Viên Ngọc Của Hoàng Đế

CHƯƠNG 4: NGƯỜI PHỤ NỮ CHE MẶT GẶP KẺ GIẢ DANH LÀ VÕ SƯ



Địch công lấy ngựa phi về phía nam. Đông đảo dân chúng trở về nhà sau buổi lễ hội. Họ không nhận ra Địch công trong trang phục của dân thường. Một lúc sau ông đến cầu Đá. Qua cầu, Địch công nhìn thấy vô số thuyền buồm đang neo đậu ở hai bờ sông. Nơi họp chợ, đèn lồng thắp sáng trưng. Địch công gửi ngựa, vẫn không ai nhận ra quan Án sát. Ông đi về phía đông người để thu thập thêm tin tức. Dưới rặng cây cao bên bờ sông, một chiếc miếu nhỏ với các cột sơn trẩu. Địch công theo những người đang bước lên các bậc đá dẫn đến ngôi miếu. Họ ném vào một khúc gỗ rỗng đặt trước miếu vài đồng tiền. Vừa ném tiền vào khúc gỗ, Địch công vừa tò mò quan sát phía trong ngôi miếu. Một người bõ già rót dầu vào chiếc đèn treo trên xà trước bàn thờ. Trên bàn thờ là một bức tượng to như người thật: đó là Nữ thần Sông (hay còn gọi là Bạch thần) ngồi khoanh chân trên bệ cao. Cặp mắt Nữ thần như nhìn Địch công qua đôi mí mắt khẽ mở, và trên môi có bóng dáng một nụ cười.
Là một môn đồ của Khổng Tử nên Địch công rất coi trọng việc thờ cúng các thần thánh dân gian. Tuy nhiên nụ cười của Nữ thần chứa đựng một điều gì lo lắng. Ông nhún vai, bực bội quay xuống phía bờ sông. Một hiệu cắt tóc cửa ra vào nhìn ra sông. Khi vào trong hiệu cắt tóc, Địch công nhìn thấy một phụ nữ cũng rẽ đám đông đi vào. Người ấy mặc áo the đen và một khăn the đen che kín khuôn mặt. Chắc không phải là một gái làng chơi, vì cách đi đứng và kiểu ăn mặc rất chững chạc. Bỏ mũ ra Địch công tự hỏi không hiếu vì lý do gì mà người phụ nữ ấy lại đi một mình giữa lúc đêm khuya?
Địch công chỉ dẫn cho người thợ cạo cắt tóc, sửa râu theo ý thích của ông. Anh ta vừa làm, vừa chuyện trò với khách:
– Xin được hỏi quý khách từ đâu đến?
– Tôi là một võ sư ở quận bên – Địch công hiểu rõ nghề võ sư rất được dân chúng kính nể, và họ thường rất cởi mở với các võ sư – Tôi về Kinh để thăm bố mẹ tôi. Hôm nay chắc bác kiếm được vì có rất đông người đến xem đua thuyền?
– Đâu có! Họ chú ý đến nhiều chuyện khác, đâu có nghĩ đến cắt tóc, sửa râu. Ông có thấy quán ăn ở bờ bên kia không? Ông Biện và ông Khấu đã thết đãi các đội đua, bố mẹ, bạn bè của hai ông, và cả những người bạn của bạn họ. Tội gì bỏ ra vài xu để cắt tóc, trong khi được mời ăn, mời uống không mất tiền?
Võ sư giả danh gật đầu đồng tình. Ông liếc mắt nhìn người phụ nữ mặc quần áo đen, lúc này đứng trước lan can cửa hiệu cắt tóc. Cũng có thể là một gái làng chơi chờ ông ra để bám theo? Ông nói với người thợ cắt tóc.
– Tôi chỉ thấy có mấy người hầu bàn ở quán bên đó. Chắc họ phải tối mày tối mặt vì quá đông khách. Đâu phải chỉ có chín đội đua thuyền!
– Đúng vậy đó! Ông có thấy chiếc bàn ở cuối phòng không? Họ đã phải đặt sáu chum rượu lớn để ai muốn uống thì cứ đến đó mà rót. Và bên cạnh là hai chiếc bàn chất đầy thức ăn thoải mái chọn lựa. Tôi có hai người bạn là tay chèo nên tôi cũng lọt vào đó được để ăn uống tuỳ thích. Rượu và thức ăn đều là hảo hạng cả! Những người hầu bàn và chủ quán đều tiếp đón khách một cách chu đáo. À, ông có muốn gội đầu không?
Địch công lắc đầu. Ông thợ cạo nói tiếp:
– Giờ thì khách uống đến tận nửa đêm, mặc dù lúc này khách phải trả tiền. Có một tai nạn trong cuộc đua: người đánh chiêng thuyền rồng số 9 đã chết. Mọi người đều vui mừng về chuyện đó Nữ thần Sông – Bạch thần – đã nhận cống lễ, vậy là mùa màng tháng tám này sẽ bội thu.
– Thế ông tin chuyện Bạch thần à?
– ô không, thưa khách quý. Tin và không tin có cả. Nghề của tôi thì đâu có phụ thuộc vào sông ngòi, vào mùa màng. Tuy vậy, tôi không bao giờ đến khu Rừng Cây thuốc ở phía kia kìa (thợ huơ chiếc kéo về phía đó). Chỗ ấy thường xảy ra nhiều chuyện lôi thôi, phiền phức lắm.
– Tôi cũng vậy! Và ông cũng đừng huơ chiếc kéo sát mũi tôi như thế! Thôi, tốt rồi! Hết bao nhiêu tiền?
Địch công trả tiền, đội mũ đi ra.
Người phụ nữ trang phục đen đến bên Địch công ngay và nói một cách tự tin:
– Tôi muốn nói chuyện với ông.
Địch công đưa cặp mắt xoi mói nhìn người phụ nữ. Giọng nói quý phái, đầy vẻ tự tin của một con người thuộc xã hội thượng lưu. Bà ta nói luôn:
– Vừa rồi tôi nghe ông nói ông là một võ sư. Tối nay tôi có một việc nhỏ nhờ ông.
Địch công nói, để thăm dò bà ta:
– Tôi thường đi đây đi đó, và mỗi chuyến đi khá tốn tiền đấy! Có thêm ít tiền thì cũng tốt thôi!
– Thế thì hãy đi theo tôi.
Người đàn bà đến ngồi trên một phiến đá phẳng bên bờ sông. Địch công ngồi trước mặt bà ta. Bỏ chiếc mạng che mặt, đôi mắt to sáng long lanh của bà ta nhìn Địch công. Đó là một phụ nữ khoảng hai mươi lăm tuổi rất đẹp: khuôn mặt trái xoan, không son phấn, miệng nhỏ và cặp môi hồng đỏ. Sau một lúc quan sát Địch công, bà ta nói tiếp:
– Tôi tin ông là một người chân thật, không có ý đồ xấu. Việc tôi nhờ ông cũng giản đơn thôi! Tôi nhận lời gặp một người tại một ngôi nhà bỏ hoang để bàn về một việc mua bán. Ngôi nhà ấy ở gần Rừng Cây thuốc. Đi bộ tới đó mất khoảng nửa tiếng. Nhưng khi hẹn, tôi lại quên mất là hôm nay có hội đua thuyền rồng, nên ngại tới đó một mình trong lúc có đủ loại người xấu xa loanh quanh ở đây. Vì vậy tôi muốn ông đi cùng để ngăn chặn bọn chúng. Chỉ cần ông đưa tôi đến cổng nhà đó là xong việc – Bà rút từ tay áo ra một thoi bạc đưa Địch công – Tôi sẵn sàng gửi ông tiền công.
Địch công thầm nghĩ là cần phải biết việc mua bán ấy. Ông đứng dậy, lạnh lùng nói:
– Tôi đâu thích kiếm tiền một cách dễ dàng. Tôi là một võ sư nổi tiếng nên tôi từ chối làm đồng loã cho một vụ mua bán mờ ám!
Người đàn bà bực bội nói:
– Sao ông lại nói với tôi như vậy? Đây là việc mua bán hoàn toàn trong sáng. Ông hãy tin lời tôi.
– Nếu bà muốn tôi giúp thì bà hãy nói rõ hơn cho tôi biết.
– Ông hãy ngồi xuống. Thời gian thì gấp, nhưng tôi cũng nói để ông rõ. Sự lo ngại của ông chứng tỏ nhận định của tôi: ông là một người tốt và chín chắn, là đúng. Ông hãy nghe đây: tôi được giao nhiệm vụ tối nay ngã giá về một vật có giá trị rất lớn. Hai bên đã đồng ý về giá cả, và việc này phải được giữ bí mật tuyệt đối. Nhiều người khác cũng muốn mua vật đó, và chủ nhân của vật đó cũng không muốn người khác biết. Ông ta đang chờ tôi ở ngôi nhà bỏ hoang từ nhiều năm nay – một nơi chắc chắn, để trao đổi số tiền khá lớn.
Địch công nhìn vào tay áo phồng căng của người đàn bà, và hỏi:
– Bà làm ra vẻ để tôi tin là một phụ nữ đi một mình mà dám mang theo một số tiền lớn à?
Bà ta không nói gì, chỉ rút từ tay áo ra một gói vuông đưa cho Địch công. Sau khi quan sát thấy không có ai ở gần, Địch công cởi dây gói lụa và sửng sốt thấy mười thoi vàng trong đó. Đưa trả lại gói vàng, Địch công hỏi:
– Bà là ai?
– Ông đã thấy là tôi hoàn toàn tin tưởng ông – Giọng người phụ nữ bình thản, bà cho gói vàng vào tay áo – Và tôi mong ông sẽ giúp tôi – đưa thoi bạc cho Địch công – Ta thoả thuận như thế nhé!
Địch công gật đầu và nhận tiền. Qua câu chuyện với người thợ cạo, ông hiểu là ở đây không thế tìm ra một dấu vết nào về cái chết của Đồng Mai. Mọi người trong bữa chén đó đều có thể cho thuốc độc vào rượu của anh ta. Ngày mai, qua việc tìm hiểu ở những nơi Đồng lui tới, may ra có thế biết được động cơ của vụ mưu sát. Trong lúc chờ đợi thì cứ làm theo yêu cầu của người phụ nữ lạ mặt, để có thế khám phá ra một vụ việc khác. Hai người đi về phía chợ, Địch công nói:
– Tốt nhất là tôi phải mua một chiếc đèn bão.
Người đàn bà sốt ruột nói:
– Tôi thuộc mọi ngõ ngách toà nhà đó như thuộc lòng bàn tay tôi rồi.
– Tôi thì không. Và lúc về thì tôi phải đi một mình.
Địch công dừng lại trước cửa hàng bán đèn, mua một chiếc đèn phết bằng giấy dầu, buộc vào một cây que. Địch công hỏi, khi hai người lên đường đi tiếp:
– Người đàn ông mà bà hẹn gặp, đến ngôi nhà bỏ hoang bằng cách nào?
– Ông ta đã sống ở đó hồi trước. Lúc về ông ta sẽ đưa tôi về. Chắc ông lo cho tôi sau khi xong việc?
Khi hai người đi vào con đường mờ tối dẫn đến khu rừng, họ thấy một toán du thủ du thực đang đùa nghịch với mấy ả gái điếm. Bọn chúng vội im bặt khi nhìn thấy dáng to cao của Địch công.
Đi thêm một quãng, người phụ nữ quặt vào một con đường nhỏ, hai bên cây cối mọc san sát. Có hai tên lang thang, mặt mày dữ tợn, vội lảng ngay trước dáng vẻ một võ sư thiện nghệ của Địch công. Ông tự nhủ “Mình mà không đi cùng thì bà này chắc sẽ gặp rắc rối. Thật cũng đáng tiền công đấy chứ! ”
Không còn nghe thấy tiếng ồn ào của khu chợ, chỉ thỉnh thoảng tiếng chim đi ăn đêm rộ lên. Con đường nhỏ xuyên qua một khu rừng thấp, đôi chỗ mới có ánh trăng lọt qua vòm lá dày đặc.
Người phụ nữ chỉ một cây thông xù xì, nói:
– Ông hãy nhận rõ cây thông này. Khi ra về, ông rẽ bên trái, và cứ thế mà đi tiếp.
Con đường nhỏ hẹp dần và biến mất dưới các bụi cỏ cao dày. Người phụ nữ rất quen thuộc lối đi, còn Địch công luôn bị vấp. Địch công hỏi:
– Vì sao ngôi nhà ta đến lại bị bỏ hoang?
– Dân ở đây tin là nơi đó có ma, vì ở gần Rừng Cây thuốc. Chắc là tên thợ cạo lắm mồm đã cho ông biết. Ông sợ à?
– Cũng như mọi người thôi!
– Thế thì tốt. Ông hãy im lặng. Ta sắp tới rồi!
Đi một quãng nữa, người phụ nữ dừng lại, chỉ một điểm trước mặt. Ớ đó, cây cối thưa dần, ánh trăng đã rõ hơn. Địch công nhìn thấy một chòi gác ở bên trái, và bên phải là một bức tường cao. Nắng gió đã làm mái ngói chiếc chòi xô lệch, cánh cổng to xù thì mốc meo, mối mọt. Người phụ nữ bước lên tam cấp và khẽ đấy cánh cửa, nói nhỏ với Địch công, trước khi vào trong nhà:
– Xin hết lòng cảm ơn và xin vĩnh biệt!
Địch công quay trở lại, nhưng khi khuất sau bụi cây, ông dừng bước. Đặt chiếc đèn xuống đất, ông vén tà áo giắt vào thắt lưng, và xắn tay áo. Xong, cầm chiếc đèn lên, ông quay lại chòi gác, tìm một chỗ kín đáo để có thế nhìn thấy họ mà không bị phát hiện. Nếu là một việc mua bán lương thiện thì ông sẽ quay về ngay, ngược lại thì ông cần phải biết lai lịch của họ và buộc họ phải nói sự thật. Ông nhận thấy nhiệm vụ không dễ dàng như ông tưởng, cấu trúc của ngôi nhà thật khác thường: đáng lý sau chòi gác là một cái sân, nhưng lại là một đường hầm mờ tối. Ông tắt đèn, và dùng tay lần theo tường đường hầm mốc meo, tiến về phía có ánh đèn.
Qua đường hầm tới một sân rộng bỏ hoang, cỏ mọc khắp nơi, các phiến đá lát nhiều chỗ bị vỡ nát. Phía cuối sân là toà nhà chính, mái đã bị sệ một góc, nổi bật lên dưới ánh trăng.
Địch công đi qua sân và bất chợt dừng lại. Hình như ở bên phải có tiếng động? Có lẽ là lối đi về phía đông toà nhà. Ông lọt nhanh về phía đó và lắng nghe. Có tiếng nói nhỏ từ một lầu tứ giác ở phía bên kia khu vườn nhỏ đầy cỏ hoang. Chiếc lầu trông còn vững chắc, cửa ra vào, cửa số đều khép kín, nhưng phía trên cửa ra vào có một cửa chớp nhỏ mở toang: tiếng nói vang ra ngoài qua lối đó.
Địch công suy tính rất nhanh. Tường bao quanh ngôi nhà bên tay trái chỉ cao hơn một thước nên nhìn rất rõ các cây cao to ở phía ngoài. Tường bao bên phải thì cao hơn nhiều. Nếu trèo lên tường bao bên trái thì có thế nhìn qua cửa sổ trên cửa ra vào, biết phía trong ngôi nhà và nghe được tiếng người nói ở trong đó.
Ông chọn chỗ thuận lợi để trèo lên tường bao phía bên trái, nhưng khi leo được lên tường thì một đám mây che khuất mặt trăng, không gian tối sẫm lại. Ông đành bò vội đến gần cửa ra vào và bất chợt nghe rõ tiếng người phụ nữ:
– Tôi chỉ nói khi được biết vì sao anh lại ở đây?
Tiếng một nam giới chửi thề, rồi có tiếng vật lộn, và tiếng thét của phụ nữ:
– Không được chạm vào đó!
Đúng lúc này một mảng tường trên đó Địch công đang nằm bị sụt, gạch vữa lả tả rơi xuống đất. Địch công mãi mới tìm được chỗ bíu vào để lấy lại thăng bằng thì nghe thấy tiếng người phụ nữ kêu thét lên. Sau đó là tiếng mở cửa và tiếng bước chân vội vã bước ra ngoài. Địch công nhảy từ trên tường xuống một bụi cây lúp xúp, và lớn tiếng ra lệnh:
– Tất cả đứng yên tại chỗ! Lính của ta đã bao vây khu nhà!
Đó là một mẹo bất chợt đến với Địch công, nhưng vẫn không cản được bước chân của kẻ chạy trốn. Địch công cố gượng đứng dậy và nghe thấy phía xa tiếng cành cây bị bẻ gãy. Kẻ chạy trốn đã thoát khỏi khu nhà và chạy vào rừng.
Địch công quay nhìn về phía cửa gian phòng: cánh cửa mở toang, ông nhìn thấy một cây nến chiếu sáng gian phòng. Người phụ nữ áo khăn đen nằm sóng sượt trên nền nhà. Địch công chạy vội vào phòng: một con dao cắm giữa ngực người phụ nữ. Ông ngắm nhìn bộ mặt bất động: bà ta đã chết.
Địch công buồn bã lẩm bẩm:
– Bà ta trả công để được bảo vệ, thế mà ta đã để tên đó giết chết bà ta…
Người đàn bà đã tự vệ, vì tay phải còn nắm chuôi một con dao dính máu. Nhiều vệt máu kéo đến cửa ra vào. Địch công tìm trong tay áo người phụ nữ: gói vàng không còn nữa, chỉ thấy hai chiếc khăn tay và một hoá đơn đề tên: “Bà Diên Hương, ở nhà ông Khấu”. Địch công lại nhìn bộ mặt xanh xám bất động của người chết, và nhớ lại điều mà ông được biết: Bà cả của ông Khấu bị mắc một bệnh không thể chữa được từ nhiều năm rồi, và ông đã lấy một phụ nữ trẻ làm vợ hai. Chắc chắn người này là vợ hai của ông Khấu. Sao lão ngu ngốc này lại đồng ý cho bà ta đi một mình để mua một vật cố rất có giá trị cho bộ sưu tầm của lão ta? Chắc là mưu đồ của một tên khốn kiếp nhằm cướp lấy số vàng!
Địch công đứng dậy, thở dài và nhìn xung quanh. Ông chợt rướn mày ngạc nhiên: ngoài chiếc ghế, gian phòng cũng chỉ có một chiếc giường tre, chả còn một vật dụng gì khác. Trần nhà và tường mới được sửa lại, cửa số được lắp thêm các chấn song bằng sắt. Cửa ra vào bằng ván dày, có treo một ổ khoá. Thật là khó hiểu, Địch công thắp đèn, đi ra vườn để đến toà nhà chính.
Các gian phòng ở đó đều tối tăm, ẩm ướt, và không có đồ đạc gì cả. Trên cao ở bức tường cửa chính có khắc chữ: “Biệt thự dòng sông” dưới là chữ: Đồng Khoan. Địch công tiếp tục xem xét toà nhà. Ớ hành lang, ba bốn con dơi bay quanh ông và ngọn đèn, vài con chuột to xù vội chạy trốn, còn thì im lặng hoàn toàn.
Địch công quyết định rời khỏi đây và trở lại cầu Đá, sẽ không quên mang theo hai con dao và báo cho trưởng làng đến đây mang xác bà Khấu về quận lỵ.
Trăng lại ló ra, khi Địch công đến khu vườn rào kín. Bất chợt ông sững lại: qua ánh đèn ông nhìn thấy ở phía tường thấp sát khu rừng có một người đang đi không gây ra tiếng động nào, chỉ thấy mớ tóc bù xù của người đó. Người này đi xa dần toà nhà, và không nhận ra Địch công đang rảo bước đi theo. Im lặng, Địch công đến sát bức tường; vượt qua tường thấp và rơi xuống một hố đầy cỏ dại. Ông lanh lẹn đứng lên và nhìn kỹ tứ phía: chả có bóng dáng một người nào cả! Ông ngước mắt nhìn lên và bất chợt rùng mình sợ hãi: trên bờ tường, cái đầu bù xù cứ từng bước tiến thắng. Nín thở, ông nhìn theo vật quái gở ấy. Thế rồi, ông cười vui và thở phào. Ánh trăng đã làm ông bị mắc lừa: đó chỉ là một túm cỏ do một con vật gì mang ở trên lưng.
Đứng thẳng lên, ông nhấc túm cỏ và thấy một con rùa. Con rùa nhỏ nhìn ông như trách móc, rồi nó rụt đầu và co chân vào trong mai.
Địch công nói oang oang:
– Thái độ khôn khéo đấy! Trong trường hợp nào đó, ta cũng muốn bắt chước ngươi, cô rùa bé bỏng ạ!
Được nói tự nhiên, Địch công thấy không khí nơi bí hiểm này bớt đi phần u uất. Ông đưa mắt ngại ngùng nhìn khu Rừng Cây thuốc ở gần đó: nơi Nữ thần Sông ngự trị. Cả khu rừng nằm im, bất động dưới ánh trăng.
– Chỗ này không thích hợp với chúng ta, rùa ạ! Hãy đi với ta. Ta đang tìm một con gì đó cho vườn của ta. Nữ Bạch thần đâu biết được sự vắng mặt của mi.
Địch công thận trọng bọc con rùa vào khăn tay và cho vào tay áo. Ông quay lại nơi bà Khấu bị giết, rút con dao găm ở ngực bà ta ra, và gói cả hai con dao thu được vào khăn tay thứ hai.
Khi trở ra, ông xem xét cấn thận hành lang và bức tường bao bọc khu nhà. Chủ nhân ngôi nhà đã củng cố hành lang bảo vệ để phòng trộm cướp. Đường quay về cầu Đá không gặp khó khăn gì cả. Khu chợ vẫn còn đông người vui chơi, dù đã khuya. Địch công tìm đến trưởng làng và ông ra lệnh:
“Mang xác bà Khấu về nha phủ. Cử mười hai tuần đinh đến canh gác suốt đêm ngôi nhà bỏ hoang”.
Sau đó, Địch công lên ngựa trở về nha phủ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.