Người Đưa Tin
Chương 17: Georgetown
Chiếc Suburban màu đen dừng lại trước căn nhà lớn kiểu Liên bang trên đường N 15 phút sau. Khi Sarah đi lên những bậc thang bằng gạch đỏ hình vòng cung, cửa đột nhiên mở ra và một dáng người xuất hiện trên hành lang. Ông ta mặc quần kaki không nhăn và áo khoác ngoài thể thao bằng nhung có màu sặc sỡ với nhiều miếng ghép trên khuỷu tay. Tia nhìn của ông ta vừa lạnh lùng giống bác sỹ trong phòng khám, vừa có nét tò mò gợi Sarah nhớ lại bác sỹ tâm lý tư vấn nỗi buồn mà cô đã đi gặp sau cái chết của Ben. “Tôi là Carter”, ông ta nói tựa như vừa sực nhớ ra cần phải giới thiệu mình. Ông ta không nói đây là tên, hay họ, chỉ nói rằng đây là tên thật. “Tôi không cần dùng tên giả nữa”, ông nói. “Vì tôi đang có mặt trong Tổng hành dinh”.
Ông ta mỉm cười, nụ cười khách sáo, giống như cái bắt tay ngắn không chân thật. Ông mời cô bước vào, và một lần nữa lại khiến cô có cảm giác lời mời này xuất phát từ cảm hứng chợt đến. ”Còn cô là Sarah”, ông nói khi đưa cô đi xuống sảnh lớn ở trung tâm. “Sarah Bancroft, người quản lý tại bảo tàng Phillips danh tiếng. Sarah Bancroft, người đã dũng cảm nộp đơn xin làm việc chỗ chúng tôi nhưng đã bị từ chối với lý do cô không cần thiết. Cha của cô sao rồi?”
Cô ngạc nhiên vì sự thay đổi đề tài đột ngột. “Ông biết cha tôi à?”
“Thực ra tôi chưa bao giờ gặp ông ấy. Ông ấy làm việc cho Citicorp đúng không?”
“Ông biết chính xác cha tôi đang làm việc cho ai. Tại sao ông lại hỏi về cha tôi?”
“Dạo gần đây ông ấy ở đâu? Luân Đôn? Brussels? Hay Hồng Kông?”
“Paris”, cô trả lời. “Đây là chỗ làm việc cuối cùng của cha tôi. Năm tới ông sẽ nghỉ hưu”.
“Sau đó ông ấy sẽ về nhà chứ?”
Cô lắc đầu. “Ông ấy ở lại Paris. Cùng cô vợ mới. Cha mẹ tôi ly dị được hai năm rồi. Ông tái hôn ngay lập tức. Ông thuộc dạng người coi thời gian là tiền bạc”.
“Còn mẹ cô thì sao? Bà ấy ở đâu?”
“Manhattan”.
“Cô có hay gặp cha không?”
“Nghỉ lễ. Đám cưới. Thỉnh thoảng hai cha con có những buổi ăn trưa không thoải mái lắm khi ông về đây. Cha mẹ tôi vấp phải rất nhiều phản đối trước khi đi đến quyết định ly hôn. Tất cả mọi người đều theo phe phản đối, nhất là tôi. Tại sao ông lại hỏi tôi những câu hỏi này? Ông muốn gì từ…“
“Cô tin vào điều đó à?”, ông ta hỏi, cắt ngang lời cô.
“Tin vào điều gì?”
“Theo phe”.
“Cũng tùy trường hợp, tôi nghĩ vậy. Đây có phải là một phần bài kiểm tra không? Tôi nghĩ mình đã thi trượt”.
“Cô đậu rồi”, Carter trả lời. “Điểm xuất sắc”.
Họ vào phòng khách. Căn phòng không đề biển, được trang trí bằng những đồ đạc thanh lịch giống như trong các dãy phòng khách sạn dùng để bàn bạc công việc làm ăn. Carter giúp cô cởi áo khoác và mời cô ngồi.
“Tại sao tôi được nhận vào làm việc?”
“Thế giới này hay thay đổi, Sarah. Mọi thứ cũng thay đổi. Nói tôi nghe đi, trong trường hợp nào cô nghĩ theo phe là đúng?”
“Tôi vẫn chưa nghĩ nhiều về điều này”.
“Chắc chắn cô đã nghĩ rồi”, Carter nói. Sarah, lần thứ hai, lại như thấy lại bác sỹ tâm lý của mình ngồi trong chiếc ghế bành xòe ra như bông hoa với chiếc cốc bằng sứ để cân bằng trên đầu gối, đưa suy nghĩ của cô tới những nơi cô không muốn. “Nói đi, Sarah”, Carter đang thúc giục. “Cho tôi biết một ví dụ khi cô nghĩ theo phe là đúng”.
“Tôi tin vào đúng sai”, cô nói, cằm hơi hếch lên. “Điều này có thể giải thích lí do tại sao tôi trượt trong kì thi của các ông. Thế giới của các ông là những mảng màu xám, còn tôi thích trắng đen”.
“Đây có phải là những gì cha cô nói không?”
Không, cô nghĩ, chính Ben đã chỉ ra khuyết điểm này của cô.
“Chuyện này là thế nào?”, cô hỏi. “Tại sao tôi lại đến đây?”
Nhưng Carter vẫn đang suy nghĩ về những ẩn ý trong câu trả lời lúc nãy của cô. “Thế còn khủng bố thì sao?” ông ta hỏi, một lần nữa lại khiến Sarah có cảm nghĩ câu hỏi này vừa xuất hiện bất chợt trong đầu ông ta. “Đó chính là điều tôi tự hỏi. Bọn khủng bố nằm ở chỗ nào trong thế giới đúng sai của cô. Chúng có tội, hay sự nghiệp của chúng là đúng đắn? Chúng ta là những nạn nhân vô tội, hay chính chúng ta đã tự mình chuốc lấy thảm họa này? Chúng ta phải ngồi chờ thảm họa đến, hay chúng ta có quyền chống lại bọn chúng bằng tất cả sức mạnh và sự tức giận chúng ta có thể có?”
“Tôi là người quản lý bảo tàng Phillips”, cô nói. “Ông thực sự muốn tôi làm thơ trữ tình về những nguyên tắc đạo đức của chủ nghĩa chống khủng bố à?”
“Chúng ta hãy thu hẹp phạm vi câu hỏi. Tôi luôn thấy điều này có ích. Chúng ta hãy lấy ví dụ về người đàn ông lái chiếc máy bay của Ben đâm vào Trung tâm Thương mại thế giới”. Carter dừng lại. “Cô nhắc lại cho tôi Ben ở trên chiếc máy bay nào được không?”
“Ông biết anh ấy đi trên chiếc máy bay nào”, cô đáp. “Anh ấy đi trên chiếc chuyến bay Thống Nhất 175”.
“Được lái bởi…”
“Marwan al-Shehhi”.
“Chúng ta hãy tạm thời giả sử Marwan al-Shahhi tìm được cách sống sót. Tôi biết chuyện này là điên khùng, Sarah, nhưng cô hãy giả sử cùng tôi mà không tranh cãi. Giả sử anh ta quay trở lại Afghanistan hay Pakistan hay một nơi ẩn náu nào đó của bọn khủng bố. Giả sử như chúng ta biết anh ta ở đâu. Chúng ta nên gửi FBI đến cùng với lệnh bắt anh ta, hay liệu chúng ta nên giải quyết anh ta bằng cách hiệu quả hơn? Những người mặc đồ đen? Lực lượng Đặc nhiệm? Hay dùng tên lửa được phóng từ máy bay không có phi công?”
“Tôi nghĩ ông đã biết tôi sẽ làm gì với hắn ta”.
“Giả sử như tôi muốn nghe điều này từ chính miệng cô trước khi chúng ta tiến xa hơn”.
“Bọn khủng bố đã tuyên chiến với chúng ta”, cô nói. “Chúng đã tấn công thành phố, tàn sát dân cư, và cố gắng làm gián đoạn hoạt động của chính phủ”.
“Nếu vậy thì chúng ta nên làm gì với chúng?”
“Chúng phải bị nghiêm trị”.
“Điều này có nghĩa là gì?”
“Những người mặc đồ đen. Lực lượng Đặc nhiệm. Tên lửa phóng từ máy bay không người lái”.
“Còn gã đứng đằng sau cung cấp tiền cho bọn chúng thì sao? Hắn ta có tội không? Nếu vậy thì đến mức nào?”
“Tôi cho rằng điều này phụ thuộc vào việc liệu ông ta có biết tiền dùng vào mục đích gì”.
“Nếu hắn ta biết rất rõ tiền được dùng vào mục đích gì?”
“Nếu thế thì hắn ta cũng có tội như gã đã lái máy bay đâm vào toà nhà”.
“Cô có cảm thấy thoải mái – thật ra là cảm thấy mình đúng khi chống lại một kẻ như thế không?”
“Tôi đã đề nghị giúp đỡ cách đây năm năm”, cô giận dữ nói. “Các ông bảo tôi không đủ điều kiện. Các ông bảo tôi không phù hợp làm loại công việc này. Còn bây giờ các ông muốn tôi giúp đỡ ư?”
Carter không chút cảm xúc khi nghe lời phản đối của cô. Sarah cảm thấy tội nghiệp cho vợ ông ta.
“Cô đề nghị giúp đỡ chúng tôi, còn chúng tôi đối xử với cô chẳng ra gì. Tôi e rằng chỉ có điều đó là chúng tôi làm giỏi nhất. Có lẽ tôi nên nói tiếp về việc chúng tôi đã sai lầm, hay cố gắng xoa dịu cảm xúc của cô bằng một lời xin lỗi không chân thành. Nhưng nói thật, thưa cô Bancroft, chúng tôi không còn thời gian”. Giọng ông ta đượm vẻ căng thẳng mà trước đó không có. “Vì vậy tôi nghĩ điều tôi cần bây giờ là một câu trả lời thẳng thắn. Cô vẫn muốn giúp đỡ chúng tôi chứ? Cô muốn chống lại bọn khủng bố, hay cô thích tiếp tục với cuộc sống của mình hơn và hi vọng điều như thế sẽ không bao giờ xảy ra một lần nữa?”
“Chiến đấu?”, cô hỏi. “Tôi nghĩ ông có thể tìm người thích hợp với điều này hơn tôi”.
“Có nhiều cách chống lại bọn chúng, Sarah”.
Cô do dự. Carter lấp đầy khoảng trống im lặng bằng việc nhìn chăm chú bàn tay của mình. Ông không phải loại người lặp lại câu hỏi hai lần. Về điều này ông rất giống cha cô. “Vâng”, cuối cùng cô nói. “Tôi rất sẵn lòng”.
“Nếu công việc này liên quan đến cục tình báo khác không phải là Cục Tình báo Trung ương thì sao?”, ông ta hỏi, tựa như đang thảo luận về một giả thuyết xa xôi nào đó. “Một Cục Tình báo là đồng minh chặt chẽ của chúng ta trong trận chiến chống lại bọn khủng bố
“Hồi giáo?”
“Vậy Cục Tình báo đó là của nước nào?”
Carter rất giỏi lảng tránh câu trả lời. Bây giờ một lần nữa ông ta lại chứng minh điều này.
“Tôi muốn cô gặp một người. Anh ta là người rất nghiêm túc. Có vẻ hơi căng thẳng. Anh ta sẽ hỏi cô một vài câu. Thật ra anh ta sẽ tìm hiểu kỹ về cô trong vài tiếng tới. Đôi lúc câu hỏi của anh ta động vào những việc riêng tư. Nếu anh ta đồng ý, anh ta sẽ yêu cầu cô giúp đỡ chúng tôi trong một công việc rất quan trọng. Công việc này có nhiều nguy hiểm, nhưng rất quan trọng đối với an ninh nước Mỹ, nên nhận được sự hỗ trợ hoàn toàn của Cục. Nếu cô cảm thấy quan tâm, hãy ngồi lại nơi này. Nếu không, hãy đi ra cửa. Chúng tôi sẽ giả vờ như cô tình cờ bước vào nhầm chỗ”.
Sarah không biết Carter xưng hô với anh ta thế nào, cô cũng không đoán được anh ta từ đâu đến. Người anh ta nhỏ và gầy, tóc cắt ngắn kiểu quân đội, nhưng lại bạc hai bên thái dương. Đôi mắt của anh ta xanh đến mức Sarah chưa từng thấy bao giờ. Anh ta có cách bắt tay nhanh giống Carter, nhưng nó có vẻ thăm dò giống cách bắt tay của bác sỹ. Anh ta nói tiếng Anh trôi chảy bằng một giọng rất nặng. Chắc chắn anh ta có tên, nhưng chưa tiết lộ.
Họ ngồi xuống chiếc bàn dài trong phòng khách trang trọng, Carter và người hợp tác vô danh ngồi một bên, còn Sarah ngồi bên kia giống như nghi phạm đang ngồi trong phòng thẩm vấn. Trong tay người hợp tác bây giờ là hồ sơ xin vào CIA của cô. Anh ta đang đọc chậm từng trang giống như mới thấy chúng lần đầu. Câu hỏi đầu tiên của anh giống như một lời buộc tội nhẹ.
“Cô viết luận văn tiến sỹ tại Harvard về đề tài Các họa sỹ Biểu hiện của Đức”.
Để bắt đầu câu chuyện thì đây là một cách khá lạ lùng. Cô muốn hỏi tại sao anh lại quan tâm đến đề tài luận văn của cô, nhưng thay vì thê cố chỉ đơn giản gật đầu trả lời. “Vâng, đúng vậy”.
“Trong khi nghiên cứu, cô đã bao giờ gặp cái tên Viktor Frankel chưa?”
“Ông ấy là môn đồ của Max Beckmann”, cô đáp. “Ngày nay người ta ít biết đến Frankel, nhưng trước đây ông ta gây ảnh hưởng khá lớn và được giới hội họa đương thời coi trọng. Năm 1936, Đức Quốc xã tuyên bố tranh của ông suy đồi, và ông bị cấm vẽ tranh. Không may, ông vẫn quyết định ở lại Đức. Đến khi ông muốn rời bỏ đất nước thì đã quá muộn. Frankel bị trục xuất đến Auschwitz năm 1942 cùng với vợ và con gái tuổi thiếu niên, Irene. Cuối cùng, chỉ mình Irene sống sót. Bà đến Israel sau chiến tranh và trở thành một trong những họa sỹ gây ảnh hưởng lớn nhất nước vào những năm 50 và 60. Hình như bà đã mất cách đây vài năm”.
“Đúng vậy”, người hợp tác với Carter nói, mắt anh ta vẫn chăm chú nhìn hồ sơ của Sarah.
“Tại sao ông lại hỏi tôi có biết về Viktor Frankel không?”
“Bởi vì ông ấy là ông ngoại tôi”.
“Ông là con trai của Irene?”
“Đúng vậy”, anh ta trả lời. “Irene là mẹ tôi”.
Cô nhìn sang Carter, ông này đang ngắm tay mình. “Tôi nghĩ mình biết ai đang thực hiện phi vụ này của ông”. Cô quay lại người đàn ông với tóc mái điểm bạc và đôi mắt xanh biếc. “Ông là người Israel”.
“Đúng vậy. Chúng ta tiếp chứ, Sarah, hay cô muốn tôi đi ra?”
Cô do dự một lúc, sau đó gật đầu. “Tôi được phép biết tên ông chứ, hay tên ông là điều cấm kỵ?”
Anh cho cô biết tên mình. Cái tên này có vẻ quen quen. Sau đó cô chợt nhớ ra mình đã thấy tên này ở đâu. Điệp viên người Israel có liên quan đến vụ nổ bom nhà ga Lyon ở Paris…
“Ông là người đã…”
“Đúng vậy”, Gabriel thừa nhận. “Tôi chính là người đó”.
Anh lại nhìn xuống hồ sơ đang mở và lật sang trang mới. “Chúng ta hãy quay trở lại với cô được không? Chúng ta có nhiều thứ cần phải biết nhưng lại rất ít thời gian”.
Gabriel bắt đầu chậm rãi, giống như một người đang đi xuống dốc đồi, để dành sức lực cho những nguy hiểm ở phía trước. Những câu hỏi của anh ngắn, hiệu quả, và được đặt ra một cách có hệ thống, giống như đang được đọc từ danh sách câu hỏi đã chuẩn bị sẵn, nhưng sự thực không có danh sách này. Anh dành giờ đầu tiên hỏi về gia đình cô. Cha cô, một người điều hành cấp cao ở Citicorp rất thiếu thốn thời gian dành cho con cái nhưng lại dư thừa cho những người phụ nữ khác. Mẹ cô, suy sụp sau vụ ly dị và bây giờ đang sống như một ẩn sĩ tại căn hộ chung cư ba phòng ngủ ở Manhattan trên đại lộ số 5. Chị gái của cô, người theo như Sarah mô tả, “giành hết thông minh và sắc đẹp trong nhà”. Em trai cô đã rút lui khỏi cuộc sống từ hồi còn trẻ, và khiến cha cô thất vọng vì đang hùng hục làm việc chỉ để kiếm những đồng xu lẻ trong một cửa hàng bán đồ trượt tuyết ở một nơi nào đó thuộc Colorado.
Sau chuyện gia đình, thêm một giờ nữa được dành để hỏi về chuyện học hành tốn kém tại châu u. Trường Mỹ ở khu John’s Wood, nơi cô học những năm tiểu học. Trường cấp hai quốc tế ở Pháp, nơi cô học cách nói tiếng Pháp và gặp rắc rối. Trường nội trú nữ ở ngoại ô Geneva, nơi cha đã tống cô vào đấy nhằm mục đích “trừng phạt”. Cô nói thêm rằng chính ở Thụy Sĩ cô đã khám phá ra là mình đam mê nghệ thuật. Những câu trả lời của cô được ghi sột soạt lên giấy. Anh viết bằng mực đỏ trên quyển sổ có màu hoa hướng dương. Ban đầu cô nghĩ anh đang viết tắt bằng một loại chữ tượng hình nào đó. Sau đó, cô phát hiện ra anh đang ghi chú bằng tiếng Do Thái. Anh ghi chú từ phải sang trái, và có thể viết bằng hai tay với tốc độ nhanh như nhau, khiến cô càng thêm chắc chắn về cảm giác ban đầu là mình đã gặp một nhân vật bí ẩn như bóng ma.
Thỉnh thoảng, dường như Gabriel có tất cả thời gian trên đời; những lúc khác anh lại cau mày nhìn đồng hồ đeo tay cau mày, tựa như tính toán xem họ còn gắng đi được bao lâu nữa trước khi hạ trại nghỉ đêm. Thỉnh thoảng anh nói bằng những ngôn ngữ khác. Tiếng Pháp của anh khá tốt. Tiếng Ý không chê vào đâu được nhưng vẫn có chút âm sắc cho thấy anh ta không phải là người bản xứ. Khi Gabriel nói với cô bằng tiếng Đức, một sự thay đổi phủ lên người anh ta. Lưng dựng thẳng. Khuôn mặt đanh lại đến mức khắc nghiệt. Cô luôn trả lời Gabriel bằng thứ ngôn ngữ mà anh hỏi, mặc dù những lời cô nói đều được ghi lại bằng tiếng Do Thái. Hầu như anh không làm khó cô, nhưng bất cứ sự không nhất quán nào trong câu trả lời, cho dù có thật hay do anh nghĩ là có, đều được anh chất vấn như công tố viên trước tòa.
“Niềm đam mê nghệ thuật này đến từ đâu?”, anh hỏi. “Tại sao lại là nghệ thuật? Tại sao không phải văn học hay âm nhạc? Tại sao không phải là phim hay kịch?”
“Hội họa trở thành nơi trốn lánh cho tôi. Một nơi trang nghiêm, bí ẩn”.
“Trốn khỏi cái gì?”
“Cuộc sống thực tại”.
“Cô là một cô gái giàu có đi học ở những trường danh tiếng nhất châu u. Cuộc đời cô có gì không ổn?”. Anh chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Đức với giọng buộc tội. “Cô chạy trốn khỏi điều gì?”
“Ông đang đánh giá tôi”, cô trả lời bằng cùng ngôn ngữ.
“Dĩ nhiên”.
“Chúng ta nói chuyện bằng tiếng Anh được không?”
“Nếu cô thấy thoải mái hơn”.
“Tranh vẽ mở ra những chân rời khác, những cuộc sống khác. Nó lưu giữ những khoảnh khắc chỉ tồn tại trong nó mà thôi”.
“Cô thích đến sống ở những chân trời ấy”.
Đây là một sự quan sát, không phải câu hỏi. Cô gật đầu thừa nhận.
“Cô muốn sống cuộc đời khác? Trở thành những người khác? Cô muốn đi dạo trên những cánh đồng lúa mạch của Vincent và những khu vườn hoa của Monet?”
“Cả những cơn ác mộng của Frankel”.
Lần đầu tiên anh ngừng bút trong cuộc phỏng vấn. “Đây có phải là lí do khiến cô nộp đơn gia nhập Tổ chức? Bởi vì cô muốn sống cuộc đời khác? Bởi vì cô muốn trở thành người khác?”
“Không, tôi xin gia nhập vì muốn phục vụ Tổ quốc”.
Anh cau mày nhìn cô không đồng tình, tựa như thấy câu trả lời của cô quá ngây thơ, sau đó, anh nhìn xuống đồng hồ. Thời gian là kẻ thù của anh.
“Trong những năm tháng sống ở châu u, cô đã bao giờ gặp người Arập chưa?”
“Dĩ nhiên”.
“Con trai hay con gái?”
“Cả hai”.
“Loại Arập nào?”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.