móng tay dài, sắp phải chết.
“Và hơi nước sẽ được bơm lại lúc ba giờ?”
“Đúng thế. Bất kỳ lúc nào.”
“Không được.” Rhyme quát. “Có người đã can thiệp vào đường ống. Các chị không được bơm hơi nước!”
Cooper ngẩng đầu lên khỏi cái kính hiển vi của mình.
Nhân viên giám sát nói: “À, tôi không biết…”
Rhyme quát Thom. “Gọi Lon, bảo anh ta là cô ấy trong một tầng hầm ở Phố Hanover và Phố Pearl. Phía bắc.” Anh nói với cậu ta về hơi nước. “Gọi đội cứu hỏa đến đấy nữa. Mặc quần áo chống nhiệt.”
Rhyme quát vào điện thoại. “Gọi đội công nhân! Ngay bây giờ! Họ không được bơm hơi nước lại. Họ không thể!” Anh nhắc lại từng từ một cách trống rỗng, ghê tởm sự tưởng tượng kỳ dị của mình, trong đó hình ảnh về da thịt một người phụ nữ chuyển thành màu hồng, rồi đỏ, sau đó bị xé nát dưới đám mây hơi nước trắng, dữ dội, nóng bỏng cứ quay vòng không kết thúc.
Cái bộ đàm trong xe kêu lục cục. Lúc này là 2:57 theo đồng hồ của Sachs. Cô trả lời cuộc gọi.
“5885, nghe rõ…”
“Quên thủ tục đi, Amelia”, Rhyme nói. “Chúng ta không có thời gian đâu.”
“Tôi…”
“Chúng tôi nghĩ rằng mình đã biết cô ấy đang ở đâu. Phố Hanover và Phố Pearl.”
Cô liếc nhìn qua vai và thấy mấy chục sĩ quan ESU đang ra sức chạy đến một tòa nhà cũ.
“Anh có muốn tôi…”
“Họ sẽ tìm cô ấy. Còn cô hãy sẵn sàng khám nghiệm hiện trường.”
“Nhưng tôi có thể giúp…”
“Không. Tôi muốn cô ra sau xe. Ở đó có một cái va li đánh dấu 02. Hãy đem nó theo. Và trong một cái hộp nhỏ có một chiếc đèn PoliLight. Cô đã thấy nó trong phòng tôi. Mel đã dùng nó. Lấy cả chiếc đèn nữa. Trên cái va li đánh dấu 03 cô sẽ thấy cái tai nghe và mic. Cắm nó vào bộ đàm Motorola của cô rồi đi tới tòa nhà chỗ những sĩ quan làm việc. Gọi lại cho tôi khi cô đã trang bị đủ. Kênh ba mươi bảy. Tôi sẽ dùng điện thoại cố định nhưng cuộc gọi của cô sẽ được chuyển đến tôi.”
Kênh ba mươi bảy. Tần số cho các nhiệm vụ đặc biệt trên toàn thành phố. Tần số ưu tiên.
“Cái gì?…” Cô hỏi. Nhưng bộ đàm không trả lời.
Cô có một cây đèn halogen dài màu đen đeo ở thắt lưng nên cô để chiếc đèn pha mười hai volt cồng kềnh lại xe, vơ chiếc đèn PoliLight và cái va li nặng trịch. Nó phải nặng tới hai mươi lăm pound. Đúng là thứ mà đám khớp xương của nợ của mình đang cần. Cô nắm tay, nghiến răng lại vì đau, chạy vội tới chỗ giao lộ.
Sellitto chạy như muốn đứt hơi về phía tòa nhà. Banks chạy theo họ.
“Cô nghe thấy chưa?” Viên thám tử già hỏi. Sachs gật đầu.
“Nó đấy à?” Cô hỏi.
Sellitto gật đầu về phía con đường. “Hắn phải đưa cô ta theo lối này. Dưới sảnh có trạm bảo vệ.” Họ đang chạy trên con đường rải sỏi phủ bóng râm, nóng như thiêu, bốc mùi nước tiểu và rác rưởi. Cạnh đó là những cái thùng rác màu xanh, méo mó.
“Đằng kia”, Sellitto quát. “Mấy cái cửa kia kìa.”
Các nhân viên cảnh sát chạy tản ra. Ba trong số bốn cánh cửa bị khóa chặt từ bên trong.
Cánh cửa thứ tư đã được mở bằng xà beng và giờ nó bị khóa bằng xích. Khóa và dây xích vẫn còn mới.
“Đây rồi!” Sellitto vươn tay chạm vào cánh cửa, hơi ngần ngừ. Có thể anh ta nghĩ đến dấu tay. Sau đó, anh ta nắm lấy tay nắm và giật mạnh. Cánh cửa hé mở mấy inch nhưng sợi xích giữ nó lại. Anh ta cho ba sĩ quan mặc đồng phục đi vòng cổng trước để xuống tầng hầm từ bên trong. Một người cảnh sát nhặt một viên sỏi trên đường và bắt đầu đập vào nắm đấm cửa. Vài cú đập mạnh, thêm vài cú nữa. Anh ta nhăn mặt khi tay đập phải cánh cửa, máu phun ra từ ngón tay rách toạc của anh ta.
Một nhân viên cứu hỏa ôm dụng cụ Halligan chạy tới – đó là một tổ hợp giữa cuốc chim và xà beng. Anh ta ấn một đầu vào sợi xích và kéo tung ổ khóa. Sellitto nhìn Sachs chờ đợi. Cô chằm chằm nhìn lại.
“Được rồi, đi thôi sĩ quan!” Anh ta quát lên.
“Cái gì?”
“Anh ta không nói với cô à?”
“Ai?”
“Rhyme.”
Khỉ thật, cô quên cắm tai nghe. Cô lần mò tìm kiếm, cuối cùng cũng cắm được nó vào. Và nghe thấy: “Amelia, cô…”
“Tôi đây.”
“Cô có ở tòa nhà không?”
“Có.”
“Vào trong đi. Họ đã khóa hơi nước nhưng tôi không biết có còn kịp hay không. Hãy đem theo nhân viên y tế và một sĩ quan ESU. Hãy vào phòng nồi hơi. Có lẽ cô sẽ nhìn thấy cô ta ngay, Colfax ấy. Hãy đến gần cô ta, nhưng đừng đi thẳng từ cửa đến chỗ cô ta. Tôi không muốn cô làm mất dấu chân nào mà hắn ta có thể để lại. Hiểu chứ?”
“Vâng.” Cô gật đầu dứt khoát, không nghĩ rằng anh ta không nhìn thấy cô. Ra hiệu cho nhân viên y tế và một sĩ quan ESU đi theo, Sachs bước vào cái hành lang bẩn thỉu, bóng tối khắp nơi, tiếng rên rẩm của máy móc, nước nhỏ giọt.
“Amelia”, Rhyme gọi.
“Có.”
“Chúng tôi đang nói tới một cuộc phục kích ở đây. Từ những gì mà tôi biết về hắn ta lúc này, tôi không nghĩ như vậy. Như thế thì phi lý. Nhưng cứ sẵn sàng tay súng nhé.”
Phi lý.
“Được rồi.”
“Đi thôi! Nhanh lên!”
Chú thích
[57] Howard Robard Hughes (1905 – 1976): Phi công, nhà tư bản công nghiệp, đạo diễn, nhà sản xuất phim nổi tiếng người Mỹ.
[58] CP (viết tắt Commanding Post): Trạm chỉ huy
[59] 10-84: Tên một mẫu biểu thủ tục hành chính cảnh sát.