Tương lai của một Ảo tưởng
Chương 06 ( Tiếp)
(Tạm tóm tắt các thuật ngữ phổ thông:
Thuyết lý – (Con người tin tưởng ra sao – có hay không, ở đâu – là gì? )
Pantheism 泛神論 phiếm thần luận
Panentheism 萬有在神論 vạn hữu tại thần luận
Deism 自然神論 tự nhiên thần luận
Theism 有神論 hữu thần luận
Atheism 無神論 vô thần luận
Tôn giáo – (thờ phụng, tôn sùng ra sao? nhiều hay chỉ một? Có các nghi thức khác nhau tùy văn hóa phát triển)
Polytheism 多神教;論,主義 đa thần giáo, luận, chủ nghĩa
Monotheism 一神教[論] nhất thần giáo [luận ]
henotheism 單一神教 đan nhất thần giáo
Henotheism – là chỉ tin một Gót, nhưng Gót ấy có nhiều dạng – thí dụ trinity trong Kitô – hay trimurty trong Hinduism với bộ ba Brahman – Shiva – Víshnu). Cả Yahweh và Indra đều nguyên thủy là những thần chiến tranh, hết sức tàn ác và hung dữ.
b. Khái niệm về Gót:
– Freud xem Gót là một phóng chiếu của thoả-mãn-ước mong về một người cha. Tương tự, Marx xem niềm tin vào Gót như thành quả, dựng lên từ cấu trúc của xã hội tư bản.
– Gót của các nhà thần học (Augustine, Boethius, Anselm), hay triết học (Descartes) – đã bị Freud phê bình:
“Những triết gia kéo căng ý nghĩa của những từ cho đến khi chúng giữ lại chẳng còn có bất cứ điều gì mang nghĩa lý ban đầu của chúng. Họ đem cái tên của “Gót” gán cho một số trừu tượng mơ hồ vốn họ đã tạo ra cho chính họ; sau khi làm như vậy, họ có thể đứng trước tất cả thế giới như họ là những người tin vào thần linh, như là những người tin vào Gót, và họ thậm chí có thể tự hào khoe khoang rằng họ đã nhận ra một khái niệm cao hơn, tinh khiết hơn về Gót, dù rằng Gót của họ bây giờ không là gì khác hơn là một cái bóng hư ảo, không thực chất và không còn có nhân cách vĩ đại đáng sợ của những học thuyết tôn giáo”
Diễn dịch ý của Freud – các nhà triết học và thần học dưới sức nặng của truyền thống văn hóa, và sự gắn bó tình cảm, cộng lẫn niềm tin tôn giáo lâu đời nên đã không thể nào bỏ được, hay không có can đảm công khai tuyên bố không tin vào Gót, đã tạo ra Gót-khái niệm. Trước “sự đã rồi” đó, họ đã tìm cách “gạn lọc” để giữ lại những gì có thể trông mong được chấp thuận. Gạn lọc những gì cho là “tinh tuý” nhất, “siêu nghiệm” nhất – bằng cách thay vì nói đến một nhân vật, một khuôn mặt; họ gắn các thuộc tính siêu hình (“metaphysical attributes”) vào Gót, thường là: giản lược, phi thời, bất biến và phi tình (simplicity, timelessness, immutability, and impassibility).
Nhưng vì Gót có thể nhìn nhận là, hay ít nhất đã là nhu cầu rồi sản phẩm của đời sống nhân loại, là những gì trần tục nhất, đầy những ham muốn thế gian, những gì hèn kém yếu đuối nhất của những tình cảm rất đỗi con người – nên trên hành trình tinh luyện đó – gột rửa “quá” sạch, nên kết quả là đã đi đến những gì trừu tượng nhất, mơ hồ nhất, sau khi bỏ mất hết thực chất, nên “Gót khái niệm” không còn sức mạnh quyến rũ quần chúng nữa. Những gì những nhà thần học rao giảng, luận bàn về Gót-khái-niệm đều tương tự cùng một loại như những lời phát biểu nhất thời của những người làm nghề MC giúp vui trong các tiệc tùng, đình đám, nhạc hội…
Với những người đã sẵn nghe chờ vui, hay sẵn tin, chờ thêm ý; nên khi họ nghe từng câu cũng có khi gặp dăm điều thú vị, hoặc dường như có chạm một ý thâm trầm nào đó; nhưng chỉ vụn vặt, chắp vá, nhất thời, không thành một toàn bộ có hệ thống chặt chẽ. Cũng như không ai đi chép nhặt những lời của bất kỳ một MC nào – để mong tìm trong đó một nhân sinh hay vũ trụ quan cho đời sống.
Những người đàn bà đầu quấn khăn, bịt gần hết mặt; toàn thân phủ áo dài chấm Gót; những người di dân mới đến từ Trung Đông, hay bắc Phi biến động. Tôi vô tình – trong lúc dạo tìm chỗ vắng – đột nhiên thấy dăm ba người quì trước lối mình đang đi; lúc 6 giờ, một chiều nay, phủ phục trong một góc chợ thưa người, dù đang ở bắc Mỹ, nhưng hướng về Mecca, đầu chạm nền đá, hết sức thành kính.
Hay những người khác gặp sáng cuối tuần, những người này có chỗ thờ phụng nguy nga, hẳn hoi rồi; lúc họ đương đi đến các synagogue, mosque, hoặc nhà thờ; y phục thuần đen, hay thuần trắng, nhưng đều trang trọng, đẹp đẽ. Gót của họ là một “nhân vật”, nếu hỏi họ – Gót ấy hết sức sống động trong “tâm linh”, nội tâm, trí tưởng, tình cảm của họ – là một khuôn mặt, một chân dung – một người “cha” đáng kính, và rất đáng sợ, và những người này trông mong nhận được yêu thương, bảo bọc, tha thứ, an ủi từ khuôn mặt đáng kính, đáng sợ đó. Khi họ ngâm nga lời kinh, phủ phục, làm dấu, đốt nến, rải hương,… Gót của họ – dù là ảo tưởng – nhưng là một “ảo tưởng” sống động.
Trở về những năm xưa của riêng tôi, 10 giờ đêm ở các khu thuần Kitô: Bùi Phát, Ông Tạ, Nghĩa Hòa, Tân Sa Châu – Saigon. Tất cả mọi nhà đều dừng hết mọi sinh hoạt, vì đó là giờ cầu kinh hằng đêm. Toàn gia đình, trọn xóm đạo – mọi người từ già đến trẻ, hết lòng thành kính trong những lời nguyện. Lúc ấy, những ngõ hẻm quanh co vắng tanh thành thênh thang, không ai qua lại, hết thanh niên tụ họp, hết trẻ con chơi đùa; mọi âm thanh, tiếng động, như những tiếng xe chạy, nhạc mở, radio hát, ti vi ồn ào trước đó giờ đều tắt ngấm; mọi người đều ở trong nhà mình, qua khe cửa khép, chỉ còn có giọng người rì rầm đồng xướng lúc ê lúc a, lúc bổng lúc trầm. Gót của những bà cụ răng đen, những ông lão tóc bạc, những trẻ em ngồi cạnh gối người lớn, là một “người Cha” cụ thể, hiện hình xương thịt trong tâm tưởng kính tín, để thờ chứ không phải chỉ để nghĩ.
Thế nên, Gót ‘khái niệm” của các triết gia, thí dụ Descartes, Kant, hay gần đây Paul Tillich, chẳng hạn, như một bông hoa ép khô – thường gặp nằm bất động, vô hồn giữa những trang sách – ở những cô cậu học trò thời mới lớn, tưởng biết yêu – dù vẫn là hoa nhưng đã mất hết hương, không còn nguyên sắc. Người ta giữ một đóa hoa khô, vì lịch sử của nó, hay ít nhất vì trước đó nó đã là một đoa hoa tươi đầy hương sắc, sống động.
Và trong ý hướng đương bàn ở đây, theo Freud – người ta có bàn về khái niệm Gót, vì trước đó – trong quá trình hình thành của lịch sử tôn giáo của con người – đã có một Gót mang hình người – một “người cha” đáng kính, “ông bố” đáng sợ, có từ sự phóng chiếu những khao khát, cầu mong – Cho đến nay và mãi mãi, Gót vẫn là chỗ hướng đến nào đó – để người ta có thể tin rằng từ cái nguồn đó, ơn có thể ban, phúc có thể phát, tội lỗi có thể xóa, đời sau tương lai có thể định đoạt… một khái niệm mà thôi – nó không thể nghe lời cầu nguyện, không thể ban ơn, không thể xóa tội, không thể hứa hẹn, không thể cứu rỗi, …
Dù là một “ảnh tượng” của những người quì giữ chợ – một “chân dung” treo trên tường thánh đường cao – hay một “ý tưởng” hay “khái niệm” trong não thức nhà triết học, dù hình dạng thay đổi – cho đến muôn mặt – những trước sau vẫn là nguồn đem lại an ủi, lắng nghe cầu nguyện thầm kín, cá nhân, riêng tư nhất, nên vẫn là một “nhân vật”. Đó là yếu tính của đạo Kitô – Freud đã chỉ ra hai đặc tính vốn nó duy nhất có: quan hệ “cha-con” trong “Gót-tín đồ” – với tình cảm “yêu nhưng sợ” của nó. Người ta thường quì xuống, ngước nhìn lên, lòng kính cẩn, sợ hãi.
“Gót người cha” có trước, rồi “Gót ý niệm” thuần khiết mới đến về sau; không phải ngược lại. Quá trình tạo ra Gót như thế là quá trình thăng hóa, không phải quá trình tục hóa. Thế nên, trong tôn giáo Kitô, ở quê hương của nó là phương Tây, đang có những vận động thay đổi. Nhìn theo những người theo thuyết tiến hóa về văn hóa – Gót là một “meme” – vẫn đang tiến hóa – chưa biết hình dạng sẽ ra sao. Nhưng với Freud ở đây, quá khứ – “ông bố” – “Gót-NgườiCha” mãi mãi vẫn còn đó, nếu chúng ta đi ngược về quá khứ tâm lý nhân loại – thấy chứng tích của nó cho thấy một thời kiến thức ấu trĩ, tâm lý thơ dại của của con người lịch sử mông muội
– và như thế rất nhiều câu hỏi đặt ra, với những ai vẫn không bỏ được khái niệm đó – nó có giá trị đến đâu? – có nên giữ nữa hay không – giữ lấy nó với giá nào? – và cho chúng ta, những người không có quá khứ văn hóa vốn bị nó ám ảnh đè nặng dày đặc cho đến ngộp thở như thế, trong một xã hội, nó chỉ mới được nhập cảng vốn đã không hề có chọn lựa tự do, hay bình đẳng về trí thức; nhưng chỉ tuyên truyền áp đặt một chiều với đủ mọi sức mạnh chính trị, kinh tế, và vốn nó vẫn còn là một thiểu số dù ồn ào đe dọa xã hội. Những câu hỏi cấp thiết – nó có đáng giữ hay không cho những người đã ở trong, và cho mọi người trong ngoài – nó có đáng lưu truyền quảng bá nữa hay không?
Hai khái niệm – Gót tạo ra vũ trụ từ hư không “ex nihilo”, nghĩa là Gót đứng ngoài thời gian, không gian, Gót không thuộc vũ trụ này – và trong tín ngưỡng (như Kitô), Gót có tương quan “cha-con” với tín đồ – thậm chí Gót còn cho “con” mình xuống trần chẳng hạn,… Những khái niệm này hoàn toàn không có, và tuyệt đối xa lạ với các khái niệm vẫn đã gắn sẵn với Trời, Thượng đế, Chúa,… có từ trước, trong văn hóa, tư tưởng Việt, nên “Gót” là Gót – tôi không dịch được, vì cho công bằng, không có từ Việt tương đương nào
– Trời của người Việt – gần với quan niệm Pantheism chung của nhân loại – Thượng đế, hay Chúa trời – nôm na thường hiểu và đúng thực như thế – là một ông vua trị vì trên thiên đình, là một vị chúa tối thương trên cao,… Vậy các từ này – vua trên trời cao, chúa trên trời – tương đương với ông vua, vị chúa dưới trần gian – nhưng chúng không mang những ý niệm kể trên – nhất là hai ý niệm hết sức đặc biệt – tạo thiên lập địa nhưng đứng ngoài thiên địa “ex nihilo” – và quan hệ chặt chẽ, cụ thể “cha-con” với con người.
Mượn Freud, chúng ta có thể nói “thượng đế” là sự phóng chiếu của một ông vua từ trần gian lên trời cao. Như thế, thượng đế với con người, cũng như vua với dân chúng, có tương quan khá xa, và ai có việc nấy, phép nước vua giữ, luật trời, trời lo, còn con người, những người Việt sau luỹ tre xanh của họ, có một “tiểu triều đình” với các ông lý ông xã lo việc làng, nên họ theo lệ làng. Trời của họ có lẽ gần với loài vật, nghĩa là với thiên nhiên (pantheism) – hơn với con người.
Nên chuyện đã kể rằng – khi trời quên không mưa – họ đã nhờ cóc lên hỏi. Như thế, trời của người Việt có loài cóc hiểu về ông ta nhiều hơn – nó biết ý ông vua trên cao ấy – Thượng đế – nên người ta dạy trẻ con nên để ý – khi thấy nó nghiến răng (đó là nó sửa soạn sắp được một bữa ăn no nê – khi côn trùng bay ra trước cơn mưa bão sắp đến) – là nó báo “trời” sắp mưa.
Với tâm lý thực tiễn và hiểu biết thô thiển nhưng rất duy vật và duy nghiệm của người Việt, chúng ta biết con cóc có “họ hàng” với Trời của chúng ta – ông Trời, nếu dùng danh xưng cho văn vẻ, Thượng đế – gọi nó bằng cậu – vậy là Thượng đế có họ về bên ngoại với loài cóc. Chưa kể cóc và các bạn của nó – toàn là các con vật thông thường – có thể ”náo loạn” nhà trời đã không mấy khó khăn, vậy Trời của người Việt cũng không ghê gớm gì cho lắm!.
Trước đây – khi dịch Russell – Có Gót hay không – Tôi đã băn khoăn, không thể dịch Gót thành Thượng đế như các nhà truyền đạo Kitô mong muốn, vì lý do học thuật (có lẽ họ cũng có người đã từng băn khoăn như tôi – nên đã có cố gắng ban đầu dịch là “thiên chủ”, chứ không là “thượng đế”). Thế nên, tôi đề nghị và giữ nguyên từ “God” – đọc là “Gót” – thay vì dịch là Thượng Đế (Trời, Tạo Hóa), hay xa hơn chúa Trời – vì cả hai từ này – và tất cả các từ tương tự khác có trong Việt, hay Tàu – đều không hề có chứa khái niệm ”Ex nihilo” (Latin, “out of nothing”) – là khái niệm chủ yếu trong nội dung từ “God” của các tôn giáo Abraham, như đã nói trên.
Trong tư tưởng phương Tây, God tạo ra vũ trụ từ hư không, chủ thể này, nếu giả định là có đi nữa, thì ở ngoài vũ trụ này. Trong khi đó, ở phương Đông, Tàu, Ấn và Việt, các vị như Trời, Thượng đế, Brahman,… đều ”thuộc” vào vũ trụ này, ở trong vũ trụ này cùng với con người, dù khác biệt gì gì đi nữa – Nếu gọi vũ trụ này là một tập hợp U (Universal set) – God không phải là một phần tử của U – theo định nghĩa của tôn giáo phương Tây. Còn Trời, Thượng đế, Thiên đế, Brahman,…đều là phần tử – dù đặc biệt – của tập hợp vũ trụ U này ”.
Trở lại với ”ảo tưởng” của Freud, với ”cháu gọi cóc bằng cậu” vẫn có của người Việt, nên tôi không dịch Gót là Trời, hay Thượng đế. Đó không chỉ là công bằng nhưng còn là kính trọng.
Những nhà phê bình vẫn dai dẳng trong việc mô tả như là “có lòng tin tôn giáo sâu sắc” cho bất cứ một ai là người thừa nhận một cảm giác vô nghĩa hoặc bất lực của con người khi đối mặt với vũ trụ, mặc dù những gì tạo nên yếu tính của thái độ tôn giáo không phải là cảm giác này, nhưng chỉ là bước tiếp theo sau nó, phản ứng với nó vốn là tìm một phương thuốc cho nó. Con người nào không đi xa hơn, nhưng khiêm nhường mặc nhận vào cái phần nhỏ nhoi mà con người đóng vai trong thế giới – một con người như vậy, trái lại, là một kẻ phi tôn giáo trong ý nghĩa đúng thực nhất của từ này.
Đánh giá thẩm định giá trị-đúng thực của những giáo lý tôn giáo không nằm trong phạm vi của cuộc điều tra này. Đó là đủ cho chúng ta rằng chúng ta đã nhận ra chúng như chúng là những ảo tưởng, trong bản chất tâm lý của chúng. Nhưng chúng ta không phải che giấu một sự kiện là điều khám phá này cũng ảnh hưởng mạnh mẽ vào thái độ của chúng ta với câu hỏi vốn nó phải xuất hiện với nhiều người là quan trọng nhất của tất cả những câu hỏi. Chúng ta biết vào khoảng những thời kỳ nào, và những giáo lý tôn giáo đã được tạo ra bởi những người thuộc loại gì.
Nếu thêm vào đó, chúng ta khám phá ra những động cơ đã dẫn đến việc này, thái độ của chúng ta đối với vấn đề tôn giáo sẽ trải qua một chuyển dịch rõ rệt. Chúng ta sẽ bảo với bản thân rằng nó sẽ là rất đẹp nếu như có một Gót đã tạo ra thế giới, và đã là một đấng bảo trợ linh thiêng nhân từ, và nếu như đã có một trật tự đạo đức trong toàn vũ trụ, và có một đời-sau, nhưng nó là một sự kiện trỗi bật rất đáng chú ý là tất cả những điều này là chính xác như chúng ta rồi chắc chắn sẽ mong muốn cho nó được là.
Và nó sẽ là đáng chú ý còn hơn nữa, nếu những tiền nhân của chúng ta thuở vẫn còn bất hạnh khốn khổ, dốt nát ngu tối, và bị đè nén áp bức mà đã thành công trong việc giải quyết tất cả những câu đố hiểm hóc khó khăn của vũ trụ.
Lê Dọn Bàn tạm dịch
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.