Người Đưa Tin

Chương 15: Quận Marais, Paris



Sân trong tối và vắng người, nó chỉ được chiếu sáng bằng ánh đèn của những căn hộ bên trên. Họ băng qua sân trong yên lặng và tiến vào sảnh, nơi có thang máy theo kiểu cũ đang chờ sẵn. Cô không dùng thang máy mà đi thang bộ lên lầu bốn. Trên đầu cầu thang là hai cánh cửa to sừng sững bằng gỗ gụ. Cánh cửa bên tay phải không có bảng tên. Cô mở cửa dẫn anh vào nhà. Gabriel chú ý đến chi tiết cô bấm mật mã vào bàn phím trước khi bật đèn lên. Anh công nhận rằng Hannah Weinberg rất giỏi giữ bí mật.

Đây là một căn hộ lớn, có tiền sảnh trang trọng và thư viện nối với phòng khách. Đồ đạc cổ xưa nằm yên lặng trong lớp vải bọc bằng kim tuyến phai màu, rèm cửa bằng vải nhung dày treo trên các cửa sổ, và một chiếc đồng hồ bằng đồng giả vàng sai giờ đang chạy tích tắc trên mặt lò sưởi. Con mắt chuyên môn của Gabriel thâu tóm ngay lập tức sáu bức tranh bằng dầu rất đẹp treo trên tường. Nó tạo nên ấn tượng rằng cả một kỷ nguyên đã trôi qua. Thật ra Gabriel cũng không ngạc nhiên lắm nếu như anh có trông thấy Paul Gachet đang ngồi đọc báo bên ánh đèn khí.

Hannah Weiberg cởi áo khoác, sau đó đi vào nhà bếp. Gabriel tận dụng cơ hội này quan sát thư viện. Những quyển sách luật bọc da xếp trong những tủ sách bằng gỗ trang trọng có cửa kính. Trong đây có thêm nhiều bức tranh – phong cảnh bình thường, người đàn ông cưỡi ngựa, trận chiến trên biển – nhưng không có gì chứng tỏ khả năng người chủ đang sở hữu một bức tranh thất lạc của Van Gogh.

Anh quay vào phòng khách khi Hannah Weinberg trở lại từ nhà bếp cùng chai Sancerre và hai cái ly. Cô đưa Gabriel cái chai cùng đồ mở nắp rồi chăm chú nhìn đôi bàn tay anh khi anh mở nút chai. Trông cô không hấp dẫn như ở trong bức hình của Uzi. Có lẽ đây là trò hoá trang ánh sáng của Paris, cũng có thể người phụ nữ nào trông cũng sẽ hấp dẫn khi đang bước xuống bậc thang ở Monmatre. Váy len xếp nếp và áo len dày che giấu một thân hình mà Gabriel nghĩ là mập mạp. Lông mày của cô rất rậm khiến khuôn mặt cô nhuốm nét trang nghiêm. Khi cô ngồi như thế này trong căn phòng được trang trí theo kiểu xưa, trông cô già hơn tuổi bốn mươi bốn rất nhiều.

“Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông ở Paris, ông Allon. Lần cuối tôi đọc tên ông trên báo, ông vẫn đang bị cảnh sát Pháp truy nã để thẩm tra”.

“Tôi e rằng bây giờ họ vẫn còn đang truy nã”.

“Nhưng ông vẫn đến đây chỉ để gặp tôi? Việc này ắt hẳn rất quan trọng”.

“Đúng vậy, thưa cô Weinberg”.

Gabriel rót đầy hai ly rượu, đưa cô một ly, và nâng ly của mình lên chúc trong im lặng. Cô cũng làm giống anh, sau đó đưa rượu lên môi.

“Ông có biết sau vụ đánh bom, mọi chuyện ở Marais diễn ra như thế nào không?”. Cô tự trả lời câu hỏi của mình. “Tình hình rất căng thẳng. Người ta đồn thổi rằng việc này là do người Israel làm. Ai cũng tin vào lời đồn ấy. Không may là chính phủ Pháp rất chậm chạp trong việc giải quyết tình trạng trên, ngay cả khi đã biết đây chỉ là lời nói dối. Con cháu của chúng tôi bị đánh đập trên phố. Cửa nhà và cửa tiệm của chúng tôi bị ném đá. Người ta xịt lên các bức tường Marais cũng như các khu khác những lời lẽ kinh khủng. Chúng tôi phải chịu đựng tất cả chỉ vì những điều đã xảy ra tại nhà ga xe lửa đó”. Cô nhìn anh soi mói, tựa như muốn xem anh có phải đúng là người trên báo và truyền hình không. Nhưng ông cũng phải chịu đựng, đúng không? Vì chính vợ ông cũng bị kéo vào vụ này?”

Sự thẳng thắn trong câu hỏi của Hannah Weinberg làm Gabriel ngạc nhiên. Bản năng đầu tiên của anh là nói dối, là che giấu sự thật, lái cuộc trò chuyện trở lại chủ đề mà anh lựa chọn. Nhưng đây là một vụ tuyển mộ – một vụ tuyển mộ hoàn hảo, Shamron luôn nói, về bản chất là một sự quyến rũ hoàn hảo. Khi một người đang quyến rũ người khác, Gabriel nhắc chính mình, anh ta phải tiết lộ một chút gì đó về bản thân.

“Chúng dụ tôi vào ga Lyon bằng cách bắt cóc vợ tôi”, anh kể. “Mục đích của chúng là giết chết cả hai chúng tôi, bôi nhọ nước Israel và làm cho mọi chuyện trở nên tồi tệ đối với người Do Thái ở Pháp”.

“Chúng đã thành công… trong một khoảng thời gian ngắn, ít nhất là như vậy. Đừng hiểu lầm tôi, ông Allon, mọi việc vẫn còn tồi tệ đối với chúng tôi ở đây. Chỉ là không tệ như những ngày sau vụ nổ bom”. Hannah Weinberg nhấp thêm một chút rượu vang, sau đó bắt chéo chân và chỉnh lại cho thẳng những nếp gấp trên váy. “Câu hỏi này có vẻ là một câu ngớ ngẩn, vì tôi đã biết ông làm cho ai, nhưng sao ông biết về bức tranh Van Gogh của tôi?”

Gabriel im lặng một lúc, sau đó anh trả lời cô chân thật. Hannah nhoẻn miệng cười khi nhớ lại chuyến viếng thăm của Isherwood đến căn hộ này ba mươi năm về trước.

“Tôi nghĩ tôi nhớ anh ta”, cô nói. “Một người rất cao, đẹp trai, đầy quyến rũ và duyên dáng nhưng lại cũng khá dễ tổn thương”. Cô dừng lại, sau đó nói thêm, “Giống như ông”.

“Quyến rũ và duyên dáng không phải là những từ dành cho tôi”.

“”Còn dễ bị tổn thương thì sao?”. Cô hơi mỉm cười với anh. Nụ cười làm dịu bớt những nét nghiêm khắc trên khuôn mặt cô. “Tất cả chúng ta ai cũng dễ bị tổn thương ở một mức nào đó, đúng không. Thậm chí một người như anh cũng vậy. Những tên khủng bố tìm ra chỗ dễ bị tổn thương, và đã khai thác điều này. Đó là điều chúng thành thạo nhất. Chúng khai thác tính đứng đắn, sự tôn trọng cuộc sống của mỗi người. Chúng săn tìm những thứ chúng ta yêu quý”.

Navot nói đúng, Gabriel nghĩ. Cô ta là món quà từ các vị thần tình báo. Anh đặt ly lên bàn. Hannah dõi mắt theo từng cử động của anh.

“Chuyện gì xảy ra với người đàn ông tên Samuel Isakowitz?”. Cô hỏi. “Ông ta sống sót chứ?”

Gabriel lắc đầu. “Ông ấy và vợ bị bắt giữ ở Bordeaux khi người Đức hành quân lên phía nam”.

“Chúng giải họ đến đâu?”

“Sobibor”.

Cô hiểu ý nghĩa của từ đó. Gabriel không cần phải nói thêm điều gì.

“Còn ông cô thì sao?”, anh hỏi.

Cô nhìn vào ly Sancerre một lúc trước khi trả lời. “Jeudi Noir”, cô nói. “Ông có biết từ này không?”

Gabriel gật đầu trang nghiêm. Jeudi Noir. Thứ Năm đen tối.

“Sáng ngày 16 tháng 7 năm 1942, bốn ngàn cảnh sát Pháp ập vào Marais và những quận khác của người Do Thái ở Paris với lệnh bắt hai mươi bảy ngàn người Do Thái nhập cư từ Đức, Áo, Ba Lan, Liên bang Xô Viết, và Cộng hoà Séc và Slovakia. Cha và ông bà tôi có trong danh sách. Ông biết đấy, ông bà tôi có nguồn gốc từ quận Lublin ở Ba Lan. Hai người cảnh sát gõ lên cánh cửa của chính căn hộ này cảm thấy thương hại cha tôi và bảo ông chạy đi. Một gia đình Thiên Chúa giáo ở lầu bên dưới nhận cấp dưỡng ông, và ông ở đó cho đến ngày giải phóng. Ông bà tôi không may mắn như vậy. Họ bị gửi đến trại tạm giam ở Drancy. Năm ngày sau đó, một chiếc xe bịt kín đưa họ đến Auschwitz. Dĩ nhiên đây là dấu chấm hết đối với họ”.

“Còn bức Van Gogh?”

“Không có thời gian để thu xếp cho bức tranh, và ông tôi không cảm thấy tin tưởng bất cứ ai ở Paris. Chiến tranh mà, ông biết đấy. Người ta lừa gạt lẫn nhau chỉ vì một đôi tất hoặc những điếu thuốc lá. Khi ông tới nghe tin những người bắt bớ sắp đến, ông lấy bức tranh khỏi giá đỡ và giấu dưới tấm ván trong thư viện. Sau chiến tranh, cha tôi phải mất nhiều năm mới lấy lại được căn hộ. Một gia đình người Pháp đã chuyển đến ở sau khi ông bà tôi bị bắt, và họ rất ngần ngừ không muốn trả lại một căn hộ xinh xắn ở rue Pavée. Ai có thể trách họ được?”

“Cha cô lấy lại quyền sở hữu căn hộ vào năm nào?”

“Năm 1952”.

“Mười năm”, Gabriel nói. “Vậy mà bức Van Gogh vẫn còn ở đó?”

“Ở ngay chỗ ông tôi đã cất giấu, phía dưới những tấm ván trong thư viện”.

“Thật đáng kinh ngạc”.

“Đúng vậy”, cô đáp. “Bức tranh đã ở lại trong gia đình Weinberg hơn một thế kỷ, vượt qua chiến tranh và cuộc thảm sát. Bây giờ ông lại yêu cầu tôi từ bỏ nó”.

“Không phải là từ bỏ”, Gabriel đáp.

“Thế thì là thế nào?”

“Tôi chỉ cần…“. Anh dừng lại, tìm từ thích hợp. “Tôi cần thuê nó”.

“Thuê bức tranh? Bao lâu?”

“Tôi không thể nói trước. Có lẽ một tháng. Có lẽ sáu tháng. Hay một năm hoặc lâu hơn”.

“Vì mục đích gì?”

Gabriel không sẵn sàng trả lời câu hỏi của cô. Anh nhặt nắp chai rượu lên và dùng móng tay cào lớp bọc đã rách.

“Ông có biết bức tranh đó trị giá bao nhiêu không?”, cô hỏi. “Nếu ông yêu cầu tôi đưa nó cho ông, thậm chí trong một thời gian ngắn, tôi tin rằng mình có quyền biết lí do tại sao”.

“Cô có quyền”, Gabriel nói, “Nhưng cô nên hiểu rằng nếu tôi nói cho cô biết sự thật, cuộc sống của cô sẽ không bao giờ như cũ”.

Cô đổ thêm rượu vào ly và áp ly rượu vào người mà không uống. “Cách đây hai năm, có một vụ tấn công đặc biệt nghiêm trọng tại Marais. Một cậu bé theo Chính Thống giáo bị một nhóm thanh niên Nam Phi tấn công khi đang đi từ trường về nhà. Chúng đốt tóc cậu và khắc chữ thập ngoặc lên trán cậu. Bây giờ cậu vẫn còn vết thẹo. Chúng tôi tổ chức một cuộc biểu tình để gây sức ép lên chính phủ Pháp buộc họ phải làm một điều gì đó giải quyết tình trạng bài xích người Do Thái. Khi chúng tôi đang diễu hành trong de la République, có một cuộc biểu tình chống lại người Israel để phản pháo. Ông có biết chúng thét điều gì vào mặt chúng tôi không?”

“Cái chết sẽ đến với người Do Thái”.

“Ông có biết chính phủ Pháp nói gì không?’

“Không có việc bài xích người Do Thái ở Pháp”.

“Kể từ ngày đó, cuộc sống của tôi chưa bao giờ trở lại như trước kia. Thêm nữa, như ông cũng thấy đấy, tôi rất giỏi giữ bí mật. Hãy nói cho tôi biết tại sao ông muốn bức Van Gogh của tôi, ông Allon. Và chúng ta có thể đi đến một thỏa thuận nào đó”.

Đội theo dõi neviot đỗ xe ngoài rìa Parc Royal. Uzi Navot gõ tay hai lần lên cửa kính và được đón vào ngay lập tức. Một neviot đang ngồi đằng sau tay lái. Một người khác ngồi phía sau, chồm người lên bàn điều khiển điện tử với tai nghe đeo trên đầu.

“Chuyện gì đang diễn ra?”. Navot hỏi.

“Gabriel đã đưa cô ấy vào tầm ngắm”, người trong đội neviot nói. “Bây giờ anh ấy chuẩn bị ra tay”.

Navot đeo cặp tai nghe vào và bắt nhịp câu chuyện từ đoạn Gabriel kể với Hannah Weinberg về cách thức anh sẽ dùng bức tranh của cô để lần theo dấu vết người đàn ông nguy hiểm nhất trên thế giới.

Chìa khoá được giấu trong ngăn kéo đầu tiên của chiếc bàn viết trong thư viện. Cô dùng chìa khóa mở căn phòng phía cuối trong hành lang tối om. Căn phòng đằng sau phòng này là phòng trẻ con. Phòng của Hannah, lạnh lẽo do lâu không có người ở. Giường bốn cọc với chiếc màn rũ. Các kệ chất đầy thú nhồi bông và đồ chơi. Bức áp phích có hình một nam diễn viên người Mỹ làm thổn thức bao trái tim. Và treo trên bàn trang điểm, nằm khuất trong bóng tối, là bức vẽ bị lạc của Vincent Van Gogh.

Gabriel di chuyển chầm chậm lên phía trước và đứng yên trước bức tranh, tay phải để dưới cằm, đầu hơi nghiêng về một phía. Sau đó anh đưa tay ra nhẹ nhàng lần theo nét vẽ phóng khoáng. Đây là nét cọ của Vincent – Gabriel chắc chắn về điều này. Vincent đang bị lửa thiêu cháy. Vincent đang yêu. Nhà phục chế tranh bình tĩnh đánh giá mục tiêu của mình. Bức vẽ trông có vẻ như chưa bao giờ được lau chùi. Nó bị lớp bụi bẩn bám, và có những vết nứt ngang – theo như Gabriel đoán thì đây là kết quả của việc bị cuộn lại quá chặt bởi Isaac Weinberg đêm trước Jeudi Noir.

“Tôi nghĩ chúng ta nên bàn bạc về chuyện tiền nong”, Hannah nói. “Julian nghĩ bức tranh này sẽ mang về bao nhiêu?”

“Vào khoảng tám mươi triệu. Tôi đã đồng ý để anh ta giữ mười phần trăm hoa hồng như là tiền đền bù vì đã tham gia vụ này. Phần còn lại của số tiền sẽ được gửi cho cô ngay lập tức”.

“Bảy mươi hai triệu đô la?”

“Nhiều hoặc ít hơn vài triệu, dĩ nhiên”.

“Khi công việc của các ông kết thúc thì sao?”

“Tôi sẽ lấy lại bức tranh cho cô”.

“Ông dự định làm việc này như thế nào?”

“Cô cứ để việc này cho tôi, cô Weinberg”.

“Khi ông trả bức tranh lại cho tôi, chuyện gì sẽ xảy ra với số tiền bảy mươi hai triệu đô la? Mà quên, nhiều hoặc ít hơn vài triệu đô chứ, dĩ nhiên rồi”.

“Cô có thể giữ tiền lãi. Thêm nữa, tôi sẽ trả cô tiền thuê. Năm triệu đô được không?”

Cô mỉm cười. “Nghe có vẻ được đấy, nhưng tôi không có ý định giữ số tiền đó cho mình. Tôi không muốn tiền của bọn chúng”.

“Vậy cô dự định làm gì với số tiền này?”

Cô nói với Gabriel ý định của mình.

“Tôi thích chuyện này đấy”, anh đáp. “Như vậy là chúng ta thỏa thuận chứ, cô Weinberg?”

“Vâng”, cô trả lời. “Tôi nghĩ là chúng ta đã thỏa thuận với nhau”.

Sau khi rời căn hộ của Hannah Weinberg, Gabriel đến căn hộ an toàn của Văn phòng gần Bois de Boulogne. Họ theo dõi cô ba ngày. Gabriel chỉ nhìn thấy hình chụp theo dõi cô, và nghe giọng cô trong máy thu. Mỗi buổi tối, anh cố gắng tìm trong các cuốn băng dấu hiệu của sự phản bội hay bất cẩn, nhưng anh chỉ thấy sự trung thực nơi cô. Vào đêm trước khi cô chuẩn bị giao bức tranh, anh nghe cô khóc thầm và nhận ra rằng cô đang nói lời chia tay với Marguerite.

Navot mang bức tranh về buổi sáng hôm sau, bọc trong cái chăn cũ cậu ta mượn ở căn hộ của Hannah. Gabriel tính gửi bức tranh về Tel Aviv bằng đường bưu điện, nhưng cuối cùng lại quyết định tự mình mang nó ra khỏi nước Pháp. Anh lấy bức tranh ra khỏi khung, sau đó lấy khung căng miếng vải vẽ ra. Khi cuộn bức tranh lại cẩn thận, anh nghĩ về Isaac Weinberg đêm trước Jeudi Noir. Lần này, thay vì được giấu dưới tấm ván, nó sẽ được cất an toàn trong ngăn bí mật của vali của Gabriel. Navot chở anh đến ga Nord.

“Một điệp viên tại trạm Luân Đôn sẽ đợi anh ở Waterloo”, Navot nói. “Anh ta sẽ đưa anh tới Heathrow. Ở đó El Al đang đợi anh. Họ sẽ đảm bảo anh không gặp rắc rối với hành lí của mình”.

“Cám ơn, Uzi. Anh sẽ không còn phải thu xếp mọi chuyện cho tôi nữa”.

“Tôi cũng không chắc về chuyện này lắm”.

“Mọi việc không êm xuôi chỗ Amos à?”

“Rất khó biết ông ta đang nghĩ gì”.

“Ông ta nói gì?”

“Ông ta bảo ông ta cần vài ngày để suy nghĩ cho kỹ”.

“Cậu không nghĩ là ông ta sẽ trao cho cậu công việc đó ngay chứ?”

“Tôi cũng không biết mình nghĩ gì nữa”.

“Đừng lo, Uzi. Cậu sẽ nhận được việc này thôi”.

Navot ngừng xe lại tấp vào lề đường cách ga một dãy nhà.

“Anh sẽ nói tốt cho tôi tại đại lộ King Saul chứ, Gabriel? Amos thích anh”.

“Sao cậu có suy nghĩ này?”

“Tôi có thể thấy được điều đó”, cậu ta nói. “Mọi người ai cũng thích anh”.

Gabriel ra khỏi xe, lấy vali khỏi ghế sau và mất hút trong nhà ga. Navot chờ tại khúc cua năm phút sau giờ khởi hành theo lịch trình, sau đó lái xe hoà mình vào dòng xe cộ.

Căn hộ chìm trong bóng tối khi Gabriel về. Anh bật đèn halogen lên và cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy phòng vẽ của mình vẫn chưa bị đụng đến. Chiara đang ngồi trên giường khi anh bước vào phòng của họ. Tóc nàng mới gội và vén ra đằng sau bởi dây buộc bằng nhung. Gabriel tháo dây buộc ra và cởi nút áo ngủ của nàng. Bức tranh nằm kế bên họ khi họ làm tình với nhau. “Anh biết đấy”, nàng nói, “Hầu hết đàn ông trở về nhà từ Paris đều mang về khăn choàng cổ Hermès và nước hoa”.

Chuông điện thoại reo lúc nửa đêm. Gabriel trả lời trước khi chuông kịp đổ hồi thứ hai. “Tôi sẽ có mặt ở đó ngày mai”, anh nói sau một lát và cúp máy.

“Ai vậy?”. Chiara hỏi.

“Adrian Carter”.

“Ông ta muốn gì?”

“Ông ta muốn anh đến Washington ngay lập tức”.

“Có chuyện gì ở Washington vậy?”

“Một cô gái”, Gabriel đáp. “Carter đã tìm được cô gái”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.